Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2014/NQ-HĐND | Đắk Nông, ngày 18 tháng 12 năm 2014 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA II, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Thông tư số 05/2013/TT-BKH ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Thực hiện Quyết định số 711/QĐ-TTg, ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 5084/TTr-UBND, ngày 19/11/2014 của UBND tỉnh “Về việc đề nghị thông qua Đề án Quy hoạch mạng lưới trường, lớp các ngành bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra số 60/BC-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2014 của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới trường, lớp các ngành bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2030 (có Đề án kèm theo).
1. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa II, kỳ họp thứ 10 thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP CÁC NGÀNH BẬC HỌC TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2015 – 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 35/2014/NQ-HĐND ngày 18/12/2014 của HĐND tỉnh)
THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết lập quy hoạch mạng lưới trường, lớp các ngành bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông
Phát triển giáo dục và đào tạo được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, nền tảng và động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; Đắk Nông là một tỉnh Tây Nguyên được thành lập năm 2004. Giáo dục và đào tạo đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực và nuôi dưỡng, khuyến khích nhân tài trong tỉnh.
Theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, GD-ĐT có nhiệm vụ nâng cao dân trí và xây dựng lực lượng lao động có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển KT -XH. Vì vậy, việc xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp các ngành bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo Đắk Nông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là yêu cầu cấp thiết nhằm chuẩn bị cho những chuyển biến tích cực hơn trong thời kỳ mới.
II. Thực trạng phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông
1. Khái quát chung hệ thống Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông.
Đắk Nông được thành lập năm 2004 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của các huyện: Đắk Nông, Đắk Song, Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút và Đắk R’lấp vốn là các huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk (cũ) do đó mạng lưới giáo dục của tỉnh hầu hết đều mới được xây dựng, việc phát triển hoàn thiện mạng lưới giáo dục đào tạo là một thách thức đối với tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên với những nỗ lực to lớn của Đảng và chính quyền tỉnh Đắk Nông nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng, cùng với sự quan tâm của các cấp ngành trung ương, hiện nay hệ thống giáo dục đào tạo đang từng bước hình thành, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp đã và đang được đầu tư ngày càng nhiều và phân bố đến hầu hết các vùng trong tỉnh.
Bằng cách huy động nhiều nguồn vốn khác nhau: vốn ngân sách nhà nước, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án của Bộ Giáo dục và đào tạo, vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế và đóng góp của người dân, cơ sở vật chất trường - lớp học thường xuyên được đầu tư xây dựng theo tiêu chí chuẩn quốc gia.
Chất lượng dạy và học trong các nhà trường đã có những bước chuyển biến cơ bản. Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy tiếp tục được tăng cường, công tác quản lý được tập trung đổi mới, chất lượng giáo dục được nâng cao. Ngay từ khi thành lập tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo có nhiều khó khăn về nhân lực cả về đội ngũ cán bộ quản lý cũng như lực lượng giáo viên trực tiếp giảng dạy. Năm học 2005 – 2006 toàn tỉnh có 121.815 học sinh, trong đó mẫu giáo 14.126 học sinh, tiểu học 57.667 học sinh, trung học cơ sở 35.680 học sinh, trung học phổ thông 14.342 học sinh.
Năm học 2013 – 2014 tỉnh Đắk Nông có 147.533 học sinh, trong đó mẫu giáo 29.248 học sinh, tiểu học 61.615 học sinh, trung học cơ sở 37.887 học sinh, trung học phổ thông 17.409 học sinh, dân tộc nội trú 1.568 học sinh và 806 học sinh đang theo học tại các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (trong đó học sinh dân tộc ít người 66.252 em chiếm tỉ lệ 44,68%). Quy mô học sinh tăng trung bình hàng năm là 2,25%. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên có 11.672 người, trong đó cán bộ quản lý là 863 người, nhân viên 1.737 người và giáo viên là 8.967 người; Số giáo viên đạt chuẩn trên 99,16%; Mạng lưới trường học ở các cấp học, bậc học phát triển khá nhanh, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc tại các địa bàn dân cư.
Nhìn chung, mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo của Đắk Nông đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Công tác giáo dục và đào tạo đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng dạy và học trong các nhà trường; tập trung đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia; công bằng xã hội trong giáo dục thực hiện tốt hơn.
Chất lượng giáo dục có chuyển biến theo hướng tích cực; những chỉ số cơ bản phát triển giáo dục được nâng lên; việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài được chú trọng; hệ thống giáo dục, đào tạo về cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo của thanh thiếu niên, trẻ em và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngành giáo dục và đào tạo Đắk Nông đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
- Chất lượng giáo dục tuy có nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh và vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ học sinh yếu kém ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn chiếm khá cao, việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần vẫn còn nhiều khó khăn; việc phân luồng học sinh trung học cơ sở và giáo dục hướng nghiệp chưa hiệu quả.
- Công tác phổ cập giáo dục chưa bền vững, đặc biệt là phổ cập đúng độ tuổi. Các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập mới ở mức tối thiểu, tính trên bình diện cấp tỉnh thì đạt, ở cấp huyện và xã thì có một số chỉ tiêu chưa đạt.
- Việc tiếp cận giáo dục của một bộ phận dân cư đặc biệt là ở xã vùng biên giới, vùng khó khăn và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt còn hạn chế. Khoảng cách về trình độ giáo dục giữa một số vùng, khu vực trong tỉnh chậm được thu hẹp. Mạng lưới trường lớp học phân bố chưa thật đồng đều giữa các vùng tỉnh.
- Cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng nhu cầu phát triển quy mô học sinh, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều trường học thiếu phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, nhà công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinh, thiết bị dạy học…
- Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở nhiều địa phương thực hiện còn chậm. Năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên còn chưa đáp ứng được.
2. Hiện trạng trình độ dân trí tỉnh Đăk Nông.
- Hàng năm có 99% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 92,6% học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 đúng độ tuổi; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; Đắk Nông đã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2010.
- Tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở đạt 97,8%. Số thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS là: 39.777 người; tốt nghiệp THCS và bổ túc THCS là 7.969 người, đạt tỷ lệ 97,62%. Được công nhận phổ cập trung học cơ sở năm 2009.
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào lớp 10 THPT và BTTHPT đạt 87,5% so với số học sinh tốt nghiệp THCS. Số học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước tăng nhanh (đến tháng 6 năm 2014 có 3.020 em, gấp 11 lần năm 2004 chỉ có 276 em).
- Trình độ dân trí của lực lượng lao động: Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014 đạt 29,53% (tăng 2,89% so với năm 2010 là 26,64%). So với mặt bằng cả nước và khu vực Tây Nguyên, trình độ dân trí chung trong dân cư của Đắk Nông tương đối thấp. Tuy nhiên số người trong độ tuổi lao động (15 tuổi trở lên) tốt nghiệp trung học cơ sở đạt tỷ lệ tương đối trong khu vực Tây Nguyên.
3. Hiện trạng phát triển mạng lưới giáo dục tỉnh Đăk Nông.
Đến năm học 2013-2014, mạng lưới trường học ở các cấp học, bậc học phát triển khá nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc tại các địa bàn dân cư trong toàn tỉnh, chi tiết theo bảng sau:
Bảng 1: MẠNG LƯỚI TRƯỜNG HỌC CÁC BẬC HỌC TỈNH ĐẮK NÔNG
(Tháng 6 năm 2014)
Đơn vị tính: trường
Stt | Đơn vị hành chính | MG - MN | Tiểu học | THCS | THPT | THPT chuyên | Dân tộc nội trú | Giáo dục TX |
1 | TX Gia Nghĩa | 14 | 14 | 6 | 2 | 1 | 1 | 1 |
2 | Đắk R’lấp | 14 | 23 | 14 | 4 |
| 1 | 1 |
3 | Đắk Song | 9 | 16 | 12 | 3 |
| 1 | 1 |
4 | Cư Jút | 11 | 20 | 11 | 4 |
| 1 | 1 |
5 | Đắk Mil | 18 | 23 | 14 | 4 |
| 1 | 1 |
6 | Tuy Đức | 8 | 14 | 6 | 1 |
| - | 1 |
7 | Đắk G'long | 8 | 15 | 8 | 2 |
| 1 | - |
8 | Krông Nô | 12 | 18 | 11 | 3 |
| 1 | 1 |
Tổng: | 94 | 143 | 82 | 23 | 1 | 7 | 7 |
3.1. Giáo dục mầm non:
a) Nhà trẻ:
Số trẻ đi nhà trẻ đã liên tục tăng nhanh trong 5 năm gần đây (trên 0,62%/năm) song tỷ lệ huy động ra lớp còn thấp. Năm 2014 toàn tỉnh có 76 nhóm trẻ (65 nhóm công lập và 11 nhóm ngoài công lập) thu hút 1.368 cháu ra nhóm trẻ, đạt tỷ lệ huy động khoảng 8,1 % số cháu trong độ tuổi. Trong đó đạt tỷ lệ huy động cao nhất là huyện Đắk Mil đạt 12,35%, thấp nhất là huyện Tuy Đức chỉ đạt 5,13% tổng số trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ.
Cơ sở vật chất phục vụ cho việc nuôi dạy trẻ còn chưa đảm bảo yêu cầu, chỉ có 65 nhóm trẻ công lập là có cơ sở chuyên dụng, còn lại 11 nhóm trẻ ngoài công lập chủ yếu sử dụng cơ sở chung với gia đình với những điều kiện không đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho việc nuôi dạy trẻ.
Tổng số phòng học năm 2014 là 152 phòng (không tính 27 phòng học đang mượn của các đơn vị khác), trong đó có 15 phòng kiên cố, 96 phòng bán kiên cố và 41 phòng tạm (chiếm tỷ lệ 26,97%). Tình trạng thiếu phòng nuôi dạy trẻ chuyên dùng dẫn đến không đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ là một trong những nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ huy động cháu ra lớp còn thấp, hiện chưa có nhà trẻ riêng biệt, các nhóm trẻ công lập học chung với cấp mẫu giáo.
b) Mẫu giáo: Mạng lưới các cơ sở trường, lớp mẫu giáo phát triển rộng khắp trong tỉnh. Tính đến năm 2014, toàn tỉnh có 94 trường mẫu giáo. Huyện có trường mầm non tập trung nhiều nhất là Đắk Mil (18 trường), tiếp sau là thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp (15 trường), thấp nhất là các huyện Tuy Đức, Đắk G’long chỉ có 8 trường/huyện.
Có 16/94 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 16% tổng số trường), hầu hết đều tổ chức học bán trú (88/94 trường), tỷ lệ các cháu học bán trú là 90,56%, trong đó có 22,78% trẻ 5 tuổi được học bán trú. Số cháu bình quân/lớp học tính chung là 31 cháu, đáp ứng quy định của Bộ GD & ĐT.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị nuôi dạy các cháu còn nhiều khó khăn. Đến năm 2014, cấp mẫu giáo chỉ có 208 phòng học kiên cố, 601 phòng học bán kiên cố, 73 phòng học tạm.
Hệ thống bếp ăn tại các trường mầm non cũng được đầu tư theo hướng đạt chuẩn, với 88/94 trường có bếp ăn, đạt tỷ lệ trên 94%, tuy nhiên chỉ có 54/94 trường có bếp ăn hợp vệ sinh, đúng quy cách (bếp 1 chiều); 50/94 trường mẫu giáo có công trình vệ sinh tự hoại đạt yêu cầu. Việc còn nhiều phòng học tạm, cơ sở trang thiết bị trong các trường mầm non còn thiếu đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy và học.
Kết quả điều tra cho thấy, hiện nay diện tích đất bố trí cho giáo dục mầm non là 50,62 ha, trung bình 19,39 m2/học sinh, cao hơn so với mức tối thiểu trong Điều lệ trường Mầm Non của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2008 (12 m2/học sinh).
Bảng 2: HIỆN TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CÁC TRƯỜNG MẦM NON
TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2014
Stt | Chỉ tiêu | Tổng | Gia Nghĩa | Đắk R’lấp | Đắk Song | Cư Jút | Đắk Mil | Tuy Đức | Đắk G'long | Krông Nô |
| Số trường khảo sát | 94 | 14 | 15 | 8 | 11 | 18 | 8 | 8 | 13 |
1 | Trường có bếp 1 chiều | 54 | 10 | 5 | 9 | 8 | 13 | 1 | 3 | 5 |
2 | Trường có công trình vệ sinh tự hoại mới | 50 | 6 | 6 | 7 | 8 | 12 | 2 | 3 | 6 |
3 | Trường có nước sạch | 83 | 13 | 13 | 10 | 11 | 15 | 7 | 3 | 11 |
4 | Trường có sân chơi | 24 | 3 | 5 | 6 | 3 | 5 | 1 | 0 | 1 |
5 | Trường có máy vi tính | 85 | 14 | 8 | 10 | 11 | 17 | 7 | 6 | 12 |
6 | Trường có internet | 84 | 14 | 8 | 10 | 11 | 17 | 6 | 6 | 12 |
Năm học 2013-2014, tổng số giáo viên mẫu giáo toàn tỉnh là 1.673 người, trung bình 1,8 giáo viên/lớp học. Tỷ lệ giáo viên mẫu giáo tốt nghiệp đại học và trên đại học là 16,03%, tốt nghiệp cao đẳng là 11,21%, trung cấp chuyên nghiệp là 72,48%. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên là 100%, trong đó trên chuẩn là 27,24%.
3.2. Giáo dục tiểu học:
a) Mạng lưới trường học: Mạng lưới trường lớp tiểu học hiện nay đã phủ kín đến các xã, phường, thị trấn. Mỗi xã (phường, thị trấn) trong tỉnh đều có ít nhất 1 trường tiểu học, tại các thôn, bon đã có phân hiệu hoặc điểm trường tiểu học, tỷ lệ phổ cập tiểu học đúng độ tuổi năm 2014 đạt 99,04%. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 năm 2014 đạt 98,8% và tỷ lệ trẻ khuyết tật học hoà nhập đạt 78%. Năm 2010 tỉnh Đắk Nông đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Tổng số học sinh tiểu học năm học 2013 – 2014 là 61.615 em, tăng 3.948 em so với năm 2005 (năm 2005 là 57.667 học sinh) với 2.393 lớp học cấp tiểu học (năm 2005 là 2.136 lớp). Hiện nay tỉnh có 37/143 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (25,87%).
Do tỷ lệ phòng học/lớp học trung bình chỉ đạt 0,94 nên hiện nay tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày trên toàn tỉnh chỉ đạt 29%, tại một số trường vùng sâu, vùng xa việc tổ chức học 2 buổi/ngày ở trường khó thực hiện.
Có 89 trường tổ chức cho học sinh lớp 3 đến lớp 5 học tự chọn ngoại ngữ (tiếng Anh), tỷ lệ 61,81% và 133 trường tổ chức cho học sinh học tự chọn tin học, tỷ lệ 92,36%. Khoảng 98% học sinh tốt nghiệp tiểu học đúng độ tuổi.
b) Cơ sở vật chất trường học: Trong quá trình hình thành và phát triển mạng lưới trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cùng với việc xây dựng trường mới, là việc nâng cấp cải tạo, kiên cố hoá, xây dựng nhà cao tầng các trường hiện có. Tính đến tháng 6/2014 toàn tỉnh có 2.258 phòng học, trong đó có 884 phòng kiên cố, 1.334 phòng bán kiên cố, vẫn còn 40 phòng tạm (chiếm tỷ lệ 1,77% phòng học).
Tổng diện tích đất của các trường tiểu học hiện có 142,45 ha, bình quân đạt 23,12 m2/học sinh (định mức của Bộ GD-ĐT tối thiểu là 10 m2/ học sinh).
c) Đội ngũ giáo viên: Năm 2014, tổng số giáo viên tiểu học toàn tỉnh có 3.402 người. Có 100% giáo viên được công nhận đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn là 58%. Tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,42, để đạt định mức chuẩn theo yêu cầu học 2 buổi/ngày tại trường (1,5 giáo viên/lớp) cần có 3.477 giáo viên, thiếu 129 giáo viên.
3.3. Giáo dục trung học cơ sở:
a) Mạng lưới trường lớp: Mạng lưới trường THCS đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, đến nay mỗi đơn vị hành chính cấp xã đều có ít nhất 1 trường THCS. Năm 2009, Đắk Nông đã được công nhận đạt chuẩn về phổ cập trung học cơ sở.
Năm học 2013 – 2014, tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 đạt 97,8 % và tỷ lệ học sinh đi học cấp THCS trong tổng số trẻ em trong tuổi đạt 85,05%. Tổng số học sinh THCS năm 2014 là 37.887 em. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia có 19/82 trường, chiếm 23,17% tổng số trường THCS, thấp so với mặt bằng chung của khu vực Tây Nguyên.
Số lớp học THCS năm học 2013 – 2014 có 1.146 lớp. Sỹ số trung bình là 33 học sinh/lớp (quy định chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 40 học sinh/lớp). Tỷ lệ này tại các huyện dao động trong khoảng 29 – 36 học sinh/lớp là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng dạy và học.
b) Cơ sở vật chất trường học: So với cấp tiểu học, hiện trạng cơ sở vật chất cấp trung học cơ sở tốt hơn. Không còn tình trạng học 3 ca.
Tổng số phòng học đến tháng 6 năm 2014 là 1.087 phòng, trong đó 822 phòng kiên cố (chiếm 75,62%), 254 phòng bán kiên cố và 11 phòng học tạm, xuống cấp (chiếm 1,34%). Hiện nay có 61/82 trường có thư viện, nhiều trường có thư viện đạt chuẩn, tỷ lệ trường THCS có phòng học vi tính đạt 92,6%.
Tổng diện tích sử dụng đất các trường THCS hiện có 72,82 ha, bình quân 1 học sinh đạt 19,22 m2 (định mức của Bộ GD-ĐT tối thiểu 10 m2/1 học sinh).
c) Đội ngũ giáo viên: Năm 2014, toàn tỉnh có 2.389 giáo viên trung học cơ sở, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên là 100%, trên chuẩn là 57,3%. Tỷ lệ giáo viên/lớp là 2,08 cao hơn biên chế (1,90 giáo viên/lớp học).
3.4. Giáo dục trung học phổ thông:
a) Mạng lưới trường lớp: Mạng lưới trường THPT đã được hình thành và phân bố tại các huyện - thị xã trong tỉnh. Đến tháng 6/2014 có 23 trường trung học phổ thông với 481 lớp, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 17,39%; Tổng số học sinh THPT năm 2014 có 17.409 em; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10 đạt 87,5% tổng số học sinh tốt nghiệp.
Giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có những bước tiến bộ về kết quả dạy và học, cơ bản tiếp cận được mặt bằng chất lượng chung của cả nước. Năm 2014 toàn tỉnh có 5.040 học sinh tham gia thi đại học, cao đẳng có 2.060 học sinh đỗ vào đại học và 960 học sinh đỗ vào cao đẳng (chiếm tỷ lệ 59,9%); còn lại 2.158 em tham gia học TCCN, học nghề hoặc về địa phương tham gia lao động sản xuất.
b) Cơ sở vật chất trường học: Hầu hết các trường trung học phổ thông được xây dựng khang trang. Hệ thống cơ sở vật chất về trường, lớp và các công trình phục vụ học tập của cấp trung học phổ thông được xây dựng tương đối đồng bộ. Tính chung trên toàn tỉnh có 99,5% tổng số phòng học trong các trường THPT được xây dựng kiên cố, hầu hết là nhà cao tầng (610 phòng), hiện chỉ có 2 phòng tạm, xuống cấp, tổng số phòng học đến tháng 6/2014 là 613 phòng. Toàn bộ các trường THPT đều có từ 1-2 phòng học vi tính (22 máy/phòng) đã được nối mạng Internet, hầu hết trường THPT đều có thư viện (19/23 trường).
Sĩ số học sinh trung bình là 36 học sinh/lớp (định mức chuẩn là 40 – 45 học sinh/lớp).
Tổng diện tích sử dụng đất của các trường THPT là 48,01 ha, bình quân đạt 27,58 m2/học sinh, định mức của Bộ GD-ĐT tối thiểu là 10m2/học sinh.
c) Đội ngũ giáo viên: Tổng số giáo viên trung học phổ thông của tỉnh năm 2014 là 1.163 người, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên là 100%, trong đó trên chuẩn là 4,2%. Số giáo viên bình quân/lớp 2,42 (cao hơn so với mức chuẩn 2,25).
3.5. Giáo dục chuyên biệt:
a) Trường chuyên:
Năm 2013 Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 (gồm khu nhà học, khu nhà hiệu bộ, khu ký túc xá) và tuyển sinh khóa đầu tiên năm học 2013 – 2014 với 10 lớp học, 256 học sinh, 26 giáo viên, 1 cán bộ quản lý và 5 nhân viên.
b) Trường dân tộc nội trú:
Đến tháng 6/2014, Đắk Nông có 7 trường DTNT gồm: trường DTNT tỉnh có 349 học sinh, 12 lớp với 15 phòng học và 6 trường DTNT huyện gồm Đắk R’lấp, Đắk Song, Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô và Đắk G’long, quy mô bình quân trường DTNT cấp huyện từ 110 – 210 học sinh, 4 – 7 lớp học, 4 – 7 phòng học, đang triển khai xây dựng trường DTNT huyện Tuy Đức. Mạng lưới trường DTNT đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với tổng số 49 lớp, 1.568 học sinh. Tổng số giáo viên là 130 giáo viên.
Diện tích đất các trường dân tộc nội trú là 10,4 ha, bình quân 66,31m2/học sinh.
c) Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật:
Hiện nay chưa có trường nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh, trẻ khuyết tật chủ yếu tham gia các lớp hòa nhập tại một số trường phổ thông có tổ chức lớp học hòa nhập. Đến tháng 6/2014, toàn tỉnh có 400 trẻ khuyết tật được theo học ở các cấp, trong đó có 50 cháu cấp mẫu giáo, 260 cháu cấp tiểu học, 75 học sinh cấp THCS và 15 học sinh cấp THPT.
3.6. Giáo dục thường xuyên:
Đến tháng 6/2014 ngoài Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh với quy mô 8 lớp học/160 học viên, còn có Trung tâm giáo dục thường xuyên tại 6/8 huyện thị (ngoại trừ thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk G'long), tổng số phòng học tại các trung tâm GDTX là 82 phòng, trong đó 70 phòng kiên cố (85,37%), 3 phòng bán kiên cố và còn 9 phòng tạm (10,98%). Tại các TT GDTX hiện có 68 giáo viên, 14 cán bộ quản lý và 36 nhân viên.
Tại các xã, phường thị trấn trên tỉnh Đắk Nông đã hình thành mạng lưới Trung tâm học tập cộng đồng, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 71 trung tâm hoạt động triển khai tổ chức xoá mù chữ, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và liên kết chuyển giao công nghệ các dự án, chương trình tại địa phương.
3.7. Hệ thống đào tạo:
a) Dạy nghề: Thời gian qua, các ngành công nghiệp và xây dựng trên địa bàn tỉnh phát triển với tốc độ cao đã và đang kích thích hệ thống dạy nghề phát triển cả về số lượng cơ sở và quy mô đào tạo. Năm 2014 trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở dạy nghề gồm 1 trường trung cấp nghề, 16 cơ sở dạy nghề, 2 cơ sở giáo dục có chức năng dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề chủ yếu phát triển tại thị xã trung tâm tỉnh và các khu, cụm công nghiệp để phục vụ nhu cầu đào tạo lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp, ngoài ra tại vùng nông thôn, bước đầu đã hình thành một số cơ sở dạy nghề cho nông dân.
Số cán bộ, giáo viên, công nhân dạy nghề của 20 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đến tháng 6 năm 2014 là 140 người, trong đó trình độ trên đại học là 2 người (chiếm 1,43%); đại học, cao đẳng có 73 người (chiếm 52,14%); trình độ khác (trung cấp, thợ lành nghề, nghệ nhân) có 65 người (chiếm 46,43%). Số giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là 41 người (chiếm 29,29%). Đội ngũ giáo viên dạy nghề thường xuyên được quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; chương trình dạy nghề tiếp tục được bổ sung, nâng cao và hoàn thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một cao của công tác dạy nghề.
Năm 2014 trên địa bàn tỉnh có 11.000 người theo học các lớp đào tạo nghề ở các cấp khác nhau, trong đó: hệ trung cấp nghề: 200 người; hệ sơ cấp nghề: 10.800 người. Việc dạy nghề chủ yếu là hình thức ngắn hạn, tuy đáp ứng nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp, song chưa đào tạo được lực lượng lao động lành nghề. Ngoài ra, còn có các hình thức dạy nghề khác như: vừa học vừa làm tại cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống và dạy nghề lưu động tại các địa phương.
b) Trung cấp chuyên nghiệp: Hiện nay Đắk Nông có 1 trường là Trung cấp kinh tế kỹ thuật Phương Nam với có 2 cơ sở: Tại thị xã Gia Nghĩa và thị trấn Ea T'ling - huyện Cư Jút với 21 giáo viên, trong đó 1 người có trình độ trên đại học, 18 giáo viên trình độ đại học và 2 giáo viên trình độ cao đẳng, chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo ở giai đoạn hiện tại với mức độ tương đối thấp.
Tổng số học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp năm 2014 có 200 người. Số học sinh tốt nghiệp từ năm 2007 đến nay là trên 1.676 người.
Mặc dù hệ trung cấp chuyên nghiệp đóng vai trò nhất định trong đào tạo và cung cấp lao động kỹ thuật cho nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, song số lượng còn quá ít.
c) Cao đẳng - đại học: Đắk Nông là tỉnh duy nhất trong cả nước đến nay chưa có trường đại học - cao đẳng. Phần lớn sau khi tốt nghiệp học sinh học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học ngoài địa phương (chính quy), số còn lại học theo hình thức liên kết đại học với cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước tại Trường Trung cấp Phương Nam (ngoài chính quy). Tỷ lệ năm 2014 là 52 sinh viên/1 vạn dân.
4. Đánh giá chung.
4.1. Những thành tựu:
Các cấp bộ Đảng, Chính quyền quan tâm và có quyết tâm cao phát triển GD – ĐT. Kinh tế tăng trưởng nhanh tạo tiền đề vật chất – tài chính và đặt ra yêu cầu cao và lớn đối với phát triển GD-ĐT.
Mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo tương đối hoàn chỉnh. Cơ sở giáo dục cơ bản phân bố rộng khắp đến từng xã/phường và phần lớn các thôn, điểm dân cư. Tình trạng cơ sở vật chất (trường lớp) tương đối tốt. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng liên tục trong thời gian qua.
Đội ngũ giáo viên phổ thông các cấp về cơ bản được chuẩn hoá và tiếp tục nâng cao về chất lượng. Bên cạnh đó, lòng yêu nghề, nỗ lực phấn đấu của các nhà giáo để hoàn thành nhiệm vụ nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới luôn được nhấn mạnh và quan tâm đặc biệt của các cấp ngành trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục năng động, giàu kinh nghiệm trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách GD, ĐT trên địa bàn.
Người dân có truyền thống hiếu học, bước đầu đạt một số thành tích trong các kỳ thi quốc gia, có nhận thức đúng về tầm quan trọng của tri thức và sự cần thiết của việc học. Xã hội hoá giáo dục - đào tạo phổ biến rộng và đạt được mức trung bình khá.
4.2. Những yếu kém:
Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số trường học còn thiếu, không đồng bộ nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, khu giáo dục thể chất và các công trình phụ trợ (đặc biệt là ở cấp mầm non và tiểu học).
Việc đa dạng hoá các loại hình giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là loại hình chất lượng cao, chất lượng toàn diện so với yêu cầu còn thấp, chất lượng giáo dục thường xuyên, không chính quy thấp; các cấp giáo dục còn mỏng về mạng lưới, thiếu giáo viên ở cấp mầm non.
Năng lực đào tạo, dạy nghề của các cơ sở đào tạo còn nhiều hạn chế về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên. Chất lượng dạy nghề còn thấp so với yêu cầu.
Nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục - đào tạo còn hạn chế so với nhu cầu; công tác xã hội hoá giáo dục - đào tạo chưa mạnh so với khả năng và tiềm năng, sức hút đầu tư vào phát triển giáo dục - đào tạo còn hạn chế.
Khoảng cách giữa nhu cầu phát triển giáo dục đòi hỏi năng lực hiện có của ngành giáo dục Đắk Nông là tương đối lớn, yêu cầu kinh tế - xã hội đòi hỏi ngày một cao về quy mô, số lượng cũng như chất lượng giáo dục trong khi các điều kiện và khả năng đáp ứng của ngành giáo dục còn hạn chế. Điều này cần có sự cố gắng cả từ hai phía, một mặt cần tăng đầu tư cho giáo dục từ phát triển kinh tế - xã hội và mặt khác là sự phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục của mạng lưới giáo dục.
I. Dự báo quy mô dân số trong nhóm tuổi đi học và quy mô học sinh các bậc học:
1. Dự báo quy mô dân số trong nhóm tuổi đi học:
Quy mô học sinh các cấp trong thời kỳ quy hoạch phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố là: Số lượng học sinh hiện tại được lên lớp, tiếp tục chuyển lớp, chuyển cấp và số lượng trẻ em chuẩn bị đến trường (chủ yếu là nhóm 0 – 5 tuổi là nhóm tuổi sẽ nhập học lớp 1 trong từng thời kỳ 5 năm). Dân số các nhóm tuổi đi học (theo từng cấp học) là cơ sở hình thành số lượng học sinh các cấp học trong tương lai.
Dự báo số người trong các nhóm tuổi đi học (gồm nhà trẻ - mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đào tạo các cấp) của tỉnh thời kỳ đến năm 2020 như sau:
- Đến năm 2015, dân số trong nhóm tuổi đi học (0-21 tuổi) là 239.858 người, trong đó từ 0-2 tuổi là 18.405 người, từ 3-5 tuổi là 37.662 người, từ 6-10 tuổi là 67.786 người, từ 11-14 tuổi là 46.926, từ 15-17 tuổi là 28.994 người, từ 18-21 tuổi là 40.085 người.
- Đến năm 2020, dân số trong nhóm tuổi đi học (0 – 21 tuổi) là 256.127 người, tăng 16.269 người so với 2015. Trong đó từ 0 – 2 tuổi là 21.544 người, từ 3 – 5 tuổi là 40.771 người, từ 6 – 10 tuổi là 68.500 người, từ 11 – 14 tuổi là 50.056, từ 15 – 17 tuổi là 29.748 người, từ 18 – 21 tuổi là 45.508 người.
2. Dự báo quy mô học sinh các bậc học:
2.1. Giáo dục mầm non:
Quy mô giáo dục mầm non (gồm nhà trẻ và mẫu giáo) được dự báo căn cứ vào số lượng trẻ em trong các nhóm tuổi đi học trong hệ thống giáo dục mầm non (nhà trẻ 0 – 2 tuổi và mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi) và tỷ lệ huy động đến lớp.
- Đến năm 2015 có 1.656 cháu đi nhà trẻ; trong đó có 1.457 cháu/110 nhóm trẻ công lập và 215 cháu/14 nhóm trẻ ngoài công lập. Số cháu trong độ tuổi mẫu giáo là 37.662 cháu, tỷ lệ đến lớp 80% tương đương 30.130 cháu, 1.076 lớp mẫu giáo.
- Đến năm 2020 có 3.232 cháu đi nhà trẻ; trong đó có 2.650 cháu/269 nhóm trẻ công lập và 582 cháu/48 nhóm trẻ ngoài công lập. Số cháu trong tuổi mẫu giáo là 40.771 cháu, tỷ lệ đến lớp 90% tương đương 36.694 cháu, 1.468 lớp mẫu giáo.
2.2. Giáo dục tiểu học:
Số học sinh các lớp cấp tiểu học được dự báo theo những căn cứ sau:
- Số học sinh lớp 1 hàng năm là số trẻ em 6 tuổi từ dự báo dân số được đi học lớp 1, dự kiến huy động 100%;
- Số học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 căn cứ vào số học sinh hiện có của các lớp 1 đến lớp 4 được lên lớp và chuyển lên học ở các lớp trên kế tiếp, tỷ lệ lưu ban và tỷ lệ bỏ học;
- Số lớp học của từng khối lớp căn cứ vào tổng số học sinh và sỹ số trung bình (dự kiến là 26 học sinh/lớp).
Kết quả dự báo quy mô học sinh và nhu cầu lớp học cấp tiểu học như sau:
- Đến năm 2015 số học sinh tiểu học là 63.041 em, số lớp học là 2.425 lớp;
- Đến năm 2020 số học sinh tiểu học là 67.815 em, số lớp học là 2.608 lớp.
2.3. Giáo dục Trung học cơ sở:
Kết quả dự báo số học sinh, số lớp của cấp trung học cơ sở như sau:
- Số học sinh vào lớp 6 hàng năm là số học sinh tốt nghiệp tiểu học (lớp 5) được huy động vào học lớp 6: dự kiến huy động 98%;
- Số học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 căn cứ vào số học sinh hiện có của các lớp 6 đến lớp 8 được lên lớp, tỷ lệ lưu ban và tỷ lệ bỏ học của từng lớp từ khối lớp 6 đến khối lớp 9;
- Số lớp học của từng khối lớp căn cứ vào số học sinh và sỹ số trung bình học sinh của từng lớp học (35 học sinh/lớp).
Kết quả dự báo:
- Năm học 2015 - 2016 có tổng số 40.809 học sinh THCS, 1.166 lớp học;
- Năm học 2020 - 2021 có tổng số 44.461 học sinh THCS, 1.270 lớp học.
2.4. Giáo dục Trung học phổ thông:
Số học sinh các khối lớp cấp trung học phổ thông trong thời kỳ quy hoạch được dự báo như sau:
- Số học sinh vào lớp 10 hàng năm là số học sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9) được huy động vào lớp 10: Thực hiện công tác phân luồng sau Trung học cơ sở, dự báo từ sau năm 2015 trở đi sẽ có khoảng 10% học sinh tốt nghiệp THCS đi học các trường Trung học chuyên nghiệp - Dạy nghề, khoảng 15% học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Như vậy tỷ lệ học sinh vào lớp 10 hàng năm dự kiến trong đến năm 2015 là trên 70% và giai đoạn 2016 – 2020 trên 80%;
- Số học sinh lớp 11 và khối lớp 12 căn cứ vào số học sinh hiện có của các lớp 10 và lớp 11 được lên lớp và chuyển lên các lớp trên, tỷ lệ lưu ban và tỷ lệ bỏ học của các lớp trong từng năm học;
- Số lớp học của từng khối lớp được căn cứ vào số học sinh và sỹ số trung bình của từng lớp học (dự kiến 40 học sinh/lớp).
Kết quả dự báo như sau:
. Năm học 2015 -2016 số học sinh THPT là 18.492 em; 500 lớp học;
. Năm học 2020-2021 số học sinh THPT là 20.979 em, 524 lớp học.
2.5. Giáo dục hệ thống trường chuyên biệt:
- Trường chuyên: từ nay đến 2015 và giai đoạn 2016 – 2020 hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở vật chất trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (thực hiện đầu tư theo dự án được duyệt hoàn thành năm 2020). Đến năm học 2015 – 2016 có 600 học sinh/19 lớp học; năm học 2020 – 2021 có 900 học sinh/ 30 lớp học.
- Trường Dân tộc nội trú: từ nay đến 2015 tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường DTNT tại các huyện thị trong tỉnh, đến năm học 2015 – 2016 huy động được 1.522 học sinh/48 lớp học dân tộc nội trú từ con em các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Năm học 2020 – 2021 số học sinh DTNT là 2.028 học sinh/63 lớp học.
- Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh: giai đoạn 2016 – 2020 xây dựng trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Nông tại thị xã Gia Nghĩa, dự kiến đi vào hoạt động từ năm học 2020 – 2021 với 90 học sinh/15 lớp học.
2.6. Giáo dục thường xuyên:
Hình thức học tập của GDTX trong thời gian tới cần mềm dẻo, linh hoạt theo hướng sáp nhập TT GDTX với TT dạy nghề để đa dạng hình thức học tập, người học có thể tham gia học đủ quỹ thời gian tối thiểu theo yêu cầu của chương trình. Xem xét khả năng kết hợp dạy và học văn hóa bằng tiếng dân tộc. Nhằm giảm áp lực cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh, phân luồng 15% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học tại các TT GDTX, do đó dự báo đến năm học 2015 – 2016 có 1.305 học viên, 37 lớp học; năm học 2020-2021 đạt 2.975 học viên, 85 lớp học. Đến 2015: 100% số xã phường trong tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng và duy trì tỷ lệ này đến năm 2020.
2.7. Hệ thống đào tạo:
Đến 2015: lao động qua đào tạo tăng hàng năm là 19.000 – 20.000 người. Tổ chức dạy nghề và tập huấn cho khoảng 8.000 – 10.000 lượt nông dân/năm. Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35% tổng số lao động làm việc, trong đó tỷ lệ công nhân kỹ thuật các loại 30%.
Thời kỳ 2016 – 2020: lao động qua đào tạo tăng hàng năm là 17.000 – 18.000 người. Tiếp tục tổ chức dạy nghề và tập huấn cho 11.000 – 12.000 lượt nông dân/năm. Đến 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45% tổng số lao động làm việc, trong đó tỷ lệ công nhân kỹ thuật các loại 40%.
II. Quan điểm phát triển
Đảng, Nhà nước ta khẳng định “phát triển giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu” trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá xây dựng đất nước để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phát triển giáo dục là nền tảng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những bước đột phá, nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời kỳ đến năm 2020.
Đắk Nông phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh có tỷ trọng ngành công nghiệp dịch vụ cao và trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Trong bối cảnh đó, phát triển giáo dục, đào tạo tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2012 đến năm 2020 phải dựa trên những quan điểm chủ yếu sau:
1. Phát triển giáo dục, đào tạo gắn với phát triển phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Đắk Nông theo hướng chuẩn hóa, tiên tiến và hiện đại phù hợp với yêu cầu hội nhập trong nước và khu vực.
2. Phát triển giáo dục và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra những động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; coi giáo dục phổ thông là nền tảng, đào tạo nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá. Mở rộng và đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới quản lý giáo dục và đào tạo.
3. Phân bố và phát triển hệ thống, mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả của hệ thống, mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo hiện có, thiết thực và có hiệu quả; đồng thời phải phù hợp với phân bố dân cư và kinh tế trong tỉnh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tổ chức tiếp cận các cơ sở giáo dục và đào tạo.
4. Tăng cường, mở rộng hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế để phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là các mô hình giáo dục, đào tạo trình độ và chất lượng cao. Liên kết chặt chẽ quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo của tỉnh với Quy hoạch hệ thống mạng lưới đào tạo chung của vùng Tây Nguyên và của cả nước.
III. Mục tiêu phát triển
1. Mục tiêu tổng quát:
Mục tiêu chung phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông từ nay đến năm 2020 và định hướng đến 2030 là:
Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức đủ số lượng, cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tốt các điều kiện dạy và học. Chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, coi trọng giáo dục truyền thống, ý thức chấp hành pháp luật; đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và cả nước; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.
Trong 10 đến 20 năm tới, phát triển giáo dục đào tạo Đắk Nông theo hướng toàn diện, bền vững, đạt chuẩn quốc gia và phấn đấu đạt trình độ quốc tế. Xây dựng ngành giáo dục và đào tạo Đắk Nông đa ngành, đa lĩnh vực và có yếu tố chất lượng cao của khu vực Tây Nguyên.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Giáo dục mầm non:
Đến năm 2015: Tỷ lệ huy động các cháu đi nhà trẻ đạt 9%, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 98,3%, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt 12%. Lực lượng giáo viên đủ về số lượng, duy trì tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn như hiện nay là 100%, giáo viên trên chuẩn đạt 20%.
Đến năm 2020: Tỷ lệ huy động các cháu đi nhà trẻ đạt trên 15%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 100%. Đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có trường mầm non xây dựng kiên cố; tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt 25%. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 30%.
2.2. Giáo dục tiểu học:
Đến năm 2015: huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, hầu hết trẻ em khuyết tật được đi học hoà nhập vào cộng đồng, 40% học sinh được học tập và hoạt động cả ngày ở trường. 30% trường tiểu học có phòng chức năng, 32% trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ phòng học kiên cố 40%, tỷ lệ phòng học/lớp học 0,92. Số giáo viên đạt chuẩn 100%, trong đó 60% trên chuẩn.
Đến năm 2020: 80% học sinh được học tập và hoạt động cả ngày ở trường; 40% trường đồng bộ về cơ sở vật chất (có đủ các phòng học bộ môn, thư viện, phòng thí nghiệm, khu giáo dục thể chất và trang thiết bị, đồ dùng dạy học), 40% trường đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ phòng học kiên cố trên 80%, tỷ lệ phòng học/lớp học 0,97. Nâng tỷ lệ giáo viên trên chuẩn lên 80%.
2.3. Giáo dục trung học cơ sở:
Đến năm 2015: 98% học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6; Trên 95% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 30%. Trên 55% trường THCS có đầy đủ phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thư viện, giáo dục mỹ thuật và khu giáo dục thể chất. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 29%. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 100%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 65%.
Đến năm 2020: 100% học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6; Có ít nhất trên 98% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 40%. 80% trường THCS có đầy đủ phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thư viện, giáo dục mỹ thuật và khu giáo dục thể chất. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 57%. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 75%.
2.4. Giáo dục trung học phổ thông:
Đến năm 2015: đảm bảo 100% trường THPT có đủ các phòng chức năng, trang thiết bị dạy học và 26% trường đạt chuẩn quốc gia, 100% giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 10%.
Đến năm 2020: số trường đạt chuẩn quốc gia là 41%; Trường THPT chuyên của tỉnh đạt nhóm 200 trường THPT trọng điểm của cả nước. Nâng tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 15%.
2.5. Giáo dục chuyên biệt:
Đến năm 2015: cơ sở vật chất, kỹ thuật các trường học trong hệ thống giáo dục chuyên biệt có đủ phòng học và các phòng chức năng thực hiện giáo dục toàn diện. 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên, 80% trên chuẩn.
Đến năm 2020: 100% trường được xây dựng đồng bộ về cơ sở vật chất (có đủ các phòng học bộ môn, thư viện, phòng thí nghiệm, khu giáo dục thể chất và trang thiết bị, đồ dùng dạy học). Trên 90% giáo viên có trình độ trên chuẩn.
2.6. Giáo dục thường xuyên:
Đến năm 2015: hoàn thiện mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh; Trên mỗi địa bàn huyện, thị có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm thực hiện nhiệm vụ duy trì phổ cập giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ là 90%, tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 35% năm 2015, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là 30%;
Đến năm 2020: Củng cố và phát triển trung tâm học tập cộng đồng tại các xã hiện có, bảo đảm xây dựng trung tâm học tập cộng đồng tại các xã mới thành lập và chia tách. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ là 100%, tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 45% năm 2015, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là 40%; Hình thành mạng lưới dạy nghề trên tất cả các huyện, thị và tại các Khu cụm công nghiệp. Mở trường lớp đào tạo nghề dành riêng cho thanh niên dân tộc thiểu số.
2.7. Hệ thống đào tạo:
- Đến năm 2015: đạt 80 sinh viên/10.000 dân;
- Đến năm 2020: đạt 100-120 sinh viên/10.000 dân, xây dựng hoàn thiện trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông với quy mô 3.000 sinh viên.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trung học chuyên nghiệp củng cố cơ sở vật chất, mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng hóa ngành học cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.
Thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 của cả nước đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo hướng liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng trong nước, thành lập mới một số trường đại học, cao đẳng nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao của tỉnh.
IV. Phương hướng phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo
1. Yêu cầu chung cơ sở vật chất và trang thiết bị:
1.1. Yêu cầu:
Phát triển mạng lưới những cơ sở giáo dục các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 phải đạt được mục tiêu về quy mô, chất lượng và đáp ứng những yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị như sau:
- Đảm bảo phân bố hợp lý, gắn với các địa bàn dân cư, tạo điều kiện cho học sinh đến trường theo phương châm “đưa trường lớp học đến gần học sinh”;
- Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ dạy và học đạt chuẩn quốc gia, đồng bộ, tiên tiến, an toàn và hiện đại để thực hiện những mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo cho từng thời kỳ nhất định để đến năm 2020 có đủ phòng học với trang thiết bị cần thiết để đảm bảo phần lớn học sinh tiểu học, THCS và THPT được học 2 buổi/ngày ở trường theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
- Đảm bảo điều kiện để thực hiện giáo dục toàn diện, theo đó mỗi trường học có đủ phòng học, thư viện, phòng bộ môn, phòng học nghệ thuật (hoặc năng khiếu), khu vực quản lý (văn phòng - giáo vụ), khu vực giáo dục thể chất, sân chơi, vườn thực vật, khu vực dịch vụ sinh hoạt (nhà ăn tập thể, khu vực nghỉ trưa...), khu vực vệ sinh, khu vực để xe...
- Diện tích đất đai cho khuôn viên trường học, diện tích xây dựng các phòng học, khu chức năng, giáo dục và rèn luyện thể chất và trang thiết bị cùng các điều kiện khác về ánh sáng, vệ sinh môi trường ...đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn để phục vụ cho việc tổ chức đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tiên tiến, hiện đại và hiệu quả, đủ điều kiện để tổ chức học tập và sinh hoạt cả ngày tại trường.
- Đảm bảo môi trường sư phạm tại khu vực trường học, đáp ứng được những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật của trường lớp các cấp học Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và hệ thống trường chuyên biệt (theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường mầm non; Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Trường Tiểu học và Tiêu chuẩn TCVN 8793:2011 - Tiêu chuẩn thiết kế trường tiểu học của Bộ xây dựng ban hành và tuân thủ những tiêu chuẩn trong thiết kế mẫu về trường học theo quy định của Viện Thiết kế và Thiết bị trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định của Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học).
- Đối với mạng lưới cơ sở đào tạo, trong thời gian tới phát triển theo định hướng ưu tiên hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo (trường lớp, máy móc trang thiết bị, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành), trình độ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy, học và gắn kết chặt chẽ chương trình, nội dung đào tạo với nhu cầu thực tế của người sử dụng nhân lực để nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ lý thuyết và kỹ năng thực hành của người lao động.
Mở rộng quy mô đào tạo chuyên môn, kỹ thuật theo hướng đa ngành, đa nghề; đa dạng hóa các hình thức đào tạo chính qui, đào tạo tại chỗ kết hợp vừa học vừa làm đáp ứng kịp yêu cầu nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế và khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống. Thường xuyên đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.
Các cơ sở đào tạo phải phát triển theo hướng đáp ứng được các yêu cầu tại Thông tư số 54/2011/TT-BGDĐT ngày 15/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường Trung cấp chuyên nghiệp; Thông tư số 14/2009/BGD-ĐT ngày 28/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường Cao đẳng; Quyết định số 58/2010/QĐTTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng chính phủ về ban hành Điều lệ trường Đại học.
1.2. Phương thức thực hiện chuẩn hoá trường lớp học:
Mạng lưới các cơ sở giáo dục của tỉnh được xây dựng và phát triển để đạt được những yêu cầu chuẩn hoá theo 2 phương thức:
- Đối với các trường xây mới: Các trường xây mới đảm bảo phải được thiết kế và xây dựng theo chuẩn quốc gia ngay từ đầu.
- Đối với các cơ sở cần được kiên cố hoá, cải tạo, mở rộng nâng cấp: Cần tiến hành quy hoạch, thiết kế lại trường để đảm bảo đạt chuẩn quốc gia. Việc thực hiện kiên cố hoá, cải tạo và nâng cấp trường học và phòng học phải được thực hiện dứt điểm theo quy định chuẩn. Đặc biệt, đối với các trường mặc dù không đủ diện tích mặt bằng theo quy định, song không thể mở rộng diện tích trường ra khu vực xung quanh liền kề, thì nên xem xét khả năng di chuyển đến địa điểm mới, không nên cải tạo, nâng cấp tại địa điểm hiện tại.
2. Định hướng phát triển mạng lưới các ngành bậc học:
2.1. Giáo dục mầm non:
Xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non theo hướng chuẩn hóa về cơ sở vật chất, gồm phòng học chung, phòng chức năng có đủ trang thiết bị, đồ chơi, sân chơi theo quy định và về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của đội ngũ giáo viên. Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ về cả mặt thể chất, trí tuệ, tình cảm xã hội đặc biệt chú ý đến công tác giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập.
Phát triển các cơ sở giáo dục mầm non theo hình thức công lập là chủ yếu. Khuyến khích phát triển các trường mầm non tư thục chất lượng cao, phần lớn là ở khu vực đô thị.
Các cơ sở giáo dục mầm non phải đáp ứng được những yêu cầu tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phẩm chất chuyên môn - đạo đức của cô bảo mẫu và có sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên môn.
2.2. Giáo dục tiểu học:
Phát triển mạng lưới trường, điểm trường, phân hiệu cấp tiểu học gắn với các điểm dân cư, chú trọng mở rộng mạng lưới vùng dân cư mới hình thành tự phát hoặc đã được quy hoạch để xóa các điểm trắng giáo dục trong khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa. Đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp và đồng bộ hóa cơ sở trường học lớp học và trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, tiên tiến, hiện đại.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục tiểu học, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, giáo dục truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa đồng thời kết hợp cả giáo dục môi trường, pháp luật, kỹ năng xã hội cho học sinh.
2.3. Giáo dục trung học cơ sở:
Phát triển mạng lưới giáo dục trung học cơ sở phù hợp với tốc độ tăng trưởng dân số khu vực đô thị và nông thôn gắn với việc chia tách, thành lập mới đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn tại tất cả các huyện thị trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp và đồng bộ hóa cơ sở trường học lớp học theo hướng chuẩn hóa, tiên tiến, hiện đại; xây dựng thêm phòng học mới để đảm bảo mỗi lớp có 1 phòng học và tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày ở trường;
Xây dựng bổ sung hệ thống phòng chức năng theo chuẩn quy định cho các trường còn thiếu (phòng thí nghiệm, thư viện, nhà giáo dục thể chất, nhà công vụ, các công trình phục vụ…); cung cấp đầy đủ trang thiết bị dạy và học cho tất cả các trường THCS.
2.4. Giáo dục trung học phổ thông:
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới giáo dục phổ thông; nhằm phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng mô hình giáo dục thân thiện, hiện đại, tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển. Trong thời kỳ quy hoạch đến 2020, giáo dục trung học phổ thông phát triển theo hướng tập trung cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học, trang bị đầy đủ trang thiết bị và nâng cao thể chất.
Đào tạo các thế hệ học sinh thành đạt, xây dựng ngành giáo dục đào tạo tỉnh Đắk Nông phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.
Tích cực xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để hình thành trên địa bàn tỉnh trường ngoài công lập liên thông từ mầm non đến THPT.
2.5. Giáo dục chuyên biệt:
- Trường chuyên: Đến năm 2015, tập trung xây dựng hoàn thiện Trường THPT chuyên Đắk Nông, tạo tiền đề trở thành trường THPT chuyên trọng điểm của vùng Tây Nguyên.
Đến năm 2020, tăng cường đầu tư phát triển trường chuyên tỉnh về trang thiết bị dạy học, hiện đại và toàn diện cả về trình độ dạy và học. Bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu bộ môn.
- Trường dân tộc nội trú: Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng chuẩn hoá; Cấp học bổng, học phẩm tối thiểu và hỗ trợ ăn, ở cho học sinh dân tộc ở các trường PTDTNT, bán trú và học sinh cư trú tại các vùng đặc biệt khó khăn và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đến năm 2020 các trường Dân tộc nội trú có cơ sở vật chất và trang thiết bị hoàn thiện, hiện đại. Bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu bộ môn.
- Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh: Xây dựng trường nuôi dạy trẻ khuyết tật có trang thiết bị hiện đại, hoàn thiện quy mô đến năm 2020 có thể đón 90-100 trẻ khuyết tật trong độ tuổi giáo dục phổ thông. Riêng cấp mầm non, hàng năm trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh sẽ tổ chức hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với các trường mầm non có tổ chức lớp học hòa nhập cho trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
2.6. Giáo dục thường xuyên - dạy nghề:
- Từ nay đến 2015 tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên tại các huyện đã có để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và dạy nghề đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2020 các Trung tâm giáo dục thường xuyên có cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết tương đương với các trường THPT trên từng địa bàn (cấp tỉnh và cấp huyện).
- Từng bước sáp nhập các trung tâm dạy nghề với TT GDTX theo Công văn số 4808/BGDĐT-GDTX ngày 13/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao thêm nhiệm vụ đào tạo nghề cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên, đảm bảo phần lớn nhu cầu đào tạo nghề đa dạng của người lao động phục vụ cho phát triển kinh tế của địa phương.
Các trung tâm này phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương; đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của người dân, đảm bảo tăng cường được năng lực giáo dục và dạy nghề của các trung tâm sau khi sáp nhập, thành lập mới hoặc tổ chức lại và sử dụng nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả.
- Liên kết với các cơ sở sử dụng lao động để phối hợp tổ chức dạy nghề đồng thời với dạy kiến thức phổ thông; thực hiện liên thông về giáo dục và đào tạo giữa các Trung tâm giáo dục thường xuyên với các trường THPT và các cơ sở đào tạo khác (Cao đẳng nghề, cao đẳng và đại học ngoài tỉnh).
- Bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu bộ môn cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên.
2.7. Hệ thống đào tạo:
- Mở rộng quy mô đào tạo chuyên môn, kỹ thuật theo hướng đa ngành, đa nghề; đa dạng hóa các hình thức đào tạo chính qui, đào tạo tại chỗ kết hợp vừa học vừa làm đáp ứng kịp yêu cầu nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế và khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống. Thường xuyên đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật.
- Xây dựng trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh có trang thiết bị hiện đại, từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để làm chuẩn cho các trường đại học cao đẳng trong tương lai được xây dựng tại địa phương.
- Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục nâng cao thể lực, xây dựng một lực lượng lao động có sức khỏe và trình độ kỹ thuật, tay nghề. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm cấp bách trước mắt cũng như lâu dài.
- Xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, tăng cường phối hợp, liên kết với các khu công nghiệp để mở lớp cho công nhân có nhu cầu học bậc trung học. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là ở các huyện và những nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn chuyển đổi mục đích để bồi dưỡng kiến thức phổ thông cho nông dân, tạo điều kiện để họ có được những kiến thức phổ thông cơ bản để học nghề. Những ngành/nghề kỹ năng đặc biệt của công ty và yêu cầu kiến thức, trình độ cao thì các địa phương sẽ phối hợp với các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh hoặc khu vực Tây Nguyên để đào tạo.
- Khuyến khích liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu khoa học - sản xuất - dịch vụ nhằm tăng tính chất thực hành, thực tập và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của từng trung tâm giáo dục thường xuyên. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện đào tạo, quy định trách nhiệm và cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp đóng góp kinh phí thông qua việc thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp.
V. Quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo đến năm 2020 và định hướng đến 2030
1. Quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo đến 2020:
1.1. Quy hoạch mạng lưới trường lớp:
1.1.1. Giáo dục mầm non: Xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục mầm non gắn với từng điểm dân cư cụ thể (thôn/bon hoặc tổ dân phố).
- Nhà trẻ: Căn cứ nhu cầu nuôi dạy trẻ tại địa phương, mỗi điểm dân cư chủ động tổ chức lớp hoặc nhóm trẻ theo các hình thức nhà trẻ công lập và ngoài công lập phù hợp với điều kiện đặc thù của từng điểm dân cư. Đến năm 2020 số nhóm trẻ là 317.
- Mẫu giáo: Định hướng sẽ từng bước hình thành ít nhất tại mỗi xã, phường, thị trấn một Trường Mầm non đạt chuẩn và trở thành trường trọng điểm làm nòng cốt cho các trường khác trong khu vực. Từ nay đến 2020, tập trung vốn để hình thành mạng lưới trường mầm non tại các xã vùng sâu vùng xa và các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Đến năm 2015, tỷ lệ huy động trẻ trong nhóm tuổi là 80%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 97%, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến 2020 số trường mẫu giáo đạt 159 trường với 1.468 lớp, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp là 90%, trong đó trẻ 5 tuổi là 100%.
Bảng 3: MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP, HỌC SINH CẤP MẦM NON
TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Đơn vị | Số xã phường | Hiện trạng 2014 | Quy hoạch đến 2020 |
| |||||
Năm 2014 | Dự kiến đến 2020 | Trường | Lớp | Học sinh | Trường | Lớp | Học sinh | |||
1 | TX Gia Nghĩa | 8 | 8 | 14 | 105 | 3.324 | 20 | 169 | 4.200 |
|
2 | Đăk R’lấp | 11 | 13 | 14 | 116 | 3.653 | 20 | 186 | 4.651 |
|
3 | Đăk Song | 9 | 11 | 9 | 109 | 3.287 | 16 | 172 | 4.302 |
|
4 | Cư Jút | 8 | 10 | 11 | 121 | 4.285 | 16 | 205 | 5.146 |
|
5 | Đăk Mil và | 10 | 14 | 18 | 125 | 5.199 | 27 | 244 | 6.093 |
|
6 | Tuy Đức | 6 | 8 | 8 | 105 | 5.199 | 18 | 149 | 3.722 |
|
7 | Đăk G'long | 7 | 8 | 8 | 129 | 2.701 | 18 | 164 | 4.102 |
|
8 | Krông Nô và Đức Xuyên | 12 | 17 | 12 | 115 | 3.473 | 24 | 179 | 4.478 |
|
| Toàn tỉnh | 71 | 89 | 94 | 929 | 29.248 | 159 | 1.468 | 36.694 |
|
1.1.2. Giáo dục tiểu học: Trong thời kỳ từ nay đến năm 2020, do có sự điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp, Krông Nô, Đắk G’long sẽ hình thành các khu dân cư đô thị và các điểm dân cư nông thôn mới do vậy mạng lưới trường tiểu học cần mở rộng để đảm bảo cự ly từ nhà đến trường. Hiện tại một số xã thuộc huyện Đắk G'long và Tuy Đức mật độ trường lớp thấp, trường tiểu học chưa phủ kín các điểm dân cư nông thôn, cần xây dựng thêm một số phân hiệu, điểm trường đưa trường lớp học đến gần học sinh, đảm bảo học sinh được đến trường thuận lợi, an toàn.
Đến năm 2020, trường tiểu học trên toàn tỉnh Đắk Nông là 172 trường (tăng 29 trường so với năm 2014). Dự kiến mạng lưới trường tiểu học phân bố như sau:
Bảng 4: QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP, HỌC
CẤP TIỂU HỌC TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Đơn vị | Số xã, phường | Hiện trạng 2014 | Quy hoạch đến 2020 |
| |||||
Năm 2014 | Dự kiến đến 2020 | Trường | Lớp | Học sinh | Trường | Lớp | Học sinh | |||
1 | TX Gia Nghĩa | 8 | 8 | 14 | 187 | 4.813 | 20 | 207 | 5.359 |
|
2 | Đăk R’lấp | 11 | 13 | 23 | 347 | 8.855 | 26 | 373 | 9.747 |
|
3 | Đăk Song | 9 | 11 | 16 | 290 | 7.325 | 19 | 311 | 8.061 |
|
4 | Cư Jút | 8 | 10 | 20 | 382 | 9.675 | 21 | 408 | 10.648 |
|
5 | Đăk Mil và TX Đức Lập | 10 | 14 | 23 | 396 | 11.232 | 27 | 476 | 12.363 |
|
6 | Tuy Đức | 6 | 8 | 14 | 225 | 5.577 | 16 | 234 | 6.076 |
|
7 | Đăk G'long | 7 | 8 | 15 | 252 | 6.484 | 17 | 274 | 7.137 |
|
8 | Krông Nô và Đức Xuyên | 12 | 17 | 18 | 314 | 7.654 | 26 | 325 | 8.424 |
|
| Toàn tỉnh | 71 | 89 | 143 | 2.393 | 61.615 | 172 | 2.608 | 67.815 |
|
1.1.3. Giáo dục trung học cơ sở: Trong thời kỳ đến năm 2020, theo quy hoạch phát triển dân cư và thành lập đơn vị hành chính mới (thành lập huyện, thị xã, chia tách và thành lập phường, xã, thị trấn) sẽ phát sinh nhu cầu thành lập thêm trường THCS. Năm 2014 có 82 trường THCS, dự kiến tổng số trường THCS có đến 2020 là 102 trường tăng 40 trường so với 2014. Dự kiến mạng lưới trường lớp học cấp THCS sẽ được phân bố như sau:
Bảng 5: QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP, HỌC
CẤP THCS TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Đơn vị | Số xã phường | Hiện trạng 2014 | Đến 2020 |
| |||||
Năm 2014 | Đến 2020 | Trường | Lớp | Học sinh | Trường | Lớp | Học sinh | |||
1 | TX Gia Nghĩa | 8 | 8 | 6 | 96 | 3.084 | 8 | 100 | 3491 |
|
2 | Đăk R’lấp | 11 | 13 | 14 | 186 | 6.660 | 14 | 224 | 7819 |
|
3 | Đăk Song | 9 | 11 | 11 | 132 | 4.364 | 13 | 146 | 5141 |
|
4 | Cư Jút | 8 | 10 | 11 | 211 | 6.981 | 12 | 237 | 8318 |
|
5 | Đăk Mil và TX Đức Lập | 10 | 14 | 15 | 234 | 8.021 | 18 | 270 | 9449 |
|
6 | Tuy Đức | 6 | 8 | 6 | 66 | 2.029 | 9 | 65 | 2299 |
|
7 | Đăk G'long | 7 | 8 | 8 | 81 | 2.236 | 11 | 75 | 2625 |
|
8 | Krông Nô và Đức Xuyên | 12 | 17 | 11 | 140 | 4.512 | 17 | 153 | 5319 |
|
| Toàn tỉnh | 71 | 89 | 82 | 1.146 | 37.887 | 102 | 1.270 | 44.461 |
|
1.1.4. Giáo dục trung học phổ thông:
Tiếp tục rà soát mạng lưới các trường THPT ở thị xã và các huyện trong tỉnh nhằm đảm bảo phân bố hợp lý mạng lưới trường THPT tại các địa bàn, các vùng dân cư. Tổng số trường THPT có đến 2015 là 23 trường, và từ nay đến năm 2020, cùng với việc thành lập huyện mới Đức Xuyên (trên cơ sở chia tách huyện Krông Nô và 1 phần huyện Đắk G’long) và dự kiến thành lập thị xã Đức Lập (điều chỉnh địa giới huyện Đắk Mil), số trường THPT tiếp tục được xây dựng mới tại trung tâm các huyện/thị thành lập mới và bổ sung tại một số vùng có số học sinh THPT tăng cao. Số trường THPT có đến 2020 là 27 trường (tăng 4 trường so với năm 2014).
Bảng 6: QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP, HỌC
CẤP THPT TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Đơn vị | Hiện trạng 2014 | Quy hoạch đến 2020 | ||||
Trường | Lớp | Học sinh | Trường | Lớp | Học sinh | ||
1 | TX Gia Nghĩa | 2 | 71 | 1.930 | 2 | 55 | 2.223 |
2 | Đăk R’lấp | 5 | 78 | 2.975 | 4 | 90 | 3.615 |
3 | Đăk Song | 2 | 47 | 1.675 | 3 | 50 | 2.004 |
4 | Cư Jút | 4 | 93 | 3.410 | 5 | 105 | 4.202 |
5 | Đăk Mil và TX Đức Lập | 4 | 98 | 3.906 | 5 | 120 | 4.799 |
6 | Tuy Đức | 1 | 13 | 523 | 2 | 14 | 549 |
7 | Đăk G'long | 2 | 17 | 639 | 2 | 18 | 721 |
8 | Krông Nô và Đức Xuyên | 3 | 64 | 2.351 | 4 | 72 | 2.866 |
| Toàn tỉnh | 23 | 481 | 17.409 | 27 | 524 | 20.979 |
1.1.5. Giáo dục chuyên biệt:
a. Trường chuyên:
Thực hiện theo dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, từ nay đến 2015 và giai đoạn tiếp theo đến 2020 tập trung đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh với quy mô đạt 30 lớp/900 học sinh.
Đến 2015 đồng thời với công tác xây dựng cơ sở vật chất của trường chuyên, hàng năm tiếp tục tuyển sinh vào trường chuyên để đến năm học 2015-2016 có tối thiểu 19 lớp/600 học sinh (đạt 70% quy mô), tiếp tục tăng dần đến năm học 2020-2021 huy động 100% quy mô (30 lớp/900 học sinh).
b. Dân tộc nội trú: Với mục tiêu đến năm 2015 mỗi huyện/thị xã có ít nhất 1 trường DTNT đáp ứng nhu cầu học tập của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2015, tại các trường DTNT huyện hiện có tiếp tục mở rộng 35 phòng học nhằm tăng quy mô học sinh, xây dựng mới trường DTNT Tuy Đức quy mô 12 phòng học, 6 lớp/210 học sinh. Như vậy đến năm 2015, tỉnh Đắk Nông có 8 trường DTNT quy mô 71 phòng học, 48 lớp/1.522 học sinh (tăng 1 trường, 12 phòng so với 2012).
Giai đoạn 2016 – 2020 tập trung củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường DTNT cấp tỉnh và các huyện đã có trong giai đoạn trước, xây dựng mới trường DTNT huyện Đức Xuyên và thị xã Đức Lập (dự kiến thành lập mới từ huyện Đắk Mil) quy mô mỗi trường 12 phòng học, 6 lớp/210 học sinh. Đến năm 2020 Đăk Nông có 10 trường DTNT quy mô 95 phòng học, 63 lớp/2.028 học sinh (tăng 3 trường, 36 phòng so với hiện nay).
Bảng 7: QUY HOẠCH GIÁO DỤC HỆ THỐNG TRƯỜNG DTNT
TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Chỉ tiêu | Hiện trạng 2014 | Quy hoạch đến 2020 |
1 | Số học sinh | 1.568 | 2.028 |
2 | Số lớp | 49 | 63 |
3 | Số trường | 7 | 10 |
3.1 | Số trường đạt chuẩn | 1 | 2 |
3.2 | Tỷ lệ trường đạt chuẩn (%) | 14,29 | 20,00 |
4 | Phòng học | 59 | 95 |
5 | Phòng học xây dựng mới |
| 36 |
6 | Khu chức năng (m2) | 5.442 | 7.200 |
7 | Khu chức năng XD mới (m2) |
| 2.100 |
8 | Diện tích đất (m2) | 103.988 | 146.384 |
9 | Đất quy hoạch thêm (m2) |
| 21.200 |
6 | Nhân lực (người) | 186 | 249 |
| Hệ số giáo viên/lớp | 2,65 | 2,70 |
6.1 | Giáo viên (người) | 130 | 169 |
6.2 | Cán bộ quản lý (người) | 21 | 30 |
6.3 | Nhân viên (người) | 35 | 50 |
c. Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Đắk Nông:
Nhằm hoàn thiện hệ thống giáo dục đào tạo tỉnh Đắk Nông theo hướng hiện đại, toàn diện đồng thời giúp cho trẻ khuyết tật được hòa nhập vào cộng đồng, định hướng giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng 1 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tại thị xã Gia Nghĩa, tiến hành xây dựng, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật đầy đủ để đến năm 2020 sẽ đạt quy mô 30 phòng học, 90 học sinh/15 lớp.
1.1.6. Giáo dục thường xuyên - dạy nghề: Để trung tâm giáo dục thường xuyên tại các huyện/thị xã hình thành và phát triển theo hướng có chức năng dạy nghề phù hợp định hướng và cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong thời kỳ quy hoạch, dự kiến năm 2015 đầu tư mới TT GDTX huyện Đắk G’long, quy mô dự kiến 560 học viên/trường và từ năm 2016 đến 2020 tiếp tục xây dựng mới 2 TT GDTX tại 2 huyện Đức Xuyên và thị xã Đức Lập, quy mô mỗi trường 560 học viên. Đến 2020 tỉnh Đăk Nông có 10 TT GDTX, quy mô 123 phòng, 85 lớp/2.975 học sinh.
Tiếp tục từng bước hoàn thiện mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng trong thời kỳ quy hoạch, để đến năm 2020 phủ kín tại các xã phường thị trấn trong tỉnh: dự kiến số lượng Trung tâm Học tập cộng đồng là 89/89 xã. Các trung tâm học tập cộng đồng cần được quy hoạch bố trí sử dụng đất tại vị trí thuận tiện cho việc đi học của người dân sở tại.
1.1.7. Hệ thống đào tạo:
- Bậc đại học, cao đẳng:
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo, phát triển đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 theo hướng liên kết với một số trường đại học trong nước mở một số phân hiệu đại học tại tỉnh nhất là các ngành trường cao đẳng địa phương đã có đồng thời xây dựng cán bộ cốt cán, giảng viên, làm cơ sở để về lâu dài tiến tới thành lập trường đại học đa ngành tại Đắk Nông.
Trong giai đoạn trước mắt cần ưu tiên đầu tư và đưa vào hoạt động Trường cao đẳng cộng đồng Đắk Nông, quy mô 3.000 sinh viên theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, mở rộng hình thức đào tạo, đặc biệt là các ngành văn hóa du lịch, công nghệ thông tin, kinh tế, kỹ thuật, xây dựng, tài chính ngân hàng, kế toán, ngoại ngữ, nuôi trồng, chế biến nông, lâm sản...
- Bậc trung cấp chuyên nghiệp: Đào tạo Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nội dung - phương pháp dạy học và trình độ đội ngũ giáo viên các trường trung cấp chuyên nghiệp. Thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để tổ chức các khóa dạy nghề thích hợp với năng lực và cơ cấu ngành nghề đào tạo của trường.
Phấn đấu hàng năm tuyển mới 2.000 – 2.500 học sinh và số học sinh tốt nghiệp hàng năm khoảng 500 – 1.000 người.
1.2. Nhu cầu phát triển cơ sở vật chất:
1.2.1. Giáo dục Mầm non:
a. Nhà trẻ:
Số phòng học: Nhu cầu về số phòng học được tính cho các nhóm trẻ công lập và ngoài công lập được quy hoạch dựa trên dự báo số học sinh huy động trong độ tuổi, số lớp học, hệ số phòng học/lớp học.
Kết quả tính toán theo quy hoạch đến năm 2020 số phòng học cho nhà trẻ cần xây dựng thêm là 258 phòng, trong đó số phòng kiên cố hóa tại các trường hiện có là 41 phòng, số phòng xây mới tại các trường thành lập mới là 217 phòng
Khối công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật: Trong giai đoạn quy hoạch cần xây mới, bổ sung công trình phụ trợ (khối phục vụ học tập; tổ chức ăn; hành chính quản trị; sân) và hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, chiếu sáng, chống ồn, cấp điện, PCCC) đạt quy chuẩn xây dựng (TCVN 3907:2011: Trường mầm non – yêu cầu thiết kế) tại các trường hiện có. Căn cứ vào hiện trạng khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật tại các trường hiện nay, dự kiến từ nay đến năm 2020 cần xây dựng 90.149 m2 công trình phụ trợ, trong đó 44.148 m2 tại các nhà trẻ hiện có và 64.001 m2 tại các nhà trẻ dự kiến thành lập mới.
b. Trường Mẫu giáo:
Phòng học: Nhu cầu phát triển phòng học Trường mẫu giáo theo quy hoạch từ nay đến năm 2020 cần bổ sung 763 phòng, trong đó số phòng thực hiện kiên cố hóa là 73 phòng và 690 phòng xây dựng mới
Khối công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật: Tương tự nhà trẻ, giai đoạn quy hoạch cần xây mới, bổ sung công trình phụ trợ để đạt chuẩn xây dựng. Kết quả tính toán, từ nay đến 2020 cần xây dựng thêm công trình phụ trợ tại các trường mẫu giáo là 170.123 m2 trong đó nâng cấp tại các trường mẫu giáo hiện nay là 171.651 m2 và tại các trường xây mới là 123.096 m2 .
1.2.2. Giáo dục tiểu học:
a. Phòng học: Nhu cầu về số phòng học của cấp tiểu học được quy hoạch trên cơ sở dự báo số học sinh tiểu học, số lớp học và hệ số phòng học/lớp học. Để thực hiện mục tiêu 80% học sinh được học 2 buổi/ngày ở trường, đến năm 2020 đảm bảo hệ số phòng học/lớp học = 0,97.
Để đạt hệ số phòng học/lớp học = 0,97 theo mục tiêu quy hoạch, từ nay đến năm 2020, bình quân cần xây mới 95 phòng/ năm. Năm 2020 nhu cầu phòng tiểu học là 2.556 phòng.
Cả thời kỳ quy hoạch từ nay đến năm 2020 số phòng học cần xây mới trên toàn tỉnh Đắk Nông để đáp ứng nhu cầu học sinh tăng thêm là 264 phòng. Ngoài ra, để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học với mục tiêu đến năm 2020 thay thế được 100% số phòng học nhu cầu số phòng cần thay thế trong thời kỳ đến năm 2020 là 40 phòng. Cả thời kỳ quy hoạch từ nay đến năm 2020 số phòng học cần xây mới là 304 phòng trên toàn tỉnh Đắk Nông.
b. Khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật: Để thực hiện việc hoàn thiện cơ sở vật chất trường học, trong thời gian tới nhất là từ nay đến 2015 cần tập trung đầu tư bổ sung khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật tại các trường tiểu học còn thiếu để đến năm 2015 có ít nhất 30% số trường tiểu học có đủ diện tích khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn xây dựng (TCVN 8793:2011: Trường tiểu học - yêu cầu thiết kế). Giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục đầu tư bổ sung khu chức năng tại các trường trường còn lại để đến năm 2020 có trên 40% trường tiểu học trên toàn tỉnh đủ tiêu chí đạt chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục.
Tổng số nhu cần cần xây dựng khu chức năng đến năm 2020 là 32.719 m2, trong đó: nâng cấp trường cũ là 13.470 m2, xây trường mới là 19.249 m2.
1.2.3. Giáo dục trung học cơ sở:
a. Phòng học: Quy hoạch phát triển phòng học cấp THCS được dự báo trên cơ sở dự báo số học sinh; số lớp học và hệ số phòng học/lớp học. Trong thời kỳ quy hoạch để đạt chỉ tiêu học sinh được học 2 buổi/ngày ở trường là 30% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020 với hệ số phòng học/ lớp học = 1 thì đến năm 2020 số phòng học phải đáp ứng là 1.270 phòng.
Theo số liệu số phòng học hiện có và thực trạng phòng học tạm còn đến năm 2014, dự kiến cần phải thay thế số phòng học tạm ở cấp THCS vào năm 2020 (hoàn thành 100% kiên cố hóa ở cấp THCS) và đáp ứng đủ phòng học cho số học sinh tăng thêm, tổng số phòng học cần bổ sung xây mới là 335 phòng, trong đó kiên cố hóa 11 phòng và bổ sung 324 phòng cho các trường mới thành lập thêm.
b. Khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật: Trên cơ sở đánh giá thực trạng khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật trong mạng lưới các trường THCS toàn tỉnh hiện nay, với mục tiêu quy hoạch đến 2020 sẽ từng bước hoàn thiện khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật cho các trường THCS đạt tiêu chuẩn xây dựng (TCVN 8794:2011 - Trường trung học - Yêu cầu thiết kế).
Theo đó, từ nay đến 2020 cần xây mới diện tích 15.105 m2 khu chức năng và HTKT kèm theo trong đó nâng cấp trường cũ 4.773m2 và khu chức năng cho trường mới 10.332 m2.
1.2.4. Trung học phổ thông:
a. Phòng học: Tương tự cấp THCS, để đảm bảo hệ số phòng học/lớp học = 1 và đáp ứng nhu cầu số học sinh, số lớp THPT trong thời kỳ quy hoạch như đã trình bày ở trên, đến năm 2020 số phòng xây mới ngoài việc bổ sung tại các trường THPT hiện có để kiên cố hóa và đáp ứng nhu cầu học sinh tăng thêm còn có việc xây dựng phòng học cho các trường THPT mới tại ở huyện, thị xã mới thành lập và tại các khu vực có số học sinh cao, cách xa trường THPT hiện có.
Dự kiến có 4 trường THPT xây mới (huyện Đức Xuyên, Tuy Đức, Cư Jút và thị xã Đức Lập) với quy mô 96 phòng học và cần kiên cố hóa 3 phòng tạm còn lại. Cả thời kỳ quy hoạch số phòng học cần xây dựng thêm là 99 phòng.
b. Khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật: Do mạng lưới trường THPT đều mới được xây dựng gần đây, đã bao gồm khu chức năng đạt tiêu chuẩn xây dựng (TCVN 8794 : 2011 - Trường trung học - Yêu cầu thiết kế) nên trong thời gian tới tại các trường THPT hiện có cần nâng cấp để tăng quy mô học sinh chỉ bổ sung diện tích khu phòng chức năng, nhà đa năng, thư viện, phòng hoạt động Đoàn, Đội tương ứng số học sinh tăng thêm để đạt tiêu chuẩn xây dựng. Tại các trường THPT mới cần duy trì nguyên tắc đảm bảo chuẩn xây dựng khu chức năng và HTKT ngay từ ban đầu.
Từ nay đến năm 2020 xây dựng thêm 5.990 m2 khu chức năng tại các trường hiện có và xây dựng mới 2.512 m2 khu chức năng tại 4 trường THPT mới. Tổng diện tích khu chức năng cần xây dựng mới cấp THPT trong thời kỳ quy hoạch là 9.132 m2
1.2.5. Hệ thống trường chuyên biệt:
a. Trường chuyên:
Phòng học - Khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật: Thực hiện đầu tư theo dự án được duyệt để đến năm 2015 có 33 phòng học, 19 lớp học, quy mô 600 học sinh, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục nâng cấp trường chuyên cấp tỉnh có phòng học 48 phòng, 30 lớp quy mô 900 học sinh.
b. Dân tộc nội trú:
- Đến năm 2015 xây mới trường DTNT Tuy Đức với 12 phòng học, 700 m2 khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.
- Giai đoạn 2016 – 2020 xây mới 2 trường DTNT là trường DTNT Đức Xuyên và DTNT Đức Lập gồm 24 phòng học, 1.400 m2 khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.
c. Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh:
Trong giai đoạn 2016 – 2020 xây dựng trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh có quy mô 24 phòng học, 2.000 m2 khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.
Bảng 8: NHU CẦU CƠ SỞ VẬT CHẤT GIÁO DỤC CHUYÊN BIỆT
Stt | Chỉ tiêu | Trường chuyên | Trường DTNT | Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật | |||
Năm 2015 | 2016-2020 | Năm 2015 | 2016-2020 | Năm 2015 | 2016-2020 | ||
1 | Số trường | 1 | 1 | 8 | 10 | - | 1 |
2 | Số lớp học | 15 | 30 | 48 | 63 | - | 15 |
3 | Quy mô học sinh | 480 | 990 | 1.522 | 2.028 | - | 90 |
4 | Cơ sở vật chất trường học |
|
|
|
|
|
|
4.1 | Phòng học | 33 | 48 | 71 | 95 | - | 30 |
a | Phòng học cho trường mới | 33 | - | 12 | 24 | - | 30 |
b | Phòng học mở rộng trường đã có | - | 15 | - | - | - | - |
4.2 | Khu chức năng và HTKT (m2 XD) | 2.191 | 2.819 | 5.800 | 7.200 | - | 2.000 |
a | Trường mới | 2.191 | - | 700 | 1.400 | - | 2.000 |
b | Nâng cấp trường cũ | - | 628 | - | - | - | - |
1.2.6. Giáo dục thường xuyên - dạy nghề:
Để phát triển hoàn thiện mạng lưới các trung tâm GDTX trên toàn tỉnh, trong thời kỳ quy hoạch khi xây dựng các TT GDTX cần bảo đảm đạt chuẩn quốc gia ngay từ đầu khi triển khai xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, đồng thời từng bước mở rộng nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các TT GDTX hiện có theo hướng hình thành một trung tâm mới trên cơ sở sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề trên địa bàn các huyện, thị xã. Số phòng học tại các TT GDTX trên toàn tỉnh Đắk Nông cần đáp ứng đủ nhu cầu theo dự báo số học sinh, số lớp, với hệ số phòng học/lớp học.
Như vậy, từ nay đến 2015 số phòng học hiện có trong hệ thống TT GDTX tỉnh Đắk Nông về cơ bản đáp ứng nhu cầu, chỉ xây mới TT GDTX huyện Đắk G'long với quy mô 16 phòng học, 960 m2 khu chức năng và HTKT kèm theo.Đến năm 2015, hệ thống TT GDTX Đắk Nông có tổng số 91 phòng học.
Giai đoạn 2016 – 2020 tiếp tục phát triển mạng lưới, xây mới 2 Trung tâm GDTX tại 2 huyện, thị mới thành lập (Đức Xuyên và Đức Lập) với quy mô mỗi trung tâm là 16 phòng học và 960 m2 khu chức năng. Đến 2020 hệ thống Trung tâm GDTX tỉnh Đắk Nông có tổng số 123 phòng học, khu chức năng và HTKT kèm theo đạt tiêu chuẩn xây dựng.
Nhu cầu xây dựng phòng học là 41 phòng trong đó có 9 phòng kiên cố hóa và 32 phòng xây dựng tại 2 trung tâm GDTX mới.
1.3. Đất đai cho trường học:
Nhu cầu đất đai cho các cho các trường học được tính theo định mức tối thiểu số m2/học sinh quy định tại điều lệ trường học các cấp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hiện nay, diện tích đất tại các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 331,59 ha (327,59 ha tại các trường phổ thông và 4 ha tại trường trung cấp chuyên nghiệp)
Để thực hiện theo quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp học các cấp bậc học theo phương án đã trình bày trên đến năm 2015 tổng nhu cầu đất đai tối thiểu phải đạt 435,56 ha (396,56 ha tại hệ thống trường phổ thông và 39 ha cho hệ thống đào tạo) như vậy số diện tích đất quy hoạch cho phát triển trường học năm 2015 cao hơn hiện nay 103,98 ha. Giai đoạn từ 2016 đến 2020, cần 558,22 ha đất bố trí cho việc phát triển mạng lưới trường lớp học, như vậy cần quy hoạch thêm 122,66 ha đất, trong đó 95,86 ha đất cho hệ trường phổ thông và 26,8 ha cho hệ đào tạo.
Đối chiếu với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 15/7/2013 thì đất quy hoạch cho cơ sở giáo dục - đào tạo tỉnh Đắk Nông đến năm 2015 là 633 ha, đến 2020 là 759 ha phù hợp với nhu cầu sử dụng đất theo phương án quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp các ngành bậc học tỉnh Đắk Nông đến năm 2020.
Chi tiết sử dụng đất giáo dục đào tạo tại các huyện thị xã trong tỉnh qua đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tại các huyện, thị xã đã được UBND tỉnh phê duyệt đều phù hợp không cần điều chỉnh bổ sung.
Bảng 9: NHU CẦU ĐẤT CHO MẠNG LƯỚI TRƯỜNG HỌC TRONG
HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN 2015, 2020
Đơn vị tính: ha
Stt | Chỉ tiêu | Quy hoạch đến | Diện tích tăng thêm | ||
2015 | 2020 | Năm 2015 | 2016 - 2020 | ||
I | GIÁO DỤC | 396,56 | 492,42 | 68,98 | 95,86 |
1 | Nhà trẻ | 27,90 | 57,06 | 27,90 | 29,16 |
2 | Mẫu giáo | 54,68 | 64,22 | 4,05 | 9,55 |
3 | Tiểu học | 150,47 | 164,68 | 8,02 | 14,21 |
4 | Trung học cơ sở | 93,86 | 105,40 | 21,03 | 11,54 |
5 | Trung học phổ thông | 50,22 | 74,60 | 2,21 | 24,38 |
6 | Trường chuyên | 3,20 | 3,20 | 3,20 | - |
7 | Dân tộc nội trú | 11,46 | 14,64 | 1,06 | 3,18 |
8 | Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật | - | 2,50 | - | 2,50 |
9 | Giáo dục thường xuyên- dạy nghề | 4,78 | 6,13 | 1,51 | 1,34 |
II | ĐÀO TẠO | 39,00 | 65,80 | 35,00 | 26,80 |
1 | Trung cấp chuyên nghiệp | 33,00 | 45,80 | 33,00 | 12,80 |
2 | Cao đẳng và Đại học | 6,00 | 20,00 | 2,00 | 14,00 |
| Tổng | 435,56 | 558,22 | 103,98 | 122,66 |
1.4. Vốn đầu tư:
Dự báo vốn đầu tư trong thời kỳ quy hoạch được khái toán theo các quy định sau:
- Đơn giá xây dựng tạm tính theo Quyết định số 439/QĐ-BXD ngày 26/4/2013 của Bộ xây dựng Về việc công bố tập suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2012 - Phần công trình trường học, có dự phòng trượt giá.
- Quy mô công trình theo quy định trong tiêu chuẩn thiết kế: TCVN 3907 : 2011 - Trường mầm non - Yêu cầu thiết kế; TCVN 8793 : 2011 - Trường tiểu học - Yêu cầu thiết kế; TCVN 8794 : 2011 - Trường trung học - Yêu cầu thiết kế. TCVN 3981:1985: Trường đại học. Tiêu chuẩn thiết kế; TCXDVN 60:2003: Trường dạy nghề - tiêu chuẩn thiết kế; TCXDVN 275 2002: Trường trung học chuyên nghiệp. Tiêu chuẩn thiết kế và các quy định khác có liên quan. Kết quả như sau:
1.4.1. Vốn đầu tư giáo dục mầm non:
Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà trẻ và các trường mẫu giáo trong thời kỳ quy hoạch từ nay đến năm 2020 là 1.217.117 triệu đồng, trong đó:
- Nhà trẻ: 275.206 triệu đồng;
- Mẫu giáo 941.911 triệu đồng.
Bảng 10: NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ GIÁO DỤC MẦM NON ĐẾN 2020
Stt | Hạng mục | Nhu cầu vốn (triệu đồng) | ||
Tổng cộng | Nhà trẻ | Trường Mẫu giáo | ||
1 | Trường mới | 892.920,50 | 199.858,00 | 693.062,50 |
1.1 | Phòng học | 669.693,00 | 149.895,00 | 519.798,00 |
1.2 | Khu chức năng | 223.227,50 | 49.963,00 | 173.264,50 |
2 | Nâng cấp mở rộng trường cũ | 225.490,55 | 50.327,00 | 175.163,55 |
2.1 | Phòng học | 169.123,00 | 37.749,00 | 131.374,00 |
2.2 | Khu chức năng | 56.367,55 | 12.578,00 | 43.789,55 |
3 | Hoàn thiện Hạ tầng kỹ thuật | 98.706,21 | 25.021,00 | 73.685,21 |
| Tổng cộng | 1.217.117,16 | 275.206,00 | 941.911,16 |
| Lấy tròn | 1.217.117 | 275.206 | 941.911 |
1.4.2. Vốn đầu tư giáo dục phổ thông Cấp tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông đến năm 2020:
- Nhu cầu vốn đầu tư trường học cấp tiểu học: 412.648 triệu đồng;
- Nhu cầu vốn đầu tư trường học cấp THCS: 527.574 triệu đồng;
- Nhu cầu vốn đầu tư trường học cấp THPT: 135.046 triệu đồng.
Tồng nhu cầu vốn: 1.075.268 triệu đồng.
Bảng 11: NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ GIÁO DỤC TIỂU HỌC
THCS và THPT ĐẾN NĂM 2020
Stt | Hạng mục | Nhu cầu vốn (triệu đồng) | |||
Tổng cộng | Tiểu học | THCS | THPT | ||
1 | Vốn đầu tư trường mới | 669.102,78 | 197.136,38 | 394.934,40 | 77.032,00 |
| Khối phòng học | 368.005,00 | 108.424,00 | 217.213,00 | 42.368,00 |
| Khối công trình phụ trợ | 301.097,78 | 88.712,38 | 177.721,40 | 34.664,00 |
2 | Hoàn thiện trường cũ | 324.644,04 | 187.365,54 | 89.134,50 | 48.144,00 |
| Khối phòng học | 178.561,00 | 103.052,00 | 49.026,00 | 26.483,00 |
| Khối công trình phụ trợ | 146.083,04 | 84.313,54 | 40.108,50 | 21.661,00 |
3 | Hạ tầng kỹ thuật | 81.518,38 | 28.144,99 | 43.504,39 | 9.869,00 |
4 | Tổng cộng | 1.075.267,90 | 412.647,81 | 527.573,99 | 135.046,10 |
| Lấy tròn | 1.075.268 | 412.648 | 527.574 | 135.046 |
1.4.3. Vốn đầu tư hệ thống trường chuyên biệt đến năm 2020:
- Nhu cầu vốn đầu tư trường THPT Chuyên: 227.700 triệu đồng;
- Nhu cầu vốn đầu tư trường dân tộc nội trú: 31.510 triệu đồng;
- Nhu cầu vốn đầu tư trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật: 45.540 triệu đồng.
Tồng nhu cầu vốn: 304.750 triệu đồng.
Bảng 12: NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ GIÁO DỤC CHUYÊN BIỆT ĐẾN 2020
Stt | Hạng mục | Nhu cầu vốn (triệu đồng) | |||
Tổng cộng | Trường THPT chuyên | Trường DTNT | Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật | ||
1 | Vốn đầu tư trường mới | 70.045,00 |
| 28.645,00 | 41.400,00 |
| Khối phòng học | 38.526,00 |
| 15.756,00 | 22.770,00 |
| Khối công trình phụ trợ | 31.519,00 |
| 12.889,00 | 18.630,00 |
2 | Hoàn thiện trường cũ | 103.500,00 | 103.500,00 | 0,00 | 0,00 |
| Khối phòng học | 56.925,00 | 56.925,00 | 0,00 | 0,00 |
| Khối công trình phụ trợ | 46.575,00 | 46.575,00 | 0,00 | 0,00 |
3 | Hạ tầng kỹ thuật | 7.454,50 | 450,00 | 2.864,50 | 4.140,00 |
4 | Tổng cộng | 304.750,20 | 227.700,00 | 31.510,20 | 45.540,00 |
| Lấy tròn | 304.750 | 227.700 | 31.510 | 45.540 |
1.4.4. Vốn đầu tư giáo dục thường xuyên - dạy nghề:
Tổng nhu cầu vốn đầu tư GDTX - dạy nghề đến năm 2020 là 72.405 triệu đồng.
Bảng 13: NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ
GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN - DẠY NGHỀ ĐẾN 2020
Stt | Hạng mục | Nhu cầu vốn đầu tư (triệu đồng) |
1 | Vốn đầu tư trường mới | 65.823,00 |
1.1 | Phòng học | 36.204,00 |
1.2 | Khu chức năng | 29.619,00 |
2 | Hoàn thiện trường cũ | 0,00 |
2.1 | Phòng học | 0,00 |
2.2 | Khu chức năng | 0,00 |
3 | Hạ tầng kỹ thuật | 6.582,30 |
| Tổng | 72.405,30 |
| Lấy tròn | 72.405 |
1.4.5. Vốn đầu tư hệ thống đào tạo: Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống đào tạo đến năm 2020 là 776.970 triệu đồng.
Bảng 14: NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ HỆ THỐNG ĐÀO TẠO ĐẾN 2020
Stt | Hạng mục | Nhu cầu vốn đầu tư (triệu đồng) |
1 | Đại học, cao đẳng |
|
| Đại học: Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đại học cao đẳng toàn quốc do TTg phê duyệt |
|
| Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông: quy mô 3.000 học sinh, sinh viên (năm 2020) | 605.570 |
2 | Trung cấp chuyên nghiệp |
|
| Nâng cấp trường Trung cấp nghề Đắk Nông | 43.900 |
| Xây mới trường Trung cấp thanh niên dân tộc tỉnh Đắk Nông | 120.500 |
| Hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho các trường dạy nghề dân lập | 7.000 |
| Tổng | 776.970 |
1.4.6. Tổng hợp khái toán vốn đầu tư:
- Giáo dục mầm non: 1.217.117 triệu đồng
- Giáo dục phổ thông Cấp tiểu học, THCS và THPT: 1.075.268 triệu đồng
- Hệ thống trường chuyên biệt: 304.750 triệu đồng
- Giáo dục thường xuyên - dạy nghề: 72.405 triệu đồng.
- Hệ thống đào tạo: 776.970 triệu đồng
Tổng cộng: 3.446.510 triệu đồng
(Tổng nguồn vốn trong Đề án này đã bao gồm các nguồn kinh phí của Nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND; Nghị quyết số 34/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh).
1.5. Quy hoạch phát triển nhân lực giáo dục - đào tạo:
Nhân lực quy hoạch tại các trường học từ nay đến 2015 và 2016 – 2020 nhằm đảm bảo định mức học sinh/giáo viên tại các trường học theo đúng quy định về định mức biên chế viên chức tại các thông tư liên bộ của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục Đào tạo (Thông tư số 71/2007/TTLB-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 về biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 35/2006/TTLB-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 về Hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập) và Thông tư số 59/2008/BGDĐT ngày 31/10/2008 của Bộ Giáo dục Đào tạo về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập.
1.5.1. Giáo dục mầm non:
- Giáo viên: nhu cầu cô bảo mẫu trẻ đến năm 2015 là 236 và đến năm 2020 là 634 cô, giáo viên mẫu giáo nhu cầu đến năm 2015 là 2.044 người/1.076 lớp và đến năm 2020 là 2.789 người/1.468 lớp. Tổng số giáo viên mẫu giáo cần tăng thêm thời kỳ đến năm 2020 là 1.646 người
Từ nay đến năm 2015 cần tăng nhanh đào tạo giáo viên đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non, kết hợp nâng cao tinh thần trách nhiệm và phẩm chất đạo đức theo hướng chuẩn hóa, nhằm tăng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn để đến năm 2015 toàn bộ số giáo viên đạt chuẩn và trên 20% đạt trên chuẩn, đến năm 2020 nâng số giáo viên trên chuẩn đạt trên 30%.
Định hướng sau năm 2020, các nhóm trẻ ngoài công lập đạt định mức bình quân mỗi nhóm trẻ 8 cháu/1 cô giáo như các trường mầm non công lập.
- Cán bộ quản lý và nhân viên: Năm 2015 cần cán bộ quản lý là 216 người, nhân viên là 324 người. Đến năm 2020 số cán bộ quản lý tăng lên 326 người, tăng 110 người so với năm 2015, nhân viên 489 người, tăng 165 người so với năm 2015.
1.5.2. Giáo dục tiểu học:
- Giáo viên: Theo quy hoạch phát triển giáo dục tiểu học tỉnh Đắk Nông, sau năm 2015, 40% lớp học tổ chức học 2 buổi ngày nhu cầu giáo viên tiểu học đến năm 2015 là 3.516 người. Giai đoạn 2016 – 2020 tăng 396 người so với năm 2015, tổng số giáo viên tiểu học đến 2020 là 3.912 người.
Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên để đến năm 2015 có trên 60% giáo viên trên chuẩn và năm 2020 nâng lên trên 80%. Hình thành cơ cấu giáo viên một cách hợp lý giữa các bộ môn để từ năm học 2015 – 2016 có thể dạy ngoại ngữ từ lớp 3 và có đủ giáo viên các bộ môn tin học, mỹ thuật, thể dục thể thao. Giai đoạn 2016 – 2020 tiếp tục hoàn thiện cơ cấu giáo viên đến năm 2020 có từ 150 đến 180 giáo viên ngoại ngữ, từ 220 đến 250 giáo viên tin học, mỹ thuật, thể dục thể thao.
- Cán bộ quản lý và nhân viên: Cán bộ quản lý đến năm 2015 là 462 người; năm 2020 là 507 người, tăng 45 người so với năm 2015. Nhân viên đến 2015 là 770 người, đến 2020 là 845 tăng 75 người so với năm 2015.
1.5.3. Giáo dục Trung học cơ sở:
- Giáo viên: hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông số giáo viên định mức cấp THCS đã đủ theo quy định. Đến năm 2015 tăng lên 2.344 người, tương tự giai đoạn 2016 – 2020 số giáo viên theo định mức tăng 209 người, đến năm 2020 giáo viên theo định mức là 2.553 người. Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo để duy trì tỷ lệ giáo viên trên chuẩn tối thiểu 65% năm 2015 và trên 70% năm 2020.
Để thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện, đảm bảo cơ cấu đồng bộ giáo viên theo các môn học trong thời kỳ quy hoạch, giai đoạn tiếp theo tỉnh Đắk Nông cần bổ sung giáo viên bộ môn còn thiếu gồm ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, giáo dục thể chất để đến năm 2020 số giáo viên ngoại ngữ từ 280 – 300 người, tin học từ 150-180 người và các môn mỹ thuật, công nghệ, giáo dục công dân, giáo dục thể chất... từ 300 – 350 người.
- Cán bộ quản lý và nhân viên: Cán bộ quản lý đến năm 2015 là 258 người, đến năm 2020 là 306 người, từ 2016 - 2020 tăng 48 người. Nhân viên đến năm 2015 là 422 người, đến năm 2020 là 502 người, từ 2016 đến 2020 tăng 80 người.
1.5.4. Giáo dục trung học phổ thông:
- Giáo viên: Hiện nay, tỷ lệ giáo viên/lớp học cấp THPT tại tỉnh Đắk Nông là 2,32 giáo viên/lớp không thiếu so với định mức, trong thời gian tới tập trung củng cố, nâng cao chất lượng giáo viên để tăng số đạt chuẩn và bổ sung giáo viên các môn học còn thiếu như giáo dục công dân, giáo dục thể chất, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp…
Để đáp ứng số học sinh THPT theo dự báo, đến năm 2015 cần có 1.162 giáo viên THPT (tương ứng 487 lớp) như vậy cần bổ sung tại các trường THPT giáo viên và tập trung đồng bộ hóa cơ cấu các môn học tại các trường hiện có. Giai đoạn 2016 – 2020 có 524 lớp học tương ứng số giáo viên theo định mức là 1.245 người, tăng 83 người so với năm 2015. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn năm 2015 là 10% và trên 15% năm 2020.
- Cán bộ quản lý và nhân viên: Cán bộ quản lý đến năm 2015 là 69 người, đến năm 2020 là 81 người, từ 2016 - 2020 tăng 12 người. Nhân viên đến năm 2015 là 186 người, đến năm 2020 là 206 người, từ 2016 – 2020 tăng 20 người.
1.5.5. Hệ thống trường chuyên biệt:
a. Trường chuyên: trong thời gian tới cần có chính sách ưu đãi nhân lực để thu hút cán bộ, giáo viên giỏi về phục vụ. Thực hiện theo quy hoạch hệ thống trường chuyên, nhu cầu nhân lực như sau: Năm 2015 cán bộ giáo viên là 67 người. Đến năm 2020 là 101 người, tăng 34 người so với năm 2015.
b. Trường Dân tộc nội trú: Nhu cầu giáo viên, cán bộ, nhân viên trong hệ thống trường DTNT theo quy hoạch như sau: Năm 2015 tổng số cán bộ giáo viên là 200 người. Đến năm 2020 là 249 người, tăng 49 người so với năm 2015.
c. Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh: trong đến 2020 cần có kế hoạch chuẩn bị số cán bộ giáo viên cho trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, tổng số nhân lực là 54 người trong đó: giáo viên 47 người, cán bộ quản lý 2 người và 5 nhân viên.
1.5.6. Giáo dục thường xuyên - dạy nghề:
- Giáo viên: năm 2015 là 79 người, đến 2020 là 187 người, tăng 108 người so với 2015. Trong đó, các môn văn hóa khoảng 50-55 người, ngoại ngữ 10-15 người, tin học 10-15 người.
- Cán bộ quản lý và nhân viên: Cán bộ quản lý năm 2015 là 16 người, đến 2020 là 20 người, tăng 4 người so với năm 2015, tổng số cán bộ quản lý tăng thêm từ nay đến năm 2020 là 8 người. Nhân viên năm 2015 là 31 người, đến 2020 là 37 người, tăng 6 người so với 2015.
1.5.7. Hệ thống đào tạo:
- Giáo viên, giảng viên: năm 2015 là 18 người, đến 2020 là 56 người, tăng 38 người so với 2015;
- Cán bộ quản lý và nhân viên: Cán bộ quản lý năm 2015 là 4 người, đến 2020 là 6 người, tăng 2 người so với năm 2015. Nhân viên năm 2015 là 6 người, đến 2020 là 18 người, tăng 12 người so với 2015.
2. Định hướng phát triển đến năm 2030:
2.1. Quy mô, cơ cấu dân số và mục tiêu giáo dục đào tạo tỉnh Đắk Nông đến năm 2030:
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (Dự báo dân số Việt Nam 2009-2049, thực hiện năm 2011) đến năm 2030 dân số tỉnh Đắk Nông vào khoảng từ 682.000 đến 712.000 người. Tuy nhiên theo Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt thì đến năm 2020 dân số Đắk Nông đã đạt 830.000 người (cao hơn số dự báo của Tổng cục Thống kê năm 2030).
Do vậy việc dự báo dân số tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 được tính trên cơ sở dân số năm 2020 tại Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông và dự báo tốc độ tăng dân số giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Đắk Nông do Tổng cục Thống kê dự báo là 1,7%.
Kết quả dự báo đến năm 2030 dân số tỉnh Đắk Nông đạt khoảng 930.000 đến 966.000 người trong đó dân số thành thị là 464.000 người (tỷ lệ 48%); dân số nông thôn là 502.000 người.
Đến 2030 cùng với cả nước, trình độ giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông sẽ phát triển đạt mức tiên tiến, trở thành một trong những tỉnh có các chỉ tiêu giáo dục đào tạo cao của khu vực miền trung Tây Nguyên. Đồng thời với quá trình hội nhập quốc tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa kéo theo sự tiếp cận và hội nhập trình độ các nước tiên tiến trong khu vực trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Với vị trí địa lý thuận lợi hơn một số tỉnh khác trong khu vực, đến năm 2030 Đắk Nông sẽ là một trong những tỉnh có chất lượng cao của vùng miền trung Tây Nguyên và cả nước về giáo dục và đào tạo.
2.2. Quy mô học sinh, sinh viên tỉnh Đắk Nông đến năm 2030:
Với dự báo dân số tỉnh Đắk Nông như trên, đến năm 2030 số dân trong nhóm tuổi đi học và số học sinh tham gia các cấp bậc học như sau:
- Nhóm từ 0-2 tuổi khoảng 24.000 cháu, số cháu đi nhà trẻ dự kiến đạt 45% số trẻ trong độ tuổi tương đương 11.000 cháu/1.375 nhóm trẻ;
- Nhóm từ 3-5 tuổi khoảng 34.000 cháu, tỷ lệ đến lớp đạt 100% tương đương 34.000 cháu/2.267 lớp mẫu giáo;
- Nhóm từ 6-10 tuổi khoảng 36.000 em, dự báo 100% số trẻ học cấp tiểu học, số học sinh tiểu học khoảng 36.000 cháu/ 1.440 lớp;
- Nhóm từ 11-14 tuổi khoảng 43.000 em, dự báo 100% trẻ trong độ tuổi học THCS khoảng 43.000 học sinh/ 1.229 lớp;
- Nhóm từ 15-17 tuổi khoảng 61.000 em, dự báo có khoảng 85% học trung học phổ thông tương đương 52.000 học sinh/1.486 lớp;
- Nhóm từ 18 đến 21 tuổi khoảng 82.000 người, để đạt chỉ tiêu 180 - 220 sinh viên/vạn dân vào năm 2030, số sinh viên tham gia học tập tại các trường cao đẳng, đại học dự kiến khoảng 17.000-21.000 sinh viên. Số tham gia học trung cấp chuyên nghiệp trong nhóm tuổi từ 15 tuổi trở lên dự báo khoảng 18.000 đến 20.000 học viên.
2.3. Định hướng phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo đến năm 2030:
Theo phương án phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo tỉnh Đắk Nông như trình bày trên thì đến giai đoạn sau năm 2020, hầu hết các cơ sở trường lớp các ngành bậc học trên địa bàn tỉnh đều đã được xây dựng theo hướng chuẩn hoá, chỉ còn một phần nhỏ các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại một số thôn bon, một số xã mới được thành lập trong giai đoạn gần đây là chưa hoàn chỉnh cơ sở vật chất theo chuẩn quy định.
Định hướng từ 2021 đến 2030, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thành việc chuẩn hóa trường lớp học đối với giáo dục mầm non và tiếp tục thực hiện kiên cố hóa phòng học tại các điểm trường, các phân hiệu tiểu học và các trường Trung học cơ sở tại các thôn bon, các xã còn lại tại các huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Đức Xuyên. Đối với cấp Trung học phổ thông, tập trung đầu tư cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại để phát triển và hình thành mạng lưới trường chất lượng cao. Đến năm 2030, đồng thời với việc hoàn thành kiên cố hóa trường lớp học ở tất cả các cấp học, tại mỗi huyện - thị xã (thành phố) có ít nhất 1 trường THPT chất lượng cao.
Cũng trong giai đoạn này, kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa một trường Phổ thông Quốc tế có đủ các cấp học từ Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đạt trình độ chuẩn của các nước tiên tiến.
Mạng lưới trường dân tộc nội trú tiếp tục được đầu tư thêm phòng học và khu chức năng tại một số huyện để tăng quy mô học sinh, đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Duy trì ổn định hệ thống trung tâm GDTX - dạy nghề trên toàn tỉnh, tăng quy mô lớp học đáp ứng nhu cầu học sinh tăng thêm, chỉ mở trường mới trong trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập mới huyện (thị xã).
Như vậy, đến năm 2030, mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo được xây dựng rộng khắp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học, giữa các hình thức tổ chức đào tạo và sẽ liên thông với hệ thống giáo dục đào tạo trong nước và quốc tế. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được phát triển phủ khắp các điểm dân cư trên toàn tỉnh, kể cả vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kéo giảm sự chênh lệch về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trình độ giáo viên trong các trường học giữa khu vực đô thị và nông thôn, đảm bảo công bằng trong hưởng thụ dịch vụ giáo dục và đào tạo giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vùng người Kinh. Đến 2030 tất cả học sinh phổ thông các cấp đều được học cả ngày ở trường.
Năm 2030 cũng hoàn thành việc đầu tư phát triển mạng lưới dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập trên toàn tỉnh để giáo dục hòa nhập được thực hiện ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tiếp tục đầu tư, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn và các hình thức giáo dục không chính quy khác nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.
Tổ chức và phát triển xã hội học tập trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Hình thành trên toàn tỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục đa dạng (trường học, phân hiệu, điểm trường, cơ sở cộng đồng, các trung tâm giáo dục ….) nhằm tăng khả năng tiếp cận cho tất cả người dân trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập; đa dạng hóa ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu trong tỉnh, trong nước, hội nhập với khu vực và quốc tế.
Đến năm 2030, mọi người dân trong tỉnh đều có đủ điều kiện để học tập thường xuyên, học tập suốt đời, được học đúng ngành nghề theo nguyện vọng, khả năng của mình và có thể học tiếp lên các bậc cao hơn.
Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông, sau năm 2020, tỉnh đã hình thành nền kinh tế công nghiệp là chủ yếu, do vậy định hướng phát triển giáo dục chuyên nghiệp đến năm 2030 sẽ tập trung hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh để nâng cao chất lượng và trình độ giáo dục chuyên nghiệp, có thể cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông cũng như khu vực Tây Nguyên.
Phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn vững và thành thạo phương pháp, công nghệ giáo dục hiện đại, tiên tiến. Xây dựng đồng bộ về cơ cấu để thực hiện giáo dục toàn diện, dạy học 2 buổi/ngày, dạy học song ngữ Anh-Việt ở một số môn học.
VI. Giải pháp thực hiện quy hoạch
1. Nhóm giải pháp nguồn lực:
a. Giải pháp về vốn đầu tư:
- Nhu cầu vốn đầu tư: Như tính toán ở trên, tổng vốn đầu tư trong thời kỳ quy hoạch là 3.446.510 triệu đồng.
- Giải pháp huy động vốn: để đáp ứng được nhu cầu đầu tư trên cần thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn trong đó nội lực là chủ yếu, chú trọng thu hút vốn từ các tổ chức, cá nhân, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Dự báo cơ cấu vốn như sau:
+ Ngân sách Trung ương 40% tổng nhu cầu vốn đầu tư tương đương 1.378,6 tỷ đồng gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn kiên cố hóa trường, lớp học nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án giáo dục, đào tạo từ ngân sách nhà nước trong thời kỳ 2012 – 2015 theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2012-2015. Tranh thủ tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trái phiếu giáo dục của Chính phủ cấp cho tỉnh để thực hiện Chương trình kiên cố hoá và xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Bình quân tổng nguồn vốn ngân sách trung ương mỗi năm đầu tư khoảng 230 tỷ.
+ Ngân sách địa phương chiếm 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư tương đương 689,3 tỷ, bình quân 115 tỷ/năm. Để huy động được nguồn vốn này, ngoài phần ngân sách trung ương cấp cho tỉnh, Đắk Nông cần có quy định tăng thêm ngân sách của tỉnh, huy động ngân sách của các huyện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất ngành giáo dục - đào tạo sao cho tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Để sử dụng một cách hiệu quả nguồn ngân sách cần làm tốt từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập dự án, triển khai xây dựng công trình, thường xuyên giám sát, thanh tra kiểm tra và phối hợp của các sở ngành và chính quyền địa phương.
+ Vốn lồng ghép từ các chương trình dự án kinh tế - xã hội triển khai trên địa bàn có liên quan đến giáo dục đào tạo chiếm 12% tổng nhu cầu vốn đầu tư tương đương 431,58 tỷ. Huy động nguồn vốn này bằng cách lồng ghép trong các chương trình, dự án kinh tế - xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục khu vực nông thôn, nhất là các vùng nông thôn nghèo, cơ sở hạ tầng kém phát triển (trực tiếp cho việc kiên cố hóa, xây dựng trường/lớp học đạt tiêu chí nông thôn mới về cơ sở vật chất ngành giáo dục đào tạo).
+ Nguồn vốn ODA chiếm 5% tổng nhu cầu vốn đầu tư tương đương 172,3 tỷ thông qua các dự án ODA, vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế và nguồn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
+ Nguồn vốn huy động của các tổ chức, doanh nghiệp chiếm 15% tổng nhu cầu vốn đầu tư tương đương 516,9 tỷ. Nguồn vốn này chủ yếu để phát triển mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp theo quy hoạch, tỉnh kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hiện đại hoá các trường hiện có và đầu tư mới các trường chuyên nghiệp bằng những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng. Tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trình độ cao phục vụ các khu - cụm công nghiệp và nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại các huyện thị.
Khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân đầu tư trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề để đào tạo lao động kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đa dạng về cấp bậc đào tạo và ngành nghề của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi trong đầu tư và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đầu tư (thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật…) để thu hút các cơ sở đào tạo ở các tỉnh lân cận (các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề) di chuyển hoặc mở chi nhánh tại Đắk Nông. Mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết với nước ngoài và các tỉnh để thực hiện các chương trình đào tạo lao động kỹ thuật và thu hút vốn đầu tư phát triển mạng lưới đào tạo trên địa bàn tỉnh.
+ Các nguồn hợp pháp khác 8% tổng vốn đầu tư tương đương 275 tỷ. Cần tập trung công tác xã hội hóa để huy động nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thời kỳ quy hoạch để phát triển các trường học mầm non, trường tiểu học ngoài công lập tại các khu dân cư, khu - cụm công nghiệp tập trung, xây dựng một số trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hoặc trường Phổ thông nhiều cấp học ngoài công lập tại trung tâm các huyện, thị xã là nơi đã phát triển kinh tế xã hội ở mức cao trong tỉnh, các trường học này là các trường chất lượng cao.
b. Giải pháp về đầu tư:
Lựa chọn danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư:
1. Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: ưu tiên quỹ đất và bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo Kế hoạch phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2015 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
2. Dự án đầu tư Trường THPT chuyên tỉnh Đắk Nông theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng chính phủ.
Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1, đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư là 227.700 triệu đồng.
3. Dự án đầu tư Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông: tổng vốn đầu tư là 605.570 triệu đồng.
4. Dự án đầu tư cơ sở vật chất các trường tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia:
- Trường tiểu học đạt chuẩn: 75 trường, vốn đầu tư 15.663 triệu đồng/ trường.
- Trường THCS đạt chuẩn: 58 trường, vốn đầu tư 21.770 triệu đồng/ trường.
- Trường THPT đạt chuẩn: 11 trường, vốn đầu tư 38.793 triệu đồng/ trường.
c. Giải pháp về nhân lực, nâng cao toàn diện trình độ, chất lượng và đồng bộ hoá cơ cấu đội ngũ giáo viên các cấp:
Để đáp ứng đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo quy hoạch, cần có giải pháp về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng giáo viên:
Đối với đội ngũ giáo viên mầm non cần tăng quy mô đào tạo và có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người học để đào tạo đội ngũ cô nuôi dạy trẻ và giáo viên mẫu giáo tại khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng giáo viên ở tất các các bậc học, cấp học để có đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề và có đủ năng lực thực hiện cải cách giáo dục, nhanh chóng đồng bộ hóa đội ngũ theo cơ cấu các bộ môn đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện. Có chính sách khuyến khích đào tạo và đãi ngộ để bổ sung giáo viên các bộ môn tin học, ngoại ngữ, mỹ học, giáo dục thể chất...
Căn cứ vào chính sách chung của Nhà nước, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện đặc thù của tỉnh về đãi ngộ và thu hút giáo viên giỏi, đặc biệt với các huyện, xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mở rộng và thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ để nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp giáo dục phổ thông, thực hiện phổ cập ngoại ngữ cho giáo viên THPT (nữ dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi).
Trong giáo dục chuyên nghiệp, cần tạo điều kiện và cơ chế (hỗ trợ kinh phí đào tạo, dành thời gian cho việc chuẩn bị thi tuyển, thưởng cho những người đạt kết quả xuất sắc...) để các trường và cơ sở tăng cường đào tạo lực lượng giáo viên, giảng viên để tăng số lượng cán bộ giảng dạy có trình độ từ Thạc sỹ trở lên.
d. Giải pháp về đất đai:
Mặc dù nhu cầu đất cho xây dựng trường lớp các ngành bậc học tỉnh Đắk Nông trong thời kỳ quy hoạch đã phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Nông đã được Chính phủ phê duyệt, và tại các huyện thị xã cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Tuy nhiên khi triển khai các công trình trường lớp học cụ thể, UBND các huyện, thị xã cần phải ưu tiên dành quỹ đất và bố trí những địa điểm thuận tiện nhất cho xây dựng, mở rộng và phát triển các trường lớp học đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Trong trường hợp cần thiết điều chỉnh và bố trí quỹ đất để xây dựng trường học cần thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Trường học thiếu dưới 15% diện tích: Mở rộng diện tích tại chỗ; nếu không được, có thể xây dựng thêm tầng.
- Trường học thiếu từ 15-30% diện tích: Mở rộng diện tích tại chỗ; nếu không được, sẽ mở rộng diện tích ở khu vực gần đó để xây dựng cụm các phòng học hoặc điểm trường.
- Trường học thiếu trên 30% diện tích: bố trí vị trí mới có đủ diện tích đất để di dời.
Thực hiện “giao đất sạch” tức là đất đã được giải phóng mặt bằng để xây dựng trường học và có chính sách hỗ trợ về đất đai như miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho các trường được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Khuyến khích và có hình thức ghi công các cá nhân, tổ chức tự nguyện hiến tặng đất để xây dựng trường học.
Đối với hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, ngay từ đầu cần bố trí diện tích đủ rộng để đáp ứng nhu cầu xây dựng phòng học, khu chức năng (phòng thí nghiệm, thư viện, khu thực hành, nhà luyện tập thể chất...) và có đủ diện tích dự phòng để mở rộng, nâng cấp quy mô đào tạo trong giai đoạn tiếp theo.
2. Nhóm giải pháp về chuyên môn:
a. Đổi mới phương pháp dạy học:
Đổi mới phương pháp dạy học một cách triệt để nhằm khắc phục cách truyền thụ một chiều; chú trọng đến chủ thể của lớp học là học sinh nhằm tạo mọi điều kiện cho học sinh, sinh viên trải nghiệm; sử dụng các nhóm phương pháp dạy học để nâng cao hiệu quả giáo dục, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp hiện đại với phương pháp truyền thống.
Thực hiện quy chế chuyên môn, nâng cao hiệu quả giờ dạy trên lớp. Coi trọng cả 3 mặt giáo dục: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc.
b. Công tác kiểm định, kiểm tra, đánh giá:
Đổi mới cách tổ chức thi, kiểm tra nhằm đánh giá đúng năng lực tư duy, khả năng phân tích, luận giải, sáng tạo của học sinh, thường xuyên khảo sát, đánh giá về chất lượng học tập của học sinh nhằm xác định mặt bằng chất lượng và làm căn cứ đề xuất phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng giáo dục.
Tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng, giám định chất lượng và công tác thanh tra, kiểm tra; minh bạch hoá, công khai hoá kết quả; chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục và đào tạo; thu hút các thành phần trong xã hội tham gia công tác kiểm tra chất lượng giáo dục đào tạo.
c. Sử dụng phòng học bộ môn, thiết bị, đồ dùng dạy học:
Trang bị đủ phòng học bộ môn và thiết bị dạy học cho các trường theo quy định; sử dụng phòng bộ môn có hiệu quả, bảo quản, bổ sung, sửa chữa kịp thời phục vụ nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học.
Thường xuyên cập nhật, giới thiệu các thiết bị dạy học mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học.
d. Giải pháp về sử dụng thư viện điện tử, thư viện chuẩn:
Tiếp tục nâng cấp thư viện của các trường, từng bước xây dựng thư viện chuẩn.
Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng thư viện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và các hoạt động giáo dục khác.
e. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập:
Xây dựng và sử dụng hợp lý trang thông tin điện tử của các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý toàn ngành, tăng cường thông tin và phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
f. Hoạt động ngoại khoá:
Cung cấp thêm kiến thức về cuộc sống, xã hội và con người cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội nhằm ngăn chặn các tệ nạn.
3. Nhóm giải pháp về quản lý:
a. Hoàn thiện cơ chế chính sách về xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ:
Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp thành cơ chế, chính sách của địa phương.
Xây dựng và bổ sung chính sách về tuyển công chức, viên chức; đào tạo, đào tạo lại và sử dụng sau đào tạo; về đãi ngộ, phát triển, luân chuyển đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp;
Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong việc chọn, cử cán bộ quản lý và giáo viên tiếng Anh đi nước ngoài tu nghiệp nâng cao năng lực.
b. Ban hành các chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo:
Căn cứ vào chính sách chung của Nhà nước, ban hành chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện có của tỉnh liên quan đến phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
c. Tăng cường công tác quản lý giáo dục:
Đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp (cấp tỉnh, huyện, cơ sở).
4. Nhóm giải pháp về xã hội hóa và hợp tác quốc tế:
Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các tổ chức kinh tế, xã hội và mỗi người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện cho mọi người tham gia đóng góp, đầu tư phát triển, xây dựng cộng đồng trách nhiệm và hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. Cụ thể:
- Đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” của các cấp chính quyền, tầng lớp nhân dân.
- Tăng cường và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển các loại hình giáo dục ngoài công lập, đặc biệt ở khu vực thành thị, vùng có đủ điều kiện thích hợp.
- Mở rộng tổ chức các Quỹ khuyến học, bảo trợ giáo dục, khuyến khích các cá nhân và tổ chức đóng góp vào sự phát triển giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh bằng mọi hình thức.
- Tăng cường xúc tiến vận động đầu tư và tạo môi trường thuận lợi để thu hút, tổ chức giới thiệu danh mục các chương trình, dự án phát triển mạng lưới giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp với các nhà đầu tư nước ngoài và hỗ trợ các dịch vụ cần thiết (về chính sách, chủ trương, thủ tục hành chính…) nhằm thu hút đầu tư theo quy hoạch.
Giao Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện.
Bảng 1-PL: DỰ BÁO DÂN SỐ NHÓM TUỔI ĐI HỌC TỈNH ĐẮK NÔNG
Stt | Nhóm tuổi | Dự báo đến (người) | ||
2015 | 2020 | Số tăng thêm | ||
| Dân số nhóm tuổi đi học (0 - 21 tuổi) | 239.858 | 256.127 | 16.269 |
1 | Từ 0 - 2 tuổi | 18.405 | 21.544 | 3.139 |
2 | Từ 3 - 5 tuổi | 37.662 | 40.771 | 3.109 |
3 | Từ 6 - 10 tuổi | 67.786 | 68.500 | 714 |
4 | Từ 11 - 14 tuổi | 46.926 | 50.056 | 3.130 |
5 | Từ 15 - 17 tuổi | 28.994 | 29.748 | 754 |
6 | Từ 18 - 21 tuổi | 40.085 | 45.508 | 5.423 |
Bảng 2-PL: QUY MÔ GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH ĐẮK NÔNG
ĐẾN NĂM 2020
Stt | Chỉ tiêu | Đvt | 2015 | 2020 |
I | Nhà trẻ |
|
|
|
1 | Số trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ | cháu | 18.405 | 21.544 |
| Tỷ lệ trẻ được đi nhà trẻ | % | 9,00 | 15,00 |
2 | Số cháu được đi nhà trẻ | cháu | 1.656 | 3.232 |
| Trẻ học bán trú | cháu | 1.457 | 3.167 |
| Tỷ lệ bán trú | % | 88,00 | 98,00 |
3 | Công lập |
|
|
|
a | Số trẻ | cháu | 1.441 | 2.650 |
| Tỷ lệ | % | 87,00 | 82,00 |
b | Nhóm trẻ | nhóm | 110 | 269 |
4 | Ngoài công lập |
|
|
|
a | Số trẻ ngoài công lập | cháu | 215 | 582 |
| Tỷ lệ | % | 13,00 | 18,00 |
b | Nhóm trẻ ngoài công lập | nhóm | 14 | 48 |
5 | Số phòng học | phòng | 255 | 414 |
6 | Giáo viên |
| 236 | 634 |
| Giáo viên / nhóm trẻ |
| 1,90 | 2,00 |
II | Mẫu giáo |
|
|
|
1 | Tổng số cháu trong tuổi mẫu giáo | cháu | 37.662 | 40.771 |
2 | Tỷ lệ đến lớp | % | 80,00 | 90,00 |
3 | Số cháu đi học mẫu giáo | cháu | 30.130 | 36.694 |
4 | Số cháu/lớp | cháu | 28 | 25 |
5 | Số lớp | lớp | 1.076 | 1.468 |
| Số lớp công lập | lớp | 968 | 1.321 |
6 | Số phòng học | phòng | 968 | 1.453 |
7 | Giáo viên | người | 2.044 | 2.936 |
| Giáo viên/lớp | người | 1,90 | 2,00 |
8 | Đất đai | m2 | 546.751 | 642.210 |
Bảng 3-PL: QUY HOẠCH NHÀ TRẺ MẪU GIÁO TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Chỉ tiêu | Toàn tỉnh | Gia Nghĩa | Đắk R'lấp | Đăk Song | Cư Jút | Đăk Mil Đức lập | Tuy Đức | Đắk G'long | Krông Nô Đức Xuyên |
I | NHÀ TRẺ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Số trẻ đi nhà trẻ | 3.232 | 295 | 483 | 383 | 572 | 572 | 259 | 265 | 403 |
2 | Nhóm trẻ (18 cháu/nhóm) | 317 | 31 | 46 | 38 | 56 | 56 | 25 | 26 | 39 |
2.1 | Công lập | 269 | 24 | 40 | 32 | 48 | 48 | 21 | 22 | 34 |
2.2 | Ngoài công lập | 48 | 6 | 7 | 6 | 8 | 8 | 3 | 4 | 6 |
3 | Cơ sở vật chất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3.1 | Phòng học xây dựng mới | 258 | 20 | 40 | 37 | 41 | 44 | 23 | 23 | 30 |
a | Kiên cố hóa | 41 | - | 8 | 12 | 3 | 4 | 5 | 5 | 4 |
b | Trường mới | 217 | 20 | 32 | 25 | 38 | 40 | 18 | 18 | 26 |
3.2 | Nhu cầu công trình phụ trợ | 102.763 | 9.265 | 15.246 | 12.230 | 18.318 | 18.318 | 8.101 | 8.437 | 12.848 |
3.3 | Công trình phụ trợ xây dựng mới | 90.149 | 11.942 | 12.891 | 11.472 | 16.204 | 16.204 | 5.758 | 5.871 | 9.807 |
a | Hoàn thiện trường cũ | 44.148 | 8.027 | 6.020 | 6.020 | 8.027 | 8.027 | 2.007 | 2.007 | 4.013 |
b | Xây dựng trường mới | 46.001 | 3.915 | 6.871 | 5.452 | 8.177 | 8.177 | 3.751 | 3.864 | 5.794 |
4 | Đất đai (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4.1 | Nhu cầu đất đến 2020 | 570.600 | 51.936 | 85.297 | 67.584 | 101.012 | 101.012 | 45.828 | 46.759 | 71.172 |
4.2 | Đất quy hoạch thêm | 570.600 | 51.193 | 85.676 | 67.849 | 102.602 | 100.767 | 44.371 | 46.656 | 71.486 |
a | Mở rộng trường cũ | - | - | - | - | - | - | - | - | - |
b | Xây trường mới | 570.600 | 51.193 | 85.676 | 67.849 | 102.602 | 100.767 | 44.371 | 46.656 | 71.486 |
5 | Cô nuôi dạy trẻ (1,9 cô/nhóm) | 634 | 60 | 93 | 75 | 112 | 112 | 51 | 52 | 79 |
II | MẪU GIÁO |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Số trẻ đi mẫu giáo | 36.694 | 4.200 | 4.651 | 4.302 | 5.146 | 6.093 | 3.722 | 4.102 | 4.478 |
2 | Số lớp | 1.468 | 169 | 186 | 172 | 205 | 244 | 149 | 164 | 179 |
2.1 | Số lớp công lập | 1.321 | 153 | 168 | 154 | 184 | 219 | 135 | 147 | 161 |
2.2 | Số lớp ngoài công lập | 147 | 19 | 18 | 17 | 21 | 25 | 14 | 15 | 18 |
3 | Số trường | 159 | 21 | 21 | 14 | 14 | 28 | 18 | 18 | 25 |
3.1 | Số trường đạt chuẩn | 24 | 5 | 3 | 3 | 4 | 4 | 1 | 1 | 3 |
3.2 | Tỷ lệ trường đạt chuẩn (%) | 25 | 23,81 | 14,29 | 21,43 | 28,57 | 14,29 | 5,56 | 5,56 | 12 |
4 | Cơ sở vật chất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4.1 | Phòng học xây dựng mới | 825 | 97 | 86 | 78 | 61 | 130 | 113 | 108 | 152 |
a | Kiên cố hóa tăng quy mô học sinh | 135 | 17 | 16 | 18 | 21 | 20 | 13 | 8 | 22 |
b | Trường mới | 690 | 80 | 70 | 60 | 40 | 110 | 100 | 100 | 130 |
4.2 | Nhu cầu công trình phụ trợ (m2) | 170.123 | 22.470 | 22.470 | 14.979 | 14.979 | 29.959 | 19.259 | 19.259 | 26.748 |
4.3 | Xây dựng mới | 123.096 | 18.707 | 16.591 | 11.061 | 11.061 | 21.415 | 12.911 | 13.616 | 17.734 |
5 | Đất đai (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5.1 | Nhu cầu đất đến 2020 | 642.210 | 63.018 | 123.638 | 59.159 | 50.386 | 34.837 | 62.015 | 190.803 | 58.354 |
5.2 | Đất quy hoạch thêm | 165.150 | 9.483 | 14.546 | 13.322 | 15.489 | 44.358 | 21.406 | 19.466 | 27.080 |
a | Mở rộng trường cũ | 32.850 | 483 | 414 | 483 | 4.957 | 25.338 | 347 | 207 | 621 |
b | Xây trường mới | 132.300 | 9.000 | 14.132 | 12.839 | 10.532 | 19.020 | 21.059 | 19.259 | 26.459 |
6 | Nhân lực | 3.577 | 422 | 455 | 403 | 469 | 598 | 371 | 399 | 460 |
| Hệ số giáo viên/ lớp | 1,9 | 1,9 | 1,9 | 1,9 | 1,9 | 1,9 | 1,9 | 1,9 | 1,9 |
6.1 | Giáo viên | 2.782 | 320 | 353 | 325 | 389 | 461 | 283 | 311 | 340 |
6.2 | Cán bộ quản lý | 318 | 41 | 41 | 31 | 32 | 55 | 36 | 34 | 48 |
6.3 | Nhân viên | 477 | 61 | 61 | 47 | 48 | 82 | 52 | 54 | 72 |
Bảng 4-PL: QUY HOẠCH GIÁO DỤC TIỂU HỌC TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Chỉ tiêu | Toàn tỉnh | Gia Nghĩa | Đắk R'lấp | Đăk Song | Cư Jút | Đăk Mil Đức lập | Tuy Đức | Đắk G'long | Krông Nô Đức Xuyên |
1 | Số học sinh | 67.815 | 5.359 | 9.747 | 8.061 | 10.648 | 12.363 | 6.076 | 7.137 | 8.424 |
2 | Số lớp | 2.608 | 207 | 373 | 311 | 408 | 476 | 234 | 274 | 325 |
3 | Số trường | 172 | 20 | 26 | 19 | 21 | 27 | 16 | 17 | 26 |
3.1 | Số trường đạt chuẩn | 67 | 11 | 12 | 7 | 11 | 11 | 4 | 3 | 8 |
3.2 | Tỷ lệ trường đạt chuẩn (%) | 40 | 55 | 46,15 | 36,84 | 52,38 | 40,74 | 25 | 17,65 | 30,77 |
4 | Cơ sở vật chất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4.1 | Phòng học xây dựng mới | 304 | 55 | 30 | 31 | 19 | 43 | 28 | 23 | 75 |
a | Tăng quy mô, thay thế phòng tạm | 40 | 3 | 2 | 3 | 9 | 7 | 8 | 5 | 3 |
b | Trường mới | 264 | 52 | 28 | 28 | 10 | 36 | 20 | 18 | 72 |
4.2 | Nhu cầu khu chức năng (m2) | 204.811 | 8.127 | 13.003 | 26.940 | 10.564 | 30.190 | 25.314 | 26.940 | 63.733 |
4.3 | Khu chức năng XD mới (m2) | 32.719 | 7.265 | 3.255 | 3.255 | 959 | 4.592 | 1.918 | 2.296 | 9.179 |
| Nâng cấp trường cũ | 13.470 | 3.590 | 1.180 | 1.180 | 190 | 1.980 | 380 | 990 | 3.980 |
| Xây trường mới | 19.249 | 3.675 | 2.075 | 2.075 | 769 | 2.612 | 1.538 | 1.306 | 5.199 |
5 | Đất đai (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5.1 | Nhu cầu đất đến 2020 | 1.646.754 | 189.555 | 323.282 | 177.072 | 213.469 | 231.992 | 140.658 | 96.817 | 273.909 |
5.2 | Đất quy hoạch thêm | 237.999 | 36.980 | 25.617 | 28.276 | 19.045 | 33.777 | 19.205 | 20.349 | 54.750 |
a | Mở rộng trường cũ | 80.509 | 5.480 | 9.037 | 11.696 | 13.245 | 12.227 | 7.605 | 9.569 | 11.650 |
b | Xây trường mới | 157.490 | 31.500 | 16.580 | 16.580 | 5.800 | 21.550 | 11.600 | 10.780 | 43.100 |
6 | Nhân lực | 5.264 | 441 | 769 | 613 | 785 | 930 | 482 | 549 | 695 |
| Hệ số giáo viên/ lớp | 1,5 | 1,5 | 1,5 | 1,5 | 1,5 | 1,5 | 1,5 | 1,5 | 1,5 |
6.1 | Giáo viên | 3.912 | 310 | 561 | 466 | 612 | 714 | 352 | 410 | 487 |
6.2 | Cán bộ quản lý | 507 | 49 | 78 | 55 | 65 | 81 | 49 | 52 | 78 |
6.3 | Nhân viên | 845 | 82 | 130 | 92 | 108 | 135 | 81 | 87 | 130 |
Bảng 5-PL: QUY HOẠCH GIÁO DỤC THCS TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Chỉ tiêu | Toàn tỉnh | Gia Nghĩa | Đắk R'lấp | Đăk Song | Cư Jút | Đăk Mil Đức lập | Tuy Đức | Đắk G'long | Krông Nô Đức Xuyên |
1 | Số học sinh | 44.461 | 3.491 | 7.819 | 5.141 | 8.318 | 9.449 | 2.299 | 2.625 | 5.319 |
2 | Số lớp | 1.270 | 100 | 224 | 146 | 237 | 270 | 65 | 75 | 153 |
3 | Số trường | 102 | 8 | 14 | 13 | 12 | 18 | 9 | 11 | 17 |
3.1 | Số trường đạt chuẩn | 58 | 8 | 11 | 6 | 8 | 8 | 3 | 6 | 8 |
3.2 | Tỷ lệ trường đạt chuẩn (%) | 56,86 | 100 | 78,57 | 46,15 | 67,67 | 45,44 | 33,33 | 54,55 | 47,06 |
4 | Cơ sở vật chất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4.1 | Phòng học xây dựng mới | 335 | 27 | 17 | 31 | 17 | 74 | 43 | 43 | 83 |
a | Kiên cố hóa | 11 | 0 | 2 | 1 | 2 | 2 | 1 | 1 | 2 |
b | Trường mới | 324 | 27 | 15 | 30 | 15 | 72 | 42 | 42 | 81 |
4.2 | Nhu cầu khu chức năng (m2) | 87.105 | 12.914 | 5.756 | 9.505 | 9.505 | 13.753 | 12.916 | 9.170 | 13.586 |
4.3 | Khu chức năng XD mới (m2) | 15.105 | 1.335 | 640 | 1.281 | 640 | 3.256 | 1.975 | 1.975 | 4.003 |
| Nâng cấp trường cũ | 4.773 | 435 | 192 | 384 | 192 | 1.011 | 627 | 627 | 1.305 |
| Xây trường mới | 10.332 | 900 | 448 | 897 | 448 | 2.245 | 1.348 | 1.348 | 2.698 |
5 | Đất đai (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5.1 | Nhu cầu đất đến 2020 | 1.022.603 | 164.414 | 183.910 | 150.428 | 101.784 | 161.780 | 124.118 | 51.645 | 84.524 |
5.2 | Đất quy hoạch thêm | 487.537 | 45.527 | 37.497 | 51.595 | 42.163 | 97.612 | 54.961 | 55.969 | 102.213 |
a | Mở rộng trường cũ | 226.717 | 23.792 | 25.422 | 27.445 | 30.088 | 39.652 | 21.151 | 22.159 | 37.008 |
b | Xây trường mới | 260.820 | 21.735 | 12.075 | 24.150 | 12.075 | 57.960 | 33.810 | 33.810 | 65.205 |
6 | Nhân lực | 3.361 | 290 | 557 | 397 | 572 | 660 | 211 | 237 | 437 |
| Hệ số giáo viên/ lớp | 2,01 | 2,02 | 2 | 2,02 | 2,01 | 2,01 | 2,02 | 2 | 2 |
6.1 | Giáo viên | 2.553 | 202 | 448 | 295 | 477 | 544 | 131 | 150 | 306 |
6.2 | Cán bộ quản lý | 306 | 33 | 41 | 39 | 36 | 44 | 30 | 33 | 50 |
6.3 | Nhân viên | 502 | 55 | 68 | 63 | 59 | 72 | 50 | 54 | 81 |
Bảng 6-PL: QUY HOẠCH GIÁO DỤC THPT TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Chỉ tiêu | Toàn tỉnh | Gia Nghĩa | Đắk R'lấp | Đăk Song | Cư Jút | Đăk Mil Đức lập | Tuy Đức | Đắk G'long | Krông Nô Đức Xuyên |
1 | Số học sinh | 20.979 | 2.223 | 3.615 | 2.004 | 4.202 | 4.799 | 549 | 721 | 2.866 |
2 | Số lớp | 524 | 55 | 90 | 50 | 105 | 120 | 14 | 18 | 72 |
3 | Số trường | 27 | 2 | 4 | 3 | 5 | 5 | 2 | 2 | 4 |
3.1 | Số trường đạt chuẩn | 11 | 2 | 1 | 1 | 2 | 2 | 1 | 1 | 1 |
3.2 | Tỷ lệ trường đạt chuẩn (%) | 40,74 | 100,00 | 25,00 | 33,33 | 40,00 | 40,00 | 50,00 | 50,00 | 25,00 |
4 | Cơ sở vật chất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4.1 | Phòng học xây dựng mới | 99 | - | 1 | 0 | 24 | 24 | 24 | 2 | 24 |
a | Kiên cố hóa | 3 | - | 1 | 0 | 0 | 0 | 0 | 2 | 0 |
b | Trường mới | 96 | - | 0 | 0 | 24 | 24 | 24 | - | 24 |
4.2 | Nhu cầu khu chức năng (m2) | 32.850 | 7.300 | 3.650 | 3.650 | 3.650 | 3.650 | 3.650 | 3.650 | 3.650 |
4.3 | Xây dựng mới (m2) | 9.131 | 506 | 1.109 | 1.690 | 1.782 | 1.527 | 911 | 283 | 1.322 |
| Nâng cấp trường cũ | 5.990 | 506 | 1.109 | 1.062 | 1.154 | 899 | 283 | 283 | 694 |
| Xây trường mới | 2.512 | - | - | - | 628 | 628 | 628 | - | 628 |
5 | Đất đai (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5.1 | Nhu cầu đất đến 2020 | 745.994 | 131.238 | 65.612 | 65.612 | 123.956 | 137.122 | 65.612 | 65.612 | 91.230 |
5.2 | Đất quy hoạch thêm | 110.400 | - | - | 22.080 | 22.080 | 22.080 | 22.080 | - | 22.080 |
a | Mở rộng trường cũ | - | - | - | - | - | - | - | - | - |
b | Xây trường mới | 110.400 | - | - | 22.080 | 22.080 | 22.080 | 22.080 | - | 22.080 |
6 | Nhân lực | 1.532 | 160 | 247 | 151 | 296 | 358 | 51 | 58 | 211 |
| Hệ số giáo viên/ lớp | 2,38 | 2,38 | 2,37 | 2,40 | 2,36 | 2,38 | 2,36 | 2,44 | 2,38 |
6.1 | Giáo viên | 1.245 | 131 | 213 | 120 | 248 | 285 | 33 | 44 | 171 |
6.2 | Cán bộ quản lý | 81 | 6 | 13 | 8 | 15 | 15 | 6 | 6 | 12 |
6.3 | Nhân viên | 206 | 23 | 21 | 23 | 33 | 58 | 12 | 8 | 28 |
Bảng 7-PL: QUY HOẠCH GIÁO DỤC HỆ THỐNG TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Chỉ tiêu | Trường chuyên | Tr. Nuôi dạy trẻ Kh. tật | Trường Dân tộc nội trú | |
Cấp tỉnh | Cấp huyện | ||||
1 | Số học sinh | 900 | 90 | 468 | 1.560 |
2 | Số lớp | 30 | 15 | 14 | 49 |
3 | Số trường | 1 | 1 | 1 | 9 |
3.1 | Số trường đạt chuẩn | 1 | 1 | 1 | 2 |
3.2 | Tỷ lệ trường đạt chuẩn (%) | 100 | 100 | 100,00 | 22,00 |
4 | Cơ sở vật chất |
|
|
|
|
4.1 | Phòng học xây dựng mới | 15 | - | - | 24 |
a | Kiên cố hóa | 15 | 30 | - |
|
b | Trường mới | - | - | - | 24 |
4.2 | Nhu cầu khu chức năng (m2) | - | 2.000 | 900 |
|
4.3 | Nhu cầu khu chức năng XD mới (m2) | - | 2.000 | 900 | 1.400 |
5 | Đất đai (m2) |
|
|
|
|
5.1 | Nhu cầu đất đến 2020 | 32.000 | 25.000 | 30.600 | 115.784 |
5.2 | Đất quy hoạch thêm | - | - | - | 21.200 |
a | Mở rộng trường cũ | - | - | - | - |
b | Xây trường mới |
| 25.000 | - | 21.200 |
6 | Nhân lực | 101 | 54 | 38 | 211 |
| Giáo viên/ lớp | 3,10 | 3,10 | 2,10 | 2,90 |
6.1 | Giáo viên | 93 | 47 | 29 | 140 |
6.2 | Cán bộ quản lý | 3 | 2 | 3 | 27 |
6.3 | Nhân viên | 5 | 5 | 6 | 44 |
Bảng 8-PL: QUY HOẠCH GIÁO DỤC HỆ THỐNG TT GDTX - DẠY NGHỀ TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2020
Stt | Chỉ tiêu | Toàn tỉnh | TT GDTX Tỉnh | Đắk R'lấp | Đăk Song | Cư Jút | Đăk Mil+ Đức lập | Tuy Đức | Đắk G'long | Krông Nô+ Đức Xuyên |
1 | Số học sinh | 2.975 | 584 | 292 | 349 | 408 | 583 | 146 | 117 | 496 |
2 | Số lớp | 85 | 16 | 10 | 10 | 11 | 16 | 4 | 4 | 14 |
3 | Số trường |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3.1 | TT GDTX - dạy nghề | 10 | 1 | 1 | 1 | 1 | 2 | 1 | 1 | 2 |
| TT GDTX - dạy nghề đạt chuẩn | 2 | 1 | - | - | - | 1 | - | - | - |
| Tỷ lệ đạt chuẩn (%) | 20,00 | 100,00 | - | - | - | 50,00 | - | - | - |
3.2 | TT học tập cộng đồng | 89 | 8 | 13 | 11 | 10 | 14 | 8 | 8 | 17 |
4 | Cơ sở vật chất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4.1 | Phòng học xây dựng mới | 41 | 9 | - | - | - | 16 | - | - | 16 |
a | Thay thế phòng tạm | 9 | 9 | - | - | - | - | - | - | - |
b | Trường mới | 32 | - | - | - | - | 16 | - | - | 16 |
4.2 | Nhu cầu khối phòng chức năng (m2) | 9.640 | 1.000 | 960 | 960 | 960 | 1.920 | 960 | 960 | 1.920 |
4.3 | Khối phòng chức năng XD mới (m2) | 1.920 | - | - | - | - | 960 | - | - | 960 |
5 | Đất đai (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5.1 | Nhu cầu đất đến 2020 | 61.260 | 7.500 | 5.760 | 5.760 | 5.760 | 12.480 | 5.760 | 5.760 | 12.480 |
5.2 | Đất quy hoạch thêm | 13.440 | - | - | - | - | 6.720 | - | - | 6.720 |
a | Mở rộng trường cũ | - | - | - | - | - | - | - | - | - |
b | Xây trường mới | 13.440 | - | - | - | - | 6.720 | - | - | 6.720 |
6 | Nhân lực |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
6.1 | Trung tâm GDTX - dạy nghề | 244 | 45 | 24 | 27 | 30 | 47 | 15 | 12 | 42 |
| Hệ số giáo viên/ lớp | 2,20 | 2,25 | 1,90 | 2,20 | 2,27 | 2,25 | 2,50 | 2,00 | 2,21 |
6.1.1 | Giáo viên | 187 | 36 | 19 | 22 | 25 | 36 | 10 | 8 | 31 |
6.1.2 | Cán bộ quản lý | 20 | 2 | 2 | 2 | 2 | 4 | 2 | 2 | 4 |
6.1.3 | Nhân viên | 37 | 7 | 3 | 3 | 3 | 7 | 3 | 2 | 7 |
6.2 | TT học tập cộng đồng | 228 | 39 | 22 | 21 | 22 | 40 | 22 | 22 | 40 |
Bảng 9-PL: NHU CẦU ĐẤT CHO MẠNG LƯỚI TRƯỜNG HỌC TRONG
HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TỈNH ĐẮK NÔNG PHÂN THEO HUYỆN, THỊ XÃ ĐẾN 2015
Đơn vị tính: ha
Stt | Chỉ tiêu | 2015 | Gia Nghĩa | Đắk R'lấp | Đăk Song | Cư Jút | Đăk Mil+ Đức lập | Tuy Đức | Đắk G'long | Krông Nô + Đức Xuyên |
I | GIÁO DỤC | 396,56 | 55,17 | 70,93 | 42,61 | 52,60 | 57,44 | 33,43 | 37,07 | 47,31 |
1 | Nhà trẻ | 27,90 | 2,55 | 4,17 | 3,30 | 4,94 | 4,94 | 2,24 | 2,28 | 3,48 |
2 | Mẫu giáo | 54,68 | 5,37 | 10,53 | 5,04 | 4,29 | 2,97 | 5,28 | 16,23 | 4,97 |
3 | Tiểu học | 150,47 | 18,07 | 30,82 | 15,96 | 20,35 | 21,20 | 12,49 | 8,31 | 23,25 |
4 | Trung học cơ sở | 93,86 | 15,17 | 19,90 | 14,76 | 9,18 | 14,87 | 10,55 | 3,40 | 6,01 |
5 | Trung học phổ thông | 50,22 | 6,69 | 3,94 | 1,59 | 12,40 | 11,50 | 2,29 | 4,89 | 6,92 |
6 | Trường chuyên | 3,20 | 3,20 | - | - | - | - | - | - | - |
7 | Dân tộc nội trú | 11,46 | 3,37 | 0,99 | 1,38 | 0,86 | 1,38 | - | 1,38 | 2,10 |
8 | Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật | - | - | - | - | - | - | - | - | - |
9 | Giáo dục thường xuyên - dạy nghề | 4,78 | 0,75 | 0,58 | 0,58 | 0,58 | 0,58 | 0,58 | 0,58 | 0,58 |
II | ĐÀO TẠO | 39,00 | 37,00 | 2,00 | - | - | - | - | - | - |
1 | Trung cấp CN | 33,00 | 33,00 | - | - | - | - | - | - | - |
2 | Cao đẳng và Đại học | 6,00 | 4,00 | 2,00 | - | - | - | - | - | - |
| TỔNG | 435,56 | 92,17 | 72,93 | 42,61 | 52,60 | 57,44 | 33,43 | 37,07 | 47,31 |
Bảng 10-PL: NHU CẦU ĐẤT CHO MẠNG LƯỚI TRƯỜNG HỌC TRONG
HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TỈNH ĐẮK NÔNG PHÂN THEO HUYỆN, THỊ XÃ ĐẾN 2020
Stt | Chỉ tiêu | Tổng | Gia Nghĩa | Đắk R'lấp | Đăk Song | Cư Jút | Đăk Mil+ Đức lập | Tuy Đức | Đắk G'long | Krông Nô+ Đức Xuyên |
I | GIÁO DỤC | 492,40 | 69,83 | 82,88 | 53,95 | 60,51 | 70,36 | 45,46 | 47,12 | 62,29 |
1 | Nhà trẻ | 57,06 | 5,19 | 8,53 | 6,76 | 10,10 | 10,10 | 4,58 | 4,68 | 7,12 |
2 | Mẫu giáo | 64,22 | 6,30 | 12,36 | 5,92 | 5,04 | 3,48 | 6,20 | 19,08 | 5,84 |
3 | Tiểu học | 164,67 | 18,96 | 32,33 | 17,71 | 21,35 | 23,20 | 14,07 | 9,68 | 27,37 |
4 | Trung học cơ sở | 105,40 | 16,44 | 21,53 | 15,04 | 10,18 | 16,18 | 12,41 | 5,16 | 8,46 |
5 | Trung học phổ thông | 74,58 | 13,12 | 6,56 | 6,56 | 12,40 | 13,71 | 6,56 | 6,56 | 9,11 |
6 | Trường chuyên | 3,20 | 3,20 | - | - | - | - | - | - | - |
7 | Dân tộc nội trú | 14,64 | 3,37 | 0,99 | 1,38 | 0,86 | 2,44 | 1,06 | 1,38 | 3,16 |
8 | Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật | 2,50 | 2,50 | - | - | - | - | - | - | - |
9 | Giáo dục TX - dạy nghề | 6,13 | 0,75 | 0,58 | 0,58 | 0,58 | 1,25 | 0,58 | 0,58 | 1,23 |
II | ĐÀO TẠO | 65,80 | 56,80 | 4,00 | - | 5,00 | - | - | - | - |
1 | Trung cấp chuyên nghiệp | 45,80 | 45,80 | - | - |
| - | - | - | - |
2 | Cao đẳng và Đại học | 20,00 | 11,00 | 4,00 | - | 5,00 | - | - | - | - |
| TỔNG | 558,20 | 126,63 | 86,88 | 53,95 | 65,51 | 70,36 | 45,46 | 47,12 | 62,29 |
Stt | Nhóm tuổi | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) |
I | Dân số | 966.000 | - |
1 | Thành thị | 464.000 | 48 |
2 | Nông thôn | 502.000 | 52 |
II | Tổng dân số trong các nhóm tuổi đi học (0-21 tuổi) | 280.000 | - |
1 | Từ 0 - 2 tuổi | 24.000 | 45 |
| Số trẻ đi nhà trẻ | 11.000 | - |
| Số nhóm trẻ | 1.375 | - |
2 | Từ 3 - 5 tuổi | 34.000 | 100 |
| Số trẻ mầm non | 34.000 | - |
| Số lớp mầm non | 2.267 | - |
3 | Từ 6 - 10 tuổi | 36.000 | 100 |
| Số học sinh tiểu học | 36.000 | - |
| Số lớp tiểu học | 1.440 | - |
4 | Từ 11 - 14 tuổi | 43.000 | 100 |
| Số học sinh THCS | 43.000 | - |
| Số lớp THCS | 1.229 | - |
5 | Từ 15 - 17 tuổi | 61.000 | 85 |
| Số học sinh THPT | 52.000 | - |
| Số lớp THPT | 1.486 | - |
6 | Từ 18 - 21 tuổi | 82.000 | - |
III | Trên 21 tuổi | 686.000 | - |
IV | Số học viên, sinh viên | 35.000-41.000 | - |
| Số sinh viên (CĐ, ĐH) | 17.000-21.000 | - |
| Số học viên (trung cấp) | 18.000-20.000 | - |
- 1Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2Nghị quyết 30/NQ-HĐND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Nghị quyết 27/NQ-HĐND về quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 3Nghị quyết 28/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học (mầm non và phổ thông) của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đến năm 2020
- 4Quyết định 196/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 5Nghị quyết 30/NQ-HĐND năm 2016 điều chỉnh (lần 2) đối với giáo dục thường xuyên trong Quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình kèm theo Nghị quyết 27/NĐ-HĐND về Quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 6Nghị quyết 24/2016/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết 19/2004/NQ-HĐND quy định về thu, chi phí dự thi, dự tuyển vào trường đào tạo thuộc địa phương quản lý do tỉnh Bình Phước ban hành
- 7Quyết định 24/2016/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020
- 8Kế hoạch 1950/KH-UBND năm 2024 triển khai, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2025
- 1Thông tư liên tịch 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập do Bộ Giáo Dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ ban hành
- 2Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 5Thông tư liên tịch 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập do Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành
- 6Quyết định 14/2008/QĐ-BGDĐT về Điều lệ Trường Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7Thông tư 59/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8Thông tư 14/2009/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 9Quyết định 959/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Công văn 4808/BGDĐT-GDTX về giao nhiệm vụ đào tạo Nghề cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 11Quyết định 58/2010/QĐ-TTg ban hành “Điều lệ trường đại học" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 60/2010/QĐ-TTg ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT về Điều lệ Trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 14Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 15Thông tư 54/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 16Quyết định 711/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 18Quyết định 439/QĐ-BXD năm 2013 công bố Tập Suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2012 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 19Quyết định 37/2013/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 20Nghị quyết 84/NQ-CP năm 2013 quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Đắk Nông do Chính phủ ban hành
- 21Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND triển khai xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh tại trường học mầm non, phổ thông công lập tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2013 – 2016
- 22Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 23Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 24Nghị quyết 30/NQ-HĐND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Nghị quyết 27/NQ-HĐND về quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 25Nghị quyết 34/2013/NQ-HĐND thông qua Đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên trường học mầm non, phổ thông công lập ở tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014 – 2016
- 26Nghị quyết 28/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học (mầm non và phổ thông) của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đến năm 2020
- 27Quyết định 196/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 28Nghị quyết 30/NQ-HĐND năm 2016 điều chỉnh (lần 2) đối với giáo dục thường xuyên trong Quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình kèm theo Nghị quyết 27/NĐ-HĐND về Quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 29Nghị quyết 24/2016/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết 19/2004/NQ-HĐND quy định về thu, chi phí dự thi, dự tuyển vào trường đào tạo thuộc địa phương quản lý do tỉnh Bình Phước ban hành
- 30Quyết định 24/2016/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020
- 31Kế hoạch 1950/KH-UBND năm 2024 triển khai, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2025
Nghị quyết 35/2014/NQ-HĐND phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới trường, lớp các ngành bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 35/2014/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 18/12/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
- Người ký: Điểu K'ré
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/12/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra