Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 53/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 1998

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 53 /1998/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 7 NĂM 1998 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày 28 tháng 3 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức theo Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày 28 tháng 3 năm 1998.

Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là Vietnam marine police.

Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành mọi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Điều 2. Mọi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đều phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam; tôn trọng và tuân thủ các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều 3. Mọi tổ chức, cá nhân và phương tiện hoạt động trên các vùng biển từ đường cơ sở ra đến ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn và chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Chương 2:

TỔ CHỨC, TRANG BỊ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

Điều 4. Hệ thống tổ chức của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam gồm:

1. Cục Cảnh sát biển

2. Các Vùng Cảnh sát biển. Trong cơ cấu của Vùng Cảnh sát biển có các Hải đoàn, Hải đội và Đội Cảnh sát biển.

3. Trường đào tạo Cảnh sát biển.

Tổ chức, biên chế, trang bị cụ thể của các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 5. Cục trưởng Cục Cảnh sát biển do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Giúp việc cho Cục trưởng có một số Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Cục Cảnh sát biển có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, có kinh phí tổ chức, xây dựng và hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại Hải Phòng, có cơ quan thường trực tại Hà Nội và có đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 6. Các Vùng Cảnh sát biển được tổ chức tương ứng ở các Vùng Hải quân. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát biển.

Điều 7. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị các phương tiện, vũ khí, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Điều 8. Cờ hiệu, phù hiệu, trang phục của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được quy định như sau:

1. Cờ hiệu:

a) Cờ lệnh hình tam giác cân, nền xanh nước biển, chiều cao 1,5m, cạnh đáy 1,0m, có quốc huy ở giữa và mũi tên màu vàng chạy ngang phía sau.

Cờ lệnh treo trên cột cờ cao 2,5m cắm ở cuối tầu.

b) Ký hiệu có 2 vạch màu da cam và màu trắng liền kề nhau, chiều dài của vạch bằng thành tàu (mép trên của thành tàu đến mớn nước).

Vạch số 1 màu da cam đặt ở điểm cuối của mũi tàu giáp với điểm đầu của thân tàu, chếch 300 - 400, chiều rộng 0,5m - 1,0m (tuỳ theo kích thước tàu) tiếp đến vạch số 2 màu trắng, chiều rộng bằng 1/4 vạch số 1.

Ký hiệu được biểu hiện ở 2 bên thân tàu.

c) Thân tàu sơn màu xanh nước biển, đài chỉ huy sơn màu trắng.

Trên thân tàu:

+ Phần trước hai vạch hiệu lệnh viết số tàu màu trắng;

+ Phần sau hai vạch hiệu lệnh viết chữ in hoa màu trắng:

CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM (HÀNG TRÊN)

VIETNAM MARINE POLICE (HÀNG DƯỚI).

2. Phù hiệu ngành.

Phù hiệu ngành của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hình lá chắn trên nền tím than, xung quanh viền đỏ 2mm, ở giữa có mỏ neo, hai bên có bông lúa, phía dưới có chữ CSB màu đỏ, phía trên có ngôi sao vàng năm cánh.

3. Trang phục.

a) Quân hiệu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hình tròn, đường kính 33mm, giữa có sao vàng lồng hình mỏ neo màu tím than đặt trên nền đỏ tươi, xung quanh có hai bông lúa, có nửa bánh xe màu vàng, trên nửa bánh xe có chữ CSB màu đỏ.

Quân hiệu sử dụng kèm theo cành tùng kép:

+ Cấp tướng: Cành tùng kép mầu vàng.

+ Cấp tá, uý, hạ sĩ quan, binh sĩ: Cành tùng kép màu bạc.

b) Cấp hiệu, phù hiệu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo Nghị định số 74-HĐBT ngày 26 tháng 4 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về "Quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam", Nghị định số 78-HĐBT ngày 27 tháng 3 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về "Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 74-HĐBT ngày 26 tháng 4 năm 1982" và Nghị định số 61-CP ngày 21 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ "về việc sửa đổi, bổ sung về cấp hiệu, phù hiệu, quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp". Riêng đối với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có một số điểm bổ sung, sửa đổi như sau:

- Nền cấp hiệu màu tím than

- Đường viền cấp hiệu màu vàng

- Cúc cấp hiệu có hình mỏ neo và chữ CSB màu đỏ

- Nền phù hiệu màu tím than; hình phù hiệu giống như hình cúc cấp hiệu.

c) Quân phục của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam gồm hai loại mùa đông và mùa hè.

Bộ Quốc phòng quy định cụ thể về chế độ trang bị hàng năm, kiểu dáng và cách may mặc.

Điều 9. Trong khi làm nhiệm vụ tàu, thuyền và các phương tiện khác của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phải treo Quốc kỳ và Cờ hiệu Cảnh sát biển; cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải mang phù hiệu và mặc trang phục theo quy định.

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

Điều 10. Cục Cảnh sát biển thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa việt Nam.

Điều 11. Cục trưởng Cục Cảnh sát biển là người đứng đầu Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, lãnh đạo điều hành theo chế độ thủ trưởng trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Cục trưởng Cục Cảnh sát biển có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức điều hành Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và phối hợp với các lực lượng khác có liên quan để thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Cục trưởng Cục Cảnh sát biển phân công cho các phó Cục trưởng phụ trách từng mặt công tác hoặc từng nhiệm vụ; sử dụng có hiệu quả các cơ quan giúp việc đồng thời thường xuyên giáo dục nâng cao trách nhiệm và trình độ của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.

Điều 12. Các Vùng Cảnh sát biển thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Phân định phạm vi quản lý của các Vùng Cảnh sát biển như sau:

1. Vùng 1 quản lý các vùng biển và thềm lục địa từ cửa sông Bắc Luân tỉnh Quảng Ninh đến Mũi Độc tỉnh Hà Tĩnh.

2- Vùng 3 quản lý các vùng biển và thềm lục địa từ Mũi Độc tỉnh Hà Tĩnh đến Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định.

3- Vùng 4 quản lý các vùng biển và thềm lục địa từ Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An tỉnh Sóc Trăng.

4- Vùng 5 quản lý các vùng biển và thềm lục địa từ bờ Bắc cửa Định An tỉnh Sóc Trăng đến Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.

Điều 13. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển là người trực tiếp chỉ huy, tổ chức điều hành các đơn vị Cảnh sát biển thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi hoạt động của mình; quan hệ và phối hợp chặt chẽ với chỉ huy các đơn vị bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác có liên quan để thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển thường xuyên giáo dục, nâng cao trách nhiệm và trình độ của các cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.

Điều 14. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển tổ chức và triển khai thực hiện chế độ trực ban trên từng khu vực biển, kế hoạch tuần tra định kỳ và không định kỳ của Lực lượng Cảnh sát biển thuộc quyền.

Khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật trên biển hoặc theo lệnh của cấp trên, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển điều động lực lượng và các phương tiện thuộc quyền nhanh chóng đến nơi xảy ra vụ việc để xử lý theo thẩm quyền.

Điều 15. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ và có những quyền hạn cụ thể quy định tại Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; phối hợp với các lực lượng hữu quan trên biển triển khai công tác để thường xuyên, liên tục quản lý tình hình trên biển, sớm phát hiện, nhận biết về các sự việc, sự cố xảy ra và xử lý theo thẩm quyền hoặc lập hồ sơ vi phạm, đồng thời báo cáo khẩn cấp lên Chỉ huy cấp trên trực tiếp của mình.

Điều 16. Trong vùng nội thuỷ, khi có yêu cầu, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, trợ giúp các lực lượng chuyên ngành khác thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo các hoạt động trên biển thực hiện đúng các quy định của pháp luật; trường hợp Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì phải lập tức thông báo cho các lực lượng chuyên ngành, tạm thời bắt giữ người và phương tiện phạm pháp qủa tang, sau đó chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Trong vùng biển từ đường cơ sở ra đến ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam độc lập thực thi các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trường hợp cần thiết Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có thể phối hợp các lực lượng chuyên ngành hữu quan hoạt động duy trì việc chấp hành pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; các ngành hữu quan có thể uỷ thác cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện một số hoạt động nhất định thuộc chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của ngành mình và nội dung, phạm vi uỷ thác do Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành hữu quan quy định.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển có thành tích trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 19. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển vi phạm những quy định của Nghị định này và những quy định khác của pháp luật có liên quan hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ của mình thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 1998.

Điều 21. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 53/1998/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

  • Số hiệu: 53/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/07/1998
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản