Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 72/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 20 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định việc quản lý an toàn đập của hồ chứa nước.

2. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng, quản lý khai thác hồ chứa nước và các hoạt động khác có liên quan đến quản lý an toàn đập trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đập là công trình làm nhiệm vụ ngăn nước và các công trình có liên quan, tạo hồ chứa nước nhằm thực hiện các mục đích sau đây:

a) Tích trữ nước, cung cấp cho các nhu cầu dùng nước;

b) Điều tiết hoặc phân chia dòng chảy lũ, giảm ngập lụt cho vùng hạ du;

c) Tạo áp lực nước để phục vụ phát điện.

2. Đập quan trọng quốc gia là đập của hồ chứa nước quan trọng quốc gia, được quy định tại Điều 4 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi.

3. Đập lớn là đập có chiều cao tính từ mặt nền đến đỉnh đập bằng hoặc lớn hơn 15m hoặc đập của hồ chứa nước có quy mô dung tích bằng hoặc lớn hơn 3.000.000 m3 (ba triệu mét khối).

4. Đập nhỏ là đập có chiều cao tính từ mặt nền đến đỉnh nhỏ hơn 15m và tạo hồ chứa nước có dung tích trữ nhỏ hơn 3.000.000 m3 (ba triệu mét khối).

5. Các công trình có liên quan đến hồ chứa nước, gồm: công trình lấy nước, công trình tháo nước, công trình xả lũ, âu thuyền.

6. Chủ đập là tổ chức, cá nhân sở hữu đập để khai thác lợi ích của hồ chứa nước hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, vận hành khai thác hồ chứa nước.

7. Kiểm định an toàn đập là công việc kiểm tra, đánh giá chất lượng đập và công tác quản lý đập, thực hiện theo định kỳ, nhằm xác định độ an toàn của đập.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý an toàn đập

Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ hồ chứa nước phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý an toàn đập sau đây:

1. Bảo đảm an toàn đập là ưu tiên cao nhất trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ hồ chứa nước.

2. Công tác quản lý an toàn đập phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong quá trình xây dựng và quản lý khai thác hồ chứa nước.

3. Bảo đảm tính chủ động trong quản lý an toàn đập.

4. Xác định rõ trách nhiệm của chủ đập, của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp; đề cao ý thức của cộng đồng trong công tác quản lý an toàn đập.

Điều 4. Trách nhiệm của chủ đập

1. Quản lý, bảo đảm an toàn đập theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Căn cứ quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đập phải tổ chức đơn vị quản lý đập có đủ năng lực để quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ đập theo quy định.

3. Chủ đập phải thực hiện việc đăng ký an toàn đập tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; có trách nhiệm báo cáo và cung cấp các thông tin có liên quan đến việc quản lý an toàn đập theo quy định.

Chương 2:

XÂY DỰNG ĐẬP

Điều 5. Khảo sát, thiết kế và thi công đập

Việc khảo sát, thiết kế và thi công đập phải tuân theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các quy định về quản lý chất lượng xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 6. Yêu cầu về quản lý an toàn đối với thiết kế xây dựng đập

1. Sơ đồ bố trí tổng thể và thiết kế kết cấu đập, ngoài việc bảo đảm các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật, phải tạo thuận lợi cho công tác quản lý an toàn đập, bao gồm các hoạt động: quản lý, bảo vệ công trình; kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình; ứng cứu đập kịp thời khi xảy ra sự cố; sửa chữa khi công trình bị hư hỏng.

2. Đối với đập lớn:

a) Các công trình lấy nước, công trình tháo nước có đáy đặt sâu dưới đỉnh đập phải có hành lang kiểm tra hoặc phải có chiều cao và chiều rộng thích hợp để thực hiện được việc kiểm tra, sửa chữa công trình; ngoài cửa van chính để vận hành, điều tiết nước, phải có các cửa van dự phòng sự cố và phục vụ việc sửa chữa công trình;

b) Phải xây dựng đường quản lý để lực lượng, phương tiện ứng cứu sự cố đập có thể tiếp cận công trình; trang bị hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa lũ và các thiết bị, vật tư, dụng cụ dự phòng cần thiết;

c) Phải bố trí thiết bị quan trắc thích hợp, theo điều kiện địa chất của nền đập, kết cấu và vật liệu xây dựng đập; quy định chế độ quan trắc và thực hiện quan trắc để kiểm tra, theo dõi liên tục tình trạng an toàn, ổn định của đập.

3. Đối với các cửa van của đập tràn xả lũ vận hành bằng điện, ngoài nguồn cung cấp điện chính phải có nguồn điện dự phòng.

4. Phải có quy trình vận hành, bảo trì cho từng công trình đập và thiết bị lắp đặt tại công trình.

Điều 7. Cử cán bộ kỹ thuật quản lý đập tham gia theo dõi thi công

Ngay từ khi khởi công xây dựng đập, chủ đập phải cử cán bộ kỹ thuật tham gia theo dõi thi công, nghiệm thu các hạng mục và nghiệm thu tổng thể công trình để tiếp nhận quản lý khi công trình hoàn thành; lập lý lịch công trình đập cho giai đoạn xây dựng theo quy định.

Điều 8. Nghiệm thu đập

1. Đập chỉ được nghiệm thu để đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được kiểm tra và chứng nhận, bảo đảm về chất lượng theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc nghiệm thu để đưa vào khai thác, sử dụng đập, ngoại trừ đập do Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thực hiện việc nghiệm thu sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 9. Lưu trữ hồ sơ kỹ thuật

1. Chủ đập khi tiếp nhận hồ sơ kỹ thuật giai đoạn xây dựng phải thực hiện việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu với thực tế, để có bộ hồ sơ đầy đủ, chính xác và rõ ràng; thực hiện việc sắp xếp, lưu trữ và bảo quản hồ sơ theo quy định.

2. Trong quá trình quản lý đập, chủ đập phải bổ sung vào hồ sơ lưu trữ các tài liệu về quan trắc, kiểm tra, kiểm định an toàn đập, hồ sơ kỹ thuật sửa chữa đại tu đập và các văn bản quyết định hành chính có liên quan.

Chương 3:

QUẢN LÝ ĐẬP

Điều 10. Điều tiết nước hồ chứa

1. Chủ đập phải lập quy trình điều tiết nước hồ chứa, quy định việc tích nước, xả nước hồ, trong điều kiện bình thường và trong tình huống khẩn cấp, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Việc điều tiết nước hồ chứa tuân theo các quy định sau đây:

a) Không được tích trữ nước trong hồ vượt trên mức do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định;

b) Trường hợp đập bị hư hỏng hoặc sự cố, có yêu cầu tháo nước để hạ thấp mức nước hồ, phải khống chế tốc độ hạ thấp mức nước sao cho không gây sạt trượt mái thượng lưu đập;

c) Trong mùa lũ, các hồ chứa có nhiệm vụ điều tiết lũ, việc vận hành tích nước, xả lũ phải ưu tiên đảm bảo an toàn đập, thực hiện điều tiết cắt lũ và tích trữ nước hồ theo nhiệm vụ công trình.

Điều 11. Vận hành cửa van các công trình

Việc vận hành cửa van các công trình lấy nước, công trình tháo nước, công trình xả lũ, âu thuyền được quy định như sau:

1. Chủ đập phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định về thẩm quyền ra lệnh vận hành và quy trình thao tác, vận hành cửa van của từng công trình (sau đây gọi là vận hành công trình).

2. Nghiêm cấm người không có thẩm quyền ra lệnh hoặc cưỡng ép vận hành công trình.

3. Nghiêm cấm việc thao tác vận hành công trình trái với quy trình; chỉ người có trách nhiệm mới được vận hành công trình.

4. Phải quy định chế độ và thực hiện vận hành thử cho các cửa van không thường xuyên vận hành hoặc ở trong thời kỳ không thường xuyên vận hành, kể cả cửa van dự phòng.

5. Phải ghi chép việc vận hành, vận hành thử cửa van các công trình vào sổ theo dõi vận hành công trình.

Điều 12. Đo đạc quan trắc đập và các yếu tố khí tượng thuỷ văn

1. Đối với đập lớn:

a) Sau khi tiếp nhận bàn giao để quản lý, chủ đập phải tổ chức đo đạc, quan trắc hoặc hợp đồng với các đơn vị chuyên ngành thực hiện đo đạc quan trắc, thu thập các yếu tố khí tượng, thuỷ văn trên lưu vực hồ chứa, các diễn biến về thấm, rò rỉ nước qua thân đập, nền đập, vai đập, chuyển vị của đập, diễn biến nứt nẻ, sạt trượt tại thân, nền và phạm vi lân cận công trình, tình trạng bồi lắng của hồ chứa;

b) Các tài liệu quan trắc, đo đạc phải được hiệu chỉnh, hệ thống hoá, phân tích, đánh giá, so sánh với số liệu thiết kế dự báo; phát hiện các đột biến để kịp thời có quyết định xử lý; thực hiện lưu trữ tài liệu theo quy định.

2. Đối với các đập nhỏ: phải thực hiện việc quan trắc mức nước hồ và các đo đạc quan trắc khác do đơn vị tư vấn thiết kế đập quy định.

Điều 13. Duy tu, bảo dưỡng đập

1. Chủ đập phải quy định cụ thể nội dung và chế độ duy tu, bảo dưỡng cho từng công trình, bộ phận công trình và các thiết bị.

2. Việc duy tu, bảo dưỡng đập và các trang thiết bị phải được tiến hành định kỳ, thường xuyên theo quy định để bảo đảm công trình vận hành tin cậy, an toàn, dễ dàng kiểm tra, phát hiện các hư hỏng để khôi phục, sửa chữa kịp thời và bảo đảm về mặt mỹ quan công trình.

Điều 14. Kiểm tra đập

Chủ đập phải thực hiện kiểm tra đập theo nội dung và chế độ quy định, bao gồm:

1. Kiểm tra thường xuyên thông qua phân tích, đánh giá tài liệu đo đạc, quan trắc đập và bằng trực quan tại hiện trường.

2. Kiểm tra định kỳ trước và sau mùa mưa lũ hàng năm:

a) Hàng năm, vào thời điểm trước khi bước vào mùa lũ, tiến hành kiểm tra, đánh giá chung về ổn định đập; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng hoặc cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão của đập và phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du;

b) Vào thời điểm sau khi kết thúc mùa lũ, tiến hành kiểm tra nhằm phát hiện các hư hỏng (nếu có); theo dõi diễn biến các hư hỏng đã có của đập; rút kinh nghiệm công tác phòng chống lũ, bão; đề xuất biện pháp và kế hoạch sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, tồn tại;

c) Thời điểm thực hiện kiểm tra trước mùa lũ, sau mùa lũ quy định tương ứng cho các vùng như sau:

- Tháng 4 và tháng 11 đối với các tỉnh thuộc Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ;

- Tháng 4 và tháng 12 đối với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ;

- Tháng 8 và tháng 01 năm sau đối với các tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

3. Tiến hành kiểm tra đột xuất ngay sau khi xảy ra mưa lũ lớn, động đất mạnh hoặc phát hiện đập có hư hỏng đột xuất.

4. Kiểm tra, khảo sát chi tiết đập: khi đập bị hư hỏng nặng, chủ đập phải tổ chức điều tra, khảo sát chi tiết để xác định nguyên nhân, mức độ, phạm vi hư hỏng; tiến hành thiết kế sửa chữa; đồng thời phải thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, bảo đảm an toàn đập và an toàn vùng hạ du.

Điều 15. Khôi phục, sửa chữa, nâng cấp đập

1. Phải thực hiện khôi phục, sửa chữa, nâng cấp đập khi xảy ra các tình huống sau đây:

a) Đập bị hư hỏng nặng, không bảo đảm an toàn;

b) Công trình xả lũ thiếu khả năng xả lũ theo tiêu chuẩn thiết kế quy định;

c) Do thay đổi tiêu chuẩn thiết kế dẫn đến việc đập không thoả mãn điều kiện ổn định theo tiêu chuẩn thiết kế mới.

d) Xảy ra hiện tượng tái tạo bờ hồ chứa nước có ảnh hưởng đến an toàn đập.

2. Việc khôi phục, sửa chữa, nâng cấp đập tiến hành theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành.

Điều 16. Báo cáo hiện trạng an toàn đập

1. Hàng năm, chủ đập phải lập và gửi báo cáo cho Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan theo quy định về hiện trạng an toàn đập. Nội dung báo cáo gồm:

a) Mức nước trữ cao nhất trong hồ chứa; dòng chảy lũ lớn nhất về hồ chứa (thời gian xuất hiện, lưu lượng đỉnh lũ, tổng lượng lũ, quá trình xả lũ);

b) Kết quả đo đạc, quan trắc đập đã được hiệu chỉnh, phân tích, đánh giá;

c) Các hư hỏng của công trình và công tác sửa chữa, khắc phục;

d) Kết quả kiểm tra công trình trước lũ;

đ) Các nội dung cần thiết có liên quan khác.

2. Thời gian gửi báo cáo quy định như sau:

a) Trước ngày 15 tháng 5 đối với các tỉnh thuộc Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên;

b) Trước ngày 15 tháng 9 đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

3. Chủ đập phải báo cáo kịp thời cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra các tình huống sau đây:

a) Phát hiện các đột biến về kết quả đo đạc thấm, chuyển vị của đập;

b) Đập bị hư hỏng nặng hoặc các hư hỏng đã có từ trước diễn biến theo chiều hướng xấu;

c) Sự cố trong vận hành cửa van các công trình đập trong mùa lũ;

d) Mưa lớn trên lưu vực hồ chứa nước khi hồ đã đầy nước;

đ) Nghi ngờ có âm mưu phá hoại đập.

Điều 17. Kiểm định an toàn đập

1. Phải định kỳ kiểm định an toàn đối với đập của các hồ chứa nước có dung tích trữ bằng hoặc lớn hơn 10.000.000 m­3 (mười triệu mét khối), theo quy định sau đây:

a) Việc kiểm định được thực hiện theo định kỳ không quá 10 năm, kể từ ngày hồ tích nước hoặc kể từ lần kiểm định gần nhất.

b) Công tác kiểm định do chủ đập tổ chức thực hiện. Chủ đập lựa chọn đơn vị tư vấn kiểm định có đủ năng lực theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Nội dung kiểm định gồm:

- Đánh giá kết quả công tác quản lý đập theo nội dung quy định tại Chương III Nghị định này;

- Kiểm tra, phân tích tài liệu đo đạc, quan trắc đập;

- Kiểm tra, đánh giá chất lượng và sự an toàn của đập;

- Kiểm tra tình trạng bồi lắng của hồ chứa;

- Tính toán lũ, khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành và tài liệu khí tượng thuỷ văn đã được cập nhật;

- Đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão tại công trình.

d) Kết quả kiểm định phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

2. Đối với các hồ chứa có dung tích trữ dưới 10.000.000 m3 (mười triệu mét khối), theo định kỳ 7 năm, chủ đập phải tổ chức tính toán lại dòng chảy lũ đến hồ chứa, kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, trên cơ sở cập nhật tài liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn và các thay đổi về địa hình, địa mạo, độ che phủ của thảm thực vật trên lưu vực hồ chứa, lập hồ sơ báo cáo trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

3. Chủ đập chịu trách nhiệm chi trả kinh phí tư vấn kiểm định an toàn đập.

Chương 4:

BẢO ĐẢM AN TOÀN ĐẬP VÀ VÙNG HẠ DU

Điều 18. Phạm vi bảo vệ đập

1. Phạm vi bảo vệ đập bao gồm đập và vùng phụ cận bảo vệ đập.

2. Chủ đập có trách nhiệm xác định, cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi; chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn đập và phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Đối với khu vực lòng hồ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ đặc điểm tình hình của địa phương để quy định cụ thể và tổ chức thực hiện việc cắm mốc chỉ giới; chịu trách nhiệm quản lý phạm vi vùng phụ cận bảo vệ công trình theo quy định.

Điều 19. Phương án bảo vệ đập

1. Chủ đập phải lập phương án bảo vệ đập, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Phương án bảo vệ đập phải căn cứ vào quy mô đập, vị trí địa lý của đập, tầm quan trọng của đập về mặt kinh tế, an ninh quốc phòng và tình hình trật tự an ninh tại địa phương, để đề cập các nội dung chính sau đây:

a) Công tác bảo vệ thường xuyên, chống xâm hại đập;

b) Tổ chức tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu khi xảy ra mưa, lũ lớn;

c) Tổ chức kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện tham quan, du lịch, khách đến làm việc, thị sát đập;

d) Giải pháp đối phó trong tình huống đặc biệt, đề phòng các âm mưu phá hoại đập;

đ) Quy định việc giới hạn hoặc cấm các loại phương tiện giao thông có tải trọng lớn lưu hành trên mặt đập, đặc biệt trong mùa mưa lũ;

e) Các vấn đề khác có liên quan đến bảo vệ đập.

Điều 20. Bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ

1. Đập thuộc loại công trình phòng chống lụt bão. Hàng năm, trước khi bước vào mùa mưa lũ, chủ đập phải lập hoặc cập nhật, bổ sung phương án phòng chống lụt bão, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nội dung phương án phòng chống lụt bão bao gồm:

a) Tóm tắt đặc điểm, tình hình của hồ chứa có liên quan đến công tác phòng chống lụt, bão;

b) Diễn biến tình hình và đặc điểm mưa lũ trên lưu vực hồ chứa;

c) Đánh giá chất lượng đập và thiết bị vận hành đập;

d) Dự kiến các tình huống mất an toàn đập có thể xảy ra và giải pháp kỹ thuật để dự báo, phát hiện, đối phó, cảnh báo lũ lụt;

đ) Công tác chuẩn bị về nhân lực, vật tư, vật liệu dự phòng; dụng cụ, thiết bị, xe máy; thông tin liên lạc, ánh sáng;

e) Danh sách ban chỉ huy phòng chống lụt bão.

3. Sau khi phương án được phê duyệt, công tác chuẩn bị phải được triển khai thực hiện; vật tư, vật liệu, dụng cụ dự phòng phải được tập kết và bảo quản tại địa điểm quy định; cán bộ kỹ thuật, lực lượng ứng cứu, phương tiện ứng cứu phải được quản lý theo quy định để sẵn sàng huy động khi cần thiết. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão phải tiến hành họp, thông qua quy chế làm việc và chế độ trực ban.

4. Trong suốt mùa mưa lũ, chủ đập phải duy trì chế độ thông tin liên lạc, chế độ báo cáo tình hình về ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp trên và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, theo quy định.

Điều 21. Cứu hộ đập

Trường hợp xảy ra sự cố, có thể gây mất an toàn đập, việc cứu hộ phải được triển khai khẩn cấp với nỗ lực và ưu tiên cao nhất để giữ an toàn công trình, giảm thiểu thiệt hại.

Ủy ban nhân dân các cấp theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức việc cứu hộ đập trên địa bàn và tham gia cứu hộ đập cho địa phương khác theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập

1. Trong trường hợp do vận hành xả lũ hồ chứa, làm dâng đột ngột mức nước tại đoạn sông suối hạ lưu công trình xả lũ, chủ đập phải có biện pháp báo động, thông báo trước để bảo đảm an toàn cho người, tàu, thuyền và phương tiện đi lại, hoạt động trên sông, suối.

2. Chủ đập phải lập và trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập để chủ động đối phó với tình huống ngập lụt do xả lũ khẩn cấp hoặc tình huống vỡ đập, nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân và giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản vùng hạ du đập.

Chương 5:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN ĐẬP

Điều 23. Nội dung quản lý nhà nước về an toàn đập

Nội dung quản lý nhà nước về an toàn đập gồm:

1. Xây dựng, ban hành và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý an toàn đập.

2. Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kiểm định về an toàn đập.

3. Quyết định việc nghiệm thu, bàn giao đập.

4. Phê duyệt quy trình điều tiết nước hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập.

5. Quyết định biện pháp xử lý, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý sự cố đập.

6. Cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép đối với các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo vệ đập.

7. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ đập, phòng chống lũ, lụt vùng hạ du.

8. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các thông tin có liên quan đến quản lý an toàn đập.

9. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, vận hành, bảo vệ đập và quản lý an toàn đập.

10. Tổ chức thực hiện việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý an toàn đập.

Điều 24. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn đập

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn đập trên phạm vi cả nước.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn đập, bao gồm:

a) Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý an toàn đập.

Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch, chính sách về quản lý an toàn đập và kiểm tra việc thực hiện;

b) Quyết định việc nghiệm thu, bàn giao đập do Bộ phê duyệt đầu tư;

c) Phê duyệt quy trình điều tiết nước cho hồ chứa do Bộ quản lý và cho hồ chứa nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý (trừ hồ chứa thuỷ điện) mà việc khai thác bảo vệ có liên quan đến hai tỉnh trở lên;

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án bảo vệ đập quan trọng quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phê duyệt hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ đập do Bộ quản lý;

đ) Phê duyệt phương án phòng, chống lụt bão đối với đập do Bộ quản lý;

e) Quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng chống lụt, bão, bảo đảm an toàn đập, cứu hộ đập và phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đối với đập thuộc phạm vi do Bộ quản lý;

g) Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kiểm định về an toàn đối với đập thuộc phạm vi do Bộ quản lý;

h) Thực hiện các trách nhiệm quản lý nhà nước khác về an toàn đối với đập thuộc phạm vi do Bộ quản lý.

3. Trách nhiệm của Bộ Công nghiệp

Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện theo quy định tại Quyết định số 285/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập thủy điện, bao gồm:

a) Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý an toàn đập thuỷ điện;

b) Quyết định việc nghiệm thu, bàn giao các đập thuỷ điện do Bộ phê duyệt đầu tư;

c) Xây dựng quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện lớn, khai thác tổng hợp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; phê duyệt hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy trình điều tiết nước hồ chứa thuỷ điện khác thuộc phạm vi do Bộ quản lý;

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án bảo vệ các đập thuỷ điện quan trọng quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phê duyệt hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ đập thuỷ điện khác do Bộ quản lý;

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thẩm định, phê duyệt phương án phòng chống lụt, bão, bảo đảm an toàn đối với đập do Bộ quản lý;

e) Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động phải có giấy phép trong phạm vi bảo vệ đập thuỷ điện do Bộ quản lý;

g) Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kiểm định an toàn các đập thuỷ điện;

h) Quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập, cứu hộ đập cho vùng hạ du đối với đập thuỷ điện do Bộ quản lý;

i) Thực hiện các trách nhiệm quản lý nhà nước khác về an toàn đối với đập do Bộ quản lý.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về an toàn đập trên địa bàn, gồm:

a) Ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đối với các đập do tỉnh quản lý;

b) Thực hiện kiểm tra, thanh tra về an toàn đối với các đập do tỉnh quản lý; tổ chức và giám sát việc kiểm định an toàn đối với các đập của hồ chứa có dung tích dưới 10.000.000 m3 (mười triệu mét khối) do tỉnh quản lý;

c) Quyết định việc nghiệm thu, bàn giao đối với các đập do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đầu tư hoặc cấp giấy phép xây dựng;

d) Phê duyệt quy trình điều tiết nước cho các hồ chứa do tỉnh quản lý (trừ các hồ chứa nước mà việc khai thác và bảo vệ, có liên quan đến hai tỉnh trở lên), phương án phòng chống lụt bão cho đập, phương án phòng chống lũ, lụt cho khu vực thuộc địa bàn tỉnh nằm phía hạ du đập;

đ) Phê duyệt phương án bảo vệ đập do tỉnh quản lý (trừ các đập quan trọng quốc gia);

e) Quyết định theo thẩm quyền biện pháp xử lý khẩn cấp trường hợp xảy ra sự cố đập; tổ chức cứu hộ đập trên địa bàn địa phương;

g) Cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép đối với các hoạt động phải có giấy phép trong phạm vi bảo vệ đập (trừ đập thuỷ điện do Bộ Công nghiệp quản lý) và trong phạm vi vùng phụ cận bảo vệ công trình đối với khu vực lòng hồ thuộc địa bàn tỉnh;

h) Thực hiện các trách nhiệm quản lý nhà nước khác có liên quan về an toàn đập do tỉnh quản lý.

5. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan

Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và các Bộ, ngành liên quan thực hiện trách nhiệm về bảo đảm an toàn đập theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2000 và Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão.

Chương 6;

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 25. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo đảm an toàn đập, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý an toàn đập được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật quản lý về an toàn đập; cá nhân, tổ chức không tuân theo sự huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi công trình xảy ra sự cố; phá hoại hoặc gây mất an toàn đập hoặc có hành vi vi phạm khác theo quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 28. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NN (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập

  • Số hiệu: 72/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/05/2007
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 318 đến số 319
  • Ngày hiệu lực: 08/06/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 04/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản