Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2007/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 13 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 194/2005/QĐ-TTg, ngày 04/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến năm 2010;

t Tờ trình số 39/TTr-UBND, ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2007 - 2010; Báo cáo thẩm tra số 27/BC-KTNS ngày 06/7/2007 của Ban kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các vị Đại biểu HĐND tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2007 - 2010 với các nội dung cụ thể như sau:

I. Mục tiêu của Đề án:

1. Mục tiêu tổng quát:

Phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch. Khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch có lợi thế, nhất là du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa; kết hợp với phát triển mở rộng các tour du lịch liên vùng trong nước, nhất là với các trung tâm du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng và mở rộng sang các nước Căm Pu Chia, Lào, Thái Lan.

2. Các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2010:

Góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ; phấn đấu đến năm 2010 chiếm 31% GDP.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân: 19%/năm.

- Tổng doanh thu giai đoạn 2007- 2010 đạt 625 tỉ đồng, trong đó doanh thu năm 2010 đạt trên 220 tỷ đồng.

- Đón tiếp 1.300.000 - 1.400.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế chiếm 10%); năm 2010 đón tiếp 500.000 lượt khách.

- Ngày lưu trú bình quân: 2,5 ngày/khách.

II. Các nội dung chính của Đề án:

1. Nhiệm vụ:

a) Giai đoạn 2007 - 2008:

- Rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm du lịch, khu du lịch mới, lập dự án để đầu tư và kêu gọi đầu tư khai thác tốt tài nguyên du lịch của từng địa phương.

- Xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính đặc thù và cạnh tranh cao để góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

- Tập trung đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị hiện có để duy trì sự tăng trưởng của hoạt động du lịch.

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng với nhu cầu hội nhập.

- Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn đối với Sở Thương mại và Du lịch, Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch tỉnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch.

b) Giai đoạn 2009 - 2010:

- Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch theo quy hoạch.

- Khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan sinh thái, môi trường du lịch để phát triển du lịch bền vững.

2. Các giải pháp tổ chức thực hiện:

a) Công tác tuyên truyền, giáo dục:

Thay đổi và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động du lịch đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đối tượng tuyên truyền: Đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; cộng đồng dân cư, đặc biệt là dân cư sinh sống tại các điểm, khu du lịch.

b) Quảng bá, xúc tiến du lịch:

- Thiết lập các quầy thông tin sân bay Buôn Ma Thuột, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, một số khách sạn, siêu thị lớn.

- Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch Đắk Lắk tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

c) Lập các dự án quy hoạch, dự án đầu tư:

- Các dự án về du lịch sinh thái.

- Các dự án về du lịch văn hóa, lịch sử.

d) Đa dạng hóa các sản phẩm, chương trình du lịch:

- Sản phẩm của loại hình du lịch sinh thái.

- Sản phẩm của loại hình du lịch văn hóa - lịch sử.

- Sản phẩm của loại hình du lịch phục vụ nghiên cứu khoa học.

- Đưa Festival cà phê trở thành một lễ hội định kỳ 2 năm/1 lần. Hình thành các chương trình du lịch tham quan việc trồng, chăm sóc, chế biến cà phê và tham quan Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.

d) Giải pháp tổ chức quản lý nhà nước:

- Kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch của tỉnh.

- Tăng cường đầu tư cho Trung tâm xúc tiến thương mại và du lịch.

- Thành lập Hiệp hội du lịch Đắk Lắk.

- Xây dựng và thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển đàn Voi nhà của tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch.

e) Bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững:

- Bảo vệ và tôn tạo các tài nguyên du lịch một cách thường xuyên, liên tục bằng nhiều nguồn vốn (nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, du khách).

- Tăng cường các hình thức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế bảo vệ môi trường du lịch theo Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

g) Giải pháp về liên kết vùng:

- Liên kết để khai thác thế mạnh của du lịch các tỉnh Tây Nguyên, gắn với việc phát triển các tuyến du lịch đường bộ từ Buôn Ma Thuột sang Lào, Căm Pu Chia và Thái Lan.

- Hình thành các tour, tuyến du lịch lữ hành dài ngày nhằm thu hút du khách phía Nam đến với Đắk Lắk thông qua du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

- Đẩy mạnh chương trình hợp tác phát triển kinh tế với Phú Yên để mở rộng thị trường khách du lịch của khu vực miền Trung.

- Phát huy và khai thác lợi thế của đường bay thẳng Buôn Ma Thuột - Hà Nội để thu hút du khách từ khu vực phía Bắc đến Đắk Lắk.

h) Đào tạo nguồn nhân lực:

- Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của tỉnh; kiến thức quản lý và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành du lịch.

- Khuyến khích phát triển và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo, truyền dạy nghề của các nghệ nhân, các hoạt động văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống, các lễ hội phục vụ du lịch.

i) Giải pháp huy động vốn:

- Huy động các nguồn lực vào phát triển du lịch, tranh thủ tốt nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế...

- Ngân sách địa phương hàng năm bố trí 0,5%/ tổng chi ngân sách cho việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm, khu du lịch và quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

k) Hình thành quỹ phát triển du lịch:

Sau khi Chính phủ ban hành quy định về hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

III. Nguồn kinh phí thực hiện:

Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2007 - 2010 là 569.730 triệu đồng, trong đó:

- Đề nghị NSTW hỗ trợ (chương trình mục tiêu): 52.730 tr.đ (9,25%)

- Ngân sách địa phương (0,5%/ tổng chi NS): 59.000 tr.đ (10,35%)

- Huy động doanh nghiệp, tín dụng: 458.000 tr.đ (80,40%)

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai và chỉ đạo các ngành có liên quan, các địa phương thực hiện các nội dung trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2007 - 2010.

Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa VII, kỳ họp thứ 8 thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Tổng cục Du lịch;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, TH.

CHỦ TỊCH




Niê Thuật

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 13/2007/NQ-HĐND về phát triển Du lịch tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2007-2010

  • Số hiệu: 13/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/07/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Niê Thuật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 16/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản