Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 180/2025/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2025

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỢP TÁC CÔNG TƯ TRONG LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngày 27 tháng 6 năm 2025;

Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2025;

Căn cứ Luật Quản lý sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Dữ liệu ngày 30 tháng 11 năm 2024;

Căn cứ Luật Công nghiệp công nghệ số ngày 14 tháng 6 năm 2025;

Căn cứ Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày 26 tháng 6 năm 2025;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2024;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công ngày 25 tháng 6 năm 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định cơ chế, chính sách về hợp tác công tư để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

2. Nghị định này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp (sau đây gọi là bộ, cơ quan trung ương, địa phương), đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Điều 2. Lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số áp dụng hợp tác công tư

1. Công nghệ cao, công nghệ chiến lược theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chiến lược.

2. Hạ tầng số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược hạ tầng số trong từng thời kỳ.

3. Nền tảng số dùng chung theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

4. Hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số, gồm:

a) Đầu tư, xây dựng, vận hành nền tảng giáo dục, đào tạo trực tuyến, mô hình giáo dục đại học số, nâng cao năng lực số trong xã hội;

b) Đầu tư, xây dựng, vận hành hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo chuyên sâu về công nghệ chiến lược quy định tại khoản 1 Điều này; các cơ sở nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trọng điểm quốc gia và các cơ sở khác tham gia phát triển nguồn nhân lực công nghệ số và công nghệ chiến lược;

c) Xây dựng, kết nối và phát triển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế hoặc giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

5. Các loại hình công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, hoạt động khác phù hợp với mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.

Điều 3. Các hình thức hợp tác công tư và nguyên tắc lựa chọn hình thức hợp tác công tư

1. Đầu tư theo hình thức quy định tại Chương II Nghị định này.

2. Sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết quy định tại Chương III Nghị định này.

3. Các hình thức hợp tác công tư khác quy định tại Chương IV Nghị định này.

4. Nguyên tắc lựa chọn hình thức hợp tác công tư:

a) Đối với công nghệ, sản phẩm công nghệ thuộc giai đoạn nghiên cứu cơ bản hoặc đang trong giai đoạn nghiên cứu ứng dụng nhưng chưa hoàn thiện, có rủi ro cao trong thương mại hóa, ưu tiên lựa chọn hình thức hợp tác thông qua đặt hàng, tài trợ theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này;

b) Đối với hoạt động hợp tác nhằm mục đích hình thành tài sản hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản sẵn có, có kết hợp hoặc không kết hợp hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ưu tiên lựa chọn hình thức quy định tại Chương II hoặc Điều 23 của Nghị định này;

c) Đối với hoạt động hợp tác có mục đích sử dụng tài sản công sẵn có nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học để thương mại hóa, ưu tiên lựa chọn hình thức quy định tại Chương III hoặc Điều 23 của Nghị định này.

Điều 4. Nguồn tài chính cho hoạt động hợp tác công tư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

1. Nguồn tài chính cho hoạt động hợp tác công tư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gồm:

a) Nguồn vốn đầu tư công, chi thường xuyên ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó có nguồn vốn được bố trí qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương và các quỹ khác theo quy định của pháp luật;

b) Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các quỹ khác theo pháp luật quản lý ngành; nguồn thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ hình thành từ hoạt động hợp tác công tư theo quy định của pháp luật về giá, phí và pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Nguồn tài chính của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn tài chính quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tương ứng với từng nguồn vốn theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, pháp luật về ngân sách nhà nước và theo quy chế hoạt động của các quỹ.

3. Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện hoạt động hợp tác công tư với các tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này thì ưu tiên cân đối, bố trí nguồn ngân sách nhà nước quy định tại điểm a khoản 1 Điều này để tham gia thực hiện.

4. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên có nguồn thu hợp pháp từ hoạt động hợp tác công tư quy định tại Nghị định này, sau khi thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước (nếu có) được để lại toàn bộ để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, ưu tiên cho việc tái đầu tư phát triển hạ tầng dữ liệu, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ dữ liệu mới.

5. Ngoài nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp được huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hoạt động hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quy định tại Nghị định này.

Điều 5. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước áp dụng cho hợp tác công tư để đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác công tư để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước sau đây:

1. Được áp dụng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế, trong đó có chính sách doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

2. Được áp dụng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

3. Được sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và Điều 6 Nghị định này.

4. Được áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận, quy trình đánh giá việc tuân thủ, cơ chế bảo vệ người thực hiện và quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

5. Tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án đầu tư theo hình thức quy định tại Chương II Nghị định này được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước quy định tại Điều này và Điều 17 Nghị định này.

6. Tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác công tư theo cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết theo quy định tại Chương III Nghị định này được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước quy định tại Điều này và Điều 21 Nghị định này.

7. Tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác công tư theo các hình thức quy định tại Chương IV Nghị định này được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước quy định tại Điều này, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

8. Nhà nước đặt hàng, chỉ định thầu đối với sản phẩm, hàng hóa là kết quả của hợp tác công tư thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc biệt theo pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điều 6. Quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu và phân chia lợi nhuận trong hợp tác công tư

1. Quyền sở hữu, quản lý, sử dụng đối với tài sản phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, phát triển trong hợp tác công tư bao gồm cả chương trình máy tính, sản phẩm, nền tảng công nghệ và các ứng dụng khác hình thành từ hoạt động khai thác, phân tích, phát triển dữ liệu trong hợp tác công tư, được các bên xác định trong hợp đồng dự án hoặc thỏa thuận hợp tác, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và pháp luật có liên quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với dữ liệu hình thành từ hoạt động khai thác, phân tích, phát triển dữ liệu trong hợp tác công tư được xác định như sau:

a) Cơ quan nhà nước là chủ sở hữu dữ liệu gốc do cơ quan nhà nước trực tiếp tạo lập trong quá trình hoạt động hoặc được thu thập, tạo lập từ số hóa giấy tờ, tài liệu và các dạng vật chất khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

b) Dữ liệu phát sinh từ hoạt động khai thác, phân tích, phát triển dữ liệu thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với quy định của pháp luật về dữ liệu, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và pháp luật có liên quan.

3. Việc phân chia lợi nhuận thu được sau thuế từ việc khai thác thương mại tài sản phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, phát triển trong hợp tác công tư được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng dự án hoặc thỏa thuận hợp tác, phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và các pháp luật khác có liên quan bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng, tương xứng với tỷ lệ đóng góp về tài chính, tài nguyên và công nghệ của từng bên.

Điều 7. Cơ chế truy cập và sử dụng dữ liệu do cơ quan nhà nước quản lý trong hợp tác công tư

1. Việc truy cập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu do cơ quan nhà nước quản lý trong hợp tác công tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan nhà nước quản lý dữ liệu có trách nhiệm hỗ trợ tổ chức, cá nhân là bên tham gia hợp đồng dự án hoặc thỏa thuận hợp tác công tư kết nối, sử dụng dữ liệu nhằm phục vụ mục tiêu nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thương mại hóa sản phẩm theo quy định tại hợp đồng, thỏa thuận hợp tác, bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phạm vi hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đã ký kết và tuân thủ quy định của pháp luật về dữ liệu và pháp luật có liên quan.

3. Việc truy cập và chia sẻ dữ liệu thực hiện theo các nguyên tắc sau:

a) Bảo đảm minh bạch, có sự kiểm soát và tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, an toàn thông tin, an ninh mạng, dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân;

b) Miễn phí truy cập, sử dụng dữ liệu đối với dự án, thỏa thuận hợp tác công tư có mục tiêu phi lợi nhuận;

c) Trường hợp dữ liệu được sử dụng cho mục tiêu thương mại hóa, cơ quan nhà nước quản lý về dữ liệu, tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu theo quy định của pháp luật về dữ liệu được phép thỏa thuận với đối tác một khoản chi phí truy cập, sử dụng dữ liệu ở mức hợp lý nhưng thấp hơn mức thu phí, lệ phí, giá dữ liệu nhằm bù đắp chi phí quản lý, duy trì, bảo đảm an toàn và phát triển hạ tầng dữ liệu.

Điều 8. Cơ chế công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát

1. Hoạt động hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, được đánh giá, theo dõi định kỳ theo từng giai đoạn triển khai.

2. Việc công khai thông tin, kiểm tra, giám sát thực hiện như sau:

a) Đối với dự án PPP quy định tại Chương II của Nghị định này, thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

b) Đối với hoạt động hợp tác liên doanh, liên kết quy định tại Chương III của Nghị định này, thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

c) Đối với hoạt động hợp tác công tư theo hình thức khác quy định tại Chương IV Nghị định này, thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chương II

HỢP TÁC CÔNG TƯ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

Điều 9. Hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, loại hình công nghệ áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được áp dụng đối với các dự án đầu tư, xây dựng, vận hành có kết hợp hoạt động nghiên cứu, kinh doanh (sau đây gọi là dự án PPP khoa học, công nghệ) để thực hiện một hoặc các hạ tầng sau đây:

1. Hạ tầng phục vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, công nghệ chiến lược quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.

2. Hạ tầng số, dịch vụ số, dữ liệu quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị định này.

3. Hạ tầng phục vụ hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị định này.

4. Hạ tầng khác về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điều 10. Cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP

1. Cơ quan có thẩm quyền gồm:

a) Các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

b) Cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư có hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

2. Các cơ quan quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được giao cho cơ quan, đơn vị trực thuộc hoặc cơ quan cấp dưới làm cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP khoa học, công nghệ.

Điều 11. Áp dụng các loại hợp đồng PPP

Dự án PPP theo quy định tại Điều 9 Nghị định này được thực hiện theo một hoặc kết hợp các loại hợp đồng PPP sau đây:

1. Hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh), BOO (Xây dựng - Sở hữu Kinh doanh) theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được áp dụng đối với dự án có hoạt động đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hoặc kết hợp hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tạo ra sản phẩm, dịch vụ khoa học, công nghệ để kinh doanh, thương mại hóa.

2. Hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ), BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao) quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được áp dụng đối với dự án có hoạt động đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hoặc kết hợp hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ khoa học, công nghệ nhưng không nhằm mục đích kinh doanh, thương mại hóa.

3. Hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) quy định tại khoản 2a Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 57/2024/QH15) được áp dụng đối với dự án có hoạt động đầu tư, xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để chuyển giao cho cơ quan nhà nước sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng.

4. Hợp đồng O&M (Kinh doanh - Quản lý) quy định tại điểm d khoản 1 Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được áp dụng đối với dự án cơ quan nhà nước đã có hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và cần kinh nghiệm quản lý, vận hành của nhà đầu tư để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

Điều 12. Quy trình thực hiện dự án PPP khoa học, công nghệ

1. Trừ dự án quy định tại khoản 2 Điều này, quy trình dự án PPP khoa học, công nghệ được thực hiện như sau:

a) Đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư đề xuất dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Điều 14 Nghị định này;

b) Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án;

c) Lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án.

2. Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, quy trình thực hiện dự án được quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hướng dẫn tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

3. Đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất mà không sử dụng vốn nhà nước hoặc dự án mà nhà đầu tư có quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ chiến lược thuộc trường hợp chỉ định nhà đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này, quy trình dự án được thực hiện như sau:

a) Nhà đầu tư gửi hồ sơ đề xuất dự án gồm văn bản đề xuất dự án, dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ năng lực và dự thảo hợp đồng;

b) Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án và kết quả chỉ định nhà đầu tư, dự thảo hợp đồng;

c) Ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP.

4. Trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết, thực hiện hợp đồng và quản lý nhà nước đối với dự án PPP thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định này. Các nội dung về kỹ thuật, yêu cầu về thiết kế, an ninh, an toàn mạng và các nội dung đặc thù khác của lĩnh vực công nghệ thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin và an ninh mạng.

Điều 13. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP

1. Hình thức chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

b) Dự án do nhà đầu tư đề xuất mà nhà đầu tư có quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược;

c) Dự án cần tiếp tục lựa chọn doanh nghiệp trước đó đã triển khai hạ tầng số, nền tảng số nhằm bảo đảm tương thích, đồng bộ, kết nối về kỹ thuật;

d) Dự án cần đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia do nhà đầu tư đề xuất và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án.

2. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với các dự án sau đây:

a) Dự án có yêu cầu bảo đảm lợi ích quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia theo chỉ đạo tại Nghị quyết, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện dự án;

b) Dự án có yêu cầu cấp bách phải thực hiện ngay theo chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ, quyết định, chỉ thị, văn bản thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ;

c) Dự án có yêu cầu thực hiện ngay nhằm bảo đảm kết nối, đồng bộ giữa các công trình thuộc dự án theo chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ, quyết định, chỉ thị, văn bản thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ;

d) Dự án có yêu cầu đặt hàng, giao nhiệm vụ để thực hiện dự án thuộc các lĩnh vực chiến lược, các dự án đầu tư phát triển trọng điểm, quan trọng quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

đ) Dự án có yêu cầu đặc thù về thủ tục đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư hoặc có điều kiện đặc thù khác mà nếu áp dụng đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư theo quy định tại các Điều 37, 38 và 39 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì không đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án.

3. Hình thức đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh được áp dụng đối với các trường hợp theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Điều 14. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP

1. Đối với dự án đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh hạ tầng khoa học, công nghệ, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm:

a) Sự cần thiết đầu tư; sự phù hợp của dự án với định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;

b) Mục tiêu; quy mô; địa điểm đầu tư; tiến độ; thời gian thực hiện dự án, thời hạn hợp đồng, thời gian xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng;

c) Mô tả về phương án kỹ thuật, giải pháp công nghệ áp dụng, dự án thành phần (nếu có);

d) Loại hợp đồng dự án PPP; phân tích rủi ro, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu; tổng mức đầu tư; phương án tài chính của dự án; dự kiến vốn nhà nước trong dự án (nếu có);

đ) Phương án tổ chức vận hành, kinh doanh, cung cấp dịch vụ phục vụ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

2. Đối với dự án PPP kết hợp hoạt động đầu tư, xây dựng, vận hành hạ tầng khoa học, công nghệ và hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, báo cáo nghiên cứu khả thi gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung sau đây:

a) Phân kỳ hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng sản phẩm khoa học, công nghệ theo 02 giai đoạn, gồm: giai đoạn nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và giai đoạn ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;

b) Thuyết minh sơ bộ nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong giai đoạn 1 của dự án: phương pháp nghiên cứu; sản phẩm, kết quả nghiên cứu dự kiến, yêu cầu chất lượng, nhu cầu sử dụng tài nguyên và nguồn nhân lực;

c) Khả năng thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; đề xuất ứng dụng kết quả nghiên cứu tại giai đoạn 2 của dự án.

3. Báo cáo nghiên cứu khả thi quy định tại khoản 2 Điều này cần thuyết minh việc thực hiện đồng thời hoặc lần lượt các giai đoạn: đầu tư, xây dựng hạ tầng khoa học, công nghệ; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

4. Đối với dự án áp dụng loại hợp đồng O&M, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi gồm:

a) Sự cần thiết thực hiện dự án; lợi thế áp dụng loại hợp đồng O&M so với các hình thức đầu tư khác;

b) Mục tiêu; địa điểm; đánh giá hiện trạng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có và máy móc, thiết bị của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;

c) Thuyết minh yêu cầu về phương án tổ chức quản lý, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; sản phẩm, kết quả nghiên cứu dự kiến, yêu cầu chất lượng, nhu cầu sử dụng tài nguyên và nguồn nhân lực; tổng mức đầu tư; phương án tài chính;

d) Thông tin hợp đồng dự án, gồm: thời hạn hợp đồng, phân tích rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro của dự án.

5. Trường hợp áp dụng loại hợp đồng BT để đầu tư, xây dựng hạ tầng khoa học, công nghệ thì thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư về việc thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao.

Điều 15. Hồ sơ, nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; phê duyệt dự án PPP

1. Hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định;

b) Dự thảo tờ trình đề nghị phê duyệt dự án;

c) Báo cáo nghiên cứu khả thi;

d) Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

2. Đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất theo quy trình quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này, ngoài các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ thẩm định gồm hồ sơ năng lực của nhà đầu tư, tài liệu chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ chiến lược của nhà đầu tư.

3. Nội dung thẩm định:

a) Sự phù hợp về căn cứ pháp lý; sự cần thiết đầu tư;

b) Sự phù hợp của loại hợp đồng; tính khả thi về tài chính; khả năng cân đối vốn nhà nước (nếu có);

c) Tình trạng pháp lý của bản quyền sở hữu công nghệ chiến lược hoặc hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có).

4. Việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP được thực hiện trong thời hạn không quá 07 ngày kể từ ngày đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án PPP gồm:

a) Cơ quan quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 21 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

b) Cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư có hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

6. Trình tự phê duyệt dự án PPP thực hiện theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Việc phê duyệt dự án PPP được thực hiện trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 16. Sử dụng tài sản công để tham gia dự án PPP

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công để tham gia dự án PPP khoa học, công nghệ theo quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

2. Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án PPP là cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý để tham gia dự án PPP.

3. Chi phí khấu hao tài sản công được sử dụng để tham gia vào dự án PPP được tính trong phương án tài chính tại báo cáo nghiên cứu khả thi theo thời gian và tỷ lệ khấu hao do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án PPP quyết định.

Điều 17. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm đầu tư của Nhà nước đối với dự án PPP

Các dự án PPP quy định tại Điều 9 của Nghị định này được áp dụng cơ chế đặc thù về hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm đầu tư của Nhà nước như sau:

1. Được áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP đến 70% tổng mức đầu tư để hỗ trợ xây dựng công trình và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm. Vốn nhà nước quy định tại khoản này được cân đối và bố trí từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

2. Dự án PPP có hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo được đặt hàng hoặc tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước quy định tại Điều 22 của Nghị định này. Phần kinh phí này độc lập với phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Trong 03 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh, được áp dụng mức chia sẻ 100% phần chênh lệch giảm giữa doanh thu thực tế và doanh thu trong phương án tài chính khi doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu trong phương án tài chính. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu tại khoản này được áp dụng khi dự án PPP đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

4. Được áp dụng quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tại Điều 52 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong trường hợp sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp dự án PPP tạo ra đã thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu quy định tại khoản 3 điều này trong 03 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh nhưng doanh thu thực tế vẫn thấp hơn 50% doanh thu dự kiến trong phương án tài chính.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí đầu tư, xây dựng hạ tầng khoa học, công nghệ và các chi phí vận hành hợp pháp liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tài sản hình thành từ dự án được chuyển giao cho Nhà nước theo quy định tại mục 3 Chương V Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; sản phẩm khoa học, công nghệ hình thành từ dự án được xử lý theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án PPP.

Điều 18. Nội dung của hợp đồng dự án PPP và trách nhiệm của các bên ký kết hợp đồng

1. Hợp đồng dự án PPP được xây dựng trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nội dung đàm phán hợp đồng.

2. Đối với dự án PPP thực hiện hoạt động đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh hạ tầng khoa học, công nghệ, nội dung hợp đồng gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Mục tiêu, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; thời gian xây dựng; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; thời hạn hợp đồng;

b) Phạm vi và yêu cầu xây dựng công trình, hạ tầng phục vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (nếu có); điều kiện sử dụng đất và tài nguyên khác (nếu có); trách nhiệm thực hiện các thủ tục cấp phép theo quy định của pháp luật có liên quan; thiết kế; tổ chức thi công; kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng trong giai đoạn xây dựng; nghiệm thu công trình;

c) Tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn; phương án tài chính, trong đó có kế hoạch thu xếp tài chính; vốn nhà nước trong dự án PPP và hình thức quản lý, sử dụng tương ứng (nếu có); quyết toán vốn đầu tư và xác nhận hoàn thành;

d) Trách nhiệm vận hành, kinh doanh công trình, hạ tầng phục vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển giao; trách nhiệm của các bên trong việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; thương mại hóa sản phẩm được tạo ra từ công nghệ; bản quyền, quyền sở hữu công nghệ; trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực số, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ công lập (nếu có);

đ) Bảo đảm thực hiện hợp đồng; quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng các loại tài sản liên quan đến dự án; bảo mật thông tin; chế độ báo cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện hợp đồng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát;

e) Phương án xử lý trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự để tiếp tục thực hiện hợp đồng; biện pháp xử lý, bồi thường, xử phạt trong trường hợp một trong các bên vi phạm hợp đồng;

g) Các nguyên tắc, điều kiện sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên; quyền của bên cho vay; thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các bên khi thanh lý hợp đồng; pháp luật điều chỉnh hợp đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp;

h) Ưu đãi, bảo đảm đầu tư, phương án chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, bảo đảm cân đối ngoại tệ, các loại bảo hiểm (nếu có).

3. Đối với dự án PPP kết hợp hoạt động đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh hạ tầng khoa học, công nghệ và hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư lựa chọn các nội dung phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều này và các nội dung liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định này để đàm phán hợp đồng.

Chương III

HỢP TÁC CÔNG TƯ THEO CƠ CHẾ SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG VÀO MỤC ĐÍCH LIÊN DOANH, LIÊN KẾT

Điều 19. Quản lý, sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước để liên doanh, liên kết

Việc quản lý, sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước vào mục đích liên doanh, liên kết thực hiện theo pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và pháp luật có liên quan (nếu có).

Điều 20. Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công (bao gồm cả dữ liệu) để liên doanh, liên kết với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 2 hoặc thực hiện các hoạt động hợp tác đào tạo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị định này.

2. Thẩm quyền phê duyệt đề án:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt đề án đối với tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trừ tài sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị mình.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tài sản công trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được sử dụng để liên doanh, liên kết khi đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

a) Sử dụng tài sản công trong thời gian không phải thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao;

b) Thời gian, cường độ sử dụng tài sản cao hơn khi chưa thực hiện liên doanh, liên kết;

c) Cung cấp được nhiều dịch vụ công hơn cho xã hội.

4. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này để phê duyệt theo thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 2 Điều này hoặc báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) xem xét, có ý kiến về đề án, trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 2 Điều này xem xét, phê duyệt.

5. Hồ sơ trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt đề án quy định tại điểm a khoản 2 Điều này gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt đề án của đơn vị sự nghiệp công lập: 01 bản chính.

b) Văn bản của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) có ý kiến về đề án: 01 bản chính.

c) Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của đơn vị: 01 bản chính.

d) Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.

6. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt đề án quy định tại điểm a khoản 2 Điều này quyết định phê duyệt đề án theo thẩm quyền hoặc có văn bản yêu cầu hoàn thiện hoặc không phê duyệt đề án. Đối với đề án quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm quyết định thời gian thực hiện trên cơ sở bảo đảm tiến độ thực hiện đề án.

7. Nội dung chủ yếu của quyết định phê duyệt đề án gồm:

a) Tên đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết;

b) Danh mục tài sản được sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết;

c) Thời hạn thực hiện đề án (thời gian đề án có hiệu lực);

d) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

8. Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết với nhau nhằm cung cấp dịch vụ công thì các đơn vị sự nghiệp công lập cùng lập 01 đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết. Các bên tham gia liên doanh, liên kết báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này làm cơ sở thực hiện, không phải tổ chức lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết.

9. Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết; quyết định phương án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết.

10. Hình thức sử dụng tài sản công để tham gia liên doanh, liên kết:

a) Hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới: các bên sử dụng tài sản của mình để thực hiện liên doanh, liên kết và tự quản lý, sử dụng tài sản của mình, tự bảo đảm các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động. Đơn vị sự nghiệp không phải xác định giá trị tài sản khi liên doanh, liên kết;

b) Hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới: các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; các tài sản này được các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng kiểm soát việc quản lý, sử dụng. Đơn vị sự nghiệp không phải xác định giá trị tài sản khi liên doanh, liên kết;

c) Hình thức liên doanh, liên kết hình thành pháp nhân mới: các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; pháp nhân mới có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và hợp đồng liên doanh, liên kết. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định giá trị của tài sản khi liên doanh, liên kết hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá hoặc thành lập Hội đồng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá để làm cơ sở quyết định giá trị tài sản công sử dụng vào liên doanh, liên kết; trong đó, giá trị của tài sản để liên doanh, liên kết chỉ là một trong các căn cứ để quyết định phương án này.

11. Tài sản tham gia liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi kết thúc liên doanh, liên kết (bao gồm cả trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn) được xử lý như sau:

a) Tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất được chuyển giao không bồi hoàn cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng. Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập liên doanh, liên kết với nhau thì hợp đồng liên doanh, liên kết phải xác định cụ thể việc phân chia quyền sử dụng đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết để làm cơ sở xử lý.

b) Tài sản khác không thuộc điểm a khoản này mà là tài sản hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết thì các bên thỏa thuận, quyết định việc xử lý. Tài sản còn lại (không phải tài sản hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết) được xử lý như sau:

Đối với hình thức quy định tại điểm a khoản 10 Điều này: đơn vị tiếp tục quản lý, sử dụng hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật này.

Đối với hình thức quy định tại điểm b khoản 10 Điều này: sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết được xử lý theo nguyên tắc: Trường hợp góp tài sản thì được xử lý theo quy định tại điểm a khoản này; Trường hợp góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết thì phần tài sản thuộc về mỗi bên được xác định tương ứng với giá trị vốn góp khi đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết.

Đối với hình thức quy định tại điểm c khoản 10 Điều này: tài sản này được chia cho các bên tham gia liên doanh, liên kết theo tỷ lệ đóng góp của mỗi bên. Tỷ lệ đóng góp này do tổ chức, đơn vị tự quyết định. Trường hợp không chia được bằng hiện vật thì thực hiện bán cho các bên còn lại trong liên doanh theo giá thị trường; trường hợp các bên liên doanh không mua thì thực hiện bán theo hình thức đấu giá.

c) Trường hợp các bên tham gia trong liên doanh, liên kết tự nguyện chuyển giao không bồi hoàn cho đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy định.

12. Đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định thời gian và tỷ lệ khấu hao đối với tài sản được sử dụng để liên doanh, liên kết.

13. Các nội dung liên quan đến việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết chưa được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

14. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh với mục đích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào mục đích liên doanh, liên kết.

Điều 21. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong hợp tác công tư theo cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết

Tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đơn vị sự nghiệp công lập không phải nộp một khoản tối thiểu bằng 2% doanh thu theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong trường hợp sử dụng để liên doanh, liên kết nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ chiến lược quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này hoặc thực hiện các hoạt động hợp tác đào tạo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị định này.

Chương IV

HỢP TÁC CÔNG TƯ THEO HÌNH THỨC KHÁC

Điều 22. Hợp tác theo cơ chế đặt hàng hoặc tài trợ nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

1. Nhà nước đặt hàng, tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

2. Tiêu chí, điều kiện xét chọn, trình tự, thủ tục xét chọn, xét tài trợ và thủ tục có liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

3. Quyền quản lý, sử dụng, quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điều 23. Hợp tác giữa Nhà nước, tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp

1. Hợp tác giữa Nhà nước, tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp (sau đây gọi là hợp tác ba bên) được thực hiện như sau:

a) Trách nhiệm của bộ, cơ quan trung ương, địa phương: Xác định mục tiêu, định hướng, cơ chế hợp tác ba bên phù hợp với định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đặt hàng hoặc tài trợ các nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; công bố bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ đất đai, hạ tầng sẵn có hoặc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu - phát triển (phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu phát triển dùng chung, trung tâm đổi mới sáng tạo và hạ tầng khác) theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan;

b) Trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ: Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ; nghiên cứu giải quyết bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo yêu cầu của bộ, cơ quan trung ương, địa phương hoặc theo thỏa thuận với doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; vận hành cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu phát triển; cung cấp tri thức, dữ liệu, nhân lực theo thỏa thuận với bộ, cơ quan trung ương, địa phương;

c) Trách nhiệm của doanh nghiệp: Cung cấp hạ tầng sẵn có hoặc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu phát triển; cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu - phát triển; tổ chức nghiên cứu hoặc đề xuất bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đào tạo, thử nghiệm, điều hành và thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh; ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cung cấp dịch vụ ra thị trường.

2. Căn cứ mục tiêu, nguồn lực, năng lực và nhu cầu hợp tác của các bên, bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức khoa học, công nghệ, doanh nghiệp thỏa thuận cụ thể hình thức hợp tác, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm các bên và các nội dung khác quy định tại Điều 24 của Nghị định này.

3. Hợp tác giữa các bên quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 25 của Nghị định này.

4. Các bên quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này có thể ký thỏa thuận hợp tác hoặc thành lập pháp nhân mới (nếu cần thiết) để triển khai hoạt động. Thỏa thuận hợp tác không hạn chế sự tham gia của các thành viên khác.

Điều 24. Nội dung thỏa thuận hợp tác

Thỏa thuận hợp tác giữa bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp gồm các nội dung cơ bản sau đây:

1. Mục tiêu hợp tác, phạm vi nghiên cứu, hoạt động của thỏa thuận hợp tác.

2. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm các bên tham gia thỏa thuận hợp tác.

3. Tiến độ và thời hạn thực hiện thỏa thuận hợp tác.

4. Quyền sở hữu trí tuệ, yêu cầu về chuyển giao công nghệ, dữ liệu (nếu có).

5. Cơ chế quản lý, giám sát thực hiện thỏa thuận hợp tác.

6. Quyền quyết định của doanh nghiệp trong việc tổ chức bộ máy quản trị, tuyển dụng nhân sự, biểu giá dịch vụ, huy động vốn và hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân khác.

7. Cơ chế chấp nhận, chia sẻ rủi ro trong trường hợp nhiệm vụ nghiên cứu phát triển không đạt được kết quả như kỳ vọng; phân chia lợi ích và rủi ro giữa các bên.

8. Điều kiện chấm dứt thỏa thuận hợp tác, chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên, bổ sung đối tác tham gia thỏa thuận hợp tác; phương án xử lý tài sản khi kết thúc thỏa thuận hợp tác.

9. Bảo mật thông tin, dữ liệu và dữ liệu cá nhân.

10. Các nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên.

Điều 25. Hình thức hợp tác công tư khác

1. Ngoài các hình thức hợp tác công tư quy định tại Chương II, Chương III và các Điều 22, 23 của Nghị định này, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có thể đề xuất và thực hiện các hình thức hợp tác công tư khác nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

2. Hình thức hợp tác công tư quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia;

b) Bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, minh bạch, phân chia rõ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro giữa các bên;

c) Bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, khai thác thế mạnh của từng bên; có cơ chế kiểm soát rủi ro, quản trị, giám sát phù hợp với đặc thù hoạt động.

3. Đối với các hình thức hợp tác công tư quy định tại khoản 1 Điều này có sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, đất đai hoặc nguồn lực nhà nước khác, đề án hợp tác phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN TRONG HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC CÔNG TƯ

Điều 26. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đơn vị sự nghiệp công lập

1. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các ứng dụng, dịch vụ số mới theo hình thức hợp tác công tư.

2. Tập trung nguồn lực để ưu tiên thực hiện hoạt động hợp tác công tư đối với các loại hình, sản phẩm, công nghệ, hoạt động quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 của Nghị định này.

3. Hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia; các cơ sở dữ liệu dùng chung theo danh mục do bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành để phát triển kinh tế - xã hội.

4. Chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu khoa học, trường đào tạo, đơn vị sự nghiệp công lập tích cực phối hợp, liên doanh, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

5. Thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia ký kết hợp đồng dự án PPP, hợp đồng liên doanh, liên kết, thỏa thuận hợp tác, cam kết về hình thức hợp tác công tư khác.

Điều 27. Khuyến khích tham gia hoạt động hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại Điều 26 của Nghị định này được khuyến khích tham gia hoạt động hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như sau:

1. Nghiên cứu, chủ động đề xuất hoạt động hợp tác công tư trong lĩnh vực quy định tại Điều 2 của Nghị định này; chủ động tìm hiểu, hợp tác với các đối tác, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài để tiếp cận, mua các bí quyết công nghệ, học hỏi, giải mã các công nghệ tiên tiến của nước ngoài và thúc đẩy chuyển giao cho Việt Nam.

2. Huy động, thu xếp các nguồn vốn trong và ngoài nước, khuyến khích hợp tác với các tổ chức, định chế tài chính quốc tế để huy động được các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

3. Nghiên cứu phát triển thị trường để ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ được nghiên cứu và phát triển.

4. Tìm hiểu, đề xuất chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước có trình độ cao về Việt Nam để nghiên cứu, phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ.

5. Đề xuất và thực hiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp với các trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu để đào tạo nhân lực số và sử dụng đội ngũ này trong các hoạt động hợp tác công tư.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Quy định chuyển tiếp

1. Hợp đồng dự án PPP, hợp đồng liên doanh, liên kết được ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.

2. Dự án PPP đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền của dự án tiếp tục thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án để áp dụng Nghị định này.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa lựa chọn đối tác thì tiếp tục thực hiện theo Đề án đã được phê duyệt hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh Đề án để áp dụng Nghị định này.

Điều 29. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại các Điều 6, Điều 19 và Điều 22 của Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2025.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này.

 


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Chí Dũng

 

Phụ lục

(Kèm theo Nghị định số 180/2025/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2025 của Chính phủ)

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
CÔNG LẬP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .../...-ĐA

...., ngày ... tháng ... năm ...............

 

ĐỀ ÁN

Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

I. CƠ SỞ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024;

- Nghị định số    /2025/NĐ-CP ngày   tháng   năm 2025 của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia;

- Các văn bản khác có liên quan đến việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết.

2. Cơ sở thực tiễn

2.1. Chức năng, nhiệm vụ của đơn vị

2.2. Cơ cấu tổ chức của đơn vị

2.3. Đối tượng phục vụ (cung cấp dịch vụ sự nghiệp công) của đơn vị

2.4. Các hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị

2.5. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong 3 năm gần nhất và kế hoạch phát triển trong các năm tiếp theo.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN

1. Thực trạng quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị

1.1 Thực trạng quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị theo các nhóm tài sản:

(Chủng loại, số lượng, nguyên giá, giá trị còn lại)

1.2. Tài sản đang sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết (nếu có)

a) Chủng loại, số lượng, nguyên giá, giá trị còn lại, thời hạn sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết.

b) Hình thức/phương thức sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết.

c) Kết quả của việc sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết của 03 năm liên trước năm xây dựng đề án (doanh thu, chi phí, nộp ngân sách nhà nước, chênh lệch thu chi; tỷ trọng doanh thu từ việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết trong tổng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị; tỷ trọng tiền do ngân sách nhà nước cấp trong tổng dự toán chi hằng năm của đơn vị....).

2. Phương án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết

2.1. Phương án sử dụng tài sản công tại đơn vị:

a) Tài sản dự kiến sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết:

- Chủng loại, số lượng, nguyên giá, giá trị còn lại; phần giá trị tài sản trực tiếp sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết do đơn vị quyết định.

b) Sự cần thiết của việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết (nêu rõ trường hợp áp dụng theo quy định tại khoản 1 các Điều 58 của Luật; khả năng đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao khi sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết;...).

c) Thời gian thực hiện liên doanh, liên kết.

d) Hình thức/phương thức sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết.

đ) Phương án tài chính của việc liên doanh, liên kết.

- Dự kiến tổng doanh thu: Doanh thu được ước tính trên cơ sở điều tra khảo sát, thu thập các thông tin về giá cho thuê, giá cung cấp dịch vụ và các yếu tố khác hình thành doanh thu của các khu vực có khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đương tại thời điểm lập Đề án.

- Dự kiến tổng chi phí: Tổng chi phí gồm các khoản:

+ Chi phí đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản; chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có); chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; chi phí vận chuyển, bảo hiểm.

+ Chi phí kinh doanh; chi phí quản lý; chi phí trực tiếp cấu thành dịch vụ (như: chi phí vật tư, vật phẩm, nguyên, nhiên vật liệu, nhân công,...).

+ Chi phí khấu hao tài sản cố định (chỉ xác định chi phí khấu hao đối với các tài sản công trực tiếp sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết tương ứng với phần giá trị tài sản sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết).

+ Mức nộp ngân sách nhà nước (do đơn vị sự nghiệp công lập đề xuất cụ thể tại Đề án nhưng không thấp hơn 2% doanh thu).

+ Chi phí lãi vay; thuế, phí, lệ phí.

+ Chi phí khác.

Các khoản mục chi phí phải phù hợp với định mức, đơn giá kinh tế, kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành và quy định của pháp luật, trường hợp không có định mức, đơn giá kinh tế, kỹ thuật thì phải xác định trên cơ sở thực tế thị trường.

- Chênh lệch thu, chi.

2.2. Đánh giá sơ bộ hiệu quả của phương án liên doanh, liên kết:

- Dự kiến chênh lệch thu chi bình quân hằng năm của đơn vị trong thời gian sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; so sánh với chênh lệch thu chi bình quân 03 năm trước liền kề;

- Dự kiến số tiền do ngân sách nhà nước cấp và tỷ trọng tiền do ngân sách nhà nước cấp trong tổng dự toán chi hằng năm của đơn vị trong thời gian sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; so sánh với các chỉ tiêu tương ứng trong 03 năm trước liền kề;

- Số lượng, chất lượng, mức giá dịch vụ sự nghiệp công dự kiến (nếu có).

3. Việc đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

4. Phương án xử lý tài sản sau khi kết thúc thời gian liên doanh, liên kết hoặc chấm dứt hợp đồng trước hạn.

5. Thời hạn thực hiện Đề án.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ ĐỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ
(nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 180/2025/NĐ-CP về Cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

  • Số hiệu: 180/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/07/2025
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Chí Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản