Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62-CP

Hà Nội , ngày 12 tháng 04 năm 1976

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ HÀNG HOÁ.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-07-1960;

Căn cứ vào bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế đa ban hành kèm theo Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 172-CP ngày 01-11-1973,

Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 159-TTg ngày 07-07-1973 về công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hoá;

Theo đề nghị của ông Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Điều lệ kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá.

Điều 2.- Bản Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy bản Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Lao động để quy định những thể lệ, chế độ cụ thể hướng dẫn thi hành điều lệ.

Điều 3.- Việc triển khai thực hiện Điều lệ kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá chủ yếu dựa vào tổ chức và biên chế hiện làm công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và thuộc các ngành, các địa phương, các xí nghiệp. Nhưng nơi trước đây chưa có tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá, nay xét cần lập tổ chức phụ trách việc này thì cơ quan chủ quản phải bàn và có sự thoả thuận của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Ban tổ chức của Chính phủ.

Điều 4.- Các đồng chí Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

Nguyễn Duy Trinh

ĐIỀU LỆ

KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ HÀNG HOÁ

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá nhằm mục đích bảo đảm việc chấp hành nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng, đánh giá mức chất lượng đã đạt được và đề ra các biện pháp bảo đảm và nâng cao hiệu quả sản xuất xã hội, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống.

Điều 2.- Công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

1. Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm và hàng hoá.

2. Đề cao trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của các ngành, các cấp và đơn vị kinh tế cơ sở.

Điều 3.- Hệ thống tổ chức kiểm tra chất lượng gồm có:

1. Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá trực thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các cơ sở trực thuộc Cục đặt ở một số vùng kinh tế quan trọng.

2. Các tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá địa phương (ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

3. Các phòng hoặc ban kiểm tra chất lượng sản phẩm ở xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.

Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức kiểm tra chất lượng được quy định ở chương V của bản điều lệ này.

Điều 4.- Ở mỗi Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất, kinh doanh, Vụ kỹ thuật có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chế độ, thể lệ và kiểm tra chất lượng đối với các cơ sở thuộc ngành do Bộ, Tổng cục quản lý.

Ở mỗi Tổng công ty, liên hiệp xí nghiệp của ngành hoặc cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh của địa phương phải có cán bộ chuyên trách quản lý công tác kiểm tra chất lượng đối với các cơ sở thuộc quyền quản lý.

Các tổ chức kiểm nghiệm ở các ngành, ở các địa phương có nhiệm vụ kiểm nghiệm chất lượng phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển và cải tiến mặt hàng; kiểm nghiệm chất lượng khi giao nhận hàng theo hợp đồng kinh tế trong phạm vi được phân công của ngành hoặc địa phương mình.

Điều 5.- Thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng các cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và đơn vị kinh tế cơ sở phải chịu trách nhiệm về tình trạng chất lượng và công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi mình phụ trách, cụ thể là:

1. Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá.

2. Xây dựng và ban hành các chế độ, thể lệ về kiểm tra chất lượng cho thích hợp với tình hình cụ thể của ngành, địa phương hoặc cơ sở mình. Các chế độ, thể lệ này không được trái với quy định của Nhà nước.

3. Tổ chức xây dựng và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch bảo đảm và nâng cao chất lượng.

4. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra của cơ quan kiểm tra chất lượng có thẩm quyền tiến hành tại cơ sở mình phụ trách.

Chương 2

CÁC QUY ĐỊNH NHẰM BẢO ĐẢM THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG

Điều 6.- Chất lượng sản phẩm và hàng hoá là chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các ngành, các cấp và đơn vị kinh tế cơ sở phải có kế hoạch bảo đảm và nâng cao chất lượng. Kế hoạch này được tổ chức xây dựng, bảo vệ, xét duyệt, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện theo đúng nguyên tắc và thủ tục đã quy định đối với kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Điều 7.- Những sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế quốc dân phải do Nhà nước thống nhất quản lý chất lượng. Danh mục những sản phẩm này do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước đề nghị Chính phủ ban hành và công bố trong từng thời kỳ kế hoạch.

Điều 8.- Giá cả phải được định theo phẩm cấp.

Tất cả sản phẩm, hàng hoá không đạt yêu cầu chất lượng, nếu được phép tiêu thụ, đều phải hạ giá.

Mức chênh lệch giá theo phẩm cấp và mức hạ giá đối với sản phẩm, hàng hoá không đạt yêu cầu chất lượng do cơ quan vật giá có thẩm quyền quy định từ giá bán buôn xí nghiệp đến giá bán lẻ.

Công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá phải kết hợp chặt chẽ với công tác kiểm tra việc chấp hành chế độ giá cả theo phẩm cấp của Nhà nước.

Điều 9.- Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá phải được ghi rõ trong hợp đồng kinh tế, bao gồm quy cách, phẩm cấp, các chỉ tiêu chất lượng, bao bì và đóng gói, thời hạn bảo hành...Những chỉ tiêu này phải căn cứ theo tiêu chuẩn hoặc quy định hiện hành về chất lượng.

Khi giao hàng, bên giao phải cung cấp cho bên nhận đầy đủ các tài liệu chứng nhận chất lượng và khi cần thiết phải có các tài liệu thuyết mình về kết cấu, hướng dẫn lắp đặt, vận hành, sử dụng, bảo quản, sửa chữa và danh mục phụ tùng, dụng cụ kèm theo.

Điều 10.- Sản phẩm xuất xưởng phải có nhãn hiệu, dấu hiệu hàng hoá và giấy chứng nhận chất lượng của phòng (hoặc ban) kiểm tra chất lượng sản phẩm của xí nghiệp sản xuất.

Chương 3

CHẾ ĐỘ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG

Điều 11.- Tất cả các đối tượng sản xuất (nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bán sản phẩm và sản phẩm) được gia công, chế biến xong ở xí nghiệp nhất thiết phải được kiểm tra, xác nhận đạt yêu cầu chất lượng quy định trước khi chuyển giao sang công đoạn khác hoặc trước khi xuất xưởng.

Hàng hoá trong lưu thông phân phối phải được kiểm tra chất lượng kết hợp với kiểm tra việc chấp hành chế độ giá cả theo phẩm cấp của Nhà nước.

Điều 12.- Khi giao nhận hàng hoá theo hợp đồng kinh tế, các bên giao nhận có trách nhiệm tự tổ chức việc kiểm nghiệm chất lượng căn cứ theo quy định ở điều 9, chương II. Trường hợp có tranh chấp về chất lượng mà các bên giao nhận không thể nhất trí với nhau về kết quả kiểm nghiệm thì đề nghị cơ quan kiểm tra chất lượng có thẩm quyền làm trọng tài giám định.

Điều 13.- Áp dụng chế độ kiểm tra chất lượng của Nhà nước sau đây đối với các sản phẩm nằm trong danh mục quản lý chất lượng của Nhà nước nêu ở điều 7, chương II:

1. Kiểm tra, đánh giá mức chất lượng sản phẩm đã đạt được để xét cấp chứng nhận chất lương của Nhà nước.

2. Kiểm tra, xác nhận mức thực hiện kế hoạch chất lượng đã được duyệt.

3. Kiểm tra, xem xét các điều kiện và biện pháp cần thiết để bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng.

Điều 14.- Căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá là tiêu chuẩn kỹ thuật, bản vẽ thiết kế, mẫu đã kiểm định, quy phạm, quy trình công nghệ sản xuất và sửa chữa, điều kiện nghiệm thu, hợp đồng kin tế, các chỉ tiêu trong kế hoạch chất lượng đã được duyệt và các quy định chính thức khác về chất lượng đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành theo chế độ quy định.

Điều 15.- Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá do cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành tại cơ sở theo kế hoạch định kỳ hoặc theo kế hoạch đột xuất khi xét thấy cần thiết.

Điều 16.- Khi tiến hành kiểm tra tại cơ sở, trưởng đoàn kiểm tra phải xuất trình giấy ủy nhiệm của cơ quan kiểm tra chất lượng có thẩm quyền với cơ sở được kiểm tra. Thủ trưởng cơ sở được kiểm tra có trách nhiệm:

1. Báo cáo và cung cấp đầy đủ, chính xác các tài liệu về tình hình chất lượng theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

2. Cung cấp các tài liệu cần thiết làm căn cứ để kiểm tra như đã nêu ở điều 14.

3. Cung cấp mẫu sản phẩm, hàng hoá để kiểm tra.

4. Cung cấp thiết bị, dụng cụ kiểm tra và các phương tiện cần thiết khác có ở cơ sở. Cử cán bộ, công nhân giúp việc kiểm tra.

5. Tạo điều kiện thuận lợi để đoàn kiểm tra xem xét các điều kiện và biện pháp nhằm bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng ở những nơi cần thiết trong cơ sở mình.

Điều 17.- Kết quả kiểm tra và những kiến nghị về biện pháp xử lý được ghi vào biên bản kiểm tra. Trong biên bản phải có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và thủ trưởng cơ sở được kiểm tra. Trong trường hợp thủ trưởng cơ sở được kiểm tra từ chối ký thì biên bản có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra vẫn có giá trị, thủ trưởng cơ sở có quyền khiếu nại lên cơ quan kiểm tra chất lượng cấp trên.

Biên bản kiểm tra phải được lưu tại cơ quan trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, tại cơ sở được kiểm tra, báo cáo lên cơ quan kiểm tra chất lượng cấp trên và gửi cho các cơ quan liên quan.

Điều 18.- Cán bộ kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá trong khi thừa hành nhiệm vụ phải tuân theo luật pháp của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ các chế độ, thể lệ của Nhà nước về kiểm tra chất lượng, chế độ bảo mật về tình hình và số liệu trong sản xuất, kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

Điều 19.- Những kết luận và quyết định của tổ chức kiểm tra chất lượng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao, chỉ bị bác bỏ khi có văn bản của tổ chức kiểm tra chất lượng cấp trên.

Điều 20.- Chi phí cho việc kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá do cơ sở được kiểm tra chịu.

Trong trường hợp có tranh chấp về chất lượng giữa các bên giao nhận thì chi phí giám định do bên yêu cầu giám định trả trước, sau đó, bên nào chịu chi phí này là do Hội đồng trọng tài kinh tế quyết định theo kết quả xét xử.

Chương 4

CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG CỦA NHÀ NƯỚC

Điều 21.- Trong việc tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm để xét cấp chứng nhận chất lượng của Nhà nước, sản phẩm được sắp xếp theo ba mức chất lượng sau đây:

1. Sản phẩm đạt và vượt những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đề ra trong tiêu chuẩn hoặc quy định hiện hành về chất lượng, với trình độ khoa học kỹ thuật cao hoặc tương đương với mức chất lượng trung bình tiền tiến của sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

2. Sản phẩm đạt được những chi tiêu kinh tế - kỹ thuật đề ra trong tiêu chuẩn hoặc quy định hiện hành về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế quốc dân và của nhân dân.

3. Sản phẩm, có những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đã lỗi thời cần được cải tiến hoặc loại khỏi sản xuất.

Điều 22.- Nhà nước chứng nhận chất lượng sản phẩm bằng hình thức cấp dấu và giấy chứng nhận chất lượng.

Những sảm phẩm đạt được mức chất lượng phù hợp với điểm 1 và 2 của điều 21 với điều kiện ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nền kinh tế quốc dân sẽ được cấp dấu chứng nhận chất lượng của Nhà nước.

Hình dáng và kích thước dấu chứng nhận chất lượng của Nhà nước do Nhà nước quy định.

Điều 23.- Dấu chứng nhận chất lượng của Nhà nước có giá trị pháp lý trong cả nước.

Xí nghiệp sản xuất sản phẩm mang dấu chứng nhận chất lượng của Nhà nước được khuyến khích về vật chất và tinh thần theo chế độ quy định.

Điều 24.- Việc đánh giá chất lượng và xét cấp dấu chứng nhận chất lượng của Nhà nước, theo quy định ở điều 21 và 22 được thực hiện thông qua các hội đồng đánh giá chất lượng Nhà nước do Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá tổ chức theo từng loại sản phẩm.

Điều 25.- Thể lệ chứng nhận chất lượng và quản lý dấu chất lượng và quản lý dấu chất lượng của Nhà nước, tổ chức và hoạt động của Hội đồng đánh giá chất lượng Nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước quy định và hướng dẫn thực hiện.

Chương 5

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG

Điều 26.- Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá là cơ quan giúp Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước quản lý thống nhất công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá trong cả nước.

Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Theo dõi tình hình chung về chất lượng sản phẩm và hàng hoá, nghiên cứu và đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế độ, thể lệ làm cơ sở pháp lý cho công tác kiểm tra chất lượng. Tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các quy định đó.

2. Chỉ đạo và hướng dẫn về tổ chức và nghiệp vụ cho các tổ chức kiểm tra chất lượng cấp dưới. Tổ chức việc nghiên cứu nghiệp vụ kiểm tra chất lượng và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công nhân chuyên trách kiểm tra chất lượng.

3. Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với sản phẩm do Nhà nước quản lý chất lượng nói ở điều 7, chương II, quyết định cấp dấy chứng nhận chất lượng của Nhà nước và xác nhận mức thực hiện kế hoạch chất lượng của xí nghiệp đối với những sản phẩm này. Tổ chức việc đánh giá chất lượng theo yêu cầu xét duyệt sản phẩm của Nhà nước.

4. Làm trọng tài giám định chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong trường hợp có tranh chấp về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm, hàng hoá có giá trị quyết định cuối cùng về mặt pháp lý.

5. Cử cán bộ đến những nơi cần thiết, trong các cơ sở sản xuất và cơ sở lưu thông phân phối để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá, xem xét các điều kiện và biện pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng.

6. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các cơ quan có liên quan cung cấp mẫu sản phẩm, hàng hoá, phương tiện và các tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra.

7. Quyết định tạm ngừng xuất xưởng hoặc phân phối những sản phẩm, hàng hoá không đạt yêu cầu chất lượng theo quy định.

Áp dụng các hình thức phạt nói ở điều 30, chương VI của bản điều lệ này và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp ngoài quyền hạn của mình.

8. Thông báo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cho cơ quan chủ quản của cơ sở đó và các cơ quan có liên quan biết tình hình vi phạm các quy định về chất lượng và kiến nghị biện pháp khắc phục.

9. Công nhận và ủy quyền kiểm tra Nhà nước về chất lượng cho các cơ quan, đơn vị thuộc các ngành, các địa phương.

10. Làm công tác tuyên truyền, thông tin, tư liệu về chất lượng và kiểm tra chất lượng.

11. Thu phí tổn kiểm tra theo thể lệ quy định.

Điều 27.- Tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá địa phương có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Thực hiện và hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các chế độ, thể lệ của Nhà nước về kiểm tra chất lượng trong địa phương. Nghiên cứu và đề nghị với Ủy ban hành chính địa phương ban hành các quy định nhằm cụ thể hoá các chế độ, thể lệ của Nhà nước về kiểm tra chất lượng cho phù hợp với đặc điềm và tình hình cụ thể của địa phương (các quy định này không được trái với quy định của Nhà nước).

2. Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với các sản phẩm không thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý chất lượng nói ở điều 7, chương II, xác nhận việc thực hiện kế hoạch chất lượng của xí nghiệp đối với các sản phẩm này. Tổ chức việc đánh giá chất lượng theo yêu cần xét duyệt sản phẩm của địa phương.

3. Làm trọng tài giám định chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong trường hợp có tranh chấp về chất lượng giữa các cơ sở thuộc địa phương quản lý và trong phạm vi được phân cấp của Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm, hàng hoá có giá trị pháp lý.

4. Cử cán bộ đến những nơi cần thiết trong các cơ sở sản xuất và cơ sở lưu thông phân phối của địa phương để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá; xem xét các điều kiện và biện pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng.

5. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các cơ quan có liên quan của địa phương cung cấp mẫu sản phẩm, hàng hoá, phương tiện và các tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra.

6. Kiến nghị Ủy ban hành chính địa phương và các cơ quan có thẩm quyền đình chỉ xuất xưởng hoặc phân phối những sản phẩm, hàng hoá không đạt yêu cầu chất lượng đã quy định và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về chất lượng.

7. Thông báo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của địa phương, cho cơ quan chủ quản của cơ sở đó và các cơ quan có liên quan biết tình hình vi phạm các quy định về chất lượng và kiến nghị biện pháp khắc phục.

8. Làm công tác tuyên truyền, thông tin về chất lượng và kiểm tra chất lượng ở địa phương.

9. Làm báo cáo về tình hình chất lượng sản phẩm, hàng hoá và hoạt động kiểm tra chất lượng lên Ủy ban hành chính địa phương và Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá.

10. Thu phí tổn kiểm tra theo thể lệ quy định.

Điều 28.- Nhiệm vụ và quyền hạn của phòng hoặc ban kiểm tra chất lượng sản phẩm ở xí nghiệp công nghiệp quốc doanh theo quy định trong Điều lệ về kiểm tra chất lượng sản phẩm ở xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ban hành theo quyết định của Hội đồng Chính phủ số 26-CP ngày 21-02-1974.

Chương 6

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 29.- Đơn vị và cá nhân nào có thành tích trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về kiểm tra chất lượng, bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, giảm thấp mức thiệt hại về sản phẩm xấu, hỏng sẽ được khen thưởng. Đơn vị và cá nhân nào vi phạm các quy định về kiểm tra chất lượng, không bảo đảm chất lượng sản phẩm và hàng hoá phải chịu trách nhiệm vật chất về những thiệt hại đã gây ra.

Chế độ khen thưởng và trách nhiệm vật chất về chất lượng phải được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 30.- Thủ trưởng, cán bộ có trách nhiệm ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cán bộ kiểm tra chất lượng, tùy theo mức độ nặng nhẹ, sẽ bị khiển trách, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 đồng đến 100 đồng nếu vi phạm một trong những trường hợp sau đây:

1. Cho xuất xưởng hoặc phân phối trái phép những sản phẩm, hàng hoá không đạt yêu cầu chất lượng đã quy định.

2. Có hành động gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hoá để thu lợi trái phép.

3. Cố ý lẩn tránh việc thi hành chế độ kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá, gây khó khăn cho sự hoạt động của cơ quan kiểm tra chất lượng, vi phạm quy định ở điều 16, chương III.

4. Là cán bộ kiểm tra chất lượng mà không chấp hành đúng những chế độ, thể lệ về kiểm tra chất lượng, vi phạm quy định ở điều 18, chương III.

Điều 31.- Đối với trường hợp vi phạm quy định về kiểm tra chất lượng gây ra thiệt hại lớn cho Nhà nước và nhân dân, người có trách nhiệm sẽ bị truy tố về hình sự theo luật pháp hiện hành.

Điều 32.- Các cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh, các cơ quan vật giá, tài chính và ngân hàng...có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm tra chất lượng có thẩm quyền thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp đòn bẩy kinh tế, thưởng phạt về chất lượng theo đúng chế độ, thể lệ của Nhà nước.

Chương 7

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33.- Điều lệ này có hiệu lực đối với tất cả các ngành sản xuất lưu thông phân phối trong nền kinh tế quốc dân và không áp dụng đối với công trình xây dựng cơ bản.

Điều 34.- Bãi bỏ những điều quy định trong các văn bản khác trái với điều lệ này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

Nguyễn Duy Trinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 62-CP năm 1976 về Điều lệ kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá do Hội Đồng Chính Phù ban hành

  • Số hiệu: 62-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/04/1976
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: 30/04/1976
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 12/04/1976
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản