Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2012/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 05 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KHU VỰC PHÒNG THỦ TỈNH, HUYỆN GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XV KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002 và Thông tư số 25/2010/TT-BTC ngày 25 tháng 02 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi ngân sách Nhà nước cho một số nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ;

Căn cứ Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ;

Xét Tờ trình số 1133/TTr-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về việc xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng với những nội dung sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh có tiềm lực và sức mạnh toàn diện, nhằm ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội; xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biên giới, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc địa phương trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đẩy mạnh công tác xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, tiềm lực kinh tế; từng bước triển khai xây dựng tiềm lực quân sự - an ninh (công tác quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; xây dựng công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh trong khu vực phòng thủ);

- Trong xây dựng tiềm lực quân sự - an ninh (công tác quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; xây dựng công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh trong khu vực phòng thủ) phải bảo đảm tính bền vững của các công trình, phù hợp với điều kiện hoạt động của địa phương và đặc điểm địa lý của tỉnh;

- Đầu tư mỗi năm hoàn thiện 02 công trình bền vững trong khu căn cứ chiến đấu cấp huyện; hai năm hoàn thiện 01 công trình trong khu căn cứ chiến đấu cấp tỉnh; hàng năm xây dựng bổ sung 2 đến 3 công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ (theo phương án tác chiến).

2. Nội dung xây dựng khu vực phòng thủ

a) Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần: Xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ, công chức và toàn dân; phát triển giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh công tác thông tin, văn hoá, văn nghệ, phát thanh, truyền hình, thể dục, thể thao để nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho quốc phòng - an ninh.

b) Xây dựng tiềm lực kinh tế: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với yêu cầu củng cố quốc phòng - an ninh.

- Quy hoạch phát triển công nghiệp ở địa phương phải gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng;

- Quy hoạch phát triển nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực, đáng ứng nhu cầu của nhân dân và tích luỹ cho nhu cầu của khu vực phòng thủ năm đầu chiến tranh; thực hiện chính sách di dân và bố trí dân cư theo quy hoạch; xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trong khu vực phòng thủ;

- Quy hoạch xây dựng vùng, xây dựng đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng bảo đảm thống nhất đồng bộ với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ;

- Quy hoạch phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin bảo đảm phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh kết hợp với phục vụ quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ; có kế hoạch phòng, chống tác chiến điện tử của địch, bảo đảm thông tin trong mọi tình huống;

- Quy hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông phải đáp ứng yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ; ưu tiên tập trung ở các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu vực phòng thủ then chốt và giữa các thành phần của thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ;

- Quy hoạch sử dụng đất, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường phải gắn với quy hoạch xây dựng thế trận khu vực phòng thủ;

- Quy hoạch phát triển khoa học, công nghệ kết hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao trình độ, năng lực khoa học và công nghệ của các lực lượng trong khu vực phòng thủ;

- Quy hoạch phát triển hệ thống y tế, kết hợp quân y và dân y, thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ nhân dân kết hợp nâng cao mạng lưới quân dân y trong khu vực phòng thủ.

c) Xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh: Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị - tư tưởng; tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang. Xây dựng công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh, cơ sở vật chất hậu cần, lượng dự trữ và bảo đảm trang bị cho sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.

d) Xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ bao gồm các thành phần:

- Làng, xã, phường, thị trấn; cụm làng, xã, phường, thị trấn; các đơn vị kinh tế;

- Khu vực phòng thủ cấp huyện;

- Khu vực phòng thủ then chốt cấp tỉnh, cấp huyện;

- Căn cứ chiến đấu cấp tỉnh, cấp huyện;

- Căn cứ hậu phương cấp tỉnh, cấp huyện;

- Căn cứ hậu cần, kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện;

- Sở chỉ huy các cấp;

- Các mục tiêu trọng yếu;

- Các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của các đơn vị;

- Khu kinh tế - quốc phòng;

Các thành phần thế trận quân sự của khu vực phòng thủ gắn kết với hệ thống cơ sở hạ tầng ở địa phương và quốc gia, tạo thành thế trận liên hoàn vững chắc trong thời bình và thời chiến.

đ) Quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ: Xác định địa điểm, diện tích đất sử dụng theo quy hoạch xây dựng thành phần thế trận, phương án bố trí tổng thể các công trình quốc phòng - an ninh. Các danh mục và dự kiến nguồn vốn đầu tư, lập bản đồ quy hoạch xây dựng các công trình quốc phòng - an ninh.

3. Giải pháp

a) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước về công tác xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ.

c) Quán triệt, triển khai đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh.

d) Phát huy vai trò làm tham mưu của cơ quan quân sự; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của địa phương để xây dựng khu vực phòng thủ.

đ) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

4. Nguồn kinh phí

Kinh phí xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ do ngân sách Nhà nước cân đối bảo đảm.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai, thực hiện Nghị quyết này và báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hà Ngọc Chiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 18/2012/NQ-HĐND xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

  • Số hiệu: 18/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/07/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Hà Ngọc Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản