Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 704/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2014 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch:
Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm: Thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm: Thị trấn Nam Ban và các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha, dân số 529.631 người (năm 2011). Trong đó, thành phố Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 39.440 ha, dân số 211.696 người (năm 2011).
Là Trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; Trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; Trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.
3. Mục tiêu phát triển: Xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
a) Quy mô dân số:
- Đến năm 2020, dự báo dân số khoảng 600.000 - 650.000 người, trong đó khoảng 40.000 - 50.000 người quy đổi từ khách du lịch. Dân số đô thị khoảng 350.000 - 400.000 người, trong đó khoảng 25.000 người quy đổi từ khách du lịch. Tỷ lệ đô thị hóa từ 55% đến 60%. Dự báo khách du lịch khoảng 5 đến 6 triệu người.
- Đến năm 2030, dự báo dân số khoảng 700.000 - 750.000 người, trong đó khoảng 70.000 - 80.000 người quy đổi từ khách du lịch. Dân số đô thị khoảng 450.000 - 500.000 người, trong đó khoảng 40.000 người quy đổi từ khách du lịch. Tỷ lệ đô thị hóa từ 60% đến 70%. Dự báo khách du lịch khoảng 9 đến 10 triệu người.
b) Quy mô đất đai:
- Đến năm 2020, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 8.000 - 9.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.000 - 3.500 ha. Đến năm 2030, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 11.000 - 12.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4.000 - 5.000 ha.
- Đất phát triển du lịch sinh thái rừng đến năm 2020 dự kiến khoảng 3.000 - 4.000 ha, đến năm 2030 dự kiến khoảng 6.000 - 7.000 ha (phần lớn nằm trong rừng phòng hộ và rừng sản xuất, không bao gồm mặt nước).
- Đất xây dựng nông thôn khoảng 2.500 - 3.500 ha.
5. Mô hình phát triển và cấu trúc không gian thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận:
Phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa - lịch sử.
Cấu trúc không gian: Cấu trúc khung lưu thông bao gồm tuyến vành đai vùng đô thị, các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung bộ (Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm, Phan Thiết) và Tây Nguyên (thành phố Buôn Mê Thuột). Cấu trúc các vùng đô thị bao gồm: Đô thị trung tâm thành phố Đà Lạt; vùng đô thị chia sẻ chức năng gồm đô thị Liên Khương - Liên Nghĩa, Finôm - Thạnh Mỹ và các đô thị vệ tinh Lạc Dương, Nam Ban, Đ’ran, Đại Ninh. Cấu trúc các vùng du lịch sinh thái rừng bao gồm vùng du lịch sinh thái rừng Đankia - Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm - hồ Prenn, hồ Đại Ninh. Cấu trúc vùng cảnh quan và không gian mở bao gồm vùng cảnh quan rừng Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng, vùng cảnh quan nông nghiệp Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, vùng cảnh quan hồ Đại Ninh, hồ Đa Nhim, hệ thống sông, suối, hồ Cam Ly và sông Đa Nhim.
6. Định hướng phát triển không gian thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030
a) Phân vùng phát triển:
- Vùng phát triển đô thị có tổng diện tích khoảng 11.600 ha bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm thành phố Đà Lạt có diện tích khoảng 5.900 ha; Vùng đô thị chia sẻ chức năng bao gồm đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương (huyện Đức Trọng) có diện tích khoảng 2.600 ha và đô thị Finôm - Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) có diện tích khoảng 1.700 ha; các đô thị vệ tinh gồm đô thị Lạc Dương (huyện Lạc Dương) có diện tích khoảng 300 ha, đô thị Đ’ran là trung tâm kinh tế phía Đông (huyện Đơn Dương) có diện tích khoảng 350 ha, đô thị Nam Ban (huyện Lâm Hà) là trung tâm kinh tế phía Tây có diện tích khoảng 500 ha, đô thị Đại Ninh (huyện Đức Trọng) có diện tích khoảng 350 ha.
- Vùng phát triển nông nghiệp và nông thôn có tổng diện tích khoảng 73.000 ha. Trong đó, vùng nông nghiệp (khoảng 70.400 ha) tập trung tại thành phố Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương. Các điểm dân cư nông thôn tập trung có tổng diện tích khoảng 2.600 ha.
- Vùng bảo tồn phát triển rừng có tổng diện tích khoảng 232.000 ha nằm tại vùng rừng phía Bắc (tại huyện Lạc Dương), xung quanh và phía Nam thành phố Đà Lạt (tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng).
- Vùng phát triển du lịch sinh thái rừng có diện tích khoảng 6.500 ha bao gồm 04 khu du lịch chính là khu du lịch hồ Đankia - Đà Lạt, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch hồ Prenn, khu du lịch hồ Đại Ninh và các khu du lịch khác nằm phân tán trên toàn vùng.
b) Định hướng không gian thành phố Đà Lạt
- Mục tiêu phát triển: Bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.
- Tính chất: Là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch hỗn hợp, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch văn hóa - lịch sử cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm thương mại - dịch vụ chất lượng cao, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, trung tâm bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị cấp vùng và quốc gia; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.
c) Quy mô phát triển:
- Quy mô dân số đô thị đến năm 2020 khoảng 220.000 - 230.000 người, đến năm 2030 khoảng 240.000 - 250.000 người (trong đó, khoảng 20.000 - 25.000 người là dân số quy đổi từ khách du lịch).
- Quy mô đất đai đến năm 2020, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 4.500 - 5.500 ha, trong đó đất dân dụng đô thị khoảng 2.000 - 2.300 ha; đến năm 2030 đất xây dựng đô thị khoảng 5.500 - 6.500 ha, trong đó đất dân dụng đô thị khoảng 2.400 ha - 2.700 ha.
- Định hướng phát triển không gian:
Mô hình phát triển và cấu trúc đô thị: Phát triển Đà Lạt theo mô hình tuyến vành đai và các trục hướng tâm theo hình nan quạt, kết nối với các trục cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng, cảnh quan địa hình và hệ thống công viên cây xanh.
Cấu trúc đô thị bao gồm:
+ Cấu trúc cảnh quan: Trục di sản Đông Tây và chuỗi mặt nước là các tuyến cảnh quan chính của đô thị; mạng lưới các hành lang cây xanh cảnh quan đô thị theo cấu trúc hình nan quạt kết nối với suối Cam Ly, chuỗi hồ và các thung lũng nông nghiệp sạch; vành đai rừng xung quanh bình nguyên Đà Lạt và các nêm xanh được duy trì giữa đô thị và các khu du lịch sinh thái hồ Tuyền Lâm, hồ Đankia - Đà Lạt; Thung lũng Tình Yêu và hồ Tuyền Lâm là các điểm nhấn cảnh quan ngoài đô thị; tầm nhìn về núi Lang Biang ở phía Bắc được bảo vệ trong cấu trúc cảnh quan đô thị của Đà Lạt.
+ Cấu trúc các khu đô thị: Bao gồm 04 khu vực: Khu đô thị trung tâm lịch sử, khu đô thị nông nghiệp sạch phía Bắc, các khu đô thị phát triển mở rộng phía Đông và phía Tây;
+ Cấu trúc các trục kết nối: Trục chính Đông - Tây là trục di sản (Hùng Vương - Trần Hưng Đạo - Trần Phú); các trục hướng tâm theo hướng Bắc - Nam theo hình nan quạt bao gồm trục Đinh Tiên Hoàng - Phù Đổng Thiên Vương, trục Trần Quốc Toản - Nguyên Tử Lực;... trục phụ theo hướng Đông - Tây Nguyễn Công Trứ - Trần Nhân Tông - Nguyễn Đình Chiểu; các đường vành đai của đô thị Đà Lạt; các trục liên kết đô thị với bên ngoài bao gồm tuyến quốc lộ 20 - Prenn - Mimosa - Đà Lạt - đường tỉnh 723, tuyến kết nối bằng tuyến xe điện Đankia - Cam Ly - Triệu Việt Vương - Tuyền Lâm - Prenn - quốc lộ 20, tuyến kết nối vành đai vùng Đ’ran - Đà Lạt - Nam Ban - Finôm - Thạnh Mỹ.
Định hướng không gian các khu đô thị
+ Khu đô thị trung tâm lịch sử (I): Quy mô dân số khoảng 80.000 người, diện tích khoảng 1.700 ha; là trung tâm hành chính - chính trị cấp thành phố và cấp tỉnh, trung tâm thương mại - dịch vụ du lịch hỗn hợp, trung tâm du lịch văn hóa, di sản cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm y tế cấp thành phố và cấp vùng, trung tâm bảo tồn không gian cảnh quan - không gian mở - không gian kiến trúc đô thị, trung tâm giáo dục - đào tạo cấp thành phố.
+ Khu đô thị phía Đông (II): Quy mô dân số khoảng 70.000 người, diện tích khoảng 1.700 ha; là trung tâm du lịch hỗn hợp, trung tâm điều dưỡng cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm văn hóa - nghệ thuật - công viên rừng cảnh quan cấp vùng và cấp quốc gia, trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng, trung tâm bảo tồn không gian kiến trúc - cảnh quan.
+ Khu đô thị phía Bắc (III): Quy mô dân số khoảng 40.000 người, diện tích khoảng 1.000 ha; là trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp quốc gia quốc tế, trung tâm du lịch nông nghiệp sinh thái đô thị, trung tâm du lịch cảnh quan, khu bảo tồn không gian cảnh quan tự nhiên và công viên thể dục thể thao.
+ Khu đô thị phía Tây (IV): Quy mô dân số khoảng 60.000 người, diện tích khoảng 1.400 ha; là trung tâm dịch vụ thương mại và giải trí, trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hỗn hợp, du lịch cảnh quan, du lịch nông nghiệp sinh thái đô thị.
Định hướng phân bố không gian ở: Diện tích đất khu ở đô thị là khoảng 1.850 ha bao gồm: Các khu ở chỉnh trang và phát triển hỗn hợp phân bố chủ yếu ở khu đô thị trung tâm lịch sử; các khu ở tập trung mật độ trung bình phân bố chủ yếu ở khu đô thị phía Tây và khu đô thị phía Đông; các khu ở nhà vườn mật độ thấp tập trung tại khu đô thị phía Bắc, khu vực nông nghiệp đô thị phía Tây và Bắc đô thị, và các khu ở mật độ thấp nằm phân tán bên ngoài đường vành đai.
Định hướng không gian các trung tâm chuyên ngành: Các trung tâm chuyên ngành có tổng diện tích là 520 ha, bao gồm:
+ Trung tâm chính trị, hành chính cấp tỉnh tập trung tại đường Lê Hồng Phong, Trần Phú, Trần Hưng Đạo.
+ Trung tâm y tế cấp vùng có tổng diện tích là 34 ha bao gồm bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, các bệnh viện đa khoa tư nhân và các bệnh viện chuyên khoa. Trung tâm điều dưỡng xây mới tại khu du lịch hỗn hợp hồ Chiến Thắng.
+ Trung tâm văn hóa - nghệ thuật có tổng diện tích là 37 ha được bố trí xen kẽ tại trục di sản, bao gồm Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh và Trung tâm văn hóa nghệ thuật cấp vùng và quốc gia xây mới gắn với tổng thể khu vực Dinh I tại khu đô thị phía Đông.
+ Trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học cấp vùng có tổng diện tích khoảng 361 ha, bao gồm Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Luật, Đại học Kiến trúc, Viện nghiên cứu sinh học, Viện Pasteur, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao,... Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân mới bố trí tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng (Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 22 tháng 4 năm 2014).
+ Trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng tập trung khu vực trục di sản và khu vực chợ Hòa Bình có tổng diện tích khoảng 75 ha. Bố trí một trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng tại khu du lịch hỗn hợp gần sân bay Cam Ly.
Định hướng không gian cảnh quan đô thị và không gian mở:
+ Hệ thống các công viên chuyên đề, công viên rừng, công viên thành phố, công viên cảnh quan dọc theo các tuyến mặt nước có tổng diện tích khoảng 1.320 ha (bao gồm cả diện tích mặt nước). Trong đó, công viên chuyên đề phía Nam Dinh I quy mô khoảng 150 ha là công viên chuyên đề về văn hóa - nghệ thuật; công viên chuyên đề tại phía Bắc hồ Măng Lin với quy mô khoảng 200 ha là công viên chuyên đề về bảo tồn đa dạng sinh học. Các công viên thành phố, công viên rừng cảnh quan, công viên thể dục thể thao khác có tổng diện tích khoảng 670 ha. Mạng lưới mặt nước đô thị có tổng diện tích khoảng 300 ha.
+ Tổng diện tích các công viên, cây xanh, thể dục thể thao phục vụ cho các khu đô thị khoảng 265 ha được phân bố rải rác và gắn kết với cấu trúc cây xanh cảnh quan và không gian mở của toàn đô thị.
+ Các thung lũng nông nghiệp sinh thái đô thị có diện tích khoảng 630 ha, nằm trong các thung lũng tại khu đô thị phía Bắc, khu đô thị phía Đông và phía Tây. Các thung lũng nông nghiệp sinh thái đô thị góp phần tạo nên cấu trúc cảnh quan đặc thù của đô thị Đà Lạt, gắn liền với hình ảnh của thành phố Đà Lạt và phục vụ phát triển du lịch.
Định hướng bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị:
+ Tôn tạo giá trị “trục di sản”; bảo tồn, tái cấu trúc và chuyển đổi chức năng cho các cụm, điểm công trình để trục di sản trở thành trục đi bộ với các dịch vụ du lịch cao cấp; bảo tồn các khu biệt thự, dinh thự có giá trị, các công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc như trường Cao đẳng sư phạm, nhà ga Đà Lạt...
+ Bảo tồn hệ thống hồ Xuân Hương gắn với đồi Cù, hồ Chiến Thắng, hồ Than Thở, hồ Mê Linh, hồ Vạn Kiếp, hồ Đa Thiện, hồ Tuyền Lâm và hệ thống suối Cam Ly.
Định hướng không gian du lịch:
+ Tổng diện tích đất du lịch hỗn hợp khoảng 350 ha bố trí tại trục di sản và các khu du lịch hồ Chiến Thắng, hồ Than Thở thuộc khu đô thị phía Đông và các khu du lịch gắn với công viên chuyên đề gần sân bay Cam Ly ở khu đô thị phía Tây.
+ Các không gian và hoạt động du lịch trong đô thị bao gồm: Phát triển du lịch di sản, văn hóa, lịch sử tại khu vực trục di sản; du lịch sinh thái, cảnh quan, văn hóa, Festival hoa tại các công viên đô thị và theo các tuyến cảnh quan suối, hồ và các công viên chuyên đề; du lịch cảnh quan nông nghiệp và trang trại giáo dục trong không gian nông nghiệp sạch; du lịch hội nghị - hội thảo tại khu đô thị trung tâm và khu du lịch hồ Chiến Thắng; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp các khu du lịch hỗn hợp; du lịch điều dưỡng, chữa bệnh tại khu du lịch hồ Chiến Thắng và các trung tâm y tế cấp vùng.
+ Các tuyến du lịch tại Đà Lạt bao gồm: Các tuyến đi bộ kết hợp với tuyến du lịch trục di sản và các công viên lớn; các tuyến du lịch cáp treo gồm tuyến cáp treo hiện hữu từ Tuyền Lâm đến đô thị Đà Lạt và tuyến cáp treo từ trung tâm của khu du lịch Đankia - Đà Lạt lên đỉnh núi Lang Biang.
+ Các cơ sở lưu trú bao gồm lưu trú cao cấp tại khu vực trục di sản, khu biệt thự Lê Lai, khu du lịch hồ Tuyền Lâm,... lưu trú cấp trung bình trong khu đô thị trung tâm và lưu trú dạng resort cao cấp trong các khu du lịch hỗn hợp tại khu đô thị phía Đông và phía Tây.
d) Định hướng không gian các đô thị vệ tinh trong vùng phụ cận của thành phố Đà Lạt:
- Đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương:
Quy mô và tính chất: Là đô thị loại 3, quy mô dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 95.000 - 105.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 2.600 ha. Là đô thị tổng hợp, trung tâm chính trị - hành chính huyện Đức Trọng, chia sẻ chức năng với thành phố Đà Lạt, cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và khu phi thuế quan cấp vùng.
Định hướng phát triển không gian:
+ Đô thị phát triển hỗn hợp theo mô hình nén dọc theo Quốc lộ 20 từ ngã tư Liên Hiệp về phía Nam với sông Đa Nhim là trục cảnh quan của đô thị và kết nối với khu du lịch hồ Đại Ninh ở phía Nam.
+ Tổng diện tích trung tâm chuyên ngành và phát triển thương mại dịch vụ hỗn hợp khoảng 180 ha. Trong đó, trung tâm hành chính - chính trị của huyện Đức Trọng nằm tại vị trí trung tâm đô thị Liên Nghĩa, có diện tích khoảng 4 ha. Trung tâm văn hóa - thể dục thể thao cấp vùng nằm tại vị trí hiện hữu, có diện tích khoảng 16 ha. Trung tâm thương mại và dịch vụ hỗn hợp cấp vùng tại đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương có diện tích khoảng 54 ha được bố trí dọc quốc lộ 20, phía Đông hồ Nam Sơn. Khu phi thuế quan thương mại - dịch vụ diện tích 106 ha bố trí ở phía Nam cảng hàng không quốc tế Liên Khương.
+ Diện tích khu ở đô thị khoảng 560 ha. Trong đó, khu dân cư cải tạo, chỉnh trang nằm tại trung tâm thị trấn Liên Nghĩa, khu dân cư mới mật độ cao nằm dọc theo tuyến đường Thống Nhất. Khu dân cư mật độ thấp dọc theo sông Đa Nhim, tuyến quốc lộ 20 và tuyến đường Thống Nhất về phía Nam. Khu dịch vụ công cộng đô thị bố trí tại trung tâm đô thị Liên Nghĩa và phía Nam hồ Nam Sơn.
+ Khu công nghiệp công nghệ cao được bố trí phía Nam cảng hàng không Liên Khương. Các khu công nghiệp Tân Phú và Phú Hội nằm ở phía Đông - Nam và Tây - Nam đô thị.
- Đô thị Finôm - Thạnh Mỹ:
Quy mô và tính chất: Là đô thị loại 4, quy mô dân số đô thị năm 2030 khoảng 55.000 - 65.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 1.700 ha. Là đô thị tổng hợp trung tâm chính trị - hành chính huyện Đơn Dương. Là đô thị chuyên ngành về nghiên cứu công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế, trung tâm hội chợ - triển lãm về sản phẩm nông nghiệp cấp vùng.
Định hướng phát triển không gian:
+ Phát triển không gian đô thị từ ngã ba Finôm theo quốc lộ 20 về phía Bắc đến ngã 3 vào hồ Đạ Ròn và quốc lộ 27 về phía Đông đến đô thị Thạnh Mỹ hiện hữu. Bảo vệ khu vực rừng phòng hộ trên vùng núi phía Bắc và hệ sinh thái cảnh quan ven sông phía Nam.
+ Tổng diện tích trung tâm chuyên ngành và phát triển hỗn hợp là khoảng 630 ha. Trong đó, trung tâm chính trị đô thị Đơn Dương bố trí tại trung tâm Thạnh Mỹ. Các trung tâm chuyên ngành cấp vùng xây mới bao gồm: Trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao (phía Tây Thạnh Mỹ) và trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo công nghệ (gần Đạ Ròn) có diện tích khoảng 360 ha; Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa cấp vùng có diện tích khoảng 90 ha và trung tâm hội chợ - triển lãm diện tích khoảng 80 ha bố trí tại khu vực gần hồ Đạ Ròn. Diện tích đất phát triển hỗn hợp khoảng 100 ha.
/
+ Tổng diện tích đất khu ở đô thị khoảng 370 ha. Trong đó, khu dân cư chỉnh trang bố trí tại trung tâm Thạnh Mỹ, khu ở mới mật độ cao và khu ở mới mật độ thấp được bố trí dọc quốc lộ 20 tại Finôm.
+ Không gian cây xanh, cảnh quan và không gian mở có diện tích khoảng 490 ha.
- Đô thị Lạc Dương:
Quy mô và tính chất: Là đô thị loại 5, quy mô dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 8.000 - 12.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 300 ha. Là trung tâm chính trị - hành chính huyện Lạc Dương, trung tâm du lịch văn hóa dân tộc bản địa, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao.
Định hướng tổ chức không gian:
+ Đô thị phát triển theo tỉnh lộ 726 và tuyến Lang Biang, gắn với khu du lịch sinh thái Đankia - Đà Lạt và vùng cảnh quan thiên nhiên rừng tự nhiên, núi Lang Biang và không gian cảnh quan nông nghiệp công nghệ cao.
+ Trung tâm chính trị huyện Lạc Dương và dịch vụ công cộng đô thị nằm tại vị trí trung tâm đô thị Lạc Dương hiện hữu. Tổng diện tích đất khu ở đô thị khoảng 90 ha. Không gian cây xanh, cảnh quan có diện tích khoảng 100 ha bao gồm công viên tập trung dọc theo tỉnh lộ 726 kết nối với vùng cảnh quan rừng tự nhiên và nông nghiệp ngoài đô thị.
- Đô thị Nam Ban:
Quy mô và tính chất: Là đô thị loại 4, quy mô dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 20.000 - 23.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 500 ha. Là đô thị chuyên ngành kinh tế phía Tây vùng phụ cận thành phố Đà Lạt, trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan và văn hóa bản địa.
Định hướng tổ chức không gian: Đô thị phát triển theo trục vành đai kết nối vùng đô thị và theo đường tỉnh 725, suối Cam Ly là trục cảnh quan đô thị. Đô thị kết nối với cảnh quan làng nghề, khu du lịch thác Voi về phía Nam và vùng du lịch nông nghiệp Tà Nung về phía Bắc. Tổng diện tích khu ở đô thị khoảng 130 ha, trong đó, khu dân cư cải tạo, chỉnh trang nằm tại trung tâm đô thị, khu dân cư mới nằm dọc theo đường vành đai vùng đô thị. Không gian dịch vụ công cộng nằm tại trung tâm đô thị, gắn với trục vành đai kết nối các vùng đô thị. Khu tiểu thủ công nghiệp nằm phía Tây - Bắc đô thị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là cafe và các ngành nghề truyền thống khác. Không gian cây xanh, cảnh quan và không gian mở có diện tích khoảng 190 ha.
- Đô thị Đ’ran:
Quy mô và tính chất: Là đô thị loại 5, quy mô dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 18.000 - 21.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 350 ha. Là đô thị chuyên ngành kinh tế phía Đông vùng phụ cận thành phố Đà Lạt, trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan hồ và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Định hướng tổ chức không gian: Đô thị phát triển theo trục vành đai, giao điểm quốc lộ 20 và quốc lộ 27, trục cảnh quan chính của đô thị là sông Đa Nhim. Đô thị được giới hạn bởi hồ Đơn Dương ở phía Bắc và vùng xả lũ dọc sông Đa Nhim ở phía Đông Nam. Diện tích khu ở đô thị là khoảng 110 ha, bao gồm khu dân cư cải tạo chỉnh trang ở trung tâm đô thị hiện hữu và khu dân cư mới được mở rộng về phía Tây - Nam theo quốc lộ 27. Không gian dịch vụ công cộng mới nằm vị trí giao giữa quốc lộ 27 và quốc lộ 20. Không gian cây xanh cảnh quan và không gian mở có tổng diện tích khoảng 150 ha.
- Đô thị Đại Ninh:
Quy mô và tính chất: Là đô thị loại 5, quy mô dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 14.000 - 16.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 350 ha. Là đô thị chuyên ngành dịch vụ du lịch gắn kết với khu du lịch sinh thái rừng hồ Đại Ninh.
Định hướng tổ chức không gian: Trục không gian chủ đạo là quốc lộ 20 và đường tỉnh 724 đi Bình Thuận. Diện tích khu ở đô thị là khoảng 90 ha là các khu ở mật độ thấp. Không gian dịch vụ công cộng phục vụ đô thị và khách du lịch được bố trí thành 2 cụm tập trung gần quốc lộ 20 và đường tỉnh 724. Diện tích du lịch hỗn hợp khoảng 180 ha gắn kết với khu du lịch hồ Đại Ninh.
đ) Định hướng không gian cảnh quan rừng và không gian mở của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận:
Hệ thống không gian cảnh quan rừng bảo tồn và phát triển phù hợp với Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích rừng khoảng 232.000 ha. Ngoài ra, khoảng 80% diện tích đất du lịch sinh thái rừng tại các khu du lịch Đankia - Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm, hồ Prenn, hồ Đại Ninh,...
Hệ thống cảnh quan mặt nước chính có tổng diện tích khoảng 6.530 ha, bao gồm: Hệ thống sông Đa Nhim, hệ thống các suối Phước Thành, Đa Thiện, Cam Ly, Đa Tam; hệ thống các hồ lớn Đại Ninh, Đa Nhim, Đankia, Suối Vàng, Prenn, Tuyền Lâm, Đạ Ròn; hệ thống các thác Ankroet, Cam Ly, Đatanla, Liên Khương, Pongour, Voi.
e) Định hướng không gian phát triển nông nghiệp và nông thôn của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận
Không gian phát triển nông nghiệp ngoài đô thị có diện tích khoảng 70.400 ha. Các vùng nông nghiệp lớn được bảo tồn những nét đặc trưng bao gồm khu vực trồng rau và hoa ở Đà Lạt, khu vực hoa màu rộng lớn phía Nam, vùng trồng cà phê phía Tây và vùng trồng chè phía Đông thành phố Đà Lạt.
Các điểm dân cư nông thôn tập trung có tổng diện tích khoảng 2.600 ha bao gồm trung tâm xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Tà Nung, Đạ Sar, Quảng Lập, Ka Đô và khu vực dân cư nông thôn dọc theo đoạn trục quốc lộ 20 - Prenn được phát triển theo mô hình dịch vụ du lịch và du lịch văn hóa bản địa và mô hình nông thôn mới.
g) Định hướng phát triển không gian du lịch sinh thái rừng và các hoạt động du lịch của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận
Tổng quy mô trong ranh giới các khu du lịch dưới tán rừng khoảng 15.200 ha, trong đó có 11.900 ha của 04 khu du lịch chính hồ Đankia - Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm, hồ Prenn và hồ Đại Ninh; còn lại 3.300 ha là các khu du lịch nằm phân tán, bao gồm khu du lịch hồ Đạ Ròn, Hàn Việt, thung lũng Tình Yêu, thác Voi, thác Hang Cọp, hồ Bãi Sậy, các khu du lịch trên đường tỉnh 723 đi Nha Trang.
Trong ranh các khu du lịch dưới tán rừng, tổng diện tích đất phát triển du lịch sinh thái khoảng 6.500 ha, còn lại là đất rừng và mặt nước cần bảo vệ. Trong đất phát triển du lịch sinh thái có khoảng 6.000 ha diện tích đất du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khoảng 500 ha diện tích đất du lịch hỗn hợp (thương mại - dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch...). Việc khai thác phát triển du lịch thực hiện theo quy định của Luật bảo vệ rừng và Luật đa dạng sinh học. Định hướng phát triển không gian các khu du lịch này như sau:
- Khu du lịch sinh thái Đankia - Đà Lạt là khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sắc đẹp, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch gôn, thể thao nước, trung tâm thương mại, làng đại học, sân gôn, trung tâm huấn luyện thể dục thể thao cấp quốc gia, du lịch cáp treo lên núi Lang Biang. Ranh giới của khu du lịch dưới tán rừng có quy mô khoảng 4.000 ha, trong đó, đất phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khoảng 780 ha, đất du lịch hỗn hợp là 307 ha (gồm đất phát triển hỗn hợp là 76 ha, làng đại học cấp quốc gia và quốc tế là 146 ha và trung tâm huấn luyện thể dục thể thao cấp quốc gia là 85 ha), còn lại là đất rừng phòng hộ và mặt nước cần bảo tồn.
- Khu du lịch hồ Tuyền Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch hỗn hợp, khu vui chơi giải trí cao cấp, khu du lịch tâm linh, sân gôn, casino, du lịch cáp treo. Ranh giới của khu du lịch dưới tán rừng có quy mô khoảng 2.900 ha, trong đó, đất phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khoảng 975 ha, đất du lịch hỗn hợp là 37 ha, còn lại là đất rừng phòng hộ và mặt nước cần bảo tồn.
- Khu du lịch hồ Prenn là khu du lịch tham quan, ngắm cảnh, khu vui chơi giải trí tập trung, khu du lịch sinh thái văn hóa dân tộc bản địa. Ranh giới của khu du lịch dưới tán rừng có quy mô khoảng 1.000 ha, trong đó, diện tích đất phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khoảng 172 ha, đất du lịch hỗn hợp là 6 ha, còn lại là đất rừng phòng hộ và mặt nước cần bảo tồn.
- Khu du lịch hồ Đại Ninh là khu nghỉ dưỡng, du lịch hỗn hợp, du lịch thể thao mặt nước. Ranh giới của khu du lịch dưới tán rừng có quy mô khoảng 4.000 ha, trong đó, đất phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khoảng 1.500 ha, đất du lịch hỗn hợp khoảng 120 ha, còn lại là đất rừng phòng hộ và mặt nước cần bảo tồn.
Phát triển du lịch điểm đến thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao giá trị rừng, du lịch giải trí xung quanh các hoạt động thiên nhiên, du lịch nông nghiệp, du lịch thương mại hội nghị, du lịch di sản, văn hóa được hình thành dọc theo trục di sản, du lịch văn hóa bản địa. Các sân gôn được quy hoạch bao gồm Sacom Tuyền Lâm, sân gôn Đạ Ròn, sân gôn K’rèn, sân gôn Đankia và sân gôn Đà Lạt (Đồi Cù).
h) Định hướng các không gian công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đầu mối hạ tầng kỹ thuật của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận:
Tổng diện tích khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 1.087 ha. Trong đó các khu công nghiệp có tổng diện tích 900 ha tập trung tại huyện Đức Trọng bao gồm: Khu công nghiệp công nghệ cao mới, khu công nghiệp Phú Hội, khu công nghiệp Tân Phú. Các khu tiểu thủ công nghiệp có tổng diện tích 187 ha bao gồm: Khu tiểu thủ công nghiệp Ka Đô (huyện Đơn Dương), khu tiểu thủ công nghiệp tại Nam Ban (Lâm Hà) và khu tiểu thủ công nghiệp tại Tà Nung và Xuân Trường (thành phố Đà Lạt).
Các đầu mối hạ tầng kỹ thuật có tổng diện tích khoảng 1.500 ha bao gồm cảng hàng không quốc tế Liên Khương, ga đường sắt, các bến xe, nhà máy điện, nhà máy nước, khu xử lý nước thải, nhà máy xử lý rác và các khu nghĩa trang.
7. Định hướng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030
a) Quy hoạch sử dụng đất cho thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận
Tổng diện tích đất tự nhiên 335.930 ha bao gồm đất xây dựng đô thị khoảng 11.700 ha, đất du lịch sinh thái rừng khoảng 6.500 ha, đất giao thông đối ngoại và đầu mối hạ tầng kỹ thuật khoảng 3.700 ha, đất an ninh - quốc phòng khoảng 2.500 ha, đất nông nghiệp và phát triển nông thôn khoảng 73.000 ha, đất rừng khoảng 232.000 ha, đất cảnh quan, mặt nước ngoài đô thị khoảng 6.530 ha.
b) Quy hoạch sử dụng đất cho thành phố Đà Lạt
Tổng diện tích đất tự nhiên là 39.440 ha bao gồm đất xây dựng đô thị khoảng 5.900 ha, đất du lịch sinh thái rừng khoảng 1.300 ha, đất giao thông đối ngoại và đầu mối hạ tầng kỹ thuật khoảng 790 ha, đất an ninh quốc phòng khoảng 390 ha, đất nông nghiệp và phát triển nông thôn khoảng 5.300 ha, đất rừng khoảng 25.000 ha và đất cảnh quan, mặt nước ngoài đô thị khoảng 760 ha.
Trong diện tích đất xây dựng đô thị, đất dân dụng là khoảng 2.650 ha, đất trung tâm chuyên ngành và phát triển hỗn hợp khoảng 520 ha, đất du lịch hỗn hợp khoảng 350 ha, đất giao thông đối ngoại và đầu mối hạ tầng kỹ thuật khoảng 400 ha, đất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là 30 ha, đất cây xanh, cảnh quan và không gian mở ngoài dân dụng khoảng 1320 ha, đất nông nghiệp sạch đô thị khoảng 630 ha.
8. Định hướng thiết kế đô thị:
a) Hướng dẫn thiết kế đô thị cho thành phố Đà Lạt
Khung thiết kế đô thị tổng thể: Các trục không gian chủ đạo bao gồm trục di sản Đông - Tây, các trục hướng tâm kết nối với trục di sản theo hình nan quạt; các trục cảnh quan suối Cam Ly và tuyến công viên kết nối với chuỗi hồ và các địa danh, thắng cảnh trong đô thị. Các vùng kiểm soát kiến trúc cảnh quan bao gồm khu trung tâm Đà Lạt, khu đô thị phía Bắc, khu đô thị phía Đông, khu đô thị phía Tây.
Công trình biểu tượng: Được tổ chức trên đỉnh núi Lang Biang gắn với ý nghĩa văn hóa lịch sử và cảnh quan núi Lang Biang.
Các công trình điểm nhấn bao gồm các công trình kiến trúc trên trục di sản và các công trình di sản bảo tồn như Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, Ga đường sắt, khu Dinh 1, Dinh 2, Dinh 3, Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện Pasteur, trường Dân tộc nội trú,... Các không gian công cộng chuyên ngành.
Hướng dẫn về mật độ xây dựng: Khu đô thị trung tâm lịch sử truyền thống là khu vực có mật độ xây dựng cao nhất theo lô đất, khoảng 50 - 70%; khu vực có mật độ trung bình khoảng 30 - 50% là các khu vực kế cận 2 bên khu đô thị phía Bắc, thuộc khu đô thị phía Đông và khu đô thị phía Tây. Khu vực có mật độ xây dựng thấp nhất là khu đô thị phía Bắc và các khu vực nằm gần vành đai phía Đông và Tây đô thị, mật độ xây dựng trung bình khoảng 20 - 40% theo lô đất.
Hướng dẫn về tầng cao: Khu đô thị trung tâm có tầng cao trung bình tối đa là 3 - 5 tầng (một số công trình điểm nhấn cao trên 05 tầng). Khu đô thị phía Đông và Tây có số tầng cao tối đa là 5 - 7 tầng. Khu đô thị phía Bắc có số tầng cao tối đa là 5 tầng.
Hướng dẫn về không gian bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị:
- Khu vực bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan bao gồm: Khu vực trục di sản, khu vực trung tâm, khu hỗn hợp phía Đông Hồ Xuân Hương, khu đồi Cù, đại học Đà Lạt, chợ Đà Lạt, tuyến mặt nước và cây xanh cảnh quan từ Hồ Xuân Hương, kết nối với hồ Than Thở, hồ Chiến Thắng, trục suối Cam Ly.
- Bảo tồn khung cảnh quan đô thị đặc thù bao gồm: Bảo tồn và khai thông hệ thống mặt nước lịch sử; bảo tồn hệ thống rừng tự nhiên trong đô thị, hệ thống công viên, tuyến cây xanh và không gian mở, không gian nông nghiệp sinh thái đô thị; bảo tồn các góc nhìn lịch sử và hiện tại; bảo tồn đường tới hạn của bình nguyên và rừng tự nhiên ngoài đô thị.
- Bảo tồn hệ thống di sản kiến trúc.
Hướng dẫn về công viên cây xanh cảnh quan đô thị:
- Hệ thống công viên cảnh quan đô thị bao gồm: Các công viên lớn gắn với các địa danh nổi tiếng hồ Xuân Hương, hồ Chiến Thắng, hồ Đa Thiện, hồ Than Thở, các không gian rừng cảnh quan tự nhiên là không gian cho các hoạt động cộng đồng và các lễ hội. Các tuyến công viên đi dạo theo các tuyến thủy văn của thành phố.
- Mạng lưới cây xanh cảnh quan và không gian mở là không gian đa chức năng bao gồm: Công trình kết hợp hài hòa với không gian xanh, nguồn nước và nơi xử lý nước, trung tâm của cuộc sống đô thị như nơi gặp gỡ trao đổi, nơi vui chơi cho trẻ em, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư,...
b) Hướng dẫn thiết kế đô thị cho các đô thị vệ tinh và các khu du lịch:
Đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương: Tạo ra các ô phố có vườn và các đường liên kết cấu trúc đô thị bao gồm đường dạo trong lõi ô phố tách biệt với đường giao thông được mở rộng ở bên ngoài, số tầng cao tối đa: Khu dịch vụ công cộng gắn với công viên hồ Nam Sơn là 3 tầng; các khu vực dân cư cải tạo, chỉnh trang và khu vực dân cư mới là 7 - 12 tầng. Công trình điểm nhấn đô thị như Trung tâm thương mại cấp vùng có thể cao đến 15 tầng. Khu công nghiệp công nghệ cao được quy hoạch giống như một công viên sinh thái. Số tầng cao tối đa là 6 tầng. Các công trình xây dựng phải đáp ứng các tiêu chuẩn cho công trình thân thiện với môi trường. Mật độ xây dựng theo lô đất khoảng 50 - 70% cho khu vực cải tạo chỉnh trang và khu dân cư mật độ cao và 30 - 50% đối với khu dân cư mật độ thấp, khu công nghiệp công nghệ cao và khu phi thuế quan. Mật độ xây dựng gộp của đô thị khoảng 30 - 35%.
Đô thị Finôm - Thạnh Mỹ: Đặc trưng đô thị là những công trình trung tâm chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế có thiết kế kiến trúc hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hài hòa với cảnh quan tự nhiên. Mật độ xây dựng tối đa cho các công trình này khoảng 30 - 40%, tạo ra các không gian xanh sinh thái rộng và liên kết với nhau. Số tầng cao tối đa là khoảng 5 - 7 tầng, có thể có công trình điểm nhấn cao đến 15 tầng ngoài khu vực kiểm soát tĩnh không của sân bay Liên Khương. Đối với các khu vực dân cư, mật độ xây dựng tối đa khoảng 50 - 70% và tầng cao tối đa là 5 - 7 tầng. Mật độ xây dựng gộp của đô thị khoảng 25 - 30%.
Các đô thị Nam Ban, D’ran. Lạc Dương: cần bảo tồn không gian đô thị nông nghiệp đặc trưng và tái cấu trúc trung tâm các thị trấn và các khu dân cư hiện hữu. Bảo tồn các không gian văn hóa bản địa và các di tích kiến trúc. Hình thành các khu dân cư mới với mật độ xây dựng thấp hài hòa với cảnh quan địa hình và cảnh quan tự nhiên đặc thù. Mật độ xây dựng chung cho đô thị khoảng 30 - 50% theo lô đất và mật độ xây dựng gộp khoảng 20 - 25%, tầng cao tối đa là 5 - 7 tầng. Đảm bảo không gian cây xanh cảnh quan đô thị kết nối với không gian nông nghiệp, rừng, sông, suối tự nhiên. Tầm nhìn tới những không gian cảnh quan rừng núi hoặc không gian nông nghiệp chuyên canh hoa màu ở khu vực thấp, các vùng trồng chè và cafe trên đồi góp phần tạo ra nét đặc trưng của từng đô thị.
Các điểm dân cư nông thôn tập trung: Bảo tồn, phát huy các yếu tố cảnh quan đặc thù riêng là hệ sinh thái nông nghiệp, rừng, mặt nước. Tôn trọng cấu trúc làng nông nghiệp và kiến trúc truyền thống bản địa. Tổ chức không gian trung tâm dịch vụ công cộng tập trung của làng. Tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan kết hợp với các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp, làng xã và văn hóa truyền thống dân tộc bản địa.
Khu du lịch sinh thái hồ Đankia - Đà Lạt: Bảo vệ đỉnh Lang Biang và cảnh quan rừng. Phát triển không gian nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại bờ hồ phía Tây - Bắc và phía Nam, có tính đến yếu tố sườn đồi dốc có rừng bao phủ. Hình thành một khu dịch vụ tổng hợp trên bờ Đông - Nam. Phát triển một trung tâm đại học và trung tâm huấn luyện thể dục thể thao ở phía Nam của khu vực này. Xây dựng tuyến cáp treo nối với đỉnh Lang Biang; bảo vệ khu vực cấp nước; quy hoạch các nêm xanh ngăn cách các khu phát triển đô thị với Lạc Dương và Đà Lạt. Mật độ xây dựng đối với các dự án không quá 20% (bao gồm: Các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe) và số tầng cao tối đa là 3 - 5 tầng.
Khu du lịch sinh thái hồ Tuyền Lâm: Giới hạn phát triển ở quy mô hợp lý. Duy trì vùng đệm xanh ngăn cách khu hồ Tuyền Lâm với đô thị Đà Lạt và tuyến đèo Prenn. Xem xét đến hình dáng hẹp của hồ và các nhánh nước để xác định các tầm nhìn cần bảo vệ ra phía hồ nước và môi trường thiên nhiên. Các khu phát triển dự án được xác định trên cơ sở khung cấu trúc cảnh quan rừng, hồ. Các dự án cũng được quy định chặt chẽ về loại hình kiến trúc, chiều cao, mật độ xây dựng và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật môi trường. Hình thành không gian đi bộ theo bờ hồ, tạo ra tính liên tục và kết nối cảnh quan giữa các khu vực dự án khác nhau. Mật độ xây dựng đối với các dự án không quá 20% (bao gồm: Các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe) và số tầng cao tối đa là 3 - 5 tầng.
Khu du lịch sinh thái hồ Prenn: Khai thác các yếu tố cảnh quan, tiềm năng du lịch của khu vực hồ Prenn và thác Prenn. Hình thành không gian đi bộ theo bờ hồ, tạo ra tính liên tục và kết nối cảnh quan. Mật độ xây dựng đối với các dự án không quá 20% (bao gồm: Các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe) và số tầng cao tối đa là 3 - 5 tầng.
Khu du lịch sinh thái hồ Đại Ninh: Tổ chức các không gian và hoạt động vui chơi giải trí, thể thao mặt nước tại hồ Đạ Ninh. Phát triển các không gian nghỉ dưỡng tại các bờ phía Bắc, Nam và Đông Nam. Hạn chế mật độ mạng lưới hạ tầng. Bảo vệ các đồi rừng trong và vùng sinh thái ven sông Đa Nhim. Bảo vệ tuyến không gian xanh kết nối giữa Liên Nghĩa và các khu resort. Mật độ xây dựng đối với các dự án không quá 20% (bao gồm: Các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe) và số tầng cao tối đa là 3 - 5 tầng.
9. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận
a) Định hướng quy hoạch giao thông
Giao thông đối ngoại:
- Giao thông hàng không: Tiếp tục cải tạo nâng cấp cảng hàng không Liên Khương và sân bay quân sự cấp 2. Tiếp tục cải tạo, nâng cấp sân bay Cam Ly nhằm phục vụ cho mục đích du lịch kết hợp quốc phòng khi cần thiết.
- Giao thông đường sắt: Xây dựng, phục hồi lại tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, cải tạo, nâng cấp nhà ga Đà Lạt, Trại Mát và Đ’ran phục vụ du lịch và hoạt động của tuyến.
- Giao thông đường bộ: Tiếp tục hoàn thiện, nối dài đường cao tốc Liên Khương - Prenn đến Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) với quy mô 4 làn xe (dự kiến triển khai xây dựng trước năm 2020). Cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ như quốc lộ 20, quốc lộ 27, đường Trường Sơn Đông theo tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe. Đối với các đoạn qua đô thị sẽ mở rộng, nâng cấp theo cấp đường chính đô thị. Xây dựng mới đường vành đai thành phố Đà Lạt. Cải tạo nâng cấp tuyến đường tỉnh 723 đi Nha Trang thành quốc lộ. Cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ hiện hữu.
Giao thông thành phố Đà Lạt
- Đường vành đai: Quy hoạch đường vành đai ngoài của thành phố gồm các đoạn tuyến như sau: Đường Cam Ly - Ankoret - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Thánh Mẫu - Mai Anh Đào - đoạn mở mới đến đường tỉnh 723 - đường tỉnh 723 - Hùng Vương - tuyến mở mới phía Nam. Mặt cắt ngang tuyến vành đai tối thiểu 3 làn xe.
- Trục chính đô thị bao gồm:
+ Các trục đường Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương; trục đường Nguyễn Công Trứ - Trần Nhân Tông - Nguyễn Đình Chiểu - Trần Quý Cáp; trục đường Nguyễn Văn Cừ - Yersin - Quang Trung - Phan Chu Trinh;
+ Các trục dọc bao gồm: Trục đường 3 tháng 4 - Hồ Tùng Mậu - Đinh Tiên Hoàng - Phù Đổng Thiên Vương; trục đường Trần Quốc Toản - Nguyên Tử Lực; trục đường Trần Lê - Ba tháng Hai - Phan Đình Phùng - Xô Viết Nghệ Tĩnh; trục đường Hồ Xuân Hương - Ngô Gia Tự.
+ Trục đường chính phía Đông: Từ đường Nguyễn Đình Chiểu dọc theo suối nối vào đường hiện hữu tới đường Mai Anh Đào.
+ Trục đường chính phía Tây: Từ đường Hoàng Văn Thụ đi theo đường Trần Văn Côi tới tỉnh lộ 722.
- Các trục chính của thành phố Đà Lạt được cải tạo chỉnh trang đảm bảo phần xe chạy tối thiểu 3 - 4 làn xe, hoàn thiện vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước và cây xanh đường phố tạo cảnh quan đô thị.
+ Đường khu đô thị: Các tuyến đường chính được cải tạo nâng cấp đối với các tuyến hiện hữu. Đối với các khu vực mới phát triển các tuyến đường chính khu vực sẽ xây dựng mới với mặt đường rộng tối thiểu từ 9 - 12 m, lộ giới từ 17 - 22 m.
Giao thông các đô thị trong vùng phụ cận: Hệ thống giao thông đô thị được xây dựng đồng bộ và hiện đại trên cơ sở mạng lưới khung giao thông của vùng quy hoạch.
Giao thông nông thôn: Các tuyến đường huyện trong khu vực thiết kế sẽ được đầu tư nâng cấp tới tất cả các trung tâm xã trong vùng và kết nối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ hoàn chỉnh, đảm bảo xe ô tô lưu thông tới tất cả các xã.
Các công trình đầu mối:
- Tại thành phố Đà Lạt: Cải tạo nâng cấp bến xe liên tỉnh tại số 01 đường Tô Hiến Thành (bến xe loại 1 - diện tích 15.000 m2). Quy hoạch bổ sung một bến xe loại 1, diện tích 15.000 m2 nằm ở phía Đông - Bắc thành phố Đà Lạt, khu vực ngã 3 quốc lộ 20 và ĐT.723. Quy hoạch bổ sung một bến xe loại 2 (diện tích 13.700 m2) nằm ở phía Tây thành phố Đà Lạt, khu vực gần giao lộ Hoàng Văn Thụ - Cam Ly Măng Lin. Xây dựng bến xe tại gần giao lộ Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Mẫu đạt tiêu chuẩn loại V, diện tích khoảng 3.500 m2. Xây dựng bến xe các xã Xuân Trường, xã Tà Nung tại khu vực Trung tâm xã, mỗi bến xe có diện tích khoảng 500 m2 đạt tiêu chuẩn bến xe loại 6.
- Tại Lạc Dương, xây dựng bến xe trung tâm đô thị Lạc Dương, bến xe trung tâm cụm xã Đạ Nhim, và tại các xã Đạ Chairs, xã Đưng K’Nớ, Đạ Nghịt... Tại Đơn Dương, xây dựng bến xe trung tâm đô thị Đơn Dương, bến xe đô thị Đ’ran; bến xe các xã Ka Đô, xã Tu Tra, xã P’Róh. Tại Đức Trọng, nâng cấp bến xe trung tâm đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương, xây dựng bến xe trung tâm cụm xã Ninh Gia; bến xe Finôm - xã Hiệp Thạnh và các bến xe tại các trung tâm xã trong huyện.
- Nút giao thông: Trên đường cao tốc khi giao với các tuyến đường ngang sẽ xây dựng các nút giao khác cốt.
Giao thông công cộng:
- Tổ chức mạng lưới giao thông công cộng gồm: Các tuyến xe khách liên tỉnh, liên huyện tại các đô thị trong vùng; các tuyến xe buýt, xe taxi của thành phố Đà Lạt, đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương và từ 2 đô thị này tới các đô thị khác trong khu vực; các tuyến xe phục vụ du khách tới các điểm du lịch và tham quan thành phố.
- Trong tương lai cần tổ chức tuyến xe điện từ Đại Ninh - Liên Khương về Prenn, kết nối với các tuyến monorail tới các điểm trung tâm và các khu du lịch lớn trong Đà Lạt. Trong các khu du lịch tổ chức các loại hình giao thông khác như cáp treo, xe điện, xe ngựa... để phục vụ du khách.
- Giao thông công cộng tại Đà Lạt: Tiếp tục duy trì và nâng cấp các tuyến xe buýt đang hoạt động và khai thác thêm các tuyến xe buýt trên các trục chính đô thị dự kiến và tuyến vành đai dự kiến. Xây dựng các tuyến monorail phục vụ du lịch; tuyến ga Đà Lạt đi Prenn kết nối với tuyến xe điện từ Prenn đi Liên Khương, Đại Ninh.
b) Định hướng chuẩn bị kỹ thuật:
Quy hoạch san nền: Tuân thủ nguyên tắc tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa việc đào đắp và đảm bảo yêu cầu thoát nước đô thị, bảo vệ mặt phủ tự nhiên, không bị ảnh hưởng của các tác động bất lợi của thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Chọn cao độ khống chế cốt xây dựng của các khu đô thị được lựa chọn theo cao độ địa hình và chế độ thủy văn của sông suối tại khu vực đô thị; tuân thủ quy chuẩn hiện hành.
Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa: Hệ thống thoát nước mưa của các đô thị được thiết kế phù hợp với quy hoạch thủy lợi. Hướng thoát nước tự chảy theo địa hình tự nhiên. Các tuyến thoát nước mưa xây dựng mới tách riêng với nước thải sinh hoạt bằng hệ thống cống và mương hở thoát trực tiếp ra hồ, sông, suối. Các tuyến thoát nước hiện hữu được cải tạo nâng cấp từng bước tách nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường.
Hệ thống thoát nước mưa của các khu dân cư nông thôn: Đối với các đô thị nhỏ và khu vực dân cư nông thôn có thể cho phép xây dựng hệ thống thoát nước chung nhưng đối với nước thải sinh hoạt phải được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại hoặc hồ sinh học trước khi thoát vào hệ thống thoát nước chung và xả ra sông hồ.
Thành phố Đà Lạt: Đối với khu vực trung tâm hiện hữu, từng bước cải tạo, tách nước bẩn đưa về trạm xử lý và tăng cường cải tạo hệ thống thoát nước mưa hiện hữu đảm bảo thoát nước tốt. Đối với các khu vực dự kiến phát triển mới, xây dựng hệ thống thoát nước mưa tách riêng với nước bẩn sinh hoạt. Lưu vực phía Đông thành phố có hướng thoát nước chủ yếu về các hồ và suối hiện hữu thuộc lưu vực của hồ Xuân Hương (như hồ Chiến Thắng, hồ Mê Linh, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện) sau đó thoát ra suối Cam Ly; lưu vực phía Tây thành phố có hướng thoát nước chủ yếu về các hồ Vạn Kiếp, hồ Bạch Đằng và một số hồ khác thoát về suối Cam Ly; lưu vực phía Nam thành phố có hướng thoát chủ yếu về hồ Tuyền Lâm và hồ Prenn.
c) Định hướng quy hoạch cấp nước:
Nguồn nước: Khai thác sử dụng hợp lý các nguồn nước ưu tiên nước mặt từ sông, hồ trong khu vực, hạn chế sử dụng nước ngầm.
Các nhà máy nước có tổng công suất Q 2020 là 99.000 (m3/ngày đêm), Q 2030 là 173.500 (m3/ngày đêm), gồm các nhà máy nước chính: Nhà máy nước Đankia 1 đạt 49.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước Đankia 2 đạt 25.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước hồ Tuyền Lâm đạt 15.000 m3/ngày đêm. Nhà máy nước Liên Nghĩa đạt 20.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước Thạnh Mỹ đạt 15.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước đô thị Đ’ran đạt 4.000 m3/ngày đêm...
Xây dựng hệ thống đường ống truyền tải, bể chứa, trạm bơm cấp, hệ thống đường ống phân phối hoàn chỉnh cấp nước cho tất cả các khu đô thị.
Cấp nước nông thôn: Đối với các thị tứ, trung tâm cụm xã, khai thác nước cho các trạm cấp nước tập trung quy mô nhỏ; các khu vực nông thôn khác trong vùng sử dụng hệ thống cấp nước phân tán.
Đối với đô thị Đà Lạt: Nhu cầu dùng nước đến năm 2020 là Q = 56.500 m3/ngày và đến năm 2030 là Q = 72.200 m3/ngày. Các nhà máy nước cấp nước cho đô thị bao gồm nhà máy nước Đankia 1, nhà máy nước Đankia 2 và nhà máy nước hồ Tuyền Lâm. Hệ thống truyền tải nước chính bao gồm 8 bể chứa nước hiện hữu và 4 bể chứa nước xây mới. Tất cả các bể này đều nằm trên địa hình cao với các ống cấp nước từ D200 - D800 nối thành mạch vòng. Mở rộng mạng lưới cấp nước đảm bảo cấp nước sạch cho toàn bộ dân cư của thành phố Đà Lạt, các khu đô thị, dân cư mới đang được xây dựng. Đường kính ống từ D100 - D800.
d) Định hướng quy hoạch cấp điện:
Tổng phụ tải điện toàn khu vực đến năm 2020 là 270MW, đến năm 2030 là 515MW. Các nguồn điện bao gồm nguồn điện hiện hữu là trạm 220kV Đa Nhim, trạm 220kV Bảo Lộc và các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.
Lưới điện truyền tải 220 - 110kV: Xây dựng các tuyến cao thế liên kết 220kV, 110kV: Tuyến 220kV Đa Nhim - Đức Trọng - Di Linh mạch 2, tuyến 110kV Đức Trọng - Đà Lạt 1, Đức Trọng - Lâm Hà, Lâm Hà - Suối Vàng. Đề xuất nâng công suất các trạm biến thế 220kV và 110kV hiện hữu và xây dựng mới trạm 220kV Đức Trọng, trạm 110kV Đà Lạt 1 và 2, Suối Vàng, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, xây dựng mới trạm 110/22kV Nam Ban.
Lưới điện phân phối: Cải tạo lưới trung hạ thế hiện hữu, nâng công suất tải điện của lưới phân phối, từng bước ngầm hóa trong phạm vi trung tâm đô thị hiện hữu. Xây dựng các tuyến cấp điện vào các khu đô thị mới.
Cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng đô thị phù hợp với chức năng của công trình và tiêu chuẩn quy định.
Đối với thành phố Đà Lạt:
- Tổng phụ tải điện dự kiến đến năm 2020 là 133MW và năm 2030 là 229MW. Nguồn cấp điện bao gồm trạm 220kV Đa Nhim, trạm 220kV Bảo Lộc và các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.
- Đối với lưới điện truyền tải 110kV: Xây dựng mới đường dây 110kV mạch kép đấu nối từ trạm 220/110kV Đức Trọng vào đường dây 110kV Đức Trọng - Đà Lạt 1; xây dựng mới đoạn đấu nối 110kV mạch kép đấu nối từ đường dây 110kV Đa Nhim - Suối Vàng vào trạm Đà Lạt 2; nâng công suất trạm 110kv Đà Lạt 1 và 2 lên 2x63MVA; xây dựng trạm 110/22kV - 2x40MVA cấp điện cho đô thị Nam Ban và khu công nghiệp Nam Ban.
- Đối với lưới điện phân phối, cải tạo lưới trung hạ thế hiện hữu, nâng công suất tải điện của lưới phân phối. Tùy theo điều kiện cho phép trong các trung tâm đô thị dùng cáp ngầm, khu vực ngoài đô thị dùng cáp đi trên không. Xây dựng các tuyến cấp điện vào các khu đô thị mới.
- Về chiếu sáng đô thị, mạng điện chiếu sáng công cộng được vận hành ở cấp điện áp 230/400V; nên sử dụng các trạm hạ áp 22/0,4kV chuyên dùng riêng để cấp điện cho hệ thống chiếu sáng giao thông; ở các khu vực trung tâm đô thị, cáp được chôn ngầm hoặc được đặt trong những rãnh đặt cáp (đường dây ngầm); ở khu vực ngoại thành, nông thôn, cáp điện được treo trên trụ (đường dây nổi).
đ) Định hướng quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:
Về thoát nước thải:
- Tỷ lệ thu gom nước thải đô thị đạt 100%. Cải tạo, nâng cấp hệ thống cống hiện hữu tại các trung tâm đô thị cũ, từng bước tách dòng thu gom nước thải về trạm xử lý. Các khu vực xây dựng mới phải xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng, xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở y tế, công nghiệp phải thu gom và xử lý nước thải riêng. Nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt đạt 43.000 m3/ngày đêm, xây dựng mới các nhà máy xử lý nước thải tại các khu du lịch ở Đà Lạt và các đô thị khác trong vùng.
- Các trạm xử lý nước thải phải đảm bảo vệ sinh môi trường, có dây chuyền công nghệ hiện đại và xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn hiện hành trước khi xả ra môi trường. Khu vực nông thôn có thể xây dựng hệ thống thoát chung nhưng phải có xử lý sơ bộ và xử lý sinh học trong điều kiện tự nhiên.
- Đối với thành phố Đà Lạt: Lưu lượng nước thải sinh hoạt của người dân đô thị năm 2030 là 35.700 m3/ngày; lưu lượng nước thải sinh hoạt của khách du lịch năm 2030 là 6.600 m3/ngày; lưu lượng nước thải sinh hoạt của 2 khu du lịch Tuyền Lâm và Prenn năm 2030 là 2.700 m3/ngày. Giải pháp xử lý nước thải gồm: Xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng với hệ thống thoát nước mưa; nâng công suất trạm xử lý nước thải Đà Lạt đến năm 2030 Q = 43.000 m3/ngày; nước thải sinh hoạt được thu gom về trạm xử lý làm sạch đạt tiêu chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT trước khi xả ra môi trường.
Về xử lý chất thải rắn:
- Đối với thành phố Đà Lạt, lượng rác thải sinh hoạt đến năm 2030 là 375 tấn/ngày; của 2 khu du lịch Tuyền Lâm và Prenn là 10 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt đạt 90 - 100%. Khu xử lý chất thải rắn xây mới tại Xuân Trường quy mô 50 ha.
- Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt đối với các đô thị khác đạt 60 - 80%, các khu công nghiệp đạt 100%. Các đô thị Lạc Dương, Đ’ran cũng sử dụng khu xử lý chất thải rắn tại xã Xuân Trường. Khu xử lý chất thải rắn mới Gia Lâm cho đô thị Nam Ban và khu xử lý chất thải rắn mới tại xã Tân Thành cho các đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương, Finôm - Thạnh Mỹ.
- Rác thải cần được phân loại tại nguồn, rác độc hại và rác thải y tế được xử lý riêng. Các khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn chọn công nghệ xử lý hiện đại. Các khu xử lý chất thải rắn quy mô nhỏ tại nông thôn sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.
Nghĩa trang: Xây dựng 02 nghĩa trang mới tại xã Xuân Trường quy mô 50 ha và tại xã Tà Nung có quy mô 50 ha và xây dựng đài hỏa táng sử dụng cho thành phố Đà Lạt và toàn vùng. Ngoài ra, tại các đô thị khác xây dựng nghĩa trang riêng có quy mô 10 - 20 ha.
e) Định hướng quy hoạch thông tin liên lạc:
Phát triển hệ thống thông tin liên lạc theo hướng hiện đại, công nghệ mới hội tụ được các loại hình viễn thông, Internet, truyền hình. Phát triển nâng cao chất lượng mạng lưới bưu chính. Xây dựng hạ tầng thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai, quốc phòng, an ninh.
10. Đánh giá môi trường chiến lược thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận:
- Bảo vệ hệ sinh thái, động thực vật và đa dạng sinh học thông qua việc bảo tồn vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, các vùng cảnh quan rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại Lạc Dương, Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương. Bảo vệ hệ sinh thái mặt nước và ven mặt nước trên toàn vùng.
- Bảo vệ hệ thống nước mặt bao gồm hệ thống sông Đa Nhim, suối CamLy (đầu nguồn hệ thống sông Đồng Nai) và các hồ trong vùng như hồ Đankia, Tuyền Lâm, Đanhim, Đại Ninh ...
- Bảo vệ nguồn nước ngầm, tránh tác động làm ô nhiễm do nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang và chất hóa học dùng trong nông nghiệp.
- Quản lý khai thác tài nguyên rừng, khoáng sản, thủy điện. Giảm thiểu các ô nhiễm về không khí, đất và nguồn nước do khai thác tài nguyên gây nên.
- Giảm thiểu các tác động môi trường do nông nghiệp, du lịch và đô thị; chuyển đổi dần sang nền nông nghiệp sạch. Kiểm soát phát triển cho các khu du lịch đặc biệt là tác động tới các hồ cấp nước tại các khu du lịch.
- Đối với đô thị trung tâm thành phố Đà Lạt, đảm bảo cân bằng về sử dụng đất, bảo tồn các công trình văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh.
11. Các chương trình và dự án:
a) Các dự án hạ tầng kỹ thuật:
- Đầu tư xây dựng trục đường cao tốc kết nối Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt; cải tạo nâng cấp quốc lộ 20, nâng cấp tỉnh lộ 723 thành quốc lộ, xây dựng tuyến đường tránh nối quốc lộ 20 và tỉnh lộ 723 hiện hữu.
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 20, quốc lộ 27, tỉnh lộ 725 để kết nối Đà Lạt, Dran, Finôm - Thạnh Mỹ, Nam Ban.
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến xe bus để kết nối các đô thị và các điểm du lịch trong vùng.
- Hoàn thiện tuyến Đông Trường Sơn kết nối vùng Tây Nguyên; kết nối tỉnh lộ 726 và 725 hình thành đường vành đai phía Tây.
- Mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Liên Khương, kết nối đường bay quốc gia và quốc tế.
- Cải tạo các hồ, suối tại đô thị Đà Lạt, nâng cấp các nhà máy nước, khu xử lý nước thải, chất thải rắn tại các đô thị.
b) Các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội:
- Tiếp tục đầu tư, đưa vào khai thác các khu du lịch tổng hợp, các danh lam thắng cảnh; xây dựng trung tâm văn hóa cấp vùng gắn với Dinh I.
- Hình thành trung tâm thương mại cao cấp tại đô thị Đà Lạt; trung tâm thương mại tại đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương; trung tâm hội chợ - triển lãm tại đô thị Finôm - Thạnh Mỹ.
- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tập trung Lạc Dương, Đà Lạt, Đơn Dương và Lâm Hà. Chuyển đổi nông nghiệp trong đô thị hiện nay thành nền sản xuất nông nghiệp sạch, sinh thái.
- Xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao Liên Nghĩa ưu tiên công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng, hình thành khu phi thuế quan.
- Tiếp tục quản lý bảo vệ rừng, tái tạo rừng bị xâm hại do quá trình đô thị hóa và phát triển nông nghiệp.
- Dự án bảo tồn kiến trúc cảnh quan đô thị và các danh lam thắng cảnh được công nhận..., trục di sản (Hùng Vương - Trần Hưng Đạo - Trần Phú).
- Phát triển đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương, Finôm - Thạnh Mỹ.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng:
- Ban hành Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt được duyệt; lập, ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc toàn đô thị.
- Công bố công khai đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt được duyệt.
- Tổ chức rà soát việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, để cụ thể hóa điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG
|
- 1Quyết định 409/2002/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 3Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 4Luật đa dạng sinh học 2008
- 5Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 6Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị
- 7Công văn 3697/VPCP-KTN về chủ trương Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 2060/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 704/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 704/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/05/2014
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/05/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra