Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 219-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1961

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ CHO QUÂN NHÂN DỰ BỊ VÀ DÂN QUÂN TỰ VỆ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật nghĩa vụ quân sự ngày 15 tháng 04 năm 1960;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 27 tháng 09 năm 1961;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ là một công tác quan trọng trong việc củng cố quốc phòng, phải được tất cả các cơ quan Nhà nước và toàn dân tham gia thực hiện. Hàng năm các quân nhân dự bị và dân quân tự vệ đều được huấn luyện quân sự.

Điều 2. – Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, các hợp tác xã và các tổ chức khác phải đặt thời gian và kế hoạch huấn luyện quân sự hàng năm cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ trong đơn vị mình thành chỉ tiêu trong kế hoạch của Nhà nước và phải thực hiện chỉ tiêu đó như các chỉ tiêu khác của kế hoạch Nhà nước.

Điều 3. – Trong các trường đại học và các trường chuyên nghiệp trung cấp, việc học tập quân sự phải đặt thành một môn học chính. Sinh viên các trường đại học được huấn luyện theo chương trình đào tạo sĩ quan, học sinh các trường chuyên nghiệp trung cấp được huấn luyện theo chương trình đào tạo hạ sĩ quan.

Điều 4. – Thời gian huấn luyện quân sự quy định trong điều 28 luật nghĩa vụ quân sự (25 ngày cho sĩ quan dự bị, 15 ngày cho hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị) phải được các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã sắp xếp cho hợp lý để vừa bảo đảm kế hoạch huấn luyện, vừa không trở ngại nhiều cho sản xuất và công tác.

Điều 5. – Việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ được tiến hành dưới hai hình thức; hình thức huấn luyện không thoát ly sản xuất hoặc công tác, và hình thức huấn luyện tập trung. Hình thức huấn luyện không thoát ly sản xuất hoặc công tác là hình thức chủ yếu.

Điều 6. – Đối với các quân nhân dự bị và dân quân tự vệ công tác trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, thời gian huấn luyện quân sự không thoát ly sản xuất hoặc công tác phân phối như sau:

- Từ 1/3 đến 2/3 thời gian huấn luyện được lấy vào giờ làm việc chính quyền.

- Thời gian còn lại được lấy vào những ngày chủ nhật và được tính trừ vào ngày lao động xã hội chủ nghĩa.

Điều 7. – Tùy theo yêu cầu của việc huấn luyện quân sự, Bộ Quốc phòng có thể tổ chức huấn luyện tập trung cho một số sĩ quan, hạ sĩ quan của bộ binh, sĩ quan; hạ sĩ quan và binh sĩ của các binh chủng chuyên môn và cán bộ dân quân tự vệ. Trong trường hợp việc huấn luyện tập trung đòi hỏi kéo dài thời gian quá thời gian quy định trong điều 28 luật nghĩa vụ quân sự, thì thời gian kéo dài sẽ được tính trừ vào thời gian huấn luyện trong những năm sau.

Điều 8. – Trong thời gian tham gia các lớp huấn luyện tập trung, các quân nhân dự bị và cán bộ dân quân tự vệ được hưởng các quyền lợi vật chất sau đây:

- Các bộ công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước vẫn được lĩnh lương và phụ cấp theo chức vụ của mình, được cấp tiền công tác phí và tiền tàu xe đi về theo chế độ hiện hành do cơ quan, xí nghiệp đài thọ.

- Công nhân công nhật, công nhân tạm tuyển được cấp tiền ăn, tiền tiêu vặt và tiền phí tổn đi về.

- Xã viên các hợp tác xã và những người khác được cấp tiền ăn, tiền tiêu vặt và tiền phí tổn đi về. Xã viên các hợp tác xã sẽ được Ban Quản trị hợp tác xã tính công điểm tùy theo khả năng của từng hợp tác xã và sự thỏa thuận của các xã viên khác.

Các khoản tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền phí tổn đi về cho các công nhân công nhật, công nhân tạm tuyển, xã viên hợp tác xã và những khác do bộ Quốc phòng ấn định và ngân sách địa phương đài thọ.

- Sinh viên các trường đại học và học sinh các trường chuyên nghiệp trung cấp, người không có học bổng cũng như người có học bổng đều được nhà trường cấp một số tiền ngang với học bổng toàn phần và tiền tàu xe đi về.

Trong thời gian tham gia các lớp huấn luyện tập trung, tất cả những người nói trên đây đều trả tiền ăn theo mức chung của lớp huấn luyện. Riêng sinh viên các trường đại học và học sinh các trường chuyên nghiệp trung cấp chỉ phải trả tiền ăn theo mức chung ở trường mình; nếu mức ăn ở lớp huấn luyện cao hơn thì số tiền chênh lệch do ngân sách địa phương đài thọ.

Điều 9. – Quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương, bị đau ốm trong khi tham gia huấn luyện sẽ được điều trị tại một cơ sở quân y hoặc dân y gần nhất. Chi phí điều trị do cơ quan, xí nghiệp, trường học hoặc ngân sách địa phương đài thọ tùy theo cương vị công tác của từng người như quy định ở điều 8 trên đây.

Điều 10. – Kinh phí của các lớp huấn luyện không thoát ly sản xuất hoặc công tác do cơ quan, xí nghiệp, trường học hoặc ngân sách địa phương đài thọ.

Điều 11. – Hết thời gian tham gia huấn luyện tập trung, cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước, sinh viên, học sinh các trường sẽ trở về đơn vị cũ tiếp tục sản xuất, công tác, học tập; công nhân, viên chức không ở trong biên chế Nhà nước sẽ được đơn vị cũ bố trí công việc làm tùy theo tình hình và yêu cầu công tác của đơn vị đó.

Điều 12. – Ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 219-CP năm 1961 về việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 219-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/12/1961
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 31/12/1961
  • Số công báo: Số 51
  • Ngày hiệu lực: 12/01/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản