Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỔNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 125/2008/NQ-HĐND

Biên Hòa, ngày 05 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 111/2008/NQ-HĐND ngày 24 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về bổ sung một số giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2008;
Xét Tờ trình số 9808/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Đề án Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 kèm theo Tờ trình số 9808/TTr-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trình tại kỳ họp (có tờ trình và đề án kèm theo) với một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các khu công nghiệp, khu đô thị và nông thôn trong tỉnh; từng bước cải thiện chất lượng môi trường; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng về môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải. Tập trung thực hiện các chương trình phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra các hiện tượng ô nhiễm cho môi trường cục bộ ở khu vực đô thị, công nghiệp, nông thôn. Xây dựng tỉnh Đồng Nai thành một tỉnh phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; bảo đảm môi trường sống có chất lượng tốt theo chuẩn mực do Nhà nước quy định.

2. Các mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2010

- 80-90% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 30-40% các khu đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung; 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu gom 80% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ; thu gom và xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế.

- Cải tạo 50% kênh mương, đoạn sông, suối chảy qua các đô thị đã bị ô nhiễm nặng.

- Nâng cao chất lượng và tỷ lệ đất có độ che phủ trên toàn tỉnh đạt 50%, trong đó độ che phủ cây rừng đạt 30%, cây lâu năm 20%, đặc biệt chú trọng rừng đầu nguồn.

- Duy trì và phát triển rừng phòng hộ ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu.

- 100% doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001.

b) Giai đoạn đến năm 2015

- 90-95% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 50-60% khu đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung; 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Thu gom chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ là 100%; thu gom và xử lý chất thải nguy hại là 80%.

- 99% dân số đô thị và 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- 80% số hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh, 80% số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh; 85% hộ nông dân ứng dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp và dịch bệnh; 80% các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường quy định.

- Tỷ lệ che phủ của cây xanh đạt 51%.

c) Định hướng đến năm 2020

- 95-100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 60-70% khu đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung; 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường/quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

- Thu gom và xử lý chất thải nguy hại là 100%.

- 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- 90% số hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh, 90% số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% hộ nông dân ứng dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp và dịch bệnh; 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường quy định.

- Nâng tỷ lệ che phủ của cây xanh đạt 52%.

3. Các chương trình, dự án, nhiệm vụ để triển khai, thực hiện các nội dung cơ bản của đề án bảo vệ môi trường

a) Tiếp tục thực hiện 08 dự án theo Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Tỉnh ủy, chương trình bảo vệ môi trường đến năm 2010 gồm:

- Dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh.

- Dự án ứng cứu sự cố môi trường nhất là sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại.

- Dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp, kể cả chất thải nguy hại.

- Dự án thoát nước mưa và thu gom và xử lý nước thải đô thị.

- Dự án nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Dự án tăng cường năng lực quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Dự án nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường.

b) Các nhiệm vụ đến năm 2010

- Dự án quy hoạch tổng thể phát triển rừng.

- Nâng cấp hệ thống xử lý nước thải hiện có tại 08 bệnh viện.

- Lò đốt chất thải y tế tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa.

c) Dự kiến các chương trình, đề án đến năm 2020

- Chương trình phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đến môi trường.

- Chương trình khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường.

- Chương trình bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

- Chương trình bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

- Chương trình tăng cường năng lực quản lý môi trường.

- Chương trình giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Điều 2. Các nhóm giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường:

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân trong việc bảo vệ môi trường; phổ biến, quán triệt rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; xây dựng chương trình truyền thông môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân; chú trọng giáo dục truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó với môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh để giúp các cơ sở này nhận thức rõ trách nhiệm và tự giác thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2. Giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức, quản lý:

a) Tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, nhất là các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trọng điểm.

b) Tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường; hoàn thiện bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý môi trường; tăng cường năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra từ cấp tỉnh đến huyện, xã.

c) Cụ thể hóa quy chế dân chủ ở cơ sở trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; xây dựng lực lượng tự quản nhân dân về bảo vệ môi trường; áp dụng tiêu chuẩn của mô hình xã, phường, thị trấn, xóm ấp xanh - sạch - đẹp, văn minh và thân thiện môi trường.

d) Thành lập văn phòng bảo vệ môi trường nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh; Ban Chỉ đạo và lập, phê duyệt kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu đô thị, khu dân cư tập trung.

e) Ban hành các tiêu chuẩn cụ thể hóa về mô hình và công nghệ thân thiện môi trường, sinh thái công nghiệp; xây dựng hoàn thiện hệ thống quan trắc và nâng cao năng lực quan trắc môi trường; thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa địa phương và Trung ương, giữa các địa phương.

g) Áp dụng các quy định về các mức phạt - khắc phục - bồi thường cụ thể trong việc áp dụng nguyên tắc "Người gây thiệt hại môi trường phải trả tiền, khắc phục và bồi thường" phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

2. Giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn cho bảo vệ môi trường

a) Tăng cường huy động các nguồn lực kết hợp giữa Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế trong việc đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng nông thôn, các khu vực ven đô thị, vùng sâu, vùng xa.

b) Đẩy mạnh huy động các nguồn tài chính để bảo vệ môi trường; trong đó, nguồn ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường hàng năm đảm bảo trên một phần trăm trong tổng chi ngân sách tỉnh và năm sau cao hơn năm trước ít nhất mười phần trăm.

c) Tăng cường thực hiện các dự án hoặc lồng ghép công tác truyền thông, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường vào trong các dự án đầu tư phát triển hoặc trong các hoạt động hàng năm của các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức quần chúng và xã hội.

d) Áp dụng hệ thống kiểm toán môi trường, hạch toán các chi phí tài nguyên và bảo vệ môi trường vào chi phí sản xuất; đẩy mạnh hoạt động Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai; thực hiện đầy đủ việc thu phí bảo vệ môi trường; quy định cụ thể về chế độ giá cả trao đổi chất thải nhằm vận hành thị trường trao đổi chất thải có hiệu quả kinh tế - môi trường cao nhất.

3. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ cho bảo vệ môi trường

a) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường.

b) Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ nhằm ngăn chặn, hạn chế và xử lý ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp, khu đô thị và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, sông Thị Vải.

c) Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích và chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, phí đối với việc ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường và sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

4. Tăng cường hợp tác khu vực và Quốc tế về bảo vệ môi trường

a) Phối hợp hoạt động bảo vệ môi trường tại vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, La Ngà, sông Bé với các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Bình Thuận.

b) Tăng cường hợp tác trong nước về bảo vệ môi trường với các Bộ, ngành Trung ương trong chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia; với các tỉnh, thành trong lưu vực sông Đồng Nai về đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đến 2020.

c) Tăng cường các hoạt động hợp tác với các tổ chức Quốc tế để được hỗ trợ các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh xác định, bổ sung danh mục các dự án thu hút đầu tư có công nghệ thân thiện với môi trường vào khu công nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh vào kỳ họp cuối hàng năm.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo luật định.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai và các tổ chức thành viên vận động các tổ chức, nhân dân cùng thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2008./.

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
CHỦ TỊCH




Trần Đình Thành

 

ĐỀ ÁN

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Tờ trình số 9808/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

A. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường (BVMT) Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020;

- Quyết định số 73/2008/QĐ-TTg ngày 04/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

- Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20/02/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

- Quyết định số 702/QĐ-UBND ngày 22/3/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch BVMT đến năm 2010 và định hướng đến 2020;

 Quyết định số 27/2007/QĐ-UBND ngày 16/4/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về phê duyệt Chương trình BVMT giai đoạn 2006-2010;

- Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 05/01/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai;

- Nghị quyết số 111/2008/NQ-HĐND ngày 24/7/2008 của HĐND tỉnh Đồng Nai về bổ sung một số giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2008.

B. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ phát triển về công nghiệp ở mức cao và tăng liên tục trong nhiều năm qua. Việc phát triển công nghiệp, cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số, đặc biệt là dân số cơ học... đặt ra cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trước những khó khăn và thách thức ngày càng gay gắt.

- Nguồn nước sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân và cấp nước cho các hoạt động sản xuất trong vùng nhưng đang từng bước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và gây nhiều thiệt hại cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Để phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, cần chú trọng thực hiện đồng bộ những giải pháp về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất; đồng thời tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong việc khắc phục suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường trong toàn tỉnh.

Với tính bức xúc và sự cần thiết nêu trên, đòi hỏi phải xây dựng Đề án Bảo vệ môi trường với những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để tăng cường công tác BVMT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

C. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG 3 NĂM QUA (2006-2008)

I. KHÁI QUÁT VỀ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường từ năm 2006 đến năm 2008 cho thấy, nhìn chung chất lượng nền các thành phần môi trường trong toàn tỉnh như tài nguyên đất, nước, môi trường, không khí đều đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng môi trường cho phép, trong đó:

- Môi trường tài nguyên nước mặt lục địa trên các thủy vực sông, hồ đã đáp ứng tương đối đủ về số lượng và chất lượng phục vụ yêu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có một số khu vực chịu tác động trực tiếp bởi các nguồn thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp và các khu đô thị, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, như gây ô nhiễm môi trường do chất thải hữu cơ ở mức nhẹ tại các khu vực cầu La Ngà thuộc hồ Trị An, đoạn sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa và hồ Sông Mây; gây ô nhiễm hữu cơ với xu thế nghiêm trọng tại khu vực thượng lưu sông Thị Vải, các suối Linh, Săn Máu, suối Chùa, và suối Bà Lúa.

Môi trường không khí nhìn chung còn khá tốt tại các khu vực môi trường nền (rừng, nông thôn) và khu vực môi trường bị tác động do hoạt động đô thị, công nghiệp và giao thông nhưng tần suất phát hiện ô nhiễm còn rất thấp, chủ yếu là thông số bụi và monoxit cacbon (CO).

Môi trường đất chưa phát hiện ô nhiễm kim loại nặng tại các khu vực quan trắc. Hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu được giữ ổn định, việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã được kết hợp phát triển du lịch sinh thái bền vững.

- Hoạt động quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp được tăng cường hàng năm, nước thải từ 10/21 khu công nghiệp (KCN) đã có hệ thống xử lý nước được thu gom và xử lý thải (với tổng lượng nước thải khoảng 21.650m3/ngày, chiếm tỷ lệ 31% so với tổng lượng nước thải tại các KCN). Tuy nhiên, còn lại nước thải từ 11/21 KCN tuy được doanh nghiệp xử lý cục bộ nhưng chưa được thu gom và xử lý tập trung, thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường... Đối với chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh đều tăng theo hàng năm, nhưng chưa được thu gom xử lý triệt để. Năm 2008, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là 31.755 tấn (tỷ lệ thu gom đạt 75%); tổng lượng chất thải rắn sản xuất phát sinh 456.484 tấn (tỷ lệ thu gom đạt 75%), và chất thải nguy hại thu gom và xử lý đạt 40% trên tổng lượng phát sinh 51.000 tấn.

- Việc phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đồng bộ. Ở các khu đô thị, hệ thống thoát nước ở các đô thị chưa được đầu tư xây dựng kịp thời, nên vẫn còn xảy ra ngập úng cục bộ; nước thải chưa được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận đã làm ảnh hưởng xấu đến nguồn nước.

Năm 2008, không kể các KCN, tỷ lệ thu gom các loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 75% trên tổng lượng phát sinh 394.200 tấn, riêng tại TP. Biên Hòa thu gom và xử lý đạt yêu cầu 146.00 tấn; chất thải rắn công nghiệp đạt 75% trên tổng lượng phát sinh 272.285 tấn; Thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn môi trường chất thải y tế đạt 85% trên tổng lượng phát sinh 3.912 tấn và chất thải nguy hại đạt 40% trên tổng lượng phát sinh 81.388 tấn.

Kết quả thực hiện chương trình Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được tăng lên hàng năm góp phần cải thiện chất lượng môi trường nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động xử lý chất thải phát sinh trong nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp chưa đúng quy định đã gây ô nhiễm môi trường tại một số khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Ban hành các văn bản pháp luật, các chương trình, kế hoạch về BVMT

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20/02/2006 về thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 72/2006/NQ-HĐND về điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2010 và định hướng đến 2020. UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 702/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch BVMT tỉnh Đồng Nai và Quyết định số 7480/QĐ-UBND về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Quyết định số 27/2007/QĐ-UBND về Chương trình BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2010, Quyết định số 65/2007/QĐ-UBND Quy định về phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải công nghiệp, Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND quy định về BVMT trong sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp, Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND quy định về quy hoạch, xây dựng vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND về việc quy định về điều kiện giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật; và các Kế hoạch số 123/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 4664/KH-UBND về tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc công ước khung của Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu giai đoạn 2008-2010; Ban Chỉ đạo 33 tỉnh ban hành Kế hoạch số 4272/KH-BCĐ33 về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Đồng Nai giai đoạn 2008-2010. Đồng thời, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện các nghị định, thông tư, quyết định của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về công tác về BVMT nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho phát triển KT-XH của tỉnh gắn liền với phát triển bền vững.

2. Bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm

- Môi trường tại các KCN được quan tâm nhiều hơn, công trình thu gom và xử lý nước thải tập trung ở các KCN được đầu tư thực hiện gia tăng hàng năm (cuối năm 2005, có 3/19 KCN có xử lý nước thải (XLNT) tập trung; năm 2006, có 8/21 KCN; năm 2007 và đến nay là 10/21 KCN).

- Môi trường đô thị dần được cải thiện, việc thu gom, xử lý các chất thải rắn đạt được những kết quả khá hơn; đã triển khai thực hiện các dự án xây dựng bãi chôn chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại hợp vệ sinh tại phường Trảng Dài (Biên Hòa); tiếp tục xúc tiến đầu tư để xây dựng 5 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Trảng Bom, Định Quán và Thống Nhất theo quy hoạch; thực hiện hoàn thành các dự án nạo vét một số kênh rạch, suối thoát nước trên địa bàn tỉnh như suối Cầu Đen (Biên Hòa), suối Ông Lan và Quản Thủ (Long Thành). Tỷ lệ dân số dùng nước sạch được nâng lên, đến nay đạt 96%, đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước 120-150 lít/người.ngày. Hầu hết các trung tâm, thị trấn, thị xã trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã đều có hệ thống cấp nước.

- Môi trường nông thôn được chú trọng đầu tư, thực hiện chương trình Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã đưa tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh, số hộ có hố xí hợp vệ sinh tăng lên hàng năm. Chương trình dịch hại tổng hợp (IPM) được triển khai và nhân rộng, từng bước hạn chế được dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong môi trường.

3. Phòng ngừa, hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

- Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật BVMT, truyền thông môi trường ngày càng được nhân rộng với sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. Chương trình liên tịch về phối hợp BVMT được ký kết giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan, đoàn thể của tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là các hoạt động tuyên truyền để hưởng ứng các tuần lễ về BVMT hàng năm.

- Đã tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 145 dự án và xác nhận bản cam kết BVMT cho 424 dự án đầu tư.

- Công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT được tăng cường hơn trước, đã kiểm tra hoạt động BVMT tại 68 doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải; kiểm tra 107 doanh nghiệp (trong đó kể cả các doanh nghiệp thuộc Quyết định 64/2003/QĐ-TTg); kiểm tra thu mẫu nước thải tại 21 khu công nghiệp và các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải lớn trên địa bàn tỉnh, kể cả các Công ty Kinh doanh hạ tầng KCN tại các KCN tập trung; và kiểm tra 290 doanh nghiệp để chuẩn bị phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức 773 cuộc thanh tra về môi trường các doanh nghiệp; giải quyết 203 đơn thư khiếu nại, tố cáo về môi trường. Qua thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính tổng cộng 503 trường hợp với tổng số tiền phạt là 2,8 tỷ đồng; đặc biệt những trường hợp giải quyết khiếu kiện về môi trường, đều công khai kết quả xử lý cho nhân dân biết để tham gia giám sát việc thực hiện.

- Quan trắc các thành phần môi trường như nước mặt, không khí, môi trường đất, tài nguyên nước mặt, động thái nước dưới đất được duy trì thực hiện hàng năm, với khối lượng quan trắc năm sau cao hơn năm trước. Các số liệu quan trắc góp phần cho việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT và dự báo môi trường nhằm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Hoạt động thu phí BVMT đối với nước thải theo Nghị định 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Từ năm 2006 đến tháng 10/2008 đã thu được 15,45 tỷ đồng phí BVMT đối với nước thải công nghiệp và 11,6 tỷ đồng phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt.

- Đã và đang triển khai 04 đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực điều tra cơ bản và BVMT, hoàn thành 01 đề tài về tài nguyên khoáng sản và 02 đề tài về tài nguyên nước.

- Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng có hiệu quả, tình hình phá rừng, cháy rừng được hạn chế; diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu được giữ ổn định nhằm phát huy chức năng phòng hộ của rừng như BVMT sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ nhằm mục tiêu BVMT cấp bách đối với lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường qua việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

Tỷ lệ KCN có hệ thống XLNT tập trung tăng hàng năm, đến nay đạt 47% (10/21 KCN đang hoạt động, với tổng lượng nước thải xử lý khoảng 21.650 m3/ngày, chiếm tỷ lệ 31% so với tổng lượng nước thải tại các KCN). Ước cuối 2008, tỷ lệ thu gom các loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp đạt 75%; thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn môi trường chất thải y tế đạt 85% và chất thải nguy hại đạt 40%, đạt mục tiêu năm 2008. Tỷ lệ dân số đô thị dùng nước sạch ước đến cuối 2008 đạt 96% (vượt 1% so với mục tiêu đến 2010). Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng được chú trọng thực hiện, đến nay tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82%; số hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 62%. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được đầu tư tốt hơn, tỷ lệ che phủ rừng tăng qua các năm, năm 2008 đạt 27,5% (đạt 91% so với mục tiêu năm 2010).

Nhìn chung trong thời gian qua, hoạt động quản lý và BVMT tại tỉnh Đồng Nai đã được tổ chức thực hiện nhiều mặt, đồng bộ, đã góp phần hiệu quả thiết thực để phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm. Theo đó, công tác quản lý Nhà nước về BVMT luôn được tăng cường, hình thành được hệ thống tổ chức quản lý BVMT từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức hoạt động quỹ BVMT của tỉnh đi vào nề nếp, thường xuyên thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường; tăng cường năng lực về quan trắc môi trường; đến nay các mục tiêu về môi trường đã đạt xấp xỉ mục tiêu đến 2010; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường ngày càng rộng rãi và kịp thời, tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân về nhiệm vụ BVMT trong thời kỳ CNH, HĐH.

2. Tồn tại, hạn chế

Tỷ lệ cơ sở sản xuất xây dựng mới áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi truờng còn thấp, chưa đạt theo mục tiêu đề ra là 80-90%. Diện tích đô thị có hệ thống thoát nước hiện hữu đạt 30%. Toàn tỉnh chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu đô thị, chưa đạt theo mục tiêu đề ra (30-40%), việc đầu tư và thực hiện công trình XLNT tập trung cho các KCN chưa kịp thời, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung/tổng số khu công nghiệp đang hoạt động đến nay đạt 47% (so với mục tiêu là 100%); 8 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động nhưng chưa đầu tư các hạng mục công trình xử lý chất thải.

Nhìn chung, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác BVMT, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng, tại các KCN, khu đô thị vẫn còn nhiều vấn đề môi trường rất đáng lo ngại như: Chất thải rắn ngày càng tăng, đặc biệt là chất thải nguy hại nhưng chưa được thu gom đầy đủ và chưa xử lý đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường tại một số khu vực; Hạ tầng kỹ thuật về môi trường như hệ thống thoát nước và XLNT tập trung tại khu đô thị, KCN chưa đáp ứng tốc độ phát triển KT-XH trong thời kỳ CNH, HĐH; Việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo quy hoạch tại hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh còn triển khai chậm dẫn đến thực trạng nước thải chưa được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận đã góp phần làm suy giảm chất lượng nước, ảnh hưởng cục bộ đến chất lượng nhiều nguồn nước trong tỉnh; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về BVMT chưa đạt hiệu quả cao; Hệ thống quan trắc môi trường chưa đủ sức theo dõi hiện trạng môi trường và các tác động đối với môi trường.

3. Nguyên nhân

Những tồn tại và yếu kém trong công tác BVMT do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do nhận thức về tầm quan trọng của công tác BVMT đối với các ngành, các cấp, các doanh nghiệp chưa đầy đủ và sâu sắc; Việc chấp hành pháp luật về BVMT của một bộ phận tổ chức và cá nhân, nhất là các doanh nghiệp còn chưa cao nên các hành vi gây ô nhiễm môi trường còn khá phổ biến; Các vi phạm pháp luật về BVMT chưa được kiên quyết xử lý, thiếu chế tài đủ mạnh để buộc các cơ sở gây ô nhiễm hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường; Hệ thống văn bản pháp luật về BVMT chưa đồng bộ, hoàn chỉnh; Công tác quản lý môi trường và biện pháp tổ chức kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm còn nhiều bất cập; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật về môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, việc đầu tư các công trình môi trường thường đòi hỏi kinh phí lớn, đặc biệt đối với công trình XLNT tập trung ở các KCN, khu đô thị; Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển KT-XH ở nhiều lĩnh vực, nhất là quy hoạch sử dụng đất để hình thành, mở rộng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh chưa gắn với việc lồng ghép đầy đủ yếu tố về BVMT.

4. Những vấn đề thách thức về môi trường trong phát triển KT-XH

- Vấn đề thu gom và xử lý nước thải:

Hệ thống thoát nước và XLNT ở các đô thị chưa được đầu tư xây dựng kịp thời để đáp ứng tốc độ phát triển nên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ nhất là vào mùa mưa; nước thải tại các đô thị chưa được thu gom, xử lý gây ô nhiễm nguồn nước.

Nước thải công nghiệp chưa được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Một số KCN mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa có hệ thống XLNT tập trung, tình trạng xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường còn khá phổ biến.

- Vấn đề quản lý chất thải rắn đô thị, công nghiệp và chất thải nguy hại:

Chất thải rắn đô thị, công nghiệp và chất thải nguy hại đang là vấn đề bức xúc, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và cả trong thời gian tới. Công tác thu gom và hình thành các bãi chôn lấp chất thải rắn, các nhà máy xử lý, tái chế chất thải, còn chậm, chưa đảm bảo việc xử lý chất thải rắn phát sinh đạt các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường theo quy định.

- Vấn đề ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp và nông thôn:

Môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng do chưa quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ; việc xử lý chất thải trong nông nghiệp nhất là chăn nuôi và sử dụng hóa chất, phân bón hóa học chưa đúng quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khu vực.

- Vấn đề ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản:

Sức ép tăng cao về khai thác tài nguyên khoáng sản làm suy thoái nguồn tài nguyên quan trọng này cho phát triển bền vững. Bên cạnh đó, khai thác khoáng sản vẫn còn góp phần tạo nên những xung đột của cộng đồng về môi trường như gây ô nhiễm nguồn nước mặt, không khí, ảnh hưởng sức khỏe dân cư khu vực.

- Vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên nước:

Việc khai thác nguồn nước mặt phục vụ cho phát triển hệ thống thủy điện, thủy lợi, sản xuất và dân sinh trong lưu vực sông Đồng Nai đã đạt ở mức độ cao, làm suy giảm nguồn nước, gia tăng xâm nhập mặn trên các vực sông. Đây cũng là thách thức về môi trường trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Phần II

MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các khu công nghiệp, khu đô thị và nông thôn trong tỉnh;

- Từng bước cải thiện chất lượng môi trường; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng về môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải;

- Tập trung thực hiện các chương trình phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra các hiện tượng ô nhiễm cho môi trường cục bộ ở khu vực đô thị, công nghiệp, nông thôn;

- Xây dựng tỉnh Đồng Nai thành một tỉnh phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với BVMT; bảo đảm môi trường sống có chất lượng tốt theo chuẩn mực do Nhà nước quy định.

2. Mục tiêu đến năm 2010

- 80-90% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 30-40% các khu đô thị có hệ thống thoát nước và XLNT tập trung; 100% KCN có hệ thống XLNT tập trung, trong đó 70% các KCN có hệ thống XLNT tập
trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu gom 80% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ; thu gom và xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế.

- Cải tạo 50% kênh mương, đoạn sông, suối chảy qua các đô thị đã bị ô nhiễm nặng.

- Trên 95% dân số được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt.

- Nâng cao chất lượng và tỷ lệ đất có độ che phủ trên toàn tỉnh đạt 50%, trong đó độ che phủ cây rừng đạt 30%, cây lâu năm 20%, đặc biệt chú trọng rừng đầu nguồn.

- Duy trì và phát triển rừng phòng hộ ngập mặn Long Thành – Nhơn Trạch, Vườn Quốc Gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu.

- 100% doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001.

3. Mục tiêu định hướng đến năm 2015

- 90-95% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 50-60% khu đô thị có hệ thống thoát nước và XLNT tập trung; 80% KCN, CCN, khu chế xuất có hệ thống XLNT tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường/quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

- Thu gom chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ là 100%; thu gom và xử lý chất thải nguy hại là 80%.

- 99% dân số đô thị và 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- 80% số hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh, 80% số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh; 85% hộ nông dân ứng dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp và dịch bệnh; 80% các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường quy định.

- Tỷ lệ che phủ của cây xanh đạt 51%.

4. Mục tiêu định hướng đến năm 2020

- 95-100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 60-70% khu đô thị có hệ thống thoát nước và XLNT tập trung; 100% KCN, CCN, khu chế xuất có hệ thống XLNT tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường/quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

- Thu gom và xử lý chất thải nguy hại là 100%.

- 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- 90% số hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh, 90% số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% hộ nông dân ứng dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp
và dịch bệnh; 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường quy định.

- Nâng tỷ lệ che phủ của cây xanh đạt 52%.

II. NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ đến năm 2010

1.1. Bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm

a) Bảo vệ môi trường khu đô thị

- Tổ chức thực hiện các dự án khắc phục và cải tạo môi trường khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ: Xây dựng hệ thống thoát nước và XLNT giai đoạn 1: TP. Biên Hòa (tại Tam Hiệp và Hố Nai, công suất 62.000m3/ngày), huyện Nhơn Trạch (cụm 4 tại đường 25C và dãy cây xanh huyện Nhơn Trạch), TX Long Khánh và thị trấn Long Thành.

Hoàn thành dự án nạo vét suối Săn Máu (Biên Hòa), suối Sâu (Vĩnh Cửu); hệ thống thoát lũ Tam Phước (Long Thành) giai đoạn 1, Lò Rèn (Nhơn Trạch).

- Tiếp tục lập, phê duyệt các quy hoạch hệ thống thoát nước và XLNT tập trung đến 2010, 2020 các thị trấn như: Long Thành, Long Khánh; Tân Phú, Dầu Giây, Long Giao, Trảng Bom, Gia Ray, Định Quán, Vĩnh An; và các đô thị La Ngà (Định Quán), đô thị Thạnh Phú (Vĩnh Cửu); quy hoạch thoát nước lưu vực suối Nước Trong (Long Thành) và đô thị Dầu Giây.

- Xây dựng và đưa vào vận hành các bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung gắn với tái chế chất thải, sản xuất phân compost đã được phê duyệt theo quy hoạch tại các xã Tây Hòa (Trảng Bom), Xuân Tâm (Xuân Lộc), Phú Thanh (Tân Phú), xã Túc Trưng (Định Quán) và gắn với xử lý chất thải nguy hại tại xã Quang Trung (Thống Nhất). Lập dự án đầu tư các bãi chôn lấp và xử lý tại xã Xuân Mỹ (Cẩm Mỹ), Phước An (Nhơn Trạch), Vĩnh Tân (Vĩnh Cửu), Bàu Cạn (Long Thành) theo quy hoạch.

- Đầu tư nâng cấp hệ thống XLNT hiện có tại 08 bệnh viện (như Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Định Quán, Bệnh viện Đa khoa Nhơn Trạch, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Đồng Nai, Nhi Đồng); và hệ thống xử lý khí thải các lò đốt chất thải y tế tại 3 cụm Bệnh viện Tân Phú, Long Khánh, Long Thành đạt tiêu chuẩn môi trường quy định.

- Đầu tư hệ thống XLNT mới tại 09 bệnh viện còn lại; dự án đầu tư lò đốt chất thải y tế của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và Đô thị Biên Hòa tại phường Trảng Dài (Biên Hòa).

- Lập, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi truờng nghiêm trọng nằm xen kẽ trong khu đô thị, khu dân cư tập trung.

- Hạn chế không phát triển chăn nuôi và hoàn thành di dời toàn bộ các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi nội ô thành phố, khu vực đô thị.

b) Bảo vệ môi trường khu công nghiệp và cụm công nghiệp

- Đối với 10 KCN đã có hệ thống XLNT tập trung: Lập kế hoạch, đầu tư, nâng cấp mở rộng công suất hệ thống XLNT và đưa vào vận hành trong năm 2009, đảm bảo 100% đấu nối, tiếp nhận xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Đối với 11 KCN chưa xây dựng hệ thống XLNT: Tạm ngưng thu hút dự án đầu tư mới và dự án mở rộng quy mô vào KCN. Khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành công trình XLNT tập trung trong 2009. Tổ chức kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong KCN, đảm bảo việc xử lý và thoát nước thải theo đúng quy định; xây dựng lộ trình để đấu nối nước thải vào hệ thống XLNT tập trung ngay khi hoàn thành.

- Đối với 08 KCN chưa có dự án đầu tư: Thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt; chỉ thu hút dự án đầu tư (trong đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường) sau khi được cơ quan Nhà nước về BVMT có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kiểm tra, xác nhận thực hiện đầy đủ các nội dung BVMT.

- Đến năm 2010, đảm bảo 100% các KCN tập trung phải hoàn tất việc đầu tư hệ thống XLNT tập trung; đảm bảo khả năng đấu nối, tiếp nhận và xử lý nước thải.

- Đối với 04 CCN hoạt động đã lập thủ tục đánh giá tác động môi trường phải đầu tư hoàn thiện hệ thống XLNT tập trung; 04 CCN hoạt động chưa lập thủ tục đánh giá tác động môi trường phải tiến hành lập đề án BVMT và đầu tư các hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định; đối với các CCN chưa hoạt động phải tuân thủ thực hiện các quy định theo pháp luật BVMT trước khi đưa vào hoạt động.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, xử lý chất thải rắn và khí thải của doanh nghiệp trong KCN.

c) Bảo vệ môi trường nông thôn

- Tiếp tục thực hiện chương trình “Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” ngày càng đạt kết quả tốt.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học; tăng cường công tác khuyến nông, huấn luyện kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp nhằm hạn chế dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong đất; duy trì áp dụng IPM vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất rau an toàn.

- Triển khai quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và các cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tại các huyện đã được phê duyệt và hoàn thành quy hoạch trên địa bàn các huyện còn lại.

- Triển khai dự án quản lý chất thải vật nuôi Đông Á trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu và nhân rộng mô hình quản lý.

1.2. Phòng ngừa, hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường

- Lập, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến 2025, trong đó chú ý bãi rác liên huyện tại Quang Trung (Thống Nhất), Bàu Cạn (Long Thành), Vĩnh Tân (Vĩnh Cửu).

- Từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường, thị trường trao đổi chất thải nhằm phục vụ hiệu quả cho quá trình CNH, HĐN và đô thị hóa của tỉnh. Hình thành và đưa vào hoạt động tổ chức chuyên trách/văn phòng BVMT nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai; xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh, trong đó ứng dụng công nghệ sinh học trong BVMT.

 - Tổ chức thực hiện thường xuyên công tác quan trắc các thành phần môi trường theo mạng lưới quan trắc trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tốt việc thu phí BVMT đối với chất thải (nước thải, chất thải rắn); phí BVMT trong khai thác khoáng sản; tăng cường áp dụng các biện pháp thu phí BVMT đối với chất thải đảm bảo việc thu đúng và thu đủ theo quy định pháp luật.

- Triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả chất độc hóa học /dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Đồng Nai giai đoạn 2008-2010 đã được phê duyệt; tổ chức thực hiện các dự án CDM theo Kế hoạch thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc công ước khung của Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu giai đoạn 2008-2010

- Xử lý những đoạn sông có tầm quan trọng cho mục đích cấp nước sinh hoạt trên sông Đồng Nai và một số hồ chính trong tỉnh, những đoạn sông, suối bị ô nhiễm nặng như: Sông Thị Vải, sông Cái, suối Linh, suối Săn Máu,... trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất; hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi, giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về BVMT trước và sau khi đánh giá tác động môi truờng của các dự án đầu tư. Xác lập danh mục và lập kế hoạch xử lý triệt để hàng năm các cơ sở gây ô nhiễm môi truờng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Thông tư 07/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Chấm dứt hoạt động khai thác đá tại các mỏ đá Hóa An, Tân Vạn và Tân Hạnh (Biên Hòa) để cải tạo thành khu công viên cây xanh gắn với hồ nước, phục vụ giải trí, du lịch của TP. Biên Hòa theo Quyết định số 77/2004/QĐ-TTg ngày 27/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết bắt buộc các cơ sở khai thác khoáng sản trong tỉnh phải khôi phục môi trường sau khi kết thúc quá trình khai thác theo đúng thiết kế được phê duyệt.

- Xây dựng và ban hành quy chế về quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên sông Đồng Nai, hồ Trị An và các hồ chứa trong tỉnh; lập, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản vùng bán ngập hồ Trị An đến 2010 và định hướng đến 2020.

- Lập, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo khai thác sử dụng hợp lý, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước.

- Điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất để đề ra các biện pháp quản lý phù hợp; điều tra, lập phương án, trám lấp giếng không sử dụng; xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh trong lĩnh vực khai thác tài nguyên nước phục vụ cấp nước sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

- Lập dự án tổng thể phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện các dự án về hoạt động bảo tồn thiên nhiên và phát triển đa dạng sinh học như: Ngăn ngừa ô nhiễm hồ Trị An và lưu vực sông Đồng Nai; trồng và khôi phục rừng cây gỗ lớn bản địa tại vùng Chiến khu Đ giai đoạn 2008 - 2012; điều tra, xây dựng tiêu bản danh lục động, thực vật rừng khu bảo tồn; nâng cao năng lực quản lý, giám sát bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn; trồng cây gỗ lớn và cây cảnh hai bên đường vào Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ; bảo tồn bò hoang dã; cứu hộ linh trưởng; và nghiên cứu và đầu tư dự án nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Chơro và người nghèo ở xã Phú Lý;

Đẩy mạnh phát triển các rừng phòng hộ Lâm trường Biên Hòa (Biên Hòa), Long Thành (Long Thành); ổn định sắp xếp dân cư vùng rừng (Vĩnh Cửu).

Đưa vào ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học: Bảo tồn nguồn gen cây rừng; phục hồi các kiểu rừng tự nhiên; thăm dò các biện pháp sinh học tổng hợp để ngăn ngừa sự xâm lấn của cây mai dương và đề tài “Phát triển sản xuất nấm trên cơ sở điều tra xây dựng bảo tàng nấm ở Vườn Quốc gia Cát Tiên”.

2. Nhiệm vụ định hướng đến năm 2020

2.1. Bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm

a) Bảo vệ môi trường khu đô thị

- Xây dựng hoàn chỉnh và triển khai vận hành hệ thống thoát nước, thu gom và XLNT tập trung tại các đô thị, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt; vận hành và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung gắn với tái chế chất thải, sản xuất phân compost, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn các huyện theo quy hoạch.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, nghiệm thu và giám sát các khu xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung tại các KCN, CCN và các đô thị; tổ chức quản lý, cấp phép, kiểm tra và giám sát đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại và chất thải y tế.

b) Bảo vệ môi trường khu công nghiệp và cụm công nghiệp

- Hoàn thành xây dựng hệ thống thoát nước KCN và cụm công nghiệp gắn với quy hoạch thoát nước đô thị tại huyện.

- Tăng cường các hoạt động về quản lý, kiểm tra việc đầu tư các công trình XLNT để đảm bảo đến 2020 90% KCN, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống XLNT tập trung đạt tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định.

- Thường xuyên tăng cường thanh tra hoạt động đầu tư và vận hành các hạng mục công trình về môi trường (nước thải, khí thải và phân loại, quản lý chất thải rắn) của các Công ty Kinh doanh Hạ tầng KCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong và ngoài KCN trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất thải bao gồm cả thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại; kiểm soát chặt chẽ các đơn vị có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải nguy hại.

- Xây dựng và triển khai mô hình KCN, cụm công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường trên địa bàn tỉnh.

c) Bảo vệ môi trường nông thôn

- Thực hiện quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và các cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn các huyện.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phòng ngừa, kiểm soát, xử lý ô nhiễm và chất thải, nhất là việc xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các vùng nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai đề án phát triển nông thôn mới đến năm 2020; xây dựng mô hình làng, điểm, cụm dân cư sinh thái điển hình để triển khai và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

2.2. Phòng ngừa hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường

- Triển khai Quyết định số 187/QĐ-TTg ngày 03/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án tổng thể về BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến 2020”.

- Tiếp tục nâng cao năng lực quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh; thiết lập hệ thống quan trắc tự động nước mặt lục địa, không khí tại các KCN, khu đô thị.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cập nhật và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch định kỳ và đột xuất hàng năm về kiểm soát ô nhiễm để ngăn chặn, xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là các cơ sở xả nước thải vào nguồn tiếp nhận phục vụ cho cấp nước sinh hoạt trên lưu vực sông Đồng Nai, từ hồ Trị An đến cầu Đồng Nai (Biên Hòa).

- Tăng cường công tác kiểm tra sau đánh giá tác động môi trường của các dự án; đặc biệt kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, kinh doanh sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

- Xem xét cấp phép các dự án đầu tư, ưu tiên chọn lựa các loại hình dự án ít tác động ảnh hưởng đến môi trường, thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư với các ngành nghề sản xuất có công nghệ cao, sạch và thân thiện môi trường; hạn chế và tiến tới cấm hoàn toàn việc đầu tư xây dựng mới các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng, dễ gây ra sự cố môi trường.

- Buộc các cơ sở đầu tư các công trình BVMT và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Quốc gia/quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; khuyến khích áp dụng các hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001.

- Tập trung chương trình cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, nhất là ở các khu vực đô thị, công nghiệp và nông thôn; tổ chức thực hiện các dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải khu đô thị; dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp, kể cả chất thải nguy hại.

- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ và khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường cục bộ tại các khu vực trọng điểm như các khu vực đô thị lớn và trung tâm, các KCN, cụm công nghiệp tập trung, các bệnh viện, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, các khu vực hoạt động khai thác khoáng sản và trên các điểm nút, các tuyến đường giao thông quan trọng của tỉnh.

- Tổ chức thực hiện và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường do các sự cố môi trường gây ra theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác phòng chống sự cố môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác phối hợp phòng chống thiên tai và sự cố môi trường với các tỉnh/thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2010, định hướng đến 2020 đã được phê duyệt, tiếp tục điều tra, đánh giá đúng thực trạng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; cắm mốc các khu vực quy hoạch thăm dò khai thác và các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

- Tăng cường kiểm soát việc thăm dò và cấp phép khai thác khoáng sản, tài nguyên nước; thẩm định cấp phép xả nước thải vào nguồn nước của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước; thực hiện Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết bắt buộc các cơ sở khai thác khoáng sản trong tỉnh phải khôi phục môi trường sau khi kết thúc quá trình khai thác theo đúng thiết kế được phê duyệt.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch tổng thể cấp nước đô thị và KCN tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất, bảo đảm khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên.

- Bảo vệ phát triển rừng, đẩy nhanh tốc độ trồng rừng tập trung và phân tán, nâng cao chất lượng và tỷ lệ độ che phủ trên toàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc săn bắt, khai thác và buôn bán động thực vật quý hiếm.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học và an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá, đề xuất các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại môi trường.

- Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống cháy rừng, nhất là rừng đầu nguồn xung yếu và rừng phòng hộ; tăng cường công tác bảo vệ Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu, Vườn Quốc gia Cát Tiên.

- Tăng cường công tác quan trắc môi trường rừng và đa dạng sinh học; phòng chống và xử lý nghiêm các vi phạm chặt phá, chiếm dụng, khai thác trái phép tài nguyên đa dạng sinh học.

III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, NHIỆM VỤ ĐỂ TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐỀ ÁN BVMT (ĐÍNH KÈM PHỤ LỤC 1, 2).

Phần III

GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức và văn bản pháp lý

a) Giải pháp về tổ chức thực hiện công tác kế hoạch hóa nhiệm vụ BVMT:

- Các Sở, ban, ngành, các huyện, thị và thành phố trong tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và BVMT phù hợp cho các ngành, lĩnh vực và địa phương mình, trong đó tập trung chủ yếu cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trọng điểm có liên quan đến trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và các địa phương như:

+ Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng BVMT, nhất là tập trung đầu tư các công trình BVMT về cung cấp nước sạch, thu gom xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, hệ thống thoát nước và XLNT trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là tại những khu vực ô nhiễm môi trường như khu đô thị và các khu công nghiệp.

+ Tăng cường phổ biến kỹ thuật nông nghiệp về quản lý dịch hại tổng hợp, về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xử lý chất thải triệt để trong nông nghiệp.

+ Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo tỷ lệ che phủ trên địa bàn tỉnh.

- Thành lập văn phòng BVMT nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh, phối hợp hoạt động với các tỉnh thành trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

b) Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về BVMT:

- Hoàn thiện bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý môi trường ở cấp xã, phường và thị trấn; cụm, khu dân cư tập trung; tại Ban Quản lý các KCN, CCN của tỉnh; các KCN, CCN; các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; Ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp kịp thời nhằm nhanh chóng xây dựng lực lượng tự quản nhân dân về BVMT trên địa bàn (nhất là ở cấp cơ sở).

-Tăng cường năng lực quản lý, công tác kiểm tra, thanh tra và các điều kiện đảm bảo hoạt động của hệ thống quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Kiên quyết xử lý những vi phạm pháp luật và công khai kết quả điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT, thông tin quan trắc môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử (website) và các hình thức khác.

- Thành lập Ban Chỉ đạo và lập, phê duyệt kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Ngăn chặn, xử lý nguồn gây ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các cụm công nghiệp.

- Tiếp tục xây dựng và ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý hướng dẫn cần thiết để tổ chức triển khai Luật BVMT năm 2005 và các văn bản quy phạm dưới luật; các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh vào thực tiễn phát triển KT - XH, BVMT của tỉnh.

- Xây dựng hoàn thiện hệ thống quan trắc và nâng cao năng lực quan trắc môi trường trên địa bàn; thiết lập cơ chế chia sẽ, trao đổi thông tin giữa địa phương và Trung ương, giữa các địa phương.

- Cụ thể hóa quy chế dân chủ ở cơ sở áp dụng cho lĩnh vực BVMT nhằm tăng cường vai trò của tổ chức, cộng đồng trong các công tác như: Thẩm định và quản lý hoạt động sau thẩm định đánh giá tác động môi trường, giám sát chất lượng môi trường,…

- Áp dụng chính sách thi đua khen thưởng và kỷ luật cụ thể trong việc tổ chức thực hiện đề án của tỉnh, nhất là trong công tác tổ chức triển khai thực hiện.

c) Giải pháp về công cụ pháp lý:

- Tăng cường ban hành các tiêu chuẩn cụ thể hóa phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh về mô hình và công nghệ thân thiện môi trường, sinh thái công nghiệp.

- Đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn của mô hình xã, phường, thị trấn, xóm ấp xanh - sạch - đẹp, văn minh và thân thiện môi trường.

- Thực hiện các quy định về các mức phạt - khắc phục - bồi thường cụ thể trong việc áp dụng nguyên tắc “Người gây thiệt hại môi trường phải trả tiền, khắc phục và bồi thường” phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển KT - XH và BVMT của tỉnh.

- Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn mới về xóa đói, giảm nghèo phù hợp với định hướng phát triển KT - XH và BVMT của tỉnh.

2. Giải pháp về đa dạng hóa nguồn vốn cho nhiệm vụ BVMT

- Thực hiện chính sách huy động các nguồn lực kết hợp giữa Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế trong việc đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng nông thôn, các khu vực ven đô thị, vùng sâu, vùng xa.

- Huy động nguồn tài chính để BVMT từ ngân sách Nhà nước; vốn của các tổ chức, cá nhân; tiền bồi thường thiệt hại, thuế, phí BVMT; tiền phạt về môi trường; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; vốn vay ưu đãi và tài trợ từ quỹ BVMT; vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, nguồn ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường hàng năm đảm bảo trên 01% trong tổng chi ngân sách tỉnh và năm sau cao hơn năm trước ít nhất 10%.

- Tăng cường thực hiện các dự án hoặc lồng ghép công tác truyền thông, nâng cao ý thức cộng đồng về BVMT vào trong các dự án đầu tư phát triển hoặc trong các hoạt động hàng năm của các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức quần chúng và xã hội.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động và tham gia triển khai các dự án nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm xây dựng các mô hình điểm điển hình về làng xã, phường, thị trấn, xóm, ấp xanh - sạch - đẹp và văn minh.

- Giải pháp về công cụ kinh tế và môi trường:

+ Đẩy mạnh hoạt động Quỹ BVMT tỉnh Đồng Nai; thực hiện đầy đủ các quy định của Trung ương về thu phí BVMT đối với chất thải, phí BVMT trong hoạt động khoáng sản, ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.

+ Áp dụng hệ thống kiểm toán môi trường, hạch toán các chi phí tài nguyên và BVMT vào chi phí sản xuất nhằm khuyến khích bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

+ Quy định cụ thể về chế độ giá cả trao đổi chất thải nhằm vận hành thị trường trao đổi chất thải có hiệu quả kinh tế – môi trường cao nhất.

3. Giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ cho nhiệm vụ BVMT

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; đẩy mạnh công nghệ sinh học trong BVMT.

- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ nhằm ngăn chặn, hạn chế và xử lý ô nhiễm môi trường các KCN, khu đô thị và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai và Thị Vải.

- Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích và chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, phí đối với việc ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường và sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

4. Các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực và Quốc tế về BVMT

- Phối hợp hoạt động BVMT tại vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, La Ngà, sông Bé với các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Bình Thuận.

- Tăng cường hợp tác trong nước về BVMT với các Bộ, ngành Trung ương về các chương trình BVMT trong chiến lược BVMT Quốc gia, với các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai về đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Đồng Nai đến 2020.

- Tăng cường các hoạt động hợp tác với các tổ chức Quốc tế để được hỗ trợ các chương trình, dự án về BVMT.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kiến nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai và các đoàn thể: Tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân tham gia BVMT; giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT.

2. Ban Quản lý các KCN: Tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về BVMT đến các doanh nghiệp trong KCN; trực tiếp đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh về cơ sở hạ tầng KCN phải khẩn trương thi công xây dựng công trình nhà máy XLNT tập trung cho các KCN; theo dõi thực hiện về việc không thu hút dự án đầu tư mới ở các KCN chưa hoàn thành công trình XLNT tập trung; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định BVMT theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Nghị định 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thực hiện lồng ghép kế hoạch KT - XH, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản với công tác BVMT; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực BVMT; tăng cường rà soát quy định pháp luật về BVMT trong quá trình thu hút, chứng nhận và cấp giấy phép các dự án đầu tư.

4. Sở Công thương:

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT đối với lĩnh vực công nghiệp; hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn trong quản lý sử dụng hóa chất; đẩy mạnh kiểm tra, quản lý tình hình sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

- Đẩy mạnh thực hiện chương trình, dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT đối với sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất thải trong nông nghiệp; đối với quản lý giống cây trồng, giống vật nuôi, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; sinh vật thủy sản biến đổi gen và sản phẩm của chúng; đối với các hệ thống đê điều, thủy lợi, khu bảo tồn rừng và nước sạch phục vụ cho sinh hoạt ở nông thôn.

- Phổ biến kỹ thuật nông nghiệp về quản lý dịch hại tổng hợp, về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xử lý chất thải trong nông nghiệp.

6. Sở Xây dựng:

- Đến 2010: Triển khai thực hiện các dự án về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 1: Tại đô thị Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, hệ thống thoát lũ Tam Phước (Long Thành) giai đoạn 1. Triển khai các bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung gắn với tái chế, xử lý chất thải tại các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất.

- Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và thực hiện quy hoạch về thu gom xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, thoát nước và XLNT trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực đô thị và các KCN.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT đối với các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị và gắn với KCN.

7. Sở Giao thông Vận tải:

- Tăng cường kiểm tra chất lượng khí thải của các loại phương tiện tham gia lưu thông; đẩy mạnh công tác kiểm soát giao thông trên các tuyến đường bộ và đường thủy nội địa, các khu cảng, nhằm phòng ngừa và ứng phó kịp thời sự cố môi trường khi xảy ra sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại.

8. Sở Khoa học và Công nghệ: Thẩm định công nghệ về môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và triển khai áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ, công nghệ sinh học trong lĩnh vực BVMT vào thực tiễn.

9. Sở Y tế: Quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải y tế của các cơ sở y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Hướng dẫn, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đánh giá tác động sức khỏe trong các dự án về tác động môi trường ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì phối hợp cùng các Sở, ban, ngành đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình giáo dục phổ thông; quy hoạch “Nhà trường xanh sạch đẹp” theo Quyết định số 6621/QĐ-BGD&ĐT-KHCN ngày 30/12/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt “Chính sách và chương trình hành động giáo dục môi trường trong trường phổ thông giai đoạn 2001- 2010”.

11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện BVMT trong hoạt động du lịch; phối hợp với các đoàn thể, các ngành, các cấp trong công tác truyền thông môi trường.

12. Sở Tư pháp: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT do UBND tỉnh ban hành trước đây, để đề nghị điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với Luật BVMT năm 2005; đồng thời phối hợp nghiên cứu đề xuất ban hành các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để thi hành Luật BVMT.

13. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí đủ nguồn ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường hàng năm trên 01% trong tổng chi ngân sách tỉnh và năm sau cao hơn năm trước ít nhất 10% (theo Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy); tăng cường hướng dẫn và kiểm soát chi đúng quy định Luật Ngân sách.

14. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan, UBND các cấp để tăng cường năng lực quản lý BVMT trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ ngành tài nguyên môi trường; chú trọng thực hiện kế hoạch đào tạo, thu hút nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai; tham mưu phát triển nguồn lực xã hội ngoài biên chế Nhà nước để phục vụ sự nghiệp BVMT.

15. Cục Hải quan Đồng Nai: Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi xuất - nhập khẩu phế liệu, chất thải trái quy định pháp luật về BVMT.

16. Công an tỉnh Đồng Nai: Tăng cường chỉ đạo các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm quy định pháp luật về BVMT.

17. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, TP. Biên Hòa:

- Trình HĐND cùng cấp phân bố chi ngân sách cho hoạt động BVMT phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương và với mục tiêu của chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và mục tiêu của đề án.

- Phối hợp với Sở Xây dựng, và các Sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp, kể cả chất thải nguy hại”; và dự án “Thoát nước mưa và thu gom xử lý nước thải đô thị”.

- Chỉ đạo UBND cấp dưới và các cơ quan, tổ chức liên quan ở địa phương tăng cường công tác BVMT và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định của pháp luật. Rà soát và kiện toàn tổ chức ngành tài nguyên và môi trường cấp huyện và phường xã.

18. Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai thông tin kịp thời, chính xác về hiện trạng, diễn biến môi trường trên địa bàn tỉnh; phối hợp các đoàn thể các ngành, các cấp có liên quan để đẩy mạnh công tác truyền thông môi trường thông qua các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn.

19. Các công ty, đơn vị kinh doanh về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực hiện đầy đủ công trình, biện pháp BVMT đã cam kết theo thủ tục đánh giá tác động môi trường; không thu hút dự án đầu tư ngoài danh mục dự án theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê chuẩn; xây dựng quy chế tự quản và công khai thông tin, giám sát môi trường KCN.

- Đến 2010, các Công ty Kinh doanh Hạ tầng KCN phải đầu tư đảm bảo 100% KCN có hệ thống xử lý nước thải, trong đó 70% KCN có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

20. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT; công khai kết quả điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT, công khai thông tin quan trắc môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử (website) và các hình thức khác.

- Nghiên cứu đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, đặc biệt thúc đẩy phát triển cơ chế cộng đồng tự quản và giám sát môi trường, thúc đẩy phát triển việc góp ý và phản biện trong công tác BVMT.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra để xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

- Đến 2010: Triển khai kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong khu đô thị và khu dân cư tập trung.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức triển khai thực hiện đề án này trên địa bàn tỉnh; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả triển khai đề án về UBND tỉnh.

Sau khi Đề án BVMT trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VII, kỳ họp thứ 14 thông qua, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án để triển khai thực hiện nội dung cơ bản của Đề án BVMT.

 Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức quán triệt nội dung của đề án này, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động BVMT gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng năm và chỉ đạo việc thực hiện nhằm tạo cho được kết quả cụ thể và thiết thực về BVMT của ngành, địa phương mình. Hàng năm tổ chức đánh giá kết quả việc tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo UBND tỉnh.

Những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời báo cáo, đề xuất ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo xử lý.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 125/2008/NQ-HĐND thông qua Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII, kỳ họp thứ 14 ban hành

  • Số hiệu: 125/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Trần Đình Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản