Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2016/NQ-HĐND

Gia Lai, ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN CỦA NÔNG DÂN VÀ NÔNG DÂN NHẰM KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC, LIÊN KẾT SẢN XUẤT GẮN TIÊU THỤ NÔNG SẢN, XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ Thông tư liên tịch 183/TTLT-BTC-BNV ngày 15/11/2010 của liên Bộ: Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ – TTg ngày 25/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 3073/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành các định mức kỹ thuật tạm thời áp dụng cho các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến ngư;

Xét Tờ trình số 5468/TTr-UBND ngày 25/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc đề nghị quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong nước, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

I. Hỗ trợ đối với doanh nghiệp:

1. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể:

a) Hỗ trợ một lần một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dự án cánh đồng lớn:

Khi xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn, doanh nghiệp phải lập phương án đề nghị hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt để có cơ sở hỗ trợ kinh phí.

Mức hỗ trợ: Do Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ trong từng trường hợp cụ thể.

b) Hỗ trợ một lần tối đa không quá 50% kinh phí tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng, bao gồm chi phí về tài liệu, ăn, ở, đi lại, tổ chức lớp học, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của liên Bộ: Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày thực học/người.

- Hỗ trợ tiền đi lại theo giá giao thông công cộng với mức tối đa không quá 100.000 đồng/người/khóa học đối với người học xa nơi cư trú từ 15 km trở lên; đối với nơi không có phương tiện giao thông công cộng thanh toán theo mức khoán tối đa không quá 75.000 đồng/người/khóa học.

- Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức tập huấn bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ 50% chi phí dịch vụ: Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 50% chi phí theo quy định tại Nghị quyết số 21/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX kỳ họp thứ 21 về việc thông qua quy định chế độ công tác phí, chế độ tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Điều kiện được hưởng hỗ trợ:

a) Doanh nghiệp phải có hợp đồng trực tiếp hoặc liên kết với các doanh nghiệp khác để cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, gắn với mua nông sản của hộ nông dân hoặc tổ chức đại diện của nông dân trong dự án cánh đồng lớn.

b) Có vùng nguyên liệu đảm bảo ít nhất 50% nhu cầu nguyên liệu và có hệ thống sấy, kho chứa, cơ sở chế biến bảo đảm yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hợp đồng.

c) Có phương án thực hiện các nội dung được ưu đãi, hỗ trợ quy định lại Khoản 1 nêu trên và được UBND tỉnh phê duyệt.

II. Hỗ trợ đối với tổ chức đại diện của nông dân:

1. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể:

a) Hỗ trợ một lần tối đa không quá 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

Năm thứ nhất:

 

Cây cà phê:

450.000 đồng/1 ha.

Cây tiêu:

1.000.000 đồng/1 ha.

Cây mía:

300.000 đồng/1 ha.

Cây sắn:

250.000 đồng/1 ha.

Cây lúa:

600.000 đồng/1 ha.

Cây rau:

600.000 đồng/1 ha.

Năm thứ 2:

 

Cây cà phê:

360.000 đồng/1 ha.

Cây tiêu:

700.000 đồng/1 ha.

Cây mía:

200.000 đồng/1 ha.

Cây sắn:

170.000 đồng/1 ha.

Cây lúa:

400.000 đồng/1 ha.

Cây rau:

400.000 đồng/1 ha.

Định mức hỗ trợ cho các loại cây trồng khác: Giao UBND tỉnh xem xét quyết định cho từng dự án theo quy định của pháp luật.

b) Hỗ trợ một lần tối đa không quá 50% kinh phí tổ chức tập huấn cho cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất theo quy định tại Nghị quyết số 74/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X kỳ họp thứ 5 quy về định mức chi hỗ trợ các sáng lập viên Hợp tác xã chuẩn bị thành lập, các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Chi phí về ăn ở:

+ Hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày.

+ Hỗ trợ tiền ở: 75.000 đồng/người/ngày.

- Chi phí mua tài liệu, học phí:

Hỗ trợ một lần tối đa không quá 25% tiền mua tài liệu, tiền học phí theo quy định của trường đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân mà cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cử đi tập huấn về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất.

c) Hỗ trợ một lần tối đa không quá 100% kinh phí tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng; bao gồm chi phí về tài liệu, ăn, ở, đi lại, thuê hội trường, thù lao giảng viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của liên Bộ: Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Hỗ trợ tiền ăn 50.000 đồng/ngày thực học/người.

- Hỗ trợ tiền đi lại theo giá giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học xa nơi cư trú từ 15 km trở lên; đối với nơi không có phương tiện giao thông công cộng thanh toán theo mức khoán tối đa không quá 150.000 đồng/người/khóa học.

- Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí.

- Đối với thù lao giảng viên: Tùy theo đối tượng, trình độ học viên, tổ chức đại diện của nông dân bố trí mời giảng viên, báo cáo viên từng cấp cho phù hợp. Mức chi thuê giảng viên, báo cáo viên, thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ - TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Mức chi cụ thể như sau:

Người dạy nghề (cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, lâm, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề lao động nông thôn) được trả tiền công giảng dạy với mức 25.000 đồng/giờ.

Người dạy nghề là các tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh trở lên được trả tiền công giảng dạy với mức 300.000 đồng/buổi.

- Riêng đối với chi phí tổ chức tham quan: Tùy theo yêu cầu của khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật có tổ chức tham quan được cấp có thẩm quyền (UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố) phê duyệt trong chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức đại diện của nông dân được chi trả tiền thuê xe và các chi phí liên hệ để tổ chức tham quan cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng.

2. Điều kiện được hưởng hỗ trợ.

a) Có hợp đồng và thực hiện cung ứng đầu vào cho sản xuất hoặc tổ chức sản xuất hoặc tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên và nông dân trên địa bàn.

b) Có phương án thực hiện các nội dung hỗ trợ được quy định tại Khoản 1. Mục II nêu trên và được UBND tỉnh phê duyệt.

III. Hỗ trợ đối với nông dân:

1. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể:

a) Được hỗ trợ một lần tối đa không quá 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

Giống cây cà phê:

363 cây/1 ha.

Giống cây tiêu:

1.260 dây/1 ha.

Giống cây mía:

3.000kg/1 ha.

Giống cây sắn:

4.200 hom/1 ha.

Giống lúa thuần:

39kg/1ha.

Giống rau các loại:

140gam/1 ha.

Định mức hỗ trợ cho các loại cây trồng khác: Giao UBND tỉnh xem xét quyết định cho từng dự án theo quy định của pháp luật.

b) Được hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp, thời hạn tối đa không quá 03 tháng trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản.

c) Đề nghị UBND tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ đối với hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia cánh đồng mẫu lớn.

2. Điều kiện được hưởng hỗ trợ:

Hộ nông dân cam kết thực hiện sản xuất và bán nông sản theo đúng hợp đồng đã ký và được UBND cấp xã xác nhận.

IV. Nguồn kinh phí hỗ trợ và nguyên tắc áp dụng hỗ trợ:

1. Nguồn vốn:

a) Hỗ trợ từ nguồn kinh phí Trung ương bổ sung có mục tiêu, nguồn chương trình, dự án theo quy định tại Điều 7, Quyết định số 62/2013/QĐ - TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án cánh đồng lớn theo nội dung được phê duyệt.

c) Nguồn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).

2. Nguyên tắc hỗ trợ:

a) Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng quy định tại Mục I, II, III nêu trên.

b) Thực hiện hỗ trợ phải theo kế hoạch, dự toán kinh phí và phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các cơ chế, chính sách có liên quan của Trung ương, của tỉnh để thực hiện các nội dung hỗ trợ.

d) Trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

đ) Các dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh chỉ được hỗ trợ một lần/1 dự án, không được hỗ trợ trùng lắp trên cùng đối tượng, diện tích, nội dung được quy định hưởng một lần đối với chính sách có liên quan.

Các nội dung khác không quy định, theo các nội dung nêu trên được thực hiện theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính; Thông tư số 15/2014/TT- BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công văn số 2103/BTC-NSNN ngày 10/02/2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật quy định hiện hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản dẫn chiếu để áp dụng trong nghị quyết được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản mới thì các nội dung được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XI, Kỳ họp thứ Hai thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2016.

 

 

Nơi nhận:
- UB Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng Chính phủ;
- VP Quốc hội; VP Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ NNPTNT;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBND tỉnh; UBMTTQVN tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh và UBND tỉnh (đăng công báo);
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Sở Tài chính; Sở NNPTNT;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Tổng hợp;
- Lưu: VT-HĐND.

CHỦ TỊCH




Dương Văn Trang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 29/2016/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai

  • Số hiệu: 29/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Dương Văn Trang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản