Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 124-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ ƯU ĐÃI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH VÀ DÂN QUÂN, DU KÍCH, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TẬT BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 980-TTG NGÀY 27-07-1956

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 980-TTg ngày 27 tháng 7 năm 1956 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ ưu đãi thương binh, bệnh binh, và dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ thương binh;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay bãi bỏ điều 7 của điều lệ ưu đãi thương binh, bệnh binh và dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật ban hành theo Nghị định số 980-TTg ngày 27 tháng 7 năm 1956, và quy định lại như sau:

“Điều 7 (mới) – Thương binh ở trại về địa phương sản xuất hay an dưỡng được hưởng một khoản trợ cấp ra trại”.

Thể lệ trợ cấp ra trại ấn định như sau:

Điều 2. – Thương binh ở trại về địa phương sản xuất hay an dưỡng được hưởng một khoản trợ cấp bằng 6 tháng sinh hoạt phí lĩnh trong thời gian ở trại.

Sinh hoạt phí gồm có tiền ăn, tiền tiêu vặt và tiền may mặc. Tiền may mặc ấn định là 6000 đồng một tháng.

Điều 3. – Thương binh có con cùng ở trại và được hưởng phụ cấp con, nếu về địa phương thì được hưởng thêm sáu tháng phụ cấp con.

Vợ của thương binh miền Nam đang ở trại cùng đi sản xuất với chồng hưởng theo chế độ thi hành chung đối với vợ cán bộ, đồng bào miền Nam đi sản xuất.

Điều 4. – Nữ thương binh đang có thai, nếu ra trại, được lĩnh khoản phụ cấp về sinh đẻ theo chế độ đã quy định đối với nữ thương binh ở trại và được trợ cấp thêm 2 tháng sinh hoạt phí.

Điều 5. – Thương binh ra trại về địa phương sản xuất hay an dưỡng được cấp tiền xe, tàu, tiền ăn đi đường cho bản thân và gia đình, nếu có gia đình đi theo.

Điều 6. – Thương binh ở trại đi sản xuất tập đoàn ( vì không có cơ sở sản xuất ), ngoài những khoản trợ cấp theo chế độ chung của thương binh, được hưởng thêm chế độ của các tổ chức tập đoàn, quy định đối với cán bộ ra ngoài biên chế theo điều 10 Nghị định số 594-TTg ngày 11 tháng 12 năm 1957 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt đối với những thương binh đi sản xuất tập đoàn, nếu xét thời gian quá sáu tháng mới có thể tự túc được, thì có thể giúp đỡ thêm cho mỗi thương binh một khoản trợ cấp tính bằng nửa suất sinh hoạt phí từ ba đến sáu tháng, và một bộ quần áo. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thương binh sẽ quy định những thể lệ trợ cấp kể trên.

Điều 7. – Dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bệnh binh, quân nhân phục viên, quân nhân giải ngũ ở trại về địa phương sản xuất hay an dưỡng cũng được hưởng các khoản trợ cấp nói trên.

Điều 8. – Những thể lệ về trợ cấp trên đây thi hành từ ngày ban hành nghị định này.

Những điều khoản về trợ cấp cho thương binh về địa phương trong bản tiêu chuẩn cung cấp cho thương binh ở trại, đính kèm theo nghị định số 242-TB-NĐ ngày 31 tháng 3 năm 1957 của Bộ trưởng Bộ Thương binh nay bãi bỏ.

Điều 9. – Bộ trưởng Bộ Thương binh sẽ quy định những chi tiết thi hành nghị định này.

Điều 10. – Các ông Bộ trưởng Bộ Thương binh, Bộ Tài chính, và các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phan Kế Toại

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 124-TTg năm 1958 sửa đổi điều lệ ưu đãi thương binh, bệnh binh và dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật ban hành kèm theo Nghị định 980 do Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 124-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 25/02/1958
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản