Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/NQ-HĐND | Bến Tre, ngày 01 tháng 11 năm 1993 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP NHẰM ĐẢM BẢO THỰC HIỆN TỐT CÁC ĐỀ ÁN CHUYÊN NGÀNH ĐÃ ĐƯỢC THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 9 VÀ THỨ 10 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHOÁ IV
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Điều 120 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 18/4/1992;
Căn cứ Điều 21 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 11/7/1989;
Sau khi nghe Giám đốc, Thủ trưởng các ban ngành được sự uỷ nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các đề án, chương trình chuyên ngành đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 và thứ 10 HĐND tỉnh – khoá IV; nghe thuyết trình của Ban TK-XH và NS, Ban VH-XH HĐND tỉnh và ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
I. Nhất trí với báo cáo kết quả thực hiện các đề án, chương trình chuyên ngành về công tác khuyến nông, sắp xếp ngành công nghiệp quốc doanh, sắp xếp ngành thương mại – du lịch, sắp xếp ngành giáo dục đào tạo, ngành y tế, công tác dân số kế hoạch hoá gia đình và chương trình hành động vì trẻ em từ khi được HĐND tỉnh thông qua đến cuối tháng 9/1993.
1. Hội đồng nhân dân tỉnh biểu dương các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức triển khai thực hiện các đề án. Chương trình đã được HĐND tỉnh thông qua và bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng kể:
- Về công tác khuyến nông: đã triển khai được 10 nội dung tiến bộ kỹ thuật như: sử dụng phần lân nung chảy trên đất phèn, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), giống lúa mới và bắp lai, thâm canh vườn dừa, cải tạo vườn tạp xây dựng mô hình chuyên canh nhãn, cam sành, phát triển heo nái sinh sản, nuôi tôm sú, tôm càng xanh … thông qua xây dựng điểm trình diễn và tập huấn kỹ thuật để phổ biến đại trà. Các kết quả này đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi của tỉnh.
- Về tổ chức sắp xếp ngành công nghiệp quốc doanh và thương mại – du lịch: Đã giải thể 57 xí nghiệp CN, 7 công ty thương nghiệp và tiến hành sát nhập 2 công ty của ngành TN và 17 đơn vị công nghiệp quốc doanh trong tỉnh, kết quả đã có 16 đơn vị ngành công nghiệp và 7 công ty ngành TM – DL được sắp xếp và thành lập lại theo Nghị định 388. Trên từng lĩnh vực khác nhau, các công ty, xí nghiệp được sắp xếp lại bước đầu hoạt động thích ứng với cơ chế thị trường, khai thác được nguồn hàng địa phương, tạo được nguồn hàng phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
- Về các đề án giáo dục – đào tạo, y tế, dân số KHHGĐ, chương trình hành động vì trẻ em: Những nội dung cơ bản của các đề án được triển khai thực hiện khá tốt:
* Mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp trong toàn tỉnh từng bước được điều chỉnh, sắp xếp, xây mới (với tổng đầu tư trong 2 năm gần 20 tỷ đồng) theo hướng quy hoạch lâu dài; Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ đã được triển khai tận cơ sở: đội ngũ giáo viên được sắp xếp tương đối ổn định: chất lượng giáo dục có được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tăng, số lượng học sinh giỏi đạt vòng tỉnh, vòng toàn quốc tăng hơn năm học 1991 – 1992.
* Mạng lưới y tế được kiện toàn từ tỉnh đến tận cơ sở, chất lượng khám và điều trị từng bước được nâng cao; Đã bước đầu quản lý được hệ thống y dược tư nhân, ngăn chặn và kịp thời xử lý các trường hợp mua bán thuốc giả, đưa hệ thống sản xuất và lưu thông được chiếm lĩnh khắp các địa bàn trong tỉnh.
* Đã triển khai bộ máy quản lý công tác DS KHHGĐ đến tận cơ sở, (hơn 1/3 số xã, phường). Phối hợp các ngành, đoàn thể, các địa phương tổ chức tốt chương trình truyền thông dân số ở nhiều xã. Mạng lưới dịch dụ KHHGĐ được triển khai trên 132 xã và tiếp tục đầu tư mở rộng trêm 7 trung tâm có đầy đủ trang bị.
* Đã triển khai xây dựng bộ máy quản lý công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến huyện, thị xã và cơ sở. Đặc biệt phối hợp với ngành, đoàn thể thực hiện bám sát 4 mục tiêu của chương trình: các hoạt động về tiêm chủng; cấp học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học, vận động thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ; chương trình phòng chống suy dinh dưỡng; chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi, bụi đời. Đặc biệt, phối hợp với Ban Quản lý chương trình viện trợ đã lập được một số dự án tranh thủ các tổ chức phi Chính phủ tài trợ cho một số chương trình phục vụ cho trẻ em.
Các kết quả trên cho thấy việc tổ chức chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo đề án chuyên ngành là cách làm đúng đắn và cần phát huy.
2. Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai thực hiện các đề án, chương trình chuyên ngành còn tồn tại một số mặt sau:
- Việc tổng hợp đề án khuyến nông chưa toàn diện, chỉ tập trung nhiều cho sản xuất cây lúa; công tác khuyến ngư chưa được đầu tư thích đáng để phát triển mạnh kinh tế biển; khả năng vốn và CB khuyến nông chưa đáp ứng được yêu cầu; việc sử dụng vốn khuyến nông cho vay hỗ trợ nông dân nghèo sản xuất là chưa phù hợp.
- Việc xử lý tồn đọng của các đơn vị giải thể chưa ráo rẽ, còn kéo dài. Việc củng cố và định hướng phát triển các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, hiệu quả hoạt động chưa cao. Ở một số đơn vị trình độ đội ngũ cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Trang thiết bị, công nghệ sản xuất của các xí nghiệp quốc doanh đã lạc hậu, hư hỏng nhiều và chậm được đổi mới. Vốn cho sản xuất của các XNQD còn hạn chế.
- Đội ngũ giáo viên còn thiếu và chưa đồng bộ. Vấn đề phổ cập giáo dục tiểu học có triển khai nhưng chưa rộng khắp. Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc huy động hoc sinh 6 tuổi vào lớp 1 và chưa có biện pháp tích cực chống học sinh bỏ học và xoá mù chữ. Việc xây dựng cơ sở trường lớp có nơi, có lúc chưa bảo đảm chất lượng, việc quản lý cơ sở vật chất chưa tốt, xuống cấp nhanh, mất mát, hư hỏng.
- Việc quản lý điều hành y tế ở cơ sở chưa tốt. Việc quản lý y tế tư nhân còn lỏng lẻo và sơ hở dẫn đến một số trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Việc truyền thông dân số, bảo vệ chăm sóc trẻ em có tập trung ở một số xã điểm, một số chương trình, nhưng trên diện rộng còn nhiều xã chưa xây dựng bộ máy, chưa đi vào chiều sâu, chỉ tiêu tiêm chủng đạt thấp và chưa thành nề nếp thường xuyên.
3. Nhằm thúc đẩy việc thực hiện tốt các đề án, chương trình chuyên ngành, HĐND tỉnh lưu ý UBND tỉnh trong chỉ đạo điều hành cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau đây:
- Về công tác khuyến nông:
* Có quyết định chính thức về tổ chức chương trình khuyến nông để việc chỉ đạo và phối hợp thực hiện chương trình giữa Sở Nông – Lâm với các ngành chức năng được đồng bộ, toàn diện hơn.
* Tăng cường đầu tư vốn và tập trung cho việc xây dựng điểm trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới kết hợp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nhiều kỹ thuật viên ở cơ sở và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
* Chú trọng công tác khuyến nông cho con tôm, cây ăn quả, cây màu, cây mía, gia súc, gia cầm, sơ chế và cơ khí nông thôn.
- Về việc sắp xếp ngành CNQD và thương mại – du lịch:
* Có biện pháp sớm giải quyết những tồn đọng trong công tác giải thể, nhất là thanh lý tài sản, thanh toán công nợ và sắp xếp con người.
* Cần đánh giá lại trình độ công nghệ của sản xuất, tường bước có kế hoạch cụ thể đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ (nhất là công nghệ chế biến nông – hải sản), nâng cao chất lượng sản phẩm trong sản xuất kinh doanh.
* Xem xét về cơ cấu vốn của từng đơn vị sản xuất kinh doanh để bổ sung vốn hoạt động cho phù hợp.
* Tổ chức tốt lưu thông hàng hoá, chú ý mở rộng thị trường nông thôn, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá nông nghiệp. Ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép của tư thương.
* Nghiên cứu việc sắp xếp lại, tập trung đầu mối trong công tác xuất nhập khẩu. Giao cho ngành thương mại – du lịch xây dựng đề án hoặc chương trình xuất khẩu, khai thác khả năng hàng hoá và quỹ hàng hoá tại tỉnh để xuất khẩu, chú ý nắm cho hết nguồn tôm xuất khẩu không để thất thoát như thời gian qua.
* Tích cực đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp để theo kịp tình hình mới. Có biện pháp tích cực thu hút chất xám, thu hút công nghệ mới để đổi mới nhanh nền sản xuất của tỉnh, tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư bổ sung nguồn lực phát triển.
* Vận dụng chính sách thuế hợp lý trên cơ sở luật pháp Nhà nước đối với từng ngành hàng, vừa hạn chế thất thu vừa tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.
- Về công tác giáo dục – đào tạo:
* Đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu của đề án về việc sắp xếp mạng lưới trường, kiện toàn tổ chức, đổi mới phân cấp quản lý ngành giáo dục – đào tạo. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo hướng chuẩn hoá, chú ý đào tạo giáo viên ngoại ngữ và có biện pháp cụ thể địa phương hoá giáo viên tiểu học, mẫu giáo vùng nông thôn.
* Tăng cường các biện pháp chống bỏ học song song với việc triển khai Luật Phổ cập giáo dục tiểu học rộng khắp trong nhân dân.
* Cải tiến quản lý và thực hiện tốt kế hoạch xây dựng cơ bản đạt chất lượng và thời gian yêu cầu, chú ý có biện pháp bảo quản tốt cơ sở vật chất hiện có, tăng cường kinh phí xoá cas 3 và trang bị bàn ghế.
* Nghiên cứu và bổ sung biên chế giáo viên cho cơ sở theo tỷ lệ giáo viên/học sinh do Bộ Giáo dục – đào tạo quy định. Có chính sách khuyến khích đối với giáo viên vùng sâu.
* Có các giải pháp thiết thực để từng bước thực hiện xã hội hoá giáo dục.
* Kiện toàn tổ chức thanh tra chuyên ngành từ Sở đến cơ sở trường học và tăng cường chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra trong ngành giáo dục.
- Về y tế:
* Tiếp tục thực hiện đề án sắp xếp ngành theo hướng tăng cường cho y tế cơ sở về trang thiết bị, con người; Quản lý chặt chẽ và thực hiện tốt Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
* Tập trung chỉ đạo các chương trình phối hợp với Bộ Y tế và các chương trình viện trợ quốc tế, đặc biệt là công tác tiêm chủng mở rộng và chiến dịch thanh toán bại liệt trẻ em.
- Về dân số kế hoạch hoá gia đình:
* Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt chính thức đề án tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
* Tiếp tục triển khai đề án, củng cố và mở rộng bộ máy quản lý dân số kế hoạch hoá gia đình ở huyện và cơ sở. Phối hợp với các đoàn thể và các địa phương tổ chức truyền thông dân số lồng ghép dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, khám sức khoẻ, trị bệnh phụ khoa cho các chị em phụ nữ vùng sâu. Bổ sung biện pháp khuyến khích cho cán bộ dân số kế hoạch hoá gia đình ở cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đề án.
* Tổ chức chỉ đạo việc xây dựng chiến lược dân số tỉnh Bến Tre đến năm 2000 theo chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia dân số kế hoạch hoá gia đình Trung ương.
- Về bảo vệ và chăm sóc trẻ em:
* Các huyện thị, các ngành, đoàn thể theo chức năng của mình cần xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động ở địa phương và ngành mình nhằm triển khai thực hiện tốt 4 mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh.
* Tiếp tục xây dựng mạng lưới quản lý ở cơ sở, xây dựng phương thức phối hợp đồng bộ liên ngành để triển khai thực hiện tốt các dự án được cấp kinh phí và tích cực xây dựng các dự án mới để thu hút vốn nhân đạo chăm lo cho trẻ em tỉnh nhà.
* Có kế hoạch cụ thể vận động cộng đồng trong tỉnh và dân Bến Tre ở ngoài tỉnh tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện các đề án trên. UBND tỉnh cần khẩn trương tập trung hoàn chỉnh các đề án chuyên ngành thực hiện Nghị quyết Trung ương V để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp bất thường sẽ được tổ chức vào hạ tuần tháng 11/1993.
II. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh giúp Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất.
Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm gương mẫu thực hiện Nghị quyết của HĐND, đồng thời động viên CB-CNV, chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ và quyền lợi của mình góp phần thực hiện thắng lợi các đề án, chương trình chuyên ngành và các mục tiêu kinh tế xã hội năm 1993 đã đề ra.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IV, kỳ họp thứ 15, thông qua ngày 27/10/1993./.
| HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE |
- 1Nghị quyết 13/2000/NQ-HĐND bổ sung biện pháp tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000 và đề án chuyên ngành do tỉnh Bến Tre ban hành
- 2Quyết định 1184/QĐ-UBND năm 2013 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành từ năm 1976 đến ngày 31/12/2012 đã hết hiệu lực thi hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1989
- 2Luật Phổ cập giáo dục tiểu học 1991
- 3Hiến pháp năm 1992
- 4Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân năm 1993
- 5Nghị quyết 13/2000/NQ-HĐND bổ sung biện pháp tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000 và đề án chuyên ngành do tỉnh Bến Tre ban hành
Nghị quyết 37/NQ-HĐND năm 1993 về bổ sung một số chủ trương, biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt các đề án chuyên ngành đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 và thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IV do Tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 37/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 01/11/1993
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Dương Văn Ẩn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra