Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2024/NQ-HĐND

Tiền Giang, ngày 19 tháng 7 năm 2024

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 189/TTr-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Báo cáo thẩm tra số 221/BC-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2024 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số nội dung chi và mức chi hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương và nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, quyết toán và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Kinh phí thực hiện các nội dung của Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải hướng tới đạt mục tiêu thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 - 2025 ban hành tại các quyết định: Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

2. Đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch và tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung của Chương trình.

3. Không sử dụng kinh phí của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và các nội dung, nhiệm vụ bố trí kinh phí từ các Chương trình, dự án khác.

4. Việc thực hiện phân bổ đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

5. Trường hợp cùng một thời điểm, nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau (kể cả từ các chương trình, dự án khác), đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất.

Chương II

QUY ĐỊNH CÁC NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI

Điều 4. Một số nội dung chi và mức chi chung

1. Chi công tác phí, tổ chức hội nghị, tập huấn: thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi về công tác phí, chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Chi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng: thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 19 tháng 4 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

3. Chi thực hiện các hoạt động điều tra, thống kê: thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi và mức chi thực hiện các cuộc điều tra thống kê trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

4. Chi thuê hội trường, thuê xe, văn phòng phẩm, trang trí và các khoản chi khác không có định mức chi: theo thực tế phát sinh và phù hợp với chế độ tài chính, kế toán hiện hành.

Điều 5. Chi hỗ trợ các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, ấp

Chi hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, ấp được phê duyệt và đảm bảo nội dung thực hiện theo hướng dẫn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% nhưng không vượt quá 07 triệu đồng/mô hình xử lý nước thải quy mô hộ gia đình và không vượt quá 500 triệu đồng/mô hình xử lý nước thải quy mô ấp; phần còn lại từ các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 6. Chi hỗ trợ xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

1. Chi hỗ trợ một lần tem QR code để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của địa phương cho tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh (gọi chung là cơ sở) có địa chỉ hoạt động trên địa bàn của xã, huyện. Mức hỗ trợ tối đa 30.000 tem/cơ sở nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/cơ sở.

2. Chi hỗ trợ một lần chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã số vùng trồng, vùng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên các sản phẩm chủ lực của xã, huyện, tỉnh: mức hỗ trợ tối đa 100% chi phí nhưng không vượt quá 6.000.000 đồng/mã số (đối với vùng trồng cây lâu năm); không vượt quá 5.000.000 đồng/mã số (đối với vùng trồng cây hàng năm) cho vùng trồng có diện tích từ 20 ha trở lên.

Điều 7. Chi hỗ trợ các dự án, mô hình, phương án, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp

1. Chi hỗ trợ các dự án, mô hình, phương án, kế hoạch (gọi tắt là dự án) liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp: nội dung chi hỗ trợ thực hiện theo quy định tạikhoản 13 Điều 4 và khoản 1, 2, 4 Điều 12 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Nghị định số98/2018/NĐ-CPngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;khoản 4, khoản 5 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP(được sửa đổi bổ sung tạikhoản 12 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP); khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 2 Nghị quyết số07/2019/NQ-HĐNDngày 12 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Tổng mức chi hỗ trợ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này cho một dự án/kế hoạch liên kết không quá 50% tổng chi phí thực hiện một dự án/kế hoạch liên kết trên địa bàn thuộc phạm vi đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình.

Điều 8. Chi hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại

Chi hỗ trợ cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại: nội dung hỗ trợ cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương tối đa 50% tổng kinh phí hỗ trợ cho một cơ sở, tổ chức, cá nhân theo quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao nhưng không vượt quá 500 triệu đồng.

Điều 9. Chi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP: hỗ trợ sửa chữa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; bảng hiệu, biểu tượng, biển hiệu nhận diện; quầy, trang thiết bị cần thiết để bảo quản hàng hóa phù hợp theo yêu cầu đặc thù của sản phẩm. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được phê duyệt nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/điểm.

Điều 10. Chi thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Chi hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình phát triển du lịch cộng đồng đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, thiết kế kiến trúc trong nhà phục vụ lưu trú: mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% tổng mức đầu tư của dự án nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/dự án đối với dự án có quy mô đón, phục vụ từ 10 đến dưới 20 khách; không vượt quá 150 triệu đồng/dự án đối với dự án có quy mô đón, phục vụ từ 20 khách trở lên.

Điều 11. Chi thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn phát sinh

1. Chi hỗ trợ tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện đã được phê duyệt: Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí thực hiện nhưng không vượt quá 01 tỷ đồng/đề án, kế hoạch; ngân sách cấp huyện hỗ trợ tối đa 30%; phần còn lại từ các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo đúng quy định pháp luật.

2. Chi hỗ trợ thí điểm và hỗ trợ nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn phát sinh và xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn phát sinh theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí nhưng không vượt quá 500 triệu đồng/mô hình; ngân sách cấp huyện hỗ trợ tối đa 30%; phần còn lại từ các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo đúng quy định pháp luật.

Điều 12. Chi thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm ngư nghiệp; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa

Chi hỗ trợ các mô hình về thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, chất thải nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải nhựa theo nguyên lý tuần hoàn; mô hình cộng đồng dân cư không rác thải nhựa theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương tối đa 50% kinh phí thực hiện một mô hình được duyệt nhưng không vượt quá 150 triệu đồng/mô hình.

Điều 13. Chi đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường

Chi đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các khu vực mặt nước bị ô nhiễm; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí thực hiện 01 mô hình/dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không vượt quá 01 tỷ đồng/mô hình, dự án; ngân sách cấp huyện hỗ trợ tối đa 30%; phần còn lại từ các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo đúng quy định pháp luật.

Điều 14. Chi phát triển các mô hình xóm, ấp sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn

Chi hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình xóm, ấp sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn (áp dụng cho các xã thuộc kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trong năm kế hoạch đạt chuẩn): mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí thực hiện nhưng không vượt quá 500 triệu đồng/xã; ngân sách huyện hỗ trợ tối đa 30%; phần còn lại huy động từ nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định pháp luật.

Điều 15. Chi hỗ trợ thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Chi hỗ trợ xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vàtheo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí thực hiện 01 mô hình/dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không vượt quá 500 triệu đồng/mô hình, dự án; phần còn lại ngân sách cấp huyện hỗ trợ thực hiện.

Điều 16. Chi hỗ trợ thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh

Chi hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thực hiện nhiệm vụ Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 vàtheo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí thực hiện 01 mô hình/dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không vượt quá 500 triệu đồng/mô hình, dự án; phần còn lại ngân sách cấp huyện hỗ trợ thực hiện.

Điều 17. Chi hỗ trợ xây dựng các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng”

Chi hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung cụ thể xây dựng mô hình thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí thực hiện 01 mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/mô hình.

Điều 18. Chi hỗ trợ triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”

Chi hỗ trợ nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; mạng lưới cố vấn/tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Nội dung cụ thể xây dựng mô hình thực hiện theo hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí thực hiện 01 mô hình nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/mô hình.

Điều 19. Chi hỗ trợ vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”

Chi hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng các mô hình sẵn có nhằm vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Nội dung cụ thể xây dựng mô hình thực hiện theo hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí thực hiện 01 mô hình nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/mô hình.

Điều 20. Chi thí điểm và nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng

Chi thí điểm và nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng tại các xã thuộc kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025 (mô hình camera an ninh, mô hình xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đáp ứng yêu cầu tiêu chí Quốc phòng và an ninh của Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu): mức chi hỗ trợ từ ngân sách trung ương phân bổ tối đa 50% kinh phí thực hiện 01 mô hình/dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không vượt quá 200 triệu đồng/xã”; ngân sách cấp huyện hỗ trợ tối đa 30%, phần còn lại huy động từ nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định pháp luật.

Điều 21. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình

1. Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

2. Nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và nguồn đóng góp khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Các nội dung chi và mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình không quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo Thông tư số55/2023/TT-BTCngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

4. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

5. Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 05 tháng 10 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số nội dung chi và mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Khóa X, Kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2024./.


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT; Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước khu vực IX;
- Các đ/c Ủy viên BTV Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- UBND, UB MTTQVN tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, ĐĐBQH&HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- TT. HĐND các xã, phường, thị trấn;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Võ Văn Bình

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2025

  • Số hiệu: 02/2024/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/07/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Võ Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản