Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 250-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ;
Theo đề nghị của Hội đồng phục viên trung ương và của Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành bản điều lệ quy định về chính sách đối với quân nhân phục viên kèm theo nghị định này.

Điều 2. – Các chi tiết thi hành bản điều lệ về chính sách đối với quân nhân phục viên do các Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh, Bộ Nội vụ, và bộ Tài chính quy định.

Điều 3. – Các điều khoản ban hành trước đây trái với bản điều lệ nói trên đều bãi bỏ.

Điều 4. – Các ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương binh và Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phan Kế Toại

ĐIỀU LỆ

QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN

MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA

Trong kháng chiến nam nữ thanh niên đã hăng hái tham gia quân đội chiến đấu vì quyền lợi của Tổ quốc, vì sự nghiệp của cách mạng.

Sau khi hòa bình lập lại, xuất phát từ ý chí hòa bình, từ nhu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và nhu cầu đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế và văn hóa theo kế hoạch để kiến thiết miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và Chính phủ đã chủ trương giảm bớt quân số và dần dần thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự để thay thế chế độ tình nguyện tòng quân hiện nay.

Thi hành chủ trương này một số quân nhân đã được tham gia quân đội lâu ngày sẽ lần lượt được phục viên để trở về tham gia công cuộc sản xuất và lao động kiến thiết của toàn dân và các ngành công tác khác của Chính phủ và các đoàn thể.

Những quân nhân phục viên đều là những người đã tham gia chiến đấu lâu năm, được rèn luyện và giáo dục nhiều về ý thức tổ chức, tinh thần chịu đựng gian khổ, ý thức lao động, ý thức tập thể và kỷ luật lao động. Nhưng trong anh em nhiều người đến nay cơ sở sản xuất ở địa phương và hoàn cảnh gia đình đã thay đổi; một số anh em thì sức khỏe bị kém sút.

Bản chính sách quy định dưới đây nhằm giúp đỡ các quân nhân phục viên có điều kiện khắc phục những khó khăn trước mắt, đồng thời phát huy những đức tính tốt đẹp của người quân nhân cách mạng để làm tròn nhiệm vụ của người công dân tiến bộ trong hoàn cảnh công tác mới.

Chương 1:

ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN TRƯỚC KHI RỜI KHỎI QUÂN ĐỘI

Điều 1. – Quân nhân phục viên trước khi rời khỏi quân đội, cần được tăng cường giáo dục chính trị để nhận rõ chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, và nhiệm vụ của mình trong hoàn cảnh công tác mới.

Điều 2. - Tất cả quân nhân phục viên khi rời khỏi bộ đội đều được mang theo:

- Quân trang và vật dụng cá nhân.

- Sổ lý lịch quân nhân

- Giấy phục viên và giấy giới thiệu về địa phương hay sang các ngành khác.

- Giấy khen, bằng khen, huân chương, kỷ niệm chương (nếu có)

- Giấy chứng nhận bị thương, bị bệnh, tỷ lệ thương tật (nếu có).

Quân nhân phục viên phải hoàn lại cho đơn vị tất cả vũ khí, đồ quân dụng và những giấy tờ không cần thiết nữa như chứng minh thư, giấy ủy nhiệm, giấy công cụ.

Điều 3. - Tất cả quân nhân phục viên về địa phương được hưởng các khoản trợ cấp sau đây:

Trợ cấp để về sản xuất,

Trợ cấp thâm niên,

Trợ cấp chức vụ,

Và một khoản tiền lộ phí gồm có tiền tàu, xe, tiền ăn… trong thời gian đi đường.

Điều 4. – Quân nhân phục viên có con trong khi tại ngũ mà được hưởng tiêu chuẩn phụ cấp con, nếu về địa phương thì được thêm một khoản trợ cấp bằng sáu tháng phụ cấp con.

Những nữ quân nhân đang có thai, nếu phục viên về địa phương thì được phụ cấp về sinh đẻ theo chế độ chung và thêm hai tháng sinh hoạt phí.

Điều 5. – Quân nhân phục viên chuyển sang các ngành công tác khác của Chính phủ hoặc của các đoàn thể thì được hưởng các khoản trợ cấp nói ở điều 3 như quân nâhn phục viên về địa phương trừ khoản trợ cấp để về sản xuất.

Điều 6. – Những quân nhân phục viên nếu sức khỏe còn kém, hoặc mắc bệnh kinh niên chữa lâu khỏi, được y sĩ chứng nhận là cần được điều dưỡng, ngoài những khoản trợ cấp nói ở điều 3, được hưởng thêm một khoản trợ cấp điều dưỡng.

Điều 7. – Những thương binh, bệnh binh và quân nhân già yếu không có điều kiện về địa phương mà được chuyển sang các trại của Bộ Thương binh hay trại san dưỡng của Bộ cứu tế xã hội thì được hưởng các khoản trợ cấp nói ở điều 3, trừ khoản trợ cấp để về sản xuất. Trong thời gian ở các trại thuộc Bộ Thương binh hay Bộ Cứu tế xã hội, cũng như khi ở các trại đó về địa phương, thì theo chế độ đãi ngộ quy riêng ở hai Bộ Thương binh và Cứu tế xã hội.

Điều 8. - Định xuất các khoản trợ cấp nói ở điều 3 và điều 6 do Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh ấn định theo đề nghị của Hội đồng phục viên Trung ương và sau khi được Bộ Tài chính đồng ý.

Chương 2:

ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN VỀ ĐỊA PHƯƠNG HOẶC CHUYỂN SANG CÁC NGÀNH CÔNG TÁC KHÁC

Điều 9. – Các cơ quan chính quyền, và đoàn thể các cấp và nhân dân có nhiệm vụ giúp đỡ quân nhân phục viên trong việc sản xuất và công tác, trong việc xây dựng gia đình, tham gia các đoàn thể, tham gia các tổ chức đổi công, hợp tác xã, cũng như trong việc bồi dưỡng, giáo dục để giúp quân nhân phục viên phát huy những đức tính tốt của mình, hoàn thành nhiệm vụ của mình trong hoàn cảnh công tác mới.

Điều 10. – Trong cải cách ruộng đất và trong công tác sửa sai, quân nhân phục viên được chiếu cố trong việc chia cấp ruộng đất.

Trong việc tuyển dụng nhân viên, thu nhận học sinh, xét học bổng, các cơ quan, xí nghiệp và trường học cần chú ý quân nhân phục viên.

Điều 11. – Quân nhân phục viên về địa phương được miễn thuế nông nghiệp trong hai năm; nếu sống chung với gia đình thì gia đình được giảm thuế trong hai năm, mỗi năm 50 cân thóc. Những quân nhân chuyển ngành được tiếp tục tính nhân khẩu thuế nông nghiệp trong hai năm kể từ khi phục viên.

Điều 12. – Quân nhân phục viên về địa phương được tạm miễn đi dân công trong thời gian một năm

Điều 13. - Để tránh những sự thay đổi về sinh hoạt một cách đột ngột, người quân nhân phục viên được chuyển sang công tác tại các cơ quan chính quyền và đoàn thể được tiếp tục hưởng lương bằng số sinh hạot phí và phụ cấp sau cùng trong quân đội trong thời hạn sáu tháng (sinh hoạt phí hàng tháng của quân nhân gồm tiền gạo, tiền thức ăn, củi , muối, phụ cấp thâm niên và tiền quân trang cho những tháng quân trang hết hạn).

Thời hạn sáu tháng này cũng là thời hạn để người quân nhân phục viên bồi dưỡng về nghiệp vụ và chuyên môn trong công tác mới. Sau thời hạn này người quân nhân phục viên sẽ được xếp vào ngạch bậc của ngành công tác để hưởng lương mới.

Trong trường hợp quân nhân phục viên đã quen thuộc với công tác mình phụ trách và cơ quan có thể xếp ngạch bậc sớm hơn mà vẫn bảo đảm được mức sinh hoạt thì không nhất thiết phải đợi hết sáu tháng. Nếu đã quá sáu tháng mà cơ quan vẫn chưa xếp ngạch bậc được thì quân nhân phục viên tiếp tục hưởng theo sinh hoạt phí của bộ đội, nhưng thời gian mà cơ quan phải xếp ngạch bậc cho quân nhân phục viên không được kéo dài quá 9 tháng, kể từ ngày phục viên.

Điều 14. – Trong việc sắp xếp ngạch bậc cho quân nhân phục viên chuyển sang các ngành công tác khác, phải căn cứ vào khả năng của mỗi người quân nhân phục viên là chính, đồng thời phải chiếu cố thích đáng đến thành tích, quá trình đấu tranh cách mạng và cấp bậc của người ấy khi còn ở trong quân đội. Thời gian tham gia quân đội của quân nhân phục viên được tính vào thâm niên trong ngành công tác mới đề được hưởng những quyền lợi về thâm niên của ngành đó (nếu có).

Điều 15. – Trong thời gian chưa quá sáu tháng kể từ ngày chuyển sang công tác ở một cơ quan, nếu quân nhân phục viên trở về địa phương sản xuất thì được hưởng các khoản tiền trợ cấp như quân nhân phục viên về địa phương, trừ những khoản đã được hưởng khi mới chuyển ngành.

Nếu để chuyển ngành được quá sáu tháng thì quân nhân phục viên hưởng theo chế độ chung của cơ quan sử dụng. Các khoản trợ cấp này do cơ quan sử dụng đài thọ.

Chương 3:

NHIỆM VỤ CỦA QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN

Điều 16. – Quân nhân phục viên phải làm tròn mọi nhiệm vụ của người công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phải tuân theo pháp luật của Nhà nước.

Điều 17. – Quân nhân phục viên có nhiệm vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân, nêu cao tinh thần tổ chức và tinh thần kỷ luật, giữ gìn đạo đức của người quân nhân cách mạng, gương mẫu trong mọi công tác:

- Quân nhân phục viên về địa phương cần phải gương mẫu lao động sản xuất, tham gia công tác ở địa phương, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn để làm tròn nhiệm vụ.

- Quân nhân phục viên chuyển sang các ngành công tác khác phải chăm chỉ làm việc, tích cực học tập chính trị và chuyên môn để nâng cao hiệu suất công tác.

Điều 18. – Quân nhân phục viên có đủ điều kiện làm quân nhân dự bị phải tham gia học tập và làm tròn nhiệm vụ của một quân nhân dự bị, sẵn sàng tham gia quân đội khi cần thiết. Những quân nhân phục viên không đủ điều kiện làm quân nhân phục viên không đủ điều kiện làm quân nhân dự bị, tùy theo khả năng của mình sẽ tham gia vào công tác xây dựng lực lượng hậu bị, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền địa phương.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 250-TTg năm 1957 ban hành bản điều lệ quy định về chính sách đối với quân nhân phục viên do Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 250-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/06/1957
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: 26/06/1957
  • Số công báo: Số 26
  • Ngày hiệu lực: 27/06/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản