Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2011/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 10 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VIỆC LÀM VÀ GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XI - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/ 2003;

Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Nghị quyết 80/2011/ NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ năm 2011 đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg ngày 03/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

Căn cứ Quyết định 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2331/QĐ-TTg ngày 20/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh mục chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2011;

Căn cứ Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/12/2010 của HĐND tỉnh khóa XI về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm 2011-2015;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 2848/TTr-UBND ngày 07/10/2011 của UBND tỉnh về việc đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về Chương trình mục tiêu việc làm và giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình mục tiêu việc làm và giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015.

Nội dung cơ bản của các Chương trình như sau:

I. VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VIỆC LÀM.

1. Mục tiêu: Phát triển thị trường lao động, phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và đảm bảo việc làm có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời giảm tối đa số người đang thất nghiệp, thiếu việc làm, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Chỉ tiêu cụ thể:

- Giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 190.000 lao động; trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 38.000 lao động, trong đó tạo việc làm mới 20.000 - 21.000 lao động.

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn khoảng 3,8%.

- Nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đến năm 2015 đạt 86%.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp đến cuối năm 2015 giảm còn 47% tổng số lao động xã hội.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 đạt 45%.

- Tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm và tự tạo việc làm trong giai đoạn này đạt tối thiểu 70-75%.

3. Nội dung hoạt động của Chương trình:

a) Đẩy mạnh phát triển kinh tế và thu hút đầu tư để phát triển thị trường lao động:

- Về công nghiệp: Tập trung thu hút đầu tư mở rộng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất, các Khu công nghiệp của tỉnh và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; đẩy mạnh quá trình đô thị hóa nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng và quyết định để thu hút lao động, giải quyết việc làm cho nhân dân và chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Về thương mại - dịch vụ và du lịch: Phát triển nhanh và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, du lịch để thu hút và tạo việc làm cho người lao động.

- Về nông - lâm - ngư nghiệp: Phát triển toàn diện có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao, có tỷ trọng hàng hóa lớn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa bền vững về sinh thái để chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động.

- Phát triển hài hòa giữa vùng đồng bằng, vùng ven biển, hải đảo và vùng miền núi nhằm tạo việc làm ổn định, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn.

- Thực hiện đa dạng hóa thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; xây dựng các cơ chế, chính sách hấp dẫn và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân thuộc tất cả các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.

b) Tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách, dự án như: Đổi mới và phát triển dạy nghề; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm.

4. Nguồn kinh phí:

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2011-2015 là 214.901 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 165.061 triệu đồng,

- Ngân sách địa phương: 49.840 triệu đồng.

II. VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG.

1. Mục tiêu chung: Tạo cơ hội phát triển để người nghèo, hộ nghèo ổn định và đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập, vượt qua nghèo đói, vươn lên khá giả, giàu có; tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân ở các vùng nghèo; giảm thiểu tình trạng gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa các vùng miền và các nhóm dân cư.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng 2 lần, riêng huyện nghèo tăng 3 lần so với năm 2010. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản.

- Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 4-5%, vùng miền núi giảm 5-7% (theo chuẩn nghèo hiện hành).

- Tranh thủ nguồn vốn Trung ương để đáp ứng vốn cho hộ nghèo và sinh viên hộ cận nghèo có nhu cầu và có đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

- 100% người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; hỗ trợ 50% mệnh giá mua thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo mua thẻ Bảo hiểm y tế tự nguyện.

- 100% trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, ở các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được miễn, giảm học phí và được hỗ trợ chi phí học tập.

- 100% hộ nghèo có nhà ở đơn sơ, tạm bợ, dột nát được hỗ trợ làm nhà ở;

- Trên 95% hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hoặc nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- 100% cán bộ tham gia công tác giảm nghèo ở các cấp được tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo.

3. Nội dung hoạt động của chương trình:

a) Thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo chung: Tín dụng ưu đãi cho người nghèo; hỗ trợ đất sản xuất; tổ chức các hoạt động khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề, dạy nghề miễn phí; nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ về y tế, giáo dục; hỗ trợ về cải thiện nhà ở, nước sinh hoạt; trợ giúp pháp lý miễn phí; hỗ trợ văn hóa thông tin.

b) Thực hiện các chính sách đặc thù (đối với hộ nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số và đối với huyện nghèo, xã nghèo) và hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đối tượng yếu thế: thực hiện có hiệu quả về giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, thôn đặc biệt khó khăn ngoài huyện nghèo; thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi và hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đối tượng yếu thế.

c) Đẩy mạnh các hoạt động về truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát đánh giá.

4. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình:

* Tổng nguồn kinh phí thực hiện 12.844.010 triệu đồng; Trong đó:

- Kinh phí theo đề án 30a đã được phê duyệt, thực hiện các chính sách hiện có đã có kế hoạch bố trí nguồn: 11.843.635 triệu đồng.

- Kinh phí phát sinh dự kiến đầu tư theo Chương trình này: 1.000.375 triệu đồng.

* Chia theo nội dung chính sách, dự án và nguồn nhân lực

- Ngân sách trung ương: 735.775 triệu đồng.

+ Thực hiện các nội dung theo Quyết định số 2331/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: 183.775 triệu đồng (gồm: dự án phát triển cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển và hải đảo; nhân rộng mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông, giám sát, đánh giá);

+ Vốn bổ sung có mục tiêu cho tỉnh: 552.000 triệu đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo như: Cải thiện nhà ở, dạy nghề, khuyến nông - lâm - ngư và khuyến công, trợ giúp pháp lý, người nghèo thụ hưởng văn hóa, thông tin; nước sinh hoạt và đất sản xuất.

Trường hợp từ năm 2012, Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Ngãi tự cân đối ngân sách thì nguồn được bố trí từ ngân sách tỉnh.

- Ngân sách tỉnh: 14.600 triệu đồng

+ Quỹ xóa đói giảm nghèo (ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo): 8.000 triệu đồng;

+ Hỗ trợ các thôn đặc biệt khó khăn ngoài huyện nghèo xây dựng cơ sở hạ tầng: 6.600 triệu đồng;

- Vốn huy động, đóng góp cộng đồng, nhà tài trợ để hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ thực hiện các chính sách và hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo: 250.000 triệu đồng

Điều 2. UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và hoàn chỉnh các Chương trình để ban hành.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa XI thông qua ngày 21 tháng 10 năm 2011, tại kỳ họp thứ 3./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Minh Toản

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 24/2011/NQ-HĐND về chương trình mục tiêu việc làm và giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015

  • Số hiệu: 24/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 27/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Phạm Minh Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản