Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2016/NQ-HĐND

Tuyên Quang, ngày 13 tháng 7 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2016 về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 81/BC-KTNS ngày 09 tháng 7 năm 2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Chính sách này quy định một số nội dung hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển các Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

1.2. Đối tượng áp dụng

Các Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (sau đây gọi chung là Hợp tác xã nông nghiệp) đã được đăng ký và hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã hiện hành, đầu tư sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo quy định của pháp luật.

2. Chính sách hỗ trợ

2.1. Chính sách về hỗ trợ lãi suất vốn vay

2.1.1. Điều kiện được hỗ trợ: Hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: có phương án, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản; có hợp đồng vay vốn với các tổ chức tín dụng; sử dụng vốn vay đúng mục đích.

2.1.2. Mức hỗ trợ

Mỗi Hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất 01 lần vốn vay để thực hiện dự án đầu tư sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

a) Đối với dự án đầu tư vào sản xuất hàng hóa.

- Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay theo hợp đồng vay vốn giữa Hợp tác xã với tổ chức tín dụng cho vay vốn.

- Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất theo dư nợ thực tế nhưng tối đa là 5.000 triệu đồng/dự án.

- Thời gian hỗ trợ lãi suất vốn vay: không quá 18 tháng đối với dự án đầu tư sản xuất hàng hóa thuộc nhóm cây trồng hàng năm, chăn nuôi lợn, gia cầm và thủy sản; không quá 36 tháng đối với dự án sản xuất hàng hóa thuộc nhóm cây trồng lâu năm, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò.

b) Đối với dự án đầu tư máy, thiết bị, dây chuyền sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản sau thu hoạch và dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

- Hỗ trợ 80% lãi suất tiền vay theo hợp đồng vay vốn giữa Hợp tác xã với tổ chức tín dụng cho vay vốn.

- Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất theo dư nợ thực tế nhưng tối đa là 5.000 triệu đồng/dự án.

- Thời gian hỗ trợ lãi suất vốn vay không quá 36 tháng.

2.2. Chính sách hỗ trợ xây dựng, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn áp dụng theo tiêu chuẩn

2.2.1. Điều kiện được hỗ trợ: Hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn phù hợp với quy trình của Việt Nam hoặc quốc tế do một tổ chức chứng nhận phù hợp cấp.

2.2.2. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần 80% chi phí thực tế đánh giá và cấp Giấy chứng nhận sản xuất an toàn phù hợp với quy trình của Việt Nam hoặc Quốc tế do một tổ chức chứng nhận phù hợp cấp theo quy định, cụ thể:

- Theo tiêu chuẩn trong nước (giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy xác nhận sản phẩm an toàn, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm và tương đương): Mức hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng/Hợp tác xã.

- Theo tiêu chuẩn quốc tế (giấy chứng nhận GAP, Organic, Rainforest, Global GAP, UTZ và tương đương của một tổ chức chứng nhận phù hợp cấp theo quy định): Mức hỗ trợ tối đa 600 triệu đồng/Hợp tác xã.

2.3. Chính sách hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa

2.3.1. Điều kiện được hỗ trợ: HTX có sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, đã hoàn thành thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.

2.3.2. Mức hỗ trợ

- Hỗ trợ chi phí thực tế thực hiện các hoạt động quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm 01lần/năm/Hợp tác xã trong 03 năm. Mức hỗ trợ tối đa là 50 triệu đồng/lần/năm/Hợp tác xã.

- Hỗ trợ 01 lần chi phí thực tế tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở ngoài tỉnh (chi phí học tập kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, khảo sát thị trường): Các tỉnh miền Bắc mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/Hợp tác xã; các tỉnh miền Trung mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/Hợp tác xã; các tỉnh miền Nam mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/Hợp tác xã.

- Hỗ trợ 01 lần chi phí thực tế thực hiện việc xúc tiến thương mại để xuất khẩu sản phẩm khi Hợp tác xã xuất khẩu nông sản lần đầu, mức hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng/Hợp tác xã.

2.4. Hỗ trợ HTX thành lập mới

2.4.1. Điều kiện được hưởng chính sách: Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, có hoạt động sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

2.4.2. Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ thành lập mới Hợp tác xã, mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hợp tác xã để mua trang thiết bị Văn phòng.

Điều 2. Những nội dung không nêu trong quy định tại Nghị quyết này được thực hiện theo các chính sách hiện hành của nhà nước và của tỉnh. Trường hợp trong cùng thời gian, đối với nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì Hợp tác xã nông nghiệp được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân nhân dân tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết này có hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2016./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Thường trực HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Phòng tin học - Công báo VP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Báo Tuyên Quang;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Chuyên viên VP HĐND tỉnh
- Lưu: VT, Kh.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 05/2016/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

  • Số hiệu: 05/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/07/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản