Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/NQ-HĐND

Hà Giang, ngày 12 tháng 10 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025 TỈNH HÀ GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ BA (CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2021/NQ-QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ, về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 37/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Hà Giang;

Xét Tờ trình số 66/TTr-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hà Giang; Báo cáo thẩm tra số 39/BC-KTNS ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, giai đoạn 2021-2025, như sau:

1. Mục tiêu, định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn

- Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tập trung vào các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 07-NQ/ĐH ngày 17/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó tập trung đầu tư về hạ tầng giao thông có tính liên kết vùng, tác động lan tỏa, các tuyến đường tỉnh, các tuyến đường ra biên giới nhất là các cửa khẩu, lối mở; các dự án Hồ chứa nước sinh hoạt bảo đảm an ninh nguồn nước; dự án phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển khoa học công nghệ... tạo đột phá quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách Trung ương (NSTW) giữ vai trò chủ đạo, vốn NSNN thực sự trở thành vốn mồi để thu hút tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Không bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường chủ động cho các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư.

2. Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn

a) Phù hợp với kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối NSNN; bảo đảm các cân đối vĩ mô, an toàn nợ công.

b) Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; Văn bản số 6222/BKHĐT-TH ngày 16/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư cho các nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các văn bản pháp luật có liên quan.

c) Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, dàn trải, tránh lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; bảo đảm sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp quy hoạch. Chỉ bố trí vốn cho dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

d) Trong từng ngành, lĩnh vực bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên sau:

- Thanh toán gọn các dự án hoàn thành quyết toán;

- Phân bổ đủ vốn để hoàn trả số vốn ứng trước;

- Phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch;

- Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch;

- Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công.

đ) Đối với vốn ngân sách Trung ương

- Đảm bảo theo đúng danh mục, mức vốn phân bổ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt;

- Đảm bảo việc bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp phù hợp với thông báo kế hoạch vốn hàng năm theo Quyết định của Trung ương giao;

- Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án mới có đủ thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp thời đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án;

e) Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ngoài các nguyên tắc nêu trên, bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Bố trí đủ vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho: (i) Dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng còn thiếu vốn và Hiệp định vay của dự án còn hiệu lực để có thể giải ngân; (ii) Dự án hoàn thành và kết thúc hiệp định vay trong giai đoạn 2021-2025 mà không có khả năng gia hạn; (ii) Dự án có tiến độ và khả năng giải ngân tốt.

- Bố trí vốn cho dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã có chủ trương đầu tư, dự kiến ký Hiệp định vay trong giai đoạn 2021-2025.

- Cân đối đủ vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo cam kết với nhà tài trợ nước ngoài, phù hợp với khả năng giải ngân của từng chương trình, dự án.

f) Đối với vốn ngân sách địa phương

Ngoài các nguyên tắc nêu trên, thực hiện một số nguyên tắc sau:

- Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối thu, chi ngân sách địa phương, khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư khác đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư.

- Phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 của địa phương; phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

- Bố trí vốn cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và phải theo ngành, lĩnh vực quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

g) Đối với nguồn thu sử dụng đất: Thực hiện theo Nghị quyết số 28/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh, về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách và nhiệm vụ chi cho các cấp, trong đó ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng của địa phương;

h) Nguồn thu xổ số kiến thiết: Ưu tiên bố trí đầu tư cho lĩnh vực y tế;

i) Các nguồn vốn hợp pháp khác: Trong quá trình điều hành ngân sách địa phương, các khoản tăng thu, tiết kiệm chi, lồng ghép các nguồn vốn khác phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, để tập trung bố trí vốn, đưa công trình hoàn thành vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư dự án;

3. Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025

3.1 Tổng mức vốn kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Giang là: 14.987,755 tỷ đồng, bao gồm:

a). Vốn ngân sách Trung ương: 7.930,155 tỷ đồng, (trong đó: Vốn trong nước: 5.850,155 tỷ đồng; Vốn nước ngoài 2.080 tỷ đồng);

- Vốn trong nước phân theo ngành, lĩnh vực: 5.850,155 tỷ đồng, trong đó:

+ Lĩnh vực Quốc phòng: 321,744 tỷ đồng cho 04 dự án (trong đó: 01 dự án hoàn thành quyết toán; 02 dự án chuyển tiếp; 01 dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025)

+ Lĩnh vực thông tin: 65 tỷ đồng, bố trí cho 01 dự án khởi công mới.

+ Các hoạt động kinh tế: 4.926,809 tỷ đồng cho 49 dự án, trong đó: ngành, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy lợi: 16 dự án (02 dự án hoàn thành quyết toán; 12 dự án chuyển tiếp; 02 dự án khởi công mới); ngành, lĩnh vực công nghiệp 03 dự án (02 dự án chuyển tiếp; 01 dự án khởi công mới); lĩnh vực khu công nghiệp, khu kinh tế 01 dự án chuyển tiếp; lĩnh vực thương mại 01 dự án hoàn thành quyết toán, ngành, lĩnh vực giao thông 27 dự án (08 dự án hoàn thành quyết toán; 09 dự án chuyển tiếp; 10 dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025); lĩnh vực du lịch 01 dự án chuyển tiếp.

+ Lĩnh vực xã hội: 30 tỷ đồng, bố trí cho 01 dự án chuyển tiếp.

+ Các nhiệm vụ chương trình dự án khác theo quy định của pháp luật: 178,641 tỷ đồng, bố trí cho 13 dự án (09 dự án hoàn thành quyết toán, 04 dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025).

(Chi tiết biểu số 01 kèm theo Nghị quyết này)

+ Chưa giao chi tiết: 213 tỷ đồng (dự kiến bố trí vốn hỗ trợ kinh tế hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, sẽ giao sau khi có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; bố trí cho cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bố trí sau khi Chính phủ sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP; bố trí cho Dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang, trên địa bàn huyện Bắc Mê sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện sang giai đoạn 2021-2025).

+ Đối ứng các dự án nước ngoài, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: 114,961 tỷ đồng (bố trí cho 02 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025).

- Vốn nước ngoài là 2.080,0 tỷ đồng, bố trí cho 10 dự án giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước; (trong đó: ngành, lĩnh vực giao thông 01 dự án; lĩnh vực y tế 01 dự án; lĩnh vực giáo dục 01 dự án; lĩnh vực cấp thoát nước 02 dự án; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn 04 dự án; lĩnh vực phát triển đô thị 01 dự án).

(Chi tiết biểu số 02 kèm theo Nghị quyết này)

b) Vốn cân đối ngân sách địa phương: 7.057,600 tỷ đồng, phân bổ chi tiết như sau:

- Đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất: tổng số là 2.483,700 tỷ đồng (trong đó: đền bù giải phóng mặt bằng trả cho TH là 35 tỷ đồng; hỗ trợ cho UBND huyện Bắc Quang nâng cấp, sửa chữa 03 tuyến đường theo Kết luận của Tỉnh ủy là 50 tỷ đồng; phân bổ chi tiết cho các dự án là 2.114,760 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện là 248 tỷ đồng; dự phòng là 35,940 tỷ đồng).

- Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết là 110 tỷ đồng

- Đầu tư từ nguồn bội chi NSĐP là 57 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư công trong nguồn NSĐP là 4.406,900 tỷ đồng, cụ thể:

+ Phân cấp cho 11 huyện, thành phố là 300 tỷ đồng;

+ Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững 30 tỷ đồng;

+ Đối ứng cho 14 dự án ODA 498,636 tỷ đồng (ngành, lĩnh vực giao thông 02 dự án; lĩnh vực y tế 01 dự án; giáo dục 02 dự án; cấp thoát nước 03 dự án; nông nghiệp và PTNT 05 dự án; phát triển đô thị 01 dự án);

+ Vốn quy hoạch 75 tỷ đồng; chương trình chuyển đổi số FPT là 70 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng trụ sở Công an xã trên địa bàn các huyện, thành phố 75 tỷ đồng; đối ứng cho DA nhà khách N1/Bộ chỉ huy Quân sự 19,969 tỷ đồng;

+ Trả nợ gốc tiền vay 58 tỷ đồng;

+ Đền bù GPMB các dự án trọng điểm 300 tỷ đồng;

+ Thu hồi vốn ứng trước cho 27 dự án và hoàn trả theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước là 63,893 tỷ đồng;

+ Bố trí vốn dứt điểm cho các DA cắt giảm quy mô điểm dừng kỹ thuật là 255,933 tỷ đồng; Đối ứng cho 04 dự án do các tập đoàn, tổng công ty hỗ trợ là 30,841 tỷ đồng;

+ Phân bổ chi tiết là các dự án 1.707.309 tỷ đồng (thu hồi vốn ứng trước 70,511 tỷ đồng; thanh toán nợ đọng XDCB là 236,321 tỷ đồng) bố trí cho 345 công trình hoàn thành quyết toán; 56 công trình hoàn thành chưa quyết toán; 71 công trình chuyển tiếp.

+ Bố trí cho 40 dự án khởi công mới số vốn là 746,043 tỷ đồng (23 dự án thuộc ngành, lĩnh vực giao thông; 04 dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi; 13 dự án thuộc lĩnh vực dân dụng).

+ Dự phòng 4% (176,276 tỷ đồng) để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.

3.2. Vốn ngân sách tỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Hà Giang là: 304,559 tỷ đồng, (trong đó: chương trình chuyển đổi số FPT là 30 tỷ đồng; các công trình khởi công mới là 267,890 tỷ đồng; dự án chuyển tiếp cải tạo, sửa chữa khắc phục khẩn cấp đường Lý Tự Trọng, TP Hà Giang là 6,669 tỷ đồng).

3.3 Tổng số vốn chuyển nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sang giai đoạn 2026 - 2030: 07 dự án khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025 là 538,546 tỷ đồng.

(Biểu số 03; 3.1; 3.2; 3.3 và biểu 04 kèm theo Nghị quyết này)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào mức vốn Trung ương giao và khả năng cân đối ngân sách địa phương Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định kế hoạch đầu tư công hàng năm bao gồm danh mục và mức bố trí vốn cho từng dự án.

2. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án khởi công mới theo đúng quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do điều chỉnh mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, do thay đổi về cân đối thu, chi ngân sách địa phương hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương theo đúng quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang Khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ ba (chuyên đề) thông qua ngày 12 tháng 10 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư Pháp;
- TTr. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH Khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức CT-XH cấp tỉnh;
- TTr. HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- VP: Tỉnh ủy; Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; UBND tỉnh;
- Báo Hà Giang, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh, TT Thông tin - Công báo;
- Lưu: VT, HĐND (1b).

CHỦ TỊCH




Thào Hồng Sơn

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 36/NQ-HĐND năm 2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Giang

  • Số hiệu: 36/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Thào Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản