Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 145/2004/NĐ-CP

Hà Nội 14 tháng 7 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 145/2004/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 7 NĂM 2004 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ VIỆC TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM VÀ ĐẠI DIỆN CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG THAM GIA VỚI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VỀ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN QUAN HỆ LAO ĐỘNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về nội dung, hình thức và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước lấy ý kiến Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động về những vấn đề về quyền, nghĩa vụ liên quan đến lợi ích trực tiếp của người lao động và người sử dụng lao động theo Bộ luật Lao động; về việc tham gia, báo cáo thực hiện các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

2. Đại diện của người sử dụng lao động nêu tại Nghị định này là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

3. Việc tham gia ý kiến của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động với cơ quan Nhà nước tại các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (sau đây gọi tắt là "các bên").

Điều 2. Nguyên tắc tham gia ý kiến của các bên

Tham gia ý kiến của các bên dựa trên nguyên tắc: hợp tác, dân chủ, bình đẳng, khách quan và tôn trọng ý kiến, quyền lợi của các bên nhằm bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên và phát triển quan hệ lao động lành mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.

Điều 3. Nội dung tham gia ý kiến

Nội dung tham gia ý kiến gồm:

1. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động;

2. Sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về lĩnh vực lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;

3. Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý lao động;

4. Đề xuất các biện pháp giải quyết các cuộc đình công liên quan đến nhiều người lao động;

5. Tham gia, báo cáo thực hiện các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế;

6. Những vấn đề khác theo yêu cầu của Chính phủ và các bên theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

HÌNH THỨC THAM GIA Ý KIẾN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN

Điều 4. Hình thức tham gia ý kiến

Các hình thức tham gia ý kiến gồm:

1. Tham gia ý kiến bằng văn bản;

2. Tổ chức hội nghị các bên.

Điều 5. Tham gia ý kiến bằng văn bản

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lao động (gọi tắt là cơ quan soạn thảo) phải lấy ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có trách nhiệm tự quyết định hình thức tổ chức lấy ý kiến, thu thập ý kiến các tổ chức thành viên của mình để phản ánh với cơ quan soạn thảo.

3. Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về lao động có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hoàn chỉnh dự thảo và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các bên về dự thảo văn bản, cơ quan soạn thảo phải giải trình rõ; bên có ý kiến khác được quyền bảo lưu và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để có quyết định cuối cùng.

Điều 6. Hội nghị các bên

1. Hội nghị tổ chức theo hai hình thức:

Hội nghị định kỳ;

Hội nghị đột xuất.

Thành phần hội nghị gồm đại diện các bên; khi cần thiết có thể mời đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan khác.

2. Hội nghị định kỳ được tổ chức 6 tháng một lần, nhằm:

a) Xây dựng chương trình kế hoạch phối hợp hằng năm giữa các bên;

b) Kiểm điểm việc thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra;

c) Đề xuất với các cơ quan nhà nước những vấn đề thuộc các nội dung quy định tại Điều 3 Nghị định này.

3. Hội nghị đột xuất được tổ chức theo đề nghị của ít nhất một bên hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc theo vụ việc có tính cấp bách liên quan đến chính sách, pháp luật lao động hoặc giải quyết các quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.

4. Kết quả hội nghị phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi cho các bên để thực hiện.

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

1. Chủ trì xây dựng chính sách, pháp luật lao động và lấy ý kiến các bên liên quan trước khi trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền;

2. Dự kiến chương trình phối hợp hành động, kiến nghị và biện pháp giải quyết;

3. Tổ chức và chủ trì hội nghị định kỳ, đột xuất; tổng hợp báo cáo kết quả của Hội nghị gửi các bên liên quan;

4. Tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động;

5. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp, hợp tác với Liên đoàn lao động cấp tỉnh và Hiệp hội các doanh nghiệp tại địa phương tổ chức thực hiện pháp luật lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp;

6. Tổng hợp, báo cáo kết quả hội nghị, kết quả thực hiện chương trình, đề xuất các giải pháp duy trì và phát triển quan hệ lao động lành mạnh gửi các bên liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

7. Bảo đảm kinh phí tổ chức hội nghị từ nguồn ngân sách nhà nước.

Điều 8. Trách nhiệm phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

1. Phối hợp, tổ chức tổng hợp ý kiến về chính sách pháp luật và các vấn đề liên quan tới quan hệ lao động, quy định tại Điều 3 Nghị định này;

2. Phối hợp, hợp tác với các bên liên quan trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật lao động và giải quyết các vấn đề liên quan tới quan hệ lao động;

3. Chỉ đạo công đoàn các cấp giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật lao động và phối hợp với các bên liên quan giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động ở các doanh nghiệp tại địa phương và tổng hợp báo cáo tình hình về quan hệ lao động lên cấp trên;

4. Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc phối hợp với các bên liên quan để thảo luận tại hội nghị các bên và tham gia hội nghị các bên theo quy định của Nghị định này;

5. Có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 9. Trách nhiệm phối hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

1. Phối hợp, hợp tác với các bên liên quan trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật lao động và giải quyết các vấn đề liên quan tới quan hệ lao động;

2. Phối hợp và tổ chức lấy ý kiến về chính sách, pháp luật lao động, các vấn đề liên quan tới quan hệ lao động quy định tại Điều 3 Nghị định này;

3. Chỉ đạo các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức thành viên của mình tại địa phương phối hợp với các bên liên quan tổ chức thực hiện pháp luật lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tổng hợp và tổng hợp báo cáo tình hình quan hệ lao động theo hệ thống tổ chức của mình (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoặc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam);

4. Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hành động của tổ chức mình trong việc phối hợp với các bên liên quan để thảo luận tại hội nghị các bên và tham gia hội nghị các bên theo quy định của Nghị định này;

5. Có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 145/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật Lao động về việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động tham gia với cơ quan nhà nước về chính sách, pháp luật và những vấn đến có liên quan đến quan hệ lao động

  • Số hiệu: 145/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/07/2004
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 24/07/2004
  • Số công báo: Từ số 47 đến số 48
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản