Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 75-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 1972

NGHỊ ĐỊNH

VỀ HỆ THỐNG CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH PHÁP LỆNH ÁP DỤNG Ở 3 NHÀ MÁY THÍ ĐIỂM CẢI TIẾN QUẢN LÝ VÀ CÁC NHÀ MÁY TRONG DIỆN MỞ RỘNG THÍ ĐIỂM. ([1])

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào phương hướng và nội dung cải tiến quản lý xí nghiệp công nghiệp quốc doanh; theo đề án cải tiến quản lý đã được Ban Bí thư trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ thông qua, trong đó về kế hoạch hóa phải nhằm tăng cường sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, đồng thời xác lập quyền chủ động kinh doah của xí nghiệp;
Căn cứ vào nghị quyết phiên họp của Ban Chỉ đạo cải tiến quản lý ngày 05 tháng 01 năm 1972 bàn về hệ thống chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh cho 3 nhà máy thí điểm cải tiến quản lý của trung ương và 27 nhà máy thí điểm mở rộng;
Theo đề nghị của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay quy định lại hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh Bộ duyệt và giao kế hoạch cho ba nhà máy thí điểm cải tiến quản lý: cơ khí Trần Hưng Đạo (thuộc Bộ Cơ khí và luyện kim), dệt 8/3 (thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ), rượu Hà Nội (thuộc Bộ Lương thực và thực phẩm), kể từ năm 1972:

1. Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện (sau khi đã xuất kho cung tiêu và đã nhận được giấy báo trả tiền của Ngân hàng);

2. Sản lượng sản phẩm chủ yếu tính bằng hiện vật (theo tiêu chuẩn chất lượng quy định);

3. Giá trị sản lượng hàng hóa xuất khẩu (thực hiện) và sản phẩm xuất khẩu chủ yếu;

4. Tổng quỹ tiền lương;

5. Lãi và các khoản nộp ngân sách;

6. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Nhà nước cấp, thời gian và công suất huy động;

7. Vật tư thiết bị chủ yếu do Nhà nước cấp.

Sáu chỉ tiêu đầu thể hiện nhiệm vụ bắt buộc của nhà máy đối với Nhà nước, là căn cứ để đánh giá kết quả hoàn thành kế hoạch. Chỉ tiêu thứ bảy thể hiện nhiệm vụ của cơ quan cung ứng vật tư của Nhà nước đối với nhà máy, chỉ tiêu này được xét đến trong khi đánh giá hoàn thành kế hoạch Nhà nước của nhà máy.

Điều 2. Quy định hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh Bộ, Tổng cục duyệt và giao kế hoạch cho các nhà máy trong diện mở rộng thí điểm cải tiến quản lý kể từ năm 1972.

1. Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện (sau khi đã xuất kho cung tiêu và đã nhận được giấy báo trả tiền của Ngân hàng);

2. Sản lượng sản phẩm chủ yếu tính bằng hiện vật (theo tiêu chuẩn chất lượng quy định);

3. Giá trị sản lượng hàng hóa xuất khẩu (thực hiện) và sản phẩm xuất khẩu chủ yếu;

4. Năng suất lao động của một công nhân viên sản xuất công nghiệp và một công nhân sản xuất công nghiệp (tính bằng giá trị và bằng hiện vật);

5. Tổng quỹ tiền lương;

6. Mức và tỷ lệ hạ giá thành của sản lượng hàng hóa so sánh được;

7. Lãi và các khoản nộp ngân sách;

8. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Nhà nước cấp, thời gian và công suất huy động;

9. Vật tư thiết bị chủ yếu do Nhà nước cấp;

Tám chỉ tiêu đầu thể hiện nhiệm vụ bắt buộc của nhà máy đối với Nhà nước, là căn cứ để đánh giá kết quả hoàn thành kế hoạch. Chỉ tiêu thứ chín thể hiện nhiệm vụ của cơ quan cung ứng vật tư của Nhà nước đối với nhà máy, chỉ tiêu này được xét đến trong khi đánh giá hoàn thành kế hoạch Nhà nước của nhà máy.

Điều 3. - Nội dung và phương pháp tính toán các chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh được quy định kèm theo nghị định này.

Các ông Bộ trưởng, Tổng cục trưởng giao kế hoạch cho các nhà máy theo đúng hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh trên đây, và tùy theo tính chất và đặc điểm của các nhà máy mà cụ thể hóa một số chỉ tiêu, như: sản lượng sản phẩm chủ yếu, các công trình xây dựng cơ bản, v.v... theo danh mục Nhà nước đã giao cho Bộ, Tổng cục.

Điều 4. Các chỉ tiêu kế hoạch khác: Giá trị tổng sản lượng, giá trị sản lượng hàng hóa, tổng số công nhân, viên chức, tiền lương bình quân và một số chỉ tiêu khác, tuy không thuộc diện chỉ tiêu pháp lệnh nhưng giám đốc các nhà máy vẫn phải tính toán đầy đủ và báo cáo lên Bộ, Tổng cục để làm căn cứ cho việc xét duyệt theo hệ thống chỉ tiêu biểu mẫu đã ban hành (Quyết định số 150-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17-5-1971).

Điều 5.Các ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ xí nghiệp thí điểm và các ông Giám đốc các nhà máy thí điểm cải tiến quản lý chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

Điều 6. - Nghị định này thay thế Nghị định số 96-CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 19 tháng 5 năm 1971.

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

QUY ĐỊNH

NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP TÍNH TOÁN VÀ QUẢN LÝ CÁC CHỈ TIÊU PHÁP LỆNH ÁP DỤNG CHO CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CẢI TIẾN QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 75-CP ngày 22-4-1972của Hội đồng Chính phủ).

1. Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện.

- Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện là giá trị sản lượng hàng hóa đã xuất kho thành phần của xí nghiệp và đã nhận được giấy báo trả tiền của Ngân hàng.

- Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện tính theo hai loại giá: giá cố định năm 1970 và giá bán buôn xí nghiệp hiện hành.

- Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện được tính toàn bộ giá trị thành phẩm sản xuất bằng nguyên vật liệu của bản thân xí nghiệp, giá trị chế biến những thành phẩm sản xuất nguyên liệu, vật liệu của người đặt hàng đưa đến chế biến (không tính giá trị nguyên liệu, vật liệu), giá trị công việc có tính chất công nghiệp (không tính giá trị của đối tượng công tác và nguyên liệu, vật liệu của khách hàng đưa đến).

Giá trị mặt hàng phụ do xí nghiệp tự đặt kế hoạch nhằm lợi dụng phế liệu, phế phẩm và năng lực sản xuất thừa, nhưng cấp trên chưa quản lý thì không tính vào chỉ tiêu giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện.

- Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện được tính bằng cách: lấy giá trị sản lượng hàng hóa năm kế hoạch cộng với giá trị mức tồn kho thành phẩm và mức hàng hóa trên đường đi hợp lý năm trước chuyển sang, trừ đi giá trị mức tồn kho thành phẩm và mức hàng hóa trên đường đi hợp lý chuyển sang năm sau.

Đối với những sản phẩm mới sản xuất trong năm kế hoạch thì chỉ cần lấy giá trị sản lượng hàng hóa năm kế hoạch trừ đi giá trị mức tồn kho thành phẩm và mức hàng hóa trên đường đi hợp lý chuyển sang năm sau. Về mức tồn kho thành phẩm và mức hàng hóa trên đường đi, Bộ chủ quản căn cứ vào đặc điểm của sản phẩm và phương thức thanh toán qua Ngân hàng mà ấn định sau khi đã thống nhất với Bộ Tài chính.

Đối với số hàng hóa khách hàng đã đồng ý nhận và đã có giấy báo trả tiền của Ngân hàng, nhưng vì lý do khó khăn về vận chuyển hoặc về kho tàng mà khách hàng đã được sự thỏa thuận của xí nghiệp gửi lại tại kho của xí nghiệp, thí số hàng hóa đó vẫn được tính vào chỉ tiêu giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện của xí nghiệp.

Để tạo điều kiện cho xí nghiệp thực hiện tốt chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước cần cải tiến việc hạch toán và tổ chức luân chuyển nhanh chóng từ trong nội bộ ngân hàng Nhà nước, đồng thời đôn đốc các đơn vị kinh tế thực hiện nghiêm chỉnh biểu thời hạn thanh toán, kết hợp chặt chẽ công tác thanh toán với công tác tín dụng; Tổng cục Bưu điện cần nghiên cứu áp dụng thể thức luân chuyển thẳng chứng từ thanh toán giữa hai ngân hàng phục vụ bên bán và bên mua.

2. Sản lượng sản phẩm chủ yếu tính bằng hiện vật (theo tiêu chuẩn chất lượng quy định, tính theo đơn vị thích hợp).

- Danh mục sản phẩm chủ yếu do cấp trên duyệt và giao cho xí nghiệp chỉ hạn chế trong một số sản phẩm quan trọng có liên quan đến cấn đối của nền kinh tế quốc dân, cân đối của toàn ngành hoặc sản phẩm hợp tác với ngành khác và những sản phẩm phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu và chế thử (nếu có). Số sản phẩm quan trọng nhất trong danh mục được quy định cụ thể về quy cách, cỡ loại, ký mã hiệu; những sản phẩm còn lại chỉ quy chung thành tiêu chuẩn thích hợp; về quy cách, cỡ loại, và ký mã hiệu cụ thể, xí nghiệp được chủ động bố trí kế hoạch theo quan hệ hợp đồng kinh tế.

- Những sản phẩm ngoài danh mục cấp trên giao pháp lệnh, xí nghiệp có quyền chủ động bố trí kế hoạch theo yêu cầu của khách hàng trong phạm vi giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện đã được duyệt, nhằm sử dụng tốt nhất năng lực sản xuất hiện có (cấp trên bảo đảm cân đối vật tư, tiền lương, vốn… cho những sản phẩm này, có tính đến khả năng khai thác hết lao động thừa và phế liệu, phế phẩm).

- Chỉ tiêu chất lượng sản phẩm được quy định kèm theo mỗi sản phẩm là chỉ tiêu pháp lệnh đối với xí nghiệp.

Sau đây là chỉ tiêu cụ thể đối với 3 nhà máy thí điểm:

Dệt 8-3

- Sợi bán ra: quy theo chỉ số sợi bình quân (tấn);

- Vải thành phẩm (nghìn mét);

- Tỷ lệ vải loại A (%);

- Tỷ lệ vải sợi xe (%).

Rượu Hà Nội:

- Rượu trắng bán ra, quy thành 100o (kể cả cồn công nghiệp) (nghìn lít);

- Rượu mùi các loại (kể cả xuất khẩu) (nghìn lít).

Cơ khí Trần Hưng Đạo:

- Máy đi-ê-den loại 24cv (chính xác cấp II) (Máy/kW);

- Máy đi-ê-den loại 12cv (chính xác cấp II) (Máy/kW);

- Máy đi-ê-den loại 120cv (chính xác cấp II) (Máy/kW);

- Phụ tùng tinh chế và phôi liệu bán ra (tấn).

Đối với các xí nghiệp trong diện mở rộng thí điểm cải tiến quản lý, Bộ, Tổng cục chủ quản ấn định danh mục sản phẩm chủ yếu cụ thể sau khi thống nhất với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính.

3. Giá trị, sản lượng hàng hóa xuất khẩu (thực hiện) và sản phẩm xuất khẩu chủ yếu. (Chỉ tiêu này được tính tách ra từ chỉ tiêu 1 và chỉ tiêu 2)

- Giá trị sản lượng hàng hóa xuất khẩu được tính theo hai giá: giá cố định năm 1970 và giá bán buôn xí nghiệp hiện hành, là giá trị sản lượng hàng hóa đã xuất kho thành phẩm của xí nghiệp giao cho cơ quan xuất khẩu và đã nhận được giấy báo trả tiền của Ngân hàng. (Phạm vi và nội dung tính toán như chi tiêu 1).

- Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu, bao gồm những sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng và đúng quy cách xuất khẩu, tính theo đơn vị thích hợp.

4. Năng suất lao động của một công nhân viên sản xuất công nghiệp và một công nhân sản xuất công nghiệp (tính bằng giá trị và tính bằng hiện vật).

- Năng suất lao động của một công nhân viên và một công nhân sản xuất công nghiệp, chỉ được tính phần giá trị sản lượng hay sản phẩm do công nhân viên sản xuất công nghiệp sáng tạo ra, không tính phần giá trị hay sản phẩm do các loại công nhân viên khác sáng tạo ra.

Giá trị các mặt hàng phụ cấp trên chưa quản lý được hạch toán riêng, không tính vào chỉ tiêu này.

- Năng suất lao động tính bằng giá trị (theo giá cố định) căn cứ vào giá trị tổng sản lượng và tính bình quân đầu người còn mang nhiều yếu tố không chính xác. Sẽ tiến tới loại trừ những bán thành phẩm mua ngoài về lắp ráp (xí nghiệp không gia công gì thêm) trong giá trị tổng sản lượng.

- Năng suất lao động tính bằng hiện vật theo đơn vị quy ước dùng để tính năng suất lao động cho từng loại sản phẩm theo từng phân xưởng, từng xí nghiệp thuộc những ngành sản phẩm tương đối đông nhất. Đối với những xí nghiệp công nhân đảm nhiệm sản xuất những sản phẩm khác nhau thì cần tính đổi khối lượng sản xuất theo đơn vị quy ước (trên cơ sở định mức hao phí lao động cho một đơn vị sản phẩm).

Năng suất lao động tính bằng hiện vật áp dụng cho các ngành sản xuất: than, điện, gỗ, xi-măng, gạch ngói, nước chấm, rượu, muối, đường, giấy, cá biển, vải, v.v... .

5. Tổng quỹ tiền lương.

- Tổng quỹ tiền lương bao gồm tiền lương cấp bậc và các khoản phụ cấp tiền lương theo chế độ hiện hành của toàn bộ lao động do xí nghiệp quản lý và trả lương (bao gồm cả phần quỹ bảo hiểm xã hội). Tiền lương của cán bộ đảng, đoàn thể theo hệ thống quỹ lương riêng, không tính vào chỉ tiêu này. Trong tổng quỹ tiền lương, tách riêng quỹ tiền lương xây lắp (nếu xí nghiệp có lực lượng xây lắp riêng).

- Cấp trên duyệt và giao pháp lệnh chỉ tiêu tổng quỹ tiền lương, xí nghiệp căn cứ vào yêu cầu của sản xuất, chủ động tính toán các chỉ tiêu công nhân, viên chức, lương bình quân… và chủ động bố trí cơ cấu quỹ tiền lương, nhằm sử dụng lao động hợp lý, tận dụng hết quỹ thời gian lao động, giữ vững nhịp độ tăng năng suất lao động nhanh hơn nhịp độ tăng tiền lương bình quân, giảm mức hao phí tiền lương trên một đơn vị sản phẩm.

- Chỉ tiêu tổng quỹ tiền lương được xác định tương ứng với chỉ tiêu giá trị tổng sản lượng (Quỹ lương xây lắp được xác định tương ứng với khối lượng xây lắp đã được duyệt). Khi cấp phát quỹ tiền lương cho xí nghiệp, ngoài việc căn cứ vào chỉ tiêu giá trị tổng sản lượng, còn phải tính đến việc thực hiện chỉ tiêu sản lượng sản phẩm chủ yếu.

- Trường hợp xí nghiệp vượt (hay hụt mức) kế hoạch giá trị tổng sản lượng và sản lượng sản phẩm chủ yếu, thì quỹ tiền lương được tăng (hoặc giảm) theo hệ số điều chỉnh quỹ tiền lương. (Quỹ tiền lương xây lắp nếu có thì hạch toán riêng).

Các sản phẩm phụ do xí nghiệp tự đặt kế hoạch, chủ yếu là lợi dụng phế liệu, phế phẩm và năng lực sản xuất thừa mà cấp trên chưa quản lý thì xí nghiệp phải hạch toán riêng quỹ tiền lương.

Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu chuyển chế độ cấp phát quỹ tiền lương theo số lượng công nhân, viên chức sang chế độ cấp phát quỹ tiền lương theo khối lượng công việc hay nhiệm vụ sản xuất.

Bộ Lao động cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chế độ chính sách mới về lao động như: để xí nghiệp có quyền tuyển dụng lao động, kể cả chế độ đăng ký hộ khẩu, cấp phát tem phiếu, v.v..., có quyền cho thôi việc, giải quyết kịp thời số lao động mất sức về hưu, có quyền nâng cấp, nâng bậc cho công nhân, viên chức xí nghiệp trong tổng quỹ tiền lương được duyệt và bảo đảm nguyên tắc nhịp độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn nhịp độ tăng tiền lương bình quân.

6. Mức và tỷ lệ hạ giá thành của sản lượng hàng hóa so sánh được, mức chi phí trên 1 đồng giá trị sản lượng hàng hóa.

- Mức giảm giá thành của sản lượng hàng hóa so sánh được là số tiền tiết kiệm được (tính bằng số tuyệt đối) do giảm giá thành kế hoạch so với giá thành năm trước của sản lượng hàng hóa so sánh được.

Sản lượng hàng hóa so sánh được bao gồm những sản phẩm và công việc đã đưa vào sản xuất từ năm trước. (Sau khi chế thử xong đã sản xuất hàng loạt).

Đối với xí nghiệp sản phẩm đồng nhất: xí nghiệp điện, than, vải, giấy v.v... thì tính mức giảm giá thành của đơn vị sản phẩm (nghìn kWh, nghìn tấn, nghìn mét…).

Cách tính: Lấy khối lượng sản xuất năm kế hoạch của sản lượng hàng hóa so sánh được nhân (×) với giá thành đơn vị năm kế hoạch, trừ (-) khối lượng sản xuất năm kế hoạch của sản lượng hàng hóa so sánh được, nhân (×) với giá thành đơn vị của năm trước.

- Tỷ lệ giảm giá thành sản lượng hàng hóa so sánh được tính theo công thức:

Tỷ lệ giảm giá thành

=

Giá thành đơn vị năm kế hoạch

x

Sản lượng năm kế hoạch

- 1

x 100

Giá thành đ/v thực tế năm trước

x

Sản lượng năm kế hoạch

7. Lãi và các khoản nộp ngân sách.

Lãi là lợi nhuận toàn bộ phát sinh trong năm kế hoạch không bao gồm phần lãi của năm trước chuyển sang và trừ phần lãi của năm kế hoạch chuyển sang năm sau do chưa nộp kịp.

Chỉ tiêu lãi là kết quả của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp, bao gồm cả lợi nhuận của phần sản xuất phụ do tận dụng phế liệu, phế phẩm và tận dụng năng lực sản xuất thừa mà cấp trên chưa quản lý.

Các khoản nộp ngân sách bao gồm:

- Lãi trích nộp ngân sách là phần lợi nhuận nộp vào ngân sách, không bao gồm phần lãi để lại cho xí nghiệp, được tính phần lãi năm trước chuyển sang và trừ đi phần lãi chuyển sang năm sau;

- Thu quốc doanh hoặc thuế;

- Khấu hao cơ bản và các khoản nộp khác.

Ủy ban Vật giá Nhà nước cần xây dựng gấp giá bán buôn xí nghiệp tạm thời cho các xí nghiệp công nghiệp thực hiện thí điểm cải tiến quản lý để thúc đẩy xí nghiệp hạch toán tốt chỉ tiêu lãi.

8. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Nhà nước cấp, thời gian và công suất mới huy động.

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Nhà nước cấp.

- Những công trình cải tạo, mở rộng xí nghiệp có quy mô lớn đã được xét và ghi vào kế hoạch Nhà nước thì do ngân sách Nhà nước cấp vốn. Xí nghiệp phải chấp hành đầy đủ thủ tục như: có nhiệm vụ thiết kế, thiết kế sơ bộ… đã được cấp trên có thẩm quyền xét duyệt. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà nước cấp, tùy theo quy mô và tính chất của công trình, sẽ do Bộ chủ quản hay Chính phủ duyệt là chỉ tiêu pháp lệnh đối với xí nghiệp.

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn tự có của xí nghiệp, không nằm trong chỉ tiêu pháp lệnh, do giám đốc xí nghiệp duyệt, nhưng phải báo cáo lên cấp trên để cân đối vật tư thiết bị. Trường hợp xí nghiệp đã xin ghi vốn và xin cấp vật tư nhưng không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng thời hạn đã ghi trong kế hoạch thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp quản lý để điều chỉnh lại.

Thời gian và công suất mới huy động.

Công suất mới huy động được tính theo công suất thiết kế của từng hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình.

9. Vật tư, thiết bị chủ yếu do Nhà nước cấp.

Vật tư, thiết bị chủ yếu do Nhà nước cấp bao gồm những loại nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị và vật tư kỹ thuật do Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối hoặc do Nhà nước thống nhất quản lý nhưng giao quyền cho các ngành thống nhất phân phối.

Chỉ tiêu này, cấp trên quy định tổng số, trong đó ghi rõ phần cấp cho sản xuất, phần cấp cho xây dựng cơ bản (nếu có) và xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm cung ứng theo sự phân công của Nhà nước.

Về quy cách, cỡ loại cụ thể, do hợp đồng giữa xí nghiệp và cơ quan cung ứng quy định.

Một số nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị và vật tư kỹ thuật có yêu cầu tăng thêm dự trữ đã được Nhà nước duyệt, thì quy định rõ phần tăng thêm dự trữ.

Số lượng nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu được duyệt tương ứng với khối lượng sản xuất trong năm kế hoạch, bao gồm cả khối lượng sản phẩm do cấp trên giao và khối lượng sản phẩm xí nghiệp tự đặt kế hoạch (kể cả sản phẩm phụ) theo định mức đã được duyệt.

Cơ quan cung ứng vật tư ký hợp đồng kinh tế cụ thể với xí nghiệp và chịu trách nhiệm vật chất về sự vi phạm hợp đồng đó.

Nhà nước căn cứ vào tình hình sử dụng vật tư và khả năng tiến bộ kỹ thuật, quy định mức giảm tiêu hao một số vật tư chủ yếu, coi đó là chỉ tiêu bắt buộc đối với xí nghiệp. Trên cơ sở tổng số vật tư được giao, xí nghiệp có trách nhiệm sử dụng tiết kiệm nhất, tiến tới hạch toán vật tư theo sản lượng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 75-CP năm 1972 về hệ thống chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh áp dụng ở 3 nhà máy thí điểm cải tiến quản lý và các nhà máy trong diện mở rộng thí điểm do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 75-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/04/1972
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 07/05/1972
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản