Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2006/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 09 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG, TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN ỔN ĐỊNH 2007 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2007;

Sau khi xem xét tờ trình số 21/TTr-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về định mức phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn ổn định 2007 - 2010; qua báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của Đại biểu và phát biểu giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua định mức phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn ổn định 2007 - 2010 như sau:

A. QUY ĐỊNH CHUNG:

I. Tiêu chí phân bổ (hay gọi là đối tượng phân bổ): dân số, biên chế, chỉ tiêu giường bệnh, học sinh đào tạo, đối tượng xã hội, tỷ lệ %. Trong đó:

- Tiêu chí dân số được phân bổ cho 09 lĩnh vực chi là sự nghiệp giáo dục; chi phòng bệnh; sự nghiệp văn hóa thông tin; phát thanh truyền hình; thể dục thể thao; sự nghiệp môi trường; đảm bảo xã hội; an ninh - quốc phòng; trợ giá trợ cước (tăng thêm 02 lĩnh vực là chi sự nghiệp môi trường và trợ giá trợ cước; ngoài ra về lĩnh vực an ninh - quốc phòng có bổ sung phân bổ chi an ninh của cấp huyện, thị).

Dân số được xác định theo số liệu do Cục Thống kê tỉnh công bố năm 2005 nhân (x) với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm 2006. Theo phương pháp xác định trên, thì dân số để tính phân bổ dự toán năm 2007 là 1.300.705 người, chi tiết từng huyện, thị như sau:

ĐVT: người

Đơn vị

Dân số 2005

Dân số phân bổ dự toán

Thị xã Sóc Trăng

Huyện Kế Sách

Huyện Long Phú

Huyện Cù Lao Dung

Huyện Mỹ Tú

Huyện Mỹ Xuyên

Huyện Thạnh Trị

Huyện Ngã Năm

Huyện Vĩnh Châu

Tổng Cộng

124.049

170.827

184.535

62.755

210.554

200.225

87.699

80.027

153.280

1.273.951

126.654

174.414

188.410

64.073

214.976

204.430

89.540

81.708

156.500

1.300.705

Do dân số giữa các huyện, thị chênh lệch khá lớn, nếu tính bình quân chung thì phát sinh khoản chi thường xuyên của 08 khoản chi phân bổ về dân số giữa các huyện chênh lệch khá nhiều. Trong khi đó thì nhu cầu chi thường xuyên giữa các huyện chênh lệch nhau không nhiều (trừ chi sự nghiệp giáo dục). Để khắc phục nhược điểm trên, hệ số phân bổ được chia thành 03 nhóm và đảm bảo nguyên tắc "khi nhân hệ số phân bổ thì tổng kinh phí được phân bổ của đơn vị có dân số ít không được cao hơn đơn vị có dân số nhiều trong cùng một nhóm hoặc nhóm khác", cụ thể như sau:

- Huyện Mỹ Tú: 1,00;

- Huyện Mỹ Xuyên: 1,00;

- Huyện Long Phú: 1,05;

- Huyện Kế Sách: 1,10;

- Huyện Vĩnh Châu: 1,20;

- Thị xã Sóc Trăng: 1,50;

- Huyện Thạnh Trị: 2,00;

- Huyện Ngã Năm: 2,00;

- Huyện Cù Lao Dung: 2,50.

Đối với các huyện, thị có số thu khá cho ngân sách hàng năm được phân bổ thêm:

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện, thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán thu hàng năm trên 100 tỷ đồng/năm (thị xã Sóc Trăng) được phân bổ bổ sung 20% số chi tính theo định mức dân số (trừ khoản chi sự nghiệp giáo dục đã tính theo mức tăng trưởng 7%).

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện, thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán thu hàng năm trên 50 tỷ và đến dưới 100 tỷ đồng/năm (huyện Mỹ Xuyên) được phân bổ bổ sung 10% số chi tính theo định mức dân số (trừ khoản chi sự nghiệp giáo dục đã tính theo mức tăng trưởng 7%).

- Riêng ngân sách thị xã Sóc Trăng còn được bổ sung thêm từ kinh phí sự nghiệp môi trường để đảm bảo thanh toán khối lượng hoạt động thu gom rác là 8 tỷ đồng/năm và bổ sung thêm từ kinh phí sự nghiệp kinh tế để đảm bảo hoạt động công tác kiến thiết thị chính và chỉnh trang đô thị là 8,5 tỷ đồng/năm (cao hơn mức quy định tại Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg , ngày 29/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ, do thị xã Sóc Trăng là đô thị loại III).

- Tiêu chí biên chế: áp dụng chi sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp xã hội, chi hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể (đơn vị có giao biên chế).

- Tiêu chí giường bệnh: áp dụng cho các bệnh viện, trung tâm thuộc Sở Y tế quản lý theo mô hình tổ chức quản lý theo quy định tại thông tư số 11/2005-TTLB-BYT-BNV ngày 12 tháng 4 năm 2005 của liên Bộ Nội vụ, Y tế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về y tế ở địa phương.

- Tiêu chí học sinh: áp dụng đối với chi sự nghiệp đào tạo; riêng các Trung tâm dạy nghề và kinh phí đào tạo cán bộ huyện được tính trên cơ sở bình quân.

- Tiêu chí đối tượng xã hội: áp dụng cho 02 đơn vị là Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội và Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Số lượng về biên chế, giường bệnh, học sinh, đối tượng: căn cứ vào chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao; trường hợp chưa được giao thì sẽ căn cứ vào số liệu thực hiện năm 2006 để xác định.

- Đối với khoản chi sự nghiệp kinh tế các huyện, thị: phân bổ theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi (trừ khoản chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo; sự nghiệp môi trường; trợ giá trợ cước và chi khác của từng huyện).

- Đối với khoản chi khác các huyện thị: phân bổ theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi (trừ khoản chi sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của từng huyện).

- Chi ngân sách xã được phân bổ theo đặc thù (tương tự như giai đoạn 2004 - 2006) và phân bổ vào khoản chi hành chính cấp xã.

II. Đối với những khoản chi đặc thù:

Những khoản chi có tính đặc thù, chuyên ngành không thể phân bổ theo định mức như: chi chương trình khuyến công, khuyến ngư, khuyến nông, kinh phí chuyển dịch cơ cấu, chương trình giống, sự nghiệp nông nghiệp về hợp tác xã, chương trình trợ giúp pháp lý, kinh phí rà soát văn bản, tuyên truyền pháp luật, kinh phí an ninh vùng trọng điểm, các khoản chi không khoán, chi tham gia vốn cho vay chính sách xã hội, vốn quốc gia giải quyết việc làm của địa phương, công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành (vốn sự nghiệp), kinh phí đối ứng dự án (vốn sự nghiệp), chương trình mục tiêu của tỉnh... Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào mức thực hiện của năm trước, nhu cầu, nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm để dự kiến mức cụ thể và thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trong phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

Riêng kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo và cho trẻ em dưới 6 tuổi được phân bổ theo mức quy định hiện hành trong khoản chi sự nghiệp y tế hàng năm (mệnh giá nhân đối tượng được hưởng).

III. Dự phòng ngân sách:

Dự phòng ngân sách các cấp ngân sách thuộc chính quyền địa phương được phân bổ 3% trên tổng chi trong cân đối (bằng mức Chính phủ phân bổ cho địa phương).

B. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

I. Tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi cho các cơ quan, đơn vị thuộc ngân sách cấp tỉnh:

1. Sự nghiệp kinh tế:

1.1. Tiêu chí phân bổ: Đối với kinh phí hoạt động của bộ máy được giao biên chế thì tiêu chí phân bổ là định mức phân bổ trên biên chế được giao. Đối với kinh phí chuyên ngành, kinh phí đặc thù thì mức phân bổ dựa trên cơ sở mức dự toán giao năm 2006 và khả năng ngân sách năm 2007: giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cụ thể đối với từng đơn vị.

1.2. Định mức phân bổ: 25.000.000 đồng/biên chế/năm.

1.3. Đối với khoản chi sự nghiệp kinh tế khác, kinh phí chuyên ngành: giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ phân bổ và thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trong phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

2. Sự nghiệp giáo dục cấp tỉnh:

2.1 Tiêu chí phân bổ: dân số từ 01 đến 18 tuổi trên toàn tỉnh.

2.2. Định mức phân bổ: 137.400 đồng/người dân từ 01 đến 18 tuổi/năm; trường hợp dự toán tính theo định mức phân bổ trên thấp hơn dự toán năm 2006 cộng thêm tăng trưởng 7% thì sẽ được bổ sung thêm.

2.3. Định mức phân bổ Trường Phổ thông trung học dân tộc nội trú Huỳnh Cương là 9.000.000 đồng/học sinh/năm.

3. Sự nghiệp đào tạo:

3.1. Tiêu chí phân bổ: Căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo học sinh hàng năm để xây dựng định mức phân bổ.

3.2. Định mức phân bổ: Tùy theo từng loại hình của từng trường thì có định mức phân bổ khác nhau; ngoài định mức phân bổ dự toán từ ngân sách nhà nước, các Trường có phát sinh khoản thu sự nghiệp như học phí, quỹ xây dựng, dịch vụ... sẽ được để lại cho đơn vị, ngành để chi theo quy định hiện hành theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Định mức của từng đơn vị như sau:

3.2.1. Trường Dạy trẻ Khuyết tật: 9.000.000 đồng/học sinh/năm.

3.2.2. Trường Cao đẳng Sư phạm: 5.500.000 đồng/học sinh/năm.

3.2.3. Trường Văn hóa Nghệ thuật: 7.000.000 đồng/học sinh/năm.

3.2.4. Trường Chính trị: 5.000.000 đồng/học sinh/năm.

3.2.5. Trường Năng khiếu Thể dục thể thao: 4.800.000 đồng/học sinh/năm.

3.2.6. Trường Trung học Y tế: 4.200.000 đồng/học sinh/năm.

3.2.7. Bồi dưỡng đào tạo lại: 3.500.000 đồng/đối tượng bồi dưỡng, đào tạo/năm.

3.2.8. Trường Dạy nghề: 6.000.000 đồng/học viên/năm học.

3.2.9. Trường Cao đẳng Cộng đồng: Năm 2007 sẽ bố trí tiền lương và kinh phí hoạt động của bộ máy Trường. Riêng chi đào tạo được sử dụng từ khoản thu liên kết các đơn vị khác.

Kể từ năm 2008, khi đơn vị chính thức đi vào hoạt động và được giao chỉ tiêu cụ thể thì giao UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định định mức phân bổ dự toán của đơn vị này trong kỳ họp giao dự toán 2008.

4. Sự nghiệp Y tế:

4.1. Tiêu chí phân bổ:

- Đối với sự nghiệp phòng bệnh: dân số trên toàn tỉnh.

- Đối với sự nghiệp chữa bệnh của các Trung tâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, huyện, thị: giường bệnh theo định mức.

- Đối với Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị: biên chế.

4.2. Định mức phân bổ:

- Chi sự nghiệp phòng bệnh: 3.000 đồng/người dân/năm để đảm bảo hoạt động cho bộ máy của các Trung tâm tuyến tỉnh và chi công tác phòng bệnh trên địa bàn.

- Chi sự nghiệp chữa bệnh của các Trung tâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 27.000.000 đồng/giường bệnh/năm.

- Chi sự nghiệp chữa bệnh của các Bệnh viện Đa khoa huyện, thị: 24.000.000 đồng/giường bệnh/năm.

- Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị: 28.000.000 đồng/biên chế/ năm.

5. Sự nghiệp Văn hóa Thông tin:

5.1. Tiêu chí phân bổ: dân số trên toàn tỉnh;

5.2. Định mức phân bổ: 6.000 đồng/người dân/năm.

6. Sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình:

6.1. Tiêu chí phân bổ: dân số trên toàn tỉnh;

6.2. Định mức phân bổ: 3.100 đồng/người dân/năm.

7. Sự nghiệp Thể dục thể thao:

7.1. Tiêu chí phân bổ: dân số trên toàn tỉnh;

7.2. Định mức phân bổ: 2.500 đồng/người dân/năm.

8. Sự nghiệp Khoa học - Công nghệ:

Dự toán kinh phí khoản chi này được bố trí bằng mức dự toán Trung ương giao hàng năm do cấp tỉnh đảm bảo nhiệm vụ chi.

9. Sự nghiệp đảm bảo xã hội:

9.1. Tiêu chí phân bổ:

- Đối với những đơn vị thuộc lĩnh vực xã hội hàng năm được giao biên chế thì tiêu chí phân bổ là biên chế được giao.

- Trung tâm Giáo dục, Lao động Xã hội: đối tượng tập trung giáo dục (trại viên).

- Trung tâm Bảo trợ Xã hội: đối tượng nuôi dưỡng tập trung.

- Chi cứu tế, thăm hỏi gia đình chính sách, tôn giáo nhân ngày lễ, tết... tiêu chí dân số trên toàn tỉnh.

- Các nội dung chi đảm bảo xã hội còn lại: sẽ được bố trí theo nhiệm vụ hàng năm (không định mức cụ thể).

9.2. Định mức phân bổ:

9.2.1. Theo biên chế: 25.000.000 đồng/biên chế/năm.

9.2.2. Đối tượng là trại viên do Trung tâm Lao động Xã hội quản lý: 7.000.000 đồng/đối tượng/năm.

9.2.3. Đối tượng là trại viên do Trung tâm Bảo trợ Xã hội quản lý: 7.500.000 đồng/đối tượng nuôi dưỡng/năm.

9.2.4. Định mức phân bổ chi cứu tế, thăm hỏi gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng, chính sách tôn giáo... là 3.500 đồng/người dân/năm.

10. Chi quản lý hành chính:

10.1. Tiêu chí phân bổ: Tính trên chỉ tiêu biên chế được giao hàng năm.

10.2. Định mức phân bổ:

a. Hệ nhà nước:

Đơn vị tính: đồng/biên chế/năm

Số biên chế/đơn vị

Định mức phân bổ

- Dưới 15 biên chế

39.000.000

- Từ 15 đến dưới 25 biên chế

35.000.000

- Từ 25 đến dưới 35 biên chế

32.000.000

- Từ 35 biên chế trở lên

30.000.000

- Đối với chi hành chính khác, kinh phí chuyên ngành, nhiệm vụ đặc thù, các khoản chi không thực hiện chế độ tự chủ nêu tại mục III phần A, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ phân bổ và thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trong phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

- Đối với Thanh tra tỉnh sẽ được bổ sung kinh phí hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch số 42/2006/TTLT-BTC-TTCP , ngày 15/5/2006 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ. Căn cứ kết quả thu nộp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định bổ sung theo đúng quy định.

b. Hệ Đảng:

Định mức phân bổ là 60.000.000 đồng/biên chế/năm.

Đối với kinh phí để đảm bảo nhiệm vụ đặc thù của hệ Đảng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định, trên cơ sở thống nhất giữa Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh và đảm bảo nguyên tắc trong phạm vi tổng dự toán chi ngân sách địa phương được Trung ương giao.

c. Hệ Đoàn thể:

Đơn vị tính: đồng/biên chế/năm

Số biên chế/đơn vị

Định mức phân bổ

- Dưới 05 biên chế

50.000.000

- Từ 05 đến dưới 10 biên chế

47.000.000

- Từ 10 đến dưới 20 biên chế

44.000.000

- Từ 20 biên chế trở lên

42.000.000

- Đối với chi đoàn thể khác, kinh phí chuyên ngành, nhiệm vụ đặc thù: giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ phân bổ và thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trong phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

11. Định mức phân bổ chi An ninh - Quốc phòng:

11.1. Tiêu chí phân bổ: dân số trên toàn tỉnh.

11.2. Định mức phân bổ:

a. Quốc phòng: 8.270 đồng/người dân/năm.

b. An ninh: 2.350 đồng/người dân/năm.

c. Bộ đội Biên phòng: Ổn định mức hỗ trợ hàng năm bằng dự toán phân bổ năm trước.

12. Chi khác ngân sách: Bố trí kinh phí theo nhiệm vụ thực hiện, tối thiểu bằng mức dự toán năm trước. Trong đó: kinh phí khen thưởng được bố trí tối đa bằng 1% chi ngân sách thường xuyên của cấp tỉnh hàng năm theo quy định tại Thông tư số 73/2006/TT-BTC , ngày 15/8/2006 của Bộ Tài chính.

II. Định mức phân bổ dự toán đối với ngân sách huyện, thị (bao gồm ngân sách xã, phường, thị trấn):

1. Sự nghiệp giáo dục:

1.1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số là 420.000 đồng/người dân từ 01 đến 18 tuổi/năm.

1.2. Đối với các huyện, thị có xã, phường, thị trấn thuộc chương trình 135 theo Quyết định phê duyệt của Chính phủ giai đoạn 2006 -2010 được phân bổ thêm 50.000 đồng/người dân/năm.

Nếu kinh phí được phân bổ theo định mức thấp hơn mức tăng trưởng chung (năm 2007 là 7%) thì được phân bổ bằng mức tăng trưởng so với năm trước.

2. Sự nghiệp đào tạo:

Do cấp huyện, thị chưa phân cấp quản lý các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp mà chủ yếu dạy nghề, đảm bảo kinh phí cử cán bộ đi học, từ đó phân bổ 02 khoản chi này theo mức bình quân.

Năm 2007, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thị được phân cấp về ngân sách huyện, thị quản lý và được phân bổ theo tiêu chí lượt cán bộ bồi dưỡng.

- Đào tạo nghề: tiêu chí phân bổ tính bình quân trên đơn vị hành chính, với mức 130.000.000 đồng/huyện, thị.

- Kinh phí đưa cán bộ thuộc huyện, thị quản lý đi đào tạo: tiêu chí phân bổ tính bình quân trên đơn vị hành chính, với mức 100.000.000 đồng/huyện, thị.

- Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, thị: định mức bình quân phân bổ theo tiêu chí là đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; với mức 180.000 đồng/lượt đối tượng (mức cũ 141.500 đồng/lượt đối tượng bồi dưỡng, tập huấn/năm).

3. Sự nghiệp Y tế:

3.1. Cho công tác phòng bệnh: định mức phân bổ theo tiêu chí dân số, với mức 2.000 đồng/dân số/năm để huyện, thị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Riêng kinh phí hoạt động bộ máy của Trung tâm y tế dự phòng do ngân sách tỉnh đảm bảo.

3.2. Y tế xã: đảm bảo tiền lương, các khoản theo lương và kinh phí hoạt động của y tế xã theo cơ cấu sử dụng 80% để thanh toán lương và các khoản theo lương và 20% cho kinh phí hoạt động.

4. Sự nghiệp Văn hóa Thông tin: định mức phân bổ theo tiêu chí dân số, với mức 2.600 đồng/người dân/năm.

5. Sự nghiệp Truyền thanh, phát thanh: định mức phân bổ theo tiêu chí dân số, với mức 1.700 đồng/người dân/năm.

6. Sự nghiệp Thể dục thể thao: định mức phân bổ theo tiêu chí dân số, với mức 1.600 đồng/người dân/năm.

7. Sự nghiệp đảm bảo xã hội: định mức phân bổ theo tiêu chí dân số, với mức 2.500 đồng/người dân/năm.

8. Định mức phân bổ chi quản lý hành chính:

Tiêu chí phân bổ tính trên biên chế được giao, trong đó:

8.1. Hệ nhà nước: với định mức 28.000.000 đồng/biên chế/năm.

Đối với những khoản chi không thực hiện chế độ tự chủ được phân bổ tối đa là 15% trên tổng chi hành chính, giao Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trong phạm vi dự toán được Chính phủ phân bổ hàng năm.

Định mức phân bổ kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính mỗi huyện, thị là: 100.000.000 đồng.

8.2. Hệ Đảng: định mức phân bổ gấp 1,5 lần so với định mức hệ Nhà nước, với mức phân bổ 42.000.000 đồng/biên chế/năm.

8.3. Hệ Đoàn thể: định mức phân bổ 35.000.000 đồng/biên chế/năm.

9. Định mức phân bổ ngân sách xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã):

9.1. Định mức phân bổ bình quân theo đơn vị hành chính xã:

Đảm bảo kinh phí lương, các khoản theo lương và các hoạt động của cán bộ công chức, chuyên trách; trợ cấp cán bộ không chuyên trách của xã theo mức HĐND tỉnh quyết định; kinh phí hoạt động cơ sở Đảng theo Quyết định 84/BBT của Ban Bí thư và các chế độ hiện hành.

a. Ngân sách các phường thuộc thị xã Sóc Trăng định mức phân bổ bình quân là: 740.000.000 đồng/phường/năm.

b. Ngân sách các xã, thị trấn thuộc các huyện định mức phân bổ là: 670.000.000 đồng/xã, thị trấn/năm.

9.2. Định mức phân bổ theo tiêu chí phụ:

a. Kinh phí đảm bảo trợ cấp đối với cán bộ ấp theo mức Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, trên cơ sở tính bình quân tiêu chí ấp, với định mức phân bổ 22.800.000 đồng/ấp, khóm/năm.

b. Kinh phí đảm bảo hoạt động văn hóa ở khu dân cư được phân bổ theo tiêu chí ấp, khóm văn hóa, với mức phân bổ là 1.200.000 đồng/ấp, khóm/năm.

c. Kinh phí hoạt động của Thanh tra nhân dân được phân bổ theo đơn vị hành chính xã, với mức phân bổ là 2.000.000 đồng/xã/năm.

d. Phụ cấp Đại biểu HĐND xã được phân bổ theo số lượng đại biểu được phê duyệt, tính theo hệ số nhân tiền lương tối thiểu theo quy định.

Phân bổ ngân sách xã: căn cứ vào tiêu chí và định mức phân bổ chi ngân sách xã, tỉnh sẽ phân bổ tổng thể chi ngân sách xã trong ngân sách huyện, thị. Việc phân bổ chi tiết từng xã trên địa bàn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị Quyết định trên cơ sở đã thông qua Hội đồng Nhân dân cùng cấp theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và ổn định trong giai đoạn 2007-2010.

10. Chi an ninh quốc phòng:

10.1. Chi quốc phòng: định mức phân bổ theo tiêu chí dân số, với mức 1.900 đồng/người dân/năm.

10.2. Chi an ninh, trật tự an toàn xã hội: định mức phân bổ theo tiêu chí dân số, với mức 1.000 đồng/người dân/năm.

11. Chi sự nghiệp kinh tế: định mức phân bổ theo tỷ lệ % từ mục chi từ thứ 2 đến mục chi thứ 10 nêu trên, với mức phân bổ là 13%.

12. Chi sự nghiệp môi trường: định mức phân bổ chi lĩnh vực này theo tiêu chí dân số, với mức 3.000 đồng/người dân/năm.

13. Chi trợ giá, trợ cước: định mức phân bổ chi lĩnh vực này theo tiêu chí dân số, với mức 2.760 đồng/người dân/năm.

14. Chi khác ngân sách: định mức phân bổ chi lĩnh vực này theo tỷ lệ % từ mục chi thứ 2 đến mục chi thứ 13 nêu trên, với mức phân bổ là 1%.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa VII, kỳ họp thứ 9 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 20/2006/NQ-HĐND về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn ổn định 2007 - 2010 tỉnh Sóc Trăng

  • Số hiệu: 20/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/12/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản