Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2024/NQ-HĐND | Hậu Giang, ngày 24 tháng 7 năm 2024 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 21
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Xét Tờ trình số 67/TTr-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về dự thảo Nghị quyết quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;
b) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
a) Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động thực hiện nhiệm vụ được phân công.
b) Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
c) Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tạo điều kiện, cử cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
d) Lựa chọn, phối hợp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, báo cáo viên đảm bảo năng lực, tiêu chuẩn, uy tín và kinh nghiệm trong giảng dạy, truyền đạt; thường xuyên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương.
đ) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về dân chủ ở cơ sở.
2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
a) Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng nhiều phương tiện, hình thức đa dạng, phong phú như: Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Đài Truyền thanh các cấp; các Trang, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; thông qua các hội nghị, cuộc họp của cơ quan, đơn vị; các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các cuộc thi tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật; qua các buổi họp của ấp, khu vực, các cuộc sinh hoạt văn hóa cộng đồng và trên các thiết bị thông tin khác phù hợp theo quy định của pháp luật.
b) Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
a) Thực hiện công khai, minh bạch, giải quyết những vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân quan tâm kiến nghị, phản ánh chính đáng trong phạm vi lãnh đạo, quản lý; có trách nhiệm tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân bàn, tham gia ý kiến, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung đã được quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ đại diện; mở rộng dân chủ trực tiếp; nêu cao tinh thần phục vụ, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân.
b) Lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại hằng năm đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức và lãnh đạo quản lý.
4. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
a) Lựa chọn những tổ chức, cá nhân có mô hình, điển hình trong thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng trong toàn tỉnh; Hàng năm, tổ chức tôn vinh các mô hình, điển hình tiên tiến về thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng các hình thức khen thưởng, biểu dương phù hợp theo tiêu chí đánh giá thi đua - khen thưởng về thực hiện dân chủ ở cơ sở của cơ quan, đơn vị, địa phương.
b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ và việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến quyền lợi và đời sống của Nhân dân; tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
c) Xử lý kịp thời những hành vi vi phạm quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quyền làm chủ của Nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
5. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số
a) Bố trí trang thiết bị đầy đủ, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và thực hiện dân chủ ở cơ sở, hoạt động điều hành và giải quyết các thủ tục hành chính; mở rộng áp dụng các tiện ích cung cấp, hỗ trợ người dân trong thực hiện các dịch vụ công.
b) Vận dụng, phát huy ưu thế của mạng nội bộ, các Trang, Cổng thông tin điện tử; hòm thư điện tử, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật để thông báo, đồng thời tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của người dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
c) Kiện toàn, nâng cao chất lượng công chức, viên chức, người thực hiện chuyên trách, kiêm nhiệm công nghệ thông tin ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đi đôi với việc bồi dưỡng, nâng cao khả năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
6. Nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương
a) Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, lựa chọn, bố trí những người có phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, có uy tín trong cơ quan, đơn vị, địa phương làm công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng. Các thành viên tham gia Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình được pháp luật quy định; có nghiệp vụ hoạt động, được tập huấn để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
b) Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng kế hoạch hoạt động của năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật và kế hoạch đề ra.
7. Thực hiện hoạt động hướng dẫn, kiểm tra và chế độ thông tin báo cáo theo quy định
a) Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở.
b) Tiếp nhận, xem xét xử lý thông tin có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
c) Quy định chế độ báo cáo hàng năm, định kỳ và đột xuất kết quả thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp và từ các nguồn xã hội hóa, các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa X Kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 24 tháng 7 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 03 tháng 8 năm 2024./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 73/2024/NQ-HĐND quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 2Nghị quyết 08/2024/NQ-HĐND quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 3Nghị quyết 13/2024/NQ-HĐND về biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Nghị quyết 10/2024/NQ-HĐND quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- Số hiệu: 10/2024/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 24/07/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
- Người ký: Trần Văn Huyến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra