Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 273/NQ-HĐND

Gia Lai, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh; thông báo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh và của các cơ quan tư pháp: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

I. Về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2020

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh (Covid-19, Bạch hầu...), biến đổi khí hậu, thiên tai,... tác động đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và công tác đối ngoại năm 2020 tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả quan trọng. Dự ước có 15/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2020 (theo giá so sánh 2010) tăng 6,3% so với năm 2019 (Nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,91%, công nghiệp - xây dựng tăng 6,66%, dịch vụ tăng 6,6%, thuế sản phẩm tăng 3,88%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; trong đó nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 36,01%, công nghiệp - xây dựng chiếm 27,57%, dịch vụ chiếm 33,28%, thuế sản phẩm 3,14%. GRDP bình quân đầu người đạt 51,9 triệu đồng. Công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, tỉnh không có trường hợp dương tính với Covid-19, bệnh bạch hầu được khống chế; việc phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, sâu bệnh trên cây trồng được chỉ đạo quyết liệt, không để lây lan; công tác phòng chống bão lụt được chỉ đạo kịp thời. Chỉ số PCI, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực. Thu hút được những doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu nông sản qua Châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, bão lụt gây ra. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế tiếp tục có bước phát triển. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Một số chỉ tiêu dự ước không đạt[1], nợ xấu cao. Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải ngưng hoạt động hoặc giải thể, người lao động bị mất việc làm; giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân; việc triển khai một số chương trình, dự án trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn chậm; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương còn buông lỏng, đặc biệt là tài nguyên rừng, để xảy ra nhiều vụ, khai thác, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tình hình an ninh nông thôn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nhất là các vụ việc khiếu nại đông người liên quan đến đất đai.

II. Về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

1. Mục tiêu tổng quát

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tình hình trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế trong nước và của tỉnh ta. Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là:

Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững, trong đó tập trung vào 04 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra(2); Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị; huy động mọi nguồn lực, nâng cao năng lực nội tại kết hợp với thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính. Ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng suất lao động trong từng ngành, lĩnh vực; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm chủ lực; phát triển du lịch. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; phát triển giáo dục - đào tạo gắn với sắp xếp lại mạng lưới trường lớp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động phòng chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; Giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo an toàn trong dịp tết Nguyên đán, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

2. Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021

Phấn đấu năm 2021 đạt được các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội như sau:

(1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) 8%

Ngành nông lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,59%

Ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,92%

Ngành dịch vụ tăng 8,56%

Thuế sản phẩm tăng 8,4%

(2) Cơ cấu kinh tế:

Ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản 35,08%

Ngành công nghiệp - Xây dựng 27,97%

Ngành dịch vụ 33,79%

Thuế sản phẩm 3,16%

(3) GRDP bình quân đầu người 55,99 triệu đồng

(4) Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 19 xã, lũy kế đạt 107 xã

(5) Kim ngạch xuất khẩu 610 triệu USD, tăng 5,17%

(6) Kim ngạch nhập khẩu 95 triệu USD

(7) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.047 tỷ đồng

(8) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 70.000 tỷ đồng trở lên

(9) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ: 84.000 tỷ đồng, tăng 12%

(10) Tỷ lệ đô thị hóa 31%

(11) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,15%

(12) Số lao động tạo việc làm mới 26.000 lao động

(13) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%

(14) Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 2016-2020) còn 3%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%; riêng huyện Kông Chro giảm 3%

(15) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 54% trở lên

- Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở cấp trung học cơ sở 92,6%

- Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo 90,5%

(16) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế 90%

- Số bác sỹ/vạn dân 8,2 bác sỹ

- Số giường bệnh/vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) 27,5 giường

(17) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 91,5%

(18) Tỷ lệ che phủ của rừng (kể cả cây cao su) 47%

- Diện tích trồng rừng trong năm 8.000 ha trở lên

(19) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 97,3%

(20) Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung 70%

(21) Tỷ lệ chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý ở đô thị 95,3%.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

3.1. Thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng, phát triển đô thị theo hướng mô hình đô thị xanh, thông minh và bền vững.

3.2. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động, thông minh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ “về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp”. Tập trung xây dựng, hoàn thiện và phát triển các hình thức hợp tác xã liên kết theo chuỗi trên các sản phẩm đặc trưng và phát triển hợp tác xã dịch vụ, du lịch ở vùng nông thôn; xây dựng sản phẩm OCOP với chủ thể sản xuất là các hợp tác xã nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp và trồng rừng đạt và vượt trong năm 2021; khẩn trương hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và đề án khung giá rừng trên địa bàn tỉnh. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, bão lũ, sạt lở đất với phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

3.3. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản xuất khẩu. Đẩy nhanh việc hoàn tất các thủ tục đầu tư, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư sớm hoàn thành đưa vào vận hành các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được Trung ương cho phép bổ sung quy hoạch. Đảm bảo vùng nguyên liệu để các nhà máy chế biến hoạt động ổn định và phát huy công suất thiết kế. Triển khai các thủ tục, đảm bảo mặt bằng, hạ tầng và các điều kiện cần thiết tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để đón đầu các cơ hội, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các FTA đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết và đang tham gia đàm phán; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án lớn, có sức lan tỏa. Rà soát, bổ sung, cập nhật kịp thời các quy hoạch, kế hoạch; các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai,... để hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, triển khai lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư. Phấn đấu trong năm 2021 có trên 1.200 doanh nghiệp thành lập mới.

3.4. Triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để đầu tư trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hạn chế. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống các công trình giao thông, hạ tầng đô thị, các công trình có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, các vùng, các dự án đầu tư cho giáo dục - đào tạo, y tế, hạ tầng du lịch, các công trình thủy lợi, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường,... Khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư). Tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để vận động tài trợ vốn ODA; triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách Cảng hàng không Pleiku. Triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng theo đúng quy định. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch xây dựng; tăng cường chỉnh trang đô thị.

3.5. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm chi, nhất là các khoản chi thường xuyên, các khoản chi liên quan đến mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền; giảm tối đa kinh phí hội nghị, hội thảo, trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tăng dần tỷ trọng cho đầu tư; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực. Quản lý chặt chẽ nhà, đất, tài sản công, xe công; triển khai đúng quy định về khoán chi hành chính, sử dụng xe công, đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu cân đối ngân sách. Triển khai thực hiện lộ trình tự chủ đầy đủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn lộ trình tự chủ tài chính với điều chỉnh giá dịch vụ công, điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý. Các địa phương chủ động đề ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, liên tục, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế; bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.

3.6. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu du lịch tỉnh Gia Lai; tăng cường liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Gia Lai với các tỉnh, thành phố. Tổ chức Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển mô hình du lịch nông thôn gắn với sản xuất rau, hoa và cây ăn quả. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Có giải pháp cụ thể ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

3.7. Tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục Mầm non, Tiểu học đúng độ tuổi và Trung học cơ sở. Khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học; khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Củng cố và quản lý hoạt động liên kết đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực của xã hội.

3.8. Chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để người dân chủ động, tích cực trong việc tự phòng bệnh; triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu và công tác vệ sinh môi trường tại các địa phương có ca bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh; mở rộng dịch vụ, kỹ thuật tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, cơ số thuốc cấp cứu, điều trị, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để phục vụ công tác điều trị khi có dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác kết hợp quân - dân y, quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em. Đẩy mạnh xã hội hóa ngành y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, thanh tra, kiểm tra hoạt động của ngành y tế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về bảo hiểm y tế, về khám, chữa bệnh.

3.9. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội. Theo dõi sát tình hình thiếu đói giáp hạt, thiệt hại đó thiên tai, để hỗ trợ kịp thời. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị, mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả nghị quyết của HĐND tỉnh về mục tiêu giảm nghèo năm 2021. Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, dân tộc, bình đẳng giới. Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác phòng, chống đuối nước và bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

3.10. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp theo quy định của Trung ương và Tỉnh ủy. Nâng cao vai trò trách nhiệm của Người đứng đầu trong cơ quan nhà nước. Tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện kế hoạch Cải cách hành chính của tỉnh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xử lý nghiêm, kịp thời các cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật.

3.11. Thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Triển khai các giải pháp phòng ngừa xã hội đối với tội phạm và chuyển hóa các địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Triển khai quyết liệt các biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo từng chuyên đề, nhất là các băng nhóm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê, các tụ điểm tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; cảnh báo người dân không tham gia các hoạt động kinh doanh tài chính đa cấp trái phép; phòng, chống buôn lậu. Tập trung tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đảm bảo xử lý, thi hành các vụ án kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chủ động giải quyết kịp thời các vụ việc an ninh nông thôn, tranh chấp, khiếu kiện trong dân, nhất là các vụ việc có dấu hiệu phức tạp, kéo dài, đông người.

3.12. Tiếp tục củng cố và xây dựng khu vực phòng thủ giữ vững nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, an ninh biên giới; tăng cường bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nội biên, ngoại biên, tuần tra, kiểm soát địa bàn, đấu tranh vô hiệu hóa mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bọn phản động, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội. Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và phòng ngừa tấn công mạng. Bảo vệ vững chắc chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, văn hóa, truyền thông.

3.13. Nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động kết nối với các tổ chức ngoại giao, tổ chức quốc tế; cung cấp, trao đổi thông tin quảng bá, giới thiệu tiềm năng, vận động, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào tỉnh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất nhằm đảm bảo hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2021 đã được HĐND tỉnh khóa XI, Kỳ họp thứ Mười sáu thông qua.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh.

HĐND tỉnh kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, không ngừng đổi mới và sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa XI - Kỳ họp thứ Mười sáu thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng Chính phủ;
- VPQH, VPCP;
- Ban Công tác đại biểu;
- TT.TU; TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh; UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ngành của tỉnh;
- Các VP: TU, HĐND, Đoàn ĐBQH; UBND tỉnh;
- HĐND,UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Website: http://dbnd.gialai.gov.vn;
- Báo Gia Lai, Đài PTTH tỉnh;
- Lãnh đạo và chuyên viên Phòng TH;
- Lưu: VT, TH.

CHỦ TỊCH




Châu Ngọc Tuấn

 



[1] Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; GRDP bình quân đầu người; kim ngạch xuất khẩu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; số lao động được tạo việc làm mới.

(2) Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; (2) Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; (3) Đẩy mạnh thu hút cac nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; (4) Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 273/NQ-HĐND về thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 do tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 273/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Châu Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản