Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2013/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 20 tháng 3 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thể dục thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP, ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục thể thao;

Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 413/TTr-UBND, ngày 11 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, với những nội dung chính sau:

I. Quan điểm

Phát triển thể dục, thể thao là yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tăng cường thể lực, tầm vóc, tăng tuổi thọ người dân và lành mạnh hóa lối sống của thanh thiếu niên.

Đầu tư cho thể dục thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Phát triển thể dục, thể thao là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân; ngành thể dục, thể thao giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện các chính sách phát triển thể dục, thể thao của Đảng và Nhà nước.

Phát triển đồng bộ thể dục, thể thao trong trường học, trong lực lượng vũ trang, ở xã, phường, thị trấn cùng với phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

Tăng đầu tư ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao, kết hợp việc kinh doanh thể dục, thể thao với công tác cung ứng dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về thể dục, thể thao.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 là cơ sở xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao tỉnh nhà, nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Tây Ninh phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất, nâng cao vị thế, thành tích thể thao của tỉnh ở khu vực, trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phong trào giáo dục thể chất và thể dục thể thao trường học.

- Nội khóa: Đến năm 2015 đạt 100%; năm 2020 duy trì 100% và nâng cao chất lượng.

- Ngoại khóa: Đến năm 2015 đạt 68%; phấn đấu đến năm 2020 đạt 100%.

- Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề đảm bảo chương trình thể dục nội khóa. Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa.

b) Phong trào thể dục thể thao quần chúng

- Tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên: Đến năm 2015 đạt 29%; năm 2020 đạt trên 33%.

- Hộ gia đình thể thao: Đến năm 2015 đạt 22%; năm 2020 đạt trên 25%.

- Số xã, phường, thị trấn xây dựng các điểm tập luyện Thể dục thể thao đạt 100% năm 2020.

- Xây dựng các câu lạc bộ thể thao cho người khuyết tật, đảm bảo tỷ lệ tham gia luyện tập, tạo thành các phong trào thi đấu thể thao cấp huyện, tỉnh.

c) Thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang: Duy trì tỷ lệ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đến năm 2020 là 100%.

d) Thể thao thành tích cao

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng nhu cầu huấn luyện các môn thể thao trọng điểm, nâng cao thành tích thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.

- Số lượng vận động viên tập trung đào tạo: Đến năm 2015 là 332 vận động viên; năm 2020 là 535 vận động viên.

- Cấp I: Đến năm 2015 là 26 vận động viên; năm 2020 là 50 vận động viên.

- Kiện tướng: Đến năm 2015 là 12 vận động viên; năm 2020 là 19 vận động viên.

- Số lượng vận động viên chuyên nghiệp năm 2015 là 33 vận động viên (chiếm 10% số lượng vận động viên); năm 2020 là 80 vận động viên (chiếm 15% số lượng vận động viên).

- Số môn thể thao chuyên nghiệp: Đến năm 2015 có 05 môn; năm 2020 là 07 môn trong tổng số 4 nhóm môn thể thao trọng điểm.

- Số lượng câu lạc bộ chuyên nghiệp: Đến năm 2015 là 04 câu lạc bộ; năm 2020 là 07 câu lạc bộ.

- Số huy chương đạt được:

+ Trong nước: Đến năm 2015 là 271 huy chương; năm 2020 là 344 huy chương.

+ Quốc tế: Đến năm 2015 là 5 huy chương; năm 2020 là 10 huy chương.

III. Cơ sở vật chất thể dục thể thao

1. Đến năm 2020 đất dành cho thể dục thể thao bình quân đạt 3m2 /người; 100% xã, phường và thị trấn có sân bóng đá.

2. Chỉ tiêu đất hoạt động thể dục thể thao cho học sinh đến năm 2015 là 1,25m2/học sinh; năm 2020 là 2m2/học sinh.

3. Các công trình thể thao: Đến năm 2015 là 124 công trình, năm 2020 là 166 công trình.

a) Đạt tiêu chuẩn quốc tế: Các công trình xây dựng tại trung tâm thể thao của tỉnh phải đảm bảo quy chuẩn quốc tế (sân vận động tỉnh, hồ bơi, nhà thi đấu).

b) Đạt tiêu chuẩn cấp Quốc gia: Các công trình từ cấp huyện trở lên phải đảm bảo quy chuẩn cấp quốc gia (Trung tâm huấn luyện thể thao, sân vận động cấp huyện).

c) Đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh: Các công trình xã, phường, thị trấn phải đảm bảo theo quy chuẩn của cấp tỉnh (sân bóng đá, nhà tập thể thao, hồ bơi).

IV. Nguồn kinh phí

1. Ngân sách Nhà nước.

2. Nguồn xã hội hóa.

V. Các chương trình, dự án đầu tư thực hiện

Chia làm 02 giai đoạn

1. Giai đoạn 2013 đến 2015:

a) Đầu tư xây dựng Trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh.

b) Tiếp tục thực hiện xã hội hóa thể dục thể thao.

c) Thực hiện Đề án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao.

2. Giai đoạn 2016 đến năm 2020:

a) Xây dựng chương trình tuyển chọn vận động viên các môn thể thao mũi nhọn theo tiêu chuẩn.

b) Xây dựng Đề án thể thao thành tích cao.

c) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa thể dục thể thao.

VI. Các nhiệm vụ chủ yếu

1. Nâng cấp và hoàn thiện cơ sở vật chất, nguồn lực, từng bước phát triển vững chắc phong trào thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao quần chúng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; đầu tư phát triển các môn thể thao thành tích cao và duy trì các môn thể thao phong trào.

2. Đảm bảo chất lượng giáo dục thể chất, thể dục thể thao trong trường học, nâng cao thể trạng, tầm vóc thế hệ trẻ, tuyển chọn, đào tạo tuyến năng khiếu, tuyến trẻ từ thể thao học đường. Tăng cường công năng của Trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh.

3. Xây dựng các loại hình thể thao phong phú, đa dạng để tăng cường thể chất cho lực lượng vũ trang; đảm bảo duy trì 100% cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chí chiến sỹ khỏe.

4. Ứng dụng quy trình tuyển chọn và đào tạo các môn thể thao, đầu tư có trọng điểm các môn thể thao mũi nhọn và các môn thể thao triển vọng của tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thành tích thi đấu thể thao khu vực, trong nước và quốc tế.

5. Khuyến khích đầu tư phát triển các điểm hoạt động thể thao ở tất cả các cấp, các khu, cụm công nghiệp.

6. Khôi phục các môn thể thao dân tộc. Xây dựng các chương trình thể thao gắn với lễ hội, dịch vụ du lịch.

VII. Các giải pháp chủ yếu

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đổi mới phương pháp hoạt động, tăng cường tổ chức bộ máy hoạt động thể dục thể thao các cấp.

2. Xây dựng các cơ chế chính sách

a) Xây dựng các cơ chế, chính sách về hoạt động và hưởng thụ thể dục thể thao của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là lực lượng công nhân trong các khu, cụm công nghiệp.

b) Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa thể dục thể thao, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao, từng bước tạo lập và phát triển thị trường dịch vụ thể thao.

3. Giải pháp quy hoạch và sử dụng đất

Quy hoạch đất đai cho thể dục thể thao nhằm phục vụ nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe nhân dân, đào tạo vận động viên, thu hút du lịch, đảm bảo theo Nghị quyết số 14/NQ-CP, ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch 05 năm (2011-2015). Đến năm 2020 bảo đảm diện tích đất bình quân cho người dân tập luyện thể dục thể thao đạt 3m2/người.

4) Giải pháp về đầu tư, huy động vốn

a) Từng bước tăng đầu tư ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp phát triển thể dục thể thao, đồng thời tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.

b) Chủ động huy động vốn từ xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao thông qua các nguồn đầu tư xã hội hóa. Khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này đảm bảo đúng quy định.

Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Hùng Việt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 06/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

  • Số hiệu: 06/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 20/03/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Võ Hùng Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản