Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 386/2021/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 26 tháng 4 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2033

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008; Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Xét Tờ trình số 29/TTr-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2033; Báo cáo số 159/BC-HĐND ngày 11 tháng 4 năm 2021 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2033; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2033, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Đối tượng hỗ trợ

Trường mầm non ngoài công lập được thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh (không bao gồm phường thuộc các thành phố) trong thời gian từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2023.

2. Điều kiện hỗ trợ

2.1. Trường mầm non ngoài công lập được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động.

2.2. Trường mầm non đảm bảo quy mô về số trẻ, diện tích đất tối thiểu theo quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; cụ thể:

a) Quy mô tối thiểu: 50 trẻ đối với vùng nông thôn, miền núi và 100 trẻ đối với vùng thành phố, thị xã;

b) Diện tích đất tối thiểu: 8m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã; 12m2/trẻ đối với khu vực nông thôn, miền núi.

2.3. Trường mầm non phải có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu giáo dục và chăm sóc trẻ.

2.4. Trường mầm non (chủ đầu tư) phải thực hiện đầy đủ các chính sách: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn cho cán bộ quản lý, giáo viên và người lao động theo quy định hiện hành.

2.5. Cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non được thụ hưởng chính sách phải đảm bảo tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành của pháp luật. Số lượng người được thụ hưởng: Áp dụng theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh về định mức bình quân số trẻ/lớp và định mức cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh.

3. Nội dung và mức hỗ trợ

3.1. Hỗ trợ kinh phí cho chủ đầu tư của các trường mầm non ngoài công lập để trả lương cho cán bộ quản lý, giáo viên.

a) Đối với các trường mầm non thuộc các xã miền núi:

- Thời gian hỗ trợ: 10 năm (kể từ khi trường được thành lập và đi vào hoạt động).

- Mức hỗ trợ: 05 năm đầu hỗ trợ hàng tháng bằng 100% lương bậc 1 theo trình độ chuyên môn được đào tạo (cao đẳng, đại học); 05 năm tiếp theo giảm dần theo từng năm lần lượt bằng 80%, 60%, 40%, 20%, 10% lương bậc 1 nêu trên, số cán bộ quản lý, giáo viên được hỗ trợ hàng năm được tính theo số trẻ hiện có của nhà trường tại thời điểm kết thúc học kỳ I.

b) Đối với các trường mầm non thuộc thị trấn miền núi và các xã đồng bằng, ven biển thuộc huyện, thị xã, thành phố:

- Thời gian hỗ trợ: 06 năm (kể từ khi trường được thành lập và đi vào hoạt động).

- Mức hỗ trợ: 03 năm đầu hỗ trợ hàng tháng bằng 100% lương bậc 1 theo trình độ chuyên môn được đào tạo (cao đẳng, đại học); 03 năm tiếp theo giảm dần theo từng năm lần lượt bằng 70%, 50%, 30% lương bậc 1 nêu trên, số cán bộ quản lý, giáo viên được hỗ trợ hàng năm được tính theo số trẻ hiện có của nhà trường tại thời điểm kết thúc học kỳ I.

c) Đối với các trường mầm non thuộc thị trấn của các huyện đồng bằng, ven biển và các phường của thị xã:

- Thời gian hỗ trợ: 03 năm (kể từ khi trường được thành lập và đi vào hoạt động).

- Mức hỗ trợ: Năm đầu hỗ trợ hàng tháng bằng 70%, năm thứ 2 bằng 50%, năm thứ 3 bằng 30% lương bậc 1 theo trình độ chuyên môn được đào tạo (cao đẳng, đại học). Số cán bộ quản lý, giáo viên được hỗ trợ hàng năm được tính theo số trẻ hiện có của nhà trường tại thời điểm kết thúc học kỳ I.

3.2. Hỗ trợ kinh phí cho chủ đầu tư của các trường mầm non ngoài công lập để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn (thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư đóng cho người lao động) cho cán bộ quản lý, giáo viên:

a) Đối với các trường mầm non thuộc các xã, thị trấn miền núi và các xã đồng bang, ven biển thuộc huyện, thị xã, thành phố:

- Thời gian hỗ trợ: 05 năm (kể từ khi trường được thành lập và đi vào hoạt động).

- Mức hỗ trợ: 500.000đ/người/tháng. Số cán bộ quản lý, giáo viên được hỗ trợ hàng năm được tính theo số cán bộ quản lý, giáo viên được hỗ trợ lương.

b) Đối với các trường mầm non thuộc thị trấn của các huyện đồng bằng, ven biển và các phường của thị xã:

- Thời gian hỗ trợ: 03 năm (kể từ khi trường được thành lập và đi vào hoạt động).

- Mức hỗ trợ: 500.000 đ/người/tháng. Số cán bộ quản lý, giáo viên được hỗ trợ hàng năm được tính theo số cán bộ quản lý, giáo viên được hỗ trợ lương.

4. Quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện

4.1. Lập, thẩm định, phê duyệt danh sách các đơn vị đủ điều kiện hỗ trợ

a) Khi có đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này; chủ đầu tư lập 02 bộ hồ sơ xin hỗ trợ gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố.

Hồ sơ xin hỗ trợ bao gồm:

- Đơn xin hỗ trợ của chủ đầu tư;

- Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng trường mầm non ngoài công lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Quyết định cho phép thành lập trường mầm non ngoài công lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố;

- Quyết định cho phép trường mầm non ngoài công lập hoạt động của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố;

- Danh sách cán bộ quản lý, giáo viên của trường đã ký hợp đồng lao động với chủ đầu tư. Trong danh sách thể diện rõ chức danh nghề nghiệp, số người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn theo quy định (có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện đối với những người tham gia đóng bảo hiểm và xác nhận của Liên đoàn Lao động cấp huyện đối với người đóng công đoàn phí);

- Danh sách các cháu nhà trẻ, mẫu giáo các lớp của nhà trường tại thời điểm kết thúc học kỳ 1;

- Báo cáo thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học của nhà trường.

b) Trước ngày 30 tháng 4 hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư các trường mầm non ngoài công lập tổng hợp danh sách và lập hồ sơ các trường mầm non thuộc đối tượng hỗ trợ, gửi Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định điều kiện được hỗ trợ của các đơn vị thuộc đối tượng hỗ trợ.

Căn cứ khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết này, cơ quan thẩm định có trách nhiệm kết luận trường mầm non đủ hoặc không đủ điều kiện được hỗ trợ; số lượng cán bộ quản lý, giáo viên đủ điều kiện được hỗ trợ của từng trường, lập danh sách trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trường hợp trường mầm non hoặc cán bộ quản lý, giáo viên không đủ điều kiện cơ quan thẩm định phải thông báo và nêu rõ lý do để Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thông báo cho các nhà trường.

Hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt gồm:

- Tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc đề nghị phê duyệt danh sách trường mầm non và cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non đủ điều kiện được hỗ trợ;

- Danh sách trường mầm non và cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non đủ điều kiện được hỗ trợ.

- Văn bản thẩm định của Sở Giáo dục và Đào tạo.

d) Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách trường mầm non và cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non đủ điều kiện được hỗ trợ làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập dự toán kinh phí hỗ trợ.

4.2. Lập, thẩm định và phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ

a) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày phê duyệt danh sách trường mầm non và cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non đủ điều kiện được hỗ trợ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm lập dự toán hỗ trợ kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình dự toán kinh phí hỗ trợ của các huyện, thị xã, thành phố; Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định dự toán kinh phí hỗ trợ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

c) Trước ngày 30 tháng 7 hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và phân bổ kinh phí hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để chi trả cho chủ đầu tư trường mầm non ngoài công lập đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định.

Căn cứ quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và phân bổ kinh phí hỗ trợ hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chi trả trực tiếp cho chủ đầu tư trường mầm non ngoài công lập đủ điều kiện hỗ trợ thuộc địa bàn quản lý và thanh quyết toán theo quy định.

5. Thời gian thực hiện chính sách: Từ năm 2021 đến hết năm 2033.

6. Nguồn kinh phí hỗ trợ: Kinh phí thực hiện chính sách được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong dự toán ngân sách cấp tỉnh hàng năm.

7. Đối với các trường mầm non ngoài công lập đang được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục được hường theo thời gian đã quy định.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật hiện hành để tổ chức triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 26 tháng 4 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 06 tháng 5 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2; Điều 3;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính;
- TTr HĐND; UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Đỗ Trọng Hưng