Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÓNG MỚI, HOÁN CẢI, SỬA CHỮA TÀU BIỂN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định Điều kiện kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Nghị định này quy định về Điều kiện kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển, trừ cơ sở chỉ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển phục vụ Mục đích quốc phòng, an ninh và cơ sở chỉ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu cá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở đóng tàu loại 1 là cơ sở có đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tất cả các loại tàu biển.

2. Cơ sở đóng tàu loại 2 là cơ sở có đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải các loại tàu biển chở khách có sức chở dưới 100 hành khách; tàu biển không phải là tàu chở khách có chiều dài thiết kế nhỏ hơn 90 m, trừ tàu chở dầu có tổng dung tích từ 1.000 GT trở lên, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm, tàu chở xô khí hóa lỏng.

3. Đóng mới tàu biển là quá trình chế tạo tàu biển từ khi đặt sống chính đến khi bàn giao đưa tàu vào khai thác.

4. Hoán cải tàu biển là việc làm thay đổi một trong số các thông số sau của tàu:

a) Kích thước chính;

b) Công dụng;

c) Mức độ phân khoang thân tàu;

d) Thể tích chứa hàng;

đ) Khu vực chở khách.

5. Sửa chữa tàu biển là hoạt động sửa chữa phục hồi tàu biển trên triền đà, ụ tàu hoặc mặt bằng sửa chữa sau khi tàu được đưa lên khỏi mặt nước.

Điều 4. Điều kiện chung

1. Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển là doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển phải tuân thủ các Điều kiện quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Chương II

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÓNG MỚI, HOÁN CẢI TÀU BIỂN

Điều 5. Điều kiện về cán bộ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng và thợ đóng tàu

1. Cơ sở đóng tàu phải có bộ phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng riêng biệt đáp ứng yêu cầu đóng mới, hoán cải tàu biển, với số lượng cán bộ tối thiểu của mỗi bộ phận, cụ thể như sau:

a) Đối với cơ sở đóng tàu loại 1: 04 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 04 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tàu thủy;

b) Đối với cơ sở đóng tàu loại 2: 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 01 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tàu thủy.

2. Cán bộ kỹ thuật và kiểm tra chất lượng phải có tối thiểu 24 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng mới, hoán cải hoặc sửa chữa tàu biển.

3. Cơ sở đóng tàu với thân tàu bằng vật liệu kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 05 thợ hàn kim loại, 02 thợ cơ khí, 03 thợ điện và 03 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển. Thợ hàn kim loại phải có chứng chỉ chứng nhận trình độ chuyên môn phù hợp theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển hoặc tương đương.

4. Cơ sở đóng tàu với thân tàu bằng vật liệu phi kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 03 thợ chế tạo vỏ tàu thủy, 01 thợ cơ khí, 01 thợ điện và 02 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển.

Điều 6. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị

Đảm bảo có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển.

Điều 7. Điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ

1. Có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động và Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

2. Có đủ Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

Điều 8. Điều kiện về bảo vệ môi trường

1. Đảm bảo có đủ các phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu để xử lý theo quy định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra mà Việt Nam là thành viên (Công ước MARPOL).

2. Có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

3. Đảm bảo có đầy đủ nhân lực, hệ thống, công trình, thiết bị quản lý và xử lý chất thải phát sinh tại cơ sở theo quy định tại Điều 68 Luật bảo vệ môi trường.

Điều 9. Điều kiện về hệ thống quản lý chất lượng

1. Cơ sở đóng tàu loại 1 phải thiết lập và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương, hệ thống quản lý an toàn và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 hoặc tương đương.

2. Cơ sở đóng tàu loại 2 phải thiết lập các quy trình công việc đóng mới và hoán cải tàu biển phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển.

Chương III

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ SỬA CHỮA TÀU BIỂN

Điều 10. Điều kiện về cán bộ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng và thợ sửa chữa tàu

1. Cơ sở sửa chữa tàu biển phải có bộ phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng riêng biệt đáp ứng yêu cầu sửa chữa tàu, mỗi bộ phận phải có tối thiểu 01 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 01 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 01 người có trình độ trung cấp chuyên ngành hoặc cao đẳng nghề điện tàu thủy.

2. Cán bộ kỹ thuật và kiểm tra chất lượng phải có tối thiểu 12 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng mới, hoán cải hoặc sửa chữa tàu biển.

3. Cơ sở sửa chữa tàu với thân tàu bằng vật liệu kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 03 thợ hàn kim loại, 01 thợ cơ khí, 01 thợ điện và 02 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển. Thợ hàn kim loại phải có chứng chỉ chứng nhận trình độ chuyên môn phù hợp theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển hoặc tương đương.

4. Cơ sở sửa chữa tàu với thân tàu bằng vật liệu phi kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 02 thợ chế tạo vỏ tàu thủy, 01 thợ cơ khí, 01 thợ điện và 01 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển.

Điều 11. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị

Đảm bảo có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển.

Điều 12. Điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ

1. Có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động và Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

2. Có đủ Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

Điều 13. Điều kiện về bảo vệ môi trường

1. Đảm bảo có đủ các phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu để xử lý theo quy định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra mà Việt Nam là thành viên (Công ước MARPOL).

2. Có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Nghị đinh số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

3. Đảm bảo có đầy đủ nhân lực, hệ thống, công trình, thiết bị quản lý và xử lý chất thải phát sinh tại cơ sở theo quy định tại Điều 68 Luật bảo vệ môi trường.

Điều 14. Điều kiện về hệ thống quản lý chất lượng

Cơ sở sửa chữa tàu biển phải thiết lập các quy trình công việc sửa chữa tàu biển phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển.

Chương IV

CÔNG NHẬN, CÔNG NHẬN LẠI CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐÓNG MỚI, HOÁN CẢI, SỬA CHỮA TÀU BIỂN

Điều 15. Thẩm quyền công nhận, công nhận lại cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển

Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công nhận, công nhận lại cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển theo quy định của Nghị định này và công bố danh sách các cơ sở đủ Điều kiện trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Điều 16. Hồ sơ, thủ tục công nhận, công nhận lại cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển

1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Mô tả cơ sở vật chất cần thiết liên quan đến sản xuất (sơ đồ cơ sở, văn phòng làm việc, nhà xưởng, nhà kho, các trang thiết bị sản xuất, các thiết bị đo và kiểm tra);

c) Sổ tay chất lượng cùng với các tài liệu liên quan và các quy trình được lập thành hồ sơ, bao gồm cả các hồ sơ về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

d) Danh sách cán bộ kỹ thuật và kiểm tra chất lượng kèm bản sao chụp các chứng chỉ, bằng cấp có liên quan.

3. Khi Thông báo cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển hết hiệu lực, hoặc khi cơ sở đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung các hạng Mục đã được công nhận đủ Điều kiện, thì tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị công nhận lại đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Báo cáo tình hình hoạt động của cơ sở trong thời gian từ khi được công nhận, công nhận lại;

c) Các tài liệu quy định tại các Điểm b, c và Điểm d Khoản 2 Điều này trong trường hợp có sự thay đổi.

4. Thủ tục công nhận, công nhận lại cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển:

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nhận, công nhận lại cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận, công nhận lại cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển; trả các chi phí liên quan đến việc đánh giá, thẩm định theo quy định của pháp luật;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này; nếu hồ sơ hợp lệ thì trả lời bằng văn bản và thống nhất thời gian đánh giá thực tế tại cơ sở trong thời hạn không quá 05 ngày;

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá thực tế tại cơ sở. Nếu kết quả đánh giá đạt, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Thông báo cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và công bố danh sách các cơ sở đủ Điều kiện trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế tại cơ sở.

Nếu kết quả đánh giá không đạt, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải có văn bản gửi cơ sở nêu rõ lý do không đạt trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế tại cơ sở.

Điều 17. Thời hạn hiệu lực của Thông báo cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển

Thời hạn hiệu lực của Thông báo cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển là 05 năm tính từ ngày cấp.

Điều 18. Thu hồi Thông báo cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam thu hồi Thông báo cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển trong các trường hợp sau:

a) Theo đề nghị của cơ sở;

b) Hệ thống quản lý chất lượng không được duy trì theo đúng quy định;

c) Không duy trì các Điều kiện theo quy định của Nghị định này trong quá trình hoạt động.

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam gửi văn bản thu hồi Thông báo cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này đến cơ sở và xóa tên trong danh sách các cơ sở đủ Điều kiện trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:

a) Thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển;

b) Chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức, hướng dẫn, đánh giá công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển theo quy định tại Nghị định này; định kỳ 05 năm một lần tổ chức kiểm tra chuyên ngành hoặc đột xuất để đảm bảo cơ sở duy trì các Điều kiện theo quy định tại Nghị định này; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, đánh giá, công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển và quản lý các dữ liệu có liên quan; báo cáo kết quả thực hiện công tác đánh giá, công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển theo quy định;

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm việc thực hiện các quy định về kinh doanh và Điều kiện kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển theo quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

d) Tổ chức xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan tới cơ sở đóng mới, hoán cải và sửa chữa tàu biển đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của công nghệ đóng tàu trong nước và trên thế giới.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể về kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể về kế hoạch phòng, chống cháy nổ đối với các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị đo lường, kiểm tra theo quy định của pháp luật về đo lường.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển hoạt động trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

6. Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển có trách nhiệm thực hiện các quy định về Điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật; duy trì các Điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.

Điều 20. Chế độ thanh tra, kiểm tra Điều kiện kinh doanh

Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển chịu sự thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của cơ quan có thẩm quyền về Điều kiện kinh doanh và trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Điều 22. Điều Khoản chuyển tiếp

Các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển được thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn tiếp tục được hoạt động và phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

Điều 23. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 111/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển

  • Số hiệu: 111/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/07/2016
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 31/08/2016
  • Số công báo: Từ số 895 đến số 896
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản