Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2022/NQ-HĐND

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 15 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước;

Xét Tờ trình số 04/TTr-HĐND ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo luật định giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Khóa X, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 25 tháng 7 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước khu vực IX;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Vĩnh Long;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH &HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh, Trang tin HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Bùi Văn Nghiêm

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 37/2022/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân (gọi tắt là HĐND) tỉnh Vĩnh Long.

2. Những nội dung không quy định trong Quy chế này thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh (gọi tắt là Văn phòng ĐBQH và HĐND tỉnh) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước của HĐND tỉnh Vĩnh Long.

Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước

Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước được thực hiện thống nhất theo các nội dung quy định tại Quy chế này và đảm bảo theo Điều 3 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước

1. Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 10 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 và Điều 2 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Chủ tịch HĐND tỉnh có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước của HĐND tỉnh hoặc thông tin thuộc danh mục bảo vệ bí mật nhà nước được tiếp nhận từ các cá nhân, tổ chức khác nhưng chưa được xác định là bí mật nhà nước để quản lý, bảo vệ theo quy định.

3. Chủ tịch HĐND tỉnh được ủy quyền cho 01 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với những thông tin thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản.

4. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh được ủy quyền của Chủ tịch HĐND tỉnh có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với những thông tin thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách theo các quy định của pháp luật.

5. Độ mật của bí mật nhà nước được thể hiện bằng dấu chỉ độ mật, văn bản xác định độ mật. Đối với vật, địa điểm, lời nói, hoạt động, hình thức khác chứa bí mật nhà nước mà không thể đóng dấu độ mật được thì các cá nhân được quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này chịu trách nhiệm về phát ngôn, phải có văn bản xác định độ mật của vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc hình thức khác chứa bí mật nhà nước theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 5. Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

1. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật gồm:

a) Chủ tịch HĐND tỉnh;

b) Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản.

2. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật gồm:

a) Người được quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trưởng các Ban HĐND và Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

3. Việc ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện theo khoản 5 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

4. Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện theo Điều 3 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP và Thông tư số 24/2020/TT-BCA.

Điều 6. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

1. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi vận chuyển phải được đựng trong bao bì chắc chắn bằng loại vật liệu phù hợp; khi cần thiết phải niêm phong theo quy định; có phương tiện vận chuyển an toàn; trường hợp xét thấy cần thiết thì phải bố trí người bảo vệ việc vận chuyển các tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước .

2. Quy trình giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP.

3. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi dự thảo lấy ý kiến góp ý, khi sử dụng tại các hội nghị, hội thảo, cuộc họp phải được thu hồi theo đúng quy định.

Điều 7. Thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

1. Thực hiện theo Điều 12 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

2. Đối với phòng lưu trữ hồ sơ, tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được trang bị phương tiện phòng, chống cháy nổ, đột nhập, lấy cắp.

3. Người được phép sử dụng các thiết bị có tính năng lưu giữ, sao, chụp, ghi âm, soạn thảo văn bản mang bí mật nhà nước phải có biện pháp bảo mật thiết bị, thông tin lưu trữ, phải đăng ký với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý. Khi mang thiết bị ra khỏi cơ quan, đơn vị phải báo cho người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan biết về thời gian, địa điểm sử dụng thiết bị, tài liệu lưu giữ và phải được sự đồng ý của Chủ tịch HĐND tỉnh hoặc người được Chủ tịch ủy quyền; nếu để mất thiết bị lưu giữ hoặc lộ, mất thông tin, tài liệu có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước lưu giữ trong thiết bị phải báo cáo Chủ tịch HĐND tỉnh hoặc người được Chủ tịch ủy quyền và triển khai ngay biện pháp cần thiết để khắc phục, hạn chế hậu quả do lộ, lọt, mất bí mật nhà nước và phục vụ công tác điều tra, truy xét, truy tìm.

4. Việc sửa chữa, thay thế các máy vi tính dùng để đánh máy, lưu giữ thông tin bí mật nhà nước chỉ được tiến hành trong khu vực trụ sở cơ quan. Máy vi tính và các phương tiện dùng để soạn thảo, lưu giữ thông tin bí mật nhà nước không được bán thanh lý mà phải thực hiện tiêu hủy theo quy định.

Điều 8. Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, người Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước

1. Thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước của HĐND tỉnh Vĩnh Long cho cơ quan, tổ chức, người Việt Nam; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ được quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

2. Thủ tục, trình tự cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước thực hiện theo Điều 15 Luật Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018; thủ tục, trình tự mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ được thực hiện theo Điều 5 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP.

Điều 9. Các hoạt động khác trong bảo vệ bí mật nhà nước

Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của HĐND tỉnh; thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; điều chỉnh độ mật; giải mật; tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thực hiện theo quy định từ Điều 16 đến Điều 23 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 và Điều 6 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP.

Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước

Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước của HĐND tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

Điều 11. Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước

1. Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước thực hiện theo Thông tư số 110/2013/TT-BTC ngày 14/8/2013 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu công tác bảo vệ bí mật nhà nước của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh lập dự toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định.

Điều 12. Kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước

1. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu, giúp Chủ tịch HĐND tỉnh thực hiện việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước đối với các đơn vị trong phạm vi quản lý theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 24 và khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

2. Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện cho ngành chức năng tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định.

3. Người có hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì tùy theo tính chất của hành vi vi phạm mà xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

4. Khi có khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham mưu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chương III

TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Điều 13. Trách nhiệm của Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trong quản lý bí mật nhà nước

1. Ban hành Nội quy bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan; phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan.

2. Tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan theo đúng quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của HĐND tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định của pháp luật và nội quy về bảo vệ bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

4. Kịp thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, thông báo Công an tỉnh khi xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý để kịp thời có biện pháp giải quyết.

5. Tổ chức thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi người được phân công quản lý bí mật nhà nước thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, từ trần hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước.

Điều 14. Trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước

Trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước của HĐND tỉnh được thực hiện theo Điều 26 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước của HĐND tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

2. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước và chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của HĐND tỉnh theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 24 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 và khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 37/2022/NQ-HĐND về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long

  • Số hiệu: 37/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 15/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Bùi Văn Nghiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản