Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2016/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 09 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Xét Báo cáo số 346/BC-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016

Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành những nội dung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 tại Báo cáo số 346/BC-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 2. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo sự chuyển biến trong thực hiện các chương trình đột phá, tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác toàn diện với các địa phương giáp biên của nước láng giềng.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

a) Chỉ tiêu kinh tế

Phấn đấu Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá so sánh 2010) tăng 8% trở lên;

GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 2.500 USD;

Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP (giá hiện hành): Nông - lâm - thủy sản: 26% - 27%; Công nghiệp - xây dựng: 39% - 40%; Dịch vụ (chưa tính thuê sản phẩm): 30% - 31%;

Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng từ 4,5% trở lên;

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên;

Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng từ 6% trở lên;

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.700 tỷ đồng;

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 35% GRDP;

Kim ngạch xuất khẩu tăng 22%;

Kim ngạch nhập khẩu tăng 20%.

b) Chỉ tiêu về xã hội

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,0%;

Số lao động có việc làm tăng thêm là 17.000 lao động;

Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 64%;

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì dưới 1%;

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 11,2%;

Đạt 6,2 bác sĩ/vạn dân, 19 giường bệnh/vạn dân;

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 77%.

c) Chỉ tiêu về môi trường

Tỷ lệ hộ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh: 100%;

Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh: 97,7%;

Tỷ lệ che phủ của rừng (bao gồm độ che phủ của cây cao su) đạt 37,2%. Trong đó, tỷ lệ che phủ của rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,2%;

Tỷ lệ các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu chế xuất xử lý chất thải rắn, nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: 100%;

Tỷ lệ đô thị xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Chất thải rắn 100%, nước thải 22,2%;

Tỷ lệ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%.

Điều 3. Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu

Hội đồng nhân dân tán thành các nhiệm vụ, giải pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp với những giải pháp trọng tâm dưới đây:

1. Thực hiện chính sách tài chính chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối đủ nguồn thực hiện các chế độ, chính sách đã được ban hành và đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Phấn đấu khai thác và quản lý tốt các nguồn thu nhằm tăng thu cho ngân sách so với dự toán để có nguồn bổ sung cho các nhiệm vụ chưa có nguồn cân đối trong dự toán đầu năm, nhất là các nhiệm vụ chi sự nghiệp. Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của Luật đầu tư công và các văn bản pháp luật khác đối với các dự án, công trình ngay từ khi triển khai. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

2. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, thực chất gắn với xây dựng nông thôn mới, kêu gọi đầu tư bằng chính sách đặc thù ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ; nhân rộng mô hình nhà sản xuất hiệu quả, sử dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo hướng tích cực, thật sự nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Duy trì 22 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu tăng thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp gắn với đầu tư theo chiều sâu. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch, xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, chất lượng công trình và an toàn trong xây dựng. Tạo điều kiện phát triển thương mại biên giới giữa các huyện của tỉnh với huyện giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia. Thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh Tây Ninh, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.

4. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào tỉnh, đặc biệt vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đã được xây dựng hạ tầng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

5. Triển khai thực hiện 3 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử tại Tây Ninh.

6. Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các trường chất lượng cao. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều và các chương trình mục tiêu về an sinh xã hội. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác bảo trợ xã hội. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến. Thực hiện đúng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

7. Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản. Tập trung thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, các cơ sở y tế. Kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Tiến hành khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020, theo hướng khai thác tập trung, từng bước khắc phục tình trạng khai thác manh mún, nhỏ lẻ hiện nay; Chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

8. Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường tiềm lực cho quốc phòng, an ninh. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm.

9. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại với nhân dân theo quy định tại Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện nghiêm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa cải cách theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị.

10. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề xã hội quan tâm.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện Nghị quyết, đánh giá và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh vận động nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa IX, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2016./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Báo Tây Ninh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VP. HĐND tỉnh.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 38/2016/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 do tỉnh Tây Ninh ban hành

  • Số hiệu: 38/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản