Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2022/NQ-HĐND

Hậu Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC VÀ LỒNG GHÉP NGUỒN VỐN GIỮA CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, GIỮA CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bố vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 200/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa X Kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Cục Quản trị II;
- Văn phòng chính phủ (HN - TP.HCM)
- Vụ Pháp chế các Bộ: KHĐT, TC, LĐTB&XH, NN&PTNT:
- Vụ Pháp chế - Ủy ban Dân tộc;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT: TU, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh;
- Các Sở: KHĐT, TC, NN&PTNT, TP, LĐTB&XH;
- KBNN tỉnh;
- Ban Dân tộc tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Huyến

 

QUY ĐỊNH

CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC VÀ LỒNG GHÉP NGUỒN VỐN GIỮA CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, GIỮA CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này Quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025.

2. Đối tượng áp dụng

Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn và huy động nguồn lực khác

Việc huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại khoản 1 Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều 3. Các nguồn vốn thực hiện lồng ghép

1. Nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Nguồn ngân sách địa phương các cấp, bao gồm: Ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã.

3. Các nguồn vốn tín dụng.

4. Nguồn vốn hợp pháp khác:

a) Vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua các chính sách thu hút đầu tư,

b) Đóng góp (bằng tiền hoặc hiện vật) của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

c) Đóng góp tự nguyện (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động) của cộng đồng dân cư tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều 4. Cơ chế huy động các nguồn lực khác

1. Huy động tối đa nguồn vốn tín dụng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thông qua các chính sách tín dụng cho từng đối tượng, nội dung thuộc phạm vi đầu tư từng chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Huy động các nguồn lực hợp pháp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên các dự án, nội dung hoạt động trong quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hăng năm; các nguồn lực tham gia đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

2. Đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người dân có thể bằng tiền, bằng hiện vật hoặc ngày công lao động được quy đổi thành tiền và phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích; được tính đầy đủ trong giá trị công trình để theo dõi, quản lý; không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.

3. Việc huy động nguồn lực gắn với các dự án chỉ sử dụng một nguồn vốn hoặc dự án lồng ghép có chung mục tiêu, đối tượng trên địa bàn phải dựa trên cơ sở thỏa thuận rõ về sự tham gia vào quá trình thẩm định, phê duyệt, thủ tục hạch toán, đối ứng, quản lý tài chính đối với phần vốn góp của các bên đóng góp để khuyến khích góp vốn chung. Giá trị huy động các nguồn lực khác phải được thế hiện rõ ràng trong quyết định phê duyệt dự án, dự toán và phải được theo dõi, đánh giá tổng hợp báo cáo trong kế hoạch 05 năm và hằng năm.

Điều 5. Nội dung lồng ghép các nguồn vốn

Nội dung thực hiện lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác, cụ thể như sau:

1. Triển khai lồng ghép các nguồn vốn đối với dự án đầu tư như sau:

a) Công trình giao thông nông thôn: Đường xã; đường ấp, đường liên xã, liên ấp; đường trục chính nội đồng, đường vào khu sản xuất tập trung; công, rãnh thoát nước; cầu qua đường giao thông nông thôn;

b) Công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai: Đầu tư kiên cố hóa kênh mương và công trình trên kênh; công trình phòng chống thiên tai cấp xã;

c) Công trình giáo dục: Cơ sở vật chất trường học (trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở);

d) Công trình y tế: Xây mới, sửa chữa, nâng cấp trạm y tế xã;

đ) Công trình văn hóa: Sân thể thao, nhà văn hóa xã; khu thể thao, nhà văn hóa ấp, khóm; điểm vui chơi giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi;

e) Công trình cấp nước sinh hoạt: Công trình, vật tư, thiết bị cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn;

g) Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn: Hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải vùng chăn nuôi tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản; hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của cụm xã, xã và các ấp, khóm; thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

h) Cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở: Nâng cấp, cải tạo đài truyền thanh xã;

i) Hệ thống lưới điện nông thôn: Hệ thống điện chiếu sáng các trục đường nông thôn;

k) Hạ tầng thương mại nông thôn: Chợ nông thôn; điểm mua bán trao đổi hàng hóa tập trung;

l) Các công trình cải tạo cảnh quan nông thôn.

2. Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ) thực hiện theo quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh có liên quan; Ưu tiên thực hiện lồng ghép vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các mô hình liên kết phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian thực hiện đủ dài (tối đa 03 năm), có quy mô phù hợp đối với phát triển chuỗi giá trị, đạt được mục tiêu và hiệu quả, tính bền vững của dự án, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

3. Hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo nghề, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện; thông tin, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia.

4. Hoạt động kiểm tra, đánh giá, hội nghị triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp.

5. Các nội dung khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có).

Điều 6. Cách thức thực hiện lồng ghép nguồn vốn

1. Cách thức lồng ghép nguồn vốn: Một nội dung, hoạt động, công trình, dự án đầu tư xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia có thể đầu tư bằng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau để đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn bao gồm: Nguồn vốn ngân sách nhà nước (trung ương, tỉnh, cấp huyện, cấp xã); nguồn vốn huy động, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hoặc huy động sự tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát của Nhân dân trên địa bàn, trong đó:

a) Bố trí đủ nguồn vốn của từng chương trình mục tiêu quốc gia cho từng công trình, dự án, hoạt động theo tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Trường hợp còn thiếu thực hiện lồng ghép từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia khác. Trường hợp bố trí nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn thiếu mới thực hiện lồng ghép vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư để thực hiện công trình, dự án, hoạt động.

b) Trên cùng một địa bàn đầu tư: Lấy mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới và mục tiêu thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn làm trọng tâm, thực hiện rà soát các tiêu chí chưa đạt, càn hỗ trợ đầu tư. Nếu các tiêu chí thuộc các đối tượng đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì ưu tiên thực hiện và lồng ghép từ nguồn vốn của 02 chương trình mục tiêu quốc gia này. Các tiêu chí không thuộc đối tượng đầu tư của 02 chương trình mục tiêu quốc gia này thì thực hiện bằng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

c) Trên cùng một nội dung, hoạt động, công trình, dự án đầu tư: Phân định rõ được tỷ lệ, cơ cấu theo hạng mục, khối lượng đối với từng nguồn vốn. Cơ cấu các nguồn vốn lồng ghép phải thể hiện cụ thể trong hồ sơ dự án, làm cơ sở để tham mưu cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án và bố trí vốn.

2. Thẩm quyền quyết định lồng ghép nguồn vốn

a) Các công trình, dự án, hoạt động do người có thẩm quyền cấp tỉnh quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự toán thì người có thẩm quyền cấp tỉnh quyết định nguồn vốn lồng ghép.

b) Các công trình, dự án, hoạt động do người có thẩm quyền cấp huyện quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự toán thì người có thẩm quyền cấp huyện quyết định nguồn vốn lồng ghép.

b) Các công trình, dự án, hoạt động do người có thẩm quyền cấp xã quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự toán thì người có thẩm quyền cấp xã quyết định nguồn vốn lồng ghép.

Điều 7. Trình tự lồng ghép vốn trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch, lập dự toán hằng năm và giai đoạn ở các cấp

Công tác lồng ghép nguồn vốn được thực hiện đồng thời với các bước lập kế hoạch đầu tư, lập dự toán hàng năm và trung hạn ở các cấp ngân sách, cụ thể:

1. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập kế hoạch đầu tư cấp xã: Căn cứ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021 - 2025) và kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trung hạn (giai đoạn 2021 - 2025) đã được phê duyệt, vào thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ tổng thể nhu cầu đầu tư, xây dựng và lập kế hoạch đầu tư, trong đó xác định cụ thể các nhóm hoạt động, dự án ưu tiên thuộc đối tượng đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia cần được lồng ghép nguồn vốn và phương án lồng ghép nguồn vốn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp.

2. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập kế hoạch đầu tư cấp huyện: Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với các phòng liên quan, rà soát, xác định rõ cơ cấu lồng ghép nguồn vốn trong kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và gửi các cơ quan chủ trì các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan.

3. Lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh: Các cơ quan chủ trì các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan rà soát nội dung hoạt động, dự kiến mức vốn, cơ cấu nguồn vốn, xây dựng kế hoạch 05 năm và dự kiến mức bố trí, nội dung hoạt động, danh mục dự án đầu tư đối với kế hoạch hằng năm gửi lấy ý kiến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trước khi tham mưu Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Điều 8. Cơ chế quản lý nguồn vốn lồng ghép

1. Các nội dung đầu tư mà ngân sách nhà nước hỗ trợ (không phân biệt tỷ lệ mức hỗ trợ) thì thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết này, các quy định hiện hành về quản lý vốn đầu tư công và pháp luật có liên quan.

2. Đối với nguồn vốn địa phương tự huy động 100% từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư thực hiện các tiêu chí do địa phương quyết định phương thức thực hiện và quản lý.

Điều 9. Thanh toán, quyết toán nguồn vốn được lồng ghép

1. Đối với nguồn vốn sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

2. Đối với các nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định của các tổ chức tín dụng; đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

3. Đối với nguồn vốn hợp pháp khác được quản lý, sử dụng đúng mục đích; được tính đầy đủ trong giá trị công trình để theo dõi, quản lý; không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 29/2022/NQ-HĐND Quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 29/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trần Văn Huyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản