Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 1962

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA VIỆT NAM THÔNG TẤN XÃ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 07 năm 1960.
Căn cứ quyết định số 85-CP ngày 06 tháng 08 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ đặt Việt Nam Thông tấn xã thành một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Việt Nam Thông tấn xã là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm, bằng tin và ảnh, phổ biến và cổ động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền thời sự quốc tế trong nhân dân ta, giới thiệu tình hình nước ta về mọi mặt và đường lối ngoại giao hòa bình của Chính phủ ta ra ngoài nước, nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, biểu thị sự đồng tình ủng hộ của nhân dân ta đối với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc và đối với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới.

Cụ thể là:

a) Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân ta về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, về phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước; động viên nhân dân ra sức thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước; giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa; giới thiệu những thành tựu về mọi mặt của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

b) Tuyền truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân ta về đường lối đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà; giới thiệu cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam và phong trào của đồng bào miền Bắc ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam; vạch trần và tố cáo mọi âm mưu và hành động của địch, đập tan mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của chúng;

c) Giới thiệu tình hình nước ta về mọi mặt và đường lối ngoại giao hòa bình của Chính phủ ta với nhân dân các nước ngoài; tuyên truyền thời sự quốc tế và giới thiệu với nhân dân ta những thành tích và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của các nước xã hội chủ nghĩa anh em;

d) Thu nhận và phát hành tin, ảnh trong nước và thế giới; cung cấp tin tức, tài liệu thời sự tham khảo cho Trung ương Đảng và Chính phủ.

Điều 2. - Việt Nam Thông tấn xã có quyền hạn:

a) Thống nhất phát hành những tin và ảnh chính thức của Đảng và Nhà nước; khi cần thiết, thì được Chính phủ cho phép chính thức tuyên bố những quan điểm của Nhà nước về các vấn đề thời sự;

b) Trong phạm vi được Chính phủ ủy quyền, ký kết các hiệp định về thông tấn với các nước ngoài và thi hành các hiệp định đó.

Điều 3. - Việt Nam Thông tấn xã có trách nhiệm quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, lao động tiền lương, tài sản, tài vụ vật tư của cơ quan theo chế độ chung của Nhà nước; bảo quản tư liệu về tin, ảnh; đào tạo bồi dưỡng phóng viên cán bộ biên tập và công nhân kỹ thuật cho Việt Nam Thông tấn xã.

Điều 4. - Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ lãnh đạo toàn bộ công tác của Việt Nam Thông tấn xã như đã quy định ở các điều 1, 2 và 3 nói trên.

Phó tổng biên tập giúp Tổng biên tập trong việc lãnh đạo chung và có thể được Tổng biên tập ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Việt Nam Thông tấn xã.

Tổng biên tập, Phó tổng biên tập và các Ủy viên biên tập họp thành Bộ biên tập Việt Nam thông tấn xã.

Điều 5. – Tổ chức bộ máy của Việt Nam Thông tấn xã gồm có:

- Văn phòng,

- Ban biên tập trong nước,

- Ban biên tập tin quốc tế và tin cho ngoài nước,

- Ban nhiếp ảnh,

- Các Phân xã ngoài nước, và các đơn vị sự nghiệp, do Việt Nam Thông tấn xã quản lý.

Việc thành lập, sửa đổi hoặc bãi bỏ Văn phòng, các Ban biên tập, các Phân xã ngoài nước và các đơn vị tương đương do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nhiệm vụ của Văn phòng, các Ban biên tập, các Phân xãngoài nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Việt Nam Thông tấn xã quản lý sẽ quy định trong điều lệ tổ chức của Việt Nam Thông tấn xã do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Điều 6. – Ông Bộ trưởng Phủ Thủ tướng và ông Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã chịu trách nhiệm thi hànhnghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 88-CP năm 1962 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Việt Nam Thông tấn qua xã do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 88-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/08/1962
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 22/08/1962
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: 21/08/1962
  • Ngày hết hiệu lực: 03/07/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản