Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2019/NQ-HĐND

Bình Dương, ngày 31 tháng 7 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NHÂN VIÊN VÀ HỌC SINH, SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ MƯỜI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 3148/TTr-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương; Báo cáo thẩm tra số 59/BC-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên

1. Hỗ trợ nhân viên cấp dưỡng, phục vụ, bảo vệ, viên chức phụ trách công tác thư viện trong các cơ sở Giáo dục và Đào tạo và Giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý (bao gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học), cụ thể như sau:

a) Nhân viên cấp dưỡng được hỗ trợ 01 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

Ngoài chế độ trên, nhân viên cấp dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non, trong trường hợp cấp dưỡng phục vụ số trẻ vượt quá quy định thì được hỗ trợ thêm 05 ngày tiền lương hiện hưởng/người/tháng. Mỗi đơn vị chỉ được thiếu không quá 02 cấp dưỡng trong năm học.

b) Nhân viên phục vụ được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.

c) Nhân viên bảo vệ được hỗ trợ 600.000 đồng/người tháng và tiền trang phục 600.000 đồng/02 bộ/người/năm.

d) Viên chức phụ trách công tác thư viện được hỗ trợ 0,2 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

2. Giáo viên phụ trách công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục tại các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ 0,3 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

3. Hỗ trợ tiền trang phục

Công chức, viên chức, nhân viên hợp đồng trực tiếp làm công tác phục vụ các lớp bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hỗ trợ tiền trang phục với mức 300.000 đồng/2 bộ/người/năm.

4. Hỗ trợ cho công chức, viên chức, nhân viên có gốc tuyển dụng là giáo viên

Mức hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên có gốc tuyển dụng là giáo viên (khi tuyển dụng có chuyên ngành đào tạo là sư phạm hoặc chuyên ngành đào tạo không phải là sư phạm và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) không trực tiếp giảng dạy, được phân công làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương như sau:

a) Hỗ trợ 30% mức lương đang hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp.

b) Hỗ trợ 25% mức lương đang hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có) đối với trường cao đẳng, trường đại học.

Đối với chức danh Kế toán, Văn thư, Thủ quỹ, Y tế phải được phân công trước ngày 01/7/2012.

5. Hỗ trợ công chức, viên chức khi được điều động, phân công công tác ở các địa phương khác nơi đăng ký thường trú như sau:

a) Từ 20km đến 40km được hỗ trợ 100.000 đồng/người/tháng.

b) Trên 40km được hỗ trợ 150.000 đồng/người/tháng.

6. Hỗ trợ Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân

a) Nhà giáo Ưu tú: 0,4 lần mức lương cơ sở/người/tháng, kể cả Nhà giáo ưu tú đã nghỉ hưu.

b) Nhà giáo Nhân dân: 0,6 lần mức lương cơ sở/người/tháng, kể cả Nhà giáo nhân dân đã nghỉ hưu.

7. Hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục nghề nghiệp nhân kỷ niệm “Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11” hằng năm: 200.000 đồng/người.

8. Hỗ trợ cho công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo; công chức, viên chức thuộc trường mầm non công lập được người có thẩm quyền ra quyết định phân công quản lý các đơn vị mầm non ngoài công lập đóng trên địa bàn được hưởng 01 ngày lương/tuần/người (cách tính thực hiện như cách tính tiền lương dạy thêm giờ).

9. Hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên của nhà trẻ, mẫu giáo, các trường mầm non bán trú: 200.000 đồng/người/tháng.

10. Hỗ trợ Ban Giám hiệu cơ sở giáo dục mầm non công lập

Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng các trường bán trú trực tiếp tham gia hỗ trợ và kiểm tra giáo viên về công tác chăm sóc và tổ chức giờ ăn, giờ ngủ cho trẻ tại các nhóm lớp, được hỗ trợ:

a) Đơn vị là nhà trẻ, trường mầm non thì được tính 02 ngày lương/người/tháng.

b) Đơn vị là trường mẫu giáo có số lớp tổ chức ăn dưới 04 lớp thì được tính 01 ngày lương/người/tháng.

c) Đơn vị là trường mẫu giáo có số lớp tổ chức ăn từ 04 lớp trở lên thì được tính 1,5 ngày lương/người/tháng.

Cách tính mức hỗ trợ quy định tại Khoản này được thực hiện như cách tính tiền lương dạy thêm giờ.

11. Hỗ trợ giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập

a) Đối với các đơn vị có tổ chức ăn, giáo viên đến sớm trước 06 giờ 30 để vệ sinh phòng, nhóm lớp, chuẩn bị đồ chơi để tổ chức đón trẻ và chuẩn bị các điều kiện tổ chức cho trẻ ăn sáng; tổ chức và trực trưa cho trẻ ngủ (từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30); tổ chức trả trẻ từ (16 giờ 30 đến 17 giờ 30), được gọi chung là “trực sáng, trực trưa”.

- Trường hợp nếu giáo viên tham gia trực sáng, trực trưa đầy đủ trong tháng theo phân công của Hiệu trưởng thì được tính tối đa là 04 ngày lương/người/tháng.

- Trường hợp thiếu giáo viên, Hiệu trưởng bố trí 01 giáo viên/lớp thì được tính tối đa 06 ngày lương/người/tháng.

- Trường hợp giáo viên không tham gia đầy đủ, tùy theo số giờ vắng của giáo viên mà tính theo thực tế.

- Trường hợp nữ giáo viên có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hoặc có thai từ 06 tháng trở lên (sinh con theo quy định kế hoạch hóa gia đình) thì không phải trực sáng, trực trưa. Trường hợp thiếu giáo viên nhưng các giáo viên này vẫn trực bình thường thì được tính 06 ngày lương/người/tháng.

b) Giáo viên mầm non trực tiếp đứng lớp có số trẻ vượt từ 20% trở lên so với số trẻ/lớp theo quy định được hưởng 04 ngày lương/tháng/giáo viên

c) Giáo viên mầm non mới ra trường, trong thời gian tập sự được hỗ trợ thêm 15% cho đủ 100% lương bậc khởi điểm và phụ cấp (nếu có).

d) Hỗ trợ 0,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với Ban Giám hiệu, giáo viên mẫu giáo và 0,7 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với giáo viên nhà trẻ (bao gồm cả giáo viên trong thời gian tập sự), thời gian hỗ trợ là 05 năm.

đ) Hỗ trợ giáo viên mầm non tuyển dụng mới

Hỗ trợ chế độ thu hút đối với giáo viên mầm non tuyển dụng mới bằng 01 lần mức lương cơ sở/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 05 năm.

Cách tính mức hỗ trợ quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản này được thực hiện như cách tính tiền lương dạy thêm giờ.

12. Hỗ trợ cho giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn (bảo mẫu)

Giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hỗ trợ 35% mức lương đang hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có).

13. Hỗ trợ giáo viên tiểu học dạy lớp vượt số học sinh theo quy định của Điều lệ trường tiểu học

Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn dạy lớp tiểu học có số học sinh vượt từ 20% trở lên so với số học sinh/lớp theo quy định được hỗ trợ thêm 18 giờ dạy/giáo viên/tháng (cách tính thực hiện như cách tính tiền lương dạy thêm giờ). Thời gian hưởng 09 tháng/năm.

14. Hỗ trợ tiền thuê nhà họ đối với công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở

Công chức, viên chức đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập (gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh) được điều động, phân công công tác cách xa nơi đăng ký thường trú từ 30 km trở lên, không được bố trí nhà công vụ mà phải thuê nhà ở thì được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ bằng 0,7 lần mức lương cơ sở/người/tháng (thời điểm được điều động, phân công phải sau thời điểm đăng ký thường trú).

Thời gian được hưởng chế độ hỗ trợ là 05 (năm) năm. Trường hợp công chức, viên chức trong thời gian hưởng chế độ hỗ trợ trên sẽ không hưởng chế độ hỗ trợ được quy định tại Khoản 5 của Điều này.

15. Hỗ trợ giáo viên, giảng viên làm đồ dùng dạy học, thao giảng, thực hành

a) Tiền thưởng người làm đồ dùng dạy học ở hội thi cấp tỉnh:

- Đạt loại A: 1.000.000 đồng/đồ dùng.

- Đạt loại B: 750.000 đồng/đồ dùng.

- Đạt loại C: 500.000 đồng/đồ dùng.

b) Hỗ trợ giáo viên, giảng viên dự thi thao giảng thực hành các bậc học, cấp học:

- Giáo viên dự thi: 200.000 đồng/tiết (tính theo số tiết quy định)

- Tiền làm đồ dùng dạy học minh họa cho tiết giảng thực hành: 100.000 đồng/đồ dùng.

16. Chế độ khen thưởng giáo viên, giảng viên có học sinh, sinh viên đạt giải quốc gia

a) Giải nhất: 10 lần mức lương cơ sở/giải.

b) Giải nhì: 07 lần mức lương cơ sở/giải.

c) Giải ba: 05 lần mức lương cơ sở/giải.

d) Giải khuyến khích: 03 lần mức lương cơ sở/giải.

17. Chế độ khen thưởng giáo viên, giảng viên có học sinh, sinh viên đạt giải cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc gia

a) Giải nhất: 05 lần mức lương cơ sở/giải.

b) Giải nhì: 3,5 lần mức lương cơ sở/giải.

c) Giải ba: 2,5 lần mức lương cơ sở/giải.

d) Giải khuyến khích: 1,5 lần mức lương cơ sở/giải.

18. Hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng đội tuyển của Tỉnh dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia

a) Giáo viên tham gia bồi dưỡng đội tuyển của Tỉnh dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia được hỗ trợ 0,3 lần mức lương cơ sở/tiết dạy. Số tiết dạy không quá 360 tiết/môn học/năm học/khối lớp.

b) Mời chuyên gia bồi dưỡng học sinh dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia: Mức thù lao theo thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

19. Hỗ trợ cho công chức, viên chức trực tiếp tham gia sinh hoạt hè: 200.000 đồng/người/toàn đợt hè và định mức hỗ trợ tiền xăng xe cho thanh niên tình nguyện phục vụ công tác hè: 100.000 đồng/người/toàn đợt hè.

20. Hỗ trợ một lần đối với xã, phường, thị trấn và huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn về công tác phổ cập giáo dục bậc trung học

a) Hỗ trợ 2.000.000 đồng/xã, phường, thị trấn.

b) Hỗ trợ 10.000.000 đồng/huyện, thị xã, thành phố.

Điều 2. Quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên

1. Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non

Trẻ em 5 tuổi (đang học lớp Lá) tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo của tỉnh; trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc khuyết tật có khó khăn về kinh tế được hỗ trợ tiền ăn trưa: 0,1 lần mức lương cơ sở/trẻ/tháng (được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 09 tháng/năm học).

2. Chế độ khen thưởng học sinh trúng tuyển đại học đạt điểm cao

Học sinh học ở các trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương nếu có điểm trúng tuyển đại học hàng năm đạt số điểm cao thì được thưởng như sau:

a) Đạt từ 29 điểm trở lên được thưởng 10 lần mức lương cơ sở/học sinh.

b) Đạt từ 27 điểm đến dưới 29 điểm được thưởng 05 lần mức lương cơ sở/học sinh.

c) Đạt từ 26 điểm đến dưới 27 điểm được thưởng 02 lần mức lương cơ sở/học sinh.

d) Đạt từ 24 điểm đến dưới 26 điểm được thưởng 01 lần mức lương cơ sở/học sinh.

3. Chế độ khen thưởng học sinh, sinh viên đạt giải tại các kỳ thi

a) Học sinh, sinh viên giỏi Quốc tế:

- Giải nhất: 15 lần mức lương cơ sở/giải.

- Giải nhì: 13 lần mức lương cơ sở/giải.

- Giải ba: 11 lần mức lương cơ sở/giải.

- Giải khuyến khích: 07 lần mức lương cơ sở/giải.

b) Học sinh, sinh viên giỏi Quốc gia:

- Giải nhất: 10 lần mức lương cơ sở/giải.

- Giải nhì: 07 lần mức lương cơ sở/giải.

- Giải ba: 05 lần mức lương cơ sở/giải.

- Giải khuyến khích: 03 lần mức lương cơ sở/giải.

c) Học sinh, sinh viên giỏi cấp tỉnh:

- Giải I: 0,6 lần mức lương cơ sở/giải.

- Giải II: 0,4 lần mức lương cơ sở/giải.

- Giải III: 0,3 lần mức lương cơ sở/giải.

d) Học sinh đạt thủ khoa, học sinh đạt loại giỏi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (trường hợp học sinh vừa đạt thủ khoa vừa đạt loại giỏi thì được hưởng mức cao nhất).

- Đạt thủ khoa: 05 lần mức lương cơ sở/học sinh.

- Đạt loại giỏi: 01 lần mức lương cơ sở/học sinh.

đ) Học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập tốt nghiệp thủ khoa đạt loại giỏi được thưởng 01 lần mức lương cơ sở/học sinh, sinh viên.

4. Chế độ khen thưởng học sinh, sinh viên đạt giải cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc gia

a) Giải nhất: 07 lần mức lương cơ sở/giải.

b) Giải nhì: 05 lần mức lương cơ sở/giải.

c) Giải ba: 3,5 lần mức lương cơ sở/giải.

d) Giải khuyến khích: 02 lần mức lương cơ sở/giải.

5. Hỗ trợ học bổng cho học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh

Học sinh cấp trung học phổ thông đạt giải 3 trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (trừ học sinh trường chuyên Hùng Vương đã nhận học bổng khuyến khích học tập) được hỗ trợ học bổng: 0,2 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng, thời gian hỗ trợ từ khi được công nhận kết quả thi đến hết năm học.

6. Hỗ trợ cho học sinh là thành viên đội tuyển của Tỉnh dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia khi tập trung bồi dưỡng

a) Tiền đi lại, tiền thuê phòng ngủ: Mức chi tối đa bằng chế độ công tác phí theo quy định hiện hành.

b) Tiền ăn học sinh là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia: Hỗ trợ 0,1 lần mức lương cơ sở/học sinh/ngày.

c) Tiền ăn học sinh là thành viên dự thi học sinh giỏi quốc gia: Hỗ trợ 0,2 lần mức lương cơ sở/học sinh/ngày.

7. Hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt cho học sinh nội trú, bán trú tại trường Trung học phổ thông chuyên, trường trung học phổ thông chất lượng cao và trường trung học cơ sở tạo nguồn có ký túc xá (thực hiện 09 tháng/năm)

a) Đối với học sinh nội trú: Định mức điện 25kw/học sinh/tháng; nước sinh hoạt 4m3/học sinh/tháng.

b) Đối với học sinh bán trú: Định mức điện 10kw/học sinh/tháng; nước sinh hoạt 2m3/học sinh/tháng.

Điều 3. Quy định chế độ hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh trường trung học phổ thông chuyên

1. Hỗ trợ học sinh

a) Sinh hoạt phí (thực hiện 09 tháng/năm) đối với học sinh thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, gia đình chính sách và gia đình thuộc đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật:

- Học sinh nội trú: 01 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng;

- Học sinh bán trú: 0,5 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng.

b) Học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh đạt kết quả học tập cuối học kỳ loại giỏi: 0,2 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng.

2. Hỗ trợ Ban Giám hiệu: 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng (thực hiện 09 tháng/năm).

3. Hỗ trợ giáo viên (thực hiện 09 tháng/năm)

a) Giáo viên dạy môn chuyên: 02 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

b) Giáo viên dạy môn không chuyên: 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

4. Hỗ trợ viên chức, nhân viên khác (trong biên chế trả lương của đơn vị): 01 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

5. Hỗ trợ người soạn thảo, thẩm định tài liệu, giáo trình dạy bồi dưỡng học sinh giỏi các môn cho học sinh dự thi học sinh giỏi toàn quốc

a) Hỗ trợ soạn thảo: 30.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 4.500.000 đồng/giáo trình/môn học.

b) Hỗ trợ thẩm định: 10.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 1.500.000 đồng/giáo trình/môn học.

6. Hỗ trợ người chỉnh sửa, bổ sung, thẩm định tài liệu, giáo trình dạy bồi dưỡng học sinh giỏi các môn cho học sinh dự thi học sinh giỏi toàn quốc sau một thời gian sử dụng (từ 2-3 năm) phải chỉnh sửa; trường hợp chỉnh sửa trên 50% đơn vị kiến thức so với bản gốc, nếu được thẩm định công nhận thì hỗ trợ:

a) Hỗ trợ chỉnh sửa, bổ sung: 15.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 2.000.000 đồng/giáo trình/môn học.

b) Hỗ trợ thẩm định: 5.000 đồng/trang chuẩn/ giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 750.000 đồng/giáo trình/môn học.

7. Thỉnh giảng giáo viên bồi dưỡng học sinh dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia: Mức thù lao theo thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở vận dụng quy định pháp luật hiện hành và được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

8. Đối với thỉnh giảng giáo viên môn ngoại ngữ

a) Thỉnh giảng giáo viên bản ngữ dạy ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh) 02 tiết/tuần và giáo viên dạy ngoại ngữ 2 (các ngoại ngữ khác ngoài Tiếng Anh) 01 tiết/tuần;

b) Ngân sách hỗ trợ một phần thù lao theo mức do cấp thẩm quyền quyết định trên cơ sở vận dụng quy định pháp luật hiện hành và phần còn lại do cha mẹ học sinh đóng góp.

9. Ngân sách hỗ trợ tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong nước 01 lần/năm học đối với Ban Giám hiệu, giáo viên và nhân viên của trường đạt thành tích lao động xuất sắc trong năm.

Điều 4. Quy định chế độ hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh trường trung học phổ thông chất lượng cao

1. Hỗ trợ học sinh.

a) Sinh hoạt phí (thực hiện 09 tháng/năm) đối với học sinh bán trú thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, gia đình chính sách và gia đình thuộc đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật: 0,45 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng;

b) Cấp học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh đạt kết quả học tập cuối học kỳ loại giỏi: 0,15 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng.

2. Hỗ trợ Ban Giám hiệu: 1,3 mức lương cơ sở/người/tháng (thực hiện 09 tháng/năm).

3. Hỗ trợ giáo viên dạy các lớp chất lượng cao (thực hiện 09 tháng/năm)

a) Giáo viên dạy trên 10 tiết/tuần: 1,7 mức lương cơ sở/người/tháng;

b) Giáo viên dạy từ 10 tiết/tuần trở xuống: 1,3 mức lương cơ sở/người/tháng.

4. Hỗ trợ viên chức, nhân viên khác (trong biên chế trả lương của đơn vị): 0,8 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

5. Hỗ trợ người soạn thảo, thẩm định tài liệu, giáo trình dạy các môn tăng cường cho lớp chất lượng cao

a) Hỗ trợ soạn thảo: 25.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học mức tối đa không quá 3.000.000 đồng/giáo trình/môn học;

b) Hỗ trợ thẩm định: 5.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 600.000 đồng/giáo trình/môn học.

6. Hỗ trợ người chỉnh sửa, bổ sung, thẩm định tài liệu, giáo trình dạy các môn tăng cường cho lớp chất lượng cao sau một thời gian sử dụng (từ 2-3 năm) phải chỉnh sửa; trường hợp chỉnh sửa trên 50% đơn vị kiến thức so với bản gốc, nếu được thẩm định công nhận thì được hỗ trợ

a) Hỗ trợ chỉnh sửa, bổ sung: 10.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 1.500.000 đồng/giáo trình/môn học.

b) Hỗ trợ thẩm định: 2.500 đồng/trang chuẩn/ giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 300.000 đồng/giáo trình/môn học.

7. Thỉnh giảng giáo viên bồi dưỡng học sinh dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia: Mức thù lao theo thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở vận dụng quy định pháp luật hiện hành và được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

8. Đối với thỉnh giảng giáo viên môn ngoại ngữ

a) Thỉnh giảng giáo viên bản ngữ dạy ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh) 02 tiết/tuần và giáo viên dạy ngoại ngữ 2 (các ngoại ngữ khác ngoài Tiếng Anh) 01 tiết/tuần;

b) Ngân sách hỗ trợ một phần thù lao theo mức do cấp thẩm quyền quyết định trên cơ sở vận dụng quy định pháp luật hiện hành và phần còn lại do cha mẹ học sinh đóng góp.

9. Ngân sách hỗ trợ tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong nước 01 lần/năm học đối với Ban Giám hiệu, giáo viên và nhân viên của trường đạt thành tích lao động xuất sắc trong năm.

Điều 5. Quy định chế độ hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh trường trung học cơ sở tạo nguồn và trường trung học cơ sở có lớp tạo nguồn

1. Học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh đạt kết quả giỏi, khá cuối học kỳ (thực hiện 09 tháng/năm học)

a) Học sinh đạt loại giỏi: 0,1 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng;

b) Học sinh đạt loại khá: 0,07 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng.

2. Hỗ trợ Ban Giám hiệu: 1,1 lần mức lương cơ sở/người/tháng (thực hiện 09 tháng/năm)

3. Hỗ trợ giáo viên dạy các lớp tạo nguồn (thực hiện 09 tháng/năm)

a) Dạy trên 10 tiết/tuần: 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

b) Dạy từ 10 tiết/tuần trở xuống: 1,1 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

4. Hỗ trợ người soạn thảo, thẩm định tài liệu, giáo trình dạy các môn tăng cường và phân hóa tăng cường đối với lớp tạo nguồn

a) Hỗ trợ soạn thảo: 20.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 2.500.000 đồng/giáo trình/môn học.

b) Hỗ trợ thẩm định: 4.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 400.000 đồng/giáo trình/môn học.

5. Hỗ trợ người chỉnh sửa, bổ sung, thẩm định tài liệu, giáo trình sau một thời gian sử dụng (từ 2-3 năm) phải chỉnh sửa; trường hợp chỉnh sửa trên 50% đơn vị kiến thức so với bản gốc, nếu được thẩm định công nhận thì hỗ trợ

a) Hỗ trợ chỉnh sửa, bổ sung: 10.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 1.300.000 đồng/giáo trình/môn học.

b) Hỗ trợ thẩm định: 2.000 đồng/trang chuẩn/giáo trình/môn học, mức tối đa không quá 200.000 đồng/giáo trình/môn học.

6. Đối với thỉnh giảng giáo viên môn ngoại ngữ

a) Thỉnh giảng giáo viên bản ngữ dạy ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh) 02 tiết/tuần và giáo viên dạy ngoại ngữ 2 (các ngoại ngữ khác ngoài Tiếng Anh) 01 tiết/tuần.

b) Ngân sách hỗ trợ một phần thù lao theo mức do cấp thẩm quyền quyết định trên cơ sở vận dụng quy định pháp luật hiện hành và phần còn lại do cha mẹ học sinh đóng góp.

Điều 6. Nghị quyết này bãi bỏ các Nghị quyết sau

1. Nghị quyết số 44/2011/NQ-HĐND8 ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về việc hỗ trợ công chức, viên chức nhân viên hợp đồng và học sinh ngành Giáo dục - Đào tạo và Dạy nghề;

2. Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐND8 ngày 18 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về chính sách, chế độ hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên, học sinh ngành Giáo dục - Đào tạo và Dạy nghề tỉnh Bình Dương;

3. Nghị quyết số 36/2014/NQ-HĐND8 ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về chính sách hỗ trợ đối với viên chức ngành Giáo dục - Đào tạo và Dạy nghề tỉnh Bình Dương;

4. Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND9 ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với đơn vị, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên ngành Giáo dục - Đào tạo và Dạy nghề tỉnh Bình Dương.

Điều 7. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 8. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Khóa IX, kỳ họp thứ Mười thông qua ngày 26 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2019./.

 


Nơi nhận:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ, Ban công tác ĐB;
- Các Bộ: Nội vụ, Tài chính, GD-ĐT, LĐTB&XH;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về pháp luật (Sở Tư pháp);
- LĐVP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND và UBND cấp huyện;
- Trung tâm CB, Website, Báo, Đài PT-TH Bình Dương;
- Chuyên viên phòng TH (04), HC-TC-QT;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Võ Văn Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 07/2019/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 31/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Võ Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản