THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2000/CT-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG GIỮ GÌN TRẬT TỰ, TRỊ AN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN, DU LỊCH
Nước ta có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu quốc tế có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, nhân dân ta giàu lòng mến khách; đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Những năm gần đây, cùng với việc xây dựng và phát triển các khu vực kinh tế, văn hóa, nhiều địa điểm tham quan, du lịch đã được tôn tạo, đầu tư xây dựng, phục vụ hàng triệu lượt người trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch, góp phần tích cực vào việc giới thiệu đất nước con người và nền văn hóa Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý các khu, điểm du lịch nói chung, nhất là việc duy trì, bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường ở các địa điểm du lịch còn nhiều yếu kém. Hiện tượng hoạt động kinh doanh, dịch vụ thiếu kỷ cương nền nếp, tranh mua, tranh bán, cò mồi, ép giá, đeo bám, tranh giành khách, ăn xin, cờ bạc, thậm chí là lừa đảo, cướp giật tài sản của du khách... tại các điểm tham quan, du lịch ngày càng tăng, vừa gây bất bình trong xã hội, vừa làm giảm mỹ quan, giảm những giá trị hấp dẫn của các cơ sở du lịch, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Để khắc phục tình trạng trên, làm trong sạch và lành mạnh môi trường du lịch, bảo đảm phát triển du lịch bền vững và xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam là Du lịch văn hóa, văn minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thủ trưởng các ngành, các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung giải quyết những việc sau đây:
1. Rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại tất cả các điểm tham quan, du lịch, đặc biệt là ở những khu vực có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thường xuyên có khách đến thăm. Mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải theo đúng luật pháp và Quy chế hoạt động của các điểm tham quan, du lịch; chấm dứt tình trạng dựng quán bán hàng trái phép, tình trạng bán hàng rong tại các điểm tham quan, du lịch; tình trạng ăn xin, tranh giành khách, ép giá gây mất trật tự trị an, không đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Rà soát lại tổ chức bán vé, thu phí, lệ phí vào tham quan, du lịch; đình chỉ hoạt động của các trạm, điểm bán vé, thu phí, lệ phí vào tham quan, du lịch trái với các quy định hiện hành, đồng thời tổ chức, sắp xếp lại sao cho thuận tiện đối với mọi người vào tham quan, du lịch, nhất là ở các danh lam thắng cảnh, khu di tích, lịch sử, văn hóa thường xuyên có khách tới thăm.
3. Tăng cường kiểm tra, có biện pháp quản lý thích đáng đối với các hoạt động sản xuất, dịch vụ dễ gây ô nhiễm hoặc ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan du lịch, đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, của khách tham quan du lịch. Đồng thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh, không để lây lan đến các địa điểm tham quan, du lịch và ngược lại.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh cần chỉ đạo các ngành Du lịch, Văn hóa - Thông tin, Công an địa phương phối hợp chặt chẽ tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường và tác dụng của việc làm này đối với việc duy trì, phát triển du lịch nói chung, đặc biệt là đối với việc phát triển du lịch ngay trên địa bàn để nhân dân hiểu rõ, tự giác, tích cực tham gia xây dựng phong cách ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự trị an, giữ gìn vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch.
5. Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý, bảo quản, duy tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm nhằm tạo môi trường văn hóa lành mạnh, hấp dẫn ngay trên từng khu di tích, lịch sử, văn hóa, từng địa điểm du lịch.
6. Các Bộ : Công an, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thông tin phối hợp với Tổng cục Du lịch và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ trật tự trị an, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, theo pháp luật các hành vi vi phạm, đưa hoạt động kinh doanh du lịch vào kỷ cương nền nếp. Phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng hoạt động phát triển du lịch hoặc lợi dụng tín ngưỡng để lấn chiếm đất đai thuộc quy hoạch của các địa điểm du lịch, xây dựng nhà ở, xây dựng miếu, đền thờ để kinh doanh kiếm lợi hoặc để phổ biến mê tín dị đoan trái với thuần phong mỹ tục, tập quán của dân tộc.
7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Công an khẩn trương có biện pháp hỗ trợ và tạo điều kiện để các địa phương động viên, giúp đỡ ban đầu cho những người có khó khăn, những người tàn tật, cơ nhỡ đang bám vào các điểm tham quan, du lịch để kiếm sống, trở về quê hương làm ăn sinh sống, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm không để tình trạng ăn xin, đeo bám khách du lịch để bán hàng tiếp tục diễn ra ở các điểm tham quan, du lịch, đặc biệt là các khu di tích lịch sử, văn hóa.
8. Tổng cục Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương xây dựng các tuyến, điểm du lịch theo đúng quy hoạch du lịch.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Tổng cục Du lịch có trách nhiệm tổng hợp tình hình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
| Nguyễn Mạnh Cầm (Đã ký)
|
Chỉ thị 07/2000/CT-TTg về tăng cường giữ gì trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 07/2000/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 30/03/2000
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Mạnh Cầm
- Ngày công báo: 30/04/2000
- Số công báo: Số 16
- Ngày hiệu lực: 14/04/2000
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định