Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 4-CP NGÀY 18-1-1993 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH NHẬP CẢNH XUẤT CẢNH, CƯ TRÚ, ĐI LẠI CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30-9-1992;
Căn cứ Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 21-2-1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH

Điều 1.

1. Người nước ngoài muốn nhập cảnh Việt Nam phải làm thủ tục xin cấp thị thực tại cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện khác được uỷ quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài). Trong trường hợp người nước ngoài mang hộ chiếu miễn thị thực của nước có ký kết Hiệp định miễn thị thực với chính phủ Việt Nam thì không phải làm thủ tục xin cấp thị thực, nhưng phải khai báo tên cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam mà mình đến làm việc hoặc cư trú.

2. Thủ tục xin cấp thị thực của Việt Nam.

a) Mỗi người khai 2 đơn xin nhập cảnh Việt Nam theo mẫu quy định của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại Việt Nam (nộp một đơn cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và nộp một đơn cho trạm công an cửa khẩu Việt Nam khi nhập cảnh); đơn có dán ảnh (ảnh dán vào các loại đơn nêu trong Nghị định này là ảnh mới chụp không quá một năm) cỡ 4cm 6 cmm, nửa người, mặt nhìn thẳng, đầu để trần.

b) Xuất trình kèm theo đơn xin nhập cảnh:

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;

- Các giấy tờ chứng minh mục đích, lý do nhập cảnh Việt Nam (nếu có) như giấy hoặc điện mời của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; hợp đồng hợp tác đã ký kết hoặc bản ghi nhớ vói các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt nam.

Người nước ngoài có thể thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam làm thủ tục xin cấp phép nhập cảnh Việt Nam tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trung ương của Việt Nam. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sẽ cấp thị thực khi có phép nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Trung ương của Việt Nam.

Điều 2.

1. Người nước ngoài có yêu cầu vào Việt Nam hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời vào Việt Nam khẩn cấp để xử lý những bất trắc không lường trước, hỗ trợ kỹ thuật cho công trình đầu tư, cấp cứu người bệnh nặng, cứu hộ tai nạn máy bay, tàu thuỷ hoặc những nơi bị thiên tai, dịch bệnh thì được xét cấp thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu Việt Nam.

2. Thủ tục xét cấp thị thực tại cửa khẩu:

a) Người nước ngoài xin nhập cảnh Việt Nam khẩn cấp phải nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời người nước ngoài vào Việt Nam khẩn cấp phải gửi yêu cầu đó cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trung ương biết chậm nhất là 24 giờ trước khi khách đến cửa khẩu.

b) Trưởng công an cửa khẩu quốc tế của Việt Nam cấp thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài sau khi đã dược cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Trung ương chấp thuận cho nhập cảnh.

Điều 3.

- Thủ tục xin cấp thị thực xuất cảnh đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam như sau:

1. Mỗi người khai 2 đơn xin xuất cảnh theo mẫu quy định của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam kèm theo giấy chứng nhận thường trú tại Việt Nam và 3 ảnh.

2. Xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.

3. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xét cấp thị thực xuất cảnh trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 4.

1. Thị thực nhập cảnh, thị thực xuất cảnh, thị thực nhập - xuất cảnh, thị thực xuất - nhập cảnh của Việt Nam có thời hạn không quá 3 tháng (90 ngày) và có thể được ra hạn từng 3 tháng một, phù hợp với với mục đích nhập cảnh, xuất cảnh của từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam thực hiện dự án đầu tư hoặc thực hiện các hợp đồng hợp tác về kinh tế, văn hoá, kỹ thuật, thì được xét cấp thị thực nhập - xuất cảnh hoặc thị thực xuất - nhập cảnh có thời hạn đến 1 năm ( 12 tháng) và có thể được gia hạn từng năm một, phù hợp với thời hạn hợp đồng, hợp tác tại Việt Nam.

Đối với cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế ở Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài đến Việt nam học tập, chữa bệnh có yêu cầu ở tại Việt Nam từ 2 năm trở lên thì thời hạn thị thực có thể kéo dài hơn, phù hợp với nhiệm kỳ công tác, thời gian học tập, chữa bệnh của những người đó.

2. Thị thực của Việt Nam có giá trị một lần; trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư, các hợp đồng hợp tác đã ký kết với một bên của Việt Nam, thì được xét cấp thị thực nhập - xuất cảnh hoặc thị thực xuất - nhập cảnh có giá trị nhiều lần trong thời hạn của thị thực đó.

Điều 5.

1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam muốn được gia hạn thị thực của Việt Nam phải làm thủ tục tại cơ quan Việt Nam có thẩm quyền nói tại khoản 3 điều này trước khi thị thực hết hạn 3 ngày. Thủ tục cụ thể như sau:

- Làm một đơn xin ra hạn thị thực theo mẫu quy định. Người nước ngoài không phải làm đơn nếu có văn bản của cơ quan Việt Nam hoặc của tổ chức người nước ngoài tại Việt Nam (cơ quan tiếp nhận) đề nghị ra hạn thị thực cho người đó.

- Kèm theo đơn hoặc văn bản nói trên có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và chứng nhận tạm trú tại Việt Nam.

Trường hợp thời hạn thị thực Việt nam hết hạn, nhưng thời hạn tạm trú tại Việt Nam vẫn còn thì không phải làm thủ tục xin ra hạn thị thực.

2. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam muốn được sửa đổi, bổ xung nội dung ghi trong thị thực của Việt Nam, phải làm thủ tục như xin gia hạn thị thực nói tại khoản 1, điều này.

3. Cơ quan lãnh sự Bộ Ngoại giao xét gai hạn, bổ sung, sửa đổi thị thực đối với những người nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự. Những người nước ngoài khác ngoài diện nêu trên do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ nội vụ xét ra hạn, sửa đổi, bổ xung thị thực.

Điều 6.

- Thẩm quyền quyết định huỷ bỏ thị thực đã cấp cho người nước ngoài quy định tại Điều 5 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài cư trú tại Việt nam:

- Cục quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Nội vụ xét, quyết định huỷ bỏ các loại thị thực của Việt Nam đã cấp cho người nước ngoài không thuộc đối tượng hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

- Bộ ngoại giao xét, quyết định huỷ bỏ các loại thị thực của Việt Nam đã cấp cho những người nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

Điều 7.

1. Thủ tục xin cấp, gia hạn, sửa đổi thị thực quá cảnh Vịet Nam áp dụng theo điều 1, điều 2 và điều 5 Nghị định này.

2. Người nước ngoài chỉ được xét cấp thị thực quá cảnh Việt Nam để đến nước khác, nếu nước đó đã đồng ý cho nhập cảnh.

3. Thời hạn của thị thực quá cảnh 1 lần đi qua Việt Nam không quá 15 ngày; trường hợp cả đi và về đều phải quá cảnh Việt Nam thì thời hạn được quy định phù hợp với từng chuyến đi cụ thể.

Chương 2:

CƯ TRÚ, ĐI LẠI

Điều 8.

- Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi nhập cảnh, người nước ngoài phải đăng ký cư trú theo quy định sau đây:

1. Người nước ngoài thuộc diện sau đây đăng ký tại Bộ Ngoại giao:

a) Các đại biểu và tuỳ tung của các đoàn nước ngoài đến Việt Nam thăm viếng, làm việc theo quyết định của ban bí thư Trung ương Đảng, của Chủ tịch nước, Chủ Tịch Quốc hội, Thủ Tướng Chính phủ.

b) Thành viên của các cơ quan đại diện Ngoại giao, các cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức liên hiệp quốc tại Việt Nam, kể cả những người nước ngoài là thành viên gia đình sống chung với họ tại Việt Nam.

c) Người nước ngoài khác được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ ngoại giao của Chính phủ Việt Nam.

2. Người nước ngoài nhập cảnh Việt nam không thuộc quy định tại khoản 1 điều này, thì đăng ký tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

3. Những trường hợp sau đây không phải làm thủ tục đăng ký cư trú:

a) Người quá cảnh Việt nam được miễn thị thực quá cảnh theo quy định tại khoản 2 điều 8 của Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam.

b) Người nhập cảnh Việt Nam mà thời gian lưu lại Việt Nam không quá 48 giờ.

c) Người mượn đường Việt Nam theo đúng tuyến đường do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quy định và thời gian đi trên đường Việt Nam không quá 3 ngày (72 giờ).

Điều 9.

- Thủ tục đăng ký cư trú của người nước ngoài tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam (nói tại khoản 1 va 2 điều 8) như sau:

1. Đối với người nước ngoài thường trú:

a) Mỗi người khai 2 bản đăng ký cư trú theo mẫu quy định của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam, có dán ảnh.

b) Xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu; phiếu nhập xuất cảnh đã cấp tại cửa khẩu Việt Nam và các giấy tờ chứng minh mục đích thường trú tại Việt nam đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.

c) Cơ quan tiếp nhận tờ khai đăng ký cư trú cấp "giấy chứng nhận thường trú" cho người nước ngoài; "giấy chứng nhận thường trú" có giá trị không thời hạn và được cấp cho người nước ngoài thường trú từ 14 tuổi trở lên; người dưới 14 tuổi sống chung vói cha, mẹ hoặc người đỡ đầu là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam được ghi chung vào "giấy chứng nhận thường trú" của cha, mẹ, hoặc người đỡ đầu.

Bộ Nội vụ quy định cụ thể hình thức, nội dung "giấy chứng nhận thường trú".

2. Đối với người nước ngoài tạm trú:

a) Xuất trình với cơ quan có thẩm quyền nói tại điểm b, khoản này hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và phiếu xuất nhập cảnh.

b) Những người nước ngoài thuộc diện đăng ký tại Bộ Ngoại giao nói tại khoản 1 điều 8 Nghị định này sẽ được Bộ ngoại giao cấp giấy chứng nhận tạm trú; những người nước ngoài khác do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu nhập cảnh Việt Nam.

c) Thời hạn chứng nhận tạm trú nhiều nhất không quá 1 năm (12 tháng) kẻ từ ngày cấp và có thể được gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng, phù hợp với mục đích tạm trú của từng trường hợp cụ thể. Riêng người nước ngoài là thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức liên hiệp quốc tại Việt Nam và những người vào Việt Nam học tập, chữa bệnh thì thời hạn chứng nhận tạm trú nhiều nhất không quá 3 năm (36 tháng) và có thể gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng, phù hợp với nhiệm kỳ công tác hoặc thời gian học tập, chữa bệnh ở Việt Nam.

Bộ Nội vụ, Bộ ngoại giao quy định cụ thể hình thức, nội dung chứng nhận tạm trú cấp cho người nước ngoài lưu trú tại Việt Nam.

Điều 10.

1. Người nước ngoài thường trú thay đổi địa chỉ, nghề nghiệp đã đăng ký hoặc thay đổi những nội dung khác ghi trong "giấy chứng nhận thường trú" phải đăng ký sửa đổi hoặc bổ xung tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh địa phương nơi thường trú; khi người nước ngoài thường trú đi định cư ở nước khác hoặc bị trục xuất, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thu hồi " giấy chứng nhận thường trú".

2. Người nước ngoài muốn được ra hạn chứng nhận tạm trú hoặc thay đổi mục đích tạm trú đã đăng ký, thì phải xin ra hạn hoặc đăng ký sửa đổi, bổ sung với cơ quan Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận tạm trú cho người đó.

3. Việc huỷ bỏ chứng nhận tạm trú đã cấp cho người nước ngoài do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trung ương xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 2 điều 11 của Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam; trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý, xuất nhập cảnh Trung ương có thể cấp lại chứng nhận tạm trú thay thế chứng nhận tạm trú đã cấp tại cửa khẩu Việt Nam cho phù hợp với mục đích và lý do tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trung ương quyết định huỷ bỏ chứng nhận tạm trú phải thông báo cho đương sự chậm nhất 3 ngày kể từ ngày ra quyết định huỷ bỏ và thông báo cho tổ chức, cơ quan hữu quan Việt Nam biết.

Đối với những người thuộc diện đăng ký tạm trú tại Bộ ngoại giao, việc huỷ bỏ chứng nhận tạm trú được thực hiện qua đường Ngoại giao.

Điều 11. Người nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp " giấy chứng nhận thường trú" hoặc cấp "chứng nhận tạm trú", khi đi lại ngoài nơi đã đăng ký cư trú, nếu ở lại qua đêm phải khai báo tạm trú với chủ khách sạn, nhà trọ nhà khách hoặc chính quyền nơi ở lại qua đêm.

Điều 12.

1. Người nước ngoài tại Việt Nam không được cư trú, đi lại ở những khu vực địa điểm sau đây:

a) Vành đai biên giới, bao gồm các xã hoặc đơn vị hành chính tương đương tiếp giáp đường biên giới quốc gia.

b) Các khu Công nghiệp quốc phòng, các khu quân sự, các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.

c) Các khu vực địa điểm khác có yêu cầu bảo vệ đặc biệt về an ninh, quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng khoanh định.

d) Các khu vực do Bộ nội vụ quyết định tạm thời vì lý do bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Các khu vực nói tại khoản 1, điều này được công bố hoặc cắm biển báo hoặc bố trí người canh gác, bảo vệ, tuỳ theo tính chất, đặc điểm của từng khu vực.

Bộ Nội vụ quy định thống nhất mẫu biểu báo các khu vực nói trên.

Điều 13.

1. Người nước ngoài muốn vào khu vực nói tại khoản 1, điều 12, Nghị định này, phải có giấy phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (riêng đối với các khu vực địa điểm Quốc phòng) . Trường hợp có thoả thuận hoặc ký giữa Chính phủ Việt nam với Chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức Quốc tế thuộc Liên hiệp quốc khác với quy định này thì áp dụng theo thoả thuận hoặc ký kết đó.

2. Ngoài trường hợp nói tại khoản 1, điều này, việc đi lại của người nước ngoài thường trú và tạm trú hợp pháp tại Việt Nam không phải xin phép.

3. Trách nhiệm đối với việc đi lại, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam của người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam được quy định như sau:

a) Đối với người nước ngoài vào làm việc với các cơ quan, tổ chức Việt Nam, thì cơ quan, tổ chức Việt Nam phải quản lý chương trình đi lại, hoạt động của khách và thông báo với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

b) Đối với người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tổ chức kinh doanh du lịch quốc tế của Việt nam có trách nhiệm đưa đón, hướng dẫn khách theo hành trình du lịch đã bán.

c )Người nước ngoài là thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan lãnh sự của nước ngoài, các cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế của Liên hiệp quốc, khi đi lại, hoạt động tại Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, phù hợp với công ước viên và công ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

d, Đối với các trường hợp đi lại khác ra khỏi phạm vi nơi đăng ký cư trú, ngoài quy địng tại các điểm a, b, c, khoản 3 điều này thì người nước ngoài phải báo cho chủ khách sạn, nhà trọ, nhà khách hoạc cơ quan, tổ chức tiếp đón mình để biết và thông báo với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Điều 14. Người nước ngoài mượn đường Việt Nam phải đi theo đúng tuyến đường từ cửa khẩu nhập cảnh đến cửa khẩu xuất cảnh Việt Nam theo quy định của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Chương 3:

HỆ THỐNG CƠ QUAN QUẢN LÝ XUẤT NHẬP CẢNH

Điều 15.

1. Hệ thống cơ quan quản lý và giải quyết thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam quy định sau:

a, Vụ lãnh sự thuộc bộ ngoại giao, Sở ngoại vụ hoặc Phòng ngoại vụ thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý và giải quyết thủ tục nhập xuất cảnh, cư trú, đi lại đối với người nước ngoài thuộc diện được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự; thành viên các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và tổ chức quốc tế thuộc Lên hợp quốc kể cả những người trong gia đình họ.

b, Cục quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Nội vụ, phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc công an tỉnh, thành phố và trạm công an cửa khẩu quốc tế chịu trách nhiệm quản lý và giải quyết thủ tục nhập xuất cảnh, cư trú, đi lại đối với người nước ngoài khác (ngoài quy định tại điểm a, khoản 1 điều này)

c, Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam hoặc cơ quan đại diện khác của Việt Nam ở nước ngoài được uỷ quyền, có trách nghiệm giải quyết thủ tục nhập, xuất cảnh Việt Nam đối với người nước ngoài theo thẩm quyền quy định tại chương I nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao quy định về tổ chức, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan quản lý, và giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh ở trong nước và ở nước ngoài, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Pháp lệnh và Nghị định này.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 16.

1. Người nước ngoài làm thủ tục xin cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung thị thực, "giấy chứng nhận thưòng trú", giấy phép đi lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung "chứng nhận tạm trú" phải nộp lệ phí.

2. Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại quy định chi tiết việc thu lệ phí nói tại khoản 1, điều này.

Điều 17.

1. Những hành vi vi phạm hành chính về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng theo quy định tại điều 6, điều15 và điều 16 của Nghị định số 141-HĐBT ngày 25-4-199 1của Hội đồng Bộ trưởng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

2. Nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính của người nước ngoài được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định số 114- HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

Điều 18. Nghị định này thay thế các nghị định số 83-CP ngày 10- 6- 1961 của Hội đồng Chính phủ về việc người ngoại quốc xin nhập, xuất, quá cảnh Việy Nam, Nghị định số 286-TTg ngày 31-7-1959 của Thủ tướng Chính phủ quy định thể lệ đăng ký những người ngoại quốc đến Việt Nam và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 19. Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 4-CP năm 1993 Hướng dẫn Pháp lệnh Nhập cảnh xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam

  • Số hiệu: 4-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/01/1993
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 18/01/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản