Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 171/NQ-HĐND | Tây Ninh, ngày 12 tháng 7 năm 2024 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 106/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2024;
Căn cứ Nghị quyết số 135/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2024 về “Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh”;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 658/BC-ĐGS ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề về công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo số 658/BC-ĐGS ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề về công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đánh giá khái quát kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Kết quả đạt được:
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh: các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành; việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng được công khai, minh bạch; thủ tục hành chính được đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại, hiệu quả hoạt động được nâng lên; Trung tâm giám sát, điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh đi vào hoạt động góp phần giúp cho lãnh đạo tỉnh thuận tiện trong việc giám sát, chỉ đạo và điều hành. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hoạt động ổn định, ngày càng nâng cao chất lượng, qua đó góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính,...
2. Những hạn chế, bất cập
Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, công tác phối hợp thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số nên kết quả còn một số mặt hạn chế nhất định. Công tác thanh, kiểm tra công vụ của từng cấp, từng ngành đối với việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính chưa thường xuyên nên chưa kịp thời phát hiện, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, còn yếu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân thiếu nhiệt tình, trách nhiệm không cao. Các chỉ số thành phần liên quan đến sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) theo đánh giá vẫn còn thấp so với các địa phương khác.
Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số của tỉnh chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là tuyên truyền về sử dụng dịch vụ công trực tuyến, do đó tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh qua các dịch vụ này ở một số sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp còn thấp.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên bị lỗi. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ sở dữ liệu giữa phần mềm của các cơ quan trung ương với tỉnh còn thiếu đồng bộ, liên thông như phần mềm của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công của tỉnh. Việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính tuy có thực hiện nhưng chất lượng còn hạn chế dẫn đến số lượng thủ tục hành chính cần cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa và đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa còn thấp; còn trường hợp tự đặt thêm thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân.
Trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn xảy ra tình trạng trả hồ sơ cho người dân và yêu cầu bổ sung nhiều lần. Số liệu thủ tục hành chính được giải quyết xong và trả kết quả cho các tổ chức, cá nhân chưa đúng thực tế; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn xảy ra tại các cấp chính quyền; việc tái sử dụng dữ liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế; đặc biệt hạ tầng dữ liệu về đất đai chưa đồng bộ dẫn đến giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai còn chậm, gây bức xúc nhiều trong Nhân dân.
Việc khai thác sử dụng dữ liệu, thông tin của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội chưa tốt, một số dữ liệu chậm cập nhật, thậm chí thiếu chính xác nhưng các cơ quan chủ quản cung cấp dữ liệu chậm phát hiện và cập nhật thường xuyên, liên tục.
3. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập
Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi tạo áp lực lớn cho các sở, ngành phải thường xuyên, liên tục thống kê, rà soát thủ tục hành chính; việc kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với các hệ thống của một số bộ, ngành chưa được thông suốt, dẫn đến công tác giải quyết, theo dõi, quản lý, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, thống kê và báo cáo gặp nhiều khó khăn.
Một bộ phận người dân chưa có đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, chưa có điện thoại thông minh (hoặc máy tính) và thiếu kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Giao diện ứng dụng thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa thân thiện, khó nhập liệu.
Điều kiện kinh tế, mức sống của người dân khác nhau, một bộ phận người dân ít quan tâm đến việc mở tài khoản ngân hàng, do đó việc thanh toán trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch mua bán không sử dụng tiền mặt còn nhiều hạn chế và khó khăn.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số ở một số cơ quan, đơn vị thiếu tính thường xuyên, sâu sát, hiệu quả chưa cao. Năng lực thực tiễn và kinh nghiệm công tác của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu; tinh thần trách nhiệm chưa cao, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, còn máy móc, đôi lúc lúng túng trong việc giải quyết thủ tục hành chính,... gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết thủ tục hành chính có lúc, có việc chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao, làm kéo dài thời gian giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân (như giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư,...).
Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở một số đơn vị cấp huyện, cấp xã và tại các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh chưa đảm bảo như: thiếu máy tính cấu hình cao, máy in, máy scan để quét tài liệu lưu trữ hồ sơ điện tử; tốc độ đường truyền internet chậm, không ổn định; phần mềm dịch vụ công trực tuyến có giao diện chưa phù hợp với thao tác thực tế, một số trường nhập dữ liệu đôi lúc bị lỗi,....
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành với đề nghị của Đoàn giám sát, giao Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của Đoàn giám sát đã nêu trong mục II phần III của Báo cáo kết quả giám sát; đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, việc kết nối chia sẻ liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các ứng dụng của cơ quan trung ương với ứng dụng của tỉnh để báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương kịp thời tháo gỡ.
2. Tiến hành rà soát toàn bộ các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được nêu trong các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 26/01/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số PAR INDEX, PAPI, PCI, SIPAS, DTI của tỉnh để đối chiếu với các kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, từ đó xây dựng kế hoạch để thực hiện khắc phục, phân công trách nhiệm cụ thể từng cơ quan, đơn vị, chỉ rõ thời gian, thời hạn hoàn thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, nghiên cứu và ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ, quy trình giải quyết công việc nội bộ, trong đó lưu ý việc xây dựng các quy trình phải đảm bảo thực hiện tuân thủ theo tiêu chuẩn ISO. Tiếp tục chỉ đạo rà soát và ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với các thủ tục hành chính phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, tập trung vào các lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư,....
Tăng cường thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính; công bố, niêm yết công khai thủ tục hành chính đúng quy định, bảo đảm việc tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được đơn giản, thuận lợi; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thuộc ngành dọc và cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh trong giải quyết thủ tục hành chính.
Rà soát, ban hành danh mục thủ tục hành chính bắt buộc thực hiện liên thông, xác định rõ thời gian, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong từng bước của quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đảm bảo cắt giảm tối đa thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tập trung xây dựng, ban hành các quy chế, quy định của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số của tỉnh.
3. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của cá nhân được phân công phụ trách lĩnh vực, trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra, thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện vi phạm đạo đức, kỷ luật công vụ, các trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, các trường hợp có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Lấy kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và tiêu chí xét thi đua khen thưởng hàng năm đối với tổ chức, cá nhân.
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ.
5. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện cải cách hành chính để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quan tâm sắp xếp, xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn về công nghệ thông tin theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả phù hợp với thực tiễn để phục vụ hoạt động xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của tỉnh.
6. Quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu, hệ thống phân tích thông tin báo cáo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cung cấp dữ liệu đất đai (như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất) cho người dân. Chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý Nhà nước cũng như phục vụ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Rà soát lại hệ thống phần mềm ứng dụng hoạt động của các cơ quan Nhà nước và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đảm bảo thông suốt, hiệu quả.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện tại kỳ họp cuối năm 2024.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa X, Kỳ họp thứ 14 thông qua và có hiệu lực từ ngày 12 tháng 7 năm 2024.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 2991/QĐ-UBND năm 2021 về Quy định đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 2Kế hoạch 312/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 3Nghị quyết 20/NQ-HĐND năm 2023 về kết quả giám sát công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội
- 4Nghị quyết 39/NQ-HĐND năm 2024 thông qua kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới trước và sau Kỳ họp thứ mười sáu; các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết 97/NQ-HĐND do tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 5Nghị quyết 557/NQ-HĐND năm 2024 về Kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Nghị quyết 171/NQ-HĐND năm 2024 về Kết quả giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- Số hiệu: 171/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 12/07/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
- Người ký: Nguyễn Thành Tâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra