Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 75/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2008

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 170/2003/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH GIÁ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh giá ngày 26 tháng 4 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá (sau đây gọi tắt là Nghị định số 170/2003/NĐ-CP) như sau:

1. Sửa đổi Điều 1:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; nội dung, điều kiện và thẩm quyền quyết định biện pháp bình ổn giá; danh mục tài sản; hàng hóa; dịch vụ do nhà nước định giá; hiệp thương giá; thẩm định giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; thẩm quyền định giá; đăng ký giá, kê khai giá; công khai thông tin về giá và quản lý nhà nước về giá”.

2. Sửa đổi Điều 2:

Điều 2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá

1. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Điều 6 của Pháp lệnh Giá, bao gồm:

a) Xăng, dầu;

b) Xi măng;

c) Thép xây dựng;

d) Khí hóa lỏng;

đ) Phân bón hóa học;

e) Thuốc bảo vệ thực vật

g) Thuốc thú y: vac xin lở mồm long móng; vac xin cúm gia cầm; các loại kháng sinh: Oxytetracycline, Ampicilline, Tylosin, Enrofloxacin;

h) Muối;

i) Sữa;

k) Đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện);

l) Thóc, gạo;

m) Thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định;

n) Cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng;

o) Một số loại thức ăn chăn nuôi gia súc: ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương.

2. Căn cứ tình hình kinh tế, xã hội, biến động giá cả trên thị trường và yêu cầu quản lý, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này để áp dụng trong từng thời kỳ.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá ngoài danh mục quy định tại điểm 1 khoản 2 Điều 1 Nghị định này để áp dụng tại địa phương từng thời kỳ”.

3. Sửa đổi Điều 3:

“Điều 3. Thẩm quyền quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, bao gồm:

a) Các biện pháp để điều chỉnh cung cầu hàng hóa;

b) Mua vào, bán ra hàng dự trữ quốc gia;

c) Kiểm soát hàng hóa tồn kho;

d) Các biện pháp tài chính, tiền tệ.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá trên phạm vi cả nước và khu vực, bao gồm:

a) Quy định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá;

b) Kiểm soát các yếu tố hình thành giá;

c) Đăng ký giá, kê khai giá;

d) Công khai thông tin về giá.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Thủ tướng Chính phủ và các Bộ quyết định; đồng thời, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định bổ sung các biện pháp thực hiện bình ổn giá tại địa phương:

a) Các biện pháp theo thẩm quyền để điều hòa cung cầu hàng hóa, dịch vụ;

b) Các biện pháp tài chính, tiền tệ;

c) Đăng ký giá, kê khai giá;

d) Công khai thông tin về giá;

đ) Các biện pháp kinh tế, hành chính khác theo thẩm quyền.

4. Điều kiện quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá và áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

Các biện pháp bình ổn giá quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng;

b) Hàng hóa, dịch vụ liên quan đến việc các doanh nghiệp vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị thế độc quyền, lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh để quy định giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác;

c) Hàng hóa, dịch vụ có biến động tăng hoặc giảm bất thường về giá do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa, khủng hoảng kinh tế;

d) Các điều kiện bất thường khác gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Bộ Tài chính hướng dẫn điều kiện thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định tại Nghị định này”.

4. Sửa đổi Điều 7:

“Điều 7. Tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

1. Danh mục tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bao gồm:

a) Đất đai, mặt nước;

b) Rừng;

c) Tài nguyên quan trọng khác;

d) Nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê hoặc bán. Nhà ở xã hội, nhà ở công vụ;

đ) Hàng dự trữ quốc gia.

e) Tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

g) Hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước; sản phẩm; dịch vụ công ích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch;

h) Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật;

i) Điện;

k) Dịch vụ chuyển tải điện; dịch vụ đấu nối lưới điện truyền tải, phân phối điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện; dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực; các dịch vụ phụ trợ, điều tiết thị trường điện lực, tham gia thị trường điện;

l) Dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa; dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; phục vụ hành khách; dịch vụ khác tại cảng hàng không, sân bay;

m) Dịch vụ đối với thư cơ bản (thư thường) trong nước có khối lượng đến 20 gram; dịch vụ điện thoại nội hạt; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích; dịch vụ bưu chính dành riêng;

n) Nước sạch cho sinh hoạt;

o) Dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trong đô thị, khu công nghiệp;

p) Dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sắt trong đô thị;

q) Thuốc phòng và chữa bệnh cho người do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả;

r) Hàng hóa được trợ giá; trợ cước vận chuyển; dịch vụ vận chuyển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa;

s) Báo Nhân dân, báo cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Căn cứ quy định tại điểm 1 khoản 4 Điều 1 Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh danh mục tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cho phù hợp để áp dụng trong từng thời kỳ.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong trường hợp cần điều chỉnh danh mục tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại điểm 1 khoản 4 Điều 1 Nghị định này”.

5. Sửa đổi Điều 8:

“Điều 8. Thẩm quyền định giá

1. Thẩm quyền định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định như sau:

a) Chính phủ quyết định:

- Phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;

- Khung giá cho thuê đất, mặt nước;

- Nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng;

- Khung giá hoặc giá chuẩn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để bán hoặc cho thuê. Khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định:

- Phê duyệt biểu giá bán lẻ điện;

- Khung giá cho thuê nhà ở công vụ;

- Phê duyệt phương án giá cước dịch vụ đối với thư thường trong nước có khối lượng đến 20 gram và điện thoại nội hạt.

- Giá bán báo Nhân dân;

c) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định:

- Giá bán hoặc giá cho thuê tài sản của Nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không qua hình thức đấu giá; thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu, tự thực hiện, đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu;

- Căn cứ vào phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất, khung giá cho thuê mặt nước do Chính phủ quy định để hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá các loại đất cụ thể và đơn giá thuê đất, thuê mặt nước tại địa phương;

- Giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia trong năm kế hoạch (trừ hàng dự trữ quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu); chi phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia (bao gồm cả hàng dự trữ quốc gia về quốc phòng, an ninh và cơ yếu);

- Giá sản phẩm, dịch vụ công ích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch; hàng hóa, dịch vụ sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu, tự thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và không qua hình thức đấu giá (trừ hàng hóa dịch vụ sản xuất, cung ứng theo đặt hàng; sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc thẩm quyền định giá của các Bộ, ngành khác và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);

- Khung giá cước vận chuyển hàng không nội địa;

- Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ hoạt động bay; soi chiếu an ninh; phục vụ hành khách; khung giá dịch vụ khác tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;

- Khung giá nước sạch cho sinh hoạt;

- Giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật;

- Miễn, giảm giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông trong trường hợp: thông tin khẩn cấp phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phục vụ các nhiệm vụ chính trị đặc biệt; phục vụ phòng, chống lụt, bão, thiên tai, cứu nạn, cứu hộ và các thảm họa khác; phục vụ cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh và các thông tin khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp được miễn, giảm giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông sau khi thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông;

d) Bộ trưởng Bộ Công thương căn cứ vào biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để hướng dẫn giá bán điện cụ thể cho các đối tượng tiêu dùng trong mạng lưới điện quốc gia; phê duyệt khung giá phát điện; khung giá bán buôn điện; quyết định giá dịch vụ truyền tải điện, đấu nối lưới điện truyền tải, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực; các giá dịch vụ phụ trợ, điều tiết thị trường điện lực, tham gia thị trường điện; phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo giá bán lẻ điện nông thôn, miền núi, hải đảo;

đ) Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định:

- Giá cước dịch vụ đối với thư cơ bản (thư thường) trong nước có khối lượng đến 20 gram và điện thoại nội hạt sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án giá cước.

- Giá cước dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ bưu chính dành riêng sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Một số giá cước dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế của doanh nghiệp có thị phần khống chế, giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông và một số loại giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

e) Bộ trưởng Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể việc xác định và công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả theo quy định của Luật Dược;

g) Bộ trưởng Bộ Xây dựng căn cứ vào khung giá hoặc giá bán, giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng tái định cư, đối tượng chính sách, giá thuê mua nhà ở xã hội, giá thuê nhà ở công vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định để hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá bán, giá cho thuê nhà ở cụ thể tại địa phương;

h) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá các loại rừng cụ thể tại địa phương căn cứ vào nguyên tắc và phương pháp xác định giá rừng do Chính phủ quy định;

i) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định giá hàng hóa, dịch vụ phục vụ quốc phòng do các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất, cung ứng theo đặt hàng, giao kế hoạch, chỉ định thầu của Bộ được thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước; quyết định giá hàng dự trữ quốc gia về quốc phòng sau khi thống nhất về nguyên tắc với Bộ Tài chính, gửi quyết định giá về Bộ Tài chính để báo cáo và kiểm tra khi cần thiết; được phép tự tổ chức thẩm định giá theo quy định của pháp luật đối với việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đặc thù chuyên dùng phục vụ quốc phòng để quyết định giá mà không phải thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện;

k) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định giá hàng hóa, dịch vụ phục vụ an ninh chính trị, trật tự xã hội do các doanh nghiệp thuộc Bộ Công an sản xuất, cung ứng theo đặt hàng, giao kế hoạch, chỉ định thầu của Bộ được thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước; quyết định giá hàng dự trữ quốc gia về an ninh chính trị, trật tự xã hội sau khi thống nhất về nguyên tắc với Bộ Tài chính, gửi quyết định giá về Bộ Tài chính để báo cáo và kiểm tra khi cần thiết; được phép tự tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật đối với việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đặc thù chuyên dùng phục vụ an ninh chính trị, trật tự xã hội để quyết định giá mà không phải thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện;

l) Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định giá hàng dự trữ quốc gia về cơ yếu sau khi thống nhất về nguyên tắc với Bộ Tài chính, gửi quyết định giá về Bộ Tài chính để báo cáo và kiểm tra khi cần thiết; được phép tự tổ chức thẩm định giá theo quy định của pháp luật đối với việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đặc thù chuyên dùng phục vụ cơ yếu để quyết định giá mà không phải thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện;

m) Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia căn cứ vào giá tối đa, tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định để quyết định mức giá mua, giá bán cụ thể với hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính;

n) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định:

- Giá cước vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt do Nhà nước tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách trong đô thị, khu công nghiệp;

- Giá cước vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sắt trong đô thị;

- Giá bán báo của cơ quan ngôn luận Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có quyết định của Nhà nước về việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước;

- Căn cứ vào khung giá hoặc giá chuẩn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ quy định và hướng dẫn của các Bộ để quyết định giá những tài sản, hàng hóa, dịch vụ sau đây áp dụng tại địa phương:

+ Giá các loại đất;

+ Giá cho thuê đất, thuê mặt nước;

+ Giá rừng, giá cho thuê các loại rừng;

+ Giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng tái định cư, đối tượng chính sách; giá bán hoặc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để làm việc hoặc sử dụng vào các mục đích khác; giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; giá cho thuê nhà ở công vụ;

+ Giá bán lẻ điện sinh hoạt tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế nhưng không được cao hơn biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

+ Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ ngân sách địa phương và trung ương; mức giá hoặc khung giá bán lẻ hàng hóa được trợ giá, trợ cước vận chuyển; giá cước vận chuyển cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc danh mục được trợ giá phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo;

+ Giá nước sạch cho sinh hoạt;

+ Giá sản phẩm, dịch vụ công ích được sản xuất theo đặt hàng, giao kế hoạch; giá hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước thuộc ngân sách địa phương thực hiện theo phương thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu, tự thực hiện, theo quy định của Luật Đấu thầu và không qua hình thức đấu giá.

2. Trường hợp có sự thay đổi thẩm quyền định giá quy định tại điểm 1 khoản 5 Điều 1 Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

6. Sửa đổi tiết b khoản 1 Điều 10:

“b) Giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính do cơ quan quản lý trực tiếp của cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng phương án giá trình Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp quản lý thẩm định, sau đó Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đó có ý kiến bằng văn bản đề nghị Bộ Tài chính quyết định”.

7. Sửa đổi Điều 11:

“Điều 11. Điều kiện tổ chức hiệp thương giá

Việc tổ chức hiệp thương giá được thực hiện đối với các hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục do Nhà nước định giá;

- Hàng hóa, dịch vụ quan trọng được sản xuất, cung ứng trong điều kiện đặc thù, có tính chất độc quyền mua, độc quyền bán và các bên mua, bán phụ thuộc lẫn nhau không thể thay thế được, thị trường cạnh tranh hạn chế;

- Theo đề nghị của một trong hai bên mua, bán khi các bên này không thỏa thuận được giá mua, giá bán để ký hợp đồng”.

8. Sửa đổi Điều 12:

“Điều 12. Thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá

1. Bộ Tài chính tổ chức hiệp thương giá đối với hàng hóa, dịch vụ, có phạm vi ảnh hưởng trong cả nước và khu vực đáp ứng các quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định này hoặc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Sở Tài chính tổ chức hiệp thương giá đối với hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định này, có phạm vi ảnh hưởng trong địa phương hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Việc hiệp thương giá đối với hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà pháp luật chuyên ngành có quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó và quy định tại Nghị định này.

4. Bộ Tài chính quy định hồ sơ và thủ tục hiệp thương giá”.

9. Sửa đổi Điều 13:

“Điều 13. Kết quả hiệp thương giá

1. Kết quả hiệp thương giá được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh Giá. Trường hợp đã tổ chức hiệp thương giá mà hai bên mua và bán không thống nhất được mức giá thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá quyết định mức giá tạm thời để hai bên thi hành.

2. Quyết định giá tạm thời do cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương công bố có hiệu lực thi hành tối đa là 6 tháng. Trong thời gian thi hành quyết định giá tạm thời các bên được quyền thỏa thuận giá mua, giá bán.

Nếu các bên thỏa thuận được giá thì thực hiện theo giá thỏa thuận và có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương biết mức giá đã thỏa thuận, thời gian thực hiện.

Hết thời hạn 6 tháng, nếu các bên không thỏa thuận được giá thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức hiệp thương giá theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định này và trong thời gian tổ chức hiệp thương, các bên vẫn tiếp tục thực hiện theo Quyết định giá tạm thời”.

10. Bổ sung vào sau Điều 22 các Điều 22a, Điều 22b, Điều 22c:

“Điều 22a. Kiểm soát các yếu tố hình thành giá

1. Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kiểm soát các yếu tố hình thành giá, bao gồm:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Nhà nước;

b) Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá;

c) Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Thủ tục kiểm soát các yếu tố hình thành giá được tiến hành như sau:

a) Cơ quan có thẩm quyền quản lý giá được phân cấp theo quy định của pháp luật ra quyết định kiểm soát các yếu tố hình thành giá và gửi đến tổ chức, cá nhân được yêu cầu kiểm soát các yếu tố hình thành giá;

b) Cơ quan có thẩm quyền quản lý giá được phân cấp theo quy định của pháp luật có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp các tài liệu sau:

- Phương án tính giá hàng hóa, dịch vụ và mức giá hàng hóa, dịch vụ theo Quy chế tính giá chung do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành liên quan; các tài liệu, chứng từ phục vụ việc lập phương án giá;

- Tình hình lưu chuyển hàng hóa (tồn kho đầu năm, đầu quý, đầu tháng; nhập và xuất trong năm, trong quý, trong tháng; tồn kho cuối năm, cuối quý, cuối tháng) và cung ứng dịch vụ;

- Báo cáo tài chính năm liên quan đến việc kiểm soát các yếu tố hình thành giá;

- Tài liệu khác liên quan đến nội dung kiểm soát các yếu tố hình thành giá.

3. Thời hạn kiểm soát các yếu tố hình thành giá:

a) Thời gian một lần kiểm soát tối đa là 15 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định kiểm soát các yếu tố hình thành giá. Trường hợp cần thiết phải kéo dài thêm thời gian kiểm soát thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do phải kéo dài cho tổ chức, cá nhân liên quan; thời hạn kiểm soát kéo dài không quá 05 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm soát lần đầu;

b) Trong thời hạn tối đa là 07 ngày (ngày làm việc), kể từ ngày kết thúc kiểm soát các yếu tố hình thành giá, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành và gửi văn bản thông báo kết luận kiểm soát đến tổ chức, cá nhân và các cơ quan liên quan.

4. Các hình thức xử lý:

Căn cứ kết quả kiểm soát, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo thẩm quyền và tùy theo mức độ vi phạm có thể xử lý theo một trong các hình thức sau:

a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng giá mua, giá bán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc do doanh nghiệp quyết định trước khi tăng giá bất hợp lý;

b) Xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật;

c) Đình chỉ việc thực hiện hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân quyết định;

d) Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát các yếu tố hình thành giá quy định tại Nghị định này chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Cơ quan có thẩm quyền kiểm soát các yếu tố hình thành giá:

a) Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá và hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước thuộc thẩm quyền quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá của Thủ tướng Chính phủ;

b) Các Bộ, ngành có trách nhiệm kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Bộ, ngành mình;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá thuộc thẩm quyền quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức sản xuất, kinh doanh khi nhận được yêu cầu bằng văn bản về kiểm soát các yếu tố hình thành giá của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá theo quy định tại điểm 5 khoản 10 Điều 1 Nghị định này có trách nhiệm phối hợp và cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu liên quan theo quy định tại điểm 2 khoản 10 Điều 1 Nghị định này;

đ) Bộ Tài chính ban hành Quy chế tính giá chung, thống nhất để hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức sản xuất, kinh doanh lập phương án giá và làm cơ sở thẩm định các phương án giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá.

Điều 22b. Đăng ký giá, kê khai giá

1. Đăng ký giá:

Đăng ký giá là việc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện đăng ký mức giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu với cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá ngoài danh mục quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này; quy định thủ tục, hồ sơ đăng ký giá và giám sát việc thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo vai trò quản lý nhà nước, phát huy quyền quyết định giá của doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu quản lý trong điều kiện mới, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

2. Kê khai giá:

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện việc kê khai giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình với cơ quan quản lý giá theo sự phân cấp của Chính phủ.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc kê khai giá.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá ngoài danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 22b được bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định này, chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương tổ chức thực hiện việc đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa phương.

Điều 22c. Công khai thông tin về giá

1. Phạm vi công khai thông tin về giá

Cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tài sản, hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm công khai những thông tin về giá, bao gồm:

a) Các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý giá của Nhà nước;

b) Các quyết định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Các mức giá do doanh nghiệp quyết định và các thông tin kinh tế - kỹ thuật liên quan đến hàng hóa, dịch vụ.

Những quy định công khai thông tin về giá không áp dụng đối với những thông tin không được phép công khai theo quy định của pháp luật.

2. Các hình thức công khai:

a) Họp báo;

b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng;

c) Niêm yết giá theo quy định;

d) Các hình thức khác;

đ) Đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện khuyến mại giảm giá thực hiện theo quy định của Luật thương mại.

3. Trách nhiệm trong việc công khai thông tin về giá:

a) Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm công khai các văn bản về chế độ, chính sách giá, các quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền;

b) Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm công khai giá hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất, cung ứng;

c) Cơ quan thông tin, truyền thông có trách nhiệm đưa tin chính xác, khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin theo các quy định hiện hành”.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; bãi bỏ Điều 3 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP và những quy định trước đây về quản lý giá trái với quy định tại Nghị định này. Những quy định tại Nghị định số 170/2003/NĐ-CP không được sửa đổi tại Nghị định này vẫn còn hiệu lực thi hành.

2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 75/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 170/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Giá

  • Số hiệu: 75/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/06/2008
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 353 đến số 354
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản