Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023 VÀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 ngày 6 tháng 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 11 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Xét Tờ trình số 157/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023, giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2024; báo cáo thẩm tra số 809/BC-BKTNS ngày 30 tháng 11 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 như sau:

1. Tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2023 là 12.947,38 tỷ đồng.

a) Nguồn vốn do Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu là 8.629,48 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao chỉ tiêu là 4.317,9 tỷ đồng.

2. Tổng các nguồn vốn các năm trước chuyển sang năm 2023 do Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch là 1.453,979 tỷ đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục I, I.1, I.2, I.3, I.4. I.5, I.6, I.7, I.8, I.9 và I.10 đính kèm)

Điều 2. Thông qua Kế hoạch đầu tư công năm 2024 như sau:

1. Tổng nguồn vốn ngân sách là 15.023,119 tỷ đồng.

a) Nguồn vốn ngân sách địa phương là 9.988,405 tỷ đồng.

- Nguồn vốn ngân sách tập trung là 4.518,405 tỷ đồng.

- Nguồn vốn xổ số kiến thiết là 1.870 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thu tiền sử dụng đất là 3.600 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn ngân sách trung ương là 2.359 tỷ đồng.

c) Bổ sung nguồn đấu giá quyền sử dụng đất là 2.040,816 tỷ đồng.

d) Bổ sung nguồn thu vượt xổ số kiến thiết năm 2022 là 454,44 tỷ đồng.

đ) Bổ sung nguồn vốn kết dư năm 2021 - 2022 là 180,458 tỷ đồng.

2. Nội dung phân bổ nguồn vốn:

a) Nguồn vốn do Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu là 11.542,019 tỷ đồng.

- Nguồn vốn ngân sách tập trung là 2.711,105 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn giao chỉ tiêu đối với các dự án là 2.611,105 tỷ đồng.

+ Hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa là 100 tỷ đồng.

- Nguồn vốn xổ số kiến thiết là 1.101 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn giao chỉ tiêu đối với các dự án là 1.001 tỷ đồng.

+ Hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa là 100 tỷ đồng.

- Nguồn thu tiền sử dụng đất trích nộp các quỹ theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh là 603,2 tỷ đồng.

- Hình thành nguồn thu tại ngân sách tỉnh là 2.092 tỷ đồng.

- Bổ sung nguồn vốn đấu giá tiền sử dụng đất, nguồn vốn kết dư, nguồn thu vượt xổ số kiến thiết năm 2022 và dự phòng ngân sách là 2.675,714 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn đấu giá tiền sử dụng đất là 1.987,302 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn kết dư năm 2021 - 2022 chuyển sang là 180,458 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách tập trung là 15 tỷ đồng, nguồn vốn xổ số kiến thiết là 165,458 tỷ đồng; chưa tính phần kế hoạch năm 2022 được chuyển sang năm 2023).

+ Nguồn thu vượt xổ số kiến thiết năm 2022 là 454,44 tỷ đồng.

+ Dự phòng ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước là 53,514 tỷ đồng.

- Nguồn vốn ngân sách trung ương là 2.359 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao chỉ tiêu là 3.481,1 tỷ đồng.

- Nguồn vốn ngân sách tập trung là 1.807,3 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thu tiền sử dụng đất là 904,8 tỷ đồng.

- Nguồn vốn xổ số kiến thiết là 692 tỷ đồng.

- Nguồn vốn xổ số kiến thiết hỗ trợ có mục tiêu cho cấp huyện là 77 tỷ đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục II, II.1, II.2, II.3, II.4 và II.5 đính kèm)

3. Danh mục dự án trọng điểm năm 2024 gồm 16 dự án:

- Dự án đường liên cảng huyện Nhơn Trạch (giai đoạn 1).

- Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) (dự án chuyển tiếp).

- Dự án thành phần 1 của dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (dự án chuyển tiếp).

- Dự án thành phần 2 của dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1: Thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (dự án chuyển tiếp).

 - Dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Đồng Nai (dự án chuyển tiếp).

- Dự án xây dựng kè sông Đồng Nai, thành phố Biên Hoà (từ cầu Hoá An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) (dự án chuyển tiếp).

- Dự án đường ven sông Đồng Nai, thành phố Biên Hòa (từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) (dự án chuyển tiếp).

- Dự án xây dựng đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa - đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối 02 đầu cầu) (dự án chuyển tiếp).

- Dự án kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai, thành phố Biên Hòa (đoạn 2 từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh phía cù lao Phố) (dự án chuyển tiếp).

- Dự án xây dựng đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa - đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối 02 đầu cầu (dự án chuyển tiếp).

- Dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng đường ven sông cái đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản, thành phố Biên Hòa (dự án chuyển tiếp).

- Dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa - đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối 02 đầu cầu) (dự án chuyển tiếp).

- Dự án đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản), thành phố Biên Hòa (dự án chuyển tiếp).

- Dự án nâng cấp đường ĐT.763 từ Km0+000 đến Km29+500 (cuối tuyến) (dự án chuyển tiếp).

- Dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên đường Hương lộ 2 nối dài (dự án chuyển tiếp).

- Dự án đường Hương lộ 2 - Đoạn 1 (dự án chuyển tiếp).

4. Giải pháp thực hiện:

a) Nhóm giải pháp về huy động các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia phát triển kết cấu hạ tầng:

- Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó, tập trung thực hiện khai thác quỹ đất đối với dự án có khả năng khai thác từ quỹ đất hình thành sau khi xây dựng hoàn thành dự án để tạo nguồn vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định. Chủ động xây dựng kế hoạch đấu giá đất năm 2024, 2025 ngay từ đầu năm, đồng thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để thực hiện việc đấu giá các khu đất đã được dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo dõi, quản lý các nguồn thu từ ngân sách, nguồn thu để lại cho chi đầu tư theo quy định; huy động các nguồn vốn đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công tư và xây dựng cơ chế, chính sách để vận động tổ chức, cá nhân tham gia các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

- Nâng cao chất lượng công tác quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công theo từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định.

- Tập trung việc thẩm định và phê duyệt, điều chỉnh hồ sơ dự án, các quy hoạch có liên quan đối với các dự án đã có nhà đầu tư đề xuất lập hồ sơ triển khai theo hình thức đối tác công tư.

- Các địa phương tích cực khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Thực hiện các biện pháp tăng thu để bổ sung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó tập trung từ các nguồn thu để lại cho chi đầu tư, quản lý nguồn thu và khai thác nguồn thu xổ số kiến thiết.

- Huy động thêm nguồn vốn khác (tạm ứng) để bổ sung vốn cho các dự án cấp thiết, dự án cần sớm triển khai.

- Quản lý, theo dõi chặt chẽ các nguồn thu từ ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn khai thác đấu giá đất; đảm bảo kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn trong trong cân đối ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của ngân sách địa phương, bảo đảm không tăng mức bội chi ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

b) Nhóm các giải pháp về nâng cao công tác quản lý và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công:

- Tăng cường tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; rà soát hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công, đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu… nhằm đảm bảo quản lý thống nhất, hiệu quả và phát huy tính chủ động, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

- Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, trong đó nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tiến độ thực hiện, thời gian bố trí vốn, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn của từng dự án đầu tư công theo đúng chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định và quy định pháp luật có liên quan.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động trong điều hành kế hoạch đầu tư công; rà soát, bố trí vốn cho các dự án đảm bảo thời gian bố trí vốn theo quy định và hoàn thành theo tiến độ đã đề ra để đảm bảo hiệu quả, mục tiêu của các dự án đầu tư công; giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; hạn chế việc không tổ chức thực hiện hoặc điều chuyển vốn giữa các dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

- Tập trung công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của các dự án triển khai trong giai đoạn 2024 - 2025 để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương rà soát nhu cầu, quy hoạch và huy động, bố trí các nguồn vốn triển khai xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

- Việc phê duyệt quyết định dự toán bồi thường để thực hiện chi trả cho người dân phải căn cứ trên nguồn vốn dự kiến có thể cân đối, hạn chế việc phê duyệt dự toán nhưng chưa có nguồn để chi trả, đồng thời tổ chức đánh giá năng lực đội ngũ làm công tác bồi thường, nhất là tính phối hợp giữa các đơn vị làm công tác xây dựng cơ bản, bồi thường.

- Chỉ đạo các địa phương tập trung trong công tác bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2024 đảm bảo theo các quy tắc phân bổ nêu trên, hạn chế xảy ra nợ đọng vốn đầu tư; đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện dự án sau khi nhận được thông báo chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024. Trong khi nguồn vốn ngân sách có hạn, việc bố trí kế hoạch phải tập trung cho các dự án thực sự cấp thiết, phát huy hiệu quả cao. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có bổ sung thêm vốn đầu tư công, phải tập trung bố trí các dự án hoàn thành trong năm 2024, các dự án thật sự cấp thiết, giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, lĩnh vực và chương trình.

- Các đơn vị chủ đầu tư và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện triển khai dự án theo mức vốn kế hoạch đã được giao; các chủ đầu tư căn cứ kế hoạch đã giao từ đầu năm tập trung triển khai trong công tác khảo sát thiết kế, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình và thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành kế hoạch được giao. Chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án và làm hồ sơ giải ngân kịp thời, thực hiện tốt công tác thanh, quyết toán công trình.

- Chỉ đạo các s, ngành và các đơn vị chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, khởi công mới, đặc biệt là các dự án trọng điểm và cấp thiết.

- Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra đôn đốc thực hiện kế hoạch năm 2024. Thành lập Tổ công tác nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và đôn đốc tiến độ giải ngân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác đấu thầu, công tác giám định chất lượng công trình, công tác giám sát đầu tư cộng đồng để góp phần chống thất thoát lãng phí trong đầu tư từ ngân sách. Rà soát tiến độ thực hiện hợp đồng đối với những nhà thầu thi công xây dựng công trình thực hiện chậm tiến độ, các tổ chức tư vấn lập hồ sơ thiết kế không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với thực tế để phải xử lý trong quá trình thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án để có hình thức xử lý theo hợp đồng.

- Thực hiện công khai kết quả giải ngân của từng địa phương và đơn vị chủ đầu tư, xem kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.

- Có chế tài xử lý nghiêm khắc cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo quy định.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo quy định.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên giám sát và vận động Nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 08 tháng 12 năm 2023./.

 

 

CHỦ TỊCH




Thái Bảo

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 34/NQ-HĐND điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 do tỉnh Đồng Nai ban hành

  • Số hiệu: 34/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Thái Bảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản