Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 165/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 165/2004/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 9 NĂM 2004 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC VỀ QUẢN LÝ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giáo dục về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

2. Nghị định này áp dụng đối với hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, các trường và cơ sở giáo dục (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức Việt Nam) với các nước, tổ chức quốc tế, các trường và cơ sở giáo dục quốc tế, cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Bên nước ngoài).

3. Việc tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đồng thời phải tuân theo các quy định tại Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và Nghị định số 18/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ quy định về lập và hoạt động của các cơ sở văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Nguyên tắc về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục

1. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục được thực hiện theo nguyên tắc tôn trọng pháp luật, phong tục, tập quán của mỗi nước, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam và theo quy định tại Điều 94 của Luật Giáo dục.

2. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục phải được tiến hành trên cơ sở chương trình, dự án ký kết bằng văn bản giữa cơ quan, tổ chức Việt Nam với Bên nước ngoài.

Chương 2:

HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Điều 3. Hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục

Các hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục quy định tại Nghị định này bao gồm:

1. Chương trình, dự án hợp tác với Bên nước ngoài có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

2. Trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục;

3. Hội nghị, hội thảo và tọa đàm quốc tế về giáo dục trong và ngoài nước.

Điều 4. Hợp tác đào tạo cán bộ quản lý, nhà giáo và nghiên cứu ứng dụng thiết bị, dụng cụ, học liệu dạy học

Việc hợp tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài và việc nghiên cứu ứng dụng để sản xuất, cải tiến trang thiết bị, dụng cụ dạy học và học liệu sử dụng trong nhà trường và cơ sở giáo dục được thực hiện theo các chương trình, dự án do Bên nước ngoài hoặc do cơ quan, tổ chức Việt Nam cung cấp.

Điều 5. Trường quốc tế tại Việt Nam

Trường quốc tế tại Việt Nam tiếp nhận người nước ngoài vào học tập, đào tạo. Công dân Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định của các trường quốc tế có thể được vào học ở bậc giáo dục trung học phổ thông, trình độ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học.

Điều 6. Chuyên gia giáo dục nước ngoài

1. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giáo dục theo các chương trình, dự án đã được ký kết (sau đây gọi chung là chuyên gia nước ngoài) bao gồm:

a) Chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục;

b) Chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cơ sở giáo dục.

2. Việc tiếp nhận, quản lý chuyên gia nước ngoài vào làm việc, giảng dạy và nghiên cứu khoa học được thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 7. Lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam

Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào học tập tại Việt Nam (sau đây gọi chung là lưu học sinh nước ngoài) bao gồm:

1. Lưu học sinh nước ngoài vào học tập, thực tập và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam theo các hiệp định, thoả thuận của Chính phủ và các Bộ, ngành với Bên nước ngoài.

2. Lưu học sinh nước ngoài vào học tập, thực tập và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam theo thoả thuận, hợp đồng tự ký với các trường, cơ sở giáo dục tại Việt Nam.

Việc tiếp nhận, quản lý lưu học sinh nước ngoài vào học tập tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 8. Chuyên gia giáo dục Việt Nam

Khuyến khích cơ quan, tổ chức Việt Nam hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế để cử chuyên gia giáo dục và cán bộ khoa học Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Việc tuyển chọn và các chế độ đối với chuyên gia giáo dục và cán bộ khoa học Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam về việc chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và theo thoả thuận được ký kết giữa cơ quan, tổ chức Việt Nam với Bên nước ngoài.

Điều 9. Tiếp nhận và sử dụng công nghệ giáo dục của nước ngoài tại Việt Nam

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc cho phép tiếp nhận và sử dụng công nghệ giáo dục của nước ngoài trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học của Việt Nam.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc cho phép tiếp nhận và sử dụng công nghệ giáo dục của nước ngoài trong các cơ sở dạy nghề của Việt Nam.

Điều 10. Tiếp nhận và tài trợ trang thiết bị, tài liệu, sách báo phục vụ giáo dục và đào tạo

Việc tiếp nhận, tài trợ trang thiết bị, tài liệu, sách giáo khoa, sách báo khoa học kỹ thuật phục vụ giáo dục và đào tạo để tăng cường cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện cho giáo dục tại Việt Nam và nước ngoài được thực hiện theo các quy định hiện hành về tiếp nhận viện trợ nước ngoài của Việt Nam và theo quy định về xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

Điều 11. Quảng cáo và triển lãm giáo dục

1. Cơ quan, tổ chức Việt Nam được hợp tác với đối tác nước ngoài trong việc tổ chức triển lãm giáo dục Việt Nam ở nước ngoài theo các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại.

2. Bên nước ngoài được hợp tác với cơ quan, tổ chức Việt Nam trong việc quảng cáo và tổ chức triển lãm giáo dục nước ngoài tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 12. Xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, học liệu, sách báo khoa học kỹ thuật

Cơ quan, tổ chức Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị, đồ dùng dạy học, học liệu (sách, tài liệu, phim, ảnh), sách báo khoa học kỹ thuật với mục đích phục vụ giáo dục và đào tạo theo các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam và của Bên nước ngoài.

Chương 3:

XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Điều 13. Hình thành chương trình, dự án hợp tác

1. Cơ quan, tổ chức Việt Nam có nhu cầu hợp tác quốc tế về giáo dục, sau khi đã có đối tác nước ngoài, phải phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc hình thành nội dung và hình thức hợp tác như quy định tại Chương II của Nghị định này.

2. Cơ quan, tổ chức Việt Nam có nhu cầu hợp tác quốc tế về giáo dục nhưng chưa có đối tác nước ngoài, có thể yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ trong việc tìm kiếm đối tác nước ngoài.

Điều 14. Thủ tục thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục

1. Việc thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục có sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ hoặc Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Trước khi việc thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục quy định tại khoản 1 Điều này được tiến hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cho ý kiến về các nội dung chuyên môn thuộc lĩnh vực mình quản lý đối với các chương trình, dự án hợp tác đó.

Điều 15. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục

Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục của cơ quan, tổ chức Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

Điều 16. Báo cáo kết quả thực hiện chương trình, dự án hợp tác

1. Cơ quan, tổ chức Việt Nam định kỳ 6 tháng và hàng năm gửi báo cáo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan theo quy định hiện hành về tình hình thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và dự kiến kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hợp tác trong thời kỳ tiếp theo.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình và đánh giá kết quả thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ.

Chương 4:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Điều 17. Quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm:

1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục;

2. Quyết định chủ trương, phương hướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục;

3. Chỉ đạo việc đàm phàn, ký kết và thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục;

4. Chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý thống nhất các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục theo chức năng được giao, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Làm đầu mối về các hoạt động quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục;

2. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục;

3. Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

4. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức Việt Nam xây dựng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục;

5. Vận động tài trợ cho các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục;

6. Tổng hợp và điều phối hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục;

7. Đàm phán, ký kết các văn bản thoả thuận về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và ký kết theo thẩm quyền các Điều ước quốc tế về công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, các tổ chức quốc tế;

8. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nghị định này và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này;

9. Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 19. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của Nghị định này.

2. Quyết định theo thẩm quyền những nội dung hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục của các trường, cơ sở giáo dục trực thuộc và thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 20. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức Việt Nam trong việc thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục

1. Lựa chọn đối tác hợp tác và lựa chọn hình thức, nội dung hợp tác thiết thực, thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đã được ký kết và bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc hợp tác theo quy định tại Điều 2 của Nghị định này.

2. Thực hiện việc định kỳ báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định này.

Chương 5:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 21. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nghị định này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

Điều 24. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 165/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục về quản lý hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục

  • Số hiệu: 165/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/09/2004
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 21/09/2004
  • Số công báo: Số 28
  • Ngày hiệu lực: 06/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản