Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/NQ-HĐND

Bình Phước, ngày 12 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH CHO PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2018-2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 4548/QĐ-UBQG50 ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phê duyệt 04 đề án thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020”;

Xét Tờ trình số 126/TTr-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 40/BC-HĐND-VHXH ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Ban văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020” trên địa bàn tỉnh Bình Phước như sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tăng dần tỷ lệ chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách địa phương năm 2018 và các năm tiếp theo để tiến tới ngân sách địa phương đảm bảo được nhu cầu chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

- Đảm bảo 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp;

- Huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đóng góp tài chính hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS;

- 80% số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả vào năm 2018 và đạt 100% vào năm 2020.

2. Các giải pháp chủ yếu

a) Nhóm giải pháp về huy động kinh phí

- Tăng dần mức đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS:

+ Cân đối, bố trí ngân sách đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

+ Tăng cường đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện, dụng cụ, tài liệu cho các hoạt động cần thiết của công tác phòng chống HIV/AIDS;

+ Tăng dần mức đầu tư và huy động ngày một nhiều hơn nguồn kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS;

+ Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân phục vụ mục tiêu phòng chống HIV/AIDS. Xây dựng Đề án Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại địa phương.

- Phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm của địa phương trong đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS:

+ Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về vai trò, trách nhiệm của địa phương trong việc lập kế hoạch và phân bổ ngân sách;

+ Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Huy động doanh nghiệp tham gia phòng, chống HIV/AIDS:

+ Khuyến khích các tổ chức tư nhân, các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

+ Tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc;

+ Vận động, đóng góp nguồn lực từ các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS bảo vệ sức khỏe cho người lao động;

+ Khuyến khích các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế tổ chức đào tạo và nhận người nhiễm HIV, những người dễ bị nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng do HIV/AIDS được làm việc;

+ Tăng cường biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các hoạt động cung cấp thông tin phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ, công nhân của đơn vị. Lồng ghép việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình vui chơi, giải trí lành mạnh tại doanh nghiệp;

+ Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các hoạt động y tế tại doanh nghiệp, tổ chức hoạt động tư vấn về HIV/AIDS, khám sức khỏe định kỳ, khám, chữa bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Xây dựng cơ chế chuyển tiếp giữa y tế doanh nghiệp và các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

- Xã hội hóa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS:

+ Từng bước triển khai xã hội hóa một số các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, như các hoạt động tư vấn HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

+ Tăng cường phối hợp trong công tác điều trị chăm sóc bệnh nhân điều trị thuốc đặc hiệu kháng virus HIV/AIDS, khám, điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục;

+ Triển khai một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS có thu phí, tăng khả năng đóng góp của xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS;

+ Đẩy mạnh công tác xã hội hóa Chương trình điều trị Methadone theo Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ cho một số đối tượng cai nghiện. Chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn khác;

+ Huy động cộng đồng tham gia đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS: Huy động các tổ chức xã hội, cộng đồng để tham gia các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS dựa vào các thiết chế kinh tế - xã hội sẵn có, đặc biệt là hệ thống y tế.

- Tăng chi trả dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua đóng góp của người sử dụng:

+ Tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS;

+ Cụ thể hóa chính sách bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của người nhiễm HIV khi tham gia bảo hiểm y tế;

+ Xây dựng kế hoạch thực hiện bảo hiểm y tế tại địa phương nhằm tăng tính chủ động trong việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

b) Nhóm giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí

- Điều phối, phân bổ nguồn lực:

+ Đảm bảo tập trung quản lý các nguồn kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS thống nhất một đầu mối tại Sở Y tế (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS) để đảm bảo phân bổ, sử dụng hiệu quả, tránh chồng chéo. Tại tuyến huyện/thị xã và xã, phường, thị trấn, tập trung quản lý, điều phối và phân bổ kinh phí tại Ban chỉ đạo các cấp, trong đó Phòng Y tế/Trung tâm Y tế huyện thị xã đóng vai trò tham mưu thực hiện;

+ Phân bổ kinh phí phòng, chống HIV/AIDS hàng năm cho các địa phương, đơn vị dựa trên thực hiện lộ trình đạt được mục tiêu kế hoạch phòng chống HIV/AIDS tỉnh đến năm 2020;

+ Ưu tiên phân bổ kinh phí phòng, chống HIV/AIDS cho các hoạt động sau: Truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV và phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử; can thiệp giảm tác hại chú trọng chương trình bao cao su, Bơm kim tiêm và điều trị Methadone; nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

+ Làm việc với các đơn vị tài trợ trong và ngoài nước cũng như ở địa phương xây dựng lộ trình tiếp nhận các hoạt động và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả;

+ Củng cố và nâng cao năng lực các cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến trong công tác lập kế hoạch, quản lý và sử dụng kinh phí, nhằm đảm bảo điều phối và phân bổ kinh phí hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương và các đơn vị (về địa bàn, lĩnh vực, hoạt động và đối tượng). Đồng thời, thực hành tiết kiệm chi tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến.

- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực: Thực hiện giám sát tài chính, kiểm tra hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS các cấp định kỳ hàng năm do Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

3. Kinh phí thực hiện

a) Ngân sách trung ương: 6.450.032.000 đồng;

b) Ngân sách địa phương: 637.539.000 đồng;

c) Nguồn viện trợ và các nguồn hợp pháp khác.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa IX, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ Y tế, Bộ Tài chính;
- TTTU, TTHĐND, Đoàn ĐBQH, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở: Y tế, KH&ĐT, Tài chính;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã;
- LĐVP, Phòng Tổng hợp;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Tuệ Hiền

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 32/NQ-HĐND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo đảm nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 32/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Trần Tuệ Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản