Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2010/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 09 tháng 07 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC DẠY TIẾNG ÊĐÊ TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục được Quốc hội nước Cộng hòa xã chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/6/2005;

Căn cứ Quyết định 53/CP ngày 22/02/1980 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số;

Căn cứ Thông tư số 01/BGD-ĐT ngày 03/02/1997 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn việc dạy học tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số;

Xét Tờ trình số 52/TTr-UBND, ngày 10/6/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết dạy tiếng Êđê trong trường Tiểu học và Trung học cơ sở giai đoạn 2010-2015; Báo cáo thẩm tra số 23/BC-HĐND ngày 05/7/2010 của Ban VHXH của HĐND tỉnh và ý kiến của các vị Đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết về dạy tiếng Êđê trong trường Tiểu học và Trung học cơ sở giai đoạn 2010 - 2015, với những nội dung cụ thể như sau:

1. Mục tiêu:

a. Mục tiêu tổng quát.

Phát triển quy mô dạy tiếng Êđê trong nhà trường một cách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và học sinh dân tộc Êđê.

Phấn đấu đến năm 2015, đảm bảo các trường Tiểu học thuộc vùng đồng bào dân tộc Êđê đều triển khai dạy học tiếng Êđê.

Năm học 2010 - 2011, đưa chương trình dạy tiếng Êđê lớp 6, 7, 8 vào giảng dạy tất cả các trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột.

Đổi mới công tác quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý chỉ đạo dạy tiếng dân tộc có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, hiểu biết tiếng, chữ và văn hóa dân tộc Êđê.

Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Êđê đủ về số lượng, đạt chuẩn, sử dụng hợp lí nhằm đảm bảo sự phát triển dạy học tiếng Êđê trong giai đoạn mới.

Tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng đủ phòng học, đảm bảo cấp tiểu học được học 2 buổi/ngày ở các trường thuộc vùng dân tộc thiểu số để có điều kiện mở rộng quy mô dạy học tiếng Êđê.

Ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc nghiên cứu, biên soạn giáo trình, sách tham khảo, xây dựng thiết kế mẫu về đồ dùng dạy học nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy học tiếng Êđê.

b. Mục tiêu cụ thể.

- Mỗi năm học phát triển thêm 04 trường Tiểu học, 20 lớp và 500 học sinh. Đến năm 2015, đối với cấp Tiểu học có 100 trường, 584 lớp, khoảng 15.000 học sinh. Đối với cấp trung học cơ sở (trường Phổ thông dân tộc nội trú) có 15 trường, 60 lớp và khoảng 2.000 học sinh.

- Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Êđê. Giảm tỉ lệ xếp loại yếu dưới 5% đối với tiểu học, dưới 10% đối với cấp trung; học cơ sở (Phổ thông dân tộc nội trú) vào năm 2015.

- Tập trung bồi dưỡng và đào tạo giáo viên dạy tiếng Êđê.

+ Bồi dưỡng giáo viên: Mỗi năm học (02 tháng trong hè) mở một lớp bồi dưỡng khoảng 70 giáo viên, đến năm 2015 số giáo viên bồi dưỡng tiếng Êđê 300 giáo viên.

+ Đào tạo giáo viên: Từ năm 2010 - 2015 đào tạo 02 lớp khoảng 80 giáo viên, hệ đào tạo giáo viên tiểu học 12 + 2 + 06 tháng, đào tạo 02 lớp khoảng 70 giáo viên hệ Cao đẳng sư phạm Ngữ văn 12 + 3 + 06 tháng.

- Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo dạy tiếng Êđê.

+ Phân công cán bộ phụ trách dạy học tiếng dân tộc ở Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Phân công cán bộ theo dõi chuyên môn tiếng Êđê ở trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giảng dạy cho sinh viên được học tiếng dân tộc.

+ Phòng Giáo dục và Đào tạo, cử lãnh đạo và chuyên viên phụ trách dạy học tiếng Êđê.

+ Cấp trường, có 01 người trong Ban Giám hiệu trường phụ trách môn học. Tổ chuyên môn cử tổ trưởng hoặc tổ phó phụ trách tiếng Êđê sinh hoạt theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

+ Các trường dạy tiếng Êđê được hợp đồng giáo viên, được ghi chỉ tiêu biên chế giáo viên tiếng Êđê theo định mức 23 tiết thêm một giáo viên (ngoài mức quy định chung).

- Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng 01 đến 02 trường điểm về dạy học tiếng Êđê, đúc rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.

2. Đối tượng, phạm vi và nhiệm vụ của Nghị quyết:

a. Đối tượng: Học sinh dân tộc Êđê cấp Tiểu học (lớp 3 đến lớp 5). Cấp Trung học cơ sở (học sinh ở trường Phổ thông dân tộc nội trú lớp 6, 7, 8).

b. Phạm vi: Thực hiện ở tất cả các trường thuộc vùng đồng bào dân tộc Êđê trong tỉnh.

c. Nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân trong toàn tỉnh và ngành giáo dục về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc phát triển giáo dục dân tộc.

3. Các giải pháp thực hiện:

a. Làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách ngôn ngữ dân tộc của Đảng và Nhà nước để các cấp, các ngành quan tâm đến nhiệm vụ dạy học tiếng dân tộc trong các trường phổ thông.

b. Tiến hành tổng kết dạy học tiếng Êđê cấp tiểu học, xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc phát triển quy mô trường, lớp, học sinh cho từng năm học.

c. Tăng cường về quản lý, chỉ đạo chuyên môn để đảm bảo sự phát triển đúng hướng, tăng cường quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm cho các trường.

d. Ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo viên dạy tiếng Êđê ở các trường thuộc các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, khu vực II; hiệu trưởng hoặc hiệu phó; tổ trưởng hoặc tổ phó chuyên môn; cán bộ quản lý, chuyên viên (nguyên là giáo viên) Ban nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc được phân công chỉ đạo dạy tiếng Êđê, mức hỗ trợ bằng 0,3 hệ số lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

đ. Nguồn vốn thực hiện đề án: hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh lập dự toán trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét bố trí chung trong kinh phí sự nghiệp giáo dục, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của đề án đã đề ra.

Điều 2: Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3: Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa VII, Kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 09/7/2010./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Sở: Tài chính, Tư pháp;
- TT.HĐND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Đăk Lăk, Đài PTTH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, Phòng CtHĐND.

CHỦ TỊCH




Niê Thuật