Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 184-HĐBT

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1989

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 184-HĐBT NGÀY 18-11-1989 BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CÁC ĐOÀN CỦA NƯỚC TA RA NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC ĐOÀN NƯỚC NGOÀI VÀO NƯỚC TA

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7 -1981;
Căn cứ vào các ý kiến thống nhất trong cuộc họp ngày 4 tháng 11 năm 1989 giữa Ban bí thư và thường trực Hội đồng Bộ trưởng bàn về tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý các đoàn của ta ra nước ngoài và đoàn nước ngoài vào nước ta;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định về quản lý các đoàn của nước ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta (gọi tắt là quản lý các đoàn ra, đoàn vào).

Điều 2. Bản quy định này được thi hành từ ngày ban hành. Những văn bản của Hội đồng Bộ trưởng ban hành trước đây về quản lý các đoàn ra, đoàn vào trái với Quy định này đều huỷ bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiêm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiêm thi hành Quy định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ CÁC ĐOÀN CỦA NƯỚC TA RA NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC ĐOÀN CỦA NƯỚC NGOÀI VÀO NƯỚC TA
(Ban hành kèm theo Nghị định số 184 - HĐBT ngày 18 -11 -1989)

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đoàn của nước ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta (gọi tắt là các đoàn ra, đoàn vào) phù hợp vơi đường lối đối ngoại, đường lối phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - kỹ thuật của nước ta;

Đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng các Bộ, các Uỷ ban Nhân dân địa phương và của cơ sở, đồng thời đảm bảo nguyên tắc thống nhất quản lý của Hội đồng Bộ trưởng đối với các đoàn ra, đoàn vào;

Nay quy định việc quản lý các đoàn ra đoàn vào như sau:

Điều 1. - Phạm vi quản lý đoàn ra, đoàn vào nói trong bản Quy định này bao gồm các đoàn dưới đây:

- Đàm phán, ký kết các hiệp định, nghị định thư, hợp đồng về thực hiện các quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học- kỹ thuật, văn hoá - xã hội. .. giữa nước ta với nước ngoài;

- Dự đại hội, hội nghị, hội thảo và thăm viếng hữu nghị;

- Tham quan, nghiên cứu, khảo sát, bổ túc nghiệp vụ, trao đổi kinh nghệm, dự các lớp đào tạo ngắn hạn, trao đổi các báo cáo viên và giảng viên ngắn hạn;

- Buôn bán, kinh doanh, tìm hiểu thị trường và khách hàng.

Những đoàn ra, đoàn vào sau đây (có quy chế riêng) không thuộc phạm vi quản lý theo bản Quy định này:

- Đưa lao động và chuyên gia của nước ra nước ngoài.

Mời chuyên gia nước ngoài vào làm việc ở nước ta theo các Hiệp định viện trợ vay nợ và các công trình hợp tác đầu tư nước ngoài, thực hiện chương trình (đề án) của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

- Gửi đi và tiếp nhận lưu học sinh (cả học sinh học nghề, nghiên cứu sinh, thực tập sinh (cả thực tập sinh cao cấp và cộng tác viên khoa học) theo các Hiệp định công tác đào tạo, hợp tác khoa học - kỹ thuật, trao đổi tương đương... giữa nước ta với nước ngoài.

Gửi cán bộ có tiêu chuẩn (do Ban Tổ chức Trung ương quy định) đi nghỉ dưỡng, chữa bệnh ở nước ngoài, và tiếp nhân người nước ngoài vào nghỉ dưỡng, chữa bệnh ở nước ta.

- Cử hoặc thay đổi cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện của nước ta ở nước ngoài và ở các tổ chức Quốc tế; tiếp nhận nhân viên của các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại nước ta.

- Công dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài, đi nước ngoài về việc riêng.

Đón nhận khách nước ngoài vào du lịch hoặc về việc riêng ở Việt Nam và Việt kiều về thăm quê hương.

Điều 2.- Việc quản lý các đoàn ra, đoàn vào phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

Các đoàn ra, đoàn vào chủ yếu xuất phát từ các thoả thuận được xác định trong các hiệp định hoặc văn bản pháp lý quốc tế.

- Phải có kế hoạch xác định từ đầu năm, hạn chế tới mức thấp nhất các đoàn đột xuất ngoài kế hoạch.

- Phải có mục tiêu, chương trình và các nội dung cụ thể, rõ ràng thiết thực, không thăm viếng hữu nghị chung chung, hoặc nghiên cứu khảo sát trùng lặp những vấn đề đã có đoàn nghiên cứu.

- Phải cử người có đủ trình độ, năng lực, đúng chức danh tiêu chuẩn đi làm đúng việc nhằm đạt hiệu quả thiết thực, không cử người đi để giải quyết "chính sách", không cử người đi công tác hoặc tham dự các hội thảo nếu chỉ một người mà không biết hoặc biết kém ngoại ngữ cần thiết.

- Phải thực hiện chế độ khoán ngân sách. Quản lý chi tiêu theo hạn mức (khoán), theo tiêu chuẩn, chế độ thống nhất. Không được chi vượt hạn mức (khoán), chi ngoài tiêu chuẩn, ngoài chế độ chung.

Điều 3. - Những đoàn ra, đoàn vào thuộc các đối tượng dưới đây nhất thiết phải có ý kiến của các cơ quan chuyên trách trước khi quyết định cử đi hoặc mời vào.

- Các đoàn tôn giáo và liên quan đến hoạt động tôn giáo phải có ý kiến của Ban Tôn giáo của Chính phủ.

- Các đoàn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao nếu đi công tác các nước ngoài xã hội chủ nghĩa hoặc từ các nước đó đến Việt Nam đều phải có ý kiến của Ban Tư tưởng và văn hoá hoặc Ban Khoa giáo Trung ương.

- Các đoàn thuộc viện trợ nhân đạo và của những tổ chức phi Chính phủ vào nước ta phải có ý kiến của Liên hiệp Hoà bình đoàn kết hữu nghị thuộc Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

- Những người Việt Nam di tản bất hợp pháp sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 xin về nước phải có ý kiến của Ban Việt kiều Trung ương.

- Trước mắt, việc cử các đoàn đi Mỹ, Trung Quốc và những nước ta chưa có quan hệ ngoại giao cũng như việc đón các đoàn từ những nước này vào nước ta phải có ý kiến của Bộ Ngoại giao trước khi quyết định cử đi hoặc đón vào.

Điều 4. - Các đoàn ra nước ngoài chỉ được đi lại, hoạt động theo theo chương trình, đề cương đã được cấp có thẩm quyền duyệt trước khi đi, không được tự ý cam kết, mời khách vào thăm, thoả thuận trao đổi tương đương, đi đến hoặc dừng lại ở một nước khác khi chưa xin và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Các đoàn ra hoạt động tại nước nào phải liên hệ với với cơ quan đại diện nước ta tại nước đó để nắm tình hình, thống nhất kế hoạch hoạt động và báo cáo kết quả công tác. Các cơ quan đại diện nước ta ở nước ngoài có trách nhiệm theo dõi giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 5.

a) Việc lập kế hoạch, chỉ đạo thực hiện kế hoạch đoàn ra, đoàn vào của từng Bộ, ngành, địa phương là trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

Việc lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch đoàn ra, đoàn vào thuộc khối Đảng, Đoàn thể, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Viện kiểm soát Nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao thực hiện theo chỉ thị của Ban bí thư và sự hướng dẫn cụ thể của Ban Đối ngoại Trung ương.

b) Căn cứ để lập kế hoạch là phương hướng, nhiệm vụ công tác Đối Ngoại của Đảng và Chính phủ có liên quan đến ngành mình phụ trách; là khả năng bảo đảm về tài chính của năm kế hoạch (Khả năng của ngân sách Nhà nước cấp, của nguồn vốn tự có, của nguồn bên ngoài tài trợ...)

c) Trong quá trình lập kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương cần tham khảo ý kiến của các ngành quản lý chuyên trách về các lĩnh vực an ninh Quốc gia, chính trị đối ngoại, hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học kỹ thuật, hợp tác và đầu tư nước ngoài, Thương mại Quốc tế và chế độ chi tiêu tài chính.

d) Kế hoạch đoàn ra, đoàn vào hàng năm của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương phải gửi về Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ Nội vụ, Ngoại giao, Tài chính chậm nhất là ngày 15 tháng 11 năm trước để tổng hợp trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 6. - Thẩm quyền xét duyệt (về kế hoạch và chủ trương) cho các đoàn ra, đoàn vào thuộc khối chính quyền quy định như sau:

a) Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt các đoàn ra, đoàn vào thuộc cấp Chính phủ do Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương dẫn đầu; những đoàn mang danh nghĩa đặc phái viên của người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ hoặc được uỷ nhiệm thay mặt Chính phủ để ký kết hiệp định, nghị định thư; những đoàn mang danh nghĩa đại diện cho một tổ chức cấp Trung ương (chính trị, kinh tế, xã hội...) của Việt Nam đi dự Hội nghị, hội thảo Quốc tế hoặc đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại nước ta; những đoàn có nội dung và ở địa bàn phức tạp (nói ở điều 3).

b) Các đoàn ra, đoàn vào không thuộc diện nói ở điểm a thì do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương tự quyết định, chịu trách nhiệm và làm việc với các cơ quan chức năng để giải quyết thủ tục cần thiết.

Để bảo đảm quyền tự chủ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong quan hệ kinh tế đối ngoại, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có thể uỷ quyền cho Tổng giám đốc, Giám đốc các Tổng Công ty, Liên hiệp xí nghiệp. .. trực thuộc quyết định và chịu trách nhiệm về đoàn ra, đoàn vào có liên quan đến sản xuất kinh doanh của bản thân đơn vị đó. Thủ trưởng cơ quan uỷ quyền phải thông báo cụ thể phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm, và giới thiệu chữ ký người được uỷ quyền với các cơ quan chức năng biết, đồng thời phải có kế hoạch kiểm tra chặt chẽ.

Thẩm quyền xét duyệt đoàn ra, đoàn vào thuộc khối Đảng, đoàn thể, của Quốc Hội và Hội đồng Nhà nước, Viện kiểm soát Nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao thực hiện theo quy định của Ban bí thư.

Điều 7. - Việc quản lý và xét duyệt nhân sự của các đoàn ra thực hiện theo quy chế số 37-QĐ/TƯ ngày 7-1-1988 của Ban bí thư Trung ương Đảng.

Thủ trưởng các cơ quan cử cán bộ thuộc quyền quản lý của mình ra nước ngoài là người chịu trách nhiệm chính trong việc xét chọn và quản lý nhân sự. Cơ quan nội vụ có trách nhiệm xem xét về mặt an ninh chính trị, nếu phát hiện việc cử người không đúng tiêu chuẩn (có căn cứ xác đáng) thì thông báo ngay cho cơ quan chủ quản xem xét lại. Trường hợp cơ quan chủ quản xét thấy không cần thay đổi nhân sự thì thủ trưởng cơ quan đó là người quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm.

Điều 8. - Về quản lý nhân sự của các đoàn nước ngoài vào nước ta:

a) Đối với các đoàn ngoài khu vực xã hội chủ nghĩa. Trước khi đón khách vào, cơ quan mời khách phải làm việc với cơ quan nội vụ về nhân sự. Sau khi có ý kiến của cơ quan nội vụ hoặc sau 10 ngày (kể từ ngày nhận được đề nghị) mà cơ quan nội vụ không có ý kiến gì thì cơ quan mời khách mới được thông báo cho khách nhập cảnh.

b) Kể từ khi khách vào Việt Nam cho đến khi khách rời khỏi biên giới, cơ quan đón tiếp là người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý khách, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan nội vụ và các cơ quan hữu quan khác để bảo đảm thực hiện đầy đủ các thoả thuận với nước ngoài mà không ảnh hưởng tới an ninh của Nhà nước ta và của khách.

c) Cơ quan nội vụ và Chính quyền các cấp có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan đón tiếp khách thực hiện tốt việc quản lý khách nước ngoài trong thời gian họ lưu trú tại Việt Nam.

Điều 9. - Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý và giải quyết thủ tục cho đoàn ra, đoàn vào như sau:

1. Bộ tài chính:

a) Quy định chế độ chi tiêu, chế độ tặng quà và nhận quà tặng cho các đoàn ra, đoàn vào để áp dụng thống nhất trong cả nước và cho mọi nguồn kinh phí. Hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương lập dự toán kinh phí theo các nguồn tài chính cho kế hoạch năm sau, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào cuối tháng 11 năm trước.

b) Trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt hạn mức (khoán) kinh phí (cả ngoại tệ và tiền trong nước) cho từng Bộ, ngành và địa phương; kịp thời thông báo hạn mức được duyệt cho các cơ quan thực hiện từ ngày 1 tháng 1 năm sau.

Hạn mức (khoán) bao gồm:

- Kinh phí do nhân sách Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) cấp.

- Kinh phí trích quỹ sản xuất kinh doanh (vốn tự có).

c) Hướng dẫn hạch toán chi phí về đoàn ra, đoàn vào theo từng nguồn kinh phí; kiểm tra giám sát việc thu chi theo đúng tiêu chuẩn, chế độ và hạn mức; thống kê báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tình hình chi tiêu từ nguồn kinh phí do ngân sách cấp cho đoàn ra, đoàn vào của từng Bộ, ngành và địa phương theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng cả năm.

2. Bộ ngoại giao:

a) Hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương chuẩn bị các thủ tục cần thiết để làm hộ chiếu, thị thực xuất nhập cảnh, liên hệ với nước ngoài qua đường ngoại giao... được thuận tiện, nhanh chóng.

b) Thông báo (thường xuyên hay định kỳ) cho các Bộ, ngành và địa phương về tình hình quan hệ chính trị đối ngoại giữa nước ta với các nước; về quan điểm, mức độ quan hệ của ta với từng khu vực nước, nhất là với một số nước nói ở điều 3 và những nước chưa có quan hệ ngoại giao với ta.

c) Cung cấp thông tin, tư liệu, khi cần thiết thì hướng dẫn cách thức đối ngoại và những điều cần lưu ý (được làm, nên tránh) giúp các đoàn hoạt động có hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài thực hiện quy định ở điều 4.

d) Tổ chức theo dõi, thống kê số đoàn, số người của ta ra nước ngoài (theo nội dung công việc và theo từng bước), tình hình hoạt động của các đoàn ra nước ngoài để báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm.

3. Bộ Nội vụ:

a) Cụ thể hoá các điều 3, 7, 8 (phần liên quan đến Bộ Nội vụ) của bản quy định này và hướng dẫn, giúp đỡ các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện tốt việc quản lý nhân sự.

b) Tổ chức thống kê theo dõi số đoàn, số người của từng nước vào Việt Nam (phân loại theo nội dung công việc) để báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng theo đinh kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm.

c) Thông báo những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng của bên ngoài, những đối tượng người nước ngoài ta cần cảnh giác đề phòng, những khu vực cấm quay phim chụp ảnh và không cho người nước ngoài đến, v.v... cho các Bộ, ngành và địa phương biết để chấp hành.

Điều 10. - Về chế độ báo cáo; thông tin và bảo mật.

1. Chậm nhất là 15 ngày trước khi cho đoàn ra hoặc đón đoàn vào, cơ quan chủ quản phải có phương án xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, nhân sự, thời gian và chi phí để làm việc với các cơ quan liên quan và trình cấp có thẩm quyền (nói tại các điều 3, 6, 7, 8) xem xét, quyết định và làm các thủ tục cần thiết.

2. Sau khi kết thúc công việc 15 ngày, cơ quan chủ quản phải báo cáo, đánh giá kết quả công tác (theo yêu cầu, nội dung, hiệu quả) gửi Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan có liên quan để theo dõi và khai thác sử dụng; báo cáo tình hình chi tiêu, tặng quà, nhận và phân phối sử dụng quà tặng cho Bộ Tài chính xem xét, quyết toán.

3. Hàng quý, các Bộ, ngành và địa phương phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về số lượng đoàn, số lượng người đã cử ra hoặc đón vào, về hiệu quả đoàn ra, đoàn vào cũng như việc chấp hành hạn mức (khoán) chi tiêu của đơn vị mình.

4. Hàng năm, các Bộ, ngành và địa phương phải tổng kết, đánh giá hiệu quả việc cử đoàn ra, mời đoàn vào và vịêc chi tiêu cho hoạt động đối ngoại trong cả năm.

5. Các cơ quan, đoàn thể và mọi công dân Việt Nam có nhiệm vụ quan hệ công tác, giao tiếp với các tổ chức nước ngoài và người nước ngoài phải giữ gìn bí mật quốc gia theo quy định tại Nghị định số 69-CP ngày 14-6-1962 của Hội đồng Chính phủ. Việc trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu, số liệu, bản đồ, vật mẫu cho các tổ chức và người nước ngoài phải theo đúng Quyết định số 205-TTg ngày 9-8-1974 và Chỉ thị số 20-TTg ngày 14-1-1977 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 11. - Những dơn vị cá nhân vi phạm bản quy định này thì tuỳ theo mức độ sai lầm mà xử lý kỷ luật từ hình thức phê bình, cảnh cáo, bồi thường phí tổn tới đình chỉ việc đi nước ngoài và truy tố trước pháp luật.

Cấp có thẩm quyền xét duyệt cho đoàn ra, đoàn vào cũng là cấp quyết định hoặc đề nghị cấp trên quyết định việc thi hành kỷ luật.

Điều 12. - Quy định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Những quy đinh trước đây của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý đoàn ra, đoàn vào trái với bản quy định này đều huỷ bỏ.

Các Bộ ngoại giao, Nội vụ, Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thi hành bản quy định này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 184-HĐBT năm 1989 Quy định quản lý các đoàn của nước ta ra nước ngoài và các đoàn của nước ngoài vào nước ta do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 184-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/11/1989
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: 15/12/1989
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 18/11/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản