Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2017/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 14 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 321/2011/QĐ-TTg ngày 02/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 5678/TTr-UBND, ngày 09/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc đề nghị thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các nội dung như sau:

I. Mục tiêu phát triển

1) Mục tiêu chung

Đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiếm tỷ trọng 7-8% GRDP của tỉnh; đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng trên 10% tổng GRDP của tỉnh; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị là "Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình"; “Cửa ngõ du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây” kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản”, “Con đường Huyền thoại” của khu vực.

2) Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020: hình thành khu du lịch quốc gia Cửa Việt - Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc - Đôi bờ Hiền Lương - Cồn Cỏ; Thu hút 2.370 nghìn lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng đạt 7,9 %/năm (trong đó có 370 nghìn lượt khách quốc tế); Tốc độ tăng trưởng trung bình từ thu nhập từ khách du lịch đạt 3.302 tỷ đồng; (đạt tỷ lệ 16,7%/năm); Cơ sở lưu trú từ 4.700 - 5.000 buồng; tạo việc làm cho xã hội được 21.000 lao động.

Đến năm 2025: Hoàn thành về cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, nhất là tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; hình thành các tour, tuyến du lịch chủ đạo, xây dựng và khẳng định thương hiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh; thu hút 3.250 nghìn lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng đạt 6,5%/năm (trong đó có 550 nghìn lượt khách quốc tế); tốc độ tăng trưởng trung bình từ thu nhập từ khách du lịch đạt 6.553 tỷ đồng; (đạt tỷ lệ 13,3%/năm); cơ sở lưu trú từ 7.000 buồng; tạo việc làm cho xã hội được 33.600 lao động.

Đến năm 2030: Hoàn thành về cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho giai đoạn tiếp theo; thu hút 4.240 nghìn lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng đạt 5,5%/năm (trong đó có 740 nghìn lượt khách quốc tế); tốc độ tăng trưởng trung bình từ thu nhập từ khách du lịch 11.693 tỷ đồng; tương đương 531 triệu USD (tốc độ tăng trưởng trung bình 12,5%/năm); cơ sở lưu trú từ 9.500 buồng; tạo việc làm cho xã hội được 45.600 lao động.

II. Các định hướng phát triển du lịch

1) Định hướng thị trường khách du lịch

a) Thị trường khách quốc tế:

Nhóm thị trường ưu tiên phát triển: Là các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây: Lào, Thái Lan, Myanmar.

Nhóm thị trường truyền thống: Là các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc).

Nhóm thị trường mở rộng: Là Trung Đông, Nam Á, Đông Âu. Dòng khách này có thể khai thác theo trục Hành lang Đông Tây kết nối với sông Hằng và trong khuôn khổ GMS,...

b) Thị trường khách nội địa: Là thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, miền Trung; thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; mở rộng khai thác thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

2) Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu

- Du lịch lịch sử - cách mạng

- Du lịch văn hóa - tâm linh

- Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo

- Du lịch biên mậu và du lịch thương mại - công vụ

- Du lịch sinh thái

3) Tổ chức không gian phát triển du lịch

a) Về cụm du lịch:

- Cụm du lịch trung tâm: Thuộc địa bàn thành phố Đông Hà và huyện Cam Lộ, là đầu mối điều phối các dòng khách đến Quảng Trị và là trung tâm lưu trú chính của du lịch Quảng Trị.

- Cụm du lịch phía Bắc: Thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, là cụm du lịch đặc biệt quan trọng, tập trung hầu hết các tài nguyên du lịch quan trọng nhất của Quảng Trị và nằm ngay trên cửa ngõ của tỉnh trên Quốc lộ 1A.

- Cụm du lịch phía Tây: Thuộc địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa. Đây là cụm du lịch gắn với các tài nguyên du lịch lịch sử - cách mạng với các di tích chiến trường xưa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa dân tộc và tiềm năng phát triển du lịch biên mậu.

- Cụm du lịch phía Nam: Thuộc địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Yếu tố trung tâm là Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

b) Các tuyến du lịch:

- Tuyến du lịch nội tỉnh

- Tuyến du lịch liên vùng và quốc gia

- Tuyến du lịch quốc tế

(phụ lục I kèm theo)

- Tuyến du lịch đường sắt và đường biển: Quảng Trị nằm trên trục đường sắt Thống nhất Bắc - Nam. Trong tương lai tuyến đường sắt này sẽ kết nối với Trung Quốc, Nga, châu Âu cũng như Campuchia, Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á (Đông Hà - Lao Bảo - Savannakhet - Mukdahan).

Với hệ thống các cảng biển Quảng Trị cũng có thể phát triển các tuyến du lịch đường biển xuất phát từ Cửa Việt, Cồn Cỏ và Mỹ Thủy.

- Tuyến du lịch chuyên đề: Gồm có tuyến Tuyến hành lang ven biển; tuyến du lịch sinh thái; tuyên du lịch hoài niệm chiến trường xưa; tuyến đường Trường Sơn; tuyến du lịch đường sông.

c) Các trọng điểm phát triển du lịch:

- Khu vực thành phố Đông Hà: Phát triển dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, đầu mối trung chuyển khách du lịch.

- Khu vực Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ - Vịnh Mốc - Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch lịch sử - cách mạng và du lịch sinh thái. Trong khu vực trọng điểm này, xác định tam giác Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ có thể trở thành khu du lịch quốc gia tiềm năng với quan điểm phát triển du lịch và kinh tế - xã hội góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng.

- Khu vực Khe Sanh - Lao Bảo: Phát triển du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch biên mậu và quá cảnh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

- Khu vực Thành Cổ Quảng Trị - Khu kinh tế Đông Nam: Phát triển du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch thương mại công vụ, nghỉ dưỡng.

d) Hệ thống các khu, điểm du lịch: (phụ lục II kèm theo)

III. Nguồn kinh phí

Tổng nhu cầu đầu tư cho phát triển du lịch Quảng Trị từ nay đến 2030 là 19.316 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn từ ngân sách (bao gồm vốn ngân sách trung ương, địa phương và vốn ODA) chiếm 15% tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển du lịch; nguồn vốn từ xã hội hóa và vốn đầu tư nước ngoài chiếm 85% tổng vốn đầu tư. (phụ lục III kèm theo)

IV. Giải pháp thực hiện

1) Đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch

Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại, đối nội và an ninh, quốc phòng; có vị trí, vai trò đầu tư làm thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phấn đấu đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương Quảng Trị nhất là những đặc thù, khác biệt của địa phương; coi trọng cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và tổ chức thực hiện đồng bộ, chuyên nghiệp.

Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, góp phần phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch, xây dựng nếp sống văn minh.

2) Đầu tư và thu hút vốn đầu tư

Đầu tư xây dựng quy hoạch, dự án trọng điểm phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển du lịch, làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch tâm linh, du lịch biển đảo, các công trình vui chơi giải trí, thể thao.

Nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch; ưu tiên mời gọi nhà đầu tư chiến lược để thực hiện vai trò dẫn dắt đối với phát triển du lịch Quảng Trị.

Tăng cường cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (cả Trung ương và địa phương), nguồn vốn xã hội hóa trong phát triển du lịch. Thực hiện việc chuyển đổi cơ chế phí tham quan sang cơ chế giá dịch vụ. Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Triển khai thực hiện các dự án đối tác công - tư (PPP); nghiên cứu thí điểm cho doanh nghiệp đấu thầu quản lý, khai thác các khu di tích, điểm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

3) Hợp tác, liên kết

Tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương trong khu vực và trên hành lang kinh tế Đông Tây trong xây dựng sản phẩm du lịch chung, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch vùng, liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Đẩy mạnh liên kết và hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến du lịch trong vùng và kết nối với các tỉnh, thành phố lớn trong nước. Phối hợp các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh; xây dựng chuỗi du lịch: Cố đô nước Việt (Huế) - Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình (Quảng Trị) - kỳ vĩ Phong Nha (Quảng Bình).

4) Xúc tiến, quảng bá

Đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh "Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình"; "Cửa ngõ du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây” kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản”, “Con đường Huyền thoại” của khu vực; nghiên cứu phát triển "Du lịch hòa bình" tại địa điểm lịch sử thị xã Quảng Trị.

Nghiên cứu, hoàn thiện các đề án tổ chức các lễ hội, chú trọng quảng bá, nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức của lễ hội để tăng sức hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến với lễ hội.

Phát huy vai trò các cơ quan truyền thông của tỉnh, tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Quảng Trị với bạn bè quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài. Kết hợp hoạt động thông tin đối ngoại với quảng bá du lịch, chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư về du lịch trong các hoạt động đối ngoại, các sự kiện ngoại giao.

5) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch

Kiện toàn và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh. Củng cố cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý các điểm, khu du lịch. Nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước về du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành thực hiện quy hoạch, thẩm định dự án đầu tư du lịch. Tăng cường áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch, từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa du lịch và các lĩnh vực có liên quan, vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch. Phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch trong việc phối hợp hoạt động, cạnh tranh lành mạnh, liên kết cùng phát triển. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch, các trung tâm mua sắm, các cơ sở lưu trú.

6) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, cấp huyện, các Ban quản lý các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao tay nghề lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Thu hút nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao và thực hiện chính sách chuyển giao công nghệ để từng bước tiếp quản công tác quản lý kinh doanh du lịch.

Thực hiện phát triển nguồn nhân lực du lịch giữa các cơ sở đào tạo có uy tín ở trong nước và các cơ sở đào tạo của Lào, Thái Lan. Tăng cường mở các lớp tập huấn ngắn hạn phù hợp với tính chất phát triển du lịch tại từng khu vực cụ thể. Đặc biệt chú trọng việc nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ hướng dẫn viên và thuyết minh viên.

Có biện pháp thích hợp nhằm duy trì đội ngũ và kỹ năng nghề đối với các cơ sở du lịch để nâng cao trình độ chuyên nghiệp hóa và chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch.

7) Ứng dụng khoa học công nghệ

Nghiên cứu phương thức quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin xúc tiến đầu tư và hoạt động du lịch. Nghiên cứu phát triển du lịch gắn với việc đảm bảo môi trường xanh, thân thiện và bền vững.

Nghiên cứu phát triển du lịch trong mối quan hệ với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

Tăng cường liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ với các địa phương khác, khuyến khích và hỗ trợ học tập và áp dụng các mô hình công nghệ quản lý tiên tiến trong phát triển du lịch.

Điều 2.

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, các tổ Đại biểu HĐND, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Khóa VII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 24 tháng 12 năm 2017./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- VPQH, VPCP, VPCTN;
- Bộ VH, TT&DL;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL thuộc Bộ Tư pháp;
- TT/TU, TT.HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh, TAND, VKSND tỉnh;
- VPTU, VPHĐND, VPUBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành cấp tỉnh;
- TTHĐND, UBND cấp huyện;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Trung tâm công báo;
- Lưu: VT, VHXH.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hùng

 

PHỤ LỤC SỐ I

CÁC TUYẾN DU LỊCH NỘI TỈNH; LIÊN VÙNG VÀ QUỐC GIA; QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

STT

TUYẾN DU LỊCH

ĐỊA ĐIỂM

GHI CHÚ

I

Du lịch nội tỉnh

1

Tuyến Đông Bắc: Đông Hà - Cửa Việt - Cửa Tùng - Vịnh Mốc - Hồ Xá - cầu Hiền Lương - Gio Linh - Đông Hà

Huyện Vĩnh Linh Huyện Gio Linh; TP Đông Hà

 

2

Tuyến Tây Bắc: Đông Hà - NTLS Quốc gia Đường 9 - Cam Lộ - Cồn Tiên - NTLS Quốc gia Trường Sơn - Bến Quan - Hồ Xá - Đông Hà

TP Đông Hà; Huyện Vĩnh Linh; Huyện Gio Linh; Huyện Cam Lộ

 

3

Tuyến phía Nam: Đông Hà - Triệu Phong - Thị xã Quảng Trị - Hải Lăng - Đông Hà.

TP Đông Hà; Thị xã Quảng Trị; Huyện Triệu Phong; Huyện Hải Lăng

Tuyến này có thể kéo dài sâu về phía Nam kết hợp khai thác với - Làng cổ Hội Kỳ (Hải Chánh, Hải Lăng) và làng cổ Phước Tích (Phong Điền, TT - Huế). Một kết nối quan trọng của tuyến phía Nam là với Cảng Mỹ Thủy - Khu kinh tế Đông Nam.

4

Tuyến phía Tây: Đông Hà - Cam Lộ - Krông Klang - Khe Sanh - Lao Bảo.

TP Đông Hà; Huyện Cam Lộ; Huyện Đakrông; Huyện Hướng Hóa

Ngoài ra từ tuyến này có nhánh đi xuống phía Nam tới cửa khẩu La Lay và tuyến đi hang động Brai - Tà Puồng.

5

Tuyến Tây Tây Bắc: Đông Hà - Khe Sanh - Hướng Phùng - Hướng Lập (Brai - Tà Puồng - Chênh Vênh)

TP Đông Hà; Huyện Hướng Hóa

Đây là tuyến du lịch nội tỉnh đặc biệt quan trọng, hướng tới các trọng điểm phát triển du lịch trong tương lai của tỉnh

6

Tuyến Tây Tây Nam: Đông Hà - Đakrông - Tà Rụt - La Lay

TP Đông Hà; Huyện Đakrông

 

7

Tuyến Cảng Đông Hà - Cửa Việt - Cồn Cỏ

TP Đông Hà; Huyện Gio Linh; Huyện đảo Cồn Cỏ

 

8

Tuyến Hồ Xá - Bến Quan - Vĩnh Hà - Hướng Việt - Khe Sanh (Tương lai)

Huyện Vĩnh Linh; Huyện Hướng Hóa

 

II

Du lịch liên vùng và Quốc gia

1

Trục Quốc lộ 1A: TP Hà Nội - TP Thanh Hóa -TP Vinh - TP Hà Tĩnh - TP Đồng Hới - TP Đông Hà - TP Huế - TP Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh

TP Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế Huế - TP Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh

 

2

Trục đường Hồ Chí Minh: Hà Nội - Cẩm Thủy, Yên Cát (Thanh Hóa) - Thái Hòa, Tân Kỳ (Nghệ An) - Phố Châu, Hương Khê (Hà Tĩnh) - Xóm Mít, Liêm Phú, Phúc Trạch (Quảng Bình) - từ vị trí này, đường chia thành 2 nhánh Đông và Tây:

Nhánh Đông: từ Phúc Trạch chạy gần QL1A và kết nối với đường 9 tại Cam Lộ.

Nhánh Tây: từ Phúc Trạch - Tăng Ký (Quảng Bình) - Khe Sanh - Li Tôn (Quảng Trị) - A Lưới, Phú Lộc (TT-Huế) - Đà Nẵng - Quảng Nam - Tây Nguyên - TP Hồ Chí Minh: đây là tuyến chính đường Hồ Chí Minh ở khu vực này.

Hà Nội - Thanh Hóa Nghệ An - Hà Tĩnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế Huế - TP Đà Nẵng - Quảng Nam - Tây nguyên - TP Hồ Chí Minh

 

III

Du lịch Quốc tế

1

Mawlamyine (Myanmar) - Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasotho, Mukdahan (Thái Lan) - Savannakhet (Lào) - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng.

Quảng Trị (Việt Nam); Thái Lan, Lào; Myanmar; Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng

Trong tương lai tuyến này còn có thể kéo dài tới Ấn Độ hình thành tuyến du lịch sông Hằng - sông Mekong. Trước mắt tuyến du lịch "ngày ăn cơm ba nước" là một tuyến du lịch và sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc của Quảng Trị và Lào, Thái Lan trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

2

Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan - Attapu - Champasak (Lào) - Stung Treng - Seam Reap - Phnom Penh (Campuchia)

Quảng Trị (Việt Nam); Lào; Campuchia

Tuyến này đi qua Cửa khẩu quốc tế La Lay

 

PHỤ LỤC SỐ II

HỆ THỐNG CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH; DANH LAM THẮNG CẢNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

STT

CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH; DANH LAM THẮNG CẢNH

ĐỊA ĐIỂM

GHI CHÚ

I

Khu du lịch

 

 

1

Khu dịch vụ - du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt

Huyện Vĩnh Linh; Huyện Gio Linh

 

2

Khu du lịch Cửa Tùng

Huyện Vĩnh Linh

 

3

Khu dịch vụ-du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Vịnh Mốc

Huyện Vĩnh Linh

 

4

Khu du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc - Đôi bờ Hiền Lương - Cồn Cỏ

Huyện Gio Linh; Huyện Vĩnh Linh; Huyện Cồn Cỏ

Khu du lịch quốc gia

5

Khu dịch vụ - du lịch Vĩnh Thái

Huyện Vĩnh Linh

 

6

Khu dịch vụ du lịch Vĩnh Kim

Huyện Vĩnh Linh

 

7

Khu dịch vụ - du lịch Trường Sơn

Huyện Gio Linh

 

8

Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt

Huyện Gio Linh

 

9

Khu dịch vụ-du lịch Hải Khê

Huyện Hải Lăng

 

10

Khu du lịch sinh thái Trà Lộc

Huyện Hải Lăng

 

11

Khu dịch vụ - du lịch Triệu Lăng

Huyện Triệu Phong

 

12

Khu du lịch động Brai - Tà Puồng,

Huyện Hướng Hóa

 

13

Khu du lịch sử văn hóa - tâm linh Chúa tiên Nguyễn Hoàng

Huyện Triệu Phong

 

II

Các điểm du lịch về di tích lịch sử - văn hóa

1

Thành cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972

Thị xã Quảng Trị

Điểm du lịch Quốc gia

2

Nghĩa Trũng Đàn

Thị xã Quảng Trị

 

3

Khe Sanh

Huyện Hướng Hóa

 

4

Sân bay Tà Cơn

Huyện Hướng Hóa

 

5

Sân bay Ái Tử

Huyện Triệu Phong

 

6

Làng Vây

Huyện Hướng Hóa

 

7

Nhà tù Lao Bảo

Huyện Hướng Hóa

 

8

Các di tích đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Trị

Huyện Hướng Hóa; Huyện Vĩnh Linh, Huyện Gio Linh; Huyện Đakrông

 

9

Rockpile

Huyện Cam Lộ

 

10

Đồi 241

Huyện Cam Lộ

 

11

Trụ sở CPCMLTCHMN Việt Nam

Huyện Cam Lộ

 

12

Cồn Tiên - Dốc Miếu

Huyện Gio Linh

 

13

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Huyện Vĩnh Linh; Huyện Gio Linh

 

14

Địa đạo Vịnh Mốc

Huyện Vĩnh Linh

 

15

Cảng Đông Hà

Thành phố Đông Hà

 

16

Cảng Cửa Việt

Huyện Gio Linh

 

17

Chiến khu Ba Lòng

Huyện Đakrông

 

18

Thành Tân Sở

Huyện Cam Lộ

 

19

Nhà thờ La Vang

Huyện Hải Lăng

 

20

Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang

Huyện Triệu Phong

 

21

Hệ thống giếng cổ Gio An

Huyện Gio Linh

 

22

Làng cổ Hội Kỳ

Huyện Hải Lăng

 

III

c điểm danh lam thắng cảnh

1

Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông

Huyện Đakrông

 

2

Bãi tắm Cửa Tùng

Huyện Vĩnh Linh

 

3

Bãi tắm Cửa Việt

Huyện Gio Linh

 

4

Bãi tắm Mỹ Thuỷ

Huyện Hải Lăng

 

5

Bãi tắm Triệu Lăng

Huyện Triệu Phong

 

6

Rú Lịnh

Huyện Vĩnh Linh

 

7

Trằm Trà Lộc

Huyện Hải Lăng

 

8

Hang động Apôlyhông

Huyện Đakrông

 

9

Đảo Cồn Cỏ

Huyện Cồn Cỏ

 

10

Hồ Bảo Đài

Huyện Vĩnh Linh

 

11

Hồ Trung Chỉ

TP. Đông Hà

 

12

Hồ Khe Mây

TP. Đông Hà

 

13

Hồ Ái Tử

Huyện Triệu Phong

 

14

Hồ La Ngà

Huyện Vĩnh Linh

 

15

Hồ Rào Quán

Huyện Hướng Hóa

 

16

Hang động Brai

Huyện Hướng Hóa

 

17

Thác Tà Puồng

Huyện Hướng Hóa

 

 

PHỤ LỤC SỐ III

KHÁI TOÁN NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

STT

Chương trình, dự án đầu tư

Phân đoạn đầu tư (Tỷ đồng)

Tổng

Đến 2020

2021-2025

2026 - 2030

A

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

 

 

 

 

1

Trọng điểm phát triển du lịch Đông Hà và phụ cận

2.200

550

1.100

550

2

Trọng điểm phát triển du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Vịnh Mốc - Cồn Cỏ

7.700

550

1.540

5.610

3

Trọng điểm phát triển du lịch Thành cổ Quảng Trị - Khu KT Đông Nam

2.200

440

1.100

660

4

Trọng điểm phát triển Khe Sanh - Lao Bảo

1.980

330

440

1.210

5

Các dự án đầu tư các khu, điểm du lịch khác

1.320

220

440

660

B

Các chương trình khác

 

 

 

 

1

Chương trình bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch

880

110

330

440

2

Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức

110

44

44

22

3

Chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó:

220

44

88

88

 

- Xây dựng (và rà soát, cập nhật định kỳ) Chiến lược sản phẩm - thị trường

11

7

2

2

 

- Xây dựng trung tâm thông tin du lịch

77

15

31

31

 

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, văn phòng đại diện du lịch Quảng Trị tại các thị trường trọng điểm.

132

22

55

55

4

Chương trình phát triển hạ tầng phục vụ du lịch

2.706

880

1.694

132

 

Tổng số

19.316

3.168

6.776

9.372

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 35/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"

  • Số hiệu: 35/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Văn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản