Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 169/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 169/2003/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 12 NĂM 2003VỀ AN TOÀN ĐIỆN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định về an toàn điện trong sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện nhằm đảm bảo an toàn đối với con người, các trang thiết bị và công trình điện.

Điều 2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực, sử dụng điện, chế tạo thiết bị điện và các tổ chức, cá nhân liên quan khác trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng điều ước đó.

Điều 3. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lưới điện bao gồm các đường dây dẫn điện, trạm biến áp và các công trình, thiết bị phụ trợ khác liên kết với nhau để thực hiện quá trình truyền tải, phân phối điện.

2. Điện cao áp là điện áp từ 1.000 V trở lên.

3. Điện hạ áp là điện áp dưới 1.000 V.

4. Thiết bị điện là các máy móc dùng để sản xuất, biến đổi, phân phối, đo lường, bảo vệ và tiêu thụ năng lượng điện.

5. Thiết bị bảo vệ là thiết bị tự động cắt mạch điện trong chế độ làm việc không bình thường.

6. Dụng cụ điện là những công cụ cầm tay có sử dụng điện.

7. Biển báo an toàn về điện là các biển báo có chữ và dấu hiệu có điện áp đặt trên các kiến trúc xây dựng của công trình điện hoặc các thiết bị, dụng cụ điện để báo cho người tránh khỏi nguy hiểm do điện gây ra khi vận hành, làm việc và đi qua gần các thiết bị đó.

8. Nối đất là nối các bộ phận bằng kim loại của thiết bị điện, các bộ phận bằng kim loại của các thiết bị khác hoặc các kết cấu bằng kim loại với trang bị nối đất.

9. Nối "không" bảo vệ là nối các bộ phận bằng kim loại lúc bình thường không có chức năng dẫn điện của thiết bị điện, các bộ phận bằng kim loại của các thiết bị khác hoặc các kết cấu bằng kim loại với dây trung tính đã nối đất trực tiếp của nguồn điện.

10. Máy thủy điện cực nhỏ là máy phát điện chạy bằng sức nước có công suất từ 1.000 W/tổ máy trở xuống.

11. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực hoặc đối tượng được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào bảo vệ). Khi đối tượng cố ý xâm phạm vào khu vực hoặc đối tượng được bảo vệ và tiếp xúc trực tiếp với hàng rào bảo vệ sẽ bị điện giật, đồng thời hệ thống bảo vệ phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.

Điều 4. Việc thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng công trình điện phải thực hiện theo Quy phạm, Tiêu chuẩn Việt Nam, các quy định trong Nghị định này hoặc các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và phải đảm bảo đồng bộ các yêu cầu về an toàn sau đây: an toàn về điện; an toàn về kiến trúc xây dựng; an toàn về công nghệ sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp (nước, than, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên và các dạng năng lượng khác); an toàn về phòng chống cháy nổ; an toàn về môi trường sinh thái và vệ sinh lao động.

Điều 5.

1. Các thiết bị điện, dụng cụ điện khi xuất xưởng phải có chứng chỉ chất lượng hoặc có nhãn mác đăng ký chất lượng phù hợp với những tiêu chuẩn, quy định của pháp luật và phải có bản hướng dẫn sử dụng kèm theo về các thông số kỹ thuật, tính năng, tác dụng cũng như các điều cần lưu ý khác để hướng dẫn người tiêu dùng phòng tránh sự cố và tai nạn điện.

2. Các công trình điện chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được thử nghiệm, hiệu chỉnh, nghiệm thu đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn.

Chương 2:

AN TOÀN TRONG SẢN XUẤT ĐIỆN

Điều 6. Các nhà máy điện, trạm phát điện phải được bảo vệ nghiêm ngặt, xung quanh phải có tường rào bảo vệ, biển báo an toàn về điện, về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; những người không có nhiệm vụ không được phép vào nhà máy điện, trạm phát điện.

Điều 7. Phòng đặt thiết bị điện phải đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ; có biển báo khu vực nguy hiểm; có hệ thống chiếu sáng đầy đủ; có hệ thống thông gió để làm mát thiết bị, cửa thông gió phải có lưới bảo vệ chống sự xâm nhập của các loài động vật, hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu của môi trường (bụi, ẩm, hoá chất); có đường thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Điều 8. Đối với các thiết bị đặt chung trong một phòng, tuỳ theo đặc tính kỹ thuật và yêu cầu bảo vệ của từng loại thiết bị, phải đặt lưới bảo vệ, vách ngăn và treo biển báo an toàn. Phải đảm bảo khoảng cách an toàn từ lưới bảo vệ hoặc vách ngăn đến phần mang điện của thiết bị không được nhỏ hơn khoảng cách quy định trong Quy phạm trang bị điện.

Điều 9. Đối với các máy điện quay, hộp đấu cáp phải có nắp đậy được bắt chặt, chèn kín tránh bụi, hơi nước, hoá chất xâm nhập; vành góp, chổi than, quạt làm mát phải có nắp, lưới bảo vệ.

Điều 10. Tại các khu vực có chất dễ cháy, nổ, hệ thống điện phải được thiết kế, lắp đặt theo quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ; chỉ được sử dụng loại thiết bị, dụng cụ phòng chống cháy, nổ chuyên dùng.

Điều 11. Hệ thống cáp dẫn điện trong nhà máy điện, trạm phát điện phải đảm bảo các quy định về an toàn sau đây:

1. Cáp điện phải được sắp xếp trật tự theo chủng loại, tính năng kỹ thuật, cấp điện áp và được đặt trên các giá đỡ theo đúng quy định. Cáp dẫn điện đi qua khu vực có ảnh hưởng của nhiệt độ cao phải được cách nhiệt và đi trong ống bảo vệ.

2. Hầm cáp, mương cáp phải có nắp đậy kín, thoát nước tốt, bảo quản sạch sẽ, khô ráo. Không được để nước, dầu, hoá chất, tạp vật tích tụ trong hầm, mương cáp.

Riêng với hầm cáp còn phải có tường ngăn để tránh hỏa hoạn lan rộng; có hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng điện áp an toàn phù hợp với tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành.

Điều 12. Hệ thống chống sét, nối đất trong nhà máy điện, trạm phát điện, trạm phân phối điện phải được lắp đặt đúng thiết kế và được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng "Tiêu chuẩn Việt Nam - Quy phạm nối đất và nối "không" các thiết bị điện".

Điều 13. Đối với các máy thuỷ điện cực nhỏ, các máy phát điện di động, phải tuân theo các quy định về an toàn khi sử dụng máy của nhà chế tạo và phải thường xuyên kiểm tra cách điện; công suất thiết bị tiêu thụ điện, dây dẫn điện phải có tiết diện phù hợp với công suất của máy nhưng không được nhỏ hơn 2,5mm2. Nghiêm cấm dùng dây trần làm dây dẫn điện.

Chương 3:

AN TOÀN TRONG TRUYỀN TẢI, PHÂN PHỐI ĐIỆN

Điều 14.

1. Chủ công trình lưới điện phải chịu trách nhiệm:

a) Đặt biển báo an toàn về điện tại các trạm điện, cột điện;

b) Sơn màu và đặt đèn tín hiệu tại các vị trí cột có độ cao đặc biệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

2. Ở các vị trí giao chéo giữa đường dây dẫn điện cao áp trên không, đường cáp điện ngầm với đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa, việc đặt và quản lý biển báo, biển cấm vượt qua đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Chủ đầu tư công trình xây dựng sau phải chịu chi phí cho việc đặt biển báo, biển cấm này.

Điều 15. Khi bàn giao công trình lưới điện, chủ đầu tư công trình phải giao cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện đầy đủ các tài liệu kỹ thuật, biên bản nghiệm thu và các tài liệu liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Đơn vị quản lý vận hành lưới điện phải định kỳ tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật và đại tu lưới điện, đảm bảo cho hệ thống vận hành an toàn theo quy định; thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Điều 17. Khi sửa chữa, bảo dưỡng các công trình lưới điện, đơn vị quản lý vận hành lưới điện và đơn vị công tác phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ và đúng trình tự các biện pháp an toàn theo quy định tại Quy phạm kỹ thuật an toàn điện.

Điều 18. Đường dây cao áp vượt qua nhà ở, công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc phải đảm bảo các tiêu chuẩn, khoảng cách an toàn được quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; cột đỡ dây điện phải dùng loại cột thép hoặc cột bê tông cốt thép; dây dẫn điện không được phép có mối nối, trừ dây dẫn điện có tiết diện từ 240 mm2 trở lên thì cho phép không quá 1 mối nối cho 1 pha. Đơn vị quản lý vận hành lưới điện không được vận hành quá tải các đường dây này.

Điều 19. Các đường dây dẫn điện đi ngầm trong đất, nằm trong kết cấu các công trình khác hoặc đi chung với các đường dây thông tin, phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, các quy định tại Quy phạm trang bị điện và các quy định khác của pháp luật.

Chương 4:

AN TOÀN TRONG SỬ DỤNG ĐIỆN

MỤC 1: SỬ DỤNG ĐIỆN TRONG SẢN XUẤT

Điều 20. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện để sản xuất phải thực hiện các quy định trong các Tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn điện, Quy phạm trang bị điện, Quy phạm kỹ thuật an toàn điện hiện hành và các quy định tại Nghị định này.

Điều 21. Hệ thống thiết bị chống sét, hệ thống nối đất và hệ thống nối "không" bảo vệ phải được kiểm tra khi nghiệm thu, kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường theo các nội dung quy định tại "Tiêu chuẩn Việt Nam - Quy phạm nối đất và nối "không" các thiết bị điện". Sơ đồ của các hệ thống này phải đúng với thực tế và phải được lưu giữ cùng với các biên bản kiểm tra trong suốt quá trình hoạt động.

Điều 22. Các trạm điện, thiết bị điện cao áp và đường dây cao áp nội bộ phải được lắp đặt và quản lý vận hành theo các quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này. Trường hợp chủ sở hữu không có đủ điều kiện để đảm bảo việc quản lý, vận hành, thí nghiệm, hiệu chỉnh các thiết bị trạm và đường dây này theo đúng quy định, phải ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để thực hiện các công việc này. Trong hợp đồng phải có điều khoản quy định trách nhiệm, đảm bảo việc đóng cắt điện an toàn, hợp lý và thuận tiện đối với cả hai bên cung ứng điện và sử dụng điện.

Điều 23.

1. Các thiết bị điện phải tuân theo các quy định tại "Tiêu chuẩn Việt Nam - Thiết bị điện hạ áp - Yêu cầu chung về bảo vệ chống điện giật" và "Tiêu chuẩn Việt Nam - Quy phạm nối đất và nối "không" các thiết bị điện", đảm bảo:

a) Chống tai nạn điện giật do tiếp xúc trực tiếp với điện áp sử dụng: các bộ phận mang điện như thanh cái, tiếp điểm các khí cụ điện, cọc đấu dây, điểm đấu nối, lõi dây dẫn phải đảm bảo được các yêu cầu về vỏ bảo vệ, khoảng cách an toàn, được bố trí, che chắn bảo vệ; đảm bảo tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên giữa người vận hành, người qua lại với các bộ phận mang điện này.

b) Chống tai nạn điện giật do tiếp xúc gián tiếp với điện áp sử dụng: các thiết bị điện hạ áp phải đảm bảo được các yêu cầu về cách điện, về nối đất và nối "không" bảo vệ đảm bảo tránh được điện áp chạm nguy hiểm.

2. Các đường dẫn điện, dây dẫn điện phải được thiết kế, lắp đặt đảm bảo mặt bằng sản xuất thông thoáng, tránh được các tác động cơ học, hoá học có thể gây hư hỏng. Không dùng các kết cấu kim loại của nhà xưởng, máy móc, đường ống kim loại để làm dây trung tính làm việc, trừ những công trình có thiết kế riêng đã được duyệt.

3. Hệ thống điện tại các khu vực có chất dễ cháy, nổ, phải được thiết kế, lắp đặt và sử dụng theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này.

Điều 24. Đối với các thiết bị điện dùng trong khai thác khoáng sản, dụng cụ điện, thiết bị điện di động, máy hàn, điện phân, mạ điện, phải thực hiện theo quy định tại các Tiêu chuẩn kỹ thuật, Quy phạm an toàn liên quan.

MỤC 2: SỬ DỤNG ĐIỆN TRONG SINH HOẠT, DỊCH VỤ

Điều 25. Thiết bị điện dùng trong các văn phòng làm việc, sinh hoạt và dịch vụ phải đảm bảo tổng công suất sử dụng phù hợp với công suất thiết kế và đảm bảo độ bền cách điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Dây dẫn cấp điện cho động lực, đun nấu, sấy sưởi, điều hoà nhiệt độ... phải có thiết bị bảo vệ phù hợp và riêng biệt với dây dẫn cấp điện cho chiếu sáng.

Điều 26.

1. Không để thiết bị điện phát nhiệt gần đồ vật dễ cháy.

2. Đối với thang máy:

a) Cáp điện dùng cho thang máy phải là loại cáp có khả năng chống cháy;

b) Thang máy dùng trong toà nhà cao trên 5 tầng và thường xuyên có trên 200 người sinh hoạt, làm việc cần phải có nguồn điện dự phòng, tự động đóng mạch khi mất nguồn điện chính;

c) Các thiết bị điện của thang máy phải được kiểm tra, bảo trì theo quy định hiện hành.

Điều 27. Khi rời trụ sở, phòng làm việc phải cắt điện đến các thiết bị sử dụng điện. Đối với các thiết bị cần giữ ở trạng thái đóng điện liên tục, phải có biện pháp bảo vệ an toàn thích hợp.

Điều 28. Cơ quan, đơn vị, chủ hộ sử dụng điện phải có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống điện của mình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố điện.

Điều 29.

1. Lưới điện hạ áp chỉ được xây dựng sau khi thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các nhánh đường dây dẫn điện vào nhà ở, công trình phải đảm bảo các điều kiện về an toàn điện và không cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông, cứu thương, chữa cháy.

Điều 30.

1. Trong mạch điện ba pha bốn dây, thiết bị đóng cắt (áp-tô-mát, cầu dao, cầu chì) không được đặt trên dây trung tính.

2. Trong mạch điện một pha hai dây, cầu chì và công tắc phải đặt trên dây pha (dây lửa). Cấm đặt cầu chì, công tắc trên dây trung tính. Khuyến khích lắp đặt áp-tô-mát, cầu dao 2 cực để đóng cắt đồng thời cả 2 dây.

Điều 31.

1. Tiết diện dây dẫn điện phải phù hợp với phụ tải điện.

2. Việc lắp đặt, sử dụng thiết bị điện trong nhà phải theo quy định về an toàn điện hiện hành.

Điều 32. Nghiêm cấm các hành vi vi phạm các quy định về an toàn điện sau đây:

1. Sử dụng điện làm phương tiện để bảo vệ tài sản cá nhân hoặc phục vụ cho mục đích khác gây nguy hiểm cho người, động vật, môi trường sống, gây sự cố làm thiệt hại tài sản Nhà nước, tài sản công dân như: chống trộm, bẫy chuột, đánh cá, bảo vệ hoa màu.

2. Sử dụng thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn.

3. Kéo dây đấu điện không đảm bảo điều kiện an toàn như: dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà; dùng điện theo cách lấy điện một pha bằng một dây dẫn, còn dây nguội đấu xuống giếng, xuống ao hoặc đấu nối vào đường ống nước.

4. Những người không có nhiệm vụ trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện.

5. Các hành vi có thể gây tai nạn cho người và gia súc như: phơi quần áo, đồ dùng lên dây điện; thả diều, đá bóng ở gần đường dây điện.

6. Các hành vi có thể gây hư hỏng công trình lưới điện như: bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện; quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện; tháo gỡ dây chằng néo, dây tiếp địa của cột điện; đào đất gây lún sụt móng cột điện; lợi dụng cột điện để làm nhà, lều quán bán hàng, buộc trâu bò hoặc gia súc khác.

7. Đến gần chỗ dây điện bị đứt, cột điện bị đổ khi chưa có thông báo đã cắt điện.

8. Trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện, trạm điện; để cây đổ vào đường dây điện khi phát quang tuyến.

MỤC 3: SỬ DỤNG ĐIỆN LÀM PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ TRỰC TIẾP

Điều 33. Các khu vực, đối tượng được phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là các cơ sở quan trọng của Nhà nước về an ninh chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

Điều 34. Tổ chức sử dụng điện làm phương tiên bảo vệ trực tiếp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sau:

1. Bộ trưởng Bộ Công an cho phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp cho khu vực hoặc đối tượng thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp cho khu vực hoặc đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp cho khu vực hoặc đối tượng thuộc quyền mình quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công nghiệp.

Điều 35. Hàng rào bảo vệ phải được thiết kế lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc; phải có biển báo nguy hiểm; không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện; không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hệ thống bảo vệ này phải được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ.

Chương 5:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

MỤC 1: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN ĐIỆN

Điều 36. Nội dung quản lý nhà nước về kỹ thuật an toàn điện bao gồm:

1. Ban hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn điện trong các lĩnh vực: thiết kế, chế tạo, xây dựng, sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện.

2. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy phạm, tiêu chuẩn, quy trình, quy tắc về an toàn điện của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.

3. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm an toàn điện.

4. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng có liên quan đến an toàn điện.

5. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn trong hoạt động điện lực, sử dụng điện và bảo vệ an toàn công trình điện.

6. Tổ chức chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn điện.

7. Khen thưởng và xử lý vi phạm trong thực hiện an toàn điện.

Điều 37.

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn điện trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về an toàn điện, có nhiệm vụ:

a) Xây dựng, hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn, quy phạm nhà nước về an toàn điện, ban hành các tiêu chuẩn ngành liên quan;

b) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy phạm, tiêu chuẩn an toàn điện hiện hành;

c) Phối hợp các hoạt động quản lý nhà nước về an toàn điện giữa các Bộ, ngành, địa phương;

d) Quản lý thống nhất việc đăng ký, kiểm định chất lượng các thiết bị, dụng cụ và sản phẩm điện đạt hoặc phù hợp tiêu chuẩn về an toàn;

đ) Phối hợp với các ngành có liên quan quy định cụ thể về tiêu chuẩn, kỹ thuật sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ:

a) Quản lý thống nhất việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật về an toàn điện;

b) Phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng, hoàn thiện, ban hành và quản lý thống nhất hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn điện.

4. Bộ Xây dựng có nhiệm vụ:

a) Ban hành các tiêu chuẩn, quy định về lắp đặt mạng điện trong các công trình xây dựng để thống nhất áp dụng trong phạm vi cả nước;

b) Ban hành tiêu chuẩn, quy định đối với hệ thống nối đất an toàn trong các toà nhà chung cư và dân dụng.

5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc quản lý nhà nước về an toàn điện.

6. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc quản lý nhà nước về an toàn điện:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn điện trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Công nghiệp và các Bộ chuyên ngành;

b) Xây dựng các mục tiêu bảo đảm an toàn điện đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của địa phương.

7. Thanh tra điện lực có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về an toàn điện đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động điện lực và sử dụng điện; phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

MỤC 2: TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN ĐỂ SẢN XUẤT

Điều 38. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh điện và sử dụng điện để sản xuất có trách nhiệm:

1. Trang bị đầy đủ các tài liệu về quy phạm, tiêu chuẩn an toàn điện, biên soạn, ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy trình, quy tắc, nội quy về an toàn điện áp dụng trong phạm vi cơ quan, doanh nghiệp trên cơ sở tiêu chuẩn, quy phạm pháp luật hiện hành của nhà nước.

2. Trang thiết bị điện phải có hồ sơ, lý lịch, tài liệu kỹ thuật liên quan, được quản lý chặt chẽ, cập nhật đầy đủ. Tại các vị trí vận hành phải trang bị đầy đủ các quy trình vận hành thiết bị, quy trình xử lý sự cố, quy trình an toàn thuộc các chuyên ngành liên quan, sơ đồ lưới điện, nội quy phòng cháy, chữa cháy, sổ nhật ký vận hành, dụng cụ, trang bị bảo hộ lao động cá nhân và các dụng cụ phương tiện khác theo quy định.

3. Bố trí cán bộ, sử dụng lao động làm công việc về điện phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

a) Có đủ tuổi đời theo quy định của luật pháp, có sức khoẻ, không mắc các bệnh về thần kinh, tim mạch;

b) Được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật đúng yêu cầu ngành nghề;

c) Được huấn luyện về an toàn điện, sát hạch đạt yêu cầu, được cấp thẻ an toàn theo quy định hiện hành.

4. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ, chính sách của nhà nước về bảo hộ lao động, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động. Phải đảm bảo các điều kiện làm việc, dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm việc an toàn khi tiếp xúc với điện.

5. Thực hiện chế độ kiểm tra việc chấp hành quy trình, quy phạm về an toàn điện; phát hiện và khắc phục kịp thời những thiếu sót tồn tại trong đơn vị.

6. Thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng, duy tu, nâng cấp chất lượng, đảm bảo điều kiện an toàn vận hành thiết bị.

7. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao hệ số an toàn của quá trình sản xuất.

8. Khi xẩy ra sự cố, tai nạn về điện phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cần thiết để cấp cứu người bị nạn, giảm nhẹ thiệt hại và phải tổ chức điều tra phân tích nguyên nhân, kiểm điểm, xác định trách nhiệm, tìm ra những nguyờn nhõn chủ quan, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn sự cố, tai nạn tái diễn.

9. Thực hiện việc thống kê theo dõi, báo cáo về sự cố, tai nạn điện theo quy định.

10. Tổ chức hoặc tham gia tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về công tác an toàn điện.

MỤC 3: KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 39. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn điện được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 40. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về an toàn điện, tùy theo hình thức và mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 41. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về an toàn điện.

Điều 42. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 43. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 169/2003/NĐ-CP về an toàn điện

  • Số hiệu: 169/2003/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/12/2003
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 230 đến số 231
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 13/09/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản