Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 14 tháng 10 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN TIẾP TỤC BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC TỈNH ĐIỆN BIÊN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 1971/CT-TTg, ngày 27 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TU, ngày 20 tháng 5 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét Tờ trình số 3011/TTr-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2016 của UBND tỉnh và Báo cáo thẩm tra số 27/BC-BDT ngày 06 tháng 10 năm 2016 của Ban Dân tộc - HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, là yếu tố quan trọng góp phần phấn đấu: Xây dựng tỉnh Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Tiếp tục bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn, từng dân tộc; phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong phát triển giá trị văn hóa của các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội. Tuyên truyền, giáo dục và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

- Phát triển văn hóa các dân tộc nhằm nâng cao mức thụ hưởng về tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

a) Giai đoạn 2016 - 2020

- 100% huyện, thị xã, thành phố được kiểm kê di tích, 90% di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; có 03 di tích trở lên được trùng tu, tôn tạo, phục hồi; bảo quản 100% số hiện vật hiện có và hiện vật sưu tầm bổ sung.

- 100% số các dân tộc được kiểm kê, đánh giá; 50% số các dân tộc có các giá trị di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy.

- Có 15 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trở lên được lập hồ sơ đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 01 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

- Có 13 Nghệ nhân trở lên được lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; 100% nghệ nhân có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời và đúng quy định.

- Có 40% trở lên số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa và tự chủ được chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tổ chức thực hiện; có 30% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, có chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tổ chức thực hiện; 100% thôn, bản, tổ dân phố được gắn biển tên.

- Có 95% trở lên cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã là người dân tộc thiểu số tại địa bàn, hoặc là người có thời gian sinh sống lâu dài trên địa bàn, có hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của địa phương; 50% số cán bộ văn hóa được đào tạo đúng chuyên ngành và 100% số cán bộ văn hóa được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm.

- Mỗi huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; hoạt động du lịch tại cộng đồng đi vào nền nếp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

- Toàn tỉnh, hỗ trợ đầu tư bảo tồn từ 03 bản văn hóa truyền thống dân tộc và 05 bản văn hóa - du lịch trở lên.

- Triển khai bảo tồn di sản văn hóa những dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Si La và Cống) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về di sản văn hóa.

b) Định hướng giai đoạn 2021 - 2025

- Tiếp tục thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục dựng và hoàn thiện hồ sơ khoa học, khoanh vùng, cắm mốc bổ sung, đầu tư các hạng mục phụ trợ tại các di tích thành phần thuộc di tích chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, danh thắng đã được xếp hạng bổ sung, thực hiện quản lý, bảo vệ có hiệu quả đối với các di tích mới được xếp hạng trong kỳ.

- 100% số các dân tộc có các giá trị di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy.

- Có 18 nghệ nhân trở lên được lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

- Có 60% trở lên số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa và tự chủ được chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tổ chức thực hiện; Có 40% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, có chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tổ chức thực hiện.

- Có 100% cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã là người dân tộc thiểu số tại địa bàn, hoặc là người có thời gian sinh sống lâu dài trên địa bàn, có hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của địa phương; 70% cán bộ văn hóa được đào tạo đúng chuyên ngành và 100% cán bộ văn hóa được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm.

- Mỗi huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất 02 nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; hoạt động du lịch tại cộng đồng có chiều sâu và đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội.

- Toàn tỉnh, hỗ trợ đầu tư bảo tồn từ 05 bản văn hóa truyền thống dân tộc và 07 bản văn hóa - du lịch trở lên.

- Hoàn thành việc bảo tồn di sản văn hóa những dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Si La và Cống) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về di sản văn hóa, duy trì và phát huy có hiệu quả các giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của các Dân tộc đó.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục bảo tồn văn hóa vật thể

- Tiếp tục thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo, tu bổ và phục dựng một số di tích thành phần thuộc di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích chiến trường Điện Biên Phủ (Khu trung tâm đề kháng Him Lam; Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ - giai đoạn II). Lập và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, tu bổ và phục dựng các di tích (Trung tâm Tập đoàn cứ điểm - giai đoạn II; Trận địa bao vây tấn công của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Khôi phục bản Thái cổ; đồi Độc Lập…). Hoàn thiện hồ sơ khoa học, khoanh vùng, cắm mốc bổ sung và đầu tư các hạng mục phụ trợ tại các di tích thành phần thuộc di tích chiến thắng Điện Biên Phủ. Phát huy cao nhất giá trị của quần thể di tích Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh.

- Thực hiện kiểm kê và lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; tiếp tục triển khai các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi, phát huy giá trị các di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nghiên cứu, đầu tư và triển khai các dự án: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại đồi E2); Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đồi A1 và cứ điểm khu đề kháng Him Lam; Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tại Mường Phăng); đầu tư xây dựng địa điểm tổ chức Xên Mường Then tại thành phố Điện Biên Phủ; Tượng đài Thanh niên xung phong tại Tuần Giáo.

- Tập trung triển khai công tác khảo cổ học, sưu tầm hiện vật, tài liệu đặc biệt là các hiện vật liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

2. Tiếp tục bảo tồn văn hóa phi vật thể

- Tiếp tục kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

- Xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia: “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam”, di sản Kéo co, nghệ thuật Xòe Thái đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (thuộc Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

- Nghiên cứu và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (trong đó tập trung truyền dạy kỹ năng, bí quyết và quảng bá, giới thiệu giá trị).

- Thực hiện việc xét chọn theo định kỳ các Nghệ nhân đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể”, chú trọng tới các nghệ nhân cao tuổi.

- Tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn tiếng nói của dân tộc ít người và chữ viết của những dân tộc có chữ viết riêng, tập trung vào dạy và học cho chính người dân tộc thiểu số.

- Xây dựng và triển khai dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Si La và dân tộc Cống.

3. Tiếp tục đầu tư, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nâng cao đời sống văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên

- Xây dựng và tổ chức triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Bảo tồn, phục dựng và tổ chức duy trì hoạt động thường xuyên, tại một số di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch: lễ hội Xên Mường Thanh; lễ hội đua thuyền đuôi én tại thị xã Mường Lay; lễ kin lẩu nó của Người Thái đen; lễ hội tung còn dân tộc Thái; Tết Mông; bảo tồn dân ca, dân vũ, các trò chơi truyền thống của các dân tộc thiểu số; Bảo tồn và phát huy hoạt động chợ phiên vùng cao: Tả Sìn Thàng, Xá Nhè, Huổi Só (huyện Tủa Chùa), Vàng Lếch (huyện Nậm Pồ).

- Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc cho học sinh, duy trì việc đưa các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian của dân tộc vào chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa và các hoạt động tập thể.

- Hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống: Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái, dân tộc Lào; nghề thêu dệt của dân tộc Mông; nghề mây, tre đan của một số dân tộc; nghề làm giấy dó truyền thống của dân tộc Mông, Dao; nghề đan túi từ nguyên liệu dây sắn rừng của dân tộc Si La...

- Kiện toàn bộ máy quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Điện Biên để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chủ trương của tỉnh về việc kiện toàn và thành lập các Ban Quản lý dự án.

- Nghiên cứu dự án hỗ trợ đầu tư bảo tồn một số bản văn hóa truyền thống; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp một số bản văn hóa - du lịch các dân tộc thiểu số.

- Gắn biển tên cho 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

- Quy hoạch, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và trưng bày của Bảo tàng tỉnh Điện Biên đảm bảo nhiệm vụ lưu giữ, khảo cứu tại địa phương; trưng bày, giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học về các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu của khách du lịch và các nhà khoa học trong và ngoài nước.

- Tiếp tục đầu tư để Đoàn nghệ thuật tỉnh Điện Biên phát triển theo hướng Đoàn nghệ thuật ca - múa - nhạc dân tộc và hiện đại: xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu; hỗ trợ việc sưu tầm âm nhạc dân gian truyền thống và sáng tác mới; từng bước xây dựng dàn nhạc dân tộc truyền thống.

- Tiếp tục xây dựng và tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc như chiếu phim lưu động, tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, tổ chức lồng tiếng dân tộc thiểu số phim chuyên đề và phóng sự để phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới. Chú trọng phát triển đội văn nghệ thôn, bản; tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng...

- Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa, thông qua: xây dựng và duy trì chuyên mục “Di sản văn hóa tỉnh Điện Biên” trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh; chuyên mục “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên” trên báo viết và báo điện tử của Báo Điện Biên Phủ; 02 chuyên trang: “Di tích lịch sử Điện Biên Phủ” và “Di sản văn hóa” trên Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc

- Tăng cường năng lực đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lấy mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực là con em người dân tộc thiểu số làm việc trong các thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số làm trọng tâm.

- Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh, xây dựng chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh việc liên kết với các trường đại học, học viện trong nước, đặc biệt là trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo, bồi dưỡng làm việc tại các thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Từng bước mở các mã ngành đào tạo về văn hóa, du lịch tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên.

III. NHU CẦU KINH PHÍ

- Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách Trung ương lồng ghép với nguồn ngân sách địa phương, các nguồn vốn ODA và huy động từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện: 118 tỷ 910 triệu đồng.

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 54 tỷ 300 triệu đồng (Trong đó các danh mục, dự án dự kiến triển khai là 49 tỷ 500 triệu đồng).

+ Giai đoạn 2020 - 2025: 64 tỷ 610 triệu đồng.

IV. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; nâng cao năng lực chỉ đạo, vai trò, trách nhiệm trong điều hành của chính quyền các cấp đặc biệt là cấp cơ sở; phát huy sự chủ động, tích cực của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc.

2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức, thông qua các cơ quan báo chí và các cơ quan có ấn phẩm báo chí; đẩy mạnh sản xuất các chương trình, xuất bản phẩm, ấn phẩm, văn hóa phẩm phục vụ nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đấu tranh phòng chống văn hóa độc hại, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa.

3. Tăng cường nguồn lực cho phát triển văn hóa: đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, vững vàng về tư tưởng chính trị, tinh thông về nghề nghiệp, có năng lực quản lý nhà nước; xây dựng quy hoạch đào tạo văn hóa, nghệ thuật, ưu tiên việc đào tạo đội ngũ cán bộ thuộc các dân tộc thiểu số, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở.

4. Thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật: hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cấp, cải tạo và xây mới bãi tập, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa, bảo tàng, hệ thống thư viện, cửa hàng sách…

5. Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép giữa các chương trình dự án về phát triển văn hóa các dân tộc và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã và đang triển khai.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4.

- Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

- Nghị quyết số 304/NQ-HĐND ngày 13/5/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên Khóa XIII về việc thông qua Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết ngày có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIV, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 11 tháng 10 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lò Văn Muôn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 24/NQ-HĐND năm 2016 thông qua Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 24/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lò Văn Muôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản