Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2022/NQ-HĐND

Bắc Kạn, ngày 19 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ CHÍN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 15 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước;

Xét Tờ trình số 02/TTr-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2022 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn; Báo cáo thẩm tra số 91/BC-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2022 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thi hành nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn khóa X, kỳ họp thứ chín thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 29 tháng 7 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- VPQH, VPCP, VPCTN;
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03 - Bộ Công an);
- TT. Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh;
- TT Huyện (Thành) ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN các huyện, thành phố;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- LĐVP;
- Các phòng trực thuộc Văn phòng;
- Lưu: VT, HS.

CHỦ TỊCH




Phương Thị Thanh

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định việc bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

2. Những nội dung không quy định trong Quy chế này được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước

Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước

Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước .

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước

1. Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào Danh mục bí mật nhà nước thuộc các lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành và các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ban hành, phát hành tài liệu, hoặc tạo ra vật chứa bí mật nhà nước có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước, phạm vi lưu hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Trường hợp sử dụng bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức khác thì phải xác định độ mật tương ứng. Trường hợp thông tin trong cùng một tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước có độ mật khác nhau thì xác định theo độ mật cao nhất.

3. Soạn thảo, xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước

a) Người soạn thảo, tạo ra thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước phải đề xuất người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước, nơi nhận, số lượng bản phát hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước tại Tờ trình, Phiếu trình duyệt ký văn bản hoặc Văn bản xác định độ mật của vật, địa điểm, lời nói, hoạt động chứa bí mật nhà nước và có trách nhiệm bảo vệ nội dung bí mật nhà nước trong quá trình soạn thảo, tạo ra. Tài liệu bí mật nhà nước phải thể hiện nơi nhận, số lượng bản phát hành, tên người soạn thảo, được phép hoặc không được phép sao, chụp ở mục nơi nhận tài liệu. Trường hợp văn bản điện tử, người soạn thảo phải tạo dấu chỉ độ mật trên văn bản sau khi người có thẩm quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; văn bản điện tử khi in ra để phát hành phải đóng dấu độ mật theo quy định.

Trường hợp văn bản có tính chất lặp đi, lặp lại có cùng độ mật thì đề xuất người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xác định một lần cho loại văn bản đó.

b) Người tiếp nhận thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, nhưng chưa được xác định là bí mật nhà nước phải báo cáo người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này và chuyển đến đơn vị có chức năng xử lý. Người được giao xử lý phải có văn bản đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước, nơi nhận, số lượng bản phát hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Thông tin tiếp nhận phải được bảo vệ trong quá trình tiếp nhận và xử lý.

4. Dự thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước khi gửi đi phải có yêu cầu nơi nhận có trách nhiệm bảo vệ nội dung đảm bảo không để xảy ra lộ, mất.

5. Độ mật của bí mật nhà nước được thể hiện bằng dấu chỉ độ mật, văn bản xác định độ mật hoặc hình thức khác phù hợp với hình thức chứa bí mật nhà nước.

Mẫu dấu chỉ độ mật, mẫu văn bản xác định độ mật của bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước (Thông tư số 24/2020/TT-BCA).

Điều 6. Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

1. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật: Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật, bao gồm:

a) Người quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh;

c) Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Mật, bao gồm:

a) Người quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Trưởng phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước quy định tại khoản 1, 2 Điều này có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Việc ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện thường xuyên hoặc theo từng trường hợp cụ thể và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.

Cấp phó được ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định cho phép sao, chụp của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho người khác.

5. Người được giao thực hiện việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải là cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

6. Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

a) Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải tiến hành tại địa điểm đảm bảo an toàn. Việc sao, chụp phải được ghi vào “Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước”. Hình thức sao tài liệu bí mật nhà nước gồm sao y bản chính, sao lục và trích sao.

b) Bản sao tài liệu bí mật nhà nước phải đóng dấu sao; bản chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có văn bản ghi nhận việc chụp. Chỉ sao, chụp đúng số bản cho phép và tiêu hủy ngay bản dư thừa, bản hỏng. Bản sao được sao chụp theo quy định pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước có giá trị pháp lý như bản chính và phải được bảo vệ như bản gốc.

c) Phương tiện, thiết bị sử dụng để sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được kết nối với mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông.

7. Mẫu dấu sao, chụp bí mật nhà nước; mẫu văn bản ghi nhận việc chụp bí mật nhà nước; mẫu số quản lý sao, chụp bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BCA.

Điều 7. Thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

1. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi tiếp nhận, phát hành phải được thống kê theo trình tự thời gian và độ mật.

2. Bí mật nhà nước chứa trong thiết bị có tính năng lưu giữ, sao, chụp, phải được bảo vệ bằng biện pháp thích hợp bảo đảm an toàn.

3. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được lưu giữ, bảo quản ở nơi an toàn và có phương tiện bảo vệ.

Điều 8. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

1. Việc vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước do người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước hoặc văn thư thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh đảm nhiệm và thực hiện.

2. Việc vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước giữa Hội đồng nhân dân tỉnh với cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong.

4. Trong quá trình vận chuyển tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có biện pháp bảo quản, bảo đảm an toàn; trường hợp cần thiết phải có lực lượng bảo vệ.

5. Vận chuyển tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước qua dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về bưu chính.

6. Nơi gửi và nơi nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải kiểm tra, đối chiếu để kịp thời phát hiện sai sót và có biện pháp xử lý; việc giao, nhận phải được ghi đầy đủ vào sổ theo dõi riêng, người nhận phải ký.

Việc giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP.

7. Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có đóng dấu “Tài liệu thu hồi”, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải gửi lại đúng thời hạn ghi trên văn bản.

8. Mẫu sổ đăng ký bí mật nhà nước đến, mẫu sổ đăng ký bí mật nhà nước đi và mẫu sổ chuyển giao bí mật nhà nước thực hiện theo Thông tư số 24/2020/TT-BCA.

Điều 9. Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ

1. Người mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phải có văn bản xin phép người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh trực tiếp quản lý bí mật nhà nước.

2. Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở nước ngoài phải được Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc cấp phó được ủy quyền cho phép và phải báo cáo Trưởng đoàn công tác.

3. Văn bản xin phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác trong nước, nước ngoài phải nêu rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác; tên loại, trích yếu nội dung, độ mật của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mục đích sử dụng; thời gian, địa điểm công tác; biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Trong thời gian mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ, nếu phát hiện bí mật nhà nước bị lộ, bị mất, người mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, Trưởng đoàn công tác để có biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả.

5. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước mang ra khỏi nơi lưu giữ phải chứa, đựng, vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn và phải bảo vệ trong thời gian mang ra khỏi nơi lưu giữ.

6. Khi kết thúc nhiệm vụ, người mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phải báo cáo người có thẩm quyền cho phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ về việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước và nộp lại cơ quan, tổ chức.

Điều 10. Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, người Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước

1. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 6 của Quy chế này quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước.

2. Cơ quan, tổ chức và người Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước được đề nghị cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước.

3. Cơ quan, tổ chức đề nghị cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước phải có văn bản gửi người có thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước. Văn bản đề nghị phải ghi rõ tên cơ quan, tổ chức; người đại diện cơ quan, tổ chức; bí mật nhà nước đề nghị cung cấp, chuyển giao; mục đích sử dụng và cam kết bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Người đề nghị cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước phải có văn bản gửi người có thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước. Văn bản đề nghị phải ghi rõ họ và tên; số Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Chứng minh Công an nhân dân hoặc số giấy chứng minh do Quân đội nhân dân cấp; địa chỉ liên lạc; vị trí công tác, bí mật nhà nước đề nghị cung cấp, chuyển giao; mục đích sử dụng và cam kết bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Trường hợp từ chối cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước, người có thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước độ Tối mật, độ Mật thuộc phạm vi quản lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Bí mật nhà nước chỉ được cung cấp, chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ có liên quan đến bí mật nhà nước.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có văn bản gửi cơ quan, tổ chức Việt Nam chủ trì chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ liên quan đến bí mật nhà nước. Văn bản đề nghị phải tuân thủ theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 16 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Cơ quan, tổ chức Việt Nam chủ trì chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ có liên quan đến bí mật nhà nước có trách nhiệm chuyển đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều này đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh để quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước độ Tối mật, độ Mật thuộc phạm vi quản lý.

5. Trường hợp từ chối cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước, Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 12. Tổ chức kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước

1. Việc tổ chức kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền về việc sử dụng nội dung bí mật nhà nước, cụ thể như sau:

a) Việc sử dụng nội dung bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật phải được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Nếu có yếu tố nước ngoài phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

b) Việc sử dụng nội dung bí mật nhà nước độ Tối mật phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền sau: Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh. Nếu có yếu tố nước ngoài phải được đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

c) Việc sử dụng nội dung bí mật nhà nước độ Mật phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản này, trưởng phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh. Nếu có yếu tố nước ngoài phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thành phần tham dự kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước:

a) Đối với kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp không có yếu tố nước ngoài: Thành phần tham dự là đại diện cơ quan, tổ chức hoặc người được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bí mật nhà nước.

b) Đối với hội nghị, hội thảo, cuộc họp có yếu tố nước ngoài, thành phần tham dự là đại diện cơ quan, tổ chức hoặc người được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bí mật nhà nước; đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài tham gia vào chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ có liên quan đến bí mật nhà nước.

3. Địa điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước được tổ chức trong phòng họp kín tại trụ sở làm việc; trường hợp tổ chức ở ngoài trụ sở làm việc, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có trách nhiệm đề nghị Công an tỉnh kiểm tra an ninh, an toàn trong và ngoài khu vực diễn ra kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp.

4. Phương tiện, thiết bị sử dụng trong kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP.

5. Kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải có phương án bảo vệ theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP.

6. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được thu hồi sau kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp.

7. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các yêu cầu quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều này.

8. Người tham dự kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, sử dụng bí mật nhà nước theo quy định của Quy chế này và theo yêu cầu của chủ tọa kỳ họp hoặc người chủ trì phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp.

9. Đối với kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nhiều nội dung, trong đó có nội dung bí mật nhà nước, thành phần tham gia bao gồm đại diện cơ quan, tổ chức hoặc người được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bí mật nhà nước và thành phần khác, đối với nội dung bí mật nhà nước phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này. Cách thức bố trí, sắp xếp chương trình cụ thể do chủ tọa kỳ họp, phiên họp hoặc người chủ trì hội nghị, hội thảo, cuộc họp quyết định.

Điều 13. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, điều chỉnh độ mật, giải mật

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, điều chỉnh độ mật, giải mật, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 14. Tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

1. Tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện đối với các trường hợp sau đây:

a) Khi không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc;

b) Nếu không tiêu hủy ngay sẽ gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc

2. Thẩm quyền tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước:

a) Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Quy chế này có thẩm quyền tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

b) Người đang quản lý tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được quyền quyết định tiêu hủy trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và phải báo cáo bằng văn bản về việc tiêu hủy với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý.

3. Việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 2 Điều này quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước;

b) Hội đồng tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức trực tiếp lưu giữ tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng; người trực tiếp lưu giữ tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan;

c) Hội đồng tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có trách nhiệm rà soát tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được đề nghị tiêu hủy, báo cáo người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định;

d) Hồ sơ tiêu hủy phải được lưu trữ bao gồm Quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy; danh sách tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đề nghị tiêu hủy; Biên bản họp Hội đồng tiêu hủy; Quyết định tiêu hủy; Biên bản tiêu hủy và tài liệu khác có liên quan.

Điều 15. Sử dụng biểu mẫu bí mật nhà nước

Sử dụng biểu mẫu bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 16. Phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước

1. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm về công tác văn thư, lưu trữ của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế này.

2. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh phân công người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

4. Văn thư cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được giao nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý con dấu, đóng dấu theo quyết định của người duyệt ký tài liệu bí mật nhà nước và thực hiện các nội dung khác về bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước

1. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 24 và khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện cho ngành chức năng tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

2. Khi những văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu trong Quy chế này được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới thì những nội dung liên quan trong Quy chế này sẽ được thay đổi, áp dụng theo các văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới.

3. Định kỳ hằng năm, theo nhiệm kỳ hoặc đột xuất, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Quy chế theo quy định.

4. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có nội dung chưa phù hợp sẽ được sửa đổi, bổ sung; việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 11/2022/NQ-HĐND về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 11/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phương Thị Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản