BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1-GD/ĐT | Hà Nội, ngày 03 tháng 2 năm 1997 |
Ngày 22-02-1980 Hội đồng Chính phủ (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 53/CP về "Chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số".
Ngày 16-8-1991 Nhà nước ban hành Luật phổ cập giáo dục tiểu học, tại điều 4 có ghi: Giáo dục tiểu học được thực hiện bằng tiếng Việt. Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học".
Để thực hiện có kết quả các chủ trưởng nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây:
- Thực hiện Luật phổ cập giáo dục tiểu học, trước hết triển khai dạy học môn tiếng dân tộc (bao gồm tiếng nói, chữ viết) trong các trường lớp mẫu giáo, các trường tiểu học, các lớp xoá mù chữ và bổ túc văn hoá tại các vùng dân tộc thiểu số. Việc dạy học tiếng, chữ dân tộc cần căn cứ vào chương trình và kế hoạch dạy học của các loại trường, lớp nói trên.
- Việc dạy học tiếng dân tộc phải thực hiện theo những bước đi vững chắc, sau khi đã đảm bảo các điều kiện: được HĐND, UBND tỉnh và thành phố đề nghị tiến hành giảng dạy, đã có chương trình và tài liệu, có đủ giáo viên và cơ sở vật chất. ở những nơi đang tiến hành dạy học tiếng dân tộc cần củng cố các điều kiện trên để việc giảng dạy được liên tục và có chất lượng.
- Ở những cơ sở dạy tiếng dân tộc, tiếng dân tộc được giảng dạy như một môn học, bình đẳng với các môn học khác trong nhà trường nhằm mục đích giúp người học tiếp thu nhanh, thuận lợi các kiến thức được truyền đạt bằng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông, góp phần bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết và vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Đa dạng hoá các hình thức dạy học tiếng dân tộc. Người học có thể lựa chọn việc học tập thích hợp: học ở trường, học ở gia đình, ở các lớp học thêm ngoài giờ, học tiếng dân tộc sau khi đã học xong bậc tiểu học... Mở các lớp học xoá mù chữ cho người lớn tuổi ở các thôn ấp, làng bản, các lớp học tiếng dân tộc buổi chiều, buổi tối... Dù dạy học theo hình thức nào, nhất thiết phải thực hiện theo nội dung chương trình và tài liệu dạy học do ngành giáo dục quy định.
2. Một số việc làm cụ thể trước mặt:
a) Xây dựng chương trình bộ môn tiếng dân tộc, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu dạy học cần thiệt.
Dựa vào loại hình chữ viết, cấu tạo âm - vần và điều kiện học tập của học sinh để xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học, biên soạn sách tiếng dân tộc cho phù hợp với mục tiêu của môn học là dạy cho người học biết đọc, biết viết tương đối thành thạo và vững chắc tiếng dân tộc.
- Đối với các thứ chữ theo hệ la tinh thì bộ môn tiếng dân tộc được bắt đầu dạy từ lớp 3, sau khi học sinh đã học xong và nắm được bộ vần quốc ngữ để tránh tình trạng học sinh nhỏ tuổi ở lớp 1 và 2 phải học hai bộ vần trong cùng một lúc.
- Đối với chữ viết cổ truyền (Hoa, Khơ Me, Chăm, Thái) do hệ thống ký hiệu chữ viết, cách cấu tạo âm - vần khác với chữ quốc ngữ, việc thanh toán bộ vần đòi hỏi nhiều thời gian nên có thể triển khai dạy từ lớp 1 để sau khi học xong tiểu học, học sinh biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ tương đối thành thạo.
- Môn học tiếng dân tộc được đưa vào kế hoạch dạy học chung: ở tiểu học, mỗi tuần dạy 4 tiết. Các trường, lớp có dạy môn tiếng dân tộc nhất thiết phải đảm bảo yêu cầu và thực hiện theo phân phối chương trình, học sinh được kiểm tra đánh giá, ghi kết quả học tập vào sổ điểm và học bạ như các môn học khác.
- Tiến hành chỉnh lý, biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc cho phù hợp với nội dung chương trình và kế hoạch dạy học theo quy định.
- Các loại chương trình bộ môn tiếng dân tộc phải được Hội đồng cấp Bộ thẩm định và ban hành chính thức. Các loại sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng dân tộc được in đẹp, nhiều màu sắc và phát miễn phí cho học sinh. Trước mắt, tiến hành xây dựng chương trình bộ môn tiếng Chăm, tiếng Khơ Me, Thái, Tày, Nùng và các thứ tiếng Ê đê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, K'ho ở các tỉnh Tây Nguyên; tiến hành đánh giá và thẩm định chương trình môn tiếng Hoa đã được áp dụng từ năm học 1989-1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục biên soạn sách giáo khoa chữ Hoa cho hoàn chỉnh từ lớp 1 đến lớp 9 như đã quy định; triển khai giảng dạy chữ H'mông theo chương trình và sách giáo khoa mới được biên soạn tại các tỉnh có đông người Hmông cư trú; tiến hành chỉnh lý hoặc biên soạn lại các bộ sách giáo khoa chữ dân tộc cho phù hợp với chương trình tiểu học.
b) Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc.
- Trên cơ sở chương trình, kế hoạch và nội dung dạy học các thứ tiếng dân tộc cụ thể, các địa phương tiến hành đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Trong kế hoạch đào tạo, cần tuyển chọn người địa phương, người dân tộc thiểu số có kiến thức nhất định, hiểu biết về tiếng và chữ dân tộc vào học ở các trường sư phạm để sau khi đào tạo, họ có thể về công tác ngay tại địa phương. Nội dung đào tạo phải chú trọng đến năng lực giảng dạy hai thứ tiếng: tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Định kỳ hàng năm có tổ chức bồi dưỡng giáo viên để nâng cao trình độ về tiếng, chữ dân tộc, về phương pháp giảng dạy song ngữ thông qua các hội thảo, sinh hoạt chuyên đề...
- Các Sở Giáo dục - Đào tạo phải tiến hành quy hoạch, xây dựng kế hoạch chỉ tiêu và giao cho các trường sư phạm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc và dạy song ngữ. Chương trình đào tạo của các trường sư phạm cần được bổ sung các nội dung thích ứng như đặc điểm lịch sử, văn hoá, tiếng nói, chữ viết dân tộc và phương pháp giảng dạy bộ môn tiếng dân tộc và song ngữ.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ từng bước nghiên cứu hình thành các trung tâm bồi dưỡng tiếng và chữ dân tộc ở mỗi vùng để đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo và giảng dạy tiếng, chữ dân tộc làm lực lượng nòng cốt cho các địa phương.
- Giáo viên ở các vùng dân tộc giảng dạy chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thì được hưởng thêm một khoản phụ cấp trách nhiệm nhằm khuyến khích giáo viên học tập, nâng cao trình độ ngôn ngữ và năng lực sư phạm. Về mức phụ cấp cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bàn bạc cùng với liên bộ. Tuỳ điều kiện cụ thể của mỗi tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định khoản phụ cấp cho thích hợp.
c) Xác định mức độ dạy học tiếng dân tộc:
- Trong bậc giáo dục mầm non:
Ở các lớp mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, việc dạy học được tiến hành chủ yếu bằng tiếng dân tộc. Đối với các lớp mẫu giáo lớn tuổi, thông qua chương trình dạy học, bằng các hình thức ngôn ngữ giao tiếp, giới thiệu thơ ca dân gian bằng tiếng dân tộc cho các em; bên cạnh đó cần chú trọng dạy tập nói tiếng Việt để giúp các em chuyển sang học lớp 1 được thuận lợi.
- Trong bậc giáo dục phổ thông:
Ở bậc tiểu học, dạy cho học sinh biết đọc, biết viết tương đối thành thạo và vững chắc chữ viết dân tộc nhằm giúp các em có cơ sở ban đầu để tự học, tự nâng cao trình độ về tiếng nói, chữ viết mẹ đẻ sau này.
- Trong ngành học giáo dục thường xuyên:
Ngành học giáo dục thường xuyên cần nhanh chóng tạo ra các điều kiện cần thiết để đưa tiếng dân tộc vào việc xoá mù chữ cho người dân tộc thiểu số. Trước hết tiến hành xoá mù chữ dân tộc cho các đối tượng lớn tuổi không có điều kiện xoá mù chữ bằng chữ quốc ngữ. Sau xoá mù chữ cần có các tài liệu đọc thêm bằng chữ dân tộc để củng cố và nâng cao thêm vốn hiểu biết tiếng và chữ mẹ đẻ cho họ.
Với các đối tượng là cán bộ xã, bản, thôn ấp và thanh niên từ 15 - 25 tuổi sau khi được xoá mù chữ và bổ túc văn hoá bằng tiếng và chữ phổ thông, khuyến khích họ học thêm chữ dân tộc để sử dụng trong công tác và trong đời sống tại địa phương.
- Ngoài việc giảng dạy trong nhà trường, tiếng và chữ dân tộc cần được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội địa phương vùng dân tộc thiểu số thông qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, xuất bản các loại sách báo địa phương...
Việc tổ chức dạy học tiếng dân tộc cùng với tiếng phổ thông trong nhà trường là một chủ trương lớn. Bộ sẽ tăng cường công tác nghiên cứu và chỉ đạo việc dạy học cũng như việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa, tài liệu, đồ dùng giảng dạy và đào tạo giáo viên. Để thực hiện có kết quả công tác này, Bộ giao cho:
- Viện Khoa học giáo dục (Trung tâm Giáo dục dân tộc) chủ trì phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Bộ và các tỉnh tổ chức xây dựng chương trình bộ môn tiếng dân tộc dùng trong các trường tiểu học, các lớp xoá mù chữ vùng dân tộc thiểu số. Bộ sẽ tiến hành xét duyệt để ban hành chính thức.
- Nhà Xuất bản Giáo dục phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo viên và các địa phương tổ chức biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc, sách hướng dẫn giảng dạy và các tài liệu dạy học cần thiết theo thể thức quy định về sách giáo khoa chung; phối hợp với các cơ quan khác như Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển... để xây dựng từ điển, sách ngữ pháp cho các tiếng dân tộc dùng trong trường học.
- Vụ Giáo dục tiểu học tiến hành việc chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện chương trình dạy học tiếng dân tộc trong các trường tiểu học, bổ sung vào sổ điểm và học bạ phần bộ môn tiếng dân tộc.
- Vụ Giáo dục Mần non phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu dạy học tiếng dân tộc, hàng năm tiến hành chỉ đạo việc thực hiện chương trình trong các trường, lớp mẫu giáo vùng dân tộc.
- Vụ Giáo dục thường xuyên tiến hành việc chỉ đạo và hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch xoá mù chữ và bổ túc văn hoá bằng tiếng dân tộc cho các đối tượng như đã hướng dẫn.
- Vụ Giáo viên phối hợp với các tỉnh để tiến hành xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc và dạy song ngữ trong các trường sư phạm vùng dân tộc; cùng các Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổ chức Cán bộ xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc hàng năm; tiến hành nghiên cứu chế độ chính sách đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc và song ngữ phù hợp.
- Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ để cụ thể hoá xây dựng chương trình cho phù hợp với từng thứ tiếng và biên soạn tài liệu, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc; xây dựng kế hoạch hàng năm về việc dạy tiếng dân tộc đối với các ngành học trong tỉnh và thành phố, tính toán các nhu cầu kinh phí; phối hợp với các cơ quan liên quan khác (Văn hoá, Thông tin, Khoa học Kỹ thuật...) để tăng cường sử dụng tiếng dân tộc trong đời sống. Mỗi tỉnh, thành phố cần có tổ chức theo dõi, chỉ đạo (Phòng Chữ dân tộc, hoặc tổ, nhóm...) giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo được kết quả.
Để việc sử dụng tiếng nói và chữ viết các dân tộc thiểu số được phát triển rộng rãi và vững chắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố tăng cường việc tuyên truyền và sử dụng tiếng dân tộc trong đời sống, tăng cường việc giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, làm phong phú thêm nền văn hoá của cả nước; đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan giáo dục, các trường học thực hiện tốt Thông tư này.
Thông tư này thay thế cho Thông tư 14/TT ngày 12/4/1962 của Bộ Giáo dục hướng dẫn thực hiện Nghị định 206/CP của Chính phủ về dạy chữ dân tộc trong các trường lớp phổ thông và xoá mù trữ; Thông tư 19/TT ngày 18/2/1972 của Bộ Giáo dục hướng dẫn thực hiện Quyết định 153/CP của Chính phủ về dạy chữ dân tộc trong ngành giáo dục.
Trần Xuân Nhĩ (Đã ký) |
Thông tư 1-GD/ĐT-1997 hướng dẫn việc dạy học tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục đào tạo ban hành
- Số hiệu: 1-GD/ĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 03/02/1997
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Trần Xuân Nhĩ
- Ngày công báo: 15/04/1997
- Số công báo: Số 7
- Ngày hiệu lực: 18/02/1997
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định