Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 24 tháng 9 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHOÁ XII - KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Sau khi xem xét Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 kèm theo Tờ trình số 4955/TTr-UBND ngày 17/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chính sau:

I. Quan điểm phát triển:

1. Phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, chiến lược và quy hoạch phát triển các ngành và các vùng lãnh thổ (đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đồng bằng Sông Hồng). Xây dựng Quảng Ninh là cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế của vùng và cả nước, cung cấp nguyên liệu và năng lượng của quốc gia.

2. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững phù hợp với các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Cơ cấu nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ các hoạt động “nâu” sang “xanh”, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp phi khai khoáng, đồng thời đảm bảo hoạt động khai thác than được sạch hơn và bền vững hơn.

3. Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nguồn lực bên trong là quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, trên cơ sở phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh, tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa độc đáo, đa dạng và khác biệt của Quảng Ninh.

4. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

5. Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo phát triển và công bằng xã hội giữa các tầng lớp nhân dân, giữa khu vực nông thôn với thành thị và các địa phương trong tỉnh.

6. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, nắm bắt các điều kiện thuận lợi, khắc phục các tác động tiêu cực của các xu thế kinh tế quốc tế và khu vực; bảo đảm đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

II. Mục tiêu phát triển:

1. Mục tiêu tổng quát:

Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo môi trường bền vững. Giữ gìn và phát huy tốt bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:

Về kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 12%-13%/năm, trong đó: Giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 9,5%-10,5%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 14%-15%/năm; giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 6,7%/năm.

Cơ cấu GDP: Đến năm 2015 dịch vụ chiếm 45,0% - 45,5%; công nghiệp và xây dựng 49,0%-49,5%; nông nghiệp 5,0%-5,5%; đến năm 2020 dịch vụ chiếm 51%-52%; công nghiệp và xây dựng 45%-46%; nông nghiệp 3%-4%; Đến năm 2030, dịch vụ chiếm 51%; công nghiệp và xây dựng 46%; nông nghiệp 3%.

GDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2015 đạt 3.600 USD - 4.000 USD; năm 2020 đạt 8.000 USD - 8.500 USD; năm 2030 đạt 20.000 USD.

Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân 11-12%/năm.

Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân trên 10%/năm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 580-600 nghìn tỷ đồng.

Về xã hội:

Tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,11%/năm giai đoạn 2011-2015 và 0,96%/năm giai đoạn 2016-2020.

Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo trong lực lượng lao động đạt 73% năm 2015 và 89% năm 2020.

Tỉ lệ thất nghiệp thành thị sẽ được duy trì ở mức dưới 4,3%.

Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia mới) giảm 1,1%/năm giai đoạn 2011-2015 và 0,7%/năm giai đoạn 2016-2020.

Triển khai có trọng tâm “Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới.

Tuổi thọ bình quân sẽ tăng lên 74 tuổi vào năm 2015 và 76 tuổi vào năm 2020.

Duy trì kết quả tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95% đến năm 2015 và trên 98% năm 2020.

Tỷ lệ số xã có đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đạt 100% từ năm 2015; Tỷ lệ người có bảo hiểm y tế đạt trên 80% năm 2015 và trên 90% đến năm 2020.

Tỉ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,5 vào năm 2015 và 12,0 năm 2020. Tỷ lệ dược sĩ đại học/vạn dân đạt 2,2 năm 2015 và 2,5 năm 2020.

Cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng nền móng cho một xã hội học tập trong tỉnh.

Mục tiêu môi trường:

Đặt mục tiêu đạt các tiêu chí theo chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia, trong đó coi các mục tiêu chung về tăng trưởng xanh, hướng đến một nền kinh tế có hàm lượng cácbon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính, là các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, cụ thể:

Tỉ lệ che phủ rừng tăng lên 53,5% vào năm 2015 và 55% vào năm 2020.

Tăng tỷ trọng các ngành kinh tế “xanh” như du lịch bền vững và nông nghiệp xanh, đồng thời giảm tương đối tỷ trọng các ngành kinh tế “nâu” như khai thác khoáng sản.

Ngăn ngừa ô nhiễm tại địa phương. Áp dụng hạn mức ô nhiễm không khí và nguồn nước đối với các khu du lịch và dân cư theo các tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn Châu Âu). Đến năm 2015, thực hiện thu gom 90% chất thải rắn ở đô thị; 100% các khu công nghiệp và các mỏ than, nhà máy, bệnh viện và các trung tâm du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Đến năm 2020 trên 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Duy trì tỉ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%/năm.

Tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành tuân thủ theo mục tiêu quốc gia về giảm tỉ số đàn hồi về tăng trưởng nguồn cung điện/GDP từ 2,0 xuống còn 1,0. Hạn chế phá rừng và thoái hóa rừng để hấp thụ khí thải.

Bảo tồn đa dạng sinh học. Thường xuyên thực hiện khảo sát để đánh giá đa dạng sinh học và giám sát bất kỳ biến động hay tổn thất theo thời gian. Giảm cháy rừng và những thiệt hại do cháy rừng gây nên, việc khai thác gỗ phải đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững. Triển khai các kỹ thuật đánh bắt cá bền vững và an toàn; sản lượng đánh bắt được nằm trong phạm vi cho phép. Giám sát nghiêm ngặt, ngăn chặn các hành vi săn bắn và buôn bán thú rừng phi pháp.

Tỉ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95% vào năm 2015, đạt trên 98% vào năm 2020.

Quốc phòng – an ninh:

Xây dựng quốc phòng vững mạnh, đảm bảo ổn định vững chắc an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tạo bước chuyển biến rõ rệt về trật tự, an toàn xã hội, nếp sống đô thị, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế một cách chủ động tích cực.

III. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực :

1. Phát triển dịch vụ

2. Phát triển công nghiệp, xây dựng

3. Phát triển nông nghiệp

4. Phát triển các lĩnh vực xã hội

5. Xây dựng nông thôn mới

6. Phát triển kết cấu hạ tầng

7. Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế

8. Bảo vệ môi trường

9. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng - an ninh

IV. Tổ chức không gian kinh tế - xã hội:

Tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng huyện thị trong tỉnh, cũng như thế mạnh của Quảng Ninh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng và vị trí thuận lợi cho hợp tác kinh tế quốc tế. Trong đó, Hạ Long là tâm; Hai tuyến là phía Tây (Ba Chẽ, Hoành Bồ, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) và phía Đông (Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái); Đa chiều là sự phát triển không gian kinh tế - xã hội, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính; có tính chất động và mở. Động là quá trình không ngừng mở rộng hợp tác, liên kết, hỗ trợ, bổ sung, hoàn thiện cho nhau phát triển; Mở là nhằm thúc đẩy tự do hóa, tương tác, cạnh tranh, tiệm cận nhau cùng phát triển; Hai mũi đột phá là khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và khu kinh tế tự do Móng Cái.

V. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

1. Nhóm giải pháp về nguồn lực

1.1. Vốn đầu tư

1.2. Phát triển nguồn nhân lực

1.3. Sử dụng đất

2. Nhóm giải pháp về phát triển khoa học công nghệ

3. Nhóm giải pháp về hợp tác vùng, quốc gia và quốc tế 

4. Tổ chức thực hiện quy hoạch 

5. Đề xuất lên Chính phủ, các Bộ và cơ quan ban ngành Trung ương.

VI. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (có phụ lục kèm theo)

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Tổ chức việc nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung vào bản Quy hoạch các ý kiến tham gia, đóng góp của các vị đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu khách mời tại kỳ họp, trong đó chú trọng vào một số vấn đề sau: (1) Làm rõ hơn các định hướng tầm nhìn đến năm 2030; (2) Rà soát, sắp xếp các kiến nghị về cơ chế chính sách với Trung ương đảm bảo xứng tầm, thiết thực cho sự phát triển của tỉnh; (3) Tổ chức không gian, lãnh thổ cần hướng tới xây dựng thành phố Hạ Long đúng tầm là tâm phát triển của tỉnh ở đẳng cấp cao; (4) Một số dự án ưu tiên cần được thực hiện sớm hơn như sân bay Vân Đồn, Cung quy hoạch của tỉnh tại thành phố Hạ Long trước năm 2015.

- Hoàn tất các thủ tục về việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch một cách hiệu quả. Định kỳ hàng năm báo cáo trước HĐND tỉnh vào kỳ họp thường lệ cuối năm.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khoá XII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/9/2013 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2013-2030

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 108/2013/NQ-HĐND Ngày 24 tháng 9 năm 2013 của HĐND tỉnh)

TT

TÊN DỰ ÁN

A

CÁC DỰ ÁN DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN

1

Đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long

2

Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái

3

Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Móng Cái

4

Mở rộng Quốc lộ 4B

5

Cầu Vân Tiên

6

Sân bay Vân Đồn

7

Hệ thống cảng biển (Tiền Phong - Cái Lân - Hải Hà)

8

Kè sông, suối biên giới

9

Hệ thống đê biển

10

Hạ tầng các Khu kinh tế cửa khẩu

11

Hệ thống hồ chứa nước các xã đảo

B

CÁC DỰ ÁN DO TỈNH QUẢN LÝ

1

Các tuyến đường nối từ đường cao tốc đến Trung tâm các huyện, thị xã, thành phố.

2

Các tuyến đường nối từ đường cao tốc đến các Khu kinh tế, Khu công nghiệp và hệ thống cảng biển

3

Các tuyến đường giao thông liên huyện; hệ thống cảng sông và các bến cập tàu tại các các xã ven biển

4

Các dự án ODA về môi trường, phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; các dự án ODA về y tế, giáo dục…

5

Xây dựng bệnh viện Quốc tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái; nâng cấp hệ thống Bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh; bệnh viện tuyến huyện và xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế xã, phường.

6

Các dự án: Trường đại học đa ngành Hạ Long; các trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

7

Các dự án về lĩnh vực văn hóa, thể thao như: Bảo tàng, thư viện, Trung tâm thể thao của tỉnh

8

Các dự án hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi

9

Hệ thống cấp, thoát nước các khu đô thị, các khu kinh tế

10

Các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các Khu công nghiệp, khu kinh tế và hệ thống đường cao tốc…

11

Các dự án thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh

C

CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI XÚC TIẾN ĐẦU TƯ

I

HẠ TẦNG

1

Xây dựng đường Hạ Long - Hải Phòng có quy mô tương đương đường cao tốc

2

Đường cao tốc (Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái)

3

Mở rộng Quốc lộ 4B

4

Cầu Vân Tiên

5

Cảng hàng không Quảng Ninh

6

Hệ thống cảng biển (Tiền Phong - Cái Lân - Hải Hà)

7

Nâng cấp Quốc lộ 18 từ Đông Triều đi thành phố Cẩm Phả (các đoạn còn lại)

8

Đường nối KCN Việt Hưng với cảng Cái Lân

9

Cảng Cái Lân - mở rộng cảng

10

Xây dựng Cảng Tiền Phong (nghiên cứu khả thi)

11

Cảng biển Hải Hà

12

Cảng du lịch Hòn Gai

13

Khu phi thuế quan, khu công nghiệp sạch tại Khu kinh tế Vân Đồn

14

Đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng các KCN (Việt Hưng; Hải Hà; Quán Triều)

15

Đầu tư xây dựng các sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại các địa bàn: Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái

II

DU LỊCH

1

Thu hút đầu tư khách sạn, xây dựng thêm 10.000 phòng, gồm:

2.500 phòng trên tàu du lịch;

7.500 phòng khách sạn, trong đó 50% là hạng 4 và 5 sao.

2

Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, trong đó có hạng mục casino

3

Xây dựng một khu dạo bộ sôi động ven biển tại Bãi Cháy

4

Cải thiện trải nghiệm tại làng chài cho du khách tìm hiểu khám phá văn hóa địa phương (nấu ăn, đánh cá, thủ công mỹ nghệ)

5

Xây dựng sản phẩm trải nghiệm du lịch hạng sang khép kín tại vịnh Bái Tử Long

6

Nâng cấp sản phẩm du lịch tại Yên Tử để quảng bá nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh, hướng đến du khách trong nước

7

Phát triển sản phẩm du lịch tại Móng Cái, tập trung vào bãi biển Trà Cổ và nâng cấp các dịch vụ mua sắm và nghỉ dưỡng tại thành phố Móng Cái

8

Khôi phục các mỏ than đã đóng cửa trở thành các địa điểm du lịch hấp dẫn (có thể biến thành bảo tàng ngành than, vườn bách thảo hay hồ nước)

9

Khu nghỉ dưỡng tổng hợp và hệ thống giải trí gia đình

10

Xây dựng một chương trình khung để thu hút đơn vị khai thác các hoạt động hấp dẫn và "không thể bỏ qua" trên và quanh vịnh Hạ Long (như leo núi đá vôi, đi bộ trên cầu)

11

Tổ chức trải nghiệm du lịch khám phá vịnh Hạ Long (như quản lý du thuyền)

12

Xây dựng chiến lược marketing thống nhất cho Quảng Ninh

- Phát triển thương hiệu theo từng phân khúc khách hàng cụ thể làm nổi bật đề xuất giá trị chính

- Kênh tối ưu để tiếp cận phân khúc mục tiêu (như trực tuyến, tạp chí du lịch)

- Lên lịch sự kiện cả năm để có kế hoạch thu hút khách du lịch cả năm

13

Hợp tác với khối tư nhân để hỗ trợ thành lập các trường đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn

14

Thiết lập quy trình xếp hạng và chứng nhận chất lượng để đảm bảo liên tục duy trì tiêu chuẩn cao

III

MÔI TRƯỜNG

1

Xây dựng nhà máy thu gom/xử lý nước thải

2

Quy hoạch phân vùng - chia Quảng Ninh thành các vùng với nhiều giới hạn cho các ngành công nghiệp và tiêu chuẩn/ hạn mức ô nhiễm khác nhau

3

Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác than tại Quảng Ninh:

- Giúp các nhà máy khai thác than xây dựng hệ thống xử lý nước thải để tuân thủ quy định

- Giúp Vinacomin đẩy nhanh tiến độ phục hồi cải tạo môi trường bãi thải và hoàn thành kế hoạch phục hồi các mỏ than

- Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các biện pháp kiểm soát bụi (băng tải, đường vận tải chuyên dụng). Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh cần hỗ trợ Vinacomin tăng ngân sách cho các dự án bảo vệ môi trường của tập đoàn

4

Môi trường sinh hoạt - Đầu tư xây dựng nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị để đạt được chỉ tiêu

5

Môi trường sinh hoạt - Xây dựng kế hoạch quản lý chất thải rắn tổng hợp bao gồm tái chế và làm phân hữu cơ

6

Nước - thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trên vịnh Hạ Long do tàu thuyền/khách du lịch gây ra

IV

THƯƠNG MẠI

1

Xây dựng các Trung tâm thương mại lớn tại các thành phố và thị xã

2

Khu thương mại ở Móng Cái, bao gồm một Trung tâm thương mại quốc tế

V

CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO

1

Tăng cường đầu tư hạ tầng & vận hành khu công nghiệp và dự án bất động sản tại các KCN ưu tiên (Việt Hưng, Hoành Bồ, Hải Yên, Cái Lân, Đầm Nhà Mạc, KCN Cảng biển Hải Hà)

2

Sản xuất, lắp ráp và kiểm thử thiết bị điện tử (EMS)

3

Chế biến thực phẩm đóng gói

4

Chế biến thực phẩm tươi - Giết mổ và chế biến thịt lợn (gắn với trang trại lợn quy mô lớn)

5

Chế biến hải sản cao cấp phục vụ xuất khẩu (gắn với nuôi trồng hải sản quy mô công nghiệp)

VI

NÔNG NGHIỆP

1

Chế biến thực phẩm tươi - Sản phẩm cá và hải sản xuất khẩu

2

Nuôi lợn xuất khẩu quy mô công nghiệp

3

Canh tác hiệu quả - nâng cao sản lượng tới mức của các thông lệ tốt nhất

4

Canh tác giá trị cao - chuyển dịch mục đích sử dụng đất sang trồng các loại cây có giá trị tăng thêm cao như chuối, khoai môn và mía

5

Lâm nghiệp giá trị cao - chuyển sang trồng các loại cây rừng có giá trị tăng thêm cao như tếch, cây năng lượng

6

Nuôi trồng thủy sản bền vững - mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và chuyển sang các loại sản phẩm giá trị cao (như tôm) trong khi vẫn đảm bảo phát triển bền vững

7

Hoàn thiện hoạt động chăn nuôi - Xây dựng tập trung các trang trại gia cầm và nuôi lợn để đảm bảo vệ sinh và hạn chế bệnh dịch

VII

NHÂN LỰC VÀ XÃ HỘI

1

Xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo quốc tế tại địa phương

2

Bệnh viện tư (theo tiêu chuẩn quốc tế) tại Thành phố Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn

3

Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn FDI cần thiết về tỉnh

VIII

THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1

Thành lập Đơn vị thực hiện trực thuộc Lãnh đạo tỉnh để đảm bảo triển khai các giải pháp

Ghi chú: Vị trí, quy mô, tổng vốn đầu tư của các dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối, huy động nguồn lực của địa phương./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 108/NQ-HĐND năm 2013 thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 108/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 24/09/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Đức Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản