Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2016/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 17 tháng 11 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY LỢI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 7400/TTr-UBND ngày 15/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 86/BC-HĐND ngày 15/11/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy lợi phải thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng kinh tế;

- Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp; khuyến khích xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích hộ nông dân đầu tư phát triển trang trại để tăng quy mô sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ; phát triển nông nghiệp xanh, hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm nông sản, giống vật nuôi cây trồng chủ lực chất lượng cao; đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội;

- Phát triển lâm nghiệp toàn diện, chú trọng phát triển 3 loại rừng: Rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng; hình thành 2 vùng sản xuất lâm nghiệp chính là vùng nguyên liệu gỗ và vùng cây đặc sản phục vụ xuất khẩu (quế, hồi, thông nhựa); chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ;

- Phát triển thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu đi đôi với bảo vệ nguồn tài nguyên nước, phục vụ đa mục tiêu; chú trọng xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu, củng cố đê điều để bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, cải thiện cuộc sống của dân cư nông thôn, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới;

- Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy lợi phải gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, môi trường sinh thái được bảo vệ.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

- Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh những sản phẩm nông, lâm nghiệp có lợi thế của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động trong ngành nông, lâm nghiệp;

- Đảm bảo sự phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn nước trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển nông nghiệp và kết hợp phục vụ các ngành kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 4,0-5,5%/ năm, trong đó: Trồng trọt tăng 1,5%/năm, chăn nuôi tăng 8,2-8,5%/năm, dịch vụ nông nghiệp tăng 3,0%/năm, lâm nghiệp tăng 8,0%/năm; độ che phủ rừng đạt 54,0-55,0% và nâng cao chất lượng rừng; có 85,0% diện tích gieo trồng được tưới, tiêu nước chủ động, cơ bản hoàn thành kiên cố hóa kênh mương nội đồng; có 98,0% hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh;

- Đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 5,5-6,5%/ năm, trong đó: Trồng trọt tăng 2,0%/năm, chăn nuôi tăng 8,5-9,0%/năm, dịch vụ nông nghiệp tăng 5,0%/năm; lâm nghiệp tăng 10,0%/năm; độ che phủ rừng đạt ổn định 55,0% và tập trung làm giàu rừng; phấn đấu đến năm 2030 có 100% diện tích gieo trồng được tưới, tiêu chủ động.

3. Định hướng phát triển nông, lâm nghiệp và thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

a) Trồng trọt

- Tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, sử dụng các loại giống mới năng suất cao, chất lượng, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung với 6 vùng: Vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng rau an toàn, vùng trồng chè, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa và vùng trồng cây dong riềng; nghiên cứu phát triển vùng trồng cây chè hoa vàng, cây dược liệu...;

- Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với các vùng sản xuất hàng hóa, làm cơ sở xây dựng các thương hiệu sản phẩm và tạo nguyên liệu cho việc sơ chế, chế biến; đưa nông sản đến với người tiêu dùng thông qua Chương trình mỗi xã phường 1 sản phẩm; phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau, hoa và cây ăn quả đang có lợi thế; phổ biến ứng dụng các kỹ thuật sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao hiệu quả sau thu hoạch.

b) Chăn nuôi

- Phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi công nghiệp, trang trại, sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; phát triển mô hình chăn nuôi bán công nghiệp tại các huyện miền núi có nhiều bãi chăn thả, như: Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà; tăng tỷ lệ ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi mạnh cơ cấu giống vật nuôi theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm;

- Từng bước quản lý tốt công tác giết mổ gia súc gia cầm, công tác thú y; đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bệnh; triển khai lập và thực hiện tốt quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới.

c) Phát triển ngành lâm nghiệp

- Trồng rừng: Giai đoạn 2016-2020 diện tích trồng rừng 55.000 ha; các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm: Vùng sản xuất gỗ nhỏ (sản xuất, cung cấp nguyên liệu gỗ mỏ, gỗ dăm, giấy...), vùng sản xuất gỗ lớn (hình thành vùng sản xuất kinh doanh gỗ lớn dự kiến khoảng 18.000ha), vùng cây lâm sản ngoài gỗ; đẩy mạnh và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, rừng cảnh quan để góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu; trồng và khôi phục rừng ngập mặn với tổng diện tích dự kiến khoảng 16.156 ha;

- Khai thác gỗ rừng trồng: Giai đoạn 2016 - 2020 khối lượng khai thác bình quân 600.000m3 gỗ/năm; sau năm 2020 khai thác bình quân 800.000m3/năm;

- Chế biến lâm sản: Nâng cấp các cơ sở chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ ở vùng nông thôn; xây dựng và mở rộng các cơ sở chế biến gỗ trong khu, cụm công nghiệp ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng; xây dựng các cụm, điểm chế biến tổng hợp gỗ rừng trồng có quy mô thích hợp với công nghệ tiên tiến; có lộ trình giảm dần các cơ sở chế biến dăm gỗ, chuyển sang chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm; không cấp mới các cơ sở chế biến dăm gỗ không gắn với nguồn nguyên liệu.

d) Định hướng phát triển thủy lợi

- Khai thác bền vững tài nguyên nước, sử dụng có hiệu quả và bảo vệ nguồn nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho các ngành kinh tế của tỉnh; phát triển thủy lợi đa mục tiêu; đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân;

- Nâng cấp, xây dựng bổ sung một số hồ, đập để tăng khả năng cấp nước; nâng cấp, tăng khả năng chống bão, chống lũ của hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống kè biên giới và kiên cố hóa kênh mương, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành kiên cố hóa kênh mương; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiêu úng cho các khu vực đô thị thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa có nguy cơ ô nhiễm do không tiêu thoát kịp;

- Chú trọng ứng dụng khoa học tiên tiến trong quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi và sử dụng nước tiết kiệm; quản lý an toàn hồ đập, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

4. Một số giải pháp cơ bản để thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về đất đai

- Đẩy mạnh việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tập trung xử lý, thu hồi đất của các nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả, chuyển một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, tạo quỹ đất thu hút các tổ chức đầu tư vào sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển sản xuất được thuê đất;

- Hạn chế thu chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp cho các mục đích khác, thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất lúa theo quy định của pháp luật về đất đai để đảm bảo an ninh lương thực, cho phép chuyển đổi linh hoạt mục đích sử dụng đất lúa sang các cây trồng khác;

b) Giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào nông nghiệp

- Tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất; đẩy mạnh sản xuất theo quy trình an toàn nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm;

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, xử lý môi trường nhằm phát triển nông nghiệp xanh, bền vững;

- Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao để phát triển các sản phẩm có lợi thế.

c) Giải pháp về cơ chế, chính sách và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất

- Tiếp tục triển khai đồng bộ và có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn do Trung ương và tỉnh đã ban hành; nghiên cứu, đề xuất xây dựng và sửa đổi, bổ sung một số chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, như: Chính sách về mức cho vay và hỗ trợ lãi suất; chính sách về đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chủ lực; chính sách về phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm nông nghiệp; chính sách về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển các mô hình nông nghiệp;

- Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; thường xuyên rà soát, tháo gỡ các vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp;

- Tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng phục vụ sản xuất: Hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, cấp điện và hạ tầng cơ sở dịch vụ sản xuất, đặc biệt xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

d) Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ

- Tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường; quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản; đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, tạo đầu ra cho nông sản hàng hóa;

- Sắp xếp lại các điểm tiêu thụ nông thủy sản, các cửa hàng giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP; đầu tư nâng cấp, xây dựng mới chợ nông thôn, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị và các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

đ) Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ nông nghiệp

- Đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nâng cao quy mô kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đa dạng hóa các hình thức liên kết;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, củng cố bộ máy quản lý về nông nghiệp, đổi mới các hoạt động khuyến nông đáp ứng yêu cầu sản xuất, bố trí cán bộ, công chức cấp xã phụ trách về nông nghiệp; quan tâm tổ chức tốt các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, hình thành nông dân chuyên nghiệp;

- Tiếp tục đầu tư phát triển vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Đông Triều (đã được phê duyệt với tổng diện tích 200 ha); hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm OCOP của các địa phương;

- Thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi; áp dụng các giải pháp, công nghệ cao trong cấp nước, tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; áp dụng công nghệ mới trong việc quản lý giám sát, điều tiết vận hành các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa nước và giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

e) Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực

- Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bồi dưỡng kiến thức tại chỗ cho nông dân về kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi, dịch vụ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, kỹ năng quản lý kinh tế hộ, trang trại… tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn sang khu vực phi nông nghiệp, đô thị;

- Phát triển ngành nghề nông thôn với quy mô, trình độ công nghệ tiên tiến, đủ sức cạnh tranh, gắn với làng nghề và du lịch; bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.

g) Giải pháp bảo vệ môi trường

- Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy lợi đi đôi với bảo vệ các hệ thống canh tác bền vững, bảo vệ môi trường, sinh thái đất, nước để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm;

- Ứng dụng khoa học, công nghệ để xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm sản; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ mới để xử lý vệ sinh trong quá trình phát triển sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục môi trường ở địa bàn nông thôn, phổ biến các mô hình vệ sinh môi trường và khuyến khích, mở rộng công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường; xây dựng các giải pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở các vùng ven biển.

5. Huy động nguồn lực đầu tư

- Dự báo nhu cầu vốn cho các dự án ưu tiên: Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến 8.405,5 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp: 2.455,5 tỷ đồng, chiếm 29,2%; lĩnh vực lâm nghiệp: 2.850,0 tỷ đồng, chiếm 33,9%; lĩnh vực thủy lợi: 3.100,0 tỷ đồng, chiếm 36,9%.

- Dự kiến nguồn vốn cho các dự án ưu tiên: Nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 33,0%; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 25,0%; vốn dân cư 12,0%; vốn tín dụng 20,0%; vốn đầu tư nước ngoài (ODA, FDI, các tổ chức phi chính phủ…) chiếm 10,0% tổng nhu cầu vốn đầu tư.

- Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020: Có phụ lục kèm theo.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh và phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Quy hoạch.

- Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

2. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 kèm theo Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 28 tháng 11 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đọc

 

PHỤ LỤC 1

MỘT SỐ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 17/11/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

Mục

2015

2020

2030

Tốc độ tăng trưởng
(%/năm)

2015-2020

2021-2030

I. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp (Giá CĐ năm 2010)

 

 

 

 

 

1. Nông nghiệp

5.992.431

7.837.210

14.841.295

5,5

6,5

- Trồng trọt

2.463.218

2.653.585

3.234.700

1,5

2,0

- Chăn nuôi

3.374.326

5.004.070

11.314.120

8,2

8,5

- Dịch vụ

154.887

179.555

292.475

3,0

5,0

2. Lâm nghiệp

672.236

987.735

2.561.930

8,0

10,0

II. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp (Giá hiện hành)

 

 

 

 

 

1. Nông nghiệp

7.496.463

12.332.018

38.016.137

 

 

- Trồng trọt

2.826.016

3.715.019

9.380.630

 

 

- Chăn nuôi

4.374.334

8.006.512

26.588.182

 

 

- Dịch vụ

296.113

610.487

2.047.325

 

 

2. Lâm nghiệp

859.082

1.640.955

7.193.000

 

 

III. Cơ cấu trong nông nghiệp

 

 

 

 

 

Nông nghiệp (%)

100

100

100

 

 

- Trồng trọt (%)

37,7

30

25

 

 

- Chăn nuôi (%)

58,4

65

70

 

 

- Dịch vụ (%)

4,0

5

5

 

 

 

PHỤ LỤC 2

CHỈ TIÊU QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG, LÂM NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 17/11/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

TT

Mục

ĐV

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2030

A

TRỒNG TRỌT

 

 

 

 

I

Tổng diện tích gieo trồng

Ha

68.422

73.245

81.200

 

Hệ số sử dụng đất cây hàng năm

Lần

1,9

2,5

2,8

II

Sản lượng thóc bình quân đầu người/năm

Kg

190,4

200

200

III

Nhóm an ninh lương thực

 

 

 

 

1

Cây lúa

 

 

 

 

-

Diện tích cả năm

Ha

42.500

44.000

44.000

-

Sản lượng

Tấn

211.900

233.200

264.000

IV

Nhóm cây có lợi thế cạnh tranh

 

 

 

 

1

Cây thực phẩm (rau, củ quả)

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

9.991

10.630

11.700

-

Sản lượng

Tấn

150.437

196.650

239.850

2

Cây ăn quả

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

7.274,20

8.850

8.800

-

Diện tích thu hoạch

Ha

4.020

7.965

8.360

-

Sản lượng

Tấn

14.052

40.000

54.000

3

Cây chè

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

1.204

1.800

1.800

-

Diện tích thu hoạch

Ha

1.131

1.750

1.760

-

Sản lượng

Tấn

8.025

15.190

17.600

4

Cây dong riềng

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

223,1

740

800

-

Sản lượng

Tấn

6.649

25.900

32.000

V

Cây tiềm năng

 

 

 

 

1

Hoa, cây cảnh

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

300,8

500

500

-

Sản lượng

 

 

 

 

+

Hoa

1.000 bông

49.613

100.000

150.000

+

Cây cảnh

Cây

24.682

50.000

80.000

VI

Nhóm cây hỗ trợ phát triển chăn nuôi

 

 

 

 

1

Cây ngô

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

5.920

8.650

10.000

-

Sản lượng

Tấn

23.200

37.630

49.500

2

Cây đậu tương

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

526,8

1.200

1.670

-

Sản lượng

Tấn

646,1

1.860

3.170

3

Cây khoai lang

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

3.900

2.400

2.200

-

Sản lượng

Tấn

23.200

15.600

15.400

VII

Cây khác

 

 

 

 

1

Cây lạc

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

2.540

5.300

5.360

-

Sản lượng

Tấn

4.261

10.600

12.330

2

Cây mía

 

 

 

 

-

Diện tích

Ha

513,6

600

600

-

Sản lượng

Tấn

21.234

27.000

31.200

B

CHĂN NUÔI

 

 

 

 

I

Quy mô đàn

 

 

 

 

1

Đàn lợn tổng số

1.000 con

406,9

1.200

2.500

 

Trong đó:

 

 

 

 

-

Lợn nái

40,7

180

375

-

Lợn thịt

366,2

1.020

2.125

2

Gia cầm

1.000 con

3.067

8.000

18.000

3

Trâu

1.000 con

45,9

50

50

4

1.000 con

22,1

70

150

 

Trong đó: Bò lai Sind

%

19,6

70

90

5

1.000 con

12,5

20

35

II

Sản phẩm chăn nuôi

 

 

 

 

1

Thịt lợn hơi

Tấn

74.381

102.000

191.250

2

Thịt gia cầm

14.294

20.000

45.000

3

Thịt trâu

1.295

1.700

2.500

4

Thịt bò

863

4.200

9.000

5

Trứng gia cầm

1.000 quả

114.565

180.000

250.000

6

Mật ong

1.000 lít

288

400

800

C

Lâm NGHIỆP

 

 

 

 

1

Rà soát quy hoạch 3 loại rừng

 

 

 

 

 

- Rừng phòng hộ

Ha

136.479,3

134.083,5

 

 

- Rừng đặc dụng

Ha

25.225,8

24.237,6

 

 

- Rừng sản xuất

Ha

264.289,8

268.644,6

 

2

Khai thác gỗ rừng trồng

1.000m3

250

600

800

3

Độ che phủ rừng

%

53,6

55

55

D

THỦY lỢI

 

 

 

 

1

Diện tích gieo trồng được tưới và tiêu nước chủ động

%

80

85

100

 

PHỤ LỤC 3

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 17/11/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

TT

Tên các dự án ưu tiên đầu tư

Tổng (tr.đ)

Thời gian thực hiện

1

Lĩnh vực trồng trọt

700.000

 

1.1

Dự án đầu tư xây dựng cánh đồng lớn: Tập trung phát triển các giống lúa chất lượng cao, nếp cái hoa vàng (Vùng lúa chất lượng cao tại TX. Quảng Yên, TX. Đông Triều, huyện Hải Hà; vùng nếp cái hoa vàng tại TX. Đông Triều)

50.000

2017 - 2018

1.2

Dự án đầu tư sản xuất tập trung các cây trồng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, như: Rau an toàn (tại TX. Quảng Yên, TP. Hạ Long, Cẩm Phả và huyện Hải Hà); mô hình vải VietGap (TP. Uông Bí), thâm canh na kết hợp IPM (TX. Đông Triều), thâm canh chè theo VietGap (huyện Hải Hà) và thâm canh dong giềng (huyện Bình Liêu và huyện Tiên Yên)

100.000

2017 - 2018

1.3

Dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng cao tỉnh Quảng Ninh (TX. Đông Triều)

500.000

2019 - 2020

1.4

Dự án đầu tư vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh (Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái)

50.000

2018 - 2020

2

Lĩnh vực chăn nuôi

1.755.500

 

2.1

Dự án sản xuất giống gia súc, gia cầm có chất lượng cao (sản xuất lợn giống tại Đầm Hà, Hải Hà, TP Móng Cái, TX Quảng Yên, Tiên Yên); sản xuất giống gia cầm tại huyện Tiên Yên, Hoành Bồ

100.000

2017 - 2018

2.2

Dự án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung

950.000

2017 - 2020

2.3

Dự án sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại: TP. Móng Cái, huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà

200.000

2017 - 2018

Dự án phát triển trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh cho trâu bò (Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà)

2.4

Dự án cải tạo, lai tạo đàn trâu bò ở các huyện vùng cao tại TP.Móng Cái, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà.

50.000

2019 - 2020

2.5

Dự án đổi mới hệ thống chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học (tại huyện Tiên Yên, TX. Đông Triều)

55.500

2019 - 2020

2.6

Dự án chăn nuôi gia súc gia cầm chủ lực của tỉnh (Lợn Móng Cái, gà Tiên Yên,...)

100.000

2017 - 2020

2.7

Dự án xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

50.000

2017-2020

2.7

Dự án đầu tư khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung tại các địa phương

250.000

2016 - 2020

3

Lĩnh vực lâm nghiệp

2.850.000

 

3.1

Các dự án trồng, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

2.150.000

2016 - 2020

3.2

Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh (Hoành Bồ, Tiên Yên,...)

200.000

2017 - 2018

3.3

Dự án đầu tư xây dựng rừng quốc gia Yên Tử, vườn quốc gia Bái Tử Long

100.000

2019 - 2020

3.4

Dự án đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp

50.000

2017 - 2020

3.5

Dự án quản lý rừng bền vững (phục vụ cấp chứng chỉ rừng)

50.000

2019 - 2020

3.6

Dự án trồng rừng cải tạo, phục hồi môi trường và giám sát cải tạo các khu vực mỏ than

100.000

2019 - 2020

3.7

Dự án phát triển vùng cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến

100.000

2019 - 2020

3.8

Dự án tăng cường năng lực bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và thực thi pháp luật trong lâm nghiệp

100.000

2016 - 2020

4

Lĩnh vực thủy lợi

3.100.000

 

4.1

Dự án đầu tư xây mới các hồ chứa: Hồ Tài Chi (H. Hải Hà để cấp nước sinh hoạt và cho khu công nghiệp Texhong); hồ Khe Xoan, hồ Đầm Ván (TP. Móng Cái); Hồ Bình Sơn (H. Tiên Yên); hồ 12 Khe (TP. Uông Bí)

400.000

2017 - 2018

4.2

Dự án đầu tư nâng cấp các hồ chứa: Hồ Bài Sơn, Khe Đình (H. Hải Hà); hồ Cái Khánh, Đá Lạn, hồ thôn Trung (H. Tiên Yên); hồ Khe Thự, Khe Giá (TX. Quảng Yên); hồ Khe Chùa, Ruộc Cùng (H. Hoành Bồ); hồ Khe Chè, Khe Thau, Khe Ươn (TX. Đông Triều); hồ Tân Bình (H. Đầm Hà)

300.000

2016 - 2020

4.3

Các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển: Quảng Thành (H. Hải Hà); Tân Bình (H. Đầm Hà); Đoàn Kết, Quan Lạn (H. Vân Đồn); thôn 1 (TP. Móng Cái); Hà Nam, Yên Giang (TX. Quảng Yên); Điền Công (TP. Uông Bí)

800.000

2016 - 2020

4.4

Nâng cấp các tuyến đê sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

200.000

2017 - 2020

4.5

Các dự án kè bảo vệ bờ sông, suối, cồn bãi biên giới, đất liền trên địa bàn tỉnh, các đảo

400.000

2016 - 2020

4.6

Các dự án xây mới, nâng cấp hệ thống trạm bơm, kênh mương, cống lấy nước trên địa bàn tỉnh

450.000

2016 - 2020

4.7

Dự án đầu tư công trình cấp nước nông thôn tập trung

550.000

2016 - 2020

 

Tổng

8.405.500

 

Ghi chú: Về quy mô, địa điểm, diện tích sử dụng đất và tổng mức đầu tư của dự án và các dự án thành phần trong danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong từng giai đoạn và trình duyệt dự án đầu tư tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 31/2016/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 31/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản