Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 147/2015/NQ-HĐND | Đà Lạt, ngày 11 tháng 12 năm 2015 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về Quy định một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Sau khi xem xét Tờ trình số 7243/TTr-UBND ngày 25/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chủ yếu sau:
I. Tên nhiệm vụ quy hoạch: Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
- Chủ đầu tư: Sở Xây dựng;
- Đơn vị lập nhiệm vụ: Viện Quy hoạch xây dựng Miền Nam (thuộc Bộ Xây dựng).
- Loại quy hoạch: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh.
II. Nội dung chính của nhiệm vụ quy hoạch
1. Lý do và sự cần thiết lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
- Nhằm nâng cao và phát huy vai trò, vị thế của tỉnh Lâm Đồng trong vùng Tây Nguyên đồng thời triển khai lập quy hoạch vùng các tỉnh Tây Nguyên quy định tại Điều 2 Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 22/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của Quốc gia, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển mới của Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về: Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; định hướng phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050,...
- Đáp ứng yêu cầu tăng cường tính liên kết vùng và tích hợp đa ngành với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đặc biệt là định hướng Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014.
- Giải quyết các tồn tại, bất cập trong thực trạng phát triển không gian vùng tỉnh hiện nay; hướng tới quan điểm tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; từ đó đặt ra yêu cầu quản lý không gian và công tác chỉ đạo thực hiện các dự án chiến lược của vùng tỉnh, đồng thời phục vụ chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư.
2. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch
- Phạm vi nghiên cứu mở rộng, bao gồm: Vùng Tây Nguyên, vùng thành phố Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
- Phạm vi nghiên cứu trực tiếp, bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích tự nhiên là 9.773,54 km2, dân số 1.259.255 người (năm 2014); bao gồm 02 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và 10 huyện, gồm huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.
- Giới cận:
+ Phía Đông giáp | : tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận; |
+ Phía Tây giáp | : tỉnh Đăk Nông và tỉnh Bình Phước; |
+ Phía Nam giáp | : tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận; |
+ Phía Bắc giáp | : tỉnh Đăk Lắk. |
3. Mục tiêu phát triển
- Xây dựng và phát triển vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng kinh tế động lực trong vùng Tây Nguyên; là trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm Quốc gia và Quốc tế; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm cỡ Quốc gia và Quốc tế; Phát triển các trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia.
- Phát triển không gian đô thị, không gian du lịch, không gian sản xuất nông nghiệp hài hòa với không gian cảnh quan rừng đặc trưng và không gian bảo tồn đa dạng sinh học của vùng cao nguyên.
4. Tính chất, chức năng của vùng tỉnh
- Là vùng kinh tế động lực của vùng Nam Tây Nguyên; vùng bảo tồn rừng cảnh quan, nguồn nước và đa dạng sinh học của vùng Nam bộ và Quốc gia;
- Đầu mối giao thương Quốc tế của vùng và Quốc gia; Trung tâm giao thương của 3 vùng kinh tế trọng điểm Quốc gia, gồm: Vùng Tây Nguyên, vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng duyên hải Nam Trung Bộ;
- Là vùng đặc thù về nông nghiệp chuyên canh; Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm Quốc gia và Quốc tế; Trung tâm dịch vụ - du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm Quốc gia và Quốc tế; Trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tầm Quốc gia;
- Vùng có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với Tây Nguyên và cả nước.
5. Về tầm nhìn đến năm 2050
- Vùng phát triển kinh tế đặc thù và bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước.
- Vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh và nông nghiệp công nghệ cao; vùng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa bản địa, tầm Quốc gia và Quốc tế; trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành của quốc gia.
- Vùng cảnh quan sinh thái cao nguyên đặc thù, có chất lượng cuộc sống cao, thân thiện với môi trường. Phát triển không gian vùng theo hướng bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
6. Động lực phát triển vùng tỉnh Lâm Đồng
a) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh và lâm nghiệp đặc thù;
b) Phát triển du lịch sinh thái cảnh quan rừng, du lịch hỗn hợp, du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao;
c) Phát triển đô thị, thương mại và dịch vụ;
d) Phát triển giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành;
đ) Phát triển công nghệ chế biến khai khoáng và năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
7. Các yêu cầu về nội dung nghiên cứu lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
a) Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên đặc biệt là vị trí đặc thù và địa hình vùng cao nguyên. Phân tích, đánh giá tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Phân tích, đánh giá tài nguyên tự nhiên khí hậu, đất đai, nguồn nước, cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nông nghiệp. Phân tích và đánh giá về tài nguyên nhân văn, đặc biệt là đặc trưng đa dạng văn hóa địa phương trong tỉnh. Phân tích các đặc điểm nổi trội về điều kiện tự nhiên của vùng phía bắc và vùng phía nam của tỉnh.
b) Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển vùng bao gồm: Hiện trạng kinh tế - xã hội, Hiện trạng phân bổ các vùng chức năng; Hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng phát triển không gian bao gồm không gian phát triển đô thị, không gian công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và đầu mối hạ tầng kỹ thuật, không gian các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp, không gian phát triển du lịch, không gian cảnh quan và không gian mở; Hiện trạng phân bố hệ thống hạ tầng xã hội và các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia.
c) Phân tích và đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật vùng bao gồm chuẩn bị kỹ thuật, giao thông vùng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; đánh giá hiện trạng cấp điện, cấp thoát nước, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang; đánh giá hiện trạng môi trường của vùng.
d) Phân tích, đánh giá quy hoạch các quy hoạch đã được phê duyệt như kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống các đô thị và nông thôn của tỉnh Lâm Đồng. Đánh giá công tác thực hiện quy hoạch, các mặt hạn chế, các tồn tại, bất cập và các khó khăn, thách thức cần giải quyết. Đề xuất tích hợp các quy hoạch chuyên ngành trong vùng.
đ) Đánh giá tổng hợp theo phương pháp phân tích SWOT bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của vùng.
e) Xác định các tiền đề phát triển vùng: phân tích bối cảnh phát triển tương lai quốc gia, quốc tế và các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là bối cảnh vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng thành phố Hồ Chí Minh; Phân tích vai trò vị thế và mối quan hệ vùng tỉnh Lâm Đồng với vùng quốc gia và trong các vùng kinh tế trọng điểm.
g) Phân tích, đánh giá các tiềm năng và động lực phát triển vùng; đề xuất tính chất và chức năng vùng; dự báo phát triển vùng về kinh tế - xã hội, đặc biệt là dự báo về chiến lược phát triển kinh tế các ngành, làm cơ sở định hướng phát triển không gian vùng; dự báo quy mô dân số, đô thị hóa, khách du lịch, và đất xây dựng đô thị, công nghiệp, du lịch.
h) Đề xuất mô hình phát triển vùng trên cơ sở các quan điểm phát triển, dự báo quy mô dân số vùng, xác định tầm nhìn, các mục tiêu chiến lược và cấu trúc không gian vùng. Trong đó, nghiên cứu cấu trúc không gian vùng bao gồm các trục hành lang kinh tế đô thị kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng phát triển đô thị công nghiệp và du lịch, các vùng phát triển cảnh quan và không gian mở.
i) Đề xuất phân bố các vùng chức năng, bao gồm:
- Phân vùng phát triển kinh tế dựa trên các đặc điểm tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng và các liên kết vùng. Phân vùng phát triển kinh tế phía bắc và phía nam và vùng đặc thù về bảo tồn cảnh quan rừng.
- Điều chỉnh phân bố hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung hợp lý theo mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng. Xác định quy mô, tính chất, chức năng và phân loại đô thị. Định hướng phân bố các điểm dân cư nông thôn tập trung theo mô hình nông thôn mới gắn với đặc điểm sản xuất và văn hóa truyền thống.
- Định hướng phân bố các vùng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực và đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt phân bố các vùng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ.
- Định hướng phân bố các vùng du lịch sinh thái tạo sự khác biệt và đa dạng về loại hình du lịch, hình thành các trung tâm du lịch hỗn hợp tầm quốc gia và quốc tế, đặc biệt phát triển các sản phẩm du lịch về cảnh quan rừng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa bản địa.
- Định hướng phân bố hệ thống hạ tầng xã hội và dịch vụ, bao gồm các trung tâm chuyên ngành về giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại - dịch vụ cấp vùng và quốc gia, gắn liền với không gian các đô thị.
k) Định hướng tổ chức không gian vùng:
- Tổ chức không gian đô thị theo xu hướng phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt tổ chức không gian vùng đô thị thành phố Đà Lạt gắn với định hướng phát triển không gian của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, vùng đô thị thành phố Bảo Lộc và không gian trục hành lang đô thị dọc Quốc lộ 20 nối thành phố Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt.
- Tổ chức không gian vùng cảnh quan và không gian mở bao gồm: không gian cảnh quan rừng, không gian cảnh quan nông nghiệp và không gian mở sông, suối, hồ.
- Tổ chức không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch hỗn hợp gắn với tiềm năng cảnh quan tự nhiên và các đô thị trung tâm;
- Tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh.
- Tổ chức không gian vùng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
l) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
- Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng: Phân tích, đánh giá về địa hình, các biến động địa chất, tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hướng đầu tư hệ thống hạ tầng toàn vùng; Công tác chuẩn bị nền xây dựng, xác định cốt khống chế tại các đô thị. Xác định lưu vực, hướng thoát nước chính; tích hợp với quy hoạch thủy lợi của vùng nghiên cứu. Các giải pháp về phòng chống và xử lý các tai biến địa chất, ngập lụt cục bộ, giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu.
- Giao thông: Chiến lược phát triển giao thông quốc gia liên quan trực tiếp đến vùng; Phân tích mô hình phát triển và xác định các trục giao thông chính của vùng; Tổ chức mạng lưới và xác định quy mô các tuyến giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường hàng không; Xác định tính chất, quy mô các công trình giao thông; Đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và hành lang bảo vệ các công trình giao thông.
- Cung cấp nước sinh hoạt: Xác định trữ lượng nguồn tài nguyên nước trong vùng; Các chỉ tiêu và tiêu chuẩn cấp nước; Dự báo tổng hợp các nhu cầu dùng nước; Các giải pháp cấp nước; Xác định quy mô các công trình đầu mối; Các giải pháp về bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Nghiên cứu giải pháp cấp nước phù hợp với đặc điểm tự nhiên của vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Cung cấp điện: Xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn cấp điện; Dự báo nhu cầu sử dụng điện; Xác định nguồn điện; Các giải pháp cấp điện.
- Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang: Xác định các chỉ tiêu nước thải, chất thải rắn, đất nghĩa trang theo loại đô thị; Dự báo tổng khối lượng nước thải, chất thải rắn, nhu cầu đất nghĩa trang; Các giải pháp lớn thoát nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang.
m) Đánh giá môi trường chiến lược: Phân tích dự báo các tác động tích cực và tiêu cực đối với môi trường. Các giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề môi trường, đặc biệt giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học; Đề xuất chương trình quản lý và quan trắc môi trường cho toàn vùng. Nghiên cứu lồng ghép đánh giá môi trường chiến lược và công tác quy hoạch môi trường và quy hoạch không gian.
n) Các chương trình ưu tiên đầu tư phát triển vùng:
- Các chương trình kết cấu hạ tầng: Phát triển các tuyến đường cấp vùng kết nối đường quốc gia; Nâng cấp cảng hàng không quốc tế Liên Khương; Xây dựng mạng lưới cung cấp năng lượng toàn vùng; Phát triển hệ thống cấp nước toàn vùng.
- Các chương trình nâng cao chất lượng sống bảo vệ môi trường: Phát triển không gian đô thị; Phát triển các công trình dịch vụ công cộng cấp quốc gia và vùng; Các chương trình kiểm soát bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ nguồn nước; Các chương trình phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái rừng; Chương trình phát triển khai khoáng và năng lượng trên cơ sở bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên.
o) Đề xuất mô hình quản lý và cơ chế chính sách liên kết phát triển vùng. Đề xuất cơ cấu tổ chức không gian lãnh thổ theo cơ chế đặc thù.
p) Đề xuất các giải pháp, nguồn lực và kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, hoàn thành các hồ sơ thủ tục trình Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch theo quy định.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát Nghị quyết này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nghị quyết này được đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa VIII, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 140/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2Nghị quyết 67/2015/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035
- 3Nghị quyết 155/2015/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 4Nghị quyết 61/NQ-HĐND năm 2017 thông qua Quy hoạch xây dựng vùng huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 704/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Xây dựng 2014
- 4Quyết định 1194/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 140/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 6Nghị định 44/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng
- 7Nghị quyết 67/2015/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035
- 8Nghị quyết 155/2015/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 9Nghị quyết 61/NQ-HĐND năm 2017 thông qua Quy hoạch xây dựng vùng huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Nghị quyết 147/2015/NQ-HĐND thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 147/2015/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 11/12/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra