Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 307-TTg

Hà Nội , ngày 18 tháng 08 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỂ LỆ ĐI LẠI TRÊN CÁC SÔNG, HỒ, SÔNG ĐÀO VÀ NÔNG GIANG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI THỦY

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để đảm bảo an toàn giao thông vận tải trên các sông, hồ, sông đào và nông giang;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện;
Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Trên tất cả các sông, hồ, sông đào và nông giang, các phương tiện vận tải được tự do đi lại, trừ những trường hợp sau đây:

- Khi trên các luồng đang tiến hành những công tác như phá đá, nạo vét lòng lạch hoặc sửa chữa lớn các công trình, cần phải cấm hay hạn chế sự đi lại trong một thời gian nhất định;

- Ở các nông giang, trong những trường hợp quy định ở điều 6 và điều 10 của bản “Điều lệ về thuyền bè đi trên nông giang” ban hành kèm theo Nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 1028-TTg ngày 29 tháng 8 năm 1956.

Điều 2. – Bộ Giao thông và Bưu điện có nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên các sông, hồ, sông đào, nông giang, và có quyền:

- Quy định việc quản lý các loại phương tiện vận tải;

- Đặt những thể lệ quản lý kinh doanh vận tải;

- Đặt những quy tắc áp dụng cho việc giao thông đường sông.

Điều 3. – Các phương tiện vận tải phải thường xuyên đảm bảo an toàn, đóng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và đủ các trang bị an toàn và cấp cứu. Đối với các loại phương tiện vận tải lưu hành, cơ quan giao thông có quyền khám xét bất cứ lúc nào và rút giấy phép của những phương tiện xét không đủ đảm bảo an toàn hoặc kinh doanh không đúng thể lệ, hoặc vi phạm nghiêm trọng quy tắc giao thông.

Điều 4. – Người điều khiển các phương tiện vận tải phải lành nghề, thuộc đường và có đủ các điều kiện về sức khỏe và bằng cấp (phương tiện cơ giới).

Điều 5. – Các phương tiện vận tải phải triệt để chấp hành quy tắc giao thông (tránh vượt, tốc độ, sử dụng các tín hiệu và âm hiệu, v.v…) và phải điều động thận trọng để tránh mọi tai nạn như xô vào nhau hoặc đâm vào những công trình và chướng ngại vật trên đường đi.

Điều 6. – Để đảm bảo trật tự vệ sinh ở các bến, các phương tiện vận tải vào bến phải triệt để tôn trọng nội quy của bến.

Điều 7. – Khi đi qua các công trình trên sông như cầu quay, cống (âu thuyền) các phương tiện vận tải phải chấp hành những quy định về sự qua lại các công trình và tuyệt đối tuân theo sự chỉ dẫn của các nhân viên phụ trách. Chỉ những nhân viên phụ trách các công trình mới được đóng, mở công trình và điều khiển sự đi lại của các phương tiện vận tải.

Điều 8. – Các công trình như cầu, cống, kè, trạm thủy văn, v.v… các thiết bị và chướng ngại vật trên sông phải đặt những tín hiệu theo quy định của Bộ Giao thông và Bưu điện. Công trình thuộc cơ quan nào quản lý, thiết bị và chướng ngại vật của cơ quan hay người nào đó thì cơ quan hay người đó có trách nhiệm đặt và trông coi tín hiệu.

Các cơ quan giao thông có trách nhiệm kiểm soát và đôn đốc việc đặt các tín hiệu.

Trong khi đi đường, những người phụ trách các phương tiện vận tải, bất luận là cơ giới hay thô sơ, trông thấy các công trình và chướng ngại vật không có tín hiệu hoặc tín hiệu đặt sai, đều có nhiệm vụ báo ngay cho các cơ quan có trách nhiệm biết.

Điều 9. – Trừ trường hợp đặc biệt như làm các công tác đo đạc, khảo sát, nạo vét lòng lạch, cấp cứu tai nạn, các phương tiện vận tải không được neo, đậu ở luồng đi, làm cản trở cho sự giao thông.

Nếu không có phép của các cơ quan có trách nhiệm, không một cơ quan, tổ chức hay tư nhân nào được đặt những thiết bị trên sông hoặc làm những công tác có thể gây trở ngại nhất thời hay vĩnh viễn cho sự giao thông. Các đáy đánh cá chỉ được cắm ở những nơi quy định, theo sự hướng dẫn của cơ quan Giao thông.

Điều 10. – Khi một phương tiện vận tải bị đắm, người chủ hay thuyền trưởng phải lập tức đặt những tín hiệu cần thiết và sau đó tiến hành ngay việc trục vớt phương tiện. Nếu vì lý do đặc biệt phương tiện không trục vớt ngay được, cơ quan có trách nhiệm sẽ định thời gian cho người chủ trục vớt. Trường hợp vì khó khăn đặc biệt không thể trục vớt được, người chủ có thể xin phá hủy phương tiện tại chỗ.

Nếu phương tiện không được chủ trục vớt hoặc phá hủy trong thời hạn đã định, các cơ quan có trách nhiệm có thể làm thay. Trong trường hợp này người chủ phải chịu mọi khoản phí tổn.

Điều 11. – Nếu xẩy ra tai nạn như phương tiện bị mắc cạn xô vào nhau, đâm vào kè, đắm, v.v… thuyền trưởng hay người phụ trách phương tiện phải lập tức thi hành mọi biện pháp trợ cứu hành khách và hàng hóa.

Trường hợp hai phương tiện xô vào nhau, nếu một chiếc, bị hư hại nặng hoặc đắm thì thuyền trưởng của phương tiện không bị hư hại hoặc hư hại nhưng còn khả năng cứu trợ phải tích cực cứu trợ phương tiện bị nạn. Các phương tiện ở gần hay đi qua nơi xảy ra tai nạn đều có trách nhiệm cứu trợ.

Phương tiện gây ra tai nạn phải ở tại chỗ để đợi nhà chức trách đến lập biên bản. Hành khách bị nạn và các phương tiện ở gần nơi xảy ra tai nạn đã chứng kiến và tham gia vào việc cứu trợ cũng phải ở tại chỗ để làm chứng nếu thuyền trưởng bị tai nạn yêu cầu. Các phí tổn về việc cứu trợ do phương tiện gây ra tai nạn phải chịu.

Khi xảy ra tai nạn thuyền trưởng phương tiện bị nạn sau khi đã làm xong những việc cấp cứu đầu tiên phải báo cáo ngay cho Ủy ban Hành chính sở tại hoặc cơ quan Công an gần nhất biết. Trường hợp hai phương tiện xô vào nhau, nếu một chiếc bị đắm, thuyền trưởng chết hoặc bị thương không thể khai báo được thì thuyển trưởng của phương tiện không bị hư hại phải làm nhiệm vụ khai báo với nhà chức trách.

Các trạm hoặc đồn Công an hoặc Ủy ban nhận được tin báo phải tới ngay nơi xảy ra tai nạn lập biên bản.

Điều 12. – Các cơ quan có trách nhiệm nói ở các điều 8, 9, 10 là các Ty Thủy lợi (nếu sự việc xảy ra ở các nông giang), các Sở Vận tải thành phố, các Ty giao thông (nếu sự việc xảy ra ở các sông, hồ), các Ty Cảng vụ (nếu sự việc xảy ra trong phạm vi các cảng).

Điều 13. – Tùy theo trường hợp nặng nhẹ, người vi phạm các quy tắc giao thông đường sông phải chịu một hoặc nhiều hình phạt sau đây:

- Phê bình, cảnh cáo;

- Phạt tiền từ 1 đến 5 đồng (phương tiện vận tải thô sơ).

- Phạt tiền từ 2 đồng đến 20 đồng (phương tiện vận tải cơ giới).

- Thu hồi bằng cấp (đối với thuyền trưởng và thuyền phó).

Trong những trường hợp sau đây, người vi phạm bị truy tố trước tòa án:

- Vi phạm nhiều lần đã được cảnh cáo và giáo dục nhưng không chịu sửa chữa;

- Không chịu sự xử lý của cơ quan Công an;

- Gây ra tai nạn, làm thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong trường hợp này, ngoài những hình phạt về hình sự, can phạm còn phải bồi thường thiệt hại theo dân luật chung.

Điều 14. – Những cán bộ và nhân viên sau đây có quyền lập biên bản các vụ vi phạm quy tắc giao thông:

a) Công an các cấp.

b) Trưởng, Phó ty Giao thông, - Chánh, Phó giám đốc Sở Vận tải thành phố, - Chánh, Phó giám đốc các Khu Giao thông. - Chánh phó Giám đốc Cảng, - Trưởng, Phó Ty cảng vụ, - Cục trưởng, Cục phó Cục Vận tải, – Trưởng, Phó Ty Thủy lợi, - Chánh, Phó Giám đốc Khu Thủy lợi và các cán bộ, nhân viên được các cán bộ trên ủy nhiệm.

Điều 15. - Quyền hạn xử lý của các cán bộ nói ở điều 14 trên quy định như sau:

a) Trưởng, Phó đồn Công an phạt tiền đến mức 5 đồng.

b) Trưởng, Phó Quận Công an, Đại đội trưởng và Đại đội phó Cảnh sát giao thông trở lên phạt tiền đến mức tối đa 20đ.

c) Đại đội trưởng, Đại đội phó Cảnh sát Giao thông và Trưởng, Phó quận Công an trở lên, Trưởng, Phó Ty Giao thông trở lên tạm thời giữ bằng cấp của thuyền trưởng, rồi đề nghị với Tổng cục Giao thông thủy bộ chính thức thu hồi.

d) Trưởng, Phó ty Công an và Trưởng, Phó ty Giao Thông trở lên có quyền truy tố người vi phạm trước tòa án.

e) Đối với các tai nạn nhỏ, thiệt hại không đáng kể, Công an các cấp đều có quyền điều đình để bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 16. – Các ông Bộ trưởng các Bộ Giao thông và Bưu điện, Thủy lợi và Công an chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 307-TTg năm 1959 quy định thể lệ đi lại trên các sông, hồ, sông đào và nông giang của các phương tiện vận tải thủy do Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 307-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/08/1959
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: 26/08/1959
  • Số công báo: Số 32
  • Ngày hiệu lực: 02/09/1959
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản