Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2015/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 15 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HỆ THỐNG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ, TRƯỜNG MẦM NON THUỘC VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVII - KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục năm 2009;

Căn cứ Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 03 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập;

Căn cứ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú;

Căn cứ Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Sau khi xem xét Tờ trình số 364/TTr-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Phạm vi áp dụng

Nghị quyết này được áp dụng đối với trường mầm non, trường phổ thông có nhóm, lớp mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học, có học sinh bán trú; trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông) có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg; trường tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập thuộc các xã khu vực II có học sinh ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày (ở nội trú tại trường).

2. Mục tiêu

a) Đối với giáo dục mầm non: Phấn đấu đến năm 2020, tại các xã vùng đặc biệt khó khăn có 80 trường mầm non, với quy mô 23.500 cháu; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp 15%, trẻ mẫu giáo ra lớp 87 %; trẻ 5 tuổi ra lớp 99% trở lên; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 7%, thể thấp còi dưới 10%; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và biết một thứ tiếng dân tộc 100%, trong đó trên chuẩn 85%; tỷ lệ phòng học kiên cố 40%; các trường mầm non có đủ thiết bị dạy học tối thiểu, bếp ăn, công trình nước hợp vệ sinh và hệ thống cấp thoát nước.

b) Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú: Phấn đấu đến năm 2020, có 59 trường phổ thông dân tộc bán trú, với quy mô 19.000 học sinh; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và biết một thứ tiếng dân tộc 100%; trong đó trên chuẩn 78%; tỷ lệ phòng học kiên cố 70%; tỷ lệ học sinh bán trú được ở trong trường 100%; các trường phổ thông bán trú có đủ công trình bếp ăn, nước hợp vệ sinh, bàn ghế học sinh, bàn ghế ăn cho phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh.

3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

a) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đảm bảo môi trường giáo dục. Giảm tối đa các lớp mẫu giáo, lớp ghép ở cấp tiểu học, đặc biệt lớp mẫu giáo có học sinh 5 tuổi; giảm các điểm trường lẻ ở cấp tiểu học. Duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo hướng bền vững.

b) Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ biên chế giáo viên mầm non đạt trên 90% theo quy định của Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh. Ưu tiên tuyển dụng giáo viên là người dân tộc thiểu số vào các đơn vị trường học thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức về quản lý giáo dục, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, phương pháp dạy nhóm, lớp ghép và tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

c) Hoàn thành quy hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục. Đầu tư xây dựng 160 phòng học, 444 phòng ở, 54 nhà bếp, 94 phòng công vụ cho giáo viên, 8 công trình vệ sinh, 38 công trình nước sạch và hệ thống cấp thoát nước, 45 bộ thiết bị mầm non ngoài trời, 188 bộ thiết bị dạy học trong lớp cho các trường mầm non, 2.467 giường tầng, 4.330 bộ bàn ghế phòng học, 1.100 bộ bàn ghế ăn cho các trường có học sinh bán trú.

d) Hỗ trợ kinh phí để tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú

- Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú: Hỗ trợ kinh phí thuê, khoán nấu ăn: Cứ có 50 học sinh ở trong khu bán trú của nhà trường được bố trí 01 người nấu ăn. Nếu có quá 30 học sinh trở lên được bố trí thêm 01 người nấu ăn. Mức kinh phí hỗ trợ nấu ăn/người/tháng tương ứng bằng 2,0 mức lương cơ sở chung hiện hành, cấp 9 tháng/năm học.

- Đối với các trường có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg (nhưng chưa được công nhận là trường bán trú) và các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc các xã khu vực II có học sinh ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn, địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày (ở nội trú tại trường) nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg được hỗ trợ kinh phí thuê, khoán nấu ăn. Định mức học sinh và mức kinh phí hỗ trợ nấu ăn như các trường phổ thông dân tộc bán trú. Trường hợp chỉ có từ 30 đến 50 học sinh bán trú ở trong trường thì bố trí 01 người.

đ) Chính sách đối với học sinh: Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang học và ở nội trú tại trường nhưng không được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 20% mức lương cơ sở /học sinh/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

e) Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh nề nếp kỷ cương trong các cơ sở giáo dục, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục. Nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, giáo dục toàn diện cho học sinh, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục trong trường, tăng cường dạy học 2 buổi/ngày.

g) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương phát triển giáo dục mầm non, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, tạo sự quan tâm, phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện đề án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các địa phương xây dựng quỹ khuyến học, kho thóc khuyến học để hỗ trợ cho học sinh ở các trường bán trú. Huy động các lực lượng xã hội trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

4. Kinh phí

Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án là 228.000 triệu đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 50%, vốn ngân sách địa phương 25%, vốn xã hội hóa 25%.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVII-Kỳ họp thứ 15 thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội;
- Chính phủ;
- Bộ Giáo dục - Đào tạo;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Nội vụ;
- Cục kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Uỷ ban nhân dân tỉnh; Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra văn bản);
- Văn phòng UBND tỉnh (đăng công báo);
- TT.HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, Phó VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các CV phòng CT HĐND;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Dương Văn Thống

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 23/2015/NQ-HĐND phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020

  • Số hiệu: 23/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 15/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Dương Văn Thống
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/12/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản